Tiểu Sử Và Sự Nghiệp Sáng Tác Của Y Phương.

nước An Giang khiến cho tác giả say mê, ám ảnh trước vẻ đẹp dân dã của loài hoa nở vào dịp cuối xuân này: “Nở đỏ bờ kênh, gò đất, làm đẹp xóm làng, làm vui bờ kênh vắng vẻ”[28]. So sánh vẻ đẹp của hoa ô môi với vẻ đẹp của hoa đào, người con của sông nước An Giang ấy bộc bạch tâm tư tình cảm của mình với bao kỷ niệm gắn bó cùng loài hoa thân thuộc của quê hương.

Trong tản văn “Sử thi buồn” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên tắc tôn trọng “người thật, việc thật” trong tản văn không phải là “chụp ảnh” nguyên xi hiện thực, mà là cái cớ để từ đó người viết mở rộng trường liên tưởng của mình về quá khứ mờ xa, đào sâu nhằm phát hiện nhưng ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị từ những “người thật việc thật” ấy. Trong “Sử thi buồn”, hình ảnh sông Hương trở thành tín hiệu thẩm mĩ trung tâm, để từ đó, nhà văn mở rộng trường liên tưởng tới sông Hoàng Hà trong thơ Lý Bạch, đến những người bạn văn chương của nhà thơ từng xao xuyến với sông Hương như Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, để cuối cùng nhà văn mở rộng suy tư khi liên tưởng dòng sông Hương với dòng sông lịch sử - dòng sông văn hóa đã chảy qua kinh thành Huế mà phù sa trầm tích lại là bao tác phẩm văn chương nghệ thuật đã ra đời trên mảnh đất đế đô này: “Có một chiều sương sa, sông Hương mịt mù như cả con sông Ngân Hà đang xuống trần và trôi qua trước mắt tôi. Chợt hiện ra một vệt lửa lung linh tiến dần về phía tôi (...) tôi giật mình kêu lên con thuyền Phan Bội Châu...”[54]

Nếu như truyện ngắn, tiểu thuyết sử dụng hư cấu tự do thì cả tản văn và ký văn học, dù vẫn tôn trọng nguyên tắc tái hiện “người thật việc thật”, nhưng vẫn sử dụng hư cấu có hạn chế trong những phạm vi và ở những mức độ nhất định. Hư cấu có hạn chế được sử dụng trong tản văn ở một số phương diện sau đây:

Sự thật trong đời sống như một tảng đá hoa cương xù xì thô nhám, người viết tản văn như một nghệ sĩ điêu khắc phải biến tảng đá xù xì kia thành một pho tượng tuyệt mĩ. Cũng chỉ là đá hoa cương kia thôi, nhưng người viết tản văn đã phải “đục đẽo” loại bỏ những gì thừa thãi, không cần thiết, sửa sang, gọt rũa, để biến khối đã thành pho tượng. Công việc ấy đã là hư cấu nghệ thuật rồi. Trong tản văn “Ở Đà Tẻ tôi có một que tăm”, Y Phương kể chuyện về một người cháu gái gọi nhà văn là cậu ruột tên là Hoàng Thị Đăm nhà văn không kể lại toàn bộ số phận của người cháu gái này mà chỉ nhấn mạnh đến quãng đời xa xứ của người cháu gái và niềm vui gặp gỡ

đến trào nước mắt: “Cháu tôi như một cây phong lá đỏ, ở gần nhà ông bà. Cây phong hớn hở chạy như lao ra, ôm chầm lấy tôi. Nó thì cười hết cỡ, còn tôi thì khóc. Khóc mà không thành tiếng. Khóc thầm trong ruột” [13]

Hư cấu có hạn chế trong tản văn còn được sử dụng để tái hiện lại những bức tranh thiên nhiên và bức tranh xã hội đã một đi không trở lại cùng thời gian. Nhà văn chỉ có thể làm sống lại những hình ảnh chỉ còn trong kí ức bằng hư cấu. Đây là “Tết quê” hiện về trong hồi ức của Trọng Bảo và cũng nhờ bức tranh vẽ bằng hoài niệm ấy, thế hệ trẻ hôm nay mới biết tết quê ngày xưa có những gì mà làm bao người đọc lại nhói lòng đến vậy: “Ngày tết năm xưa có bao nhiêu trò chơi như bịt mắt đập niêu, đi xe đạp đốt pháo, kéo co, đánh vật, chơi cờ tướng... Tiếng trống mùa xuân hội làng nghe náo nức. Bây giờ về quê...”[55]

Hư cấu có hạn chế trong tản văn được sử dụng nhiều nhất và có hiệu quả nhất so với kí văn học. Ở đây, “người thật việc thật” được chọn làm “tâm điểm” để từ đó mở ra bao nhiêu vòng sóng “đồng tâm” - Những dòng sóng liên tưởng, tưởng tượng có sự hòa nhuyễn của cả cảm xúc và suy tư, để từ hiện tại trở về quá khứ nghìn năm trước hay mơ tới tương lai trăm năm sau. Từ một bát phở Việt mà Nguyễn Tuân suy ngẫm và tôn vinh giá trị của văn hóa ẩm thực Việt.[28]. Từ một bát cháo ăn liền đựng trong một chiếc cốc giấy, tác giả Lưu Dung trong tản văn “Bát cháo của cha” cũng trở về với quá khứ 57 năm trước, sử dụng hư cấu để tái hiện chân dung người cha cùng bát cháo nghèo. [28]

Trong tản văn, hư cấu có hạn chế còn được sử dụng khi đặt sự vật, sự việc và con người vào những trường liên tưởng có tính “lạ hóa”, nhằm tạo ra những vẻ đẹp mới, giá trị mới cho những đối tượng không mới, để sự vật, sự việc quen thuộc ấy vẫn là nó mà không chỉ là nó, độc đáo hấp dẫn và mới mẻ lạ thường. Chúng ta hãy nghe Y Phương miêu tả nước mắt của người chị xa quê trong tản văn “Chị em”: “Không thấy bóng dáng người anh chị em ruột thịt. Không biết nói tiếng Tày cùng ai. Vậy nên nước mắt tan chảy dưới làn da mặt. Nước mắt không sao thoát nổi ra ngoài. Nước mắt ngấm qua từng chân tóc. Làm cho chúng khô ròn như nướng”[13]. Hoặc là hư cấu được sử dụng trong tản văn “Rơm” của Tạ Duy Anh: nhân vật trần thuật xưng “tôi” nhớ lại một đêm nằm trong ổ rơm mà nghe tiếng rơm thì thầm từ kiếp trước: “Tôi cuộn tròn trong ổ rơm nghe tiếng

thì thầm từ kiếp trước: Rơm hy vọng cho tương lai” [ 55]. Tiếng nói của rơm thật kỳ diệu, có được nhờ hư cấu nghệ thuật (bởi nếu chỉ tả người thật, việc thật thì làm sao nghe được tiếng rơm thì thầm từ kiếp trước đã gợi liên tưởng đến những câu thơ có suy tư gần gũi với ý tưởng của Tạ Duy Anh:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

“Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no Riêng hơi ấm nồng nàn như lửa Từ những cọng rơm xơ xác gầy gò Cái vị ngọt nên hương của lúa Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”

(Nguyễn Duy - Hơi ấm ổ rơm)

Đặc sắc tản văn Y Phương - 3

Đặc biệt hư cấu có hạn chế được người viết tản văn sử dụng để tái hiện tâm trạng vốn mơ hồ của nhân vật trong tác phẩm của mình. Trong tản văn “Sử thi buồn”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sử dụng hư cấu có hạn chế để tái hiện chân dung và tâm trạng bà Trần Thị Nữ - người chèo đò cho cụ Phan Bội Châu suốt 15 năm ở Huế: “Hơn 40 năm sau ngày cụ Phan qua đời, tôi được gặp bà Trần Thị Nữ, người chèo đò cho cụ Phan suốt 15 năm ở Huế. Được biết trong bấy nhiêu năm, bà đã như quên hết chuyện đời, chỉ giữ lại một tấm lòng cô trung với nhà yêu nước vĩ đại. Bà kể lại với mọi người đến thăm vô vàn những kỷ niệm về cụ Phan, và nhiều đêm như người mộng du bà quanh quẩn giữa cây lá trong vườn, ngâm vang “Hải ngoại huyết thư” trong tiếng đại bác dội vào thành phố”.[54]

Thứ tư Tản văn sử dụng phương thức nghệ thuật tự do linh hoạt - đa bút pháp.

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, trong tản văn, chúng ta bắt gặp chất thơ cùng sự cô đọng hàm xúc, những hình ảnh mang tình biểu tượng rất giống với đặc trưng của tác phẩm trữ tình, sự dồn nén dung lượng hiện thực tối đa vào phạm vi câu chữ ngắn ngọn, cùng ý tứ, cốt truyện của truyện ngắn, viết về “người thật, việc thật” và nguyên tắc tự biểu hiện của cái “tôi” tác giả giống như tác phẩm ký văn học...Với thế mạnh này, tản văn là thể loại có thể dung hòa mọi phương thức nghệ thuật như tự sự, trữ tình, ký, nghị luận chính trị xã hội. Và tương ứng với phương thức nghệ thuật tự do linh hoạt này là sự đa dạng của các bút pháp nghệ thuật. Đây là một nhận định có tính khái quát chung cho thể loại tản văn. Còn ở mỗi tản văn

riêng lẻ thường chỉ sử dụng một bút pháp nghệ thuật, tô đậm một sắc thái thẩm mĩ mà thôi. Chẳng hạn như một số tản văn của Phùng Tất Đắc, nghèo chất thơ nhưng lại giàu chất văn xuôi, gắn với sự xù xì, thô nhám của đời thường đa tạp. Ông dùng bút pháp của thể văn nghị luận chính trị, xã hội để mổ xẻ, phân tích, lí giải về những “ung nhọt” của xã hội Việt Nam trước 1945. Trong tản văn “Lời người bán cám”, nhà văn tái hiện một cảnh tượng bi thảm xuất hiện ở một chợ thuộc tỉnh Nam: “Nhân khi ngồi trong một hàng bán cám ở tỉnh Nam, tôi thấy mấy người nhà quê đang cúi lom khom trên mấy nong cám, lấy tay vốc một chút bỏ vào mồm, nếm ra vẻ ngon lành lắm”. Thì ra đó là những người đói ăn giả vờ đi mua cám, lấy cớ nếm cám để kiếm chút thức ăn cho qua cơn đói khát. Từ việc nếm cám kể trên, nhà văn bàn luận tới số phận khốn khổ của người dân quê Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt này: “Thời buổi văn mình vật chất mà có người cơ cực về vật chất còn hơn loài cầm thú”[28]. Để rồi sau khi phân tích, luận giải về thảm cảnh trên, nhà văn kín đáo mỉa mai các chính sách hà khắc của thực dân phong kiên đã đẩy đồng bào ta đến bước đường cùng.

Ngược lại với bút pháp hiện thực, cùng những yếu tố của thể văn nghị luận chính trị xã hội xuất hiện trong tản văn của Phùng Tất Đắc, chúng ta gặp chất thơ và bút pháp trữ tình trong tản văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Sương mù là một nét phong vận riêng của sông Hương, xuất hiện khoảng cuối xuân đến đầu hạ vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh; cũng nhiều khi ghé lại bất ngờ như một gã lãng du. Nhiều tháng dài thành phố hư ảo trong sương, dòng sông mịt mù trôi trong cơn mê dại, chỉ còn ánh lửa thuyền chài lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng”[54]

Còn đây là bút pháp tả thực với giọng điệu bông đùa, suồng sã rất gần gũi với thể ký “bám sát” người thật việc thật: “Truyện tranh vào Việt Nam từ năm 1992, cuốn Doremon của nhà xuất bản Kim Đồng. Chú Nguyễn Thắng Vu một lần tình cờ đi công tác ở Nhật, bất ngờ “chộp” được một bộ Doremon, thế là chú đem về Việt Nam in rồi bán thật thà hơn đếm. Mà chú ấy là giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng mới gớm, cũng may chú Thắng ngây thơ như thế, thì mình mới có Doremon mà đọc, chứ chú mà đàm phán bản quyền thì chắc giá bản quyền sẽ làm chú ngất lên ngất xuống, mà mình sẽ chắng có đếch truyện gì mà đọc” [56]

Nếu như hàng loạt tản văn của Băng Sơn đều giàu chất thơ và sử dụng bút pháp trữ tình như “Quả thu”, “Hoa xuân”, “Chim thành phố”... thì tản văn của Nguyễn Ngọc Tư lại gần gũi với truyện ngắn và ký: “Sư tử không ăn cỏ” có sự “pha trộn” trong bút pháp vừa tự sự vừa trữ tình, vừa có chút trào phúng: “Ờ, bản chất siêu nhân là đánh nhau, không thì năm anh em đó thành lập ban nhạc chớ làm siêu nhân chi? Mà kẻ xấu lộng hành vậy siêu nhân không đánh thì ai đánh???”[55]. Như vậy, dù thể loại tản văn ở nước ngoài và ở Việt Nam vẫn còn những định nghĩa khác nhau, và điều đó là tất yếu bởi thực tiến sáng tác của tản văn thì phong phú sinh động và đang biến đổi không ngừng trong sự giao thoa - tiếp biến với các thể loại văn học khác, mà lý thuyết được sử dụng để định danh tản văn thì ít nhiều vẫn có sự hạn hẹp, tính quy phạm, cùng sự “chậm chạp” của nó. Tuy nhiên, qua khảo sát hàng loạt tản văn xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, qua một loạt tên tuổi tiêu biểu đã “vang bóng một thời” như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, đến những cây bút viết tản văn tiêu biểu gần đây như Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Tư, Y Phương... Chúng tôi mạnh dạn đưa ra cách hiểu còn hạn hẹp của mình về khái niệm tản văn và khắc họa một số đặc trưng cơ bản của thể loại văn học có cấu trúc thể loại chưa hoàn kết này. Chúng ta sẽ bắt gặp một số đặc trưng của truyện ngắn, ký, thơ, văn nghị luận trong tản văn. Bởi vậy mà có sự “chung sống hòa bình” của rất nhiều phương thức nghệ thuật khác nhau, bút pháp nghệ thuật khác nhau trong thể loại văn học tưởng chừng rất nhỏ bé và khiêm tốn này.

1.1.2. Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Y Phương.

Nhà thơ Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước. Ông sinh 24/12/1948 tại Trùng Khánh - Cao Bằng hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1968, sau đó ông học trường Điện Ảnh Việt Nam khóa 1976 - 1979 rồi chuyển ngành (1981). Y Phương theo học trường viết văn Nguyễn Du khóa 1983 - 1985. Ông từng đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng, là chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, từng là ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa 6, và hiện đang công tác tại Hội nhà văn Việt Nam.

Y Phương bắt đầu làm thơ và có sáng tác đăng báo từ khi còn là một chiến sĩ bộ đội đặc công. Ông đến với thơ, và gắn bó với thơ như một duyên nghiệp và lẽ sống.

Ông là một nhà thơ xuất sắc với sự nghiệp văn chương đáng khâm phục, là tác giả của sáu tập thơ và hai tập tản văn, và đã đạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật.

Các tác phẩm tiêu biểu:

Tiếng hát tháng giêng (thơ, 1986)

Lời chúc (thơ, 1987)

Đàn then (thơ, 1996)

Thơ Y Phương (thơ, 2000)

Thất tàng lồm (Ngược sóng, thơ song ngữ Tày - Việt, 2006)

Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm (Tản văn), 2009

Kungfu người Co Xàu (chân dung và tản văn 2010) Giải thưởng:

Giải A Hội nhà văn Việt Nam, 1987 (Tiếng hát tháng giêng - thơ) Giải A Hội nhà văn Việt Nam, 1992 (Lời chúc - thơ)

Giải B (không có giải A) Bộ quốc phòng, 2000 (Chín tháng - Trường ca) Giải Nhất cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984 (Chùm thơ:

Phòng tuyến Khau Liêu, Tên Làng, Nói với con)

Và nhiều giải thưởng khác của Tuần báo Văn nghệ.

Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật (3 tập thơ Tiếng hát tháng giêng, Chín tháng, Lời chúc)

Hồn thơ Y Phương là sự kết tinh từ khả năng nghệ thuật thiên phú, từ một quá trình lao động nghệ thuật gian khổ và đã trở thành lẽ sống, từ vốn văn hóa sâu rộng được khởi nguồn từ nền văn hóa Tày đặc sắc. Và sâu thẳm hơn cả là một tình yêu lớn dành cho quê hương đất nước của Y Phương.

* Vài nét về thơ của Y Phương

Y Phương là một gương mặt xuất sắc của nền thơ Tày hiện đại, bên cạnh Dương Thuấn, Mai Liễu. Thơ ông đã có một vị trí danh dự trên thi đàn Việt Nam đương đại. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo, luận văn tìm hiểu về thơ của Y Phương. Chúng tôi muốn khái lược một số nhận xét về thơ Y Phương của một số nhà nghiên cứu - phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn nổi

tiếng, để từ đó có thêm hiểu biết toàn diện về cá tính sáng tạo độc đáo của Y Phương - một “chìa khóa” quan trọng để “mở cánh cửa” ngôi nhà nghệ thuật gồm cả thơ và tản văn của nhà thơ này.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã ví tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng” của Y Phương như “đóa hoa đầu mùa” hứa hẹn một mùa hoa rực rỡ sẽ xuất hiện sau đó: “câu thơ anh tự do phóng khoáng như một bản nhạc của núi rừng (...) Y Phương là nhà thơ, một nhà thơ miền núi mới mẻ, thơ anh vừa dân tộc, nhưng có cái gì hiện đại, hôm nay và mai sau” [12,246]. Sau nhận xét này của Tế Hanh, nhà thơ Phạm Hổ cũng dành cho “Tiếng hát tháng Giêng” của Y Phương những tình cảm yêu mến, trân trọng: “đọc thơ hay tôi thường bàng hoàng và sửng sốt (...) tôi đã trân trọng và yêu quý thơ anh ngay từ đầu” [12,248].

Nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn lại chỉ ra những triết lý nhân sinh không “đại ngôn” mà trầm lắng, ẩn kín vì được chắt lọc từ “những vị đời anh từng nếm trải trên những bước đường ấy” [12,259]. Chu Văn Sơn còn phát hiện ra “chất suy tư” và giọng điệu trữ tình chủ đạo trong thơ của Y Phương: “cái điềm tĩnh của suy tư, không phải lối sôi nổi giãi bày cảm xúc, kể lể lại sự kiện cho đã, cho thỏa mãn cái tôi, tất cả đã lắng vào suy tư, suy tư lắng vào những câu gọn, chắc ngỡ chỉ thuần duy lí, ngỡ khước từ tất cả những vần nhạc thông thường” [15,268]. Đặc biệt, Chu Văn Sơn nhấn mạnh sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố truyền thống và hiện đại trong thơ của Y Phương: “Yếu tố hiện đại đã tìm thấy một cơ chế kết hợp hợp lí nào đó với yếu tố truyền thống, điều khiến cơ chế ấy không thể là gì khác hơn lòng thiết tha với quê hương xứ sở, dân tộc” [12,269].

Tập thơ “ Lời chúc”của Y Phương là tiếng hát mới của Y Phương, vẫn giọng điệu ấy nhưng ngân xa và trầm sâu hơn: “không bằng lòng với cách diễn đạt cũ, cố gắng tìm cách nhìn, cách nói mới với những chuyện vốn là muôn thuở, có được những bài, những câu như vậy trong tình hình thơ hiện nay thật quý” [12,201]. Nhà thơ Trúc Thông lại phát hiện một năng lực văn hóa hiếm có của Y Phương: không chỉ tái hiện bản sắc văn hóa Tày của mình mà còn tiếp tục khám phá về văn hóa dân tộc mình: “Y Phương căng thẳng xuyên sâu vào những tầng vỉa vô hình của đời sống dân tộc anh (...) Y Phương không yêu dân tộc mình ở đầu lưỡi, lạm dụng chất

dân tộc. Qua tất cả những cảnh, hướng sinh hoạt vật chất và tinh thần hiện thực, những đam mê và đau khổ trần trụi, những chìm lặng không sao nói hết và sự thật cuộc đời...Y Phương tiếp tục phát hiện về dân tộc mình” [12, 273].

Tập thơ “Đàn then” của Y Phương ra đời và tiếp tục nhận được sự yêu quý trân trọng của độc giả và các nhà nghiên cứu phê bình văn học: “bằng bút pháp điêu luyện, ngôn ngữ chọn lọc, giữ được sự tinh tế của tình cảm pha lẫn cái dung dị mộc mạc đầy chất núi rừng” [12,287]

Nhà văn Tạ Duy Anh lại có cách ví von độc đáo để đánh giá về thơ Y Phương: “như rượu ngon, thơ ông càng để lâu càng ngấm thời gian, có điều kiện để thanh lọc những tạp chất, trở nên tinh khiết; ông biết nhấn xuống cái ồn ào của bề mặt cuộc sống tìm đến cái tinh chất thơ ngọt ngào chắt ra từ tâm hồn Y Phương, đúng hơn là nó tự trào ra khỏi tâm hồn ông, lại được nấu từ thứ men đắng của cuộc đời ông” [12,291].

Đánh giá trường ca “Chín tháng” của Y Phương, nhà thơ Đỗ Trung Lai viết: “Y phương là một giọng điệu riêng trộn lẫn hài hòa lối nghĩ, lối nói của dân tộc anh với khả năng biểu cảm của tiếng Việt không bị rơi vào cảnh “xếp hàng một phía sau” trong việc viết trường ca như nhiều người làm trường ca khác”[12, 302]. PGS.TS Trần Thị Việt Trung đã đánh giá thơ Y Phương một cách toàn diện trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, đặc biệt khẳng định sự kết hợp cả tinh thần dân tộc và tinh thần hiện đại trong thơ ông: “Có thể khẳng định Y Phương đã vươn tới sự hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác của mình” [37,217]. Có thể nói nhận định này không chỉ đúng với thơ mà còn đúng với tản văn của Y Phương.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã chỉ ra cái “thần” của thơ Y Phương – cũng là mặt mạnh nhất, đặc sắc nhất của thơ ông: “bình dị, chân chất, hồn nhiên, giấu cất mà còn he hé lộ thiên, lặng lẽ mà bùng nổ, nhẩn nha như chính cuộc đời ông, con người ông. Gặp thoáng qua bằng tay xã giao, đọc thoáng qua bằng cặp mắt xa lạ sẽ thấy anh này thơ nhàn nhạt, lạnh lẽo, tửng tưng, cứ nhấp nha nhấp nhổm những núi cùng non. Nhưng nếu dùng tấm lòng để gặp, để đọc Y Phương và thơ anh sẽ không còn thấy nhàn nhạt, lành lạnh nữa mà lại âm ấm, mằn mặn, mặn mòi như thể những câu thơ của ông như thể cũng biết ứa nước mắt vậy” [12, 302].

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 18/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí