Về Cơ Sở Hình Thành Và Sự Phân Bố Nông Trường Quốc Doanh

công nhân hiện có, học tập quân sự theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương [58]. Tất cả đảng viên, đoàn viên đều trở thành dân quân tự vệ. Giám đốc nông trường là đại đội, tiểu đoàn trưởng. Bí thư Đảng ủy là chính trị viên đại đội. Bí thư chi bộ là chính trị viên trung đội. Đội trưởng đội sản xuất là những trung đội trưởng .v.v… Trong đội dân quân tự vệ, ngoài nam giới, lực lượng nữ dân quân cũng chiếm số lượng đông đảo. Nhiều nông trường thành lập các đội nữ dân quân tự vệ, đội nữ xung kích.

Các NTQD đều có bộ phận trực chiến để sẵn sàng chiến đấu. Đội dân quân tự vệ, đội xung kích là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia chiến đấu. Lực lượng tự vệ, đội xung kích của NTQD thường phối hợp với dân quân du kích và bộ đội địa phương tổ chức bắn trả khi máy bay địch càn quét. Mỗi NTQD đều có các đội/tổ tự vệ bắn máy bay. Trong 4 năm (1965-1968), các đội tự vệ của NTQD trực tiếp bắn rơi 14 máy bay, bắn bị thương 30 chiếc khác, bắt sống 15 giặc lái, tham gia phối hợp bắt 5 tên khác và bắt hàng chục biệt kích gián điệp. Ví dụ như đội tự vệ của của Nông trường Việt Trung dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Đội tự vệ của Nông trường 20-4 dùng súng trường bắn rơi trực thăng Mỹ và bắt sống nhiều phi công Mỹ [62]. Đội tự vệ của Nông trường Rạng Đông thường xuyên phối hợp với bộ đội hải quân đánh trả máy bay của đế quốc Mỹ và cứu hàng.

Đội tự vệ của Nông trường Đồng Giao phối hợp với Sư đoàn 367 tổ chức trận địa pháo cao sạ chống trả lại kẻ thù. Tháng 6-1966, quân dân xã Lạng Phong (Nho Quan) bắn trúng 1 chiếc máy bay Mỹ và rơi xuống địa phận của Nông trường Đồng Giao, đội dân quân tự vệ của nông trường bắt sống 1 tên phi công Mỹ trên đỉnh núi cao của đội Đền Dâu. Tháng 8-1966, đội dân quân tự vệ của Nông trường Đồng Giao phối hợp với tiểu đoàn 63 cùng cụm tiền phương 2, bắn hạ 3 máy báy, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Tháng 11-1966, một đơn vị cao xạ đóng trên đất đội Ghềnh bắn rơi 2 máy bay AD6 của giặc Mỹ. Một chiếc trúng đạn bị cắt làm đôi, rơi xuống lô cà phê núi Ba. Tên giặc lái vừa rơi xuống bị quân dân Đồng Giao bắt sống. Năm 1972, đội tự vệ của nông trường bắn rơi máy bay A6 của giặc Mỹ ngay trên bầu trời Ninh Bình [199, tr. 75-77, 130].

Các đội tự vệ của các NTQD ở Nghệ An luôn có khoảng 160 người trực chiến máy bay, 60 trực chiến phòng không. Năm 1967, đội tự vệ của Nông trường 1-5 bắn rơi 1 máy bay F4H và 1 máy bay không người lái. Kể cả đợt chiến tranh phá hoại lần thứ hai, Nông trường 1-5 tham gia trực tiếp chiến đấu 215 trận [329, tr. 58]. Đội

tự vệ của Nông trường 3-2 phối hợp với đơn vị pháo của Sư đoàn 367 bắn rơi 1 máy bay F105. Năm 1972, đội tự vệ của Nông trường Tây Hiếu phối hợp với đơn vị địa phương bắn rơi 1 máy bay và tổ chức 385 trận đánh lớn nhỏ chống trả lại những đợt càn quét của địch [329, tr. 59-60].

Có thể nói, trong những năm chống chiến tranh phá hoại, mỗi cán bộ, công nhân nông trường đều là một chiến sĩ, mỗi NTQD đều là một pháo đài. Nhất là những vùng ven biển và giới tuyến, NTQD thực sự trở thành “phòng tuyến” vững chắc cho miền Bắc XHCN.

Phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam

Cán bộ, công nhân viên NTQD thường xuyên tham gia công tác phục vụ chiến đấu như: vận chuyển hàng hóa, tải lương, tiếp đạn, tiếp lương thực, vận chuyển vũ khí, làm kho xăng, sửa chữa cầu đường, cứu xe bị địch bắn, phá bom nổ chậm, túc trực, cấp cứu cho thương bệnh binh.v.v… Cán bộ, công nhân kỹ thuật được điều động đi làm cầu đường. Công nhân lái xe điều đi tham gia vận tải người và hàng hóa trên các tuyến đường Nam Khu IV, Tây Bắc. Đến cuối năm 1968, toàn NTQD đóng góp hơn 2,5 triệu công phục vụ chiến đấu, tham gia dân công hoả tuyến, vận tải đạn dược, làm kho xăng, đắp ụ pháo, huấn luyện quân sự, cứu trợ hàng và người bị trúng bom đạn [58]. Như Nông trường Đồng Giao có hơn 18.300 lượt người đi dân công hỏa tuyến, đóng góp 42.204 ngày công, 821 lượt xe phục vụ chiến trường [199, tr. 81]. Các NTQD ở Nghệ An luôn có khoảng 90 người thường xuyên trực cấp cứu tải thương phòng cứu cháy. Nông trường 1-5 huy động được hơn 2 triệu ngày công, tháo dỡ 1.300 quả bom, bốc vác sơ tán 3,6 triệu tấn hàng, đào 240 km giao thông hào dọc đường, dẫn đường cho hàng trăm ô tô vào hầm trú, san lấp 8-

540 hố bom đào 2.130 hầm chữ A, 1.500 hầm cá nhân, đào đắp 2,7 triệu m2 đất đá,

đặc biệt còn mở tuyến đường 15B dài 30 km từ dốc Bò Lăn về dốc Lụi. Nông trường Tây Hiếu huy động lực lượng sửa đường, làm đường san lấp hố bom trên tuyến đường 15A [329, tr. 58-60].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

NTQD góp phần không nhỏ chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng năm, lực lượng thanh niên ở các NTQD đều tham gia các đợt tuyển quân. NTQD luôn đảm bảo công tác tuyển quân, cung cấp sĩ quan dự bị, công nhân, cán bộ kỹ thuật... Trong suốt 10 năm (1965-1975) đã có hàng chục vạn công nhân nông trường lên đường vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu. Hơn 1 vạn cán bộ, công

nhân nông trường tham gia nhập ngũ, chiếm 1/6 lực lượng cán bộ, công nhân và gần 1/2 lực lượng thanh niên nông trường [58]. Ví dụ như Nông trường Đồng Giao có tổng số 212 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, hơn 600 người trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường B, C, K [199, tr. 130]. Riêng đợt nhập ngũ tháng 10-1966, Nông trường Rạng Đông có 48 người lên đường Nam tiến [145, tr. 43]. Nông trường Vân Lĩnh có 37 người nhập ngũ [232, tr. 29]. Các NTQD ở tỉnh Nghệ An có 2.515 nhập ngũ. Nông trường 3-2 động viên 785 cán bộ, công nhân lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong [329, tr 59-60]. Nhiều cán bộ, công nhân NTQD đã hi sinh.

Nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975 - 17

Không chỉ góp phần chi viện sức người cho chiến trường, NTQD còn chi viện hàng vạn tấn hàng hóa, lương thực thực phẩm của NTQD được vận chuyển vào chiến trường miền Nam52. Hàng năm, NTQD luôn giao nộp sản phẩm cho Nhà nước: Năm 1965, NTQD cung cấp cho Nhà nước là 19,4 tấn lương thực quy thóc; 759 tấn thịt lợn; 33 tấn thịt gia cầm. Năm 1975, NTQD cung cấp cho Nhà nước là 9,1 tấn lương thực quy thóc; 3.295 tấn thịt lợn; 495 tấn thịt gia cầm [242, tr. 344] và rất nhiều các nông sản khác. Một phần sản phẩm đóng góp của NTQD được đưa vào chiến trường miền Nam. NTQD cung cấp mặt hàng nông sản xuất khẩu như:

nhân cà phê, mủ cao su, hạt tiêu… Đây là một nguồn thu đáng kể cho Nhà nước. Từ nguồn ngoại tệ thu được do xuất khẩu nông sản, Nhà nước dùng để mua vũ khí, thuốc men cung cấp cho chiến trường.

Có thể nói, NTQD không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng XHCN ở miền Bắc mà còn góp phần không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các hoạt động văn h a, xã hội Về giáo dục

Các lớp bổ túc văn hóa, lớp bình dân học vụ vẫn duy trì. Những năm chiến tranh phá hoại, hoạt động bổ túc văn hoá được chuyển hướng theo thời chiến. Cán bộ, công nhân nông trường tranh thủ mọi hoàn cảnh tiếp tục học tập. Nhiều NTQD hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất: Nông trường Sông Lô, Nông trường Lệ Ninh, Nông trường Quyết Thắng, Nông trường Đồng Giao, Nông trường Việt Trung.... Đến năm 1975, nạn mù chữ cơ bản được thanh toán hết. Ngoài

52 Đơn cử như Nông trường Đồng Giao đóng góp 80.000 cây tre, luồng, nứa, 410 m2 gỗ, 43 tấn thực phẩm, 32 tấn lương thực [199, tr. 81].

ra, để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho công nhân viên, NTQD cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn đào tạo, tập huấn chuyên môn; cử đi đào tạo các trường trung học chuyên nghiệp, lớp tại chức, các trường đại học hay cử đi đào tạo tại nước ngoài...

Đối với hệ thống giáo dục phổ thông, các lớp nhà trẻ, mẫu giáo được xây dựng rộng rãi trong từng đội sản xuất, theo từng nhóm, từng khu. Nhà trẻ, mẫu giáo của NTQD nhận trông các cháu nhỏ từ 24 tháng tuổi trở lên để cho công nhân viên tập trung lao động sản xuất. NTQD nào cũng có trường cấp I, cấp II. Một số nông trường kết hợp cùng với chính quyền địa phương xây dựng được cả trường cấp III. Trường học các cấp không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục, học tập cho con em cán bộ, công nhân viên mà còn phục vụ sự nghiệp giáo dục, học tập của nhân dân địa phương và các khu vực xung quanh nông trường.

Về y tế

Mỗi NTQD đều có 1 bệnh xá, được đầu tư trang thiết bị y tế cơ bản và đội ngũ y tá, y sĩ tại chỗ. Một số bệnh xá của nông trường sáp nhập với bệnh xá của địa phương nâng lên thành bệnh viện tuyến huyện. Đội ngũ y tá, y sĩ luôn thường trực để khám chữa bệnh cho công nhân viên và nhân dân quanh vùng.

Ngoài việc khám chữa bệnh, cán bộ y tế của NTQD cũng thường xuyên phối hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên vận động công nhân viên thực hiện nếp sống vệ sinh, thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho con em nông trường. Vì vậy, nông trường hạn chế các bệnh dịch lớn xảy ra và một số bệnh như bệnh sốt rét, bệnh ngoài da giảm đáng kể. Đến năm 1975, một số NTQD phối hợp với địa phương xây dựng bệnh viện.

Hoạt động thể dục thể thao, văn h a, văn nghệ

Nông trường nào cũng thành lập đội bóng đá, bóng bàn, đội văn nghệ… Hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ ở các NTQD được duy trì đều đặn. Các đội bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền nam - nữ vẫn tổ chức thao diễn, thi đấu, giao lưu với nông trường bạn hoặc với các đơn vị ở địa phương. Những dịp thi đấu, Ban Giám đốc cho xe chở cán bộ, công nhân viên đi xem, đi cổ vũ phong trào.

Một số NTQD đã xây dựng được các đội văn nghệ quần chúng khá mạnh. Đáng chú ý nhất là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” diễn ra rất sôi nổi. Hàng năm, NTQD mời các đoàn văn công về biểu diễn hoặc tổ chức chiếu phim cho cán bộ, công nhân

viên và con em địa phương. NTQD tổ chức câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ đọc sách báo. Vào các ngày lễ hội, những đợt thi đua, NTQD phát động phong trào làm “báo tường”, thi sáng tác thơ, ca, hò, vè để tuyên truyền, cổ động sản xuất. NTQD trang bị hệ thống loa phát thanh xuống tận khu vực sản xuất. Hàng ngày, nông trường mở phát thông tin để công nhân viên nắm bắt tình tình trong nước và thế giới.

Bằng các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã làm cho cán bộ, công nhân nông trường có đời sống tinh thần phong phú, tươi vui. Bên cạnh lao động sản xuất là các hoạt động vui chơi, giải trí. Cán bộ, công nhân nông trường không chỉ được đảm bảo nơi ăn, chốn ở mà còn được chăm lo về sức khỏe, giáo dục, văn hóa, văn nghệ. cùng nhau luyện tập, sinh hoạt văn hóa nghệ, thể dục thể thao, công nhân viên nông trường càng thêm đoàn kết, đầm ấm, gắn bó với nhau và với mảnh đất nông trường.

Tiểu kết chương 3

Nếu giai đoạn 1955-1965, miền Bắc có 10 năm hòa bình để tập trung phát triển kinh tế, thì bước sang giai đoạn 1965-1975, miền Bắc không có được thời gian hòa bình để tập trung phát triển kinh tế. Nếu giai đoạn 1955-1965, nhiệm vụ chủ yếu của miền Bắc là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, thì đến giai đoạn 1965- 1975, miền Bắc dồn nguồn nhân lực và vật lực vào việc bảo vệ sản xuất. Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội và hoạt động sản xuất của miền Bắc. NTQD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức hoạt động sản xuất và đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Do tác động của cuộc chiến tranh phá hoại, hoạt động sản xuất của NTQD (trồng trọt, chăn nuôi và chế biến) bị giảm sút. Diện tích, năng suất và sản lượng đều thấp, thậm chí nhiều kết quả đạt được không bằng năm 1965. Mặc dù số lượng NTQD tăng nhanh, nông trường không ngừng được mở rộng, nhưng năng suất và sản lượng không tăng đều cùng với số lượng. Đời sống của công nhân nông trường cũng bị xáo trộn và ảnh hưởng. Mọi nền nếp sinh hoạt và sản xuất của công nhân viên đều bị đảo lộn. Năng suất lao động càng thấp hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh miền Bắc bị bắn phá ác liệt, thành công lớn nhất của NTQD là duy trì được hoạt động sản xuất không bị ngưng trệ; đồng thời tổ chức chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. NTQD vẫn đảm bảo ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân viên nông trường.

Chương 4

MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1. Một số nhận xét

4.1.1. Về cơ sở hình thành và sự phân bố nông trường quốc doanh

NTQD được hình thành trên cơ sở hợp nhất ba xí nghiệp quốc doanh: NTQD, Nông trường quân đội và các Liên đoàn sản xuất nông nghiệp miền Nam với nhiệm vụ thời k đầu xây d ng là khác nhau. Thời gian đầu xây dựng, NTQD ra đời trên cơ sở cải tạo lại các đồn điền cũ của tư bản Pháp và địa chủ người Việt để lại. Từ năm 1955, Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa các đồn điền dưới thời Pháp thuộc để xây dựng nên các xí nghiệp nông nghiệp quốc doanh. Những năm sau đó, Đảng và Nhà nước đưa lực lượng quân đội sang sản xuất, khai hoang xây dựng Nông trường quân đội. Đối với cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne- vơ (ngày 21-7-1954), Nhà nước tổ chức sản xuất tập thể, khai hoang thành lập ra các Liên đoàn sản xuất nông nghiệp miền Nam.

Là những cơ sở kinh tế nông nghiệp, ba xí nghiệp quốc doanh này thực hiện các nhiệm vụ và sứ mệnh khác nhau. Các NTQD tiến hành phát triển sản xuất trên cơ sở cũ, về cơ bản mang tính tự phát. Nông trường quân đội và các Liên đoàn nông nghiệp sản xuất nông nghiệp miền Nam ra đời thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của thời kì hậu chiến là chính, nhằm mục đích thu nhận người, giải quyết việc làm thi hành chế độ chính sách cho lực lượng bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, lực lượng lao động sau khi tinh giản tại các cơ quan, xí nghiệp, một số cán bộ sau cải cách ruộng đất; tổ chức đưa đồng bào miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới; củng cố quốc phòng-an ninh... Sau khi thống nhất ba lực lượng sản xuất tuy có đề ra phương hướng sản xuất chung, nhưng trên thực tế NTQD còn phải “đảm đương” rất nhiều nhiệm vụ khác, không chỉ riêng nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hầu hết NTQD phân bố ở những vùng trung du, miền núi, những vùng xa xôi, kh khăn. Khác với các HTX nông nghiệp, nếu HTX chủ yếu phân bố ở vùng đồng bằng thì NTQD tập trung ở vùng miền núi, vùng biên giới, bờ biển và vùng giới tuyến. Trong những năm 1955-1975, NTQD tập trung thực hiện khai hoang mở rộng diện tích canh tác, phát triển sản xuất kết hợp với đảm bảo quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nhiệm vụ này đã quyết định vị trí phân bố NTQD. Đó là những vùng

đất xa xôi; vùng đất hoang hóa hoặc vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá, những vùng đất khó khăn của đất nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư cho nông trường.

NTQD là xí nghiệp nông nghiệp gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn các tỉnh miền núi. Với đặc điểm hình thành và phân bố trên, các NTQD không thực sự là những xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ tổ chức kinh doanh một cách đúng nghĩa nhất mà chỉ là các đơn vị kinh tế nông nghiệp tiến hành các nhiệm vụ sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Nói cách khác, NTQD tuy hoạt động như một xí nghiệp nông nghiệp nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh khác nên vốn đầu tư không nhằm hoàn toàn mục đích sản xuất, kinh doanh mà còn hướng vào phúc lợi xã hội. Mục tiêu sản xuất, kinh doanh của NTQD là xí nghiệp nông nghiệp gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ở các tỉnh miền núi. Do đó, lợi nhuận là mục tiêu NTQD hướng tới nhưng không phải là mục tiêu duy nhất. Đây là một trong những đặc trưng rất riêng của NTQD ở Việt Nam. Khác h n với mô hình NTQD ở Liên Xô “Nông trường ở Liên Xô chỉ đảm nhiệm một chức năng sản xuất thật tốt, còn các mặt khác về sinh hoạt văn h a, xã hội c các cơ quan khác phục vụ sản xuất. Ở Việt Nam, nông trường được xem là một xã hội thu nhỏ. Giám đốc phải lo tất cả mọi thứ sinh hoạt văn h a, xã hội trong nông trường” [158].

4.1.2. Về cơ cấu tổ chức

Giai đoạn 1955-1965, cơ cấu tổ chức NTQD rất đơn giản. NTQD chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Nông trường, không phải qua một đơn vị/cơ quan trung gian nào. Bộ máy quản lý của từng NTQD cũng gọn nhẹ, tinh giản chỉ với một số Phòng/Ban cơ bản. Mỗi NTQD thường tổ chức thành 3 phòng chính: phòng Kỹ thuật, phòng Kinh doanh tổng hợp, phòng Tổ chức hành chính.

Giai đoạn 1965-1975, cơ cấu tổ chức mở rộng hơn. Từ năm 1965, Đảng và Nhà nước giao cho địa phương quản lý một số NTQD. Song trên thực tế, địa phương chỉ quản lý về mặt hành chính. NTQD vừa chịu sự lãnh đạo của Bộ Nông trường (cấp Trung ương), vừa chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Hành chính các tỉnh/thành (cấp tỉnh). Điều này đã không những không phát huy được tính “tự chủ” của mỗi NTQD, mà còn gây ra những chồng chéo trong công tác quản lý, gây ra rất nhiều hệ lụy phức tạp sau này. Ở mỗi NTQD, bộ máy quản lý lại chia nhỏ thành nhiều phòng/ban, đội, tổ. Nhìn chung, cơ cấu tổ chức NTQD có tính phân tán, “chia nhỏ, xé lẻ”, không tập trung. Có thể nói, cơ cấu tổ chức phân tán như vậy chỉ phù

hợp với hoàn cảnh miền Bắc phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Như vậy là cơ cấu tổ chức NTQD cồng kềnh, phức tạp với nhiều cấp quản lý, nhiều phòng/ban, đội, tổ nhiều cấp trung gian và vẫn kéo dài ngay cả khi miền Bắc không phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hơn nữa, NTQD lại phải “gánh vác” rất nhiều nhiệm vụ không chỉ có nhiệm vụ phát triển kinh tế. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của NTQD.

4.1.3. Về tổ chức sản xuất, sở hữu và phân phối sản phẩm của NTQD

NTQD tổ chức sản xuất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất. NTQD thuộc hình thức hình thức sở hữu toàn dân. Toàn bộ đất đai và tư liệu sản xuất của NTQD đều thuộc sở hữu Nhà nước. Người lao động trong các NTQD là những người làm công và được Nhà nước trả lương theo quy định. Nói cách khác, nguồn vốn đầu vào của NTQD đều do Nhà nước đầu tư. Công nhân nông trường được trang bị những tư liệu sản xuất và tổ chức lao động tập thể do Nhà nước quản lý.

NTQD tổ chức sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Hàng năm, Nhà nước xét duyệt các chỉ tiêu cho toàn NTQD. Trên cơ sở đó, Bộ Nông trường là đơn vị chủ quản của Nhà nước tiến hành giao chỉ tiêu xuống từng NTQD. Đối với kế hoạch sản xuất, Bộ Nông trường quyết định mỗi nông trường trồng cây gì? nuôi con gì? chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng và chỉ tiêu giao nộp sản phẩm là bao nhiêu? Đối với kế hoạch tài vụ, Bộ Nông trường duyệt định mức vốn lưu động, trực tiếp quản lý vốn đầu tư kiến thiết cơ bản về các hạng mục công trình. Đối với vật tư, Bộ Nông trường phân phối tư liệu sản xuất, vật tư kỹ thuật đến từng nông trường. Đối với quy hoạch và xây dựng cơ bản, Bộ Nông trường tổ chức khảo sát thiết kế và xét duyệt quy hoạch tổng thể và cụ thể phương hướng sản xuất cho các NTQD. Mọi kế hoạch sản xuất, tài vụ đều do Nhà nước xét duyệt. Các nông trường tổ chức sản xuất hoàn toàn theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước - của Bộ Nông trường - giao cho. Dựa vào kế hoạch được giao, Nhà nước cấp vốn cho các nông trường và nông trường có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch của Nhà nước. Nhiệm vụ của NTQD là phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.

NTQD tổ chức sản xuất giống các xí nghiệp công nghiệp. NTQD là những xí nghiệp nông nghiệp nhưng trong quá trình tổ chức sản xuất lại hoàn toàn giống các xí nghiệp công nghiệp. Các kế hoạch sản xuất đều được xét duyệt theo định mức.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2022