Tác Động Của Nhân Tố Quốc Tế Và Khu Vực Tới Quan Hệ Việt Nam - Ấn Độ


Cách mạng KH-CN tiếp tục những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và có những tác động mạnh mẽ lên quan hệ quốc tế. Công nghệ mới thúc đẩy khả năng sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của các nhà sản xuất, cung ứng. Các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn trong hợp tác quốc tế về KH-CN do xuất phát từ nhu cầu tiếp cận công nghệ tiên tiến từ bên ngoài để nâng cao năng lực công nghệ nội sinh của mình. Sản phẩm KH-CN đóng góp trực tiếp vào GDP, đồng thời quyết định tăng trưởng trong dài hạn và chất lượng tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia. Do đó, cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới bắt đầu từ thương mại, rồi lan sang nhiều lĩnh vực khác và ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là trên lĩnh vực KH-CN.

Toàn cầu hóa phát triển cùng với sự gia tăng những mặt trái là một xu hướng nổi bật trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Một yếu tố cốt lõi của toàn cầu hóa là sự mở rộng của thương mại thế giới. Kinh tế luôn là động cơ chính trong hầu hết hành động của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Với sự ra đời của WTO, tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, phân công lao động quốc tế phát triển mạnh, thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương, tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia, khu vực. Cùng với toàn cầu hóa, xu hướng khu vực hóa cũng ngày càng lan rộng, sâu sắc hơn với mục đích hình thành các khu vực kinh tế, tăng cường sức mạnh, quyền tự chủ cho các khu vực nhằm phát huy lợi thế so sánh, nét tương đồng giữa các quốc gia và nâng cao khả năng hợp tác. Nhìn chung, toàn cầu hóa có những khía cạnh tích cực như: (i) phát huy lợi thế so sánh để phát triển; (ii) thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng nguồn vốn đầu tư FDI, mở rộng kinh tế đối ngoại; (iii) nâng cao trình độ KH-CN; (iv) nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Bên cạnh đó, mặt trái của toàn cầu hóa cũng bộc lộ rõ, đó là các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và đầu tư có khuynh hướng lan rộng, sự bất bình đẳng gia tăng… Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, các quốc gia đã điều chỉnh chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài như áp dụng hạn ngạch, nâng thuế nhập khẩu, gia tăng các yêu cầu kỹ thuật… Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hơn những bất ổn của xu thế toàn cầu hóa, đặt tất cả các nước trước yêu cầu đổi mới và thích ứng để tăng cường hiệu quả hợp tác toàn cầu, góp phần giảm thiểu


các chi phí và tối đa hóa nhiều lợi ích từ an ninh, phát triển bền vững, tăng trưởng của các nền kinh tế [112].

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước, dịch bệnh, tội phạm công nghệ cao… Kể từ sau vụ khủng bố vào tòa tháp đôi tại Mỹ (11/9/2001), các mối đe dọa an ninh ngày càng mang tính đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, mà còn mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó. Đặc biệt, thách thức lớn và khẩn cấp nhất hiện nay là đại dịch Covid-19 ở khắp các châu lục. Khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 đến nay đã lan tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với quy mô, tốc độ chưa từng có. Hiện nay, an ninh phi truyền thống trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và được đề cập trong chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam nhận định: “Các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... tiếp tục diễn biến phức tạp” [40, tr.28].

Giai đoạn 2007 - 2021, các thể chế đa phương tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là: (i) cạnh tranh nước lớn đang có xu hướng phân rẽ quá trình liên kết toàn cầu. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong các cơ chế đa phương làm khó đi tới thỏa thuận, nhất trí hơn. Các nước lớn rút bỏ cam kết hoặc rút khỏi các thỏa thuận đa phương, lôi kéo các nước khác hình thành các cơ chế đa phương mới có tính đan xen và cạnh tranh nhau. Ví dụ: bên cạnh các thể chế đa phương cũ như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), WTO đã xuất hiện các thể chế đa phương mới như Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB)….; (ii) Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn ra theo nhiều hình thức mới và trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới; (iii) Luật lệ của các cơ chế đa phương chưa được hoàn thiện, dẫn tới những hành vi vị lợi của các quốc gia trong các thể chế này: nước lớn thì áp dụng chính trị cường quyền, nước nhỏ thì buộc phải nghe theo hoặc chọn bên…


Tuy nhiên, các quốc gia nói chung, kể cả các nước lớn không đoạn tuyệt với các thể chế quốc tế, không từ bỏ đa phương. Mỹ và Trung Quốc muốn dẫn dắt và chi phối các thể chế theo hướng phục vụ lợi ích của họ, trong khi các nước lớn khác tham gia để gia tăng mở rộng ảnh hưởng. Đối với các nước vừa và nhỏ, thể chế đa phương vẫn là “công cụ” hiệu quả để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các hình thức tập hợp lực lượng mới dẫn đến sự xuất hiện nhiều cơ chế đa phương mới với các chủ thể mới và nguồn lực mới để xử lý các vấn đề liên quan đến quản trị khu vực và toàn cầu. Các thể chế quốc tế hiện nay tiếp tục tạo cho các quốc gia thêm nhiều cơ hội và dư địa để triển khai quan hệ đối ngoại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Bước sang thế kỷ XXI, do sự suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, nên dẫn tới sự chuyển dịch quyền lực trên phạm vi toàn cầu [169]. Trọng tâm quyền lực được dịch chuyển từ Tây sang Đông kéo theo sự thay đổi trong tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực CA-TBD và ÂĐD-TBD. Cục diện thế giới đang vận động theo hướng đa cực, đa trung tâm. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước lớn đều có sự điều chỉnh chiến lược nhằm tranh giành ảnh hưởng, khẳng định vị thế, dẫn tới xu hướng tập hợp lực lượng, hợp tác và cạnh tranh đan xen nhau. Xu hướng này diễn ra giữa các cặp/tam giác/tứ giác xoay xung quanh Mỹ và Trung Quốc là chính. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh, cọ xát lợi ích chiến lược. Địa bàn cạnh tranh chính tập trung ở khu vực CA-TBD và ÂĐD-TBD, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh Mỹ - Trung là điểm nổi bật trong cục diện thế giới và khu vực, chi phối các mối quan hệ quốc tế khác. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng thể hiện rõ bản chất là cạnh tranh chiến lược mang tính quy luật giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc tại vị. Cạnh tranh diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực như thương mại, công nghệ, ngoại giao, quân sự, dân chủ, nhân quyền… và trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, WTO, APEC, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Trung tâm kinh tế toàn cầu chuyển dịch mạnh về khu vực CA-TBD, kéo theo xu thế liên kết kinh tế - thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ. Tỷ trọng của các nền kinh tế phương Tây, kể cả Mỹ, các nước Tây Âu có xu hướng giảm dần; tỷ trọng của các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ ngày một tăng trong nền kinh tế thế giới hơn một thập niên qua. Thị trường lớn với các nền kinh tế tăng trưởng năng động, ổn định là động lực cơ bản cho các xu hướng phát triển lớn nhất trong công nghệ, thương mại và tài chính của nền kinh tế thế giới. Cục diện thế giới với sự dịch chuyển trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông lấy phát triển kinh tế và an ninh làm chiến lược trọng tâm. Tuy cục diện thế giới chủ yếu vẫn

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 9


do các nước lớn chi phối, song không thể phủ nhận vai trò của các nước vừa và nhỏ với sự tăng cường hợp tác trên nhiều diễn đàn để bảo vệ lợi ích chung.

2.1.1.2. Bối cảnh khu vực

CA-TBD là một khu vực rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển: chiếm 40% tổng diện tích lãnh thổ, 41% dân số, 61% GDP, 47% tổng thương mại quốc tế và 48% FDI của thế giới [209, tr.25]. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra ở Mỹ năm 2008 đánh dấu sự suy yếu tương đối của Mỹ trong vai trò là trung tâm tài chính quan trọng hàng đầu thế giới. Trong lúc đó, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế. Trung Quốc đứng vững trong cuộc khủng hoảng và tiếp tục phát triển với tốc độ cao. Bên cạnh đó, ASEAN cũng nổi lên như một khu vực có nền kinh tế năng động với một thị trường rộng lớn. Vị thế kinh tế được cải thiện và nâng cao giúp các nước châu Á gia tăng tầm ảnh hưởng cũng như uy tín chính trị trên trường quốc tế. Điều này buộc Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận theo chủ nghĩa đơn phương trước đây bằng cách chủ động phối hợp với nhiều đối tác nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng báo hiệu nguy cơ xung đột gia tăng ở khu vực CA-TBD, bởi sự cạnh tranh của các nước lớn nhằm giành ưu thế và tầm ảnh hưởng ở khu vực, đặc biệt là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ quay trở lại CA-TBD với chiến lược “Tái cân bằng”, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc, củng cố đồng minh với Nhật Bản, nâng cấp liên minh quân sự với Hàn Quốc, thiết lập cơ chế đồng minh giữa Mỹ - Nhật - Australia, đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại CA-TBD, chủ động tham gia các vấn đề của khu vực, hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, vừa kiềm chế và vừa thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, không để Ấn Độ ngả nhiều về phía Mỹ. Nhật Bản tăng ảnh hưởng qua hợp tác kinh tế. Mục tiêu của Nga tại CA-TBD vẫn bó hẹp ở bảo đảm an ninh biên giới, thúc đẩy kinh tế tại Viễn Đông. Hiện nay, dù đánh giá từ phương diện nào, khu vực CA-TBD đều có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới.

Mặc dù, sự can dự ngày càng sâu của Mỹ và Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho khu vực phát triển cả về kinh tế lẫn tạo ra sự cân bằng quyền lực, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là an ninh. Các nước lớn khác và các cường quốc mới nổi cũng tập trung can dự vì tầm quan trọng của khu vực. Đây cũng là điểm mấu chốt làm cho tính phức tạp của khu vực không ngừng tăng lên.

Bên cạnh CA-TBD, ÂĐD-TBD gần đây nổi lên trở thành khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Ấn


Độ. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện toàn cầu và khu vực, khái niệm về một không gian ÂĐD-TBD rộng mở, bao trùm đã ra đời. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương và sự lớn mạnh của ASEAN, các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược, đặt trọng tâm vào khu vực ÂĐD-TBD. Chiến lược “ÂĐD-TBD Tự do và Rộng mở” (FOIP) của Mỹ chính thức thừa nhận Ấn Độ là một “người chơi lớn” trong những diễn biến địa - chính trị trong khu vực và công nhận vị trí trung tâm của Ấn Độ trên các lĩnh vực cả với tư cách là đối tác song phương và thông qua QUAD [254]. Ngoài chiến lược của Mỹ, các quốc gia, tổ chức khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, ASEAN... cũng lần lượt đưa ra tầm nhìn chiến lược ÂĐD-TBD. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của ÂĐD-TBD, một số nước châu Âu cũng bắt đầu chú ý đến khu vực như Pháp, Đức Hà Lan... Điều đó cho thấy, ÂĐD-TBD có ý nghĩa địa - chiến lược và vị thế địa - chính trị đặc biệt quan trọng, nhất là trong vấn đề tự do và an ninh hàng hải. Trong bối cảnh thuật ngữ ÂĐD-TBD được nhắc đến ngày một nhiều như một khái niệm địa

- chiến lược, ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực này theo đó cũng được chú ý nhiều hơn. Với vị trí địa lý thuận lợi và sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian qua, Ấn Độ được kỳ vọng tham gia vào tiến trình thể chế hóa và hoạt động quản trị khu vực, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và kết nối, trở thành “nhà cung cấp an ninh” và là “lực lượng cân bằng” không thể thiếu ở ÂĐD-TBD. Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sức mạnh ngày càng tăng khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc khu vực. Ấn Độ đã và đang có những bước đi được cho là có thể ảnh hưởng đến các chuỗi liên kết, các cặp quan hệ và các luật lệ được đặt ra trong tiến trình thể chế hóa khu vực.

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, ĐNA là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao và là một trọng tâm trong nền kinh tế thế giới, song cũng tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định, mâu thuẫn, xung đột cục bộ, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và tài nguyên biển. Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... đều từng bước điều chỉnh chính sách đối với ĐNA nhằm củng cố và nâng cao ảnh hưởng tại khu vực. Trạng thái cạnh tranh đan xen phức tạp: giữa hợp tác và đấu tranh với nhau, giữa can dự và kiềm chế lẫn nhau. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực này được triển khai trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng đến văn hóa… Sự điều chỉnh


chính sách đối ngoại của các nước lớn tác động mạnh tới tổ chức khu vực ASEAN theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Philippines (tháng 1/2007) đã quyết định rút ngắn mốc xây dựng Cộng đồng ASEAN sớm 5 năm, vào năm 2015 thay vì năm 2020. ASEAN cũng quyết định xây dựng Hiến chương ASEAN (được ký ngày 20/11/2007 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 và có hiệu lực từ ngày 15/12/2008). Hiến chương đã tạo tư cách pháp nhân cho ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để gia tăng liên kết và hợp tác ASEAN. Với sự ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước ĐNA cùng nhau xây dựng một thị trường chung khu vực chống lại sức ép từ bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường vị thế quốc tế của từng thành viên. ASEAN được nhiều nước lớn và các tổ chức quốc tế ngoài khu vực ủng hộ làm trung tâm định hướng kết nối các tổ chức liên khu vực và đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt. ASEAN là đầu tàu trong việc thúc đẩy kết nối tại châu Á, CA-TBD, liên châu lục Á - Âu và có vai trò địa - chiến lược quan trọng trong khu vực. Quá trình trên cũng làm tăng nguồn tài nguyên địa- chính trị, sức mặc cả của ASEAN và các nước thành viên trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nhất là trong quan hệ với các nước lớn.

Ở ĐNA, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, tình hình Biển Đông xuất hiện những biến động căng thẳng, là nơi tập trung nhiều lớp mâu thuẫn. Đây không chỉ đơn thuần là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, mà còn liên quan chặt chẽ đến vấn đề quyền khống chế Biển Đông, bảo đảm an ninh hàng hải, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí [234, tr.1-26]. Sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và quân sự hóa nhanh chóng khu vực này là nhân tố quan trọng đưa đến sự điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực.

Ở khu vực Nam Á, chính trị - an ninh tiếp tục là lĩnh vực thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Là hai quốc gia lớn nhất khu vực Nam Á, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn là nhân tố hàng đầu chi phối các mối quan hệ và sự hợp tác giữa các nước khác trong khu vực. Mặc dù bước sang thế kỷ XXI, với những cơ hội và thách thức của tình hình thế giới, cả hai nước đều có nhu cầu xây dựng mối quan hệ láng giềng hòa bình, ổn định để phát triển, nhưng do những mâu thuẫn mang tính lịch sử tại vùng tranh chấp Jammu, Kashmir và chủ nghĩa khủng bố, nên mối quan hệ song phương


vẫn tiếp tục căng thẳng. Kashmir có tầm chiến lược quan trọng đối với cả Ấn Độ lẫn Pakistan. Nếu kiểm soát được khu vực này, thì có thể kiểm soát được một địa bàn chiến lược rộng lớn từ cửa ngõ phía Bắc sang phía Tây Á và Trung Đông. Ngoài ra, khu vực còn có mâu thuẫn giữa Ấn Độ với Bangladesh về vấn đề phân chia nguồn nước tại một số con sông; mâu thuẫn về vấn đề sắc tộc, tôn giáo liên quan đến cộng đồng Ấn kiều tại một số nước Nam Á như tại Sri Lanka, cộng đồng người Tamil có quan hệ huyết thống và tôn giáo lâu đời với cộng đồng sinh sống ở bang Tamil Ladu tại Ấn Độ; xung đột giữa cộng đồng bản địa người Sinhalese với người Tamil.... Những vấn đề đó làm cho tình hình chính trị, an ninh ở Nam Á ngày càng diễn biến phức tạp.

Nam Á có vị trí địa - chiến lược quan trọng trên bàn cờ châu Á và thế giới, nên luôn thu hút sự quan tâm của các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ với những toan tính để tranh giành ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích. Sự đan xen chồng chéo trong quan hệ chiến lược của các nước lớn tạo nên sự cạnh tranh địa - chiến lược ở Nam Á và có tác động không nhỏ đến tình hình chính trị - an ninh của khu vực. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện chiến lược mở rộng ảnh hưởng ra Nam Á, cạnh tranh vị thế của Ấn Độ. Trung Quốc đang đẩy mạnh hỗ trợ về kinh tế, quốc phòng cho các quốc gia Nam Á trong khuôn khổ BRI nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này trong cạnh tranh chiến lược với Ấn Độ.

2.1.2. Tác động của nhân tố quốc tế và khu vực tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Trong giai đoạn 2007 - 2021, nhân tố quốc tế và khu vực tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên hai khía cạnh chính, đó là tác động tới nhu cầu/động lực hợp tác giữa hai quốc gia vì lợi ích phát triển, ảnh hưởng và tác động tới chính sách cân bằng quyền lực vì lợi ích an ninh, chiến lược.

2.1.2.1. Tác động tới động lực hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ vì mục tiêu phát triển và ảnh hưởng

Theo chủ nghĩa tự do, các xu hướng khách quan của môi trường quốc tế và khu vực như như toàn cầu hóa, cách mạng KH-CN, sự phát triển năng động của CA-TBD… đều là những yếu tố có tác động thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ theo hướng khiến hai nước nhận thức rõ lợi ích của sự hợp tác, đều có nhu cầu duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường an ninh quốc gia theo cách tiếp cận an ninh toàn diện.

Trước tiên, sự vận động của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được thúc đẩy bởi xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển thay vì xu thế đối đầu quân sự trong thời


kỳ Chiến tranh Lạnh. Cùng với đó, toàn cầu hóa bao gồm các khía cạnh về kinh tế như thương mại hàng hóa, đầu tư quốc tế, tài chính, khiến các kết nối kinh tế quốc tế phát triển [239]. Nguồn vốn cùng với hệ thống sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu tạo cơ hội cho Việt Nam, Ấn Độ hợp tác dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đây là những điều kiện khách quan thuận lợi để hai nước đẩy mạnh chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, qua đó tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển. Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [39, tr.151]. Ấn Độ xác định: “Động lực cơ bản trong chính sách của chúng ta là thúc đẩy lợi thế quốc gia, đóng góp cho hòa bình, an ninh và hợp tác với tất cả các nước” [224].

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, CA-TBD trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động và quan trọng nhất trên thế giới. Liên kết kinh tế giữa các nước châu Á phát triển mạnh mẽ thông qua các cơ chế như ASEAN+3, ASEAN+1, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. ASEAN và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ngày 8/10/2003. Trên cơ sở Hiệp định khung này, các bên tiếp tục ký kết các văn bản cụ thể hóa gồm: Hiệp định về hàng hóa (có hiệu lực 1/1/2010); Hiệp định về dịch vụ (có hiệu lực 1/7/2015); Hiệp định về đầu tư (có hiệu lực 1/7/2015). Bối cảnh đó cùng với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” [39, tr.112] của Việt Nam và “mục tiêu đưa Ấn Độ từng bước trở thành một cường quốc kinh tế” [132, tr.76] của Ấn Độ đã tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Giai đoạn 2007 - 2021, Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước có mức tăng trưởng GDP cao hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nội tại, nên hai nước đều nhận thấy lợi ích trong việc gia tăng hợp tác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Nếu năm 2006, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,018 tỷ USD [6], thì kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2007), kim ngạch thương mại tăng hơn 10 lần, lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2019 [32]. Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch lên 15 tỷ trong thời gian sớm nhất (dự kiến năm 2020, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, nên chưa đạt được mốc này). Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 12 tỷ USD và năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 17 của Ấn Độ và đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN sau Singapore, Indonesia và Malaysia [16]. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã tới đầu tư tại Việt Nam.

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 26/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí