Khái Quát Quan Hệ Việt Nam - Ấn Độ Từ Năm 1956 Đến Trước Năm 2007


trò của sự tương tác giữa các chủ thể chính trị trong nước như các cơ quan hành pháp, lập pháp, các nhóm lợi ích đối với chính sách đối ngoại của một quốc gia. Những tương tác đó nhằm hướng tới cách tiếp cận chính sách, đề cao lợi ích quốc gia, thỏa mãn nhu cầu nội bộ. Vì vậy, “quốc gia là chủ thể hoạch định chính sách đối ngoại. Quốc gia là chủ thể duy lý, cho nên quốc gia phải tính đến mọi nhân tố trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Có thể nói, đây là cấp độ quan trọng nhất, quyết định nhất trong hoạch định chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại có đúng không, khoa học không trước hết dựa vào cấp độ này” [55, tr.168].

Theo đó, ở cấp độ quốc gia, luận điểm của chủ nghĩa kiến tạo được kết hợp để xác định các nhân tố tác động tới quan hệ giữa hai quốc gia, đó là bản sắc và lợi ích quốc gia. Hai nhân tố này sẽ tác động tới việc hoạch định chính sách đối ngoại, từ đó tác động tới quan hệ giữa hai quốc gia.

1.1.2.3. Cấp độ cá nhân/nhóm

Cấp độ phân tích cá nhân/nhóm tập trung vào vai trò của các chủ thể cá nhân/nhóm trong quan hệ quốc tế. Đó là các nhà lãnh đạo đương nhiệm có vai trò quyết định trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Cách tiếp cận này phân tích đặc điểm quy trình hoạch định chính sách vốn hết sức phức tạp và bao gồm nhiều công đoạn như: thu thập, xử lý thông tin, thiết lập các mục tiêu chính sách, xem xét các khả năng và đưa ra lựa chọn chính sách. Theo tiêu chí chủ thể quyết sách có ba mô hình hoạch định chính sách đối ngoại: tập thể quyết sách, cá nhân quyết sách và tổ chức quyết sách [55, tr.168-186]. Các quốc gia có thể chế chính trị khác nhau sẽ có những cách thức/mô hình khác nhau trong hoạch định chính sách đối ngoại.

Trong cấp độ phân tích cá nhân/nhóm, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là hệ thống quan điểm, niềm tin và nhận thức của các nhà lãnh đạo. Nhận thức và tầm nhìn quốc gia của các nhà lãnh đạo tác động đến việc cân nhắc lợi ích cũng như xác định nguy và cơ trong quá trình hoạch định chính sách. Quyết định của các nhà lãnh đạo được định hình bởi kiến thức, kinh nghiệm, niềm tin và thế giới quan. Tâm lý con người cũng có xu hướng duy trì sự nhất quán trong hệ thống những niềm tin chủ yếu, dẫn tới khả năng bỏ qua hoặc diễn giải sai những thông tin trái ngược với niềm tin sẵn có. Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi chủ thể nhận thức đã có một định kiến mạnh mẽ về hình ảnh của các quốc gia khác [99, tr.77].

Như vậy, cấp độ cá nhân kết hợp với luận điểm của chủ nghĩa kiến tạo về vai trò của giới tinh hoa trong hoạch định chính sách đối ngoại giúp xác định


nhân tố tác động tới quan hệ giữa hai quôc gia là nhân tố lãnh đạo - có thể là những cá nhân hoặc tập thể, tùy thuộc vào đặc thù thể chế chính trị của các quốc gia được nghiên cứu.

1.2. Cơ sở thực tiễn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

1.2.1. Khái quát quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1956 đến trước năm 2007

1.2.1.1. Giai đoạn 1956 -1972

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 6

Tháng 2/1956, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại New Delhi, Ấn Độ và vào tháng 1/1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ở cấp đại sứ.

Trong những năm sau khi miền Bắc Việt Nam mới được giải phóng (1956- 1959), quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển thuận lợi. Ấn Độ tỏ rõ thái độ thiện chí, tích cực trong việc thi hành Hiệp định Geneva về Việt Nam. Quan hệ Việt - Ấn được củng cố và tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5- 14/2/1958). Chuyến thăm là một mốc son quan trọng trong xây dựng và vun đắp quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân Ấn Độ về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung [57, tr.52].

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tình hình quốc tế, khu vực với những biến động phức tạp, khó lường trong tam giác Mỹ - Xô - Trung đã tác động đến chính sách đối ngoại của Việt Nam và Ấn Độ, từ đó tác động tới quan hệ hai nước. Quan hệ Xô - Mỹ trở nên hòa dịu, trong khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên đối nghịch, còn Xô - Trung bộc lộ sự bất đồng và ngày càng gay gắt. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam kiên trì đường lối đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN, đồng thời chủ trương đoàn kết với các nước có cùng mục tiêu đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Ấn Độ chú trọng quan hệ với Liên Xô và Mỹ, trong khi quan hệ với Trung Quốc xấu đi, dẫn tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Lúc này, lập trường của Việt Nam về cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn, chính sách cân bằng của Ấn Độ trong quan hệ với Chính phủ Việt Nam DCCH (Dân chủ Cộng hòa) và Chính quyền Sài Gòn cùng với tác động phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn đã gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Quan hệ giữa hai nước chỉ nồng ấm trở lại khi Thủ tướng Indira Gandhi công khai kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay các hành động ném bom Hà Nội, Hải Phòng và đề ra sáu điểm để lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 6/1966 [126,


tr.29]. Từ năm 1966, với chính sách đối ngoại hòa bình, trung lập và ủng hộ phong trào độc lập dân tộc, Thủ tướng Indari Gandi tỏ thái độ ủng hộ rõ ràng đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Tại Ấn Độ, những đợt biểu tình đấu tranh chống Mỹ rầm rộ, đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đòi Mỹ chấm dứt ngay việc ném bom miền Bắc. Chính phủ, các đảng phái tiến bộ, các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo nhân dân Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam [57, tr.55]. Cũng trong giai đoạn này, quan hệ Ấn - Xô và Ấn - Mỹ tiếp tục phát triển, trong khi quan hệ Xô - Trung xấu đi nghiêm trọng. Thắng lợi của cuộc tiến công Mùa xuân 1968 ở miền Nam mở ra cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam tại Paris và việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc đã tác động tới thái độ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với Việt Nam DCCH. Sự ủng hộ của Ấn Độ tăng lên, theo đó, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước phát triển theo hướng tốt lên.

Từ năm 1969 đến năm 1971, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của quan hệ Ấn - Xô và sự chững lại của quan hệ Ấn - Mỹ, trong khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ với Chính quyền Sài Gòn xấu đi. Cuối năm 1971, dưới tác động của quan hệ Trung - Mỹ, cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở châu Á, nên Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam để khẳng định vai trò và uy tín của mình. Tháng 1/1972, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, chấm dứt việc Ấn Độ giữ quan hệ “cân bằng” giữa hai miền Nam - Bắc, nghiêng hẳn về phía Chính phủ Việt Nam DCCH bất chấp sự phản ứng và chỉ trích của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, mở ra một giai đoạn mới phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước. Cũng trong thời kỳ này, Ấn Độ đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát - Giám sát Quốc tế việc thi hành Hiệp định Geneva về Việt Nam, Lào và Campuchia. Ấn Độ tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Tháng 4/1972, Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc Việt Nam, Ấn Độ là nước đầu tiên ngoài hệ thống XHCN lên tiếng kiên quyết phản đối mạnh mẽ sự leo thang của Mỹ và tố cáo những tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Giai đoạn 1956 - 1972, cùng với quan hệ chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế, văn hóa, KH-KT giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập (hai nước ký Hiệp định Thương mại vào ngày 22/8/1956), song hiệu quả hợp tác còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do những yêu cầu cụ thể của cuộc đấu tranh cách mạng,


Việt Nam cần sự giúp đỡ quốc tế chủ yếu theo hướng viện trợ, chưa có điều kiện hợp tác theo hướng hai bên cùng có lợi. Ngược lại, Ấn Độ cũng chưa thể viện trợ cho Việt Nam trong điều kiện lúc bấy giờ (khủng hoảng chính trị - kinh tế nặng nề, bất ổn về xã hội, bạo động diễn ra thường xuyên, nhất là tại các vùng biên giới…).

Giai đoạn 1956 - 1972, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có ba đặc trưng cơ bản. Một là, quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc được hình thành và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước. Có thể xem đây là đặc điểm cơ bản nhất tác động đến quan hệ hai nước sau này. Hai là, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trải qua nhiều thử thách và có những bước thăng trầm trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những biến động phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn theo chiều hướng phát triển đi lên, từ chỗ chỉ có quan hệ thực tế đến thiết lập quan hệ lãnh sự (năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội; năm 1956, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại New Delhi) và nâng cấp lên quan hệ ngoại giao đầy đủ ở cấp đại sứ (1972). Ba là, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chính trị - ngoại giao, chưa triển khai hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1956 - 1972 chịu tác động bởi các nhân tố ở cả cấp độ hệ thống, quốc gia và cá nhân. Đó là: (i) nhân tố quốc tế và khu vực; (ii) nhân tố lịch sử (nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, đế quốc); (iii) nhân tố vai trò của các vị lãnh tụ. Sự gần gũi, tương đồng về lịch sử, văn hóa giữa hai nước đã tạo nên sự đồng cảm và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, hai nước đều có chung quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là quan điểm chống chủ nghĩa đế quốc mới, thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa, ủng hộ các dân tộc đấu tranh vì tự do, độc lập, hòa bình và tiến bộ. Những vị lãnh tụ như M. Gandi, J. Nehru, Hồ Chí Minh đều là biểu tượng của đạo đức, yêu nước, yêu hòa bình và lòng nhân ái, đã có công đặt nền móng và vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

1.2.1.2. Giai đoạn 1973-1990

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao: đây là lĩnh vực hợp tác chủ đạo, nổi bật nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ, thể hiện rõ thiện chí của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ trong nước, khu vực và quốc tế. Sự kiện chiến thắng Mùa xuân năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Ngay buổi chiều ngày 30/4/1975, Chính phủ Ấn Độ đã chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày 22/5/1975, sau khi trục xuất đại diện của chính quyền


Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Ấn Độ đã chuyển giao tòa nhà của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam Cộng hòa tại thủ đô New Delhi cho Đại diện Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đối với việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ. Tại Hội nghị “Một châu Á”, Thủ tướng I. Gandhi khẳng định: “là một nước châu Á, Ấn Độ có nghĩa vụ đóng góp vào việc khôi phục Việt Nam, chỉ cần Việt Nam cho biết những yêu cầu gì” [104, tr.969]. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đồng thời luôn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong vệc giải quyết các vấn đề xung đột, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ấn Độ đã tố cáo mạnh mẽ cuộc xâm lược của thế lực Pol Pot đối với Việt Nam trong những năm 1975 - 1978; ủng hộ Việt Nam tham gia Liên hợp quốc (1977); đề nghị Liên hợp quốc ra nghị quyết ủng hộ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh và đề nghị lập quỹ các nước không liên kết giúp đỡ Việt Nam và Lào; ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc (1979); ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia (1979 - 1991); công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Việt Nam; thúc đẩy bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN... [105].

Sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung là những biểu hiện rõ nét về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Chính phủ, các đảng phái chính trị, nhiều tổ chức xã hội cùng đông đảo nhân dân Ấn Độ đã lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, yêu cầu quân đội Trung Quốc phải rút ngay lập tức khỏi Việt Nam, ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21/2/1979, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ A.B.Vajpayee đã tuyên bố trước Quốc hội rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa đã phạm tội xâm lược Cộng hòa XHCN Việt Nam” [105]. Chính ông đã rút ngắn chuyến thăm Trung Quốc để phản đối cuộc chiến tranh.

Liên quan đến vấn đề Campuchia, trong suốt một thời gian dài, Mỹ, Trung Quốc, các nước phương Tây và các nước sáng lập ASEAN đã tiến hành bao vây, phong tỏa về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Ấn Độ vẫn giúp đỡ, viện trợ Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần dù lúc này Ấn Độ cũng đang rất khó khăn trong việc ổn định tình hình trong nước. Đây cũng là


một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ, trì hoãn quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (gần một thập kỷ). Trong khi đó, Việt Nam ủng hộ những chính sách và biện pháp của Chính phủ Ấn Độ nhằm tăng cường sự thống nhất trong nội bộ quốc gia, chống âm mưu gây rối của các thế lực thù địch; ủng hộ Ấn Độ trong phong trào Không Liên kết và các hoạt động quốc tế nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh bảo vệ hòa bình, an ninh ở châu Á và trên thế giới; phối hợp với Ấn Độ trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và hợp tác với các nước ASEAN.

Từ sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Ấn Độ nhận thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Một Việt Nam mạnh sẽ là bức tường ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc và là vùng đệm giữa Ấn Độ và khu vực CA-TBD. Ấn Độ chủ trương tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam để Việt Nam có thể đứng vững, ngăn chặn Trung Quốc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, tạo điều kiện cho Ấn Độ tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, phát huy vai trò và ảnh hưởng ở ĐNA và CA-TBD. Chủ trương này được các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng định trước Quốc hội hoặc khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong diễn văn đọc trước Quốc hội ngày 23/1/1980, Tổng thống Ấn Độ Neelam Sanjiva Reddy nêu rõ: “Tình hữu nghị với CHXHCN Việt Nam là nhân tố thường xuyên trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ” [58].

Quan hệ với Ấn Độ được Việt Nam coi trọng, đặc biệt kể từ khi tiến hành Đổi mới. Ngày 9/3/1987, Ban Bí thư Trung ương ĐCS Việt Nam đã ra Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ, trong đó quán triệt chủ trương của Đảng về tầm quan trọng chiến lược trong tăng cường hợp tác với Ấn Độ về mọi mặt. Đây là một sự kiện quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển quan hệ hai nước. Theo đó, việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với Ấn Độ được xác định theo các định hướng sau: (i) Quán triệt đường lối của Đảng về tầm quan trọng chiến lược trong tăng cường hợp tác với Ấn Độ về mọi mặt, đặc biệt là hợp tác kinh tế, KH-KT; (ii) Rà soát lại các nội dung hợp tác với Ấn Độ để có kế hoạch cụ thể tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản đã thoả thuận nhằm sớm đưa các kết quả hợp tác ứng dụng vào cuộc sống;

(iii) Sớm có kế hoạch thực hiện những thoả thuận đã đạt được, xác định việc sử dụng các khoản tín dụng và hỗ trợ tài chính của Ấn Độ. Trước mắt, cần triển khai thoả thuận về khai thác dầu khí mà Thủ tướng Ấn Độ coi là cơ sở cho việc hợp tác


về kinh tế giữa hai nước; (iv) Các ngành giáo dục, văn hoá, xã hội, thể dục thể thao, du lịch… nghiên cứu và chủ động đề xuất những khả năng, biện pháp và hình thức mới thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ về các mặt với Ấn Độ [134].

Trong giai đoạn này, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc: về phía Ấn Độ, Thủ tướng R.Gandhi thăm Việt Nam (1985, 1988); về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (1977), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978, 1980, 1983), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1981), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989) thăm Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ thể hiện sự đồng thuận trong những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế. Cả hai nước đều mong muốn và nỗ lực xây dựng một khu vực ĐNA hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ trương giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Trên lĩnh vực kinh tế, năm 1975, Ấn Độ áp dụng quy chế tối huệ quốc về thương mại đối với Việt Nam. Năm 1978, hai nước ký Hiệp định Thương mại, Ấn Độ cho Việt Nam vay 534.337 tấn bột mỳ, 44.931 tấn gạo [127, tr.31-39]. Hai bên chủ yếu trao đổi một số mặt hàng nông sản, y tế. Tổng cộng từ năm 1977 đến năm 1990, Việt Nam đã nhận được khoản tín dụng ưu đãi trị giá 1.549 triệu rupi với lãi suất 5%, trả trong vòng 15 năm để nhập khẩu các thiết bị đường sắt, viễn thông và các thiết bị sản xuất đường của Ấn Độ [127, tr.31-39]. Đây là sự trợ giúp rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận và đang trong quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Năm 1982, Việt Nam và Ấn Độ thành lập Ủy ban hỗn hợp (UBHH) kinh tế, KH-KT giữa hai nước. Hai nước đã ký kết Biên bản về Hợp tác kinh tế giai đoạn 1982 - 1984 và định kỳ họp hai năm một lần, từ năm 1986 trở đi mỗi năm họp một lần. Hoạt động của Ủy ban đã có hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác kinh tế và KH- KT giữa hai nước. Một số doanh nghiệp Ấn Độ bắt đầu mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để xúc tiến kinh doanh, chủ yếu ở lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, giống cây trồng, chế biến nông sản, chế tạo thiết bị tải điện, tân dược. Ngay khi Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Ấn Độ đã có dự án khai thác khí gas Nam Côn Sơn của tập đoàn ONGC trị giá 17 triệu đô la Mỹ (USD) (1988).

Nhìn chung, những hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn này chủ yếu nhằm bổ trợ nhau trong cơ cấu ngành kinh tế, tìm ra những tiềm năng, thế mạnh của nhau để tăng cường hợp tác. Hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.


Hơn nữa, Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận, kinh tế thế giới bị kìm hãm bởi Chiến tranh Lạnh.

Trên lĩnh vực quốc phòng, năm 1980, hai nước lập Phòng Tuỳ viên quân sự thuộc Đại sứ quán mỗi nước. Năm 1990, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Đoàn Khuê thăm Ấn Độ. Trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, KH- KT, hai bên đã ký các hiệp định về hợp tác trao đổi văn hóa (1976, 1978, 1980) và hiệp định hợp tác KH-KT (1976). Từ năm 1980, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu cấp học bổng cho lưu học sinh Việt Nam theo chương trình trao đổi văn hóa và cũng từ năm 1982, cấp thêm theo con đường hợp tác KH-KT. Việt Nam là nước được Ấn Độ giành cho nhiều suất học bổng nhất trong số các nước đang phát triển. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam được đào tạo ở Ấn Độ trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng... Ấn Độ còn giúp đỡ đào tạo, bồi dưỡng cho Việt Nam nhiều chuyên gia trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và một số ngành kỹ thuật. Đồng thời, Ấn Độ cũng cử các chuyên gia sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển nông nghiệp (lúa, giống trâu sữa Mura.v.v.)... Năm 1988, Ấn Độ giúp Việt Nam bốn trạm thực nghiệm trên các vùng sinh thái khác nhau về kỹ thuật trồng bông [92, tr.345-346].

Có thể khẳng định, 1973 - 1990 là giai đoạn đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ trong nước, khu vực và quốc tế, Ấn Độ đã thể hiện rõ tình cảm, thiện chí và sự ủng hộ quý báu đối với Việt Nam. Điều đó bắt nguồn từ truyền thống hữu nghị, những tương đồng về lịch sử và mục tiêu đối ngoại của hai nước. Thêm vào đó, trong giai đoạn này, tình hình quốc tế, khu vực cũng là một nhân tố tác động mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Từ sau năm 1975, ĐNA là địa bàn tranh giành ảnh hưởng quyết liệt của các nước lớn: Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Liên Xô. Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều có lợi ích chung trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Việt Nam tại khu vực, nhưng lại có mục tiêu lâu dài mâu thuẫn với nhau (đều muốn là bá chủ khu vực). Sự liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa trực tiếp lợi ích của Ấn Độ tại khu vực ĐNA. Theo đó, Ấn Độ có yêu cầu cấp thiết phải tập hợp lực lượng để đối phó với nguy cơ này. Ấn Độ tăng cường quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, Việt Nam và các nước XHCN khác. Việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam và Đông Dương ngoài mối quan hệ gần gũi đặc biệt của Ấn Độ dành cho Việt Nam, còn do ảnh hưởng từ Liên Xô - nước đứng đầu trong hệ thống XHCN. Để bảo đảm lợi ích và vị thế của

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/05/2022