Nhận Diện Bản Sắc Và Lợi Ích Quốc Gia Của Việt Nam


Nam đóng vai trò “đối tác quan trọng” như một dây cương hỗ trợ Mỹ kìm giữ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ cũng xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác giữa Mỹ với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là bộ phận quan trọng trong chính sách duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở ĐNA nói riêng và CA-TBD nói chung [109, tr.77-85]. Trong những đánh giá của Mỹ, Việt Nam luôn nằm trong tổng thế những tính toán chiến lược ở khu vực ÂĐD-TBD. Mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam và ASEAN được cải thiện sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ĐNA. Theo đó, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là một cơ sở quan trọng cho sự hiện diện lâu dài, ổn định của Mỹ tại khu vực này. Trong bối cảnh chiến lược đó, Việt Nam được đánh giá là đối tác tiềm năng, triển vọng. Việt Nam đã được nhắc đến hai lần trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ với vị trí hàng đầu khi được xem là “đối tác an ninh và kinh tế” và vị trí thứ hai sau Singapore khi được xem là “đối tác trong lĩnh vực hàng hải” [250].

Trong khi nhìn nhận Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược, Mỹ nhận thấy Ấn Độ có tầm quan trọng về địa - chính trị và địa - chiến lược. Ấn Độ là một nước lớn ở châu Á, một nền kinh tế đang trỗi dậy và là láng giềng nhiều “duyên nợ” với Trung Quốc [108]. Trong những năm gần đây, Ấn Độ là quốc gia đi đầu trong việc chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương; từ chối tham gia sáng kiến BRI hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy một trật tự tại ÂĐD- TBD không bị Trung Quốc chi phối. Việc Ấn Độ nghiêng về bất kì một nước lớn nào cũng sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng và chi phối quan hệ trong khu vực cũng như toàn cầu. Liên kết với Ấn Độ giúp Mỹ có thêm thế và lực để kiềm chế Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ với dân số đông thứ hai trên thế giới, là một thị trường rộng lớn, tiềm năng kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Do vậy, Mỹ ra sức lôi kéo Ấn Độ về phía mình. Thoả thuận hạt nhân Mỹ - Ấn ký vào tháng 3/2006 và việc ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự đã được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice bảo đảm trong chuyến thăm Ấn Độ (10/2008) là một ưu ái của Mỹ giành cho Ấn Độ. Đồng thời, Mỹ ủng hộ sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu hàng đầu và là đối tác quan trọng trong nỗ lực đảm bảo ÂĐD-TBD là một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng [255]. Trong Chiến lược Nam Á và ÂĐD -TBD, Mỹ nhấn mạnh vai trò then chốt của Ấn Độ trong khu vực, đặt Ấn Độ ngang hàng với các đồng minh trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc trao đổi các


công nghệ nhạy cảm. Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc cũng như việc Ấn Độ tham gia Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG). Ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia đóng vai trò trụ cột trong liên minh Bộ Tứ (QUAD) cùng với Nhật Bản, Australia mà Chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy trong chính sách ÂĐD - TBD. Khi cục diện thế giới thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức mới, cả Mỹ và Ấn Độ đều tìm thấy những điểm tương đồng để phát huy quan hệ đối tác và hướng tới sự đồng thuận vì lợi ích chung của cả hai bên cũng như lợi ích riêng của mỗi nước.

Từ sự phân tích trên cho thấy, Mỹ nhìn nhận vai trò quan trọng của Việt Nam và Ấn Độ trong mục tiêu đối trọng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, theo đó, một cách tự nhiên, có sự hội tụ về lợi ích chiến lược, an ninh giữa Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam. Như vậy, nhân tố Mỹ đóng vai trò tác động tích cực tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bởi sự đan xen lợi ích chiến lược ở cả cơ chế song phương và đa phương. Ngoài ra, cạnh tranh Mỹ - Trung không chỉ tác động theo nghĩa Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam cùng ứng phó với Trung Quốc, mà còn theo khía cạnh các nước vừa và nhỏ như Việt Nam không muốn bị kẹt/chọn bên giữa hai cường quốc lớn (Mỹ và Trung Quốc), nên theo đuổi chính sách phát triển, đa phương hóa, quan hệ với các đối tác lớn khác trong khu vực như Ấn Độ.

* Sự ―bất cân xứng‖ giữa Việt Nam, Ấn Độ với Trung Quốc tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Theo Carl Thayer, Trung Quốc lớn hơn Việt Nam 29 lần và mặc dù là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, Việt Nam chỉ tương đương với một tỉnh cỡ trung của Trung Quốc [245, tr.348-369]. Còn Ấn Độ ngay cả khi là một cường quốc mới nổi, thì GDP của Trung Quốc cao gấp 5 lần GDP của Ấn Độ, tương ứng khoảng 14 nghìn tỷ USD so với khoảng 2,7 nghìn tỷ USD [176], quân đội thường trực và kho hạt nhân lớn gấp đôi so với Ấn Độ [243]. Vào năm 2020, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 252 tỷ USD so với 72,9 tỷ USD của Ấn Độ [240].

Sự bất cân xứng kết hợp với sự gần kề địa lý (chung biên giới) với Trung Quốc, một mặt khiến cả Việt Nam và Ấn Độ phải theo đuổi chính sách cân bằng bên ngoài, nhưng mặt khác, cũng tạo nên một động lực quan trọng/sức hấp dẫn trong việc củng cố gia tăng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang có mối quan hệ kinh tế - thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích kinh tế của mình. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

lớn nhất và là thị trường quan trọng nhất của nông sản Việt Nam bao gồm sắn/các sản phẩm từ sắn, than đá, cao su, gạo. Đổi lại, Trung Quốc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam như điện thoại di động, linh kiện điện tử, hàng may mặc/dệt may và da cho ngành giày dép của Việt Nam. Sự khác biệt về trình độ phát triển khiến hai nền kinh tế bổ sung cho nhau và sự gần gũi về địa lý cũng góp phần tạo thuận lợi cho thương mại hai nước. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế bất cân xứng với Trung Quốc cũng khiến Việt Nam và Ấn Độ quan ngại về sự phụ thuộc quá mức vào nước láng giềng. Chưa kể những phản ứng của Trung Quốc về hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng tác động tới chiều sâu hợp tác giữa hai nước. Các nguồn cung cấp quân sự như hàng hải, huấn luyện/đào tạo, mua bán vũ khí… từ phía Ấn Độ cho Việt Nam đã gây nên những phản ứng chỉ trích từ phía Trung Quốc [151].

Giống như hầu hết các nước láng giềng khác của Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ rất khó để thúc đẩy các chiến lược cân bằng mà không bị coi là chống lại Trung Quốc. Do sự bất cân xứng quá lớn, nhất là từ phía Việt Nam, mà cả Việt Nam và Ấn Độ đều đồng thời theo đuổi các biện pháp là hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc, ràng buộc thể chế và các chính sách xây dựng lòng tin. Như vậy, sự bất cân xứng ngày càng tăng về khả năng kinh tế và quân sự giữa Việt Nam, Ấn Độ với Trung Quốc là một khía cạnh cho thấy sự tác động hai chiều của yếu tố này (theo hướng vừa là lực đẩy để cân bằng quyền lực vừa là lực cản cho hiệu quả hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh). Theo đó, sẽ không toàn diện nếu chỉ nhìn nhận duy nhất khía cạnh thúc đẩy (cân bằng quyền lực), mà bỏ qua khía cạnh cản trở do phản ứng của Trung Quốc và lợi ích riêng của Việt Nam, Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc nói chung và trên lĩnh vực kinh tế - thương mại nói riêng.

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 11

Tóm lại, kiểm chứng thực tiễn quan hệ và lý thuyết quan hệ quốc tế (chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện thực) cho thấy rõ tác động của nhân tố quốc tế, khu vực tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2007 - 2021. Theo đó, nhân tố quốc tế và khu vực dẫn đến điểm hội tụ lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, là mắt xích quan trọng, thúc đẩy hai nước nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện (2003) lên đối tác chiến lược (2007) và đối tác chiến lược toàn diện (2016), đồng thời tiếp tục phát triển bền chặt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng

- an ninh ở các năm tiếp theo (2017- nay). Tuy nhiên, sự bất cân xứng giữa Việt Nam, Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cùng với sự gần kề địa lý cũng gây những cản trở nhất định tới hiệu quả, chiều sâu hợp tác


giữa hai nước, nhất là trong hợp tác quốc phòng - an ninh. Khi các khả năng không đối xứng đi đôi với sự gần kề địa lý sẽ khiến các quốc gia yếu/nhỏ hơn dễ dàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách/hành vi từ nước láng giềng lớn hơn. Sự bất cân xứng về quyền lực, sự gần kề về địa lý và những gánh nặng về lịch sử khiến Việt Nam trở nên nhạy cảm với các phản ứng của Trung Quốc và ngược lại cũng thận trọng trong hợp tác quốc phòng - an ninh với các nước lớn, trong đó có Ấn Độ.

2.2. Nhân tố bản sắc và lợi ích quốc gia

Theo chủ nghĩa kiến tạo, bản sắc quốc gia của Việt Nam và Ấn Độ được coi là kim chỉ nam quy định hành vi/ứng xử của hai nước trong quan hệ quốc tế. Bản sắc quốc gia là kết quả của quá trình kế thừa và phát triển ở từng giai đoạn khác nhau gắn với tiến trình phát triển của mỗi nước. Đồng thời, bản sắc quốc gia cũng được định hình bởi quá khứ lịch sử và tình hình hiện tại [146]. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, bản sắc quốc gia của Việt Nam và Ấn Độ được đề cập đến là bản sắc trong đối ngoại [203], tức là bản sắc quốc gia trong quan hệ quốc tế hay nói cách khác bản sắc liên quan đến vai trò và địa vị của hai nước do chính mỗi nước cũng như những quốc gia khác trong quan hệ quốc tế nhìn nhận và mang tính phổ quát.

2.2.1. Nhận diện bản sắc và lợi ích quốc gia của Việt Nam

2.2.1.1. Bản sắc quốc gia của Việt Nam

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử thể hiện nhiều bản sắc khác nhau: từ nạn nhân của ngoại xâm đến một quốc gia độc lập, một nước trong hệ thống XHCN, một nước đang phát triển, một thành viên ASEAN, một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực ĐNA và đang định hình với tư cách là quốc gia tầm trung.

* Việt Nam từ nạn nhân của ngoại xâm đến một quốc gia độc lập

Bản sắc Việt Nam được hình thành từ chủ nghĩa dân tộc. Phần lớn người Việt Nam là người Việt, chiếm 86% dân số Việt Nam [85], đó là lý do tại sao người Việt Nam phần lớn chia sẻ văn hóa chung và các hành vi chuẩn mực. Chủ nghĩa dân tộc truyền thống của Việt Nam gắn liền với thời kỳ phong kiến với đặc điểm yêu nước, chống lại sự thống trị của ngoại xâm. Trong lịch sử, Việt Nam đã phải chịu gần 1000 năm Bắc thuộc, hơn 80 năm dưới thời Pháp thuộc và 30 năm bị Mỹ xâm lược. Theo tác giả Nguyễn Khắc Viện, “nỗi đau chung từ cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là Trung Quốc chính là cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam” [125]. Ý thức về tự do, độc lập dân tộc rất mạnh mẽ, thể


hiện trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc qua các thời kỳ lịch sử: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tinh thần yêu nước, yêu độc lập và truyền thống chống ngoại xâm thể hiện rõ trong văn hóa tư tưởng, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tâm thức, tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam. Điều đó tạo thành văn hóa chiến lược của Việt Nam trong ứng xử ở môi trường quốc tế bao gồm truyền thống, giá trị, thái độ, khuôn mẫu hành vi, biểu tượng của quốc gia, thành tựu và những cách thức cụ thể để thích ứng với môi trường và giải quyết các vấn đề liên quan đến các mối đe dọa về an ninh.

Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho đường lối, chính sách đối ngoại. Trên thực tế, đó là sự tiếp nối của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ĐCS Việt Nam đã đạt được mục tiêu độc lập dân tộc sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Hệ thống chính trị của Việt Nam vận hành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của ĐCS Việt Nam với tôn chỉ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ thông qua cơ quan quyền lực là Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản lớn nhất cho ngoại giao Việt Nam trong thời hiện đại là nền ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt với nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cách tiếp cận này đối với ngoại giao Việt Nam nói chung và đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng đã giúp Việt Nam ngăn chặn những hành động leo thang của Trung Quốc và gây sự chú ý, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc “bất biến” là lợi ích quốc gia dân tộc với nội hàm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; sức mạnh và vị thế đất nước là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phương cách triển khai thì thiên biến vạn hóa, khi cương khi nhu, khi tiến khi lui tùy theo vấn đề, thời điểm, tương quan lực lượng cụ thể [73, tr.551- 552].

* Việt Nam là nước đang phát triển

Theo Bảng phân loại của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang phát triển [252]. Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có dân số là 98.475.076 triệu người [35], song chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn nhiều hạn chế. Việt Nam đã tận dụng được cơ hội dân số vàng (giai đoạn 2007 - 2010), tuy chưa nhiều. Nhu cầu việc làm tăng, nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Quá trình


di cư ồ ạt ra thành thị, đặc biệt là thanh niên đã gây sức ép về cơ sở hạ tầng, giao thông và an sinh xã hội. Dân số đông dẫn đến những thách thức về việc làm, nhà ở, điều kiện sống... GDP bình quân đầu người xếp thứ 129 trên tổng số 182 nước được thống kê. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam tổng hợp từ các chỉ số về kinh tế, giáo dục và sức khỏe ở thứ hạng 116/182, còn thấp so với thế giới; tốc độ già hóa dân số nhanh, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số [253].

Trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu; quy mô nền kinh tế Việt Nam mới đứng thứ sáu, trong khi quy mô dân số xếp thứ ba trong các nước ASEAN. Trong những năm gần đây, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng) [81]. KH-CN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ KH-CN nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực. Hiệu quả nghiên cứu KH-CN và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao…[3].

Thêm vào đó, nhu cầu phát triển kinh tế đã có những tác động bất lợi đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Việt Nam nằm trong số mười quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí. Ô nhiễm nước gây nên những hậu quả lâu dài và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, bản thân ngành điện chiếm gần 2/3 lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng, trong khi năng suất sử dụng nước thấp, khoảng 12% so với tiêu chuẩn toàn cầu [81].

* Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực ĐNA

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam nổi lên là một quốc gia có tầm quan trọng đáng kể trong khu vực ĐNA [87]. Thứ nhất, Việt Nam sở hữu vị trí mang tính chiến lược, có nhiều ý nghĩa địa - chính trị và những tiềm năng về hàng hải quan trọng. Vị trí địa - chiến lược của Việt Nam luôn dung chứa, tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi khách quan cho đất nước phát triển kinh tế, mở rộng bang giao, giao lưu văn hoá, nhưng vị trí đó cũng dễ biến Việt Nam thành mục tiêu, địa bàn


tranh chấp của các thế lực trong khu vực và quốc tế [98, tr.72-74]. Việt Nam nằm ở ĐNA - khu vực chiến lược trọng yếu hàng đầu trên thế giới. ĐNA được xem là cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới. Đối với các cường quốc bên ngoài, ĐNA là vùng đệm quan trọng để thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược lớn tại khu vực. Sự quan tâm của thế giới đang ngày càng chuyển dịch về khu vực CA-TBD, ÂĐD-TBD, dẫn đến vai trò địa - chiến lược của Việt Nam theo đó cũng tăng lên. Ngoài ra, là quốc gia biển với đường lãnh hải dài, mỗi phần lãnh thổ Việt Nam đều có thể đóng vai trò là cửa ngõ kết nối nội địa châu Á với Thái Bình Dương. Việt Nam có nhiều khu vực xây dựng cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu, cho phép Việt Nam đóng một vai trò then chốt về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia trong và ngoài khu vực. Việt Nam cũng nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp.

Thứ hai, Việt Nam có vị thế ngày càng quan trọng về mặt chiến lược trong quan hệ với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới. Đặt Việt Nam trong mối quan hệ và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước châu Á và thế giới có thể thấy, tuy về diện tích lãnh thổ Việt Nam chỉ là một quốc gia tương đối nhỏ, nhưng cho đến nay, Việt Nam “luôn giữ vị trí quan trọng không chỉ đối với người Mỹ mà còn đối với người Nga, người Trung Quốc, người Nhật Bản, thậm chí cả người Ấn Độ” [50, tr.26]. Việt Nam được xác định là đối tác quan trọng hàng đầu ở ĐNA trong chiến lược của các nước lớn. Trung Quốc đặt Việt Nam ở vị trí cao trong các chiến lược lớn như Sáng kiến BRI, Cộng đồng chung vận mệnh hay Ngoại giao láng giềng. Mỹ đặt Việt Nam ở vị trí ưu tiên trong tổng thể chính sách đối với khu vực CA-TBD và ÂĐD-TBD. Việt Nam là một trọng tâm trong chính sách Hướng Nam của Nhật Bản, Hướng Đông/Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Hướng Đông của Nga hay Hướng Bắc của Australia.

Về đối ngoại, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, thể hiện qua các khía cạnh: (i) tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt trong tổ chức khu vực ASEAN và các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt; (ii) năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định; (iii) Việt Nam tham gia, đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, hiệu quả, đa dạng về cấp độ, hình thức, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên tinh thần chủ động, tích cực. Là “thành viên


có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [40] là một khía cạnh mới về bản sắc ngoại giao của Việt Nam trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Nội hàm này là một trong những cơ sở để xác định những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam cũng như định vị bản sắc ngoại giao của Việt Nam. Năm 2011, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhận định về nội hàm này như sau: “Trách nhiệm cần được xác định theo các cấp độ: trách nhiệm đối với dân tộc của mình; trách nhiệm đối với khu vực của mình; trách nhiệm đối với những vấn đề chung của nhân loại” [74].

Thứ ba, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2010: đạt 7%/năm, giai đoạn 2016 - 2019: đạt 6,8%/năm. Năm 2020, trong 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ có bốn nền kinh tế tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam: 2,91%. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, từng bước dựa vào ứng dụng KH - CN và đổi mới sáng tạo. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020 [3]. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới [270]. Theo IMF, GDP của Việt Nam năm 2020 vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực [190]. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Thứ tư, về tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới, Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải rõ rệt. Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra “một câu chuyện huyền thoại” trong công cuộc giảm nghèo. Công cuộc giảm nghèo liên tục được cải thiện: năm 2020, Việt Nam có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 75,9% so với năm trước, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 76,1%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo [91].

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 26/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí