Kim Ngạch Thương Mại Song Phương Việt Nam- Ấn Độ (2016-2021)


phần quan trọng thúc đẩy quá trình hợp tác về KH-CN, giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Ấn Độ.

1.2.2.2. Giai đoạn 2016 - 2021

Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, vào tháng 9/2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bước sang một trang mới khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, chưa kể đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ sau 15 năm kể từ năm 2001. Chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, thể hiện “chính sách nhất quán của Việt Nam và Ấn Độ, luôn coi trọng, ưu tiên cao quan hệ đối tác chiến lược với nhau, mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực” [48, tr.166]. Việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, là động lực quan trọng để thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị song phương, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước [111, tr.159].

Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Việt Nam luôn khẳng định ủng hộ Ấn Độ triển khai chính sách Hành động hướng Đông cũng như đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Hai nước có sự đồng thuận về nhiều vấn đề khu vực, ủng hộ lẫn nhau và phối hợp khá nhịp nhàng trong các tổ chức và diễn đàn đa phương. Với vai trò điều phối viên quan hệ đối thoại Ấn Độ - ASEAN (2015 - 2018), Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai bên. Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo hai nước tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau (Xem Phụ lục 7). Riêng trong quý một năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng; nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của mỗi nước để tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất. Trên tinh thần đó, hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018), hai bên đã ra Tuyênbố chung giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ về


chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của ngài Ram Nath Kovind, Tổng thốngnước Cộng hòa Ấn Độ và Phu nhân và ký kết các văn kiện quan trọng nhằm thúcđẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong giai đoạn này, Việt Nam và Ấn Độ đã triển khai các cơ chế đối thoại bao gồm Tham khảo chính trị và Đối thoại chiến lược nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Khi xảy ra đại dịch Covid -19, các chuyến thăm trực tiếp được thay thế bằng các hình thức trao đổi trực tuyến: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm trực tuyến và điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi lần lượt vào tháng 12/2020 và 13/4/2021; Bộ trưởng Quốc phòng hai nước điện đàm (7/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (9/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi không lâu sau thời gian nhậm chức và gặp gỡ trực tiếp Thủ tướng Modi bên lề Hội nghị COP-26 ở Glasgow (31/10/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước điện đàm và gặp nhau bên lề Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Mỹ (11/2021)… Sự gặp gỡ, trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thể hiện sự coi trọng quan hệ song phương và lòng tin chiến lược của hai nước đối với nhau. Đặc biệt, tại cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi (12/2020), hai nhà lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân” để định hướng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong những năm tới [27].

Từ ngày 15-19/12/2021, nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Ấn Độ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội sau khi nhận nhiệm vụ, khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chuyến thăm đã thu hút sự quan tâm của truyền thông hai nước và hứa hẹn tạo nên những xung lực mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tại những thời điểm mang tính bước ngoặt, nhất là vào năm 2022, hai nước sẽ tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và sáu năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và nhận thức chung về nhu cầu tăng cường an


ninh đối với mỗi nước cũng như trong khu vực góp phần giải quyết những thách thức chung. Giai đoạn 2016 - 2021, hợp tác quốc phòng giữa hai nước được mở rộng trên cả ba quân binh chủng: hải quân, lục quân, không quân và tập trung vào ba lĩnh vực chính: trao đổi đoàn, đào tạo/huấn luyện và công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, hai nước tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ, an ninh hàng hải, an ninh mạng.... Lãnh đạo hai nước nhất trí coi hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong hoạt động trao đổi đoàn, quân đội hai nước đã tăng cường giao lưu ở tất cả các cấp, trong đó chú trọng cấp cao.

Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, huấn luyện nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như dựa trên thế mạnh mỗi nước. Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nâng cao năng lực, tiếng Anh và CNTT cho lực lượng cán bộ của Quân đội Nhân dân Việt Nam; giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ chỉ huy, kỹ thuật của Hải quân, Phòng không - Không quân và Cảnh sát biển, đảm bảo cho họ có thể khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại. Việt Nam đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ. Hai nước tiếp tục trao đổi nhu cầu, khả năng, thống nhất phương thức hợp tác phù hợp, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển. Hai nước tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh, triển khai tích cực một số gói tín dụng quốc phòng đã được thỏa thuận (gói 100 triệu USD vào năm 2014 và gói 500 triệu USD vào năm 2016). Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia quân sự nói chung và đào tạo các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc nói riêng [70]. Cuối năm 2020, Việt Nam và Ấn Độ tổ chức tập trận giữa Hải quân hai nước trong vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.

Năm 2021, Ấn Độ đề nghị cho phép tàu hải quân sang thăm Việt Nam. Trong năm này, tàu AIRAVAT của Hải quân Ấn Độ đã hai lần đến Việt Nam để nhận hàng viện trợ phòng, chống dịch Covid -19 (cập Cảng Nhà Rồng, Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 5) và bàn giao vật tư, phụ tùng lớp tàu quét mìn Petya của Hải quân Ấn Độ tặng Hải quân Việt Nam (cập Cảng quốc tế Cam Ranh vào tháng 6). Tháng 8, tàu INS RANVIJAY và tàu INS KORA của Hải quân Ấn Độ do Đại tá Hariharan làm trưởng đoàn cùng 459 sĩ quan, thủy thủ đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh thăm thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chiều ngày 18/8, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, Tàu 012- Lý Thái Tổ thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân Việt Nam đã tham gia luyện tập chung trên biển cùng biên đội tàu của Hải quân Ấn Độ.


Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS1982), cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn [216].

Nhìn chung, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2021 ngày càng được mở rộng và tương đối toàn diện. Mối quan hệ này thể hiện rõ những thiện chí và nỗ lực của hai nước. Hai bên hiểu khá rõ tiềm năng, thực lực và nhu cầu về quốc phòng của nhau. Đây là cơ sở rất quan trọng để Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trên cơ sở cùng có lợi. Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng - an ninh cũng có nhiều rào cản khách quan và chủ quan, chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Xuất phát từ chính sách cân bằng đối với các nước lớn, Việt Nam có sự thận trọng khi thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Do đó, hai bên mới chỉ ký Nghị định thư và Biên bản ghi nhớ, chưa ký Hiệp định về hợp tác quốc phòng. Tuy vẫn còn một số khó khăn, thách thức, nhưng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng cho lợi ích an ninh mỗi nước, cho sự ổn định, hòa bình của khu vực và được coi là động lực thúc đẩy các mối quan hệ trên các lĩnh vực khác phát triển.

Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ hợp tác có những bước phát triển khá nhanh và đồng đều cả về thương mại, đầu tư và tín dụng ưu đãi. Việc phát triển quan hệ kinh tế với Ấn Độ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần phát triển một số ngành kinh tế như dầu khí, khai khoáng, chế tạo, dược phẩm, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm… Đa số hàng nhập khẩu từ Ấn Độ là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, giá cả phải chăng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất. Các khoản tín dụng của Ấn Độ đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu vốn của Việt Nam để nhập khẩu thiết bị, máy móc cho sản xuất.


Bảng 1.2: Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Ấn Độ (2016-2021)

(đơn vị tính: triệu USD)


Năm

Tổng

thương mại

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Cán cân

thương mại

2016

5398,0

2688,0

2710,0

-22,0

2017

7632,0

3755,0

3877,0

-122,0

2018

10690,0

6540,0

4150,0

2390,0

2019

11300,0

6600,0

4700,0

1600,0

2020

12340,0

7280,0

5060,0

2220,0

7/2021

7460,0

3400,0

4060,0

-

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 8

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trong năm 2021, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư 26 dự án cấp mới, 7 dự án tăng vốn và 60 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 19,15 triệu USD, đứng thứ 27/106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Tính đến tháng 12 năm 2021, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 313 dự án, tổng vốn đăng ký 910,41 triệu USD [31]. Nếu so với thời điểm năm 2016, số dự án đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng hơn hai lần. Chỉ tính riêng trong năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ vào Việt Nam chiếm tới gần 25% tổng vốn FDI của quốc gia này cam kết vào Việt Nam trong 30 năm qua.

Trên lĩnh vực KH-CN, văn hóa, giáo dục - đào tạo, hai nước thể hiện sự quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phát triển thông qua việc xúc tiến các hoạt động hợp tác. Về KH-CN, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết các hiệp định, biên bản ghi nhớ trong nghiên cứu hải dương học, CNTT, truyền thông, công nghệ sinh học… Hiệp định khung về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được ký kết vào tháng 12/2016, theo đó Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử trong y học (y học hạt nhân), sản xuất đồng vị phóng xạ, phát triển các phương pháp chữa bệnh nhân ung thư… Ngoài ra, hai nước cũng ký kết Bản ghi nhớ giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Trung tâm Năng lượng hạt nhân Toàn cầu Ấn Độ trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018) nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Về hợp tác văn hóa, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Ấn Độ đã có những


hoạt động như: khánh thành Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội, tổ chức Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ hai; Ngày Quốc tế Yoga lần thứ ba tại Hồ Hoàn kiếm; Liên hoan Hữu nghị Nhân dân Việt Nam - Ấn Độ (được tổ chức luân phiên hàng năm tại mỗi nước)… Giai đoạn 2017 - 2018, dự án bảo tồn di sản văn hóa thế giới - Khu di tích Mỹ Sơn (được ký kết năm 2014) đã hoàn thành giai đoạn một, tạo thuận lợi cho việc triển khai ở các giai đoạn tiếp theo.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, hàng năm, Ấn Độ cấp cho Việt Nam hơn 100 học bổng ITEC theo hình thức dài hạn, ngắn hạn về tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, KH-CN... Những khóa đào tạo này giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chuyên gia, giảng viên, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, song chương trình ITEC vẫn triển khai thực hiện với hình thức đào tạo trực tuyến, sử dụng các hình thức học tập số nhằm duy trì các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho học viên Việt Nam. Hợp tác giáo dục là lĩnh vực hợp tác tương đối hiệu quả giữa hai nước. Việt Nam là quốc gia ĐNA nhận được nhiều học bổng nhất từ Chính phủ Ấn Độ [272]. Việc đào tạo Ấn Độ học cũng ngày càng được chú trọng tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam khai trương Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, trực thuộc Viện Khoa học xã hội Ấn Độ (ISS) - một trong những cơ quan nghiên cứu uy tín về các vấn đề chính sách và phát triển nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Khảo sát tiến trình vận động của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến năm 2021 trên một số lĩnh vực chính cho thấy các nhân tố chủ yếu tác động tới quan hệ hai nước giai đoạn này bao gồm nhân tố quốc tế và khu vực, bản sắc và lợi ích quốc gia và nhân tố lãnh đạo. Các nhân tố này tác động theo cả hai chiều hướng (thúc đẩy và cản trở). Kết quả tác động được thể hiện trên hai phương diện: (i) nâng cấp quan hệ song phương; (ii) hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực chính, trong đó chú trọng lĩnh vực kinh tế và quốc phòng - an ninh.


Tiểu kết

Cơ sở lý thuyết của luận án được xây dựng dựa trên một số luận điểm phù hợp của các học thuyết quan hệ quốc tế chủ yếu và khung phân tích chính sách đối ngoại. Chủ nghĩa tự do lập luận, hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, đặc biệt những tính toán về lợi ích kinh tế thu được từ hợp tác là nền tảng quan trọng nhất


trong quan hệ giữa các quốc gia trong môi trường quốc tế. Hợp tác quốc tế làm gia tăng hội nhập quốc tế và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, tác động trở lại thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Theo đó, những tác động của xu hướng toàn cầu hóa thương mại, cách mạng KH-CN 4.0, sự gia tăng và phát triển của các vấn đề an ninh phi truyền thống, mà không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết được, tạo tiền đề khách quan cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thêm vào đó, sự phụ thuộc lẫn nhau và sự tham gia vào các thể chế tác động thúc đẩy thói quen và khả năng hợp tác giữa các quốc gia; các nhân tố phi quốc gia có vai trò đáng kể tác động đến quá trình hoạch định và sự lựa chọn chính sách đối ngoại của quốc gia, trong đó có sự lựa chọn hợp tác.

Chủ nghĩa hiện thực với hai nhánh cổ điển và tân hiện thực xác định nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chính là lợi ích an ninh và tác động của cấu trúc, cục diện quốc tế lên việc nhìn nhận lợi ích, từ đó quy định hành vi, ứng xử của quốc gia trong quan hệ quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Luận điểm về bản sắc trong chủ nghĩa kiến tạo góp phần lý giải đầy đủ hơn các khía cạnh về nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ những tương đồng/khác biệt về bản sắc và lợi ích giữa hai nước. Nếu hợp tác trong góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực là không bền chắc, dài lâu vì lợi ích quốc gia là cơ sở cốt lõi, lợi ích có thể thay đổi khi bối cảnh thay đổi, từ đó không có bạn vĩnh viễn cũng không có thù vĩnh viễn; thì chủ nghĩa kiến tạo lại nhìn nhận cơ sở cho sự hợp tác lâu dài là dựa trên những bản sắc tương đồng/tương hỗ. Những luận điểm này được kết hợp trong từng cấp độ phân tích (hệ thống, quốc gia và cá nhân/nhóm) để củng cố và làm rõ các nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chịu sự tác động của các nhân tố chủ yếu sau: (i) quốc tế và khu vực; (ii) bản sắc và lợi ích quốc gia; (iii) nhân tố lãnh đạo.

Cùng với đó, dưới sự soi chiếu của khung lý thuyết, việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ qua các mốc thời gian cụ thể kể từ khi Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại New Delhi (1956) cho đến năm 2021 đã góp phần kiểm chứng giá trị của các mạch lý thuyết về nhân tố tác động tới quan hệ giữa các quốc gia, trong trường hợp cụ thể là của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn làm nền tảng cho việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến mối quan hệ này từ năm 2007 đến năm 2021. Dựa trên những kết quả của chương 1, chương 2 sẽ phân tích làm rõ sự tác động của các nhân tố xác định ở trên đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn 2007 - 2021, trên cơ sở đó làm căn cứ để dự báo chiều hướng tác động của các nhân tố trong thời gian tới.


CHƯƠNG 2

TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG NHÂN TỐ CHỦ YẾU TỚI SỰ VẬN ĐỘNG CỦA QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ GIAI ĐOẠN 2007 - 2021


Giai đoạn 2007 - 2021, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển, từ quan hệ đối tác toàn diện (2003) lên đối tác chiến lược (2007) và đối tác chiến lược toàn diện (2016). Có thể khẳng định, đây là giai đoạn chứa đựng nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt trong sự vận động của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên hai phương diện: cấp độ quan hệ và hiệu quả hợp tác, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng - an ninh. Chương 2 tập trung phân tích, đánh giá sự tác động của các nhân tố chủ yếu tới quan hệ hai nước giai đoạn 2007-2021, bao gồm nhân tố quốc tế và khu vực, bản sắc và lợi ích quốc gia và nhân tố lãnh đạo.

2.1. Nhân tố quốc tế và khu vực

2.1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực

2.1.1.1. Bối cảnh quốc tế

Quan hệ quốc tế giai đoạn 2007 - 2021 nổi lên một số xu thế cơ bản, có tác động lớn tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đó là: (i) xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; (ii) xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng KH-CN; (iii) xu thế toàn cầu hóa cùng với sự gia tăng mặt trái; (iv) sự gia tăng các thách thức an ninh phi truyền thống; (v) vai trò của các thể chế đa phương và những thách thức; (vi) xu thế dịch chuyển trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông và sự đan xen vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các nước lớn theo hướng mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc [39],[40],[41],[42],[43].

Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, thế giới trải qua một thời kỳ nhiều biến động, phức tạp, khó đoán định. Mặc dù xung đột, cạnh tranh, mâu thuẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế, đồng thời đây cũng là nhân tố quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược của các quốc gia, từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác. Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp diễn ra được giải quyết theo chiều hướng hiệp thương, tránh xung đột, đối đầu trực tiếp. Các nước lớn với tư cách là chủ thể khởi xướng và dẫn dắt các quá trình liên kết khu vực, quốc tế đã thúc đẩy tiến trình này. Hợp tác phát triển diễn ra ở nhiều cấp độ: toàn cầu, khu vực, tiểu vùng, song phương… tạo môi trường ổn định cho phát triển nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/05/2022