Nhân vật bình phàm trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ - 2

Sống giữa xã hội ấy, số phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng đều hết sức bấp bênh, bất hạnh. Đào Thị tài hoa và nhan sắc nhưng lại khổ vì chính tài hoa và nhan sắc đó. Cả cuộc đời Đào Thị là sự bị truy đuổi, tiêu diệt và trừng trị” [6, 76].

Đặc biệt, tác giả Trần Nho Thìn đã có một bài viết quan trọng mang tính định hướng cho việc tìm hiểu nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục. Đó là bài viết “Thi pháp truyện ngắn văn học trung đại Việt Nam”. Tác giả đã phân tích “thi pháp của loại truyện về các thánh nhân quân tử” “thi pháp của loại truyện về các nhân vật bình phàm”: “Các danh nhân thực ra là thể hiện mẫu hình nhân vật lí tưởng, mẫu người thánh nhân còn các nhân vật trần thế là thể hiện mẫu người tự nhiên, người bình phàm. Ứng xử của các hình mẫu này đối với xã hội, tự nhiên và bản thân là khác nhau và các yếu tố thi pháp miêu tả chúng cũng khác nhau” [22].

Tóm lại, tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau: nội dung, quan điểm nghệ thuật về con người, nhân vật, khuynh hướng sáng tác… Tuy nhiên, một số bài viết còn bỏ ngỏ cho nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo.

Dựa vào các nguồn tài liệu tham khảo được nêu ở trên, tôi xin đi sâu vào tìm hiểu nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ và phương thức nghệ thuật thể hiện nhân vật bình phàm trong tác phẩm. Qua đó, tác giả khóa luận muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc khẳng định sự thành công của Nguyễn Dữ trong xây dựng hình tượng nhân vật.

3. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu đề tài “Nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ” nhằm mục đích thống kê, phân tích kiểu nhân vật chính trong Truyền kì mạn lục. Từ đó, thấy được nội dung, tư tưởng của tác phẩm và sự đóng góp to lớn của Nguyễn Dữ vào sự phát triển của văn học dân tộc.

Đồng thời, bản thân tác giả muốn trau dồi kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu sau này.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 56 trang tài liệu này.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- 20 truyện trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ được in trong cuốn Cù Hựu, Tiễn đăng tân thoại; Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, Nhà xuất bản Văn học, năm 1999.

Nhân vật bình phàm trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ - 2

- Khi triển khai đề tài, tác giả luận văn có so sánh, đối chiếu với một số tác phẩm truyền kì trước và sau Truyền kì mạn lục.

5. Phương pháp nghiên cứu

Dựa vào mục đích và yêu cầu của đề tài này, tôi xin sử dụng một số phương pháp sau:

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp phân tích tổng hợp

6. Đóng góp của đề tài

Đây là công trình nghiên cứu một cách tập trung về nhân vật bình phàm trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Qua đó, ta thấy được những đóng góp to lớn của Nguyễn Dữ đối với sự phát triển của văn học Việt Nam.

7. Bố cục của khóa luận

Chương 1: Những vấn đề chung

Chương 2: Nhận diện nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục

Chương 3. Phương thức nghệ thuật thể hiện nhân vật bình phàm trong Truyền kì mạn lục

NỘI DUNG

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG


1.1. Nguyễn Dữ và Truyền kì mạn lục

1.1.1. Tác giả Nguyễn Dữ

Những tài liệu ghi chép về tác giả Nguyễn Dữ hiện còn rất sơ lược. Nguyễn Dữ hiện chưa rò năm sinh, năm mất. Ông quê ở xã Đường Lâm, huyện Gia Phúc, thuộc Hồng Châu xưa (nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Nguyễn Dữ là con trai cả của Nguyễn Tường Phiêu, tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiêu Hồng Đức năm thứ 27 (1486), được trao chức Thừa chánh sứ, sau khi mất được tặng phong Thượng thư. Từ đó có thể suy đoán, Nguyễn Dữ có khả năng sống vào cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI.

Từ nhỏ, Nguyễn Dữ đã chăm học, đọc rộng nhớ nhiều, từng ôm ấp lí tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Có thể Nguyễn Dữ đã từng theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Bởi theo Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề), Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi đỗ hương tiến, Nguyễn Dữ thi Hội nhiều lần và từng giữ chức tri huyện Thanh Tuyền. Nguyễn Dữ ra làm quan được một năm thì cáo quan, lấy lí do phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu, từ đó ông không bước đến thị thành.

Dù về ẩn dật nhưng Nguyễn Dữ không từ bỏ hoài bão giúp đời. Nguyễn Dữ đã viết Truyền kì mạn lục để kí thác những tâm sự của mình, bày tỏ thái độ trước hiện thực xã hội đương thời. Qua tác phẩm Truyền kì mạn lục, cho thấy ông là một người ưu thời mẫn thế, có tinh thần dân tộc và tư tưởng thân dân sâu sắc.

1.1.2. Tác phẩm “Truyền kì mạn lục”

Truyền kì mạn lục gồm 20 truyện chia thành 4 tập, mỗi tập 5 truyện. Nguyễn Dữ viết Truyền kì mạn lục bằng văn xuôi và xen lẫn một số văn biền

ngẫu, thơ ca. Nguyễn Dữ và những người có cùng chí hướng với ông đã viết những lời bình luận ở cuối các truyện. Ngoài truyện số 19 (Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Thoa), các truyện khác đều có lời bình. Những lời bình trong Truyền kì mạn lục không bàn về hình thức nghệ thuật mà chủ yếu là bàn về giá trị nội dung, ý nghĩa của truyện.

Khi đặt tên nhan đề tác phẩm Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ mong muốn biểu lộ thái độ khiêm tốn và nghiêm túc của người cầm bút. Song, cũng bởi nhan đề Truyền kì mạn lục mà đã gây ra khá nhiều tranh cãi về tên tác phẩm này.

“Mạn lục” là một thể loại sáng tác văn học xuất hiện ở Trung Quốc khá sớm [14, 210]. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, hai chữ “mạn lục” đã bị hiểu lạc đi so với nghĩa gốc của nó. Điều đó dẫn đến cách giải thích sai “sao chép tản mạn các truyện lạ” [21, 202], về sau mới được giải thích lại là “ghi chép tản mạn các truyện truyền kì” [15, 1124]. Trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nguyễn Đăng Na đã nêu ra: “Các cách giải thích chữ “mạn lục” là ghi chép “tản mạn” có hai điều bất ổn. Thứ nhất, “Truyền kì mạn lục” là tác phẩm văn học thuộc loại hình truyện ngắn trung đại. Do đó, không thể coi tác phẩm là “ghi chép”. Thứ hai, tác phẩm của Nguyễn Dữ không hề tản mạn, dù hai chữ “tản mạn” được dùng theo kiểu tu từ nói khiêm. Thực ra, “mạn” là tùy ý, không câu thúc. Bởi vậy, trong Hán ngữ có hàng loạt từ chỉ thể loại tác phẩm có thành tố “mạn” như: mạn họa, mạn thư, mạn bút, mạn tả…và tất cả chúng đều dùng để chỉ loại tác phẩm” [11, 212].

Xét về chữ “truyền kì”, bản thân nó là một thể tài của truyện ngắn trung đại, tức là trong truyện ngắn đó có các yếu tố: nhân vật, tình tiết, kết cấu…là những yếu tố lạ kì. Trong cụm từ “Truyền kì mạn lục”, từ “truyền kì” giữ vai trò làm định ngữ, nó “chỉ tính chất của thể “mạn lục”, đó là một thể tự sự viết tự do, tùy hứng theo ý đồ sáng tác của tác giả, không bị câu thúc bởi bất cứ lí do gì cả” [11, 212].

Nhan đề Truyền kì mạn lục đã nêu ra được mục đích sáng tác của Nguyễn Dữ. Ông muốn phân bua với độc giả rằng: trước tác của mình không phải là cuốn sách có tính chất trang nghiêm như liệt truyện, và cho đây là thứ “ngoại thư” bao gồm những truyện lạ “truyền kì” vẫn được lưu truyền. Công việc của Nguyễn Dữ là ghi chép lại một cách rộng rãi “mạn lục” những sự việc ấy.

Để phục vụ mục đích sáng tác của mình, Nguyễn Dữ sử dụng yếu tố “lạ

- kì ảo”. Ông đã mượn chuyện ma quái để nói việc thực, dựa vào tích cũ để viết nên những truyện mới. Tác phẩm tuy có vẻ “truyền kì” xảy ra từ nhiều năm về trước, nhưng thực chất tác giả muốn phản ánh những hiện thực của xã hội đương thời. Nguyễn Dữ đã lấy chuyện xưa để nói về chuyện ngày nay. Qua tác phẩm văn học của mình, nhà văn bộc lộ quan điểm về những vấn đề lớn của con người, xã hội. Tác phẩm đã tái hiện bức tranh cuộc sống con người với những số phận riêng ở thế giới trần gian, tiên cảnh và âm phủ. Bên cạnh đó, Truyền kì mạn lục còn thể hiện khát vọng hạnh phúc lứa đôi của những kiếp người bé nhỏ trong xã hội. Nguyễn Dữ đã lên án mạnh mẽ tầng lớp vua quan nhũng nhiễu nhân dân, làm cho nhân dân cơ cực.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Dữ đã kết hợp thành công giữa hai yếu tố “thực” “kì”. Nhà văn sử dụng yếu tố “thực” như một chất liệu nghệ thuật, giúp tác giả phản ánh hiện thực sâu sắc và toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ thành công trong việc xây dựng nhân vật với hình tượng nhân vật có tính cách, khí phách và tính luận thuyết, làm cho các câu chuyện giàu tính triết lí và quan điểm của tác giả được thể hiện sáng rò. Tài năng của ông đã được bộc lộ khi ông khéo léo kết hợp sáng tạo ba lối văn: tản văn, biền văn, vận văn.

1.2. Khái niệm nhân vật bình phàm

1.2.1. Khái niệm nhân vật

Trong các tác phẩm thuộc thể loại tự sự, nhân vật có vai trò quan trọng và không thể vắng mặt. Nhân vật chính là một mắt xích quan trọng để nhà văn

xâu chuỗi các biến cố, sự kiện, giúp nhà văn bày tỏ quan điểm, tư tưởng của mình. Do đó, xây dựng hình tượng nhân vật trở thành một công việc quan trọng hàng đầu của người nghệ sĩ.

Đã có nhiều khái niệm khác nhau về nhân vật văn học. Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học có nêu khái niệm về nhân vật: “Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gắn cho những đặc điểm giống con người” [1, 241].

Trong Từ điển thuật ngữ văn học (nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) định nghĩa nhân vật văn học là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [5, 235].

Tác giả Hà Minh Đức trong cuốn Lí luận văn học cho rằng “Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…Và cần chú ý thêm một điều: thực ra, khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người, những con người có tên hoặc không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người” [4, 126].

Dù có khá nhiều định nghĩa khác nhau về nhân vật, nhưng các định nghĩa đều có một thống nhất chung: nhân vật là đối tượng mà văn học đề cập và miêu tả. Nhân vật có thể có tên riêng: Chí Phèo (Chí Phèo- Nam Cao); Chiến, Việt (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi)…Nhân vật cũng có thể không có tên riêng: “viên quản ngục” (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân), “thị” (Vợ

nhặt - Kim Lân)…Nhân vật có thể là các sự vật, loài vật ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của con người: Dế Mèn (Dế Mèn phiêu lưu kì - Tô Hoài)... Khái niệm nhân vật văn học nhiều khi được sử dụng như một ẩn dụ. Nhân vật đôi khi không phải là con người, sự vật cụ thể, mà là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan đến con người, được tác giả thể hiện nổi bật trong tác phẩm. Đó là “nhân dân” trong Chiến tranh và hòa bình, “đồng tiền” trong ƠgiêriGrăngđe của Banzac…

Hình tượng nhân vật được nhà văn sáng tạo đã thể hiện những nhận thức của tác giả về một cá nhân, một loại người hay một vấn đề nào đó của xã hội. Chính vì vậy,“nhân vật là yếu tố quan trọng nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng của chủ đề và đến lượt mình, nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng, nghệ thuật tác phẩm văn học” [2, 186].

Nhân vật văn học được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới mỗi góc độ, nó được chia thành nhiều loại nhân vật.

Xem xét dưới góc độ nội dung tư tưởng có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Ở góc độ kết cấu và cốt truyện: nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm.

Như vậy, khi nghiên cứu và tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm nào đó, ta không thể bỏ qua yếu tố nhân vật. Nhân vật là một công cụ đắc lực giúp tác giả tái hiện hiện thực đời sống, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề được nêu ra. Đồng thời, nhân vật văn học làm rút ngắn khoảng cách giữa độc giả với tác giả.

1.2.2. Khái niệm nhân vật bình phàm

Theo Từ điển Hán Việt:

“Bình: ngay thẳng, bằng phẳng không chênh lệch, bằng đều nhau” [10, 56].

“Phàm: tầm thường, còi phàm, còi tục” [10, 544].

Bình phàm có nghĩa là bình thường, tầm thường, tầm phào. Nhân vật bình phàm là những con người tự nhiên, không bị tác giả lí tưởng hóa như nhân vật kiểu thánh nhân quân tử. Ở họ có những nét tính cách và phẩm chất giống với con người bình thường trần tục. Nhân vật bình phàm thường là những kẻ sĩ trong thiên hạ, những tay thương gia buôn bán, những người nông dân…Bên cạnh đó, còn có khá nhiều các nhân vật lịch sử có thực ngoài đời, họ có công lớn với đất nước và được lập đền thờ để thờ cúng. Tuy nhiên, những nhân vật này được đặt trong mối tương quan với đời sống hàng ngày, được nhà văn miêu tả bằng những yếu tố thi pháp riêng khác xa so với các nhân vật thánh nhân quân tử.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/07/2022