Nghiên Cứu Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại Từ Góc Độ So Sánh


- Trong bài viết Một vài nghi vấn về bản “Truyền kì mạn lục” hiện đang lưu hành, nhà nghiên cứu Vũ Tố Hảo khẳng định bản Truyền kì mạn lục đang lưu hành có nhiều tác phẩm do người đời sau thêm vào (Vũ Tố Hảo, 1978)

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam khẳng định việc đưa Chinh phụ ngâm vào tác phẩm Nam Xương nữ tử lục là kết quả của quá trình đưa các yếu tố ngoài văn bản vào văn bản một cách có ý thức nhằm tăng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm (Nguyễn Nam, 2000)

- Trong bài viết Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng khẳng định Nguyễn Dữ là một nho sĩ, ẩn sĩ viết Truyền kì mạn lục trước năm 1525 (Nguyễn Phạm Hùng, 2006).

- Nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh trình bày quan điểm của ông về tác phẩm Tân biên Truyền kỳ mạn lục (Đinh Văn Minh, 1996)

- Nhà nghiên cứu Kawamoto Kurive có bài viết Những vấn đề khác nhau liên quan đến “Truyền kỳ mạn lục” (Ngân Xuyên dịch) (Kawamoto Kurive, 1996)

Bên cạnh những nghiên cứu về toàn bộ tập truyện, Truyền kì mạn lục còn được phân tích ở cấp độ từng truyện đối với một số truyện tiêu biểu. Trong Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỉ X – XIX (Phạm Văn Hưng), Truyện kì ngộ ở trại Tây (thuộc Truyền kì mạn lục) được phân tích để cho thấy tác phẩm này có thái độ rất cởi mở, phóng khoáng đối với vấn đề tính dục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na phân tích bi kịch của nàng Vũ Thị Thiết trong bài viết “Người con gái Nam Xương” – một bi kịch của con người (Cuốn Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam). Trong Tuyển tập, tập 2, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ cho rằng Truyện Lệ Nương (Truyền kì mạn lục) là một cuốn tiểu thuyết được thu nhỏ lại trong một truyện ngắn vì nó bao gồm rất nhiều sự kiện quan trọng.

Bên cạnh Truyền kì mạn lục, tác phẩm Thánh Tông di thảo cũng được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển 2, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi phân tích hai tác phẩm tiêu biểu nhất của truyền kì Việt Nam là Truyền kì mạn lục, Thánh Tông di thảo. Trong đó, Thánh Tông di thảo có các nội dung tiêu biểu là đề cao pháp luật, vua chúa, thần quyền; phê phán những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng sai trái; đề cao một cách tương đối vai trò của người phụ nữ.


Thánh Tông di thảo là một tác phẩm giàu chất trữ tình, lối viết phóng túng nhẹ nhàng khác với lối văn thi cử. Trong cuốn Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1, nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân khẳng định giá trị của Truyền kì mạn lục, Thánh Tông di thảo. Ông cho rằng đây là hai thành tựu tiêu biểu nhất của truyện kí văn học viết bằng chữ Hán. Trong sách Hoàng đế Lê Thánh Tông – nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu Vũ Thanh khẳng định Thánh Tông di thảo là bước đột khởi trong tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam trung cổ. Cũng trong công trình này, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Lan đã phân tích những bài kí trong Thánh Tông di thảo, nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký phân tích một số yếu tố kì ảo tiêu biểu của Thánh Tông di thảo. Sách Lê Thánh Tông về tác giả và tác phẩm có một số bài viết về giá trị nội dung, nghệ thuật, lời giới thiệu Thánh Tông di thảo. Trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu N.I. Nikulin đã phân tích lời bình của Thánh Tông di thảo và truyện Hai Phật cãi nhau, Duyên lạ hoa quốc thuộc Thánh Tông di thảo. Qua đó, ông khẳng định rằng Thánh Tông di thảo đã cắt đứt những mối liên hệ truyền thống với sử kí, xây dựng nên những nhân vật hư cấu, xây dựng nên một thế giới thần kì khi thì vui tươi khi thì ảm đạm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Ngoài ra, một số bài viết trên tạp chí cũng góp phần khẳng định giá trị của Thánh Tông di thảo như:

- Văn bản “Thánh Tông di thảo” - Những nghĩ suy từ văn học trung đại (Trần Thị Băng Thanh, 1999)

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 4

- Về sách “Thánh Tông di thảo” (Trần Bá Chí, 2006)

- Tìm hiểu truyện “Hoa quốc kỳ duyên” (Nguyễn Nam, 1996)

Một số bài viết khác nghiên cứu về những tập truyện truyền kì hoặc gần gũi với truyền kì như:

- Truyền kỳ tân phả (Trần Thị Băng Thanh, 2010)

- Vấn đề tác giả và mặt đóng góp của “Nam thiên trân dị tập” (Trần Nghĩa, 1996)

- Nỗi niềm và cố gắng của Vũ Quỳnh khi ông viết “Lĩnh Nam chích quái” (Bùi Văn Nguyên, 2001)

- Vân nang tiểu sử (Nguyễn Kim Oanh, 1997)


- Vũ Trinh và “Kiến văn lục” (Nguyễn Cẩm Thúy, 1983)

- Nguyễn Án qua tác phẩm “Tang thương ngẫu lục” (Trần Đình Việt, 1994)

Quá trình khảo sát các nghiên cứu về truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ tác phẩm cho thấy Truyền kì mạn lục Thánh Tông di thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu bản dịch, tác giả, số lượng tác phẩm, nội dung, nghệ thuật của hai tác phẩm này. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều khẳng định đây là hai tác phẩm tiêu biểu nhất của truyền kì Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tác phẩm chí quái, truyền kì khác cũng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

1.1.3. Nghiên cứu truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ so sánh

Một số nhà nghiên cứu đã đối chiếu truyện truyền kì với các thể loại khác trong văn học trung đại Việt Nam để phân loại và làm nổi bật đặc điểm thể loại. Trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã so sánh truyện truyền kì với truyện sử “truyện sử là truyện kể lai lịch nhân vật và thường kể hết đời, kể đến cả hậu thân là con cháu người ấy làm gì, quan chức đến đâu, nhưng không có cốt truyện thì truyện truyền kì ở đây lại có cốt truyện riêng và không yêu cầu nhất thiết phải kể hết một đời nhân vật” (Trần Đình Sử, 2005, tr.295).

Một số nhà nghiên cứu so sánh các tập truyện truyền kì của Việt Nam để thấy rò hơn sự tương đồng và khác biệt. Trong cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm) được nhận xét có nhiều thơ ca thù tạc. Mức độ sử dụng thơ ca trong tác phẩm này nhiều hơn trong Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ). Truyền kì tân phả có thể xem như là một thể loại truyện thơ hợp thể. Cốt truyện đóng vai trò tạo tình huống để nhân vật thể hiện tài thơ. Tập truyện Thánh Tông di thảo được so sánh với Truyền kì mạn lục để cho thấy Thánh Tông di thảo không xây dựng cốt truyện kĩ lưỡng như Truyền kì mạn lục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã so sánh các tác phẩm trong Nam Ông mộng lục Đại Việt sử kí toàn thư. Ông nhận định có 17 truyện trong Nam Ông mộng lục rất giống với các tác phẩm trong Đại Việt sử kí toàn thư mặc dù hai tác phẩm này có nguồn gốc và cách viết độc lập với nhau. Điều này có thể là do cả hai đã sử dụng chung một nguồn tư liệu nào đó.


Chiếm số lượng nhiều nhất trong các nghiên cứu truyền kì Việt Nam từ góc độ so sánh là sự so sánh truyền kì Việt Nam và truyền kì Trung Hoa. Nhà nghiên cứu Trần Nghĩa đã xem xét những tiểu thuyết Hán Nôm có nguồn gốc Trung Hoa, khái quát nên cách thức tiếp nhận văn học nước ngoài của ông cha ta: tiếp nhận sáng tạo (Trần Nghĩa, 2005). Sự so sánh Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu) chiếm số lượng nhiều nhất trong các nghiên cứu về mối quan hệ văn học Việt Nam và Trung Hoa. Hà Thiện Hán viết lời tựa cho Truyền kì mạn lục nhận định ngắn gọn về sự tương đồng và khác biệt của tác phẩm này với Tiễn đăng tân thoại của Trung Hoa. Nhà nghiên cứu Trần Ích Nguyên khi viết công trình Nghiên cứu so sánh “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục” đã khảo sát về tác giả, sự ra đời và lưu truyền của hai tác phẩm, nội dung, nguồn gốc, kĩ xảo, nội hàm và ảnh hưởng của tác phẩm. Việc khảo sát này cho thấy Tiễn đăng tân thoại đã ảnh hưởng đến Truyền kì mạn lục. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Dữ đã “cho nó tái sinh, khiến cho truyện nào cũng thuộc về ông, thuộc về Việt Nam” (Trần Ích Nguyên, 2000, tr.359). Trong cuốn Tiếp cận thể loại văn học cổ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Đinh Phan Cẩm Vân đã khảo sát truyền kì Việt Nam và Trung Hoa; nhận định truyền kì Việt Nam tiếp nhận một số bố cục, cốt truyện, mô típ của truyền kì Trung Hoa; phân tích “phong vị nước Nam” trong truyện truyền kì Việt Nam để khẳng định sự tiếp nhận thể loại một cách sáng tạo. Trong cuốn Ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ Trung Quốc đến tiểu thuyết cổ Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hòa đã khẳng định Truyền kì mạn lục có mối quan hệ gần gũi với Tiễn đăng tân thoại, Liêu trai chí dị. Nhan Bảo đã khẳng định Truyền kì mạn lục là sự mô phỏng sáng tạo Tiễn đăng tân thoại (Nhan Bảo, 1998). Nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu đã so sánh Mộc miên thụ truyện, Tây viên kì ngộ kí của Truyền kì mạn lục với Mẫu đơn đăng kí, Liên Phương lâu kí của Tiễn đăng tân thoại để làm nổi bật sự tương đồng và khác biệt (Phạm Tú Châu, 1999, tr.38

– 45).

Một số bài viết khác phân tích sự tương đồng và khác biệt của Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu) như:

- So sánh chuyện tình giữa người và hồn ma trong “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục” (Đinh Thị Khang, 2016)


- Góp thêm vài suy nghĩ về mối quan hệ giữa “Chuyện cây gạo” và truyện “Chiếc đèn mẫu đơn” (Đinh Phan Cẩm Vân, 2005)

- “Truyền kì mạn lục” dưới góc độ so sánh văn học (Nguyễn Đăng Na, 2006)

- Về mối quan hệ giữa “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục” (Phạm Tú Châu, 1987)

Bên cạnh sự so sánh với truyền kì Trung Hoa, truyền kì Việt Nam còn được so sánh với truyền kì của các nước khác. Trong bài viết “Vũ nguyệt vật ngữ” của Ued Akanari và “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang đã nhận định Vũ nguyệt vật ngữ Truyền kì mạn lục đều chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu). Bài viết này cũng khẳng định giá trị của chữ “kì” trong hai tác phẩm truyền kì của Việt Nam và Nhật Bản: kì là cái khác thường, cái hiếm có, thậm chí là không hề có và được dùng làm phương tiện để biểu hiện cái thực (Đoàn Lê Giang, 2010). Cuốn Nhân vật trong truyện kì ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc dưới góc nhìn so sánh của Kim Kihyun (Kim Kỳ Hiền) so sánh nhiều tác phẩm truyền kì của Việt Nam và Hàn Quốc để cho thấy sự tương đồng và khác biệt của nhân vật, của các chiều cạnh văn hóa thể hiện trong truyền kì hai nước. Cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam nhận định Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu có ảnh hưởng tới Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (1434 – 1493) của Triều Tiên, Ngự già tỳ tử của Asai Ryoi (1612-1690) của Nhật Bản và Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ

XVI) của Việt Nam. Sự ảnh hưởng như vậy đi kèm với sự biến đổi nội dung và bố cục. Trong So sánh loại tiểu thuyết tài tử giai nhân ở một số nước phương Đông thời kì trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân cũng khẳng định những truyện truyền kì đời Đường không chỉ ảnh hưởng đến bản thân những tác phẩm tiểu thuyết về sau của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến tiểu thuyết của các nước Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên.

Ngoài ra, một số bài viết khác so sánh truyền kì Việt Nam và truyền kì Hàn Quốc, Nhật Bản nói riêng, Đông Á nói chung như:

- Đề tài tình yêu trong “Kim Ngao tân thoại” của Hàn Quốc (so sánh với “Truyền kì mạn lục” của Việt Nam) (Kim Seona, 1995).


- Mẫu người kỹ nữ trong văn học trung đại Đông Á (Phan Nguyễn Phước Tiên, 2012)

- Thử so sánh “Tiễn đăng tân thoại” của Cù Hựu (Trung Quốc) với “Kim Ngao tân thoại” của Kim Thời Tập (Triều Tiên), “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ (Việt Nam) và “Cà Tỳ Tử” của Asai Rey (Nhật Bản) (Phạm Tú Châu dịch) (Riftin, 2006).

- Ý nghĩa văn học sử của tiểu thuyết truyền kỳ Hàn – Trung – Việt, (Jeon Kye Kyung, 2006).

- Truyền kỳ chữ Hán ở Hàn Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu, 1995)

- Nhân vật người phụ nữ trong “Kim Ngao tân thoại” và “Truyền kỳ mạn lục”

(Lưu Thị Hồng Việt, 2012).

- Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc – Trung Quốc – Việt Nam thông qua “Kim ngao tân thoại”, “Tiễn đăng tân thoại”, “Truyền kỳ mạn lục” (Jeon Kye Kyung, 2004).

Quá trình khảo sát các nghiên cứu về truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ so sánh cho thấy các nhà nghiên cứu thường so sánh các tập truyện, các truyện cụ thể của truyền kì Việt Nam với nhau và so sánh các tác phẩm truyền kì Việt Nam với truyền kì Trung Hoa. Trong đó, sự so sánh truyền kì Việt Nam và truyền kì Trung Hoa chiếm số lượng nhiều hơn. Đặc biệt, sự so sánh Truyền kì mạn lục (Việt Nam) và Tiễn đăng tân thoại (Trung Hoa) được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều nhất. Từ việc phân tích sự tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm này, các nhà nghiên cứu đã khẳng định Truyền kì mạn lục có sự ảnh hưởng từ Tiễn đăng tân thoại nhất là về vấn đề bố cục, mô típ… Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định sự ảnh hưởng này đi kèm với sự biến đổi nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt, nhân vật, không gian và thời gian của Truyền kì mạn lục mang đậm đặc trưng nước Việt. Nhìn chung, ông cha ta đã tiếp nhận văn học nước ngoài một cách linh hoạt và sáng tạo.

1.1.4. Nghiên cứu truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ văn hóa dân gian

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định truyện truyền kì Việt Nam có các yếu tố văn hóa dân gian và truy tìm nguồn gốc, phân tích chức năng của nó trong truyền kì. Vấn đề nghiên cứu truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ văn hóa dân gian có sự


gần gũi với đề tài của luận án Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại).

Trong cuốn Văn học trung đại Việt Nam: thể loại, con người, ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Đinh Thị Khang khẳng định Truyền kì mạn lục chịu ảnh hưởng của những sáng tác dân gian, Phật giáo, Đạo giáo… Bài viết Thể loại truyện kì ảo Việt Nam trung đại, quá trình nảy sinh và phát triển đến đỉnh điểm của Vũ Thanh (Cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX: Những vấn đề lí luận và lịch sử) cho rằng truyện kì ảo chịu ảnh hưởng thụ động rồi mới đến quá trình các truyện này tiếp thu một cách có ý thức văn học dân gian. Trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Nghĩa đã khẳng định “Xét về nguồn gốc nội tại, tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kì và tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trước hết liên quan tới kho tàng thần thoại, truyền thuyết và truyện tích Việt Nam” (Trần Nghĩa, 1997, tr.17). Trong bài viết Ảnh hưởng của Đạo giáo đối với tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, nhà nghiên cứu này cũng khẳng định Đạo giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyền kì: trần tục hóa thần tiên, thần tiên hóa người tục. Một số nhân vật trong tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam đã thể hiện quan niệm của Đạo giáo về sự sống và cái chết… (Trần Nghĩa, 1999). Trong bài viết Khuynh hướng Thiền – Lão trong quan niệm văn học Việt Nam giai đoạn hậu kỳ trung đại, nhà nghiên cứu Lê Đắc Tường cũng khẳng định sự ảnh hưởng của Đạo giáo đối với văn học hậu kì trung đại (Lê Đắc Tường, 2019).

Một số nhà nghiên cứu khác đã khẳng định truyền kì có mối quan hệ chặt chẽ với văn học dân gian, tôn giáo, sự ảnh hưởng từ văn học nước ngoài như:

- Tương đồng mô hình cốt truyện dân gian và những sáng tạo trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ (Nguyễn Hữu Sơn, 2010).

- Nghĩ về cội nguồn của truyện truyền kì trung đại Việt Nam (Lê Dương Khắc Minh, 2016).

- Quan niệm về thần và việc văn bản hóa truyền thuyết trong truyện văn xuôi trung đại (Trần Thị An, 2003).

- Đời sống của nhân vật truyền kì ngoài tác phẩm và trong lòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Nguyễn Ngọc Hiệp, 2005).


Một số nhà nghiên cứu đã đi sâu vào việc nghiên cứu đặc điểm, chức năng của các yếu tố kì ảo trong các tác phẩm truyền kì. Trong bài viết Giá trị hiện thực của yếu tố tâm linh trong văn học trung đại, nhà nghiên cứu Lê Thu Yến đã phân tích tính hiện thực đằng sau các yếu tố tưởng chừng kì ảo, hoang đường (Lê Thu Yến, 2014). Trong bài viết Hành trình của nhân vật ma trong văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền đã phân tích đặc điểm của nhân vật ma trong văn học dân gian, văn xuôi trung đại, văn học hiện đại. Trong đó, nhân vật ma trong văn xuôi trung đại xuất phát từ cảm hứng nghệ thuật và khát vọng giải mã những điều bí ẩn trong cuộc sống và thế giới tâm linh (Bùi Thanh Truyền, 2011). Trong bài viết Mộng - ảo và khát vọng hạnh phúc lứa đôi trong “Tiễn đăng tân thoại”, “Kim Ngao tân thoại”, “Truyền kì mạn lục”, “Vũ nguyệt vật ngữ” (Nguyễn Thị Mai Liên, 2014), nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mai Liên khẳng định truyền kì Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản có nhiều nhân vật ảo với các giấc mộng hạnh phúc, không gian và thời gian ảo mộng không có giới hạn. Trong cuốn Folklore và văn học viết: Nghiên cứu từ góc độ dịch chuyển không gian trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Ngân đã dựa vào lí thuyết của một số nhà nghiên cứu thuộc trường phái nghi lễ, cấu trúc, phân tâm học… để nghiên cứu sự chuyển dịch không gian trong truyền kì. Từ đó, nhà nghiên cứu này đã phân tích những không gian dịch chuyển tương đồng trong truyện cổ tích và truyện truyền kì trung đại, tiếp biến Folklore: không gian siêu hình trong truyện truyền kì trung đại. Ngoài ra, trong bài viết Hiệu quả yếu tố kì trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” (Lê Thị Hồng Nhạn, 2011), Lê Thị Hồng Nhạn cũng phân tích yếu tố kì trong một tác phẩm tiêu biểu của Truyền kì mạn lục.

Với vẻ đẹp độc đáo, sức sống lâu bền của thể loại, từ lâu truyền kì Việt Nam đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, trong phạm vi tư liệu chúng tôi hiện có, có thể kết luận rằng vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách bao quát truyền kì của Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại. Mặc dù vậy, những công trình nghiên cứu trên đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều gợi ý để chọn đề tài Truyền kì của Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại).

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí