đại trên cơ sở xác định hai loại truyện chủ yếu, viết về hai nhóm nhân vật chính: loại truyện viết về các nhân vật lịch sử, các mẫu hình nhân cách cao thượng, những kiểu “thánh nhân”, “dị nhân” có nét phi thường, kì vĩ; loại truyện viết về những người bình thường, con người tự nhiên kiểu “phàm nhân”. Như vậy, khái niệm truyện ngắn trung đại chỉ một đối tượng tác phẩm rộng rãi, bao gồm các tác phẩm thường được xem là bút kí, chí quái, truyền kì. Ông cũng đánh giá Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) là tác phẩm truyền kì tiêu biểu nhất. Trong cuốn Truyện ngắn – những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng xác định các tác phẩm truyền kì là truyện ngắn dân tộc hình thành trong buổi đầu tiên của lịch sử thể loại.
Ngoài những tên gọi phổ biến như trên, các tác phẩm thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi còn có một số tên gọi khác. Nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân xem Thánh Tông di thảo là một tập truyện kí tự sự, là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của văn tự sự ở Việt Nam (sách Khảo và luận một số thể loại tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1). Nhà nghiên cứu này cũng xác định các tác phẩm truyền kì là một loại văn (sách Khảo và luận một số thể loại tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 2). Trong bài viết Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn học cổ trung đại và cận đại Đông Tây (thuộc sách Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học), nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã xác định văn học Việt Nam có dòng văn học kỳ ảo với số lượng tác phẩm phong phú. Trong bài viết Thể loại truyện kì ảo Việt Nam trung đại – quá trình nảy sinh và phát triển đến đỉnh điểm, nhà nghiên cứu Vũ Thanh cũng dùng khái niệm truyện kì ảo thời trung đại để chỉ chung các loại truyện như u linh, chích quái, truyền kì, chí dị. Vương Tiểu Thuẫn chia tiểu thuyết cổ của Việt Nam thành bốn loại: truyền kì tiểu thuyết, lịch sử tiểu thuyết, bút kí tiểu thuyết, thần thoại tiểu thuyết (Vương Tiểu Thuẫn, 2000). Trong đó, các truyền kì tiểu thuyết còn được gọi là các đoản thiên bằng văn ngôn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân gọi chung các tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, Truyền kì mạn lục… của Việt Nam, Liêu trai chí dị của Trung Hoa là văn xuôi huyễn tưởng. Từ “huyễn tưởng” ở đây được dùng để chỉ một hình thái nhận thức thẩm mĩ dùng thủ pháp kết hợp hư và thực để thể hiện tư tưởng của nhà văn (Nguyễn Văn Dân, 1984). Trong công trình Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ, nhà nghiên cứu Lâm Giang, Nguyễn Văn Tuân xác định
truyện truyền kì là những tác phẩm có những tình tiết li kì được viết ra để khuyên răn người đời, gửi gắm tâm sự của người viết. Các truyện truyện truyền kì này cùng với truyện chí quái, truyện bút kí hay tạp kí, truyện lịch sử, truyện hài hước châm biếm, truyện công án, truyện sự tích được gọi chung là truyện ký.
Qua quá trình khảo sát cách dùng khái niệm “truyền kì” và cách gọi tên thể loại/thể tài của các tác phẩm trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách gọi tên, phân loại khác nhau. Điều này xuất phát từ cái nhìn đa chiều của các nhà nghiên cứu đối với văn chương và sự không thuần nhất về tên gọi, đặc điểm của các truyện, tập truyện trung đại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm “truyền kì” được số đông nhà nghiên cứu đề cập.
1.1.1.2. Quá trình hình thành và phát triển
Trong Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại: Những vấn đề văn xuôi tự sự, khi xác định tiến trình văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của truyền kì như sau:
-Thế kỉ X – XIV
Các tác phẩm văn học ra đời dựa vào văn học dân gian (Lĩnh Nam chích quái...) và văn học chức năng (Việt điện u linh tập, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam Tổ thực lục…). Nội dung chủ yếu của các tác phẩm này là khẳng định nước Việt là một quốc gia độc lập. Các tác phẩm này sử dụng nhiều mô típ kì ảo của văn học dân gian, là cơ sở cho sự ra đời của truyền kì.
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 1
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 2
- Nghiên Cứu Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại Từ Góc Độ So Sánh
- Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 5
- Huyền Thoại Và Sự Thể Hiện Huyền Thoại Trong Văn Học Việt Nam
Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.
-Thế kỉ XV – XVI
Truyện truyền kì xuất hiện, tạo nên sự thành công vượt bậc của văn xuôi tự sự trung đại. Các tác phẩm tiêu biểu là Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông ?)… đã lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh, dùng hình thức kì ảo làm phương tiện chuyển tải nội dung. Đặc biệt, Nguyễn Dữ đã “phát hiện ra con người có sức mạnh làm chúa tể muôn loài” (Nguyễn Đăng Na, 2007, tr.21) và cùng với Lê Thánh Tông “đưa người đọc vào một thế giới diệu huyền của tình yêu” (Nguyễn Đăng Na, 2007, tr.22).
-Thế kỉ XVIII – XIX
Văn học đề cao sự phản ánh hiện thực. Một số tác phẩm thể hiện kì vọng “canh tân” truyền kì như Truyền kì tân phả, Tân truyền kì lục… Tác phẩm đã tăng cường việc phản ánh hiện thực, lịch sử; giảm bớt việc sử dụng các yếu tố kì ảo. Sự phóng khoáng, huyền ảo của truyền kì bị giảm sút. Bên cạnh đó, số lượng các tác phẩm truyền kì cũng bị suy giảm.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Thị Khang, văn học thế kỉ XV – XVII có thành tựu tiêu biểu nhất là truyền kì với các tác phẩm tiêu biểu là Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Trong bài viết Từ truyền kì Trung Quốc đến truyền kì Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc An đã khái quát bước đi của truyền kì Trung Quốc: từ thần thoại (tiên Tần), chí quái (Lục triều) đến truyền kì (đời Đường) với thời gian rất dài. Truyền kì Việt Nam cũng có bước đi tương tự: đi từ thần thoại, chí quái đến truyền kì với thời gian được rút ngắn lại. Ở thời nhà Trần (1255-1400), Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên) ghi chép về những nhân vật, sự kiện lịch sử… Đời Lê (1428-1789), Lĩnh Nam chích quái ghi chép các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết… Các tác phẩm này đã tạo nên nền móng vững chắc cho thể loại truyền kì. Sự xuất hiện của Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) tạo nên sự mở đầu cho truyền kì Việt Nam. Về sau, hàng loạt các tác phẩm truyền kì ra đời. Giai đoạn nửa sau thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XIX, tác phẩm truyền kì tiêu biểu là Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), Việt Nam kì phùng sự lục (khuyết danh)… Nhà nghiên cứu này khẳng định Truyền kì mạn lục là tác phẩm truyền kì có nội dung, nghệ thuật đặc sắc nhất trong số các tác phẩm truyền kì Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu khác đã khẳng định Truyền kì mạn lục đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao của truyền kì “Truyền kì mạn lục được xem là quyển truyền kì đầu tiên trong văn học viết của ta và cũng là quyển hay nhất so với những quyển cùng loại được viết sau này…” (Lê Trí Viễn, 2002, tr.114). Trước khi tác phẩm này ra đời, văn học đã có bước chuẩn bị bằng thần thoại, truyền thuyết, chí quái… Truyền kì mạn lục ra đời đã góp phần tạo nên sự xuất hiện của hàng loạt các tác phẩm truyền kì. Về sau, các tác phẩm truyền kì không còn giữ được sự đặc sắc về nghệ thuật. Như vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng truyền kì có sinh mệnh thể loại: có giai đoạn khởi đầu, manh nha; phát triển rực rỡ; suy thoái. Mặc dù truyền kì Việt Nam sau này không
còn giữ được vị trí đỉnh cao của thể loại nhưng nó đã làm một chiếc cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết và dấu vết ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho tới văn học đương đại.
Quá trình hình thành và phát triển của truyền kì còn được phân tích và đề cập bởi nhiều nhà nghiên cứu khác. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ khẳng định Việt điện u linh chép chuyện của những “hạo khí anh linh”; Lĩnh Nam chích quái chép lại những thiên thần thoại cổ và truyện cổ tích; Truyền kì mạn lục bắt đầu phản ánh những câu chuyện xảy ra hằng ngày trong xã hội phong kiến (Phan Cự Đệ, 2006). Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam phân tích mối quan hệ tuyến tính giữa Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục (Nguyễn Nam, 2002). Nhà nghiên cứu B.L. Riftin nghiên cứu về các bước đi của tiểu thuyết cổ điển Việt Nam (Riftin, 2012). Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng chỉ ra các nguồn gốc hình thành nên truyền kì Trung Quốc và Việt Nam (Bùi Việt Thắng, 2000).
Khi viết về quá trình hình thành và phát triển của truyền kì Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã đề cập sự ảnh hưởng của truyền kì Trung Hoa đến truyền kì Việt Nam. Trong đó, sự tương đồng và khác biệt của Truyền kì mạn lục (Việt Nam) và Tiễn đăng tân thoại (Trung Hoa) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Truyền kì Trung Hoa không chỉ ảnh hưởng đến truyền kì Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến truyền kì các nước khác như Nhật Bản, Triều Tiên…
Nhìn chung, các tác giả truyền kì Việt Nam đã có một sự tiếp thu truyền kì Trung Hoa một cách linh hoạt và sáng tạo. Đặc biệt, các nhà văn đã gắn chặt truyền kì với hiện thực, lịch sử, con người Việt Nam. Truyền kì Việt Nam còn là sự kế thừa sâu sắc các tác phẩm, các yếu tố của văn học dân gian nước nhà. Truyền kì Việt Nam đã khẳng định vai trò của thể loại trong dòng chảy văn học nước nhà bằng hàng loạt các tác phẩm thể hiện sự vận động và biến đổi không ngừng, có đỉnh cao và sự thoái trào.
1.1.1.3. Đặc trưng
Với tư cách là một thể loại văn học, truyền kì đã có sự định hình những đặc trưng về mặt nội dung và nghệ thuật. Nhà nghiên cứu S.Iu.Nekliudov khẳng định truyền kì là những truyện kể về những điều kì diệu, huyền bí của cuộc sống và sinh
tồn (Nekliudov, 2007). Trong công trình Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn đã dành một chương để nói về thể loại truyền kì và tác phẩm Truyền kì mạn lục. Theo ông, truyện truyền kì là một thể loại văn xuôi nghệ thuật độc đáo, kể về những chuyện kì lạ được truyền tụng. Nhân vật chủ yếu của truyền kì là người, ma quỷ. Nội dung chủ yếu của truyền kì là tình yêu nam nữ. Một trong các tiêu chí bắt buộc của truyền kì là tác phẩm phải phản ánh các yếu tố kì ảo. Trong cuốn Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỉ X-XIX, nhà nghiên cứu Phạm Văn Hưng khẳng định sự đề cập, miêu tả vấn đề tính dục rất táo bạo, phóng túng trong truyền kì. Vì Nho giáo cấm đoán, răn đe nữ sắc nên một số tác phẩm truyền kì như Truyền kì mạn lục có những lời bình mang đậm tinh thần Nho giáo.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử (sách Thi pháp văn học trung đại Việt Nam), truyền kì kể những việc khác thường và là sự kết hợp của tài viết sử, tài làm thơ, tài nghị luận, “cái gọi là truyền kì, chủ yếu là truyền cái kì trong tình yêu nam nữ và cái kì trong thế giới thần linh, ma quỷ” (Trần Đình Sử, 2005, tr.294). Về nghệ thuật, truyền kì đã tạo nên phong cách riêng của mình. Cốt truyện của truyền kì có thắt nút, phát triển và mở nút. Nhiều truyện chỉ gói gọn trong một giấc mơ, một cuộc kì ngộ. Bố cục truyện truyền kì thường là mở đầu giới thiệu nhân vật, tên họ, quê quán, tính tình, phẩm hạnh. Kế đó là kể chuyện kì ngộ. Phần kết kể lí do kể chuyện. Nhân vật chủ yếu là nhân vật đời thường: thư sinh, con buôn, thiếu nữ… Thậm chí, các nhân vật kì ảo cũng thể hiện khía cạnh đời thường như thần thánh ham danh lợi, các nàng ma đa tình… Thời gian trong truyện là thời gian lịch sử ước lệ; thời gian thần thoại, vĩnh hằng; thời gian truyện khép kín. Lời văn của truyền kì rất uyển chuyển, có sự kết hợp của văn xuôi, văn biền ngẫu, thơ.
Nhà nghiên cứu Đinh Phan Cẩm Vân đã khẳng định “truyền kì có nghĩa là truyền đi một sự lạ” (Đinh Phan Cẩm Vân, 2011, tr.54). Theo nhà nghiên cứu này, thể loại truyền kì bắt nguồn từ Trung Hoa. Sự định hình thể loại của truyền kì Trung Hoa diễn ra vào đời Đường (617 – 907). Đời Đường đánh dấu một thời kì hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như kinh tế cực thịnh, tam giáo đồng nguyên, chế độ thi cử chuộng thơ ca, sự phát triển của các ngành nghệ thuật… không chỉ làm nảy sinh một thời đại thơ ca rực rỡ mà còn giúp cho văn xuôi như truyền kì định hình
thể loại và khẳng định vị thế của mình. Ở thời kì này, nhiều thành phố lớn xuất hiện như Trường An, Lạc Dương, Dương Châu, Thành Đô… Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước phát triển cao nhất so với các giai đoạn trước đó. Tầng lớp thị dân ngày càng lớn mạnh. Tầng lớp này có đời sống khá tự do so với nông dân. Thị dân đòi hỏi những tác phẩm văn học ít gắn bó với đạo lí thánh hiền và phải gắn bó nhiều hơn với cuộc sống thực, với những vấn đề tình cảm, bản năng của con người… Chính vì vậy, truyền kì xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của thị dân và được họ yêu thích. Truyền kì nói nhiều về những tài tử giai nhân, những mối tình thư sinh và mĩ nữ, những anh học trò nghèo lên kinh ứng thí… Qua đó, truyền kì đã miêu tả, bênh vực cho tình yêu trai gái, giấc mộng công danh, những đổi thay trong chớp mắt của đời người. Như vậy, mặc dù cái “kì” trong truyền kì có nguồn gốc từ thể loại chí quái, từ đời sống của người nông dân nhưng đến đời Đường đã được chắp cánh bởi tầng lớp thị dân. Cái “kì” trong truyền kì không chỉ nằm ở nội dung mà còn ở tư tưởng, ở nghệ thuật. Truyền kì Việt Nam đã tiếp nhận một cách sáng tạo một số mô típ của truyền kì Trung Hoa như mô típ hôn nhân khác thường (người lấy tiên; người chung sống với hồn phách; người chung sống với tinh loài vật, hồn cây cỏ), mô típ nhập mộng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na khẳng định truyền kì “dùng hình thức kì ảo làm phương thức chuyển tải nội dung” (Nguyễn Đăng Na, 2007, tr.20). Trong truyện truyền kì, không gian vô định, thời gian vĩnh hằng, nhân vật biến huyễn khôn lường. Tất cả đã tạo nên một thế giới truyền kì vừa ảo vừa thực, vừa cao thượng vừa thấp hèn. Đặc biệt, truyện truyền kì hay sử dụng các mô típ của văn học dân gian. Tuy nhiên, truyền kì sử dụng những gì được kế thừa nhằm mục đích của mình:
Trên con đường văn học hóa truyện dân gian, các tác gia truyện thế tục đã tìm được cho mình một hình thức nghệ thuật phù hợp với yêu cầu và tâm lí thời đại – hình thức truyền kì. Dưới hình thức truyền kì, người cầm bút có thể trực diện với hiện thực đương thời và dễ dàng lách vào những miền cấm kị (Nguyễn Đăng Na, 2007, tr.37, 38).
Luận án Truyện truyền kì Việt Nam thời trung đại (Nhìn từ phương diện tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật) của Đỗ Thị Mỹ Phương đã phân tích cốt truyện và
nhân vật của các tác phẩm truyền kì. Nếu nhìn tổ chức cốt truyện từ kết cấu cốt truyện, truyền kì có cốt truyện tuyến tính, lồng ghép, lắp ghép, hồi cố. Nếu nhìn tổ chức cốt truyện từ điểm nhìn trần thuật, truyền kì có sự trần thuật theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Truyền kì vừa có sự hỗn dung các hình thức lời văn nghệ thuật vừa có xu hướng dùng ngôn ngữ văn xuôi đơn nhất. Về nhân vật, truyền kì có nhân vật kì ảo và nhân vật bình phàm. Nhân vật trong truyền kì được xây dựng theo nhiều phương thức khác nhau: kết hợp thực - ảo, tiếp cận nhân vật từ nhiều quan điểm, góc độ, tạo tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách. Nhà nghiên cứu này cũng phân tích đặc điểm của người kể chuyện trong truyện truyền kì trung đại Việt Nam trong bài viết Người kể chuyện trong truyện truyền kì trung đại Việt Nam.
Truyền kì Việt Nam đã có sự định hình thể loại về cả mặt nội dung và nghệ thuật. Truyền kì thường viết về các nhân vật đời thường. Truyền kì phản ánh vấn đề cơ bản nhất của các nhân vật là tình yêu nam nữ. Nhìn chung, cho dù viết về loại nhân vật nào của cuộc sống đời thường, truyền kì luôn muốn truyền cái “kì” đến với người đọc. Về nghệ thuật, truyền kì đã tạo nên phong cách riêng của mình. Cốt truyện của thể loại này có thắt nút, phát triển và mở nút. Truyền kì có thời gian và không gian vô định, nhân vật biến hóa phi phàm, nhiều mô típ kì ảo của văn học dân gian… Những đặc điểm nội dung và nghệ thuật độc đáo đã tạo nên truyền kì – một thể loại văn xuôi độc đáo của văn học Việt Nam.
1.1.2. Nghiên cứu truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc độ tác phẩm
Với vai trò là tác phẩm khởi đầu và cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của truyền kì Việt Nam, Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) được đề cập hoặc phân tích nhiều lần trong nhiều bài viết, sách, luận án... Trong Giáo trình văn học trung đại Việt Nam (Lê Trí Viễn chủ biên), Truyền kì mạn lục được khái quát những vấn đề tiêu biểu nhất về nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm này phê phán những bất công của xã hội phong kiến đang suy thoái, đề cao thái độ “lánh đục về trong”, đề cập đến tình yêu đôi lứa và phản ánh khát vọng hạnh phúc của con người cá nhân, thể hiện một tinh thần dân tộc mạnh mẽ đồng thời thể hiện sự rạn nứt của ý thức hệ phong kiến trong tác giả. Về nghệ thuật, Truyền kì mạn lục vừa có tính chất luận thuyết vừa có nhiều bài thơ trữ tình. Trong Văn học Việt Nam – Văn học trung đại những công trình nghiên cứu, bài
viết Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ của Nguyễn Phạm Hùng đã khẳng định các yếu tố hoang đường kì ảo trong tác phẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nhận thức cuộc sống thực tế của con người. Nó chủ yếu là phương tiện nghệ thuật chứ không còn là mục đích miêu tả. Trong Văn học trung đại Việt Nam: thể loại, con người, ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Đinh Thị Khang có bài viết Nguyễn Dữ và “Truyền kì mạn lục” khẳng định tác phẩm này có tiếng nói phê phán hiện thực xã hội, tiếng nói cảm thông với số phận người phụ nữ và khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Tác phẩm này sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, chất luận thuyết, sử dụng nhiều thể tài như văn xuôi, thơ, văn biền ngẫu. Nhà nghiên cứu Lê Văn Tấn quan tâm đến loại hình tác giả nhà nho ẩn dật và số phận người phụ nữ trong tác phẩm Truyền kì mạn lục qua các bài viết “Truyền kì mạn lục” và sự thể hiện tư tưởng ẩn dật của Nguyễn Dữ, Thể nghiệm lối sống ẩn dật của Nguyễn Dữ qua truyện “Từ Thức lấy vợ tiên”, Quan điểm chính trị và lối sống ẩn dật của Nguyễn Dữ qua “Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na”, Số phận người phụ nữ trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ: nghiên cứu trường hợp Vũ Thị Thiết và Nhị Khanh, Nhà nho Nguyễn Dữ: trong tư cách là người phê bình (Lê Văn Tấn, 2019)…
Một số nhà nghiên cứu khác quan tâm tác giả, bản dịch và một số vấn đề khác của Truyền kì mạn lục. Tiêu biểu là:
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã có bài viết “Truyền kì mạn lục” có 20 hay 22 truyện ? và khẳng định bản ghi 20 truyện là chính xác nhất (Nguyễn Đăng Na, 2006).
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Châu quan tâm đến vấn đề thời gian của Truyền kì mạn lục qua bài viết Cấu trúc phức của thời gian trần thuật trong “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Kim Châu, 2013)
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam nghi vấn về vấn đề tên gọi của tác giả Nguyễn Dữ hay Nguyễn Tự ? (Nguyễn Nam, 2002). Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hồng cũng cho rằng nên có chú thích là Nguyễn Tự cho tác giả Truyền kì mạn lục trong bài viết Vấn đề đọc tên tác giả “Truyền kì mạn lục” (Nguyễn Quang Hồng, 2003)