Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - 8


thuật, câu đơn đặc biệt tỏ ra đắc dụng trong nhiều trường hợp. Ngoài việc thể hiện ngôn ngữ nhân vật trong lời đối thoại, ngay trong lời trần thuật, câu đơn đặc biệt cũng được dùng rất rộng rãi. Câu đơn đặc biệt xuất hiện qua biện pháp tách câu hoặc trong một chuỗi câu thiếu thành phần chính, mà thực chất, thành phần chính đã có mặt ở câu trước đó, có tác dụng thuyết minh cho những câu đặc biệt. Ví dụ: "Rừng Hoành Bồ nhiều nương dó. Rộng và sâu lắm" (Nguyễn Tuân).

Khác với văn xuôi nghệ thuật, văn phê bình thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học. Ở đây, điều quan trọng là những cảm nhận, phân tích, cắt nghĩa, bình luận, - những thao tác của tư duy suy lí, mặc dù văn bản phê bình không loại trừ sự bộc lộ cảm xúc của người viết. Một khi thao tác tư duy suy lí chiểm ưu thế, thì tương ứng với nó, câu văn cũng thường phải mang tính chuẩn mực, mà cụ thể là các thành phần câu thường đầy đủ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa văn bản phê bình hoàn toàn vắng bóng loại câu đơn đặc biệt. Trong Nhà văn hiện đại, câu đơn đặc biệt không có dạng ngắn ngủn, cộc lốc, chỉ có độc một từ hoặc một cụm từ. Ngược lại, phần lớn, chúng có thành phần phụ khá "rậm rạp", chỉ phân tích kĩ các thành phần câu, ta mới nhận ra đó là những câu đặc biệt (những câu in đậm là câu đơn đặc biệt, do chúng tôi nhấn mạnh). Chẳng hạn:

- "Quyển thượng chép về Thượng cổ thời đại, Bắc thuộc thời đại và Tự chủ thời đại cho đến hết thời kì thống nhất nhà Lê. Thiên Thượng cổ thời đại gồm có những chương: Bắc thuộc lần thứ nhất, Trưng thị khởi binh. Bắc thuộc lần thứ hai, nhà Tiền Lý. Bắc thuộc lần thứ ba và kết quả của thời đại Bắc thuộc" (t.1, tr.190).

- "Vậy những sách ấy là sách thế nào? Những sách biên khảo. Đứng về phương diện phê bình văn học, ta chỉ có thể xét về cách biên tập những sách


ấy, nghĩa là xét về phương pháp và sự xác thực là những phần quan trọng hơn cả" (t.1, tr.23).

Trong Nhà văn hiện đại, có không ít câu không thể phân tích được thành phần ngữ pháp nếu ta đứng từ góc độ cấu trúc C - V truyền thống. Nếu cho đây là loại câu đặc biệt cũng không sai. Cũng có thể vận dụng cấu trúc đề thuyết để xem xét những câu kiểu này. Ví dụ:

- "Quyển này sưu tập kĩ càng hơn quyển Kiều nhiều" (t.1, tr.23).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

- "Những sáng tác của ông có mấy quyển như: Phép lịch sự Annam (1883); Bất cượng chớ cượng làm chi (1882); Cờ bạc nha phiến bằng tiếng thường và vấn thơ (1885), đều là những sách chỉ để đọc cho vui, không bổ ích gì mấy" (t.1, tr.25).

Tóm lại, câu đơn đặc biệt trong Nhà văn hiện đại không phải là loại câu thể hiện rò chủ ý của tác giả về kĩ thuật diễn đạt hoặc mục đích nghệ thuật. Điều này hoàn toàn khác với ý thức của các tác giả sau này khi họ muốn tạo nhịp điệu hoặc giọng điệu riêng bằng hiệu quả của loại câu đặc biệt.

Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - 8

c) Câu ghép chính - phụ

Thông thường câu ghép chính - phụ hay đi kèm với cặp quan hệ từ liên kết để tạo thành hai cặp C - V (hai cú) trong đó có một cú chính và một cú phụ bổ sung ý nghĩa cho cú chính. Loại câu này thường có các cặp quan hệ từ : Nếu... thì, vì ... nên, do... nên, bởi... nên, tại... nên, nhờ... nên, sở dĩ... là vì, bởi chưng... cho nên,... liên kết lại với nhau tạo ra mối quan hệ giữa hai cú.

Sau khi khảo sát, chúng tôi có những nhận xét sau đây về đặc điểm của câu ghép chính - phụ trong Nhà văn hiện đại.

Tỉ lệ câu ghép chính - phụ trong công trình này là 21,%. Về cấu tạo ngữ pháp, câu ghép chính - phụ của Vũ Ngọc Phan rất phong phú, ít tính khuôn mẫu. Trong loại câu này, có khi ông xen vào những thành phần phụ như trạng ngữ, có khi là một giải ngữ, đề ngữ, tình thái ngữ,... Có khi vế đầu của câu


ghép chính phụ lại có các cặp C - V tách bạch độc lập như các vế của câu ghép đẳng lập làm cú phụ, nhưng vế sau lại là cú chính của câu ghép chính - phụ. Ví dụ:

- "Ông bắt đầu viết từ năm hai mươi sáu tuổi (1863) cho đến khi từ trần (1893), cho nên những sách của ông thuộc đủ các loại và phong phú vô cùng" (t.1, tr.22).

- Ông rất quí trọng thơ văn cổ, vì ông cho rằng trong đó, chúng ta mới thấy được những khuôn mẫu nên theo: tư tưởng trong thơ văn cổ là những tư tưởng sáng láng; tình cảm trong thơ văn cổ là thứ tình cảm chân thật, dịu dàng" (t.1, tr.23).

- Đọc những quyển sử như thế, tuy cũng có biết qua được những cuộc thay đổi lớn của một nước theo sự hành vi của người làm chúa tể, vì thuở xưa những việc làm của vua tức là những việc của nước, nhưng không thể nào biết được bước đường tiến hóa của một dân tộc qua các thời đại" (t.1, tr.188).

Do câu ghép chính - phụ là loại câu có nhiều vế (ít nhất là hai vế), quan hệ giữa các vế cho thấy sự nhận thức về vấn đề được đề cập, đồng thời cũng thể hiện thao tác suy lí của người viết. Có thể nói loại câu này đóng vai trò là hạt nhân lập luận trong đoạn văn.

Có nhiều trường hợp, câu ghép chính - phụ của Vũ Ngọc Phan thường khuyết quan hệ từ và từ liên kết. Vì đặc điểm này, khi tìm hiểu, cần dựa vào tính chất quan hệ ngữ nghĩa giữa hai cú trên cơ sở suy ý để xác định cú phụ, cú chính. Rất nhiều câu chỉ có một quan hệ từ làm từ nối giữa hai cú như: nên, bởi vì, nhưng, cho nên, thì, càng… Chẳng hạn:

- "Đó là một điều đặc biệt chúng ta đã thấy hầu hết ở các nhà văn đi tiên phong, mà chúng ta có thể gọi chung một tên là "các nhà biên tập" nếu chúng ta không muốn chia họ ra từng nhóm" (t.1, tr.28).


- Cách làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là tháng nào, năm nào có việc gì quan trọng thì nhà làm sử ghi chép vào sách, mà phần nhiều chép rất lược, chỉ cốt ghi cho đủ việc, ít khi nói đến nguyên nhân và kết quả, cho nên các việc thường không liên lạc với nhau" (t.1, tr.188).

- "Trống mái của Khái Hưng cũng là loại tiểu thuyết lí tưởng như hai tập tiểu thuyết trên này, nhưng cái lí tưởng ở đây là cái lí tưởng về thân hình đẹp theo quan niệm mĩ thuật của một hạng gái mới Việt Nam mà Hiền là người tiêu biểu" (t.2, tr.197).

Từ sự phân tích trên, có thể thấy câu ghép chính - phụ trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan có hình thức đa dạng, phong phú chứng tỏ sự nỗ lực của nhà phê bình trong việc vượt thoát khỏi sự chế định nghiêm ngặt của qui tắc ngữ pháp.

d) Câu ghép đẳng lập

Câu ghép đẳng lập là loại câu bao gồm nhiều cú (hay mệnh đề, đoạn câu) ghép lại với nhau bình đẳng thông qua các quan hệ từ: và, với, nhưng, song, hoặc, mà rồi... hoặc chỉ có dấu ngắt vế câu, không dùng quan hệ từ.

Trong Nhà văn hiện đại, câu ghép đẳng lập chiếm tỉ lệ thấp nhất (10%). Điều đáng nói, đây cũng là tình hình chung của các văn bản phê bình mà chúng tôi đã khảo sát. So với câu ghép chính - phụ, khuôn hình của câu ghép đẳng lập có vẻ đơn giản (và do đó cũng dễ đơn điệu hơn). Nhà văn phá vỡ tính nhịp nhàng đơn điệu (do các vế câu đẳng lập dàn đều) bàng cách tạo ra những vế câu bất cân xứng về dung lượng, về cấu tạo. Ví dụ:

- "Ông là một nhà bác học hơn là một nhà văn, ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật là lớn lao" (t.1, tr.22).

- Thăm chùa Trấn Vò, thăm chùa Một Cột, ông không chịu chỉ tả qua cảnh chùa; ông đã tra sử sách để tìm cho đến ngọn nguồn" (t.1, tr.27).


- "Làm lẽ là tập tiểu thuyết đầu tay của Mạnh Phú Tư, tập tiểu thuyết đã được giải thưởng Tự Lực văn đoàn năm 1939" (t.2, tr.230).

Cũng là văn phê bình, nhưng Hoài Thanh, Trương Chính rất ít dùng thành phần phụ trong câu ghép đẳng lập, nên câu văn của họ ngắn gọn, rò ràng, các vế câu rất dễ xác định. Ngược lại, câu văn của Vũ Ngọc Phan phức tạp hơn về cấu trúc. Nhà văn rất ưa dùng các thành phần phụ như trạng ngữ, giải ngữ, liên ngữ chêm xen vào để phát triển câu. Có lúc, câu ghép đẳng lập được phát triển bằng nhiều cụm chủ - vị trong một vế:

- Còn cả tập tiểu thuyết, hầu hết là những lời chửi bới của mợ Phán đối với Trác; động tác tiến rất chậm, chỉ có thêm vài việc phụ, như đoạn Trác về thăm nhà và thèm thuồng cái cảnh tuy nghèo nàn nhưng một vợ một chồng của anh nàng, đoạn mợ Phán hành hạ đứa con trai lên bốn tuổi của nàng" (t.2, tr.232).

Dường như, Vũ Ngọc Phan luôn muốn phát triển câu văn đầy đặn đến mức tối đa để nói hết những góc cạnh của đối tượng và những cảm nhận và phân tích, diễn giải của mình về đối tượng. Lối kiến tạo câu ấy đem lại những nét riêng về cú pháp trong văn bản phê bình văn học.

e) Câu phức

Về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu phức là loại câu có từ hai kết cấu C - V trở lên, nhưng các kết cấu C - V ấy quan hệ với nhau không đồng đẳng. Bên cạnh cụm C - V nòng cốt của câu, những cụm C - V còn lại chỉ nằm ở thành phần nào đó của câu (chủ ngữ, vị ngữ hoặc thành phần phụ). Hiện nay, loại câu này còn được gọi là câu phát triển thành phần.

Trong Nhà văn hiện đại, loại câu này chiếm tỉ lệ cao (25,2%), chỉ sau câu đơn. Kiểu dạng của chúng cũng khá phong phú, tùy thuộc vào vị trí của cụm C - V phát triển nằm ở thành phần nào của câu.


Vê lí thuyết, có thể có cụm C - V nằm ở thành phần chủ ngữ của câu. Thế nhưng, khảo sát công trình của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi thấy loại câu phức phát triển thành phần chủ ngữ rất hiếm gặp. Nếu chủ ngữ được phát triển thì thường cũng chỉ là những cụm từ. Ví dụ:

- "Theo những câu trên này, một họa sĩ Tàu, một họa sĩ Nhật, một họa sĩ Ấn Độ hay một họa sĩ Việt Nam, đều có thể vẽ nên một cảnh ở nước mình" (t.2, tr.162).

- Vì, người lữ thứ, con ngựa lên non, chuyến đò ngang, sắc trời, mặt nước, chim bay, rửng thu, đều không có những màu sắc thuộc hẳn xứ nào" (t.2, tr.162).

Thi thoảng mới thấy đôi câu kiểu như: "Người cô phụ, con nai vàng, bất cứ là người hay vật, đã góp phần vào cuộc sống thì đều phải rạo rực, ngơ ngác về cái tiếng thổn thức của mùa thu dưới ánh trăng mờ" (những chữ in đậm là chủ ngữ, do chúng tôi nhấn mạnh). Đây mới là câu phức có chủ ngữ là một cụm C - V. Tìm hiểu công trình của Hoài Thanh, Trương Chính, Thiếu Sơn, chúng tôi cũng thấy rất ít câu phức phát triển thành phần chủ ngữ. Điều này chứng tỏ, đối với câu của văn bản phê bình, chủ ngữ chỉ là đối tượng được nêu lên (một nhà văn, một tác phẩm, một sự kiện, một tờ báo, một tạp chí...), thông tin về những đối tượng đó phải được trình bày ở phần vị ngữ của câu. Khảo sát kiểu câu phức phát triển vị ngữ trong Nhà văn hiện đại, điều đó càng được khẳng định. Quả thật, tỉ lệ câu phức có cụm C - V thuộc vị ngữ của câu chiếm tỉ lệ áp đảo. Xin nêu một số ví dụ (những chữ in đậm là thành phần vị ngữ, do chúng tôi nhấn mạnh).

- "Về mấy quyển này, Trương Vĩnh Ký đã tỏ cho người ta thầy rằng ông có óc phê bình rất sáng suốt" (t.1, tr.23).

- "Mấy câu thơ trên tả một người đàn bà đẹp nằm vén làn tóc mây cho lộ vẻ mặt đẹp như trăng rằm ra, làm cho người bạn tình đang cúi xuống


mặt nàng phải lặng lẽ mà say về hương, về sắc; rồi càng nhìn vào mắt nàng bao nhiêu, thì "con thuyền ái ân" trong lòng chàng càng đành chịu phép theo dòng mà trôi" (t.2, tr.106)

- "Cái "tiếng thu" trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thật là một tiếng mà tất cả mọi người đa cảm đều thấy văng vẳng bên tai trong lúc buồn rầu, lặng lẽ" (t.2, tr.107).

Cách phát triển thành phần câu như thế đã khiến câu phức của Vũ Ngọc Phan có cái rậm rịt, phức hóa kiểu câu văn của Nguyễn Tuân. Câu văn kiểu này thường dài, nhiều tầng bậc, phong phú về thông tin:

- "Nguyễn Văn Tố ở trường Viễn Đông Bác Cổ đã phê bình một câu như sau này trong tập Kỷ yếu của hội Trí tri (Hà Nội): "Ông (chỉ vào Trương Vĩnh Ký) đã biết giữ cho tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt, ông đã biết theo cả thể văn mà làm cho câu tiếng Việt Nam đi sát hẳn với nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ, vì ông đã hiểu rằng, cái điều thú vị trong Tứ thơ - không kể đến lý thuyết - chính là những cái đột ngột, bất thường, không theo luật lệ câu văn, và cái đặc tính ấy cần phản chiếu từng li từng tí trong bản quốc ngữ" (t.1, tr.24).

- Một điều mà ai cũng nhận thấy là Trương Vĩnh Ký đã tỏ cho người ta thấy ông có cái óc của một nhà bác học, vì ngay trong cuộc du lịch, ông đã để ý tìm tòi, đối với những điều trông thấy, ông không chịu chỉ biết qua loa, mà muốn biết đến tận nơi tận chốn" (t.1, tr.26-27).

Tóm lại, nhìn từ góc độ cấu tạo ngữ pháp, câu văn của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại có đầy đủ các kiểu câu trong tiếng Việt, tuy tần số xuất hiện của các kiểu câu có khác nhau. Câu văn của Vũ Ngọc Phan không khác biệt nhiều so với câu trong các công trình của một số nhà phê bình cùng thời. Điều này chứng tỏ, ngôn ngữ phê bình văn học không phải là địa hạt để người viết thể hiện sự phóng túng trong ngòi bút của mình. Ngôn ngữ phê


bình văn học không loại trừ tính cá thể, nhưng trong lĩnh vực cú pháp, tính chuẩn mực là một đặc điểm nổi bật. Tính tương đồng về cú pháp trong văn bản các nhà phê bình cũng cho thấy cái mặt bằng của ngôn ngữ văn học của một thời đại.

Tiểu kết chương 2

Trong chương 2, luận văn đã đi vào giải quyết hai vấn đề thuộc hai cấp độ ngôn từ trong văn bản: từ ngữ và câu trong Nhà văn hiện đại. Trước khi đi vào khảo sát từ ngữ trong công trình của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi đã nêu yêu cầu của việc sử dụng từ ngữ trong văn bản phê bình văn học. Về từ ngữ trong Nhà văn hiện đại, luận văn tập trung đi sâu khảo sát thuật ngữ khoa học và từ Hán-Việt. Đây là hai lớp từ nổi bật nhất, qua đó vừa thấy được vốn từ, cách sử dụng của nhà phê bình, đồng thời, cũng thấy được đặc điểm từ vựng trong ngôn ngữ văn học của nước nhà giai đoạn 1030 - 1945. Về câu, luận văn tập trung làm rò những đặc điểm của câu văn Vũ Ngọc Phan nhìn từ góc độ cấu tạo ngữ pháp. Các kiểu câu đã được khảo sát, phân tích trong sự đối sánh với câu văn của một số nhà phê bình văn học cùng thời.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022