nhà triết học, trước hết người đọc phải học cho biết những danh từ riêng của nhà ấy đã. Vậy, về triết học mà bắt bẻ chữ dùng thì thật vô cùng" (t.1, tr.198).
- "Bởi lẽ ấy, quyển Cô Dung của Lan Khai có chỗ thật và có chỗ đặc biệt. Hai điều đó, không nói ai cũng biết, đủ làm cho một quyển tiểu thuyết có giá trị. Muốn chứng cho điều đó, tôi kết luận bằng mấy lời sau này của Joseph Pesquidoux, một nhà văn hiện đại nước Pháp, chỉ viết rặt về dân quê: "Nếu muốn viết một tác phẩm có thể đứng được, có thể nên hình được, điều cần nhất là sự thành thật. Chỉ những cái gì người ta có thể tiếp cận được về cả hai đường tinh thần và vật chất, chỉ cái gì người ta đã cảm, đã biết được bằng giác quan và tâm trí là người ta mới phô diễn được sáng suốt" (t.2, tr.351).
Hai đoạn văn trên đều giống nhau ở chỗ: câu cuối đoạn mang tính chất kêt luận dựa trên những cứ liệu được đưa ra ở những câu trước đó. Tuy nhiên, nếu ở đoạn đầu, kết luận so chính người viết tự rút ra, thì ở đoạn sau, kết luận là câu văn được trích dẫn, nó có sức nặng của chân lí được khẳng định, phù hợp với những gì đã được người viết diễn giải ở những câu tiền đề. Điều đó cho thấy, ở mỗi thao tác lập luận, người viết có thể tạo ra nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.
c) Đoạn văn tổng - phân - hợp
Kiểu lập luận này vừa mang đặc điểm của diễn dịch, lại vừa có tính chất của qui nạp. Đặc thù của đoạn văn tổng - phân - hợp là có hai câu chủ đề, một nằm ở đầu đoạn, một nằm ở cuối đoạn. Ví dụ:
- "Đó là nói chung tất cả các nước, không riêng gì nước ta, cho nên sử của nhân loại đều là sử chép các đời vua, chép những việc giao thiệp, cai trị và chinh chiến của các vua chúa. Đọc những quyển sử như thế, tuy cũng có biết qua được những cuộc thay đổi lớn của một nước theo sự hành vi của người làm chúa tể, vì thuở xưa, những việc của vua tức là những việc của nước, nhưng không thể nào biết được bước đường tiến hóa của một dân tộc
qua các thời đại. Không những sử do những người phong lưu viết mà thôi, nhiều khi sử của nhà vua lại do chính nhà vua chọn người viết nữa. Đọc sử Pháp, người ta thấy vua Louis XIV đã chọn Boileau và Racine là hai nhà văn có tiếng ở thể kỉ XVII chép các việc về thời ấy cho mình và cấp lương cho hai người rất hậu. Như vậy, ai còn có thể tin rằng, những việc do hai nhà văn ấy chép hoàn toàn là sự thật nữa?" (t.1, tr.188).
- "Trước hết, sự "mê gái" với sự "yêu đàn bà" là hai việc rất khác nhau. Nhưng đại văn hào như Goethe ở Đức, Anatole France ở Pháp đều nhận rằng đàn bà đã tô điểm cho thế gian này rất nhiều, đàn bà đã giúp cho sự tiến hóa của Nghệ thuật, nếu không có đàn bà thì sự sống của loài người sẽ rất cằn cỗi, khô khan. Người ta thường thấy đàn bà đẹp làm đầu đề cho những thi gia, văn gia và những họa sĩ, những nhà điêu khắc đại tài. Như vậy, tại sao đã yêu Nghệ thuật, lại không thể yêu đàn bà được?" (t.2, tr.301).
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Phương Tiện Và Biện Pháp Tu Từ Trong Nhà Văn Hiện Đại
- Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - 10
- Vai Trò Của Lập Luận Trong Văn Bản Phê Bình Văn Học
- Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - 13
Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.
Thông thường, vì có hai câu mang tính khái quát đặt ở hai đầu đoạn văn nên, đoạn văn tổng - phân - hợp không quá ngắn. Các câu ở giữa của kiểu đoạn văn này vừa như triển khai câu chủ đề ở đầu đoạn, lại vừa như là tiền đề để dẫn đến câu khái quát ở cuối đoạn. Để bớt đơn điệu, có khi câu khái quát sẽ được diễn đạt bằng hình thức nghi vấn (như trường hợp đoạn hai trên đây).
Tóm lại, lập luận là một phẩm chất tư duy và cũng là đòi hỏi đối với người viết phê bình văn học. Viết Nhà văn hiện đại, ngòi bút phê bình của Vũ Ngọc Phan vừa thể hiện sự phân tích chi li, vừa phẩm bình, đánh giá khá khắt khe về đối tượng. Nhiều chỗ, sự bắt bẻ chê bai của tác giả rất thẳng thắn, bộc lộ một thái độ phê bình nghiêm túc, khoa học, không sợ đối tượng mất lòng, phật ý. Để vừa thấu tình vừa đạt lí, Vũ Ngọc Phan đã gia tăng tính lập luận cho các bài viết của mình. Xét trong tương quan với một số nhà phê bình cùng thời đại, dễ nhận thấy tính lập luận là yếu tố khả nổi bật, tạo nên nét riêng trong phong cách phê bình của Vũ Ngọc Phan.
Tiểu kết chương 3
Chương 3 của luận văn tập trung giải quyết hai nội dung: tu từ và lập luận trong công trình Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan. Về tu từ, luận văn đã phân tích một số phương tiện và biện pháp mà nhà phê bình đã sử dụng khá phổ biến và đạt hiệu quả rò rệt, đó là phép sóng đôi, phép giải ngữ, dùng định ngữ nghệ thuật, câu hỏi tu từ, phép so sánh... Khi phân tích ngữ liệu, chúng tôi có ý thức đối sánh với ngôn ngữ của một số công trình phê bình văn học khác để thấy được những nét khác biệt của đối tượng nghiên cứu. Về lập luận, chúng tôi chú ý hai đơn vị cơ bản: câu và đoạn văn. Các kiểu lập luận đã được nhận diện, phân tích với các dẫn chứng cụ thể để làm rò một kiểu tư duy và một cách thức sử dụng ngôn từ.
KẾT LUẬN
Triển khai đề tài Ngôn ngữ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, chúng tôi rút ra một số kết luận sau đây:
1. Phê bình văn học là một trong những bộ phận quan trọng của Khoa văn học. Phê bình có tác động tương hỗ tích cực đối với hoạt động sáng tác. Một nền văn học phát triển không chỉ thể hiện ở đội ngũ nhà văn đông đảo, số lượng tác phẩm nhiều và chất lượng cao, mà còn phải thể hiện ở hoạt động tiếp nhận, trong đó, phê bình là một kênh hết sức cần thiết. Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, những nền văn học phát triển rực rỡ bao giờ cũng có sự đồng hành của phê bình bên cạnh sáng tác.
Phê bình văn học là một bộ môn vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Tính khoa học thể hiện ở cách tư duy, ở việc sử dụng các phương pháp, ở cách xây dựng văn bản. Về mặt này, phải nhận thức rằng, văn bản phê bình văn học thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học. Nhưng, đối tượng tiếp cận của phê bình văn học là các hiện tượng thẩm mĩ. Chính điều đó đã làm cho văn bản phê bình có thêm một thuộc tính tất yếu: tính nghệ thuật. Nhiều văn bản phê bình văn học hấp dẫn người đọc chính bởi đặc điểm này.
2. So với phương Tây, nền phê bình văn học Việt Nam ra đời hơi muộn. Thời trung đại, phê bình của cha ông ta chỉ là sự điểm bình trong thưởng thức thơ văn, là sự khen chê trong phạm vi của văn chương thù tạc, vì thế, chưa thể có những tác phẩm phê bình đích thực. Từ những năm 30 của thế kỉ trước, văn học Việt Nam phát triển vượt bậc, với một tốc độ cực kì mau lẹ trên con đường hiện đại hóa. Do đó, bên cạnh sáng tác, phê bình đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Một đội ngũ đông đảo các nhà biên khảo, phê bình hoạt động năng nổ trên các diễn đàn văn học, các phương pháp nghiên cứu phê bình của phương Tây được tiếp thu, vận dụng, hàng loạt ấn phẩm ra đời,
có ảnh hưởng kịp thời và tích cực đối với hoạt động sáng tác. Đây là những tiền đề quan trọng thúc đẩy nền phê bình văn học ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ ở những thời kì sau.
3. Trong đội ngũ các nhà phê bình Việt Nam thời hiện đại, Vũ Ngọc Phan được ghi nhận là một cây bút có những đóng góp quan trọng. Nhà văn hiện đại - công trình quan trọng nhất của ông - được ấn hành lần đầu tiên từ năm 1942 - 1945 là một công trình có qui mô khá đồ sộ, có sức khái quát rộng lớn, có sự nhìn nhận đánh giá sâu sắc và khách quan về các tác gia văn học trong khoảng thời gian 30 năm ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Bên cạnh một số công trình của Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Thiếu Sơn, Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính, Đặng Thai Mai..., Nhà văn hiện đại đã đặt dấu mốc lớn trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam.
4. Nói đến đặc điểm ngôn ngữ trong Nhà văn hiện đại, trước hết phải nói về cách dùng từ và đặt câu. Về từ ngữ, đáng quan tâm ở công trình của Vũ Ngọc Phan là thuật ngữ khoa học và từ ngữ Hán Việt. Là một văn bản khoa học, việc dùng thuật ngữ được đặt ra như một yêu cầu hàng đầu. Nghiên cứu cách dùng thuật ngữ của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, dễ thấy phần lớn thuật ngữ ngành ngữ văn được sử dụng trong các bài phê bình đều khá quen thuộc với độc giả ngày nay. Nếu có thuật ngữ lạ, thì chủ yếu do cách dùng trật tự các thành tố Hán-Việt (kiểu phụ - chính). Mặt khác, cũng có khi người viết phải tự dịch một thuật ngữ từ tiếng nước ngoài để sử dụng lập tức trong một công trình, cũng như có lúc phải chua thêm thuật ngữ tiếng nước ngoài bên cạnh một thuật ngữ tiếng Việt. Vốn thuật ngữ của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại dù không đến nỗi nghèo nàn, song nếu so với công trình của các tác giả hiện nay, rò ràng đã có một khoảng cách khá xa.
Bộ phận từ Hán-Việt trong Nhà văn hiện đại cũng rất đáng lưu ý. So với một số tác giả khác, Vũ Ngọc Phan không phải là người sính dùng lớp từ
vay mượn này. Trong công trình của mình, ông từng phê phán những nhà văn thích dùng từ Hán-Việt trong khi đã có những từ ngữ thuần Việt cùng nghĩa phổ biến bên cạnh. Tuy vậy, cũng như bất kì một người cầm bút nào khác, việc sử dụng từ Hán-Việt của Vũ Ngọc Phan trong nhiều trường hợp là "bất khả kháng". Thống kê cho thấy, tỉ lệ từ Hán-Việt trong công trình của ông không phải là thấp. Đó có thể là từ thông dụng, có thể thuật ngữ, là từ ngữ thi ca,... Dù vậy, đọc văn của Vũ Ngọc Phan, ta không có cảm giác nặng nề, một phần bởi ông đã không lạm dụng từ Hán- Việt.
Bên cạnh từ Hán-Việt và thuật ngữ khoa học, trong Nhà văn hiện đại, tác giả còn sử dụng từ nước ngoài, cụ thể là từ tiếng Pháp. Có khi, ông dùng từ tiếng Pháp bên cạnh một thuật ngữ hoặc một từ chuyên dụng nào đó bằng tiếng Việt. Có lúc, để nhận xét cách dịch của một dịch giả, ông buộc phải dẫn ra câu văn, câu thơ cụ thể để đối chứng. Có khi là câu danh ngôn, câu văn tiếng Pháp được sử dụng để củng cố cho một lập luận... Lớp từ ngữ tiếng Pháp đã góp phần tạo nên màu sắc thời đại của Nhà văn hiện đại.
Về câu, có thể nói, Vũ Ngọc Phan đã sử dụng mọi kiểu câu tiếng Việt hiện đại, trong đó, câu đơn, câu ghép chính phụ và câu phức được sử dụng với tỉ lệ cao hơn cả. So sánh với câu trong văn bản của một số nhà phê bình cùng thời, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt trong tỉ lệ các kiểu câu không lớn lắm. Trong Nhà văn hiện đại, ít gặp loại câu đơn tối giản (chỉ có C - V), mà phần lớn là loại câu đơn có thành phần phụ. Câu ghép đẳng lập cũng xuất hiện với tần số rất thấp, vì có lẽ loại câu này không phù hợp với việc biểu đạt những nội dung diễn giải, hoặc những mệnh đề lập luận.
5. Tu từ và lập luận là hai vấn đề được tìm hiểu ở chương 3 của luận văn. Trong văn bản nghệ thuật, tu từ là một trong những vấn đề cốt lòi, thể hiện giá trị nghệ thuật của ngôn từ. Văn bản phê bình cũng sử dụng rộng rãi các phép tu từ, nhưng với những đặc điểm khác. Khảo sát Nhà văn hiện đại,
chúng tôi nhận thấy Vũ Ngọc Phan đã dùng rất có hiệu quả phép điệp, sóng đôi cú pháp, giải ngữ, định ngữ nghệ thuật, so sánh, câu hỏi tu từ... Chính các phép tu từ được sử dụng đúng chỗ đã làm tăng tính nghệ thuật, sức hấp dẫn của văn bản phê bình.
Nếu tu từ là để đáp ứng yêu cầu về tính nghệ thuật, thì lập luận lại là yếu tố cần thiết để văn bản có được tính khoa học. Trong Nhà văn hiện đại, tác giả đã chú ý hai đơn vị lập luận cơ bản: câu và đoạn. Câu văn lập luận của Vũ Ngọc Phan chủ yếu là câu ghép chính - phụ hoặc câu phức, ở đó, các vế câu, dù có quan hệ từ hay không vẫn quan hệ với nhau một cách lôgic, chặt chẽ. Tuy nhiên, đoạn mới là đơn vị lập luận quan trọng. Tìm hiểu đoạn văn và tính lập luận trong đó, chúng tôi nhận thấy, kiểu diễn dịch được tác giả sử dụng nhiều nhất. Thường, nhà phê bình nêu một nhận định ở đầu đoạn, các câu sau triển khai làm rò các khía cạnh cụ thể của nhận định đó. Qui trình ấy được nhà phê bình đảo ngược để tạo nên đoạn văn qui nạp. Thỉnh thoảng, Vũ Ngọc Phan có sử dụng kiểu lập luận tổng - phân - hợp, đó là kiểu đoạn văn sử dụng hai câu khái quát, một đặt ở đầu, một đặt ở cuối đoạn.
Ngôn ngữ trong một công trình tương đối lớn như bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan chắc chắn còn nhiều vấn đề cần khảo sát tìm hiểu. Những nội dung mà chúng tôi triển khai trong luận văn này, dù sao cũng chỉ mới là kết quả nghiên cứu bước đầu. Chúng tôi hi vọng có dịp trở lại đề tài này ở một dịp khác, với sự nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NxB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Lại Nguyên Ân (2004), "Về phê bình văn nghệ" (Tham luận tại Tọa đàm "Phê bình văn học - Bản chất và đối tượng" do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội ngày 27.5.2004, http://www.talawas.org/lyluan/lyluan2.html.
[3] Diệp Quang Ban (1995), “Một hướng phân tích câu từ mặt sử dụng, ý nghĩa, ngữ pháp”, TC Ngôn ngữ số 4, tr. 25-32, Hà Nội.
[4] Diệp Quang Ban (2010), Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Roland Barthes, "Phê bình văn học là gì?", Lã Nguyên dịch, Website Lý luận văn học.
[6] Nguyễn Tài Cẩn (1999), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[7] Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1996), Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Đỗ Hữu Châu (1997), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[9] Phạm Vĩnh Cư (2011), "Mấy nhận thức về phê bình văn học", Website
Lý luận văn học.
[10] Nguyễn Đức Dân, Đặng Thái Minh (1999), Thống kê ngôn ngữ học, một số ứng dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[11] Trịnh Bá Ðĩnh (2003), "Ba kiểu nhà phê bình hiện đại",
http://www.talawas.org 18.07.2003