nghiệp dược phẩm có sự khác biệt nhất định với các ngành kinh tế kỹ thuật khác, từ đó ảnh hưởng đến thông tin tài chính kế toán của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết với đòi hỏi cao về thông tin cung cấp trên BCTC.
Thứ tư, một số công trình nghiên cứu trong nước gần đây về kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh cũng áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Tuy nhiên trong đó chủ yếu nghiên cứu trên góc độ kế toán quản trị, chưa có nhiều nghiên cứu trên góc độ kế toán tài chính áp dụng nghiên cứu định lượng để bổ sung, hỗ trợ những kết luận rút ra bên cạnh nghiên cứu định tính.
Trên cơ sở kế thừa các nội dung cơ bản của kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh của các nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng thời, xuất phát từ những khoảng trống rút ra ở trên, Tác giả sẽ tập trung vào nghiên cứu để củng cố, làm rõ và bổ sung những vấn đề lý luận và thực thực tiễn để hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam.
3. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài “Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam” là hệ thống hóa lý luận về kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp theo quan điểm tiếp cận trên cơ sở hợp đồng; phân tích thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam theo chu trình: Nhận diện, xác định, ghi nhận và trình bày thông tin trên BCTC; kết hợp các phương pháp định tính và định lượng để nghiên cứu các nhân tổ ảnh hưởng và rút ra những đánh giá về kết quả, hạn chế của kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam; từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp này.
4. Câu hỏi nghiên cứu
Để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận án, tác giả sẽ đi sâu nghiên cứu để trả lời các câu hỏi sau đây:
(1). Cơ sở lý luận kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh theo IFRS gồm những nội dung gì?
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam - 1
- Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam - 2
- Nghiên Cứu Về Kế Toán Trong Các Doanh Nghiệp Dược Phẩm Niêm Yết Ở Việt Nam
- Vai Trò Kế Toán Doanh Thu, Chi Phí Và Xác Định Kết Quả Kinh Doanh Trong Doanh Nghiệp Niêm Yết
- Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam - 6
- Kế Toán Doanh Thu, Chi Phí Và Xác Định Kết Quả Kinh Doanh Trong Doanh Nghiệp Niêm Yết
Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.
(2). Các nhân tố nào ảnh hưởng đến thông tin kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp niêm yết?
(3). Thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam như thế nào?
(4). Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam như thế nào?
(5). Những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam là gì?
(6). Có những giải pháp nào giúp hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam?
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án đi sâu nghiên cứu về lý luận và thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam, tiếp cận theo thông lệ quốc tế và IFRS.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lý thuyết và thực trạng kế toán hoạt động kinh doanh phân phối dược phẩm là thuốc và một số hoạt động đặc thù phát sinh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam. Trong đó, tác giả sẽ đi sâu vào phân tích kế toán đối với một số loại hợp đồng phát sinh có đặc điểm riêng biệt của các công ty dược phẩm niêm yết. Với đối tượng nghiên cứu là các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết có yêu cầu cao về thông tin cung cấp trên
BCTC, để bám sát mục tiêu nghiên cứu, luận án tập trung vào nghiên cứu trên góc độ kế toán tài chính.
- Về không gian nghiên cứu: Luận án nghiên cứu tại 17 công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam trên 02 Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không bao gồm Sàn giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) do số liệu kế toán tài chính của doanh nghiệp trên sàn UPCOM chưa đủ tin cậy và có mức độ minh bạch không cao. Trong đó, luận án tập trung nghiên cứu số liệu ở công ty mẹ (chưa hợp nhất) của một số công ty có quy mô lớn và địa bàn phân phối rộng như Công ty CPDP Hậu Giang, Công ty CPDP Imexpharm, Công ty CPDP Hà Tây, Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex, Công ty CPDP OPC, Công ty cổ phần dược trang thiết bị y tế Bình Định,…
- Về thời gian nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu dữ liệu tài chính kế toán (công ty mẹ) phát sinh tại các công ty dược phẩm niêm yết nêu trên trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
6. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử để nghiên cứu các vấn đề vừa toàn diện, vừa cụ thể, có hệ thống đảm bảo tính logic của các vấn đề nghiên cứu.
- Luận án sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Trong đó, phương pháp định tính để phân tích thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh, phương pháp định lượng để phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam. Nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính để đưa ra đánh giá và những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện phù hợp đối với đến kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các công ty dược
phẩm niêm yết ở Việt Nam.
- Phương pháp khảo sát thực tế, thu nhập số liệu từ các 17 công ty dược phẩm niêm yết thuộc mẫu nghiên cứu thông qua các phiếu điều tra, khảo sát gửi đến các doanh nghiệp này, kết hợp với việc phỏng vấn một số lãnh đạo và nhân viên kế toán để cung cấp thông tin chung về đặc điểm sản xuất kinh doanh, tổ chức bộ máy, các chính sách kế toán, tài chính áp dụng ở doanh nghiệp.
- Phương pháp thu thập số liệu:
+ Số liệu sơ cấp: Tác giả thực hiện việc thu thập số liệu sơ cấp theo các phương pháp khác nhau, phù hợp với từng điều kiện và kỹ thuật cụ thể.
+ Gửi phiếu điều tra, khảo sát: Tác giả thực hiện gửi bảng hỏi theo mẫu điều tra đến 17 công ty dược phẩm niêm yết thuộc mẫu nghiên cứu thông qua nhiều hình thức như gửi bản giấy trực tiếp, gửi qua email, mẫu form trực tuyến (google form). Mẫu phiếu khảo sát và tổng hợp kết quả khảo sát, điều tra chi tiết tại Phụ lục số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07.
Trong đó Tác giả đã xây dựng 03 mẫu phiếu khảo sát
Mẫu số 1 dành cho cán bộ quản lý kinh doanh: Dùng để thu thập các thông tin về khái quát về đặc điểm kinh doanh, hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Tác giả gửi 17 phiếu khảo sát đến 17 công ty dược phẩm niêm yết và thu về 17 phiếu hợp lệ, bằng 100% số phiếu gửi đi.
Mẫu số 2 dành cho kế toán trưởng hoặc cán bộ kế toán tổng hợp: Dùng để thu thập các thông tin chung về chính sách kế toán của doanh nghiệp. Tác giả gửi 17 phiếu khảo sát đến 17 công ty dược phẩm niêm yết và thu về 17 phiếu hợp lệ, bằng 100% số phiếu gửi đi.
Mẫu số 3 dành cho các cán bộ làm công tác kế toán nói chung, không phân biệt doanh nghiệp làm việc: Dùng để khảo sát về các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết theo đánh giá và quan điểm của cán bộ làm công tác kế toán.
+ Phỏng vấn: Tác giả thực hiện việc phỏng vấn trực tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ quản lý kinh doanh, quản lý kế toán tài chính tại các doanh
nghiệp thuộc mẫu nghiên cứu. Nội dung phỏng vấn được xây dựng dựa trên các câu hỏi chuẩn bị trước có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên, đôi khi có những câu hỏi được bổ sung theo những tình huống cụ thể của cuộc phỏng vấn. Tác giả gửi 153 phiếu khảo sát đến 17 công ty dược phẩm niêm yết và thu về 136 phiếu hợp lệ, bằng 88,9% số phiếu gửi đi.
+ Số liệu thứ cấp:
Căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu của đề tài, tác giả tiến hành tìm hiểu các Văn bản pháp luật về kế toán, các Nghị định, Thông tư, các Quy chế, Điều lệ tổ chức của các công ty dược phẩm niêm yết thuộc mẫu nghiên cứu, các sách, báo, tạp chí khoa học chuyên ngành viết về kế toán tài chính và và kế toán quản trị, đặc biệt là những bài viết về kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp.
- Phương pháp phân tích số liệu định lượng:
+ Tập hợp và nhập dữ liệu kết quả khảo sát vào phần mềm SPSS 26.
+ Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha: Yêu cầu đối với công cụ đo lường trong khoa học đó là phải đảm bảo về giá trị (validity) và độ tin cậy (reliability) (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Độ tin cậy của một công cụ đo lường là mức độ trong đó công cụ đo lường một khái niệm một cách nhất quán (có nghĩa là khi sử dụng công cụ đo lường để đo lường một khái niệm nhiều lần thì các kết quả đo lường nhất quán với nhau) (Bhattacherjee, 2012). Các dữ liệu sẽ được sử dụng để tính hệ số tương quan biến tổng (tức là tương quan giữa một biến hay mục hỏi với toàn bộ các biến – item-total correlation) và hệ số Cronbach’s alpha của toàn bộ thang đo. Nếu hệ số tương quan biến tổng của từng biến (mục hỏi) lớn hơn hoặc bằng 0,3 và Cronbach’s alpha có giá trị trong khoảng từ 0,6 đến 0,8 thì thang đo chấp nhận được về độ tin cậy (Nguyễn Đình Thọ, 2011).
+ Phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis): Phân tích EFA là tóm tắt các biến quan sát vào một số nhân tố nhất định và tìm ra mối quan hệ giữa các biến với nhau. Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) là chỉ số được dùng để xem xét sự thích hợp của kích thước mẫu khi phân tích nhân tố. Kiểm định
Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig. < 0,050): Đây là một đại lượng thống kê dùng để xem xét giả thuyết các biến không có tương quan trong tổng thể.
+ Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến (Multiple Linear Regression): Bước phân tích này sử dụng hệ số tương quan tuyến tính Pearson nhằm kiểm định tác động của nhiều biến độc lập (là các nhân tố đã trích ra sau khi thực hiện phân tích nhân tố khám phá nêu trên) đối với một biến phụ thuộc (định lượng) là thông tin kế toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam.
+ Phân tích hồi quy đa biến: Sử dụng hệ số R bình phương để phản ánh % biến động của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập. Ngoài ra, để kiểm định mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính tổng thể, tác giả sử dụng phương pháp phân tích Anova nhằm xem xét biến phụ thuộc có quan hệ tuyến tính với các biến độc lập hay không. Đưa ra phương trình hồi quy chuẩn hóa và căn cứ độ lớn của giá trị tuyệt đối của từng biến để đánh giá tác động mạnh yếu tới biến phụ thuộc.
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
- Ý nghĩa khoa học: Đề tài củng cố, làm rõ và bổ sung những lý luận cơ bản về kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp niêm yết, một số vấn đề lý luận còn chưa nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống.
- Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài phân tích thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam và đánh giá những ưu điểm cũng như tồn tại hạn chế, đồng thời đưa ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại hạn chế này. Kết hợp với nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, đề tài đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam. Thực hiện áp dụng các giải pháp, kiến nghị một cách đồng bộ cùng với điều kiện vận dụng phù hợp sẽ tăng sức cạnh tranh của các công ty dược phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành dược Việt Nam.
8. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, danh mục các chữ viết tắt, danh mục các sơ đồ, bảng biểu, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án kết cấu thành 3 chương:
- Chương 1: Lý luận chung về kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh trong doanh nghiệp niêm yết
- Chương 2: Thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam
- Chương 3: Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam
CHƯƠNG 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ KẾ TOÁN DOANH THU, CHI PHÍ VÀ XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ KINH DOANH TRONG DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
1.1. Tổng quan về thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết và vai trò của kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh
1.1.1. Thị trường chứng khoán
Thị trường là nơi trao đổi hàng hoá được sản xuất và hình thành trong quá trình sản xuất và trao đổi hàng hoá cùng với mọi quan hệ kinh tế giữa người với người liên kết với nhau thông qua trao đổi hàng hoá. Thị trường chứng khoán là hình thức phát triển cao của nền sản xuất hàng hoá hiện nay của nhân loại.[8]
Vào giữa thế kỷ XIII, các chủ ngân hàng người Venice đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu chính phủ. Năm 1351, nhà nước Venice ban hành lệnh cấm lan truyền tin đồn nhằm hạ giá quỹ chính phủ. Các chủ ngân hàng tại Pisa, Verona, Genoa và Florence cũng bắt đầu trao đổi cổ phiếu của chính phủ trong suốt thế kỷ XIV. Các công ty Ý cũng là những tổ chức ngoài nhà nước đầu tiên phát hành cổ phiếu. Các công ty ở Anh và ở những quốc gia vùng trũng bắt đầu phát hành vào thế kỷ XVI. Trong khoảng thời gian này, công ty cổ phần, tổ chức có cổ phiếu được đồng sở hữu bởi các cổ đông đã xuất hiện và dần đóng vai trò quan trọng trong quá trình thuộc địa hóa.[19]
Thị trường chứng khoán trên thế giới ban đầu chỉ hình thành một cách tự phát. Đối tượng tham gia chủ yếu là các nhà đầu cơ, dần dần về sau mới có sự tham gia ngày càng đông đảo của mọi người trong xã hội. Khi thị trường phát sinh vấn đề, Chính phủ buộc phải can thiệp bằng cách tạm ngưng hoạt động, hoặc thành lập các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng đầu tư. Về sau, dần dần hệ thống pháp lý cũng bắt đầu được ban hành.
Ngày nay, theo sự phát triển của công nghệ khoa học kỹ thuật, các phương thức giao dịch ở các Sở giao dịch chứng khoán cũng được cải tiến dần theo tốc độ và khối lượng yêu cầu nhằm đem lại hiệu quả và chất lượng cho giao dịch, các Sở
.....