Nghiên Cứu Kỹ Thuật Sản Xuất Cà Chua Ở Việt Nam


trưởng phát triển tốt hơn so với đối chứng ở các chỉ tiêu như chiều cao cây cao hơn 7,4%, khối lượng chất khô cao hơn 13,8 %, khối lượng rễ tăng 12,3% và diện tích lá tăng 28,1%. Cây cà chua được xử lý ambiol còn làm tăng khả năng chịu hạn của cây (Manson et al., 2010) [124].

Với nguy cơ nhiễm mặn ở nhiều nơi trên thế giới do biến đổi khí hậu gây ra, việc nghiên cứu các tác nhân làm giảm nguy cơ gây hại do nhiễm mặn từ ion Na+ bằng phân bón có ion Ca2+ đã được thực hiện. Kết quả cho thấy cứ tăng thêm 20mM Ca2+ với 70mM NaCl có thể làm giảm được sự hấp thụ ion Na+ lên lá từ 79 mg xuống còn 24mg. Như vậy, bằng việc sử dụng tác nhân Ca2+ sẽ giúp cho cà chua phát triển tốt hơn ở các vùng nhiễm mặn (Francessco et al., 2007) [95].

* Nghiên cứu sử dụng gốc ghép trong canh tác cà chua

Sử dụng gốc ghép trên cây rau được ứng dụng đầu tiên ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào những năm 1920 trên cây dưa hấu và cây cà tím bằng cách ghép ngọn giống dưa hấu với gốc bầu trắng, ngọn giống cà tím với gốc cà kháng bệnh… Cho đến những năm 1950, việc sử dụng cây ghép đã phát triển mạnh mẽ và công nghệ sử dụng gốc ghép trở nên quan trọng trong việc gia tăng năng suất và khả năng kháng các loại bệnh hại nguy hiểm. Năm 1990 ở Nhật Bản đã có khoảng 59% diện tích canh tác các loại cây dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cà tím sử dụng gốc ghép (Nina, 2004) [131]; (Khah et al., 2006) [117]; (Oda, M., 2004) [132].

Wang và cộng sự (2000) [154] đã thực hiện ghép 2 giống cà chua quả nhỏ Satana và ASVEG #6 trên gốc ghép là 3 giống cà tím kháng bệnh héo xanh vi khuẩn EG190, EG203, EG219. Kết quả đánh giá những cây ghép được lây nhiễm nhân tạo, trồng trong nhà lưới trong vụ Hè cho thấy, giống ASVEG#6 có từ 20- 31,8% số cây bị chết do héo xanh vi khuẩn so với 100% số cây chết do không ghép. Giống Satana ghép trên 3 gốc cà tím có tỷ lệ cây héo ở mức cao hơn từ 34,7% đến 55,0%. Giống Satana có sự gia tăng năng suất bằng hoặc tốt hơn so với cây không ghép. Các nghiên cứu về cơ chế kháng bệnh héo xanh vi khuẩn của cây cà chua ghép trên gốc kháng bệnh héo xanh vi khuẩn cũng được Grimault và cộng sự (1994) [99] nghiên cứu và công bố.

Áp lực bệnh chết rạp cây (Sclerotium rolfsii) và tuyến trùng (Meloidogyne spp.) đã làm giảm năng suất và chất lượng cà chua rõ rệt ở miền Nam nước Mỹ. Bằng việc sử dụng gốc ghép khác loài có khả năng kháng bệnh với các giống cà chua Big Power, Beaufort và Maxifort, tỷ lệ nhiễm bệnh của cây ghép chỉ là 0-5% trong khi đó cây không ghép bị nhiễm 27-79%. Ở các điểm nghiên cứu khác nhau, năng suất cà chua ở cây ghép cao hơn có ý nghĩa so với cây không ghép. Kết quả


này đã góp phần duy trì được năng suất và chất lượng cà chua ở những vùng đất bị nhiễm S. rolfsii và tuyến trùng M. incognia ở nước Mỹ (Rivard, 2010) [140].

Năm 2004, tác giả Nina ở Slovakia đã thử nghiệm dùng gốc ghép PG3 và Beaufort cho 02 giống cà chua trồng trong nhà kính là Monroe và Belle, kết quả cho thấy: Giống Monroe ghép trên gốc ghép Beaufort cho kết quả vượt trội so với cây không ghép ở cùng điều kiện chăm sóc ở chỉ tiêu số quả/cây, số quả đạt tiêu chuẩn, chất lượng quả… trong khi đó giống Belle ghép trên gốc ghép Beaufort lại cho kết quả ngược lại, cây ghép cho năng suất và chất lượng kém hơn. Phương pháp ghép bằng ống cao su và bằng kẹp đều không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây ghép. Như vậy, việc lựa chọn gốc ghép phù hợp với ngọn ghép là một vấn đề cần thiết, một gốc ghép tốt không thể dùng để ghép cho tất cả các giống trong cùng loài (Nina Kacjan M.,2004) [131].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Nhiều công trình đã chỉ ra hiệu quả của việc trồng cà chua ghép. Kết quả đánh giá ảnh hưởng của gốc ghép đến chất lượng quả cà chua trồng trong điều kiện mặn của hai giống cà chua Fanny và Goldmar cho thấy, sử dụng gốc ghép là biện pháp hữu hiệu để cải thiện chất lượng quả cà chua. Năng suất và các chỉ số chất lượng như hàm lượng đường, hàm lượng lycopene, beta carotene, axit ascorbic, hàm lượng chất khô hòa tan… của cây cà chua ghép cao hơn rõ rệt so với cây không ghép ở các nồng độ muối 0, 30 , 60mM NaCl. Hàm lượng chất khô hòa tan, đường fructose và gluco đạt cao nhất ở nồng độ NaCl 60mM. Bên cạnh đó hàm lượng nitrat có trong quả ở cây không ghép cao hơn rõ rệt so với cây ghép ở nồng độ NaCl 60 mM. (Fernandez et al., 2004) [93]. Gốc ghép góp phần tăng đáng kể chất lượng quả cà chua thể hiện ở hàm lượng chất khô hòa tan, chuẩn độ axit... Ngoài ra, gốc ghép còn làm tăng năng suất cà chua so với trồng cây không ghép (Francisco et al., 2010) [96].

Nghiên cứu về khả năng chống chịu với các tác nhân gây độc đối với cây cà chua, các nhà khoa học ở Đức đã dùng giống cà chua Belladona ghép trên giống gốc ghép He-man. Kết quả cho thấy cây cà chua ghép có khả năng hút các chất dinh dưỡng như Mg, K, N... mạnh hơn cây không ghép ngoại trừ Mn – chất gây độc cho cây. Có sự khác biệt rõ rệt giữa số quả trên cây và năng suất quả của cây cà chua ghép và không ghép. Như vậy, sử dụng gốc ghép có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm độc cho cây và tăng khả năng hút chất dinh dưỡng của cây cà chua. (Dimitrios Savvas et al., 2009) [86].

Nghiên cứu xác định giống và một số biện pháp kỹ thuật tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà chua tại Đồng bằng sông Hồng - 7

Trồng cà chua trong thời vụ nóng ẩm, ngập úng, vùng đất thấp, vùng có áp lực bệnh hại cao và nhiệt độ cao là một thách thức lớn của các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Các nhà khoa học ở AVRDC đã khuyến cáo sử dụng gốc ghép cà tím và


cà chua cho các giống cà chua trồng có thể giảm thiểu được những tác nhân gây hại của một số loại bệnh hại, chịu ngập úng tốt hơn… và nên sử dụng gốc ghép cà tím cho những vùng thường bị ngập úng hoặc ẩm ướt còn sử dụng gốc ghép cà chua kháng bệnh cho vùng có áp lực bệnh cao (Black et al., 2003) [77].

Bằng việc sử dụng gốc ghép cà chua bán hoang dại (Solanum habrochaites)

thu thập từ các vùng lạnh giá, có khả năng chịu lạnh tốt để ghép với gốc cà chua thường sẽ làm tăng khả năng chịu lạnh của của cây cà chua ở các vùng ôn đới. Có sự khác biệt rõ rệt ở chỉ số tỷ lệ sinh khối, diện tích lá và khối lượng rễ của cây ghép và cây không ghép trong điều kiện lạnh (Jan Henk et al., 2008) [105].

Việc sử dụng gốc ghép cũng là một biện pháp hữu hiệu cùng với chọn tạo giống kháng mặn nhờ chỉ thị phân tử hay huấn luyện cây con trong môi trường nhiễm mặn để góp phần phát triển cà chua ở các vùng nhiễm mặn (Cuartero et al., 2006) [78]. Cà chua ghép có khả năng chịu mặn tốt hơn so với cà chua không ghép ở tất cả các loại gốc ghép trong thí nghiệm ở nồng độ muối <25mM. Năng suất cây ghép trong điều kiện xử lý muối ở nồng độ <25 mM không có sự khác biệt so với cây không ghép ở điều kiện thường, trong khi đó cây không ghép bị ngộ độc nặng ở nồng độ kể trên. Khi ở nồng độ > 50mM, năng suất cây ghép vẫn đạt được 80% năng suất bình thường. (Maria et al., 2005) [125]. Cây ghép giữa dạng cà chua trồng mẫn cảm với điều kiện mặn trên gốc ghép cà chua hoang dại S. pimpinellifolium có khả năng chịu mặn tốt đã cho năng suất cao hơn trong điều kiện mặn so với cây không ghép (Estan và cộng sự, 2009) [91].

Những năm gần đây, việc sử dụng gốc ghép kháng bệnh đã góp phần tăng năng suất cũng như chất lượng cà chua lên rõ rệt. Ở các nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia... tỷ lệ diện tích trồng cà chua ghép tăng lên qua các năm và người trồng rau có xu hướng sử dụng gốc ghép ngày càng nhiều (Leonardi et al., 2004) [119].

1.3.2.2. Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất cà chua ở Việt Nam

* Những nghiên cứu về kỹ thuật thâm canh cây cà chua

Tại Việt Nam song song với công tác chọn tạo giống, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng quả cà chua cũng được quan tâm đáng kể qua các đề tài, xây dựng các tiêu chuẩn ngành của Bộ NN và PTNT. Qui trình sản xuất cà chua an toàn (TCN), Qui trình sản xuất cà chua theo hướng sản xuất công nghệ tiên tiến và các Qui trình kỹ thuật canh tác cà chua kèm theo giống công nhận. Nhìn chung các qui trình canh tác được công bố mới chỉ là qui trình kỹ thuật cẩm nang, kỹ thuật cơ bản sản xuất cà chua. Qui trình


kỹ thuật canh tác riêng cho giống cà chua lai F1 có năng suất cao, chất lượng tốt chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là Qui trình sản xuất cà chua theo hướng công nghệ cao ở Việt Nam rất ít được đề cập. Các cơ sở sản xuất trong các khu công nghệ phải áp dụng qui trình trọn gói của Đài Loan, Trung Quốc hay Israel. Nhìn chung, công nghệ này đầu tư chi phí lớn, không phù hợp điều kiện Việt Nam, hiệu quả không cao

Thời gian gần đây, ngoài sản xuất truyền thống trên đồng ruộng và trong một số khu sản xuất công nghệ cao ở Hải Phòng, Hà Nội, Mộc Châu, Sơn La…, công nghệ trồng cà chua bằng hệ thống thủy canh, hệ thống khí canh cũng bắt đầu được nghiên cứu thử nghiệm ở một số vùng, thành phố. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn và ứng dụng trong thực tế còn ở qui mô nhỏ. Có thể đề cập một số kết quả chính về nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thời gian qua như sau:

Về thời vụ trồng cà chua ở Đồng bằng sông Hồng, theo các tác giả Mai Thị Phương Anh (1996) [1], Trần Khắc Thi (2003) [44], Tạ Thu Cúc (2007) [8] có 4 vụ trồng chính: vụ Hè Thu gieo hạt từ tháng 6 đến tháng 7, cho thu hoạch vào tháng 10. Vụ Thu Đông/ Đông Xuân có 3 trà, trà sớm gieo hạt tháng 7, tháng 8 thu hoạch cuối tháng 10 đến tháng 12, trà chính vụ gieo hạt từ giữa tháng 9 đến tháng 10, thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng 3 năm sau, trà muộn gieo hạt vào cuối tháng 11, 12, thu hoạch vào cuối tháng 3, tháng 4 năm sau. Vụ Xuân Hè gieo hạt cuối tháng 1 đầu tháng 2, thu hoạch vào tháng 5, tháng 6. Vụ Hè gieo hạt tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch tháng 5, tháng 6. Vụ Đông Xuân có điều kiện thời tiết thuận lợi nhất cho cây cà chua sinh trưởng, phát triển, ít sâu bệnh, năng suất và chất lượng quả cao.

* Về mật độ trồng cà chua thích hợp, tác giả Trần Khắc Thi và CS.,(2007, 2008) [46], [47] cho rằng cà chua có thể phát triển phù hợp với khoảng cách 0,7x0,4m (mật độ 3,5-4,0 vạn cây/ha). Theo Đào Xuân Thảng và CS.,(2005) [41], Dương Kim Thoa và CS.,(2006) [50], với giống VT3, PT18 (hữu hạn, bán hữu hạn) có thể trồng với mật độ 3,1-4,0 vạn cây/ha. Khoảng cách trồng 75x40 cm hay 70x40-45 cm là tốt nhất. Giống vô hạn như TN148, TN129 trồng với khoảng cách 70x50 cm, mật độ 2,8 vạn cây/ha. Tại Thái Nguyên, trong vụ Đông Xuân và Xuân Hè, với giống cà chua TN169 trồng với mật độ 31.746 – 40.816 cây/ha thích hợp nhất (Nguyễn Thị Mão, 2008) [22].

* Về bón phân cho cà chua, theo tác giả Trần Khắc Thi (1999) [43], trong điều kiện Việt Nam để sản xuất cà chua an toàn, lượng phân bón phù hợp cho 1 ha là 25 tấn phân chuồng, 150kg N, 90kg P2O5 và 150 K2O. Sản xuất cà chua tại ĐBSH, phân hữu cơ hoai mục trung bình từ 15 -20 tấn, nếu có điều kiện có thể bón


30-40 tấn/ha, phân vô cơ 90-120 kgN, 60-90 kgP2O5, 100-120 kgK2O. Cà chua có phản ứng tốt đối với các nguyên tố vi lượng như Bo, Mn, Zn... đặc biệt là Molipden (Tạ Thu Cúc và cộng sự 2007) [8]. Theo Nguyễn Thị Mão, 2008 [22], tại Thái Nguyên, lượng phân bón áp dụng phù hợp cho giống TN129 và VL2004 là 25 tấn phân chuồng hoai mục + 120 kg N + 100kg P2O5 + 150 kg K2O + 800 kg vôi bột/ha. Bón với lượng trên, vừa cho năng suất cao (38,53 tấn/ha vụ Xuân Hè), chất lượng khá và lãi thuần cao nhất (70-70,9 triệu đồng/ha), vừa đảm bảo không để lại tồn dư NO3- cho sản phẩm cà chua.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón lá và nguồn chất thải hữu cơ có xử lý EM đến sinh trưởng phát triển và năng suất cà chua, tác giả Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự (2011) [17] nhận xét: Phân bón lá và nguồn chất thải hữu cơ đều có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng thân lá, một số chỉ tiêu sinh lý (làm tăng chỉ số LAI, SPAD, hàm lượng chất khô), nhưng không ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng của cây cà chua. Các loại phân bón lá đều làm tăng năng suất so với đối chứng, tuy nhiên không có sự khác biệt đáng kể trong 3 loại phân bón lá. Sử dụng nguồn chất thải hữu cơ làm tăng năng suất so với sử dụng phân khoáng. Năng suất đạt cao nhất 46,3 tấn/ha khi bón phân chuồng, nhưng hiệu quả kinh tế cao nhất là công thức bón kết hợp với rác thải hữu cơ được xử lý EM.

Cấn Văn Hồng (2009) [15] cho rằng các chế phẩm sinh học EXTN-1, BE, BC, phân VSVCN không những có khả năng phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn mà còn có khả năng kích thích cà chua phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây do vậy làm tăng năng suất với tỷ lệ tăng cao nhất đạt 20,54% tại Vĩnh Phúc.

* Nghiên cứu nhân giống và kỹ thuật trồng cà chua lai F1 Cherista bằng kỹ thuật khí canh đã được nhóm tác giả Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện. Kết quả cho thấy hệ thống khí canh có hệ số nhân giống cao hơn hệ thống thủy canh và giá thể đất đạt 9,84-11,44 lần/60 ngày. Cây cà chua nhân từ hệ thống khí canh có sức sinh trưởng tốt với năng suất đạt 10,0 kg/m2 cao hơn so với năng suất thu được từ cây trồng trên nền đất (Hoàng Thị Nga, 2012) [31]. Ở điều kiện nhiệt độ dung dịch ở 200C giống Cheristar có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt

nhất, thời gian cho thu quả kéo dài hơn và năng suất quả đạt 5,31 kg/m2 cao hơn hẳn năng suất của cây trồng với dung dịch giữ ở nhiệt độ môi trường chỉ có 2,77 kg/m2. Với kết quả này có thể đề xuất kỹ thuật trồng cà chua trái vụ bằng kỹ thuật khí canh có sử dụng dung dịch được điều chỉnh ở nhiệt độ 200C (Nguyễn Quang Thạch và cộng sự, 2010) [38].

Nghiên cứu về sâu bệnh hại cà chua trong nhà lưới và trên đồng ruộng và các biện pháp bảo vệ thực vật, một số tác giả như Nguyễn Văn Viên, Đỗ Tấn Dũng


(2005) [57], Ngô Thị Xuyên, Nguyễn Văn Đĩnh (2006) [58], Trần Khắc Thi và cộng sự (2008) [47] đều thống nhất cần phải thực hiện phương pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) như sử dụng giống chống chịu, cây giống khỏe và sạch bệnh, bón phân cân đối, đúng liều lượng và đúng lúc, bảo vệ thiên địch, xác định hệ thống cây trồng và các biện pháp luân canh hợp lý. Thăm đồng ruộng thường xuyên, phát hiện kịp thời để ngăn chặn dịch hại, diệt sâu bằng tay, ngắt bỏ bộ phận bị bệnh hoặc nhổ bỏ cây bệnh đem thiêu hủy khi mới xuất hiện. Nếu diệt trừ bằng hóa chất bảo vệ thực vật phải đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng ngưỡng kinh tế, tăng cường sử dụng các thuốc vi sinh nhóm Bt, thảo mộc và sử dụng thuốc có luân phiên. cần sử lý hạt giống trước khi gieo.

* Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cà chua ghép

Một trong những đối tượng bệnh hại khá nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể đến năng suất cũng như chất lượng cà chua đó là bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanasearum). Bệnh héo xanh vi khuẩn (HXVK) có thể là tác nhân gây chết hàng loạt và gây hại trên diện rộng ở những vùng cà chua tập trung, làm thiệt hại nặng thậm chí dẫn đến thất thu hoàn toàn. Tỷ lệ nhiễm bệnh HXVK trung bình trên cà chua vụ Thu Đông sớm và Xuân Hè ở khu vực ĐBSH có thể từ 13-28% diện tích, thậm chí nhiều vùng bị mất trắng do tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Ở điều kiện thời tiết của vụ Đông Xuân, tỷ lệ bệnh hại trung bình trên cây cà chua từ 10-18%. Mức độ hại trên cây cà chua phụ thuộc vào giai đoạn nhiễm bệnh, nếu cây cà chua bị nhiễm bệnh HXVK trong giai đoạn sớm (từ trồng đến phát triển quả non), cây cà chua sẽ hoàn toàn không cho sản phẩm, nếu nhiễm bệnh vào lứa quả đầu già làm giảm 77,9% và bị nhiễm bệnh sau khi thu lứa quả đầu và trước khi thu lứa quả thứ hai làm giảm 48,4% năng suất. Chẳng những làm giảm năng suất, bệnh HXVK cũng là một trong những nguyên nhân chính hạn chế trồng cà chua Thu Đông sớm hay Xuân Hè, nhiều vùng chuyên canh rau màu đã phải bỏ cà chua để chuyển sang trồng các loại cây khác cho thu nhập thấp hơn nhưng ít rủi ro hơn (Trần Văn Lài và CS, 2002) [20].

Giải pháp sử dụng gốc ghép trên cây cà chua để chống bệnh héo xanh vi khuẩn đã được nhiều tác giả nghiên cứu và kết quả ứng dụng rất khả quan. Cơ sở khoa học của việc ghép là dựa vào sự hoạt động của lớp tế bào tượng tầng. Khi tượng tầng của cành ghép và gốc ghép tiếp xúc với nhau sau một thời gian sẽ hình thành mô liên hợp giữa gốc ghép và cành ghép. Các tế bào mới sản sinh liên hệ với nhau bằng các ống thông qua vách tế bào. Chất nguyên sinh đồng hóa cho nhau và có sự lưu thông vận chuyển giữa 2 dòng nhựa. Sử dụng gốc ghép trên cà chua có


thể kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn, đảm bảo được năng suất và gia tăng chất lượng cà chua ở nhiều địa phương (Chu Văn Chuông, 2005) [10].

Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ghép cà chua trên gốc cà tím để sản xuất cà chua trái vụ cho thấy, trong điều kiện có bệnh héo xanh và úng ngập, năng suất cây cà chua ghép tăng 39,8% so với đối chứng cà chua không ghép. Trong điều kiện bị ngập, thời gian cho thu hoạch ở các cây ghép được dài hơn, tỷ lệ cây chết đối với cây ghép là 3,0% trong khi cây không ghép là 12,0%. Giống gốc ghép EG203 là giống gốc ghép cho hiệu quả cao nhất (Trần Văn Lài, Lê Thị Thủy, 2005) [19]. Gốc ghép cà tím EG203 ghép trên các giống cà chua MV1, HT25… có khả năng kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn và chịu úng trong vòng 72 giờ. Sử dụng giống gốc ghép EG203 và cà chua Hawaii 7996 làm gốc ghép cho giống cà chua Red Crown ở Hậu Giang đã hạn chế được bệnh héo tươi và cho năng suất tăng lên 4,78-5,51 lần so với cà chua không ghép (Vũ Thanh Hải và CS, 2011) [11]; Trần Thị Ba và CS, 2010) [2].

Nghiên cứu về các phương thức ghép, điều kiện ảnh hưởng đến quá trình ghép và chăm sóc cây ghép cà chua trong giai đoạn vườn ươm, đánh giá hiệu quả của cà chua ghép trên gốc cà tím ở các địa phương khác nhau ở miền Bắc, Viện Nghiên cứu Rau Quả đã hoàn thiện qui trình ghép cà chua trên gốc cà tím và qui trình sản xuất cà chua ghép ở miền Bắc Việt Nam để ứng dụng rộng rãi trong sản xuất [49].

Tóm lại: Các thành tựu nghiên cứu về chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật canh tác cây cà chua thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là ứng dụng ưu thế lai và chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống cà chua. Nhiều giống thuần và giống cà chua lai F1 thế hệ mới đã phát triển tốt trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo được về cơ cấu giống theo mùa vụ. Các công trình nghiên cứu về kỹ thuật thâm canh như phân bón, thời vụ trồng, kỹ thuật trồng cà chua ghép, phòng trừ sâu bệnh hại… đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của sản xuất cà chua ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ về công tác chọn tạo giống cũng như ứng dụng công nghệ mới trong canh tác cà chua, vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết trước yêu cầu cao của sản xuất hàng hóa. Tại ĐBSH vẫn thiếu bộ giống cà chua có tính thích ứng rộng với các mùa vụ, chống chịu được nhiều bệnh nguy hiểm và có chất lượng tốt. Mặc dù có nhiều giống cà chua lai F1 mới được tạo ra nhưng vào sản xuất còn chậm do công nghệ sản xuất hạt lai còn hạn chế, chưa có nhiều giống năng suất, chất lượng cao đáp ứng được đa mục đích của thị trường ăn tươi và chế biến, phục vụ xuất khẩu. Tạo giống gốc ghép kháng bệnh là một yêu


cầu bức thiết của sản xuất, tuy nhiên các công trình nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép chưa nhiều. Nguồn vật liệu gốc ghép chủ yếu vẫn phải nhập nội. Ngoài ra, trong sản xuất, các qui trình kỹ thuật trồng cà chua trái vụ, kỹ thuật trồng cà chua ghép, vẫn là qui trình gốc chung, cần được hoàn thiện cho từng giống mới triển vọng đưa vào các vùng sinh thái cụ thể

Chính vì vậy, nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất cho nông dân các giống cà chua mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được một số loại bệnh nguy hại chính, cùng các biện pháp kỹ thuật phù hợp cho các giống tuyển chọn nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, tạo ra nguồn hàng hóa ổn định phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng ĐBSH là rất cần thiết.

Xem tất cả 209 trang.

Ngày đăng: 11/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí