Nghiên Cứu Về Lý Thuyết Người Đại Diện Trong Ngân Hàng Việt Nam


của cổ đông gắn kết với người điều hành, thì rủi ro chuyển sang người gửi tiền, nhà

đầu tư trái phiếu và tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

- Thứ hai, kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Chen et al (2006) cũng cho rằng khi chế độ đãi ngộ bằng cổ phiếu được áp dụng nhiều thì rủi ro thị trường của các ngân hàng Mỹ trong giai đoạn 1992 – 2000 tăng.

Như vậy, khi sử dụng quá nhiều biện pháp trả cổ tức hoặc quyền mua cổ tức đối với tổng giám đốc dẫn đến tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu này được thực hiện đối với các ngân hàng Mỹ.

1.4. Nghiên cứu về lý thuyết người đại diện trong ngân hàng Việt Nam

Nghiên cứu về quản trị trong ngành ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới góc độ đánh giá công tác quản lý một ngân hàng thương mại như quản lý xây dựng chiến lược, quản lý chi phí, kế toán, quản lý nguồn nhân lực, quản lý các loại rủi ro (rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động …) và trong phạm vi một ngân hàng hoặc một chi nhánh ngân hàng cụ thể. Chưa có nhiều nghiên cứu riêng về nội dung của lý thuyết người đại diện trong quản trị ngân hàng thương mại Việt Nam

T.T. Huyền (2009) cho rằng quản trị ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế và những hạn chế này nếu không khắc phục sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Theo đánh giá của giới luật sư, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật mới để chuẩn bị cho hội nhập, nhưng quản trị trong ngân hàng vẫn chưa được đổi mới thực sự.

Hoàng Quốc Hùng (2002)2 kết luận từ thực tế tại ngân hàng Đầu tư và Phát

triển Việt Nam, chi nhánh Vĩnh Phúc cho rằng chính sách nhân sự và lương thưởng phụ thuộc vào tâm lý con người và các tập quán xã hội của địa phương và khi thực hiện cần phải cân nhắc nhiều tới yếu tố này. Như vậy, có thể thấy rằng mâu thuẫn về lợi ích được nêu trong lý thuyết người đại diện và ảnh hưởng của yếu tố xã hội, tâm lý, văn hóa trong quản trị đều có thể tồn tại ở các ngân hàng Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Nghiên cứu của Trần Tú và Phạm Khánh (2010) phân tích vai trò của


Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết người đại diện trong quản trị ngân hàng thương mại Việt Nam - 6

2 Những giải pháp đẩy mạnh công tác quản trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Vĩnh Phúc, Hoàng Quốc Hùng, 2002


HĐQT của NHTM Việt Nam theo thông lệ quốc tế cho thấy tính độc lập của HĐQT rất hạn chế. Năm 2012, một nghiên cứu trong tạp chí kinh tế và phát triển của Đào Bình và Hoàng Giang (2012) đánh giá mối quan hệ giữa cơ chế kiểm soát (sở hữu, HĐQT, quản lý rủi ro) với kết quả kinh doanh của ngân hàng. Kết quả cho thấy quy mô HĐQT và tỷ lệ an toàn vốn tác động đáng kể tới kết quả kinh doanh.

Quan sát về quản trị tại ngân hàng cổ phần đã xảy ra hiện tượng rút tiền ồ ạt của người gửi tiền gợi ý rằng lý thuyết người đại diện có thể đúng tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện nhất định. Ví dụ, có thể tổng giám đốc sẽ cố gắng tối đa hóa kết quả hoạt động của tổ chức và thu nhập của cổ đông mà hội đồng quản trị không nhất thiết phải kiểm soát rất chặt chẽ chừng nào còn sự hợp tác giữa tổng giám đốc và hội đồng quản trị. Khi mối quan hệ này bị suy giảm, giám đốc sẽ phản ứng để bảo vệ lợi ích của chính họ và do đó sẽ cần vai trò kiểm soát và quyết định của hội đồng quản trị.

Gần đây, báo cáo đánh giá của IFC dựa trên thẻ điểm quản trị công ty của 100 doanh nghiệp niêm yết gồm cả lĩnh vực ngân hàng (2012) cho rằng quản trị trong ngành ngân hàng tài chính trong năm 2011 được đánh giá là tốt hơn so với ngành kinh doanh khác, đạt 45 điểm so với mặt bằng chung là 42,5 điểm. Tuy nhiên, ngành này cũng phải nỗ lực rất nhiều để đạt đến mức tốt.

Theo IDG (2013), năm 2012, ngành ngân hàng bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng. Đây được coi là nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngân hàng Việt Nam đang phải đương đầu với tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong khu vực, chiếm 8,82% tổng dư nợ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Tháng 9, 2012). Tình trạng này đã đặt ra nhiều bài toán khó trong xử lý nợ xấu và tái cấu trúc. Quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc. Cải thiện quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro cùng với tái cấu trúc là thách thức trong năm 2013.


Kết luận chương 1


Theo lý thuyết người đại diện, mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành tồn tại khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành. Mâu thuẫn này sẽ làm gia tăng rủi ro và chi phí cho công ty. Để giải quyết mâu thuẫn lợi ích và giảm thiểu rủi ro xuất phát từ mâu thuẫn này, thường có 5 cách giải quyết: (i) sử dụng mô hình thôn tính, (ii) sử dụng cơ cấu vốn thích hợp, (iii) Vai trò của HĐQT, (iv) Chế độ đãi ngộ, lương, (v) Ủy ban kiểm soát và chủ nợ lớn. Trong các cách giải quyết này, việc sử dụng HĐQT thay mặt cổ đông để giám sát ban điều hành được áp dụng phổ biến nhất.

Hoạt động ngân hàng có đặc trưng riêng: hoạt động ngân hàng phức tạp, rủi ro cao, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản thấp, dòng tiền lớn và di chuyển nhiều, các quy định trong hoạt động ngân hàng chặt chẽ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những đặc trưng này khiến mâu thuẫn lợi ích, rủi ro phát sinh từ mâu thuẫn này và cách thức giải quyết mâu thuẫn khác với doanh nghiệp thông thường:

- Ngoài mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành, mâu thuẫn lợi ích còn tồn tại giữa một bên là chủ sở hữu và người điều hành, một bên là người gửi tiền. Khi lợi ích của chủ sở hữu và người điều hành gắn kết với nhau, thì mâu thuẫn giữa chủ sở hữu, người điều hành với người gửi tiền là khá lớn.

- Rủi ro trong hoạt động ngân hàng được kiểm soát bởi nhiều quy định chặt chẽ, do vậy rủi ro phát sinh từ mâu thuẫn lợi ích có thể được kiểm soát trong hoạt động ngân hàng tốt hơn doanh nghiệp thông thường.

- Trong các biện pháp giải quyết mâu thuẫn lợi ích, vai trò của HĐQT được sử dụng phổ biến rộng rãi nhất.

- Tỷ lệ vốn/ tổng tài sản thấp (tỷ lệ đòn bẩy cao) sẽ tạo ra áp lực về trả lãi cho ngân hàng và có thể gây thiệt hại tới cá nhân người điều hành, do đó sẽ làm giảm chi phí đại lý.

Tổng quan các nghiên cứu cho thấy các nghiên cứu thực nghiệm ngoài nước về lý thuyết người đại diện không phải lúc nào cũng ủng hộ lý thuyết này. Một số


nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và người điều hành, còn có mâu thuẫn lợi ích của các bên liên quan khác. Vai trò độc lập, kiểm soát của HĐQT cũng chưa rõ ràng. Các nghiên cứu được thực hiện trong một phạm vi nhất định như trong một quốc gia hoặc đối với một đối tượng nhất định như doanh nghiệp nhỏ. Các nghiên cứu tập trung tại Mỹ và các nước phát triển. Có thể thấy rằng so với lĩnh vực doanh nghiệp, nghiên cứu về lý thuyết người đại diện trong hoạt động ngân hàng ít hơn nhiều. Như vậy, lý thuyết người đại diện mà cụ thể là mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và người điều hành và vai trò kiểm soát, tính độc lập của HĐQT trong ngân hàng Việt Nam như thế nào là vấn đề để ngỏ, cần được nghiên cứu.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu hiện tại về quản trị ngân hàng Việt Nam chủ yếu chỉ dừng lại việc xem xét quản trị theo khía cạnh chiến lược, quản lý rủi ro. Một số bài viết đã phân tích vai trò của hội đồng quản trị và ban điều hành và gián tiếp đề cập tới mâu thuẫn lợi ích và cách thức giải quyết. Tuy nhiên, nội dung lý thuyết người đại diện chưa được nghiên cứu riêng, trực tiếp. Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, quản trị công ty còn nhiều hạn chế. Rủi ro trong hoạt động ngân hàng lớn, mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành thường là lớn. Trong giai đoạn 2015

- 2020, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Quản trị ngân hàng thương mại là vấn đề cùng song hành với quá trình tái cấu trúc. Xuất phát từ khoảng trống nghiên cứu và yêu cầu thực tiễn này, luận án đã lựa chọn chủ đề nghiên cứu về lý thuyết người đại diện trong quản trị ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, như đã trình bày, các vấn đề liên quan tới lý thuyết chủ sở hữu – người điều hành trong quản trị công ty khá nhiều. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, luận án dự kiến nghiên cứu hai nội dung: (i) mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và người điều hành và (ii) vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị trong việc giải quyết mâu thuẫn lợi ích.

Ngoài ra, nội dung lý thuyết người đại diện trình bày trong chương 1 là cơ sở lý thuyết để luận án xây dựng các giả thuyết trong chương 2 và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu trong chương 3 và chương 4.


CHƯƠNG 2

PHƯƠNG PHÁP VÀ DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU


2.1 Giả thuyết nghiên cứu

Chương 1 đã đề cập tới hai nội dung chính của lý thuyết người đại diện:

- Nội dung 1: Khi tách biệt quyền sở hữu và quyền điều hành, nếu không có cơ chế hoặc cách thức kiểm soát phù hợp, thì chi phí người đại diện (chi phí giám sát, các chi phí hoạt động khác) và tổn thất tăng do 4 rủi ro xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành (rủi ro đạo đức, lợi nhuận giữ lại, mức độ chấp nhận rủi ro và thời gian).

- Nội dung 2: Để giải quyết mâu thuẫn này, có 5 biện pháp chính gồm mô hình thôn tính, cơ cấu vốn, vai trò giám sát của Hội đồng quản trị , cơ chế đãi ngộ và kiểm soát bởi bên thứ ba. Như vậy, nếu các phương pháp này được áp dụng hiệu quả thì tổn thất và chí phí người đại diện sẽ giảm.

Trong phạm vi luận án, nghiên cứu sinh lựa chọn nghiên cứu nội dung 1 và vai trò giám sát của HĐQT trong nội dung 2.

Căn cứ vào khung lý thuyết nêu tại chương 1 và kết quả của các nghiên cứu trong và ngoài nước, luận án xây dựng những mệnh đề sau đối với 2 nội dung nghiên cứu của luận án:

Mệnh đề 1: Khi quyền sở hữu và quyền điều hành càng tách biệt, thì chi phí giám sát, chi phí hoạt động khác tăng và hiệu quả sử dụng tài sản giảm. Trong đó, chi phí hoạt động phản ánh chi phí người đại diện và hiệu quả sử dụng tài sản phản ánh tổn thất.

Mệnh đề 2: Khi tăng cường vai trò kiểm soát của Hội đồng quản trị hoặc điều chỉnh cơ cấu vốn, thì mâu thuẫn lợi ích được giải quyết. Do đó, rủi ro và chi phí giám sát, chi phí hoạt động khác giảm và hiệu quả sử dụng tài sản tăng.


Để thực hiện 4 mục tiêu nghiên cứu cụ thể của luận án (trả lời cho 4 câu hỏi nghiên cứu) về lý thuyết người đại diện trong quản trị công ty của ngân hàng Việt Nam nêu tại phần mở đầu, trên cơ sở mệnh đề trên, luận án sẽ:

- Phân tích làm rõ bản chất mâu thuẫn lợi giữa chủ sở hữu và người điều hành và trách nhiệm của HĐQT thông qua phân tích tình huống (Case study) tại 2 NHTM Việt Nam.

- Xây dựng bốn giả thuyết nghiên cứu làm để kiểm định 2 mệnh đề trên theo phương pháp định lượng như sau:

- Giả thuyết 1: Khi quyền sở hữu và quyền điều hành càng tách biệt, hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng thương mại giảm.

- Giả thuyết 2: Khi quyền sở hữu và quyền điều hành càng tách biệt, chi phí giám sát, chi phí hoạt động khác của ngân hàng thương mại tăng.

- Giả thuyết 3: Khi vai trò kiểm soát của Hội đồng quản trị tăng, hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng thương mại tăng.

- Giả thuyết 4: Khi vai trò kiểm soát của Hội đồng quản trị tăng, chi phí giám sát và chi phí hoạt động khác của ngân hàng thương mại giảm.

2.2 Phương pháp nghiên cứu định tính

Luận án sử dụng phương pháp phân tích tình huống (case study) đối với 2 ngân hàng thương mại Việt Nam để phân tích mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành và đánh giá vai trò của HĐQT trong việc giải quyết mâu thuẫn đó. Đồng thời, kết quả phân tích tình huống đối với 2 ngân hàng sẽ hỗ trợ việc phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu định lượng.

Để đánh giá thực tiễn vai trò HĐQT trong ngân hàng Việt Nam, luận án lựa chọn 2 ngân hàng trong số 10 ngân hàng có vốn lớn nhất, đại diện cho 2 loại hình sở hữu (ngân hàng thương mại nhà nước được cổ phần hóa, ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động lâu năm trên thị trường). Với sự lựa chọn này, dự kiến hai ngân hàng có thể có sự khác biệt trong cách thức quản trị ngân hàng tại Việt Nam.


Đối với phân tích tình huống, khung lý thuyết được sử dụng để phân tích là nguyên tắc về trách nhiệm HĐQT trong bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Phụ lục 1) và Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Phụ lục 2). Nguồn thông tin chủ yếu là thứ cấp bao gồm các báo cáo tài chính, kiểm toán, điều lệ, hướng dẫn, văn bản của ngân hàng về hoạt động và tổ chức, báo cáo thường niên v.v.Bên cạnh đó, các cuộc phỏng vấn không chính thức với lãnh đạo ngân hàng, cổ đông cũng được thực hiện để làm sáng tỏ thêm thực tiễn về quản trị.

2.3 Phương pháp nghiên cứu định lượng

2.3.1 Mô hình nghiên cứu, các biến và thang đo

2.3.1.1 Mô hình nghiên cứu

Chi phí giám sát và hiệu quả sử dụng tài sản

Quy mô tài sản

Căn cứ vào các giả thuyết nêu trên, đồng thời căn cứ vào nghiên cứu của Grant Fleming và cộng sự (2005) (được trình bày tại trang 16) và đặc điểm của ngành ngân hàng, mô hình nghiên cứu được xây dựng như sau:


Sự tách biệt giữa quyền sở hữu – quyền điều hành



Tỷ lệ vốn CSH/Tổng tài


Vai trò kiểm soát của HĐQT


2.3.1.2 Xác định biến và thang đo

Mô hình trên gồm 5 yếu tố:

- Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành


- Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản

- Quy mô tài sản

- Chi phí giám sát và hiệu quả sử dụng tài sản

- Vai trò kiểm soát của Hội đồng quản trị

Các yếu tố trên được thể hiện qua các biến. Việc xác định các biến đối với mỗi yếu tố được thực hiện dựa trên nội dung lý thuyết người đại diện và các nghiên cứu trước (chủ yếu dựa trên nghiên cứu của Grant Fleming, 2005), đặc điểm của ngành ngân hàng và điều kiện về số liệu.

Các biến được xây dựng như sau:

Biến độc lập: Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành

Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành được thể hiện qua biến Tỷ lệ sở hữu cổ phần của người điều hành. Khi người điều hành có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn càng lớn thì khoảng cách giữa quyền sở hữu và quyền điều hành càng được thu hẹp và ngược lại.

Theo nội dung lý thuyết, người điều hành là “quản lý tiền của công ty” (Adam Smith, 1776). Công việc điều hành công ty được thực hiện bởi một nhóm người điều hành mà “đại diện là tổng giám đốc” (Handbook of laws and economics, 2007). Theo ủy ban Basel (2010), Ban điều hành cao cấp bao gồm những cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm về việc điều hành, quản lý hàng ngày đối với ngân hàng (trong đó có kế toán trưởng). Như vậy, theo định nghĩa này, người điều hành bao gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng. Do đó, trong luận án, tỷ lệ sở hữu của người điều hành là tỷ lệ sở hữu của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng của ngân hàng.

Ngoài ra, đánh giá quản trị ngân hàng Việt Nam trong những năm qua cho thấy tại một số ngân hàng, hội đồng quản trị tham gia các quyết định cho vay và tham gia các quyết định điều hành. Do vậy, luận án xem xét thêm tỷ lệ sở hữu của HĐQT và tỷ lệ sở hữu của HĐQT và người điều hành. Cụ thể luận án xem xét mối quan hệ giữa hiệu quả sử dụng tài sản và hiệu quả quản lý chi phí với tỷ lệ sở hữu của HĐQT và tỷ lệ sở hữu của HĐQT và người điều hành.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 29/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí