Thực Tiễn Tổ Chức Và Khai Thác Du Lịch Mạo Hiểm


người ngày càng tiến lên tầm cao mới, đời sống ngày càng được cải thiện dẫn dến nhu cầu đi du lịch ngày càng nhiều, và xu hướng du lịch tìm về thiên nhiên thưởng ngoạn, giải trí, thử thách lòng can đảm đang trở thành “mốt” trong cuộc sống hiện đại đầy cạnh tranh.

Cũng theo báo cáo“ Nghiên cứu về thị trường du lịch mạo hiểm 2013” thì việc nhận thức về tự nhiên của du khách châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn hạn chế. Hầu như người Việt Nam chỉ tham gia nhiều vào các loại hình du lịch thuần túy. Sau đây là một số đặc điểm của khách du lịch mạo hiểm rút ra từ báo cáo:

Nhóm khách có độ tuổi trẻ từ 25-35 có độ quan tâm nhiều hơn so với nhóm khách có độ tuổi cao hoặc ít tuổi hơn. Ở xu hướng du lịch mạo hiểm nhẹ có thể cao hơn 55 tuổi. Tỷ lệ nam, nữ thay đổi theo hoạt động, những hoạt động nặng thu hút giới trẻ và nam nhiều hơn (chiếm tới 87,6%).

42% khách du lịch tại Châu Âu, Nam và Bắc Mỹ cho biết họ có đi du lịch mạo hiểm. Độ dài trung bình của một chuyến đi “mạo hiểm nhẹ” trong năm 2012 là 10 ngày so với chuyến đi 9 ngày năm 2009.

71% khách du lịch mạo hiểm có hộ chiếu hợp lệ. Một tỷ lệ nhỏ trong số họ đi du lịch một mình, 21% đi du lịch với bạn bè, 37% với người phối ngẫu hoặc đối tác và 30% với gia đình và con cái của họ.

Tính trung bình, chi tiêu của mỗi du khách trong chuyến đi du lịch mạo hiểm (không bao gồm vé máy bay và thiết bị) tăng lên từ 593 đô la năm 2009 đến 947 đô la trong năm 2012.

Xét về các điều kiện về tài nguyên du lịch, Ba Bể được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, số ngày lưu trú của khách du lịch tại Ba Bể chưa cao (trung bình 2 đêm với khách quốc tế và 1 đêm với khách nội địa). Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự thiếu đa dạng của các loại hình du lịch. Khách


du lịch tới đây chủ yếu tham gia vào các hoạt động thăm quan hồ Ba Bể, thăm quan bản làng. Trong khi đối tượng khách du lịch mạo hiểm luôn kì vọng sẽ có những hoạt động bổ túc kinh nghiệm bởi sự phiêu lưu, niềm thích thú và tìm kiếm sự nâng cao kiến thức - sự hiểu biết cho bản thân. Vì vậy, nhìn chung tại Ba Bể chưa khai thác được thị trường khách du lịch mạo hiểm có hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

1.8. Thực tiễn tổ chức và khai thác du lịch mạo hiểm

1.8.1. Trên thế giới

Nghiên cứu thực trạng và đề xuất phát triển du lịch mạo hiểm tại vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn - 5


Theo “Báo cáo phân ngành du lịch Pháp 2014” của tập đoàn tư vấn du lịch IPK International thì Pháp là một thí dụ điển hình trong phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, luôn đứng trong tốp các điểm đến về du lịch mạo hiểm quốc tế trong vòng 15 năm qua. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, họ đã tổ chức thường niên chương trình du lịch thể thao mạo hiểm nổi tiếng toàn cầu mang tên “Raid Gauloises” đem lại nguồn thu lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Báo cáo này cũng đã chỉ ra trong năm 2014 có 14% du khách châu Âu chọn Pháp là điểm đến trong kỳ nghỉ đông của họ ở châu Âu. Ngành du lịch Pháp chiếm 6,3% tổng sản phẩm quốc nội và cung cấp 1,8 triệu việc làm trong nước. Theo đó các sản phẩm, dịch vụ chính của du lịch mạo hiểm Pháp bao gồm:

Đi xe đạp địa hình ở Burgundy

Leo núi ở dãy Alps

Trượt tuyết ở Chamrousse

Nhảy cầu ở Mediterranean

Bơi xuồng, bè mảng và chèo thuyền ở Dordogne

Lướt ván / Lướt sóng ở Côte d'Azur


Chính phủ Pháp đã xác định phát triển du lịch nói chung, du lịch mạo hiểm khám phá nói riêng là ưu tiên của quốc gia, kế hoạch chiến lược tập trung vào 4 khía cạnh: Xúc tiến, tiếp cận, lòng hiếu khách và thích ứng với yêu cầu mới. Để


thực hiện định hướng chiến lược này, chính phủ Pháp đã có những chính sách khuyến khích các công ty du lịch xây dựng các chương trình du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị tự nhiên hoang dã để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm với sự hỗ trợ của nhà nước về các phương tiện (cấp cứu bằng trực thăng, thông tin liên lạc, định vị vị trí, v.v.) nhằm đảm bảo an toàn cho khách trong quá trình thực hiện các chuyến du lịch đến các vùng rừng núi xa xôi, những thung lũng nhỏ áp sát bờ biển (dãy Calanques), hay các đại dương rộng lớn. Từ năm 2008, Pháp đã giành thị phần từ các thị trường gửi khách lớn như Đông Âu, Nga. Loại hình du lịch mạo hiểm triển vọng trong tương lai của thị trường Pháp là đi xe đạp leo núi.

Du lịch là ngành công nghiệp dịch vụ lớn ở Thái Lan với dự báo đóng góp của ngành du lịch với tổng sản phẩm nội địa của đất nước (GDP) sẽ tăng trưởng ở mức 10,4 % vào năm 2024 (World Travel Tourism Council, 2014). Địa hình đa dạng của Thái Lan đem lại nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm ngoài trời. Các hoạt động du lịch mạo hiểm chính ở Thái Lan bao gồm:

Đi xe đạp leo núi ở Chiang Mai

Lặn biển ở đảo Similan

Chèo thuyền Kayak ở vịnh Ko Tarutao,

Đu dây trong những cánh rừng già 1500 tuổi ở Chiang Mai


Trong chiến lược phát triển du lịch của mình, Thái Lan tập trung vào 2 hướng ưu tiên chính là bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững lâu dài thông qua ưu tiên phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Đây là chiến lược phát triển du lịch lâu dài, bền vững của Thái Lan trong mối quan hệ với những loại hình du lịch ưu tiên, trong đó có du lịch mạo hiểm. Trong hướng ưu tiên thứ nhất thì Thái Lan coi việc khám phá những vùng đất mới lạ với những cảm xúc đặc biệt song hành cùng việc nâng cao trách nhiệm bảo tồn các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa bản địa, trong đó


người dân địa phương là trọng tâm sẽ là yếu tố nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển hay xúc tiến du lịch.

Trong hướng ưu tiên thứ hai thì mục tiêu dài hạn là phát triển một hình ảnh riêng, đặc thù, với các chuẩn mực đã được thừa nhận trên thế giới. Để làm được điều này, Thái Lan xác định phải tập trung vào 3 hướng gồm phát triển các điểm, địa danh du lịch chất lượng; nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao chất lượng về môi trường. Cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, nâng cao vai trò của du lịch đối với quốc gia là Cơ quan Du lịch Thái Lan, viết tắt là TAT (Tourism Authority of Thailand). Ở cấp độ địa phương, TAT đặc biệt hỗ trợ các cộng đồng bản địa trong việc duy trì sức hấp dẫn của các điểm tham quan du lịch. Bên cạnh các thành phố lớn, các khu du lịch nổi tiếng thì để phát triển du lịch bền vững đòi hỏi có sự hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp từ các địa phương khác. Ngoài ra TAT còn đảm bảo các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác cùng tích cực tham gia vào mọi khía cạnh của việc quy hoạch, điều phối và triển khai các chiến lược phát triển du lịch của quốc gia.

Chính sách du lịch của các nước tuy có những nét khác nhau, nhưng có thể thấy có những nét chung nhất định thể hiện ở hướng ưu tiên phát triển đối với những loại hình du lịch thân thiện với môi trường, văn hóa bản địa và đề cao vai trò của những bên tham gia vào hoạt động du lịch nhằm hướng tới du lịch bền vững.

1.8.2. Các kinh nghiệm của Việt Nam


Mặc dù Việt Nam được đánh giá là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, tuy nhiên du lịch mạo hiểm ở Việt Nam hiện được xem là loại hình du lịch còn mới cả về lý luận và thực tiễn. Điều này thể hiện rõ ràng qua việc điều tra tổng quan việc xây dựng và chào bán các sản phẩm du lịch của phần lớn các công ty lữ hành lớn, có uy tín ở Việt Nam như công ty du lịch Vietnamtourism tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, tổng Công ty du lịch SaigonTourist, Công ty

du lịch Bến Thành. Tỷ lệ các chương trình du lịch có tính mạo hiểm chiếm tỷ lệ rất


thấp – khoảng 3-5% [3, tr.8]. Hiện nay, các công ty du lịch ở Việt Nam mới chú trọng xây dựng và chào bán các sản phẩm du lịch thuộc các nhóm du lịch tham quan (danh thắng, các di sản thế giới, các di tích lịch sử, văn hóa,v.v. ), du lịch nghỉ dưỡng (tại các khu du lịch ven biển, các khu vực có nước khoáng nóng,v.v. ), du lịch lễ hội và du lịch làng nghề.

Các công ty khai thác du lịch mạo hiểm chưa có nhiều và đa phần là phục vụ khách nước ngoài. Có thể kể đến một số công ty lớn như Lửa Việt, Hồng Bàng, Fiditourist khai thác tuyến leo núi, đi bộ xuyên rừng tại Đà Lạt, còn các tuyến chinh phục đỉnh FanxiPang, xe máy vòng cung Tây - Đông Bắc đa phần do các văn phòng du lịch nhỏ thực hiện. Một số công ty khai thác du lịch mạo hiểm ở miền Bắc phải kể đến Topas travel, Handspan travel, Footprint, Bufalo, Marco Polo, Sinh travel (Sinh cafe), Exotissimo. Để tổ chức một chương trình du lịch mạo hiểm phức tạp hơn rất nhiều so với du lịch nghỉ dưỡng, tham quan đơn thuần, bởi vậy một công ty lữ hành khi thâm nhập vào lĩnh vực này phải chuẩn bị, xây dựng chiến lược, kế hoạch lâu dài, kỹ lưỡng, từ việc khảo sát hành trình, thiết kế chương trình du lịch, đầu tư nhân lực cho đến các bài toán kinh phí.

Năm 2002, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises” với sự tham gia của trên 800 khách du lịch quốc tế thuộc 17 quốc gia kéo dài 14 ngày tại 9 tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Qua chương trình này, khách du lịch đã được tham gia rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác, chèo bè mảng, đi thuyền cao su và thuyền nan trên suối, hồ ở vùng núi, đi xe đạp đổ đèo. Chương trình trên đã được các hãng truyền hình thể thao lớn và có uy tín trên thế giới đưa tin và truyền hình trực tiếp, góp phần quảng bá hiệu quả về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch mạo hiểm ở Việt Nam nói riêng trên thị trường quốc tế. Đây là một chương trình hiệu quả và có ý nghĩa.


Năm 2004, Saigontourist hợp tác với Công ty Saffron Road Tours (Úc) tổ chức chuyến du lịch dã ngoại bằng môtô (từ 175 đến 750 phân khối) xuyên Việt đầu tiên mang tên "Saffron Road Vietnam Tour 2004" cho 19 khách Úc, Mỹ, Ailen. Trong tour này khách du lịch có dịp khám phá hầu hết các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Hội An, Huế, Hà Nội, Sapa, Hạ Long. Khách du lịch không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên mà còn tham gia sinh hoạt cùng với người dân địa phương ở một số nơi như Sapa, Cần Thơ. Đây là đợt thử nghiệm để chuẩn bị thực hiện triển khai dự án phát triển các chương trình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam của Saigontourist.

Lào Cai được coi là một trong các tỉnh có sự phát triển mạnh trong hoạt động du lịch mạo hiểm, trong đó Fansipan - ngọn núi cao nhất Đông Dương hay khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn được coi là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong nước và quốc tế. Thế mạnh của Lào Cai trong du lịch là khai thác sự đa dạng của tài nguyên du lịch tự nhiên và yếu tố giàu sắc thái văn hoá của các dân tộc. Tại đây, du lịch mạo hiểm được phát triển trong những điều kiện thuận lợi về sự ưu tiên trong chính sách, hợp tác cả ở quy mô quốc tế cũng như địa phương. Nhiều thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới được đơn giản hoá tạo điều kiện cho khách du lịch có thể qua lại cửa khẩu dễ dàng hơn. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài ngành du lịch được mời chào với những ưu đãi thuận lợi. Hệ thống cơ sở giao thông đặc biệt là được sắt và hệ thống quốc lộ nối Lào Cai với Hà Nội được cải thiện và nâng cấp đáng kể. Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai được ưu tiên khai thác các chuyến tàu du lịch, có sự tham gia khai thác của các đơn vị kinh doanh lữ hành. Thành công của việc khai thác du lịch mạo hiểm tại Lào Cai là đưa du lịch đến với người dân, lôi kéo họ trực tiếp tham gia và quan trọng nhất là được chia sẻ những lợi ích từ du lịch. Bên cạnh những thành công đó, cũng không thể bỏ qua những thiếu sót và hạn chế mà du lịch tỉnh Lào Cai chưa thể giải quyết. Đó là vấn đề an toàn trong quản lý điểm đến, đó là sự chồng chéo và tương đồng về sản phẩm du lịch giữa Lào Cai với các tỉnh lân cận.


Được biết đến gần đây là một điểm du lịch mạo hiểm đầy hấp dẫn, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đang lên kế hoạch khai thác thử nghiệm tuyến du lịch mạo hiểm hang Sơn Đoòng. Theo đó, Công ty Lữ hành quốc tế Oxalis (Quảng Bình) là đơn vị được phép khai thác tuyến du lịch mạo hiểm vào hang động lớn nhất thế giới này. Mặc dù mới được đưa vào hoạt động nhưng công tác tổ chức du lịch mạo hiểm đã thể hiện tính chuyên nghiệp và có sự đầu tư. Do những quy định nghiêm ngặt của việc khai thác đi đôi với bảo tồn nên mỗi chuyến du lịch mạo hiểm tại Sơn Đoòng chỉ có 8 – 10 khách du lịch, trong khi đội ngũ phục vụ lên đến 30 người: 2 chuyên gia hang động từ Anh, 1 hướng dẫn viên, 2 trợ lý an toàn, 2 đầu bếp, 1 trưởng nhóm khuân vác, 2 kiểm lâm giám sát, và 20 người khuân vác thiết bị an toàn, cắm trại, và thực phẩm. Tất cả du khách khi đăng ký đều được yêu cầu trả lời thật trong bảng câu hỏi về sức khỏe, được các chuyên gia y tế kiểm tra nhịp tim và huyết áp kỹ lưỡng, nếu đạt thì mới được chấp nhận. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Bình, trong 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh Quảng Bình đón gần 2,6 triệu lượt khách, tăng hơn 130% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 36,3 ngàn lượt, tăng 27,5%; khách du lịch lữ hành đạt 650,7 ngàn lượt, tăng 39,8% so cùng kỳ. Về hình ảnh điểm đến, có thể nói không nhiều điểm đến ở Việt Nam xây dựng chiến dịch quảng bá quy mô như ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Rất nhiều báo chí trong nuớc và quốc tế và đã phối hợp truyền thông đưa Sơn Đoòng trở thành tuyến du lịch đẳng cấp thế giới.

Từ kinh nghiệm thực tế từ hoạt động tổ chức một số chương trình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam thời gian qua cho thấy những vấn đề chủ yếu sau:

(i) Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm với nhiều sản phẩm hấp dẫn. Phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm đặc thù không chỉ làm tăng tính hấp dẫn mà còn góp phần tích cực vào phát triển cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.


(ii) Du lịch mạo hiểm đòi hỏi các nhà tổ chức kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn yếu ở khâu tổ chức và phát triển sản phẩm. Thực tế ngay cả các công ty lữ hành lớn trong nước cũng không thể tự đứng ra tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm để chào bán mà phải phối hợp hoặc để cho các công ty nước ngoài vào khai thác.

(iii) Hướng dẫn viên chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng để cấu thành một sản phẩm du lịch mạo hiểm. Hiện ở Việt Nam những hướng dẫn viên có tính chuyên nghiệp như vậy còn thiếu và yếu. Vấn đề đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên/ huấn luyện viên để đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình du lịch đặc thù này là rất quan trọng.

Ngoài ra để phát triển du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, cần có thêm môi trường và chính sách pháp lý phù hợp. Cụ thể là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện trong quá trình cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia khai thác các chương trình, các tuyến du lịch mạo hiểm. Một khi tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, các doanh nghiệp lữ hành mới mạnh dạn khai thác những sản phẩm du lịch mạo hiểm hấp dẫn và có sức cạnh tranh.

Như vậy, qua những kinh nghiệm phát triển du lịch mạo hiểm trên thế giới và Việt Nam, Ba Bể cần rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Trước tiên về vấn đề nhận thức, chính quyền cần xác định phát triển du lịch mạo hiểm là vấn đề cần thiết khi Ba Bể có đầy đủ các điều kiện phát triển loại hình du lịch này. Từ đó cần có những quy hoạch cụ thể về khu vực, tuyến điểm, xây dựng sản phẩm, thu hút đầu tư, v.v. Tiếp đến để khai thác có hiệu quả cần chú trọng vào việc quảng bá, liên kết tạo cho mình một thương hiệu riêng của “du lịch mạo hiểm Ba Bể”

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 08/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí