Mức Độ Sở Hữu Của Người Quản Lý Công Ty


2.4.2. Các nhân tố cơ cấu sở hữu

Phần lớn các nghiên cứu về mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán được thực hiện tại các thị trường Anh, Mỹ nơi quyền sở hữu theo cấu trúc phân tán. Trong cấu trúc này, các cổ đông sẽ sở hữu một số cổ phần của công ty và thông thường, cổ đông ít có động lực để kiểm tra chặt chẽ hoạt động, cũng như sẽ không muốn tham gia điều hành công ty. Hệ thống cấu trúc sở hữu này được thiết lập dựa trên chính hệ thống tài chính của những quốc gia này, thường là các thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với tính thanh khoản cao. Thị trường vốn năng động bởi độ lớn và sự đa dạng của nhà đầu tư khiến vai trò của ngân hàng không còn quá lớn. Quyền kiểm soát hoạt động công ty do ban giám đốc nắm giữ bởi họ lập và giám sát toàn bộ hoạt động lập và cung cấp thông tin tài chính cho các nhà đầu tư bên ngoài. Vì vậy, các nhà quản lý có động cơ cũng như cơ hội để thao túng những thông tin này và đánh lừa các nhà đầu tư bên ngoài. Đặc biệt, họ có xu hướng phóng đại lợi nhuận và giảm thiểu lỗ trước khi bán cổ phiếu của mình. Sự thao túng này sẽ làm tăng lợi nhuận từ cổ phiếu mà họ bán ra. Ngoài ra với tư cách là người đại diện, thay mặt cho các chủ sở hữu, các nhà quản lý sẽ đưa ra các quyết định sử dụng nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu, và thường có xu hướng lựa chọn những dự án rủi ro cao, lợi suất lớn để được thưởng cao. Việc thao túng báo cáo tài chính này khiến mâu thuẫn đại diện xảy ra, thường tạo ra các khoản lỗ nặng và giảm dòng tiền cũng như giá cổ phiếu của công ty. Từ đó có thể thấy rằng cấu trúc sở hữu phân tán sẽ làm tăng mâu thuẫn đại diện giữa cổ đông và nhà quản lý. Và thực hiện thận trọng trong kế toán có thể đóng vai trò như cơ chế quản trị để giảm bớt sự bất cân xứng thông tin giữa hai đối tượng này (LaFond và Roychowdhury, 2008)

Tuy nhiên, các công ty châu Á thường lại có cấu trúc sở hữu tập trung. Trong hình thức cấu trúc sở hữu tập trung, quyền sở hữu cũng như quyền kiểm soát công ty thường bị tập trung vào tay một số cá nhân, gia đình hoặc các định chế cho vay. Những nhóm này sẽ có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách thức công ty quản lý và vận hành. Lý do là bởi tính thanh khoản của các thị trường chứng khoán ở các quốc gia này không cao, giao dịch vốn chủ yếu thực hiện trên nền tảng các công ty trung gian tài chính. Cổ đông lớn của doanh nghiệp thường là các tổ chức tài chính, vừa là nhà đầu tư vừa là người cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Hệ quả là cổ đông lớn sẽ kiểm soát và trực tiếp tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành, dù không sở hữu vốn toàn bộ nhưng lại có quyền biểu quyết và thống trị đáng kể trong doanh nghiệp. Điều này khiến mâu thuẫn đại diện xảy ra không phải từ chủ sở hữu và nhà quản lý nữa, mà lại từ mối quan hệ mâu thuẫn giữa cổ đông nắm quyền kiểm soát và cổ đông nhỏ lẻ.


Cổ đông nắm quyền kiểm soát dễ dàng tiếp cận thông tin nội bộ của công ty trong khi các cổ đông còn lại không thể. Bên cạnh đó, các cổ đông này có sức ảnh hưởng tới hội đồng quản trị, và có quyền bổ nhiệm cũng như thay thế ban quản lý. Sự tập trung quyền sở hữu trong một nhóm (doanh nghiệp, ngân hàng, trung gian tài chính) hướng đến việc xây dựng mối quan hệ lâu dài, thiết lập niềm tin và cam kết giữa các bên với nhau. Trong hệ thống này, doanh nghiệp và các cổ đông tổ chức có xu hướng tăng cường các mối quan hê bằng cách sở hữu chéo cổ phần lẫn nhau. Từ đó họ sẽ điều khiển công ty hoạt động vì lợi ích của họ và bỏ qua lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ (Xie, 2015).

Bản chất hai kết cấu sở hữu này cũng thể hiện hai loại vấn đề đại diện ở hai loại thị trường nói trên. Ở thị trường tài chính truyền thống điển hình như Mỹ, Anh Quốc với đặc trưng là thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp ở thị trường này có xu hướng huy động vốn từ thị trường chứng khoán, khiến quyền kiểm soát và quyền sở hữu thường xuyên được thay đổi. Với độ lớn và sự đa dạng của các nhà đầu tư, sự minh bạch trên báo cáo tài chính được thể hiện khá rõ ràng và quyền lợi của các cổ đông là tương đồng và được bảo vệ như nhau. Lúc này vấn đề đại diện sẽ xảy ra khi có mâu thuẫn cổ điển giữa chủ sở hữu và người quản lý. Ngược lại, thị trường tài chính bên trong với điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia đang phát triển gồm nhiều doanh nghiệp có sự nắm giữ vốn lẫn nhau. Ở cấu trúc này, thị trường chứng khoán không đủ mạnh, tính thanh khoản không cao, nên các công ty có xu hướng huy động vốn từ ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn, hoặc chờ đợi những khoản vốn cứu trợ từ Nhà nước. Như vậy nhà đầu tư vừa là người cho vay vừa là người hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính. Hệ quả là hệ thống này hình thành những cổ đông lớn, thường là các tổ chức có mối quan hệ lâu dài và ổn định, hình thành mạng lưới cổ động dựa trên mối quan hệ và mối liên kết ngầm chứ không theo cơ sở quy luật thị trường. Chính vì vậy khác với hệ thống thị trường tài chính truyền thống với xung đột lợi ích cơ bản đến từ mối quan hệ của cổ đông và người quản lý; thì với thị trường tài chính bên trong, quyền sở hữu tập trung trong tay một nhóm cổ đông chính (thường là các cổ đông tổ chức) thì mối quan hệ mâu thuẫn lại xảy ra đối với nhóm cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ. Ở loại thị trường này, cấu trúc sở hữu của các công ty không đa dạng đến từ nhiều cổ đông cá nhân, mà đến từ một vài cá nhân, gia đình hoặc tổ chức tín dụng lớn. Việt Nam có xu hướng sở hữu tập trung với thị trường chứng khoán còn nhiều biến động. Một lượng vốn lớn trong các doanh nghiệp Việt Nam là do các tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài và Nhà nước sở hữu. Theo nghiên cứu của Doãn Thùy Dương (2018), thị trường Việt Nam có tình trạng sở hữu chéo giống tính chất và đặc điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc và mâu


thuẫn đại diện có xu hướng xảy ra ở dạng thức thứ 2: giữa nhóm cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ.

Cấu trúc sở hữu được chia thành nhiều phạm vi khác nhau trong các bài nghiên cứu trong và ngoài nước. Đối với các thị trường châu Âu, Fakhfakh & Nasf (2012) chia cấu trúc sở hữu tại Pháp thành sở hữu thuộc nhà quản lý và sở hữu bởi cổ đông đa số, trong khi Alves (2012) tại Bồ Đào Nha đã nghiên cứu cấu trúc sở hữu với 3 loại: sở hữu thuộc nhà quản lý, sở hữu bởi cổ đông đa số, sở hữu bởi cổ đông tổ chức. Khác với những thị trường phát triển như châu Âu, những nghiên cứu ở châu Á thường có thêm tỷ lệ sở hữu Nhà nước vào cấu trúc sở hữu (Guo và Ma, 2015). Bên cạnh đó theo (Guo và Ma, (2015), những thị trường mới phát triển nên xem xét thêm cấu trúc sở hữu nước ngoài. Ngoài các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là Nhà nước, vì vậy theo Ngân hàng thế giới Worldbank (2011), cấu trúc sở hữu tại các công ty tại thị trường Việt Nam tập trung vào sở hữu Nhà nước và sở hữu nước ngoài. Bên cạnh đó, luận án sẽ xem xét thêm tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Với việc nhận thức về dạng thức của vấn đề đại diện cũng như cơ cấu sở hữu trong công ty tại TTCK Việt Nam, luận án nhận thấy cơ cấu sở hữu khác nhau sẽ có tác động tới hệ thống kế toán, tài chính của công ty (Lê Tuấn Bách, 2018). Do vậy những nghiên cứu sâu hơn về tỷ lệ sở hữu nhà quản lý, tỷ lệ sở hữu Nhà nước, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tác động lên mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán của công ty là rất quan trọng.

2.4.2.1. Mức độ sở hữu của người quản lý công ty

Nghiên cứu mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 8

Theo lý thuyết đại diện, mâu thuẫn giữa cổ đông và nhà quản lý khiến cổ đông luôn phải tìm cách giám sát những hành vi gây tổn hại tới lợi ích của họ. Người quản lý với ưu thế về thông tin và quyền hạn của mình có thể thực hiện các hành động để đạt được lợi ích cá nhân thay vì lợi ích của công ty. Một trong những cách thức để giảm thiểu những hành vi chi phối và gây mâu thuẫn của nhà quản lý đó là đưa ra một mức độ sở hữu cổ phiếu cho họ. Từ đó sẽ tạo ra động lực quản lý thực hiện hành vi làm tăng giá trị công ty, giảm thiểu hành động điều chỉnh vào hệ thống kế toán hay báo cáo tài chính nhằm tư lợi riêng của nhà quản lý. Chen và cộng sự (2010) đồng tình rằng sở hữu quản lý càng cao thì khả năng sai sót trong hệ thống báo cáo tài chính càng thấp. Cụ thể hơn, sở hữu của người điều hành càng lớn thì dấu hiệu mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán có xu hướng càng cao bởi họ sẽ có động lực


rõ ràng và mạnh mẽ để điều hành các hoạt động của công ty bởi trong đó có lợi ích của chính họ.

Tuy nhiên, Mohammed, Ahmed, và Ji (2017) cho rằng sở hữu cổ phần của người quản lý làm tăng ảo giá cổ phiếu thông qua các hành động có thể dẫn đến sai sót BCTC hoặc các hành vi điều chỉnh hệ thống kế toán. Có thể thấy, khi Ban giám đốc có tỷ lệ sở hữu cao, họ sẽ nắm quyền lực quá lớn, đủ để theo đuổi các mục tiêu riêng của mình mà không phải vì lợi ích của cổ đông hay công ty. Lafond và Rouchowdhury (2008) cho rằng nguyên tắc thận trọng trong kế toán là cách thức để giảm thiểu chi phí đại diện. Hệ thống kế toán có mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng cao khi cổ đông và nhà quản lý ít có sự liên kết bởi họ cần một cơ chế kiểm soát và kế toán thận trọng để đảm bảo công việc kinh doanh diễn ra một cách hiệu quả. Vì vậy có khả năng doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý cao thì mức độ áp dụng nguyên tắc thận trong kế toán thấp hơn. Nguyễn Thị Bích Thủy (2019) tìm thấy rằng, công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có cổ đông lớn là Ban giám đốc sẽ có mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán thấp hơn so với các công ty khác. Theo Luật Luật Chứng khoán 54/2019/QH14, cổ động lớn là cổ đông nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết, và có những quyền đặc biệt như: xem xét, tra cứu, trích lục tài liệu, triệu tập họp cổ đông để đánh giá hành động của HĐQT, yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành,… Nghiên cứu này sử dụng biến tỷ lệ sở hữu như là biến giả với giá trị 1 nếu công ty có cổ đông lớn (chiếm 5% cổ phần) là ban giám đốc. Các lập luận trái chiều và kết quả nghiên cứu chưa đồng thuận đặt ra yêu cầu cần kiểm định và nghiên cứu thêm, đặc biệt là với thị trường Việt Nam.

2.4.2.2. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước

Trong các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, mặc dù quá trình cổ phần hóa đang diễn ra nhưng cổ đông lớn nhất vẫn thường là chính phủ. Như vậy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán khi Nhà nước trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên những nghiên cứu từ các quốc gia vẫn có những kết quả chưa đồng nhất. Bushman và Piotroski (2006) cho rằng ảnh hưởng của quyền sở hữu Nhà nước đối với mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của quốc gia đó, và mối quan hệ trái chiều này diễn ra đối với hệ thống luật của Anh - Mỹ. Zhou và Li (2008) lại cho rằng mối quan hệ này diễn ra trước khi áp dụng chính sách cải cách sở hữu tại Trung Quốc.

Mối quan hệ trái chiều giữa tỷ lệ sở hữu Nhà nước và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán được lý giải như sau: Nhà nước với tư cách là cổ đông


kiểm soát sẽ có xu hướng tác động tới các nhà quản lý để điều chỉnh báo cáo tài chính ít thận trọng hơn, điều này sẽ có thể gây bất lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ. Nhà nước sẽ muốn những thông tin tích cực (lãi và thu nhập) được ghi nhận nhanh hơn so với thông tin tiêu cực (lỗ hay chi phí) cho nhu cầu về chính trị. Sapienza (2004) lại cho rằng đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước, rủi ro về vỡ nợ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bởi trong điều kiện hạn chế về ngân sách, các doanh nghiệp này sẽ tìm đến chính phủ để được hỗ trợ tài chính với các khoản vay lãi suất thấp hoặc các điều khoản bảo hộ thuế quan. Vì vậy, lý do này càng khiến cho các doanh nghiệp nới lỏng mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong hạch toán kế toán. Nguyễn Thị Bích Thủy (2019) đã tìm được mối quan hệ trái chiều giữa tỷ lệ sở hữu Nhà nước và việc thực hiện thận trọng trong kế toán. Nghiên cứu sử dụng biến giả với giá trị bằng 1 nếu công ty có vốn sở hữu Nhà nước trên 50%, ngược lại sẽ mang giá trị bằng 0.

Mặc khác, trong một số nghiên cứu lại cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa tỷ lệ sở hữu Nhà nước đến mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Bushman và Piotroski (2006) thấy rằng với hệ thống pháp luật của Trung Quốc, sở hữu Nhà nước lại có tác động tích cực lên mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán. Mohammed, Ahmed, và Ji (2017) cũng tìm thấy kết quả tương tự cho thị trường Malaysia. Chen, Folsom, Peak và Sami (2014) cho rằng mối liên hệ thuận chiều này có thể là do hiệu quả của các cải cách của chính phủ nhằm cân bằng lợi ích của các cổ phần Nhà nước và cổ phần tư nhấn. Ngoài ra, với mục tiêu xây dựng uy tín của thị trường tài chính ở các quốc gia này, Nhà nước cũng có xu hướng thắt chặt và yêu cầu nghiêm ngặt ở hệ thống kế toán.

Như vậy, với kết quả còn nhiều ý kiến trái chiều, mối quan hệ giữa sở hữu Nhà nước và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán vẫn cần phải được nghiên cứu thêm.

2.4.2.3. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, sở hữu nước ngoài đang dần trở thành một giải pháp thay thế cho sở hữu Nhà nước.

Mohammed, Ahmed, và Ji (2017) đã đưa ra hai giả thuyết trái ngược nhau để lý giải cho mối quan hệ giữa sở hữu nước ngoài và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Theo giả thuyết giám sát tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông lớn sẽ có mức độ quản lý mạnh mẽ, giám sát chặt chẽ nhà quản lý, làm tăng chất lượng của báo cáo tài chính. Tuy nhiên theo giả thuyết nhất thời, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đóng vai trò nhất thời tại một thời điểm, nên không có động lực


đáng kể để giám sát các nhà quản lý; do đó họ không có nhu cầu tác động lên các báo cáo tài chính. Từ đó, Mohammed, Ahmed, và Ji (2017) đã kết luận rằng sở hữu nước ngoài có mối quan hệ thuận chiều với mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán.


2.4.3. Các nhân tố kiểm soát

2.4.3.1. Hệ số nợ

Beatty, Ke và Petroni (2002) nghiên cứu mối quan hệ giữa mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán và nợ vay. Chủ nợ với kỳ vọng về khoản lãi đầu tư của mình sẽ có yêu cầu về mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán của các công ty. Bởi lúc này việc thực hiện thận trọng sẽ góp phần giảm thiểu được chi phí đại diện giữa cổ đông và chủ nợ. Các chủ nợ có thể tác động và điều chỉnh mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán thông qua hợp đồng nợ với công ty với những điều khoản về thu nhập. Ví dụ chủ nợ có thể thêm điều khoản trong hợp đồng nợ quy định rằng tài sản ròng của công ty phải có hạn mức thấp nhất và có thể tăng lên từng năm. Bằng cách này, công ty sẽ phải tính toán để chỉ chi tiêu một tỷ lệ nhất định trong thu nhập ròng và tiết kiệm phần còn lại để đáp ứng điều kiện trong hợp đồng nợ. Điều này tránh cho công ty gặp rủi ro từ việc trả cổ tức hoặc đầu tư mạo hiểm dẫn đến vốn chủ sở hữu thấp hơn hạn mức, và không đạt được điều kiện của hợp đồng, dẫn tới rủi ro đồng thời đối với người cho vay. Từ đó một số nghiên cứu cũng nghiên cứu về quy mô của thị trường vốn chủ sở hữu và thị trường nợ có ảnh hưởng đến mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán không. Ball, Robin và Sadka (2008) cho rằng thị quy mô thị trường nợ vay càng lớn thì báo cáo tài chính của công ty càng thận trọng hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều bởi đặc tính của các thị trường huy động vốn của từng quốc gia có sự khác biệt rất lớn về quy mô và mức độ phát triển.

Theo lý thuyết đại diện, giải pháp để công ty giảm thiểu chi phí đại diện phát sinh trong mối quan hệ giữa cổ đông và nhà quản lý, đó là xem xét sử dụng nguồn huy động nợ vay thay cho huy động từ vốn chủ sở hữu. Đồng thời, chi phí đại diện phát sinh từ mối quan hệ giữa cổ đông và chủ nợ cũng sẽ được giảm xuống. Từ đó hệ số nợ (đo bằng tỷ lệ nợ phải trả / vốn chủ sở hữu) là một nhân tố có thể ảnh hưởng tới mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng kế toán bởi nó có thể tác động tới việc điều chỉnh lợi nhuận trên hệ thống kế toán. Theo Salami (2017) với hệ số nợ cao, nhà quản lý có xu hướng phản ứng với thông tin tiêu cực nhanh hơn thông tin tích cực. Nói cách khác, khi chủ nợ có sức mạnh ảnh hưởng tới công ty càng lớn (hệ số nợ cao), công ty càng có xu hướng thận trọng hơn trong hệ thống kế toán của mình để thỏa mãn yêu cầu của chủ nợ. Các chủ nợ sẽ kiểm soát và chi phối các hoạt động của doanh nghiệp, khiến nhà quản lý khó có thể thực hiện những điều chỉnh hay sai phạm trên hệ thống kế toán


của công ty. Như vậy mối quan hệ giữa hệ số nợ và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán có thể dự đoán mang giá trị dương.

Một số ý kiến khác lại cho rằng khi hệ số nợ cao, để có thể nới lỏng các điều khoản hạn chế trong hợp đồng vay nợ, cũng như muốn có hình ảnh tốt trên trường để có thể tiếp tục duy trì các khoản vay, nhà quản lý có thể cố tình điều chỉnh lợi nhuận để mang lại những ưu thế cho bản thân và công ty (Salami, 2017). Như vậy, có thể nói hệ số nợ cao có thể khiến mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán bị giảm nhẹ đi.

Haw, Lee và Lee (2013) có bài nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ của tỷ lệ nợ và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng của công ty tư nhân. Kết quả cho thấy so với việc huy động nợ vay tư nhân, khi công ty có tỷ lệ nợ công cao hơn thì mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán cũng sẽ cao hơn. Đặc biệt, khi các công ty tư nhân này lần đầu tiên vay nợ thì mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán sẽ tăng lên đáng kể, điều này trái ngược với kết quả của các công ty cổ phần đại chúng.

Tại Việt Nam, trong số rất hiếm nghiên cứu về mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán, nhân tố hệ số nợ chưa được kiểm chứng trên các công ty cổ phần thị trường chứng khoán Việt Nam.

2.4.3.2. Cơ hội tăng trưởng

Theo Kouser, Hassan, Bano và Azeem (2012) tăng trưởng trong phạm vi của một công ty là cả một quá trình lâu dài, từng bước một và được định nghĩa là việc tăng doanh thu, mở rộng quy mô kinh doanh thông qua việc mua lại hoặc sáp nhập, tăng trưởng lợi nhuận, phát triển sản phẩm hay tăng số lượng nhân viên.

Cơ hội tăng trưởng là cơ hội của các công ty để đầu tư vào những dự án có lợi nhuận, nó chỉ ra khả năng phát triển của công ty trong tương lai bằng cách tận dụng các cơ hội đầu tư để nâng cao giá trị của công ty (Kouser, Hassan, Bano và Azeem, 2012). Những dấu hiệu thể hiện việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán có xu hướng tăng cao với các công ty có những khoản dự trữ tiềm ẩn được sử dụng để đầu tư. Khi giá trị thị trường của công ty cao hơn giá trị sổ sách sẽ tạo ra lợi thế thương mại, hay chính là các cơ hội tăng trưởng cho công ty. Sari, Pratadina, Anugerah và Kamaliah (2020) đã tìm thấy ảnh hưởng tích cực giữa các cơ hội tăng trưởng đối với mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Theo Sari, Pratadina, Anugerah và Kamaliah (2020), mối quan hệ thuận chiều giữa cơ hội tăng trưởng và mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán còn do bởi các công

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/03/2023