Đánh Giá Điều Kiện Tự Nhiên, Kinh Tế-Xã Hội Và Tài Nguyên Đất

trồng hiệu quả kinh tế thấp sang những loại cây trồng mang tính hàng hoá có giá trị cao, đưa thêm một số cây trồng mới, các giống mới vào cơ cấu cây trồng và công thức luân canh hiện có để đa dạng hóa cây trồng, kết hợp với quản lý cây trồng, đất, dinh dưỡng để duy trì và cải thiện chất lượng đất hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nhẹ tác động xấu của biến đổi khí hậu.

PHẦN 3. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. ĐỊA ĐIỂM NGHIÊN CỨU

Đề tài luận án được thực hiện tại 4 huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa gồm: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Quảng Xương.

3.2. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2014 đến năm 2020. Số liệu sơ cấp và số liệu thứ cấp thu thập trong giai đoạn 2012 - 2019. Thí nghiệm đồng ruộng được tiến hành trong 3 năm (2015, 2016 và 2017).

3.3. VẬT LIỆU NGHIÊN CỨU

3.3.1. Thông tin thứ cấp và thông tin sơ cấp

Thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, điều kiện đất đai gồm các số liệu thứ cấp thu thập từ các báo cáo hàng năm, đề án, báo cáo thống kê từ Ủy ban Nhân dân (UBND), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) của các huyện nghiên cứu; từ Sở NN & PTNT và Sở TN & MT tỉnh Thanh Hóa. Thông tin liên quan đến HTCT, hiệu quả kinh tế của các cây trồng chủ yếu và công thức luân canh được thu thập thông qua điều tra hộ nông dân, cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện, cán bộ phụ trách nông nghiệp cấp xã theo phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân/hộ nông dân (PRA: Participatory Rural Appraisal) bằng bộ câu hỏi điều tra được chuẩn bị sẵn (Phụ lục 1).

3.3.2. Giống cây trồng và phân bón sử dụng

Để so sánh và tuyển chọn từ các giống cây trồng đang lưu hành trong sản xuất, đề tài sử dụng các cây trồng và giống cây trồng sau (Phụ lục 2):

+ Các giống lúa chất lượng trong vụ xuân: Thái xuyên111; Kinh sở ưu 1558; Nhị ưu 986; TBR225 và TH7-2.

+ Các giống lúa thuần vụ mùa: HT9; Trân châu hương; Thiên ưu 8; DQ11 và Thuần Việt 1.

+ Các giống đậu tương: NAS-S1; DT2001; DT96; ĐT51 và DT84.

+ Các giống lạc: L18; L08; L27; L26 và L14.

+ Các giống đậu xanh: ĐX16; ĐX208; ĐX14; ĐX11 và giống Đậu tằm Thanh Hóa.

Phân bón sử dụng gồm các phân đơn sau: phân đạm Urê Phú Mỹ (46% N), phân kali Phú Mỹ (61% K2O), phân lân Lâm Thao (16-16,5% P2O5).

3.4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Nội dung 1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và tài nguyên đất liên quan tới hệ thống cây trồng tại vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa.

- Nội dung 2. Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng trên vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa.

- Nội dung 3. Tuyển chọn bộ giống cây trồng thích hợp cho vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa.

- Nội dung 4. Đánh giá hiệu quả kinh tế giống cây trồng tuyển chọn và kiểm định sơ bộ mô hình hệ thống cây trồng cải tiến trên vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa.

3.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.5.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và tài nguyên đất

Thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, điều kiện đất đai gồm các số liệu thứ cấp từ năm 2012 đến năm 2019, đó là các báo cáo hàng năm, đề án, báo cáo thống kê từ UBND, Phòng NN&PTNT, Phòng TN & MT của các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Quảng Xương; từ Sở NN & PTNT và Sở TN & MT tỉnh Thanh Hóa.

Đất được phân hạng và đánh giá mức thích hợp đối với các loại cây trồng dựa trên 4 mức khác nhau theo khung đánh giá đất của FAO (1976): rất thích hợp (S1), thích hợp (S2), ít thích hợp (S3) và không thích hợp (N) (sau đây tương ứng gọi là mức 1, mức 2, mức 3 và mức 4).

Mức 1 - Rất thích hợp: Đất không có hạn chế hoặc chỉ có những hạn chế nhẹ, không đáng kể, dễ khắc phục; những hạn chế không ảnh hưởng đến năng suất hay lợi ích của loại sử dụng đất và không làm tăng đầu vào quá mức chấp nhận. Gieo trồng trên đất này dễ dàng, thuận lợi và năng suất cao.

Mức 2 - Thích hợp: Đất có những hạn chế khi kết hợp lại ảnh hưởng ở mức độ trung bình đến loại sử dụng đất đang sử dụng; những hạn chế làm giảm năng suất và lợi ích nhưng có thể khắc phục thông qua tăng đầu vào. Gieo trồng trên hạng đất này cần đầu tư cao hơn và có thể đạt năng suất khá nhưng vẫn kém hơn mức 1.

Mức 3 - Ít thích hợp: Đất có nhiều hạn chế khi kết hợp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất hay lợi ích của loại hình sử dụng đất. Gieo trồng trên hạng đất này khó khăn hoặc đòi hỏi đầu vào cao hơn mức 2 nhưng năng suất chỉ đủ bù chi phí hoặc lợi nhuận thấp.

Mức 4 - Không thích hợp hiện tại: Đất không thích hợp với các loại sử dụng đất vì nhiều hạn chế không thể khắc phục, lợi nhuận không đủ bù chi phí đầu vào cần thiết.

3.5.2. Đánh giá hiện trạng hệ thống cây trồng

3.5.2.1. Thu thập số liệu

Nghiên cứu được tiến hành trên phạm vi 4 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Quảng Xương. Sự biến động hệ thống cây trồng theo không gian và thời gian được đánh giá dựa vào số liệu thứ cấp từ năm 2013 đến năm 2018.

Số liệu về hiệu quả kinh tế của các cây trồng chủ yếu và công thức luân canh được thu thập thông qua điều tra hộ nông dân. Mỗi huyện lựa chọn 5 xã (Bảng 3.1), mỗi xã điều tra 10 hộ nông dân dựa trên các tiêu chí sau: là xã điển hình về sản xuất nông nghiệp của huyện; hộ nông dân được chọn có diện tích canh tác trung bình trở lên; trồng trọt là ngành nghề sản xuất chính của họ; hộ nông dân có từ 20 năm kinh nghiệm trồng trọt trở lên; hộ nông dân có đồng thời diện tích đất chuyên lúa và chuyên màu.

Số liệu về các giống, năng suất, kỹ thuật canh tác, hệ thống cây trồng, chi phí sản xuất, công lao động, những thuận lợi và khó khăn của nông hộ trong sản xuất trồng trọt, đa dạng hóa cây trồng được thu thập thông qua điều tra là cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện (Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng), cán bộ phụ trách nông nghiệp cấp xã và nông hộ được phỏng vấn trực tiếp theo phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân/hộ nông dân (PRA: Participatory Rural Appraisal).

Bộ câu hỏi điều tra được trình bày trong phụ lục 1. Người được phỏng vấn là chủ hộ hoặc lao động chính của hộ nông dân. Các xã và hộ nông dân được lựa chọn do cán bộ phụ trách/quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và xã giới thiệu.

Bảng 3.1. Các xã được lựa chọn điều tra ở 4 huyện ven biển


Huyện

Nga Sơn

Huyện

Hậu Lộc

Huyện

Hoằng Hóa

Huyện

Quảng Xương

Xã Nga Thắng

Xã Đa Lộc

Xã Hoằng Ngọc

Xã Tiên Trang

Xã Nga Văn

Xã Phú Lộc

Xã Hoằng Phú

Xã Quảng Trường

Xã Nga Trường

Xã Hưng Lộc

Xã Hoằng Thắng

Xã Quảng Yên

Xã Nga Tân

Xã Hoa Lộc

Xã Hoằng Trinh

Xã Quảng Đức

Xã Ba Đình

Xã Tiến Lộc

Xã Hoằng Phong

Xã Quảng Nhân

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.

Nghiên cứu hiện trạng và cải tiến hệ thống cây trồng trên vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa - 7

Những thông tin liên quan tới biến động diện tích cây trồng được thu thập từ báo cáo thống kê của Phòng NN&PTNT các huyện và Sở NN&PTNT tỉnh.

Các số liệu điều tra được tổng hợp và xử lý thống kê bằng phần mềm Excel 2016.

3.5.2.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế cây trồng và công thức luân canh cây trồng

Đánh giá hiệu quả kinh tế:

Hiệu quả của cây trồng và các công thức luân canh được đánh giá thông qua các tham số kinh tế, gồm:

i) Tổng thu = Tổng sản phẩm × Giá sản phẩm (tại thời điểm điều tra)

Tổng thu được tính trên đơn vị Việt Nam đồng (VND) của 1 ha cho từng cây trồng và cho từng công thức luân canh. Giá sản phẩm ở đây được tính theo giá bình quân hiện hành.

ii) Giá trị gia tăng (GTGT) = Tổng thu – Chi phí trung gian (CPTG)

Chi phí trung gian (CPTG) là một phần của tổng chi phí sản xuất, bao gồm toàn bộ chi phí thường xuyên về vật chất và chi phí dịch vụ được sử dụng trong quá trình sản xuất một cây trồng trong một chu kỳ sản xuất (thời gian là 1 năm), không tính chi phí lao động. Chi phí thường xuyên về vật chất và dịch vụ bao gồm các khoản chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi phí, phí làm đất và một số chi phí vật tư khác. Chi phí trung gian trong đề tài luận án được tính trên 1 ha cho từng cây trồng và cho từng hệ thống cây trồng (công thức luân canh).

iii) Hiệu quả sử dụng vốn (còn gọi là tỉ suất lợi nhuận chi phí) = GTGT/CPTG.

Đánh giá sự đa dạng của HTCT:

Sự đa dạng cây trồng của từng huyện và vùng (4 huyện) được xác định sử dụng chỉ số đa dạng Simpson (Simpson, 1949; Bhat & Salam, 2016) theo công thức sau:

𝑆

𝐷𝐼 = 1 − ∑(𝑛𝑖 /𝑁)2

𝑖=1

Trong đó: DI là chỉ số đa dạng Simpson, S là số cây trồng trong huyện/vùng, ni (i = 1 đến S) là diện tích gieo trồng cây trồng thứ i, N (= Tổng của ni) là tổng diện tích của huyện/vùng. Nếu chỉ có một cây trồng (độc canh), chỉ số đa dạng DI = 0. Càng có nhiều loại cây trồng và diện tích các loại cây trồng gần bằng nhau thì giá trị của chỉ số đa dạng DI sẽ tiến tới 1.

3.5.3. Tuyển chọn giống cây trồng hàng năm thích hợp với vùng ven biển

3.5.3.1. Địa điểm, thời gian thí nghiệm và biện pháp kỹ thuật áp dụng

Tại huyện Nga Sơn và Hoằng Hóa, 1 xã của mỗi huyện nằm trong vùng đất ruộng, được chọn để tiến hành các thí nghiệm so sánh, tuyển chọn các giống cây trồng. Các thí nghiệm so sánh giống lúa và đậu tương được bố trí trên đất vàn chuyên

lúa (lúa xuân - lúa mùa - đậu tương) tại thôn Nam Lộc, xã Nga Hải, huyện Nga Sơn và thôn 6, xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa. Các thí nghiệm so sánh giống lạc và đậu xanh được bố trí trên đất cát pha tại thôn Nam Lộc, xã Nga Hải, huyện Nga Sơn và thôn 8, xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa. Thí nghiệm được triển khai trong 3 vụ của 3 năm liên tiếp từ năm 2015 đến năm 2017. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc áp dụng cho thí nghiệm như thời vụ gieo trồng, mật độ, chăm sóc, phân bón, thu hoạch được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của phòng ban chuyên môn và các nhà sản xuất giống khuyến cáo.

3.5.3.2. Giống cây trồng (Chi tiết về nguồn gốc của các giống được trình bày tại Phụ lục 2)

Các thí nghiệm so sánh và tuyển chọn gồm 5 loại cây trồng cây trồng là lúa lai chất lượng, lúa thuần chất lượng, đậu tương, lạc và đậu xanh. Mỗi loại cây trồng sử dụng một bộ 5 giống để đánh giá và tuyển chọn giống thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Bộ giống lúa chất lượng cho vụ xuân gồm Thái xuyên 111, Kinh sở ưu 1558, TH7-2, Nhị ưu 986 và TBR225; bộ giống lúa thuần cho vụ mùa gồm Trân châu hương, HT9, Thuần Việt 1, DQ11 và Thiên ưu 8; bộ giống đậu tương cho vụ thu - đông trên đất chuyên lúa gồm DT84, ĐT51, NAS-S1, DT96 và DT2001; bộ giống lạc cho vụ xuân trên đất chuyên màu gồm L14, L18, L26, L27 và L08; bộ giống đậu xanh cho vụ hè đất chuyên màu gồm ĐX208, ĐX16, ĐX14, ĐX11 và Đậu tằm địa phương. Trong đó, các giống được sử dụng làm đối chứng cho lúa chất lượng vụ xuân, lúa thuần vụ mùa, đậu tương, lạc và đậu xanh tương ứng là TH7-2, TV 1, DT84, L14 và Đậu tằm Thanh Hóa.

3.5.3.3. Bố trí và tiến hành thí nghiệm tuyển chọn giống

a. Tuyển chọn giống lúa chất lượng thích hợp trên đất chuyên lúa vụ xuân

Thí nghiệm đánh giá bộ giống lúa chất lượng cho vụ xuân gồm 5 giống: Thái xuyên 111, Kinh sở ưu 1558, TH7-2, Nhị ưu 986 và TBR225. Thí nghiệm được tiến hành trong 3 vụ xuân liên tiếp (2015-2017) tại 2 xã nêu trên. Giống lúa lai TH7-2 được sử dụng làm đối chứng cho giống chất lượng vụ xuân. Mạ được chuẩn bị theo phương pháp gieo truyền thống (30kg/ha) trong khoảng 15-17 tháng 1 và cấy từ 6-8 tháng 2.

Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 lần lặp lại, diện tích ô thí nghiệm 24m2, khoảng cách giữa các ô trong cùng lần nhắc là 30cm và giữa các lần nhắc là 50cm, mật độ cấy là 30 khóm/m2 với 1 dảnh/khóm; phun thuốc trừ cỏ có hoạt chất Butachlor (Heco 600EC); phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng bằng thuốc có hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG), bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá bằng thuốc có

hoạt chất Bronopol (Totan 200WP), bệnh đạo ôn bằng thuốc có hoạt chất Trycyclazole + Propiconazole (Filia 525SE) khi cần thiết. Lượng phân bón cho 1ha gồm 8 tấn phân chuồng + 150kg N + 40kg P2O5 + 120kg K2O + 500kg vôi bột.

Các chỉ tiêu được theo dõi, đánh giá theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-55:2011/BNNPTNT về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa (Bộ NN&PTNT, 2011a), bao gồm: Thời gian sinh trưởng (ngày), chiều cao cây (cm), độ cứng cây (điểm), mức độ nhiễm sâu bệnh (sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá), khả năng chống đổ (điểm), số bông/m2, số hạt chắc/bông (hạt), khối lượng 1000 hạt (g), năng suất hạt (tạ/ha).

b. Tuyển chọn giống lúa thuần thích hợp trên đất chuyên lúa vụ mùa

Bộ giống lúa thuần cho vụ mùa gồm 5 giống: Trân châu hương, HT9, Thuần Việt 1, DQ11 và Thiên ưu 8. Thí nghiệm được tiến hành trong 3 vụ mùa liên tiếp (2015-2017) tại 2 xã nêu trên. Giống lúa thuần Thuần Việt 1 được sử dụng làm đối chứng cho vụ mùa. Mạ được chuẩn bị theo phương pháp gieo truyền thống (30 kg/ha) trong khoảng 20-22 tháng 5 và cấy trong khoảng 10-12 tháng 6.

Thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD) 3 lần nhắc lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm 24m2, khoảng cách giữa các ô trong cùng lần nhắc là 30cm và giữa các lần nhắc là 50cm. Mật độ cấy là 30 khóm/m2 với 2-3 dảnh/khóm; phun thuốc trừ cỏ có hoạt chất Butachlor (Heco 600EC); phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng bằng thuốc có hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG), bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá bằng thuốc có hoạt chất Bronopol (Totan 200WP), bệnh đạo ôn bằng thuốc có hoạt chất Trycyclazole + Propiconazole (Filia 525SE) khi cần thiết. Lượng phân bón cho 1ha gồm 8 tấn phân chuồng + 150kg N + 40kg P2O5 + 120kg K2O + 500kg vôi bột.

Các chỉ tiêu được theo dõi, đánh giá theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10TCN 558-2002 và QCVN 01-55 : 2011/BNNPTNT về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa (Bộ NN&PTNT, 2011b), bao gồm thời gian sinh trưởng (ngày), chiều cao cây (cm), độ cứng cây (điểm), mức độ nhiễm sâu bệnh (sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá), khả năng chống đổ (điểm), số bông/m2, số hạt chắc/bông (hạt), khối lượng 1000 hạt (g), năng suất hạt (tạ/ha).

c. Tuyển chọn giống đậu tương thích hợp cho vụ đông trên đất chuyên lúa

Thí nghiệm nghiên cứu với 5 giống đậu tương: DT84, ĐT51, NAS-S1, DT96 và DT2001, trong đó DT84 là giống đối chứng. Thí nghiệm thực hiện trong vụ thu - đông tại 2 xã nêu trên. Các giống được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, với 3 lần

nhắc lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm 24m2, khoảng cách giữa các ô trong cùng lần nhắc là 30cm và giữa các lần nhắc là 50cm. Mật độ của thí nghiệm giống đậu tương là 42 cây/m2. Thời gian gieo 24 - 25/9 sau lúa mùa sớm. Lượng phân bón cho 1ha gồm 5 tấn phân chuồng + 30kg N + 60kg P2O5 + 40kg K2O + 200kg vôi bột. Theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây đậu tương như: Trừ cỏ ngay từ đầu vụ bằng thuốc có hoạt chất Acetochlor (Saibaco 500EC), trừ ruồi đụ thân, sâu đục quả, sâu cuốn lá bằng thuốc có hoạt chất Chlotranili prole + Thiamethoxam (Virtako 40WG), trừ rệp bằng thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Actaza 25WG).

Các chỉ tiêu được theo dõi, đánh giá theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-58: 2011/BNNPTNT về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống đậu tương (Bộ NN&PTNT, 2011c), bao gồm thời gian sinh trưởng (ngày), chiều cao cây (cm), đường kính thân (mm), tính chống đổ (điểm), mức độ nhiễm sâu bệnh (sâu cuốn lá, sâu đục thân, đục quả, bệnh lở cổ rễ, bệnh gỉ sắt), số quả chắc/cây, khối lượng 1.000 hạt (g), năng suất (tạ/ha).

d. Tuyển chọn giống lạc thích hợp cho vụ xuân trên đất chuyên màu

Thí nghiệm gồm 5 giống lạc: L14, L18, L26, L27 và L08, trong đó L14 là giống đối chứng. Thí nghiệm được tiến hành trong vụ Xuân ở 2 xã nêu trên. Các giống được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ 3 lần nhắc lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm 24m2, khoảng cách giữa các ô trong cùng lần nhắc là 30cm và giữa các lần nhắc là 50cm.

Mật độ ở thí nghiệm giống lạc là 30 cây/m2,, gieo trong thời gian 23-28 tháng 1. Lượng phân bón cho thí nghiệm gồm 5 tấn phân chuồng + 40kg N + 80kg P2O5 + 60kg K2O + 300kg vôi bột cho một hecta. Theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây lạc như: Trừ cỏ ngay từ đầu vụ bằng thuốc có hoạt chất Acetochlor + Oxyfluorfen (Catholis 450EC), trừ bệnh lở cổ rễ bằng thuốc có hoạt chất Hecxaconazole (Anvil 5SC), trừ sâu cuốn lá lạc bằng thuốc có hoạt chất Lufenuron (Match 050EC), trừ bệnh bệnh héo rũ bằng thuốc có hoạt chất Difenoconazole + Propiconazole (TilSuper 300EC), trừ bệnh đốm lá lạc bằng thuốc có hoạt chất Propineb (Antracol 70WP), trừ bệnh rỉ sắt bằng thuốc có hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325SC).

Các chỉ tiêu được dõi, đánh giá theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 57: 2011/BNNPTNT về Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lạc (Bộ NN&PTNT, 2011c), bao gồm thời gian sinh trưởng (ngày), chiều cao cây (cm), số cành cấp 1, 2 (cành), tính chống đổ (điểm), số quả chắc/cây (quả), khối lượng 1.000 hạt (gam), năng suất (tạ/ha).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/02/2023