đất và vi sinh vật đóng một loạt vai trò có ích bao gồm khoáng hóa chất hữu cơ, tạo thành và ổn định kết cấu đất và tăng cường dinh dưỡng (Lemtiri, 2014). Tuy nhiên, các yếu tố môi trường như khí hậu, cũng như hoạt động con người, đặc biệt những biện pháp quản lý nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh quần đất và chức năng của chúng ở các mức khác nhau. Ở phần lớn đất, trên 90% N và S tổng số, cùng với > 50% tổng P liên quan tới sinh khối vi sinh và chất hữu cơ, do đó chu trình và tính dễ tiêu sinh học của các chất dinh dưỡng chính này được kiểm soát chủ yếu bởi sự chuyển đổi chất hữu cơ gắn với hoạt động vi sinh và hệ động vật (McNeill & Unkovich, 2007; Bünemann & cs., 2018).
Tàn dư thực vật không chỉ là nguồn cung cấp lượng chất dinh dưỡng cây trồng quan trọng mà còn ảnh hưởng tới chức năng và tính chất lý học, hóa học, sinh học, chất lượng đất và nước. Tàn dư thực vật cung cấp lượng dinh dưỡng khác nhau để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, tàn dư thực vật tác động tới toàn bộ tính chất lý hóa sinh của đất, sự di chuyển của nước, tốc độ thấm và nước chảy bề mặt. Tàn dư thực vật ảnh hưởng tới nhiệt độ đất qua cách nhiệt đất bề mặt với bức xạ mặt trời, tăng tàn dư thực vật trên bề mặt đất giảm sự bốc hơi, giữ ẩm bề mặt (Singh & Sidhu, 2014). Quản lý tàn dư thực vật ảnh hưởng tới các bon hữu cơ trong đất, kết cấu đất, năng suất cây trồng trong các HTCT khác nhau. Sử dụng tàn dư thực vật có thể tăng hoặc duy trì tính chất lý, hóa của chất hữu cơ đất và cải thiện chất lượng đất. Zhang & cs. (2016a) báo cáo rằng, vùi rơm rạ làm tăng nồng độ và mức dự trữ các bon hữu cơ có ý nghĩa so với không vùi rơm rạ. Giữ lại và vùi tàn dư thực vào đất làm tăng tổng kết cấu giữ nước ổn định (15,65%) ở 0-15cm đất bề mặt, 7,53% ở tầng dưới lớp đất mặt (15-30cm) và tổng thể tăng 2,1 lần kết cấu giữ nước ổn định so với không sử dụng tàn dư (Choudhury & cs., 2014).
Tăng gieo trồng cây họ đậu trong HTCT là cần thiết để tái sinh đất thiếu dinh dưỡng, cung cấp protein, khoáng, vitamin cho người và gia súc. Để đạt năng suất tối ưu, cây trồng đòi hỏi cung cấp chất dinh dưỡng khoáng, chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong đó là N. Đất cạn kiệt dinh dưỡng, lượng N thường thấp, có nghĩa rằng nông dân thường phải bón phân vô cơ. Tuy nhiên, khi chi phí phân tăng, người nông dân gắng sức hay tìm cách để thu năng suất. Ở Việt Nam, do sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác nên đã gây ra hiện tượng suy thoái môi trường đất ở Việt Nam (OECD, 2015). Điều này dẫn đến phổ biến hiện tượng xói mòn đất, suy giảm độ màu mỡ của đất và tăng nguy cơ phú dưỡng (oxy thấp và tảo tăng quá mức trong nguồn nước do dư thừa N và P trong nước). Vấn đề này có thể giải quyết một phần bằng cách đưa cây họ đậu vào hệ thống cây trồng. Nhờ mức N cố định sinh
học trong đất, cây họ đậu cung cấp phương pháp thay thế N trong đất với chi phí tương đối thấp, tăng độ phì đất và tăng năng suất cây trồng vụ sau, đặc biệt khi chất lượng đất thấp và giá phân bón cao. Vai trò đặc biệt của cây họ đậu trong hệ thống canh tác gồm khả năng thu nhận và dự trữ các bon, cố định đạm trong đất, tăng dự trữ nước và cải thiện đa dạng sinh học đất (Reckling & cs., 2014; Adarsh & cs., 2019).
Reckling & cs. (2014) cũng khẳng định rằng trong điều kiện châu Âu, tăng gieo trồng cây họ đậu mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và sử dụng tài nguyên, đó là cung cấp N cải thiện cấu trúc đất, tiết kiệm nguồn lực và giảm phát thải. Cây họ đậu có tiềm năng cao đối với nền nông nghiệp bảo tồn, hoặc là cây trồng thu hoạch hay sử dụng làm tàn dư thực vật (Stagnari & cs., 2017).
2.1.4.6. Ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế - xã hội đến hệ thống cây trồng
a. Nông hộ với hệ thống cây trồng
Hộ nông dân là chủ thể trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nông hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, góp phần quan trọng vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp của nước ta trong suốt quá trình lịch sử. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực chất là sự cải tiến sản xuất nông nghiệp ở các hộ nông dân. Trong giai đoạn nông nghiệp tự cấp, nông dân trồng một cây hay một vài cây lương thực chủ yếu, ít đầu tư thâm canh, năng suất thấp, gặp nhiều rủi ro; giai đoạn kinh doanh tổng hợp và đa dạng, khi mới chuyển sang sản xuất hàng hoá, nông dân bắt đầu sản xuất những loại cây trồng phục vụ cho nhu cầu của thị trường, thị trường cần loại nông sản gì thì sản xuất cây trồng đó, sản xuất đa canh nên giảm bớt rủi ro. Hộ nông dân phát triển từ tự cấp sang sản xuất hàng hoá ở các mức độ khác nhau và quá trình cải tiến hệ thống cây trồng gắn với thị trường được thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn (Nguyễn Đức Truyến, 2003).
Kinh tế hộ nông thôn ở nước ta trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng còn những tồn tại không nhỏ, đó là: (i) tỷ lệ hộ nông nghiệp còn cao; (ii) bình quân ruộng đất nông nghiệp một hộ rất thấp; (iii) trang bị kỹ thuật còn ở mức thấp; (iv) thu nhập của nông hộ chưa ở mức cao; (v) trình độ dân trí vẫn còn ở mức thấp, nhiều nơi còn rất lạc hậu, tỷ lệ người mù chữ vùng cao, vùng sâu ở mức cao (hơn 50%). Những tồn tại trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển hệ thống cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ,... khắc phục những tồn tại này nhằm mục tiêu hướng tới phát triển cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững.
Nền nông nghiệp lấy hộ nông dân làm đơn vị sản xuất hiện nay có tác dụng tích
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu hiện trạng và cải tiến hệ thống cây trồng trên vùng đất ven biển tỉnh Thanh Hóa - 2
- Cây Trồng Trong Hệ Thống Cây Trồng
- Hệ Thống Cây Trồng Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu
- Nghiên Cứu Hệ Thống Cây Trồng Tại Tỉnh Thanh Hóa
- Đánh Giá Điều Kiện Tự Nhiên, Kinh Tế-Xã Hội Và Tài Nguyên Đất
- Phân Tích Thống Kê Kết Quả Thí Nghiệm Tuyển Chọn Giống
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
cực là kích thích sản xuất tạo ra nhiều nông sản nhưng chất lượng thấp và giá trị sản xuất cũng thấp. Điều kiện kinh tế của hộ rất khác nhau dẫn đến chất lượng nông sản không đồng đều, hiệu quả sản xuất thấp. Nước ta trong thời kỳ đổi mới, các chính sách mới một lần nữa xác lập vị trí số một của kinh tế hộ nông dân ở nông thôn. Trong nông thôn có 3 nhóm hộ chính là: (i) nhóm hộ sản xuất hàng hoá (chiếm khoảng 30%); (ii) nhóm hộ bước đầu đi vào sản xuất hàng hoá nhưng còn ít, quy mô nhỏ (chiếm gần 55%); (iii) nhóm hộ nghèo (chiếm dưới 15%) (Đặng Kim Sơn, 2006).
b. Chính sách với hệ thống cây trồng
Ngoài những yếu tố kinh tế, HTCT cũng chịu ảnh hưởng bởi các chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án (Quyết định số 899/QĐ-TTg) tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu chủ yếu của đề án là duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực/thực phẩm; tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chương trình hành động (Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 24 tháng 06 năm 2015) về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2015a). Báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây trồng có lợi thế phát triển, cho giá trị, hiệu quả cao hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, xây dựng các vùng chuyên canh lúa, cói, lạc, đậu tương, rau đậu, hoa, cây cảnh, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2015b). Nội dung chính của Quyết định và quy hoạch liên quan đến ngành trồng trọt là đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của các vùng, gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ; xây dựng, triển khai cơ chế chính sách khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp an toàn; tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, hợp tác xã, trang trại và
doanh nghiệp. Đặc biệt, quy hoạch cũng định hướng là phát triển nông nghiệp đi vào CNH, HĐH theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững và có năng suất, chất lượng cao.
Đây là cơ sở và động lực cho ngành trồng trọt của tỉnh nói chung, vùng ven biển nói riêng thực hiện chuyển đổi hệ thống cây trồng hướng tới hiệu quả và bền vững. Vì thế, các tiến bộ về giống cây trồng, biện pháp kỹ thuật và quản lý sử dụng đất, sản xuất, thu hoạch, chăm sóc, bảo vệ các loại sản phẩm nông nghiệp cần được triển khai và áp dụng hiệu quả.
c. Thị trường với hệ thống cây trồng
Ngày nay, nông nghiệp đang chuyển dần từ tự cung tự cấp sang một ngành hướng theo nhu cầu. Thị trường, sự tiếp cận thị trường, các kênh thiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hệ thống cây trồng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thị trường là động lực thúc đẩy cải tiến hệ thống cây trồng hợp lý, thị trường có tác dụng điều chỉnh hệ thống cây trồng, chuyển dịch theo hướng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Thông qua thị trường, người sản xuất điều chỉnh quy mô sản xuất, cải tiến cây trồng, thay đổi giống cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với thị trường. Cải tiến hệ thống cây trồng chính là điều kiện và yêu cầu để mở rộng thị trường. Thị trường là động lực thúc đẩy cải tiến cơ cấu cây trồng, song mặt hạn chế là nếu để cho phát triển một cách tự phát sẽ dẫn đến sự mất cân đối ở một giai đoạn, một thời điểm nào đó. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của thị trường.
Hiện nay, thị trường nông thôn đang phát triển với sự tham gia đắc lực của các doanh nghiệp tư nhân, kể cả các mặt hàng xuất khẩu. Các hộ nông dân ngày càng phụ thuộc vào thị trường do thiếu hoạt động của hợp tác xã chế biến và tiêu thụ nông sản. Nếu các hợp tác xã nắm được khoảng 30% khối lượng hàng hoá thì tư thương sẽ mất độc quyền trong buôn bán.
Quá trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cây trồng cần chỉ rõ những yếu tố, nguyên nhân cản trở sự phát triển sản xuất, tìm ra các giải pháp khắc phục, đồng thời dự báo những vấn đề tác động kèm theo khi thực hiện về môi trường tự nhiên, kinh tế
- xã hội của vùng. Về mặt kinh tế, hệ thống cây trồng hợp lý cần thỏa mãn yêu cầu chuyên canh và tỷ lệ sản phẩm hàng hóa cao, bảo đảm việc hỗ trợ cho ngành sản xuất chính, tận dụng nguồn lợi tự nhiên, ngoài ra còn phải đảm bảo việc đầu tư lao động và vật tư kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao. Để xác định hệ thống cây trồng hợp lý, ngoài việc giải quyết tốt mối liên hệ giữa cây trồng với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội,
cần phải dựa trên phương hướng sản xuất của vùng. Phương hướng sản xuất quyết định hệ thống cây trồng, nhưng hệ thống cây trồng hợp lý sẽ là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách xác định phương hướng sản xuất (Trần Đức Viên, 1998).
2.2. NGHIÊN CỨU HỆ THỐNG CÂY TRỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
2.2.1. Nghiên cứu hệ thống cây trồng trên thế giới
Hệ thống cây trồng không những cung cấp thực phẩm thiết yếu cho con người mà còn ảnh hưởng đến sinh kế và sức khoẻ của người dân ở cả thành thị và nông thôn. Hệ thống cây trồng phản ánh việc sử dụng đất cho từng đối tượng cây trồng khác nhau ở điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Do vậy, khi thay đổi hệ thống cây trồng phải xem xét các yếu tố tự nhiên như khí hậu, đất đai, cây trồng và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống cây trồng thay đổi cũng là kết quả của cơ chế chính sách do chính phủ đề ra, sự đổi mới công nghệ và lợi nhuận kinh tế.
Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, cuộc cách mạng hệ thống cây trồng được thực hiện ở một số nước Tây Âu. Việc luân canh cây ngũ cốc thay thế hình thức canh tác độc canh trong sản xuất nông nghiệp, hay trồng các loại cây họ đậu làm thức ăn gia súc trong hệ thống cây trồng, nông cụ được cải tiến và tăng lượng phân bón đã nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp (Phạm Chí Thành & cs., 1996).
Châu Á là nơi có 90% diện tích trồng lúa và sở hữu 90% sản lượng lúa gạo thế giới, đồng thời là nơi diễn ra “cuộc cách mạng xanh” vào giữa thế kỷ XX. Việc chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống lúa nước, lúa mì ngắn ngày, năng suất cao, đã hình thành các cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống mới kết hợp với thâm canh trên đất có tưới và không tưới. Các nhà khoa học châu Á đã đi sâu nghiên cứu hệ thống cây trồng trên đất lúa và trên các vùng sinh thái khác nhau từ những năm 70 của thế kỷ XX. Hàng năm, các viện nghiên cứu nông nghiệp trên thế giới cũng đưa ra nhiều giống cây trồng để đưa vào công thức luân canh, cơ cấu cây trồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới để tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất (Nguyễn Ngọc Kính, 1995; Trần Đình Long & Lê Khả Tường, 1998).
Theo FAeO (2013), có 3 giải pháp cần phải thực hiện để đảm bảo nhu cầu nông sản ngày một tăng: (i) mở rộng diện tích, (ii) tăng năng suất và (iii) đa dạng hoá cây trồng. Việc mở rộng diện tích nông nghiệp là không khả thi bởi dân số ngày càng tăng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho các nhà máy,
doanh nghiệp mọc lên. Chính vì vậy, đa dạng hoá cây trồng trong hệ thống cây trồng là biện pháp hữu hiệu nhất. Bradshaw & cs. (2004) cho rằng, đa dạng hóa cây trồng (ở mức đồng ruộng, trang trại hay mức lãnh thổ) là một biện pháp để ứng phó với sự biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh hại trên cây trồng ngày càng tăng. Vukicevich & cs. (2016) cho rằng, sự đa dạng cây trồng, luân canh, xen canh và các biện pháp kỹ thuật canh tác trong hệ thống cây trồng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng của đất, chất lượng đất từ khía cạnh thời gian và không gian khác nhau. Hệ thống cây trồng đầu tiên được xây dựng để cây trồng đạt năng suất tối đa từ hệ hệ thống nông nghiệp, nhưng nông nghiệp hiện đại ngày càng quan tâm đến tính bền vững môi trường trong hệ thống cây trồng (Fargione & cs., 2018). Mục tiêu của việc duy trì độ phì nhiêu của đất là để đảm bảo sản lượng ổn định cao và tính bền vững môi trường trong thời gian dài của hệ thống cây trồng.
Trong hệ thống cây trồng, sự đa dạng các loại cây trồng không chỉ quyết định đến tối ưu hoá sản lượng cây trồng mà còn cải thiện tính chất lý, hoá và sinh học đất bởi sự cân bằng đa dạng sinh học đất, tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng trong đất và giảm mầm mống sâu bệnh gây hại ở trong đất (Barbieri & cs., 2019). Thực tế cho thấy, tối ưu hoá sự đa dạng cây trồng có rất nhiều tác dụng, không chỉ có lợi cho người sản xuất mà còn tác động có lợi đến môi trường. Cây trồng khác nhau yêu cầu các chất dinh dưỡng khác nhau, biện pháp kỹ thuật canh tác tác động vào đất cũng khác nhau nên khi đa dạng cây trồng trong hệ thống sẽ làm cho đất được điều hoà các chất dinh dưỡng, cải thiện tính chất vật lý và tăng khả năng hoạt động của các vi sinh vật trong đất, dẫn đến các đặc tính lý, hoá và sinh học đất được cải thiện. Đa dạng hóa cây trồng được coi là chiến lược quản lý nông nghiệp tạo điều kiện cho các biện pháp canh tác như luân canh, đa canh, xen canh, hỗn canh, làm cho HTCT đa dạng hơn theo không gian và thời gian (Lloret & cs., 2020). Đa dạng cây trồng cũng tác dụng có lợi đến đa dạng sinh học đất, sự bền vững của chu trình dinh dưỡng đất và độ phì của đất.
Ở Đài Loan, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, ngành nông nghiệp ở trong tình trạng sa sút, sức sản xuất thấp kém, nhưng đến năm 1953 ngành nông nghiệp đã phát triển và trở thành ngành chủ đạo của nền kinh tế Đài Loan. Điều này là do biện pháp kỹ thuật canh tác được cải tiến, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp được đưa vào nhằm tăng hệ số sử dụng đất đai. Ngoài ra, nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao (như lê phượng hoàng, chuối, cam, quýt, nấm tây…) được nhập nội và đưa vào sản xuất, đã giúp Đài Loan từ chỗ tự cung, tự cấp nông sản, chuyển sang sản xuất nông sản hàng hoá và xuất khẩu hàng loạt nông sản chế
biến. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã chọn tạo được cây màu chịu hạn và được trồng vào mùa khô để tăng vụ sau khi thu hoạch lúa mùa, hay chọn tạo các giống cây màu chịu bóng để trồng xen trong mía. Bên cạnh đó, nhằm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, Đài Loan đã tiến hành cải cách ruộng đất, cải tiến kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thúc đẩy việc kiến thiết nông thôn. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng phù hợp với công nghệ sản xuất hiện tại.
Ở Ai Cập, áp dụng kỹ thuật trồng gối khoai tây sau ngô và hướng dương làm tăng năng suất khoai tây lên 30-40%. Hay ở Bangladet, việc đa dạng hoá cây trồng trong hệ thống cây trồng đã làm tăng hiệu quả sử dụng ánh sáng, nước, tận dụng tối đa nguồn dinh dưỡng có trong đất, hạn chế sâu bệnh hại nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt (Dao the Anh & cs., 2006).
Tại Thái Lan, hình thức canh tác độc canh lúa (lúa xuân - lúa mùa) trong điều kiện thiếu nước cho hiệu quả thấp vì chi phí tưới quá lớn, thêm vào đó do độc canh lúa đã làm ảnh hưởng xấu tới độ phì nhiêu của đất. Hơn nữa, trồng liên tục hay độc canh cây ngũ cốc trong hệ thống cây trồng sẽ làm tăng dịch hại do mắt xích cung cấp thức ăn liên tục cho dịch hại có trên đồng ruộng (Ratnadass & cs., 2012). Do vậy, việc đưa cây họ đậu vào trong hệ thống cây trồng như công thức canh tác: Đậu tương
- Lúa mùa đã làm tăng gấp đôi giá trị tổng sản phẩm, độ phì của đất cũng tăng lên rõ rệt và đã mang lại thành công lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Nguyễn Duy Tính, 1995).
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với sự cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Một trong những giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu đó là thay đổi và điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo nguồn nước tưới sẵn có của vùng. Việc thay đổi hệ thống cây trồng có thể làm bằng cách giảm diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước hoặc thay thế loại cây trồng sử dụng lãng phí nước đó bằng cây trồng hay giống cây trồng sử dụng hiệu quả nước tưới (Wang & cs., 2011). Nguồn nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể được quản lý và sử dụng hiệu quả khi sắp xếp hệ thống cây trồng hợp lý, đặc biệt là vùng khó khăn về nước tưới.
Thành phần cây trồng trong hệ thống cây trồng không những ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng mà còn ảnh hưởng đến tính chất đất. Cụ thể, trong hệ thống cây trồng có cây lúa, khoai tây và đậu xanh đã làm tăng năng suất cây trồng, tăng sản lượng và tăng lượng lân dễ tiêu so với hệ thống cây trồng chỉ có trồng cây lúa gạo và lúa mỳ (Sharma & cs., 2009). Việc bố trí cây trồng trong công thức luân canh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Cụ thể, lúa mỳ ở công thức ngô
- lúa mỳ cho năng suất cao hơn đậu xanh - lúa mỳ và bông - lúa mỳ (Nawaz & cs., 2020). Ngoài ra, Prasad & cs. (2011) cũng chỉ ra rằng, cây trồng truyền thống như lúa, ngô trong hệ thống cây trồng cho lãi thuần thấp hơn rất nhiều so với việc chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như cây rau (khoai tây, củ cải). Hơn nữa, kết quả nghiên cứu của Nawaz & cs. (2020) cũng cho thấy, cây trồng trong hệ thống khác nhau cho lợi nhuận kinh tế khác nhau. Do đó, việc thay đổi cây trồng trong cơ cấu cây trồng sẽ thay đổi năng suất cây trồng dẫn đến lợi nhuận kinh tế cũng thay đổi.
Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu hệ thống cây trồng ứng với mỗi vùng sinh thái khác nhau để đưa ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể ở các nước đã thu được nhiều kết quả khả quan. Những nghiên cứu đó là cơ sở để tham khảo, chọn lọc và vận dụng vào nghiên cứu cải tiến hệ thống cây trồng trong điều kiện của Việt Nam.
2.2.2. Nghiên cứu hệ thống cây trồng ở Việt Nam
Hệ thống cây trồng ở nước ta đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu từ thập niên 60 của thế kỷ XX nhằm tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mỗi vùng.
Việc bố trí cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của vùng, cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lợi tự nhiên, lao động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư là rất cần thiết trong nghiên cứu hệ thống cây trồng. Ngoài ra, việc đưa thêm một số loại cây trồng hoặc thay thế giống cũ bằng giống mới vào trong cải tiến hệ thống cây trồng sẽ làm tăng sản lượng cây trồng/đơn vị diện tích canh tác/năm (Nguyễn Duy Tính, 1995). Bởi giống cây trồng là tư liệu sản xuất, chịu sự ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh và đóng vai trò quan trọng trong cải tiến cơ cấu cây trồng. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Lợi (2011) tại huyện Đồng Hỷ - Thái Nguyên cho thấy, sử dụng các giống mới trong cùng công thức luân canh đã tăng hiệu quả kinh tế lên rõ rệt so với sử dụng các giống cũ. Cụ thể, trong công thức luân canh lạc xuân - lúa mùa - ngô đông, khi sử dụng các giống mới thay thế giống cũ đã tăng thu nhập thuần 84%. Tương tự, việc thay thế giống mới trong công thức luân canh đậu tương xuân - lúa mùa
- ngô đông đã tăng thu nhập thuần 158%. Ngoài ra, để tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế trong hệ thống cây trồng cần cải tiến kỹ thuật canh tác. Cụ thể, việc sử dụng phụ phẩm cây trồng vụ trước vùi vào đất cho cây trồng sau với lượng 4,8-5,5 tấn/ha ở công thức luân canh 3 vụ/năm (lúa xuân - lúa mùa - ngô đông) đã làm tăng năng suất từ 6-18% (trên nền không bón phân chuồng) và 13-27% (trên nền bón phân chuồng) so với công thức đối chứng (không vùi phụ phẩm, chỉ bón phân NPK)