DANH MỤC HÌNH
Hình 3.1 Đường biểu diễn số loài của các họ thực vật 34
MỞ ĐẦU
1. Đặt vấn đề
Rừng là tài nguyên quý giá, là một bộ phận quan trọng của môi trường sống. Rừng không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), điều hoà khí hậu, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, ngăn chặn sự hoang mạc hoá, chống sói mòn, sạt lở đất, ngăn ngừa lũ lụt, đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng thời rừng cũng tạo cảnh quan phục vụ cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Rừng có được những chức năng đó là nhờ ĐDSH. ĐDSH là nguồn tài nguyên quý giá nhất, vì nó chỉ sự phong phú và đa dạng của giới sinh vật từ mọi nguồn trên trái đất, là sự sống còn và tiến hóa của các loài sinh vật.
Bảo tồn ĐDSH ngày nay đã trở nên hết sức quan trọng trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Nghiên cứu về ĐDSH hiện nay là một vấn đề có tính chiến lược, trong đó đa dạng thực vật chiếm vị trí hàng đầu vì thực vật có vai trò quyết định toàn bộ sự sống của các sinh vật khác. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn ĐDSH cần phải giải quyết như quan hệ giữa bảo tồn và phát triển bền vững hoặc tác động của biến đổi khí hậu đối với bảo tồn ĐDSH.
Việt Nam là một nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do vị trí địa lý nên Việt Nam được coi là một trong những trung tâm ĐDSH của Đông Nam Á. Từ kết quả nghiên cứu khoa học trên lãnh thổ Việt Nam, các nhà khoa học nhận định Việt Nam là một trong mười nước ở châu Á và một trong mười sáu nước trên thế giới có tính ĐDSH cao.
Khu rừng đặc dụng Pác Bó có Tổng diện tích 1.385 ha, trong đó: rừng trên núi đá 897,33ha, rừng trên núi đất 296,84ha, rừng trồng 24,22ha, (diện tích Khu di tích 536,92 ha theo Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó, tỉnh Cao Bằng).
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu đa dạng thực vật thân gỗ khu vực rừng đặc dụng Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - 1
- Nghiên cứu đa dạng thực vật thân gỗ khu vực rừng đặc dụng Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - 3
- Đặc Điểm Kinh Tế Xã Hội Xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng
- Kiểu Thảm Thực Vật Rừng Kín Thường Xanh Trên Núi Đá
Xem toàn bộ 73 trang tài liệu này.
Khu di tích lịch sử Pác Bó, Cao Bằng thuộc xóm Pác Bó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 55km về phía bắc, là nơi sau hơn 30 năm đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn để trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Và chính tại đây, Người đã có nhiều chủ trương và quyết định quan trọng góp phần cho sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Khu di tích bao gồm 42 di tích gốc tiêu biểu như cột mốc 108, núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Bó (tên địa phương có nghĩa là đầu nguồn), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài (trên núi Các Mác), bàn đá lịch sử nơi Bác Hồ làm việc, lán Khuổi Nặm,…. mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc đang được bảo tồn và được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan du lịch. Ngoài ra Pác Bó còn là nơi được thiên nhiên ưu đãi có núi non hùng vĩ sơn thuỷ hữu tình do vậy hàng năm Khu di tích đón trên 25.000 lượt khách đến để thăm quan du lịch vừa kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch sinh thái. Do vậy các tác động từ hoạt động du lịch và các hoạt động khác của con người tới môi trường sinh thái tại Pác bó là không hề nhỏ.
Chính vì vậy, công tác bảo tồn tính ĐDSH, bảo vệ vốn gen quí cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đã được tỉnh Cao Bằng rất quan tâm. Trong những năm qua, Khu rừng đặc dụng Pác Bó chưa có điều tra, đánh giá tài nguyên rừng, đánh giá được giá trị, tiềm năng và ý nghĩa của một khu bảo tồn, khu di tích lịch sử.. Để góp phần đánh giá tính đa dạng thực vật thân gỗ Khu rừng đặc dụng Pác Bó, làm cơ sở cho công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật vùng đá vôi, tôi chọn đề tài “Nghiên cứu đa dạng thực vật thân gỗ tại khu vực rừng đặc dụng Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng”
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục tiêu chung
Góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học cho trạng thái rừng ở khu rừng đặc dụng Pác Bó nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên thực vật tại khu vực nghiên cứu.
2.2. Mục tiêu cụ thể
+ Xác định được một số kiểu thảm thực vật rừng đặc trưng tại khu rừng đặc dụng Pác Bó và tính đa dạng thực vật thân gỗ trong các kiểu thảm thực vật rừng tại khu rừng đặc dụng Pác Bó.
+ Xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tính đa dạng và đề xuất một số giải pháp bảo tồn đa dạng thực vật thân gỗ tại khu vực nghiên cứu.
3. Ý nghĩa của đề tài
3.1. Ý nghĩa trong khoa học
Bổ sung dẫn liệu về tính đa dạng của thực vật thân gỗ và thảm thực vật của hệ sinh thái rừng là cơ sở khoa học cho bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thực vật.
3.2. Ý nghĩa trong thực tiễn
Kết quả nghiên cứu là những dẫn liệu cập nhật và là cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn các loài thực vật thân gỗ trong hệ sinh thái rừng đặc dụng Pác Bó.
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Những nghiên cứu trên thế giới
Các nghiên cứu về thảm thực vật
Sự khác nhau về điều kiện khí hậu và đất đai tạo ra các kiểu rừng có thành phần, cấu trúc và giá trị kinh tế rất khác nhau. Các nhân tố quan trọng nhất trong việc phân hoá các kiểu thảm thực vật rừng nhiệt đới là lượng mưa, nhiệt độ gắn liền với đai độ cao.
Thảm thực vật rừng hay lớp phủ cây cỏ trên mặt trái đất, gồm các quần thể thực vật thân gỗ, không những cung cấp lâm sản phục vụ cho đời sống con người, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão lốc,... (Thái Văn Trừng, 1978, 1999). Phân loại thảm thực vật là một nội dung quan trọng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Thảm thực vật được hình thành, tồn tại và phát triển trên nhiều điều kiện khác nhau. Vì vậy, sắp xếp và phân loại chúng là vấn đề rất khó và đã có nhiều hệ thống phân loại khác nhau.
Phân chia theo các điều kiện sinh thái: Sennhicop (1941, 1964) đưa ra quan điểm phân loại rừng theo nơi sống và quần xã thực vật, trên đó có các kiểu thảm thực vật đặc trưng. Kiểu phân loại này được dùng nhiều với loại đồng cỏ sử dụng làm cơ sở chăn nuôi và các quần xã cây trồng. Warming (1896) phân chia thảm thực vật thành kiểu thảm thực vật thủy sinh, hạn sinh, ẩm sinh, trung sinh. Đây là hệ thống phân loại lâu đời.
Phân loại theo cấu trúc ngoại mạo: Theo trường phái này quần hợp là đơn vị cơ bản của lớp phủ thực vật. Dấu hiệu được dùng làm cơ sở phân loại là hình thái ngoại mạo của thảm thực vật - đó là dạng sống ưu thế cùng điều kiện nơi sống. Tiêu biểu cho trường phái này có Rubel (1930), Mausel (1954), Ellenberg, Mueller và Dombois (1967).
Theo Schmitthusen (1959), ở châu Âu có 2 hệ thống phân loại thảm thực vật chủ yếu đó là hệ thống phân loại các quần xã thực vật của Braun – Blanquet (1928), được thực hiện chủ yếu bởi các nhà thực vật học theo trường phái của Pháp và hệ thống phân loại các quần thực vật chủ yếu được thực hiện bởi những nhà địa thực vật của Đức.
Về phân loại rừng phục vụ các mục đích kinh doanh rất đa dạng với nhiều trường phái và phương pháp phân loại khác nhau như: trường phái Liên Xô, trường phái Pháp, trường phái Hà Lan, trường phái Hoa Kỳ, Canada… Nói chung tuỳ theo mục đích nghiên cứu mà mỗi trường phái lựa chon mục đích chủ đạo và đưa ra nguyên tắc phân loại khác nhau. (Dẫn theo Phùng Ngọc Lan, 1986).
Liên Xô là một nước có lịch sử lâu dài về vấn đề phân loại rừng theo điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên phải đến đầu thế kỷ 20, Morodop G.F (1904) mới là người đặt nền móng vững chắc cho vấn đề phân loại rừng phục vụ kinh doanh. Theo ông, thì kiểu rừng là tập hợp các lâm phần có thể khác nhau về những đặc trưng thứ yếu nhưng tương tự nhau về lập địa, đặc biệt là về nhân tố thổ nhưỡng. Ông đã tiến hành phân loại rừng theo 5 yếu tố thành rừng:
Đặc tính sinh thái học của loài cây cao.
Hoàn cảnh địa lý (khí hậu, thổ nhưỡng, địa chất…).
Quan hệ giữa các thực vật tạo nên quần lạc và quan hệ giữa chúng với động vật.
Nhân tố lịch sử địa chất.
Tác động của con người.
Kế thừa học thuyết của Morodop G.F. và trên quan điểm coi rừng là một sinh địa quần lạc, Sukhatrép V. N. (1928) đã xây dựng nên trường phái phân loại kiểu rừng mà theo ông thì phải dựa vào những đặc điểm tổng hợp để phân loại. Khi tiến hành phân loại rừng thì yếu tố đều tiên cần phải chú ý là địa hình, sau đó là thực bì và thổ nhưỡng (ở đây địa hình tuy không phải là thành phần của quần lạc sinh địa nhưng nó nhân tố có ảnh hưởng lớn đến điều kiện hoàn cảnh, thông qua đó có ảnh hưởng đến các thành phần khác của sinh địa quần lạc). Sukhatrép chủ trương dùng các đơn vị phân loại cơ bản của quần lạc thực vật là quần hợp để xác định ranh giới của kiểu quần lạc sinh địa, vì nó có khả năng phản ánh điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của quần lạc sinh địa.
Theo Schmithusen (1959), thảm thực vật trái đất được phân chia thành 9 lớp quần hệ sau là: lớp quần hệ rừng, lớp quần hệ đồng cỏ, lớp quần hệ cây bụi nhỏ và nửa cây bụi, lớp quần hệ sống 1 năm, lớp quần hệ hoang mạc, lớp quần hệ thực vật hồ nước nội địa và lớp quần hệ thực vật biển.
UNESCO (1973) đã công bố một khu phân loại thảm thực vật thế giới dựa trên nguyên tắc ngoại mạo cấu trúc và được thể hiện trên bản đồ 1:2000 000. Hệ thống đó được sắp xếp như sau [18]:
Lớp quần hệ
Dưới lớp quần hệ 1.A1. Nhóm quần hệ 1.A1.1. Quần hệ 1.A1.1.1. Dưới quần hệ
Theo hệ thống phân loại này thì thảm thực vật thế giới có 5 lớp quần hệ là:
1. Lớp quần hệ rừng kín (Close forest)
2. Lớp quần hệ rừng thưa (Open stand of tree)
3. Lớp quần hệ cây bụi (Scrubland)
4. Lớp quần hệ cây bụi lùn và các quần xã có liên quan (Dwarf – Scrubland related communities)
5. Lớp quần hệ trảng cỏ (Herbaceous Vegetation)
Nghiên cứu về tính đa dạng số lượng loài và số lượng taxon của hệ thực vật:
Engler (1882) đưa ra con số thống kê cho thấy số loài thực vật thế giới là
275.000 loài, trong đó thực vật có hoa có 155.000 - 160.000 loài, thực vật không có hoa
30.000 - 135.000 loài. Riêng thực vật có hoa trên thế giới, Van lop (1940) đưa ra con số 200.000 loài, Grosgayem (1949) là 300.000 loài. Hai vùng giàu có nhất thế giới là Brazil 40.000 loài và quần đảo Malaixia 45.000 loài. Hệ thực vật giàu loài liên quan không chỉ có điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi mà còn phụ thuộc vào các nhân tố lịch sử. Trung Âu có 3500 loài, 800 chi, 120 họ (1/6,6/29,2 tức là một họ có 6,6 chi và 29,2 loài) trong khi đó ở Trung Trung Hoa có 2900 loài 936 chi 155 họ (1/6/12,2) (Dẫn theo Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008).
Theo Phạm Hoàng Hộ (1999-2003), hệ thực vật trên thế giới như sau: Pháp có khoảng 4.800 loài, châu Âu 11.000 loài, Ấn Độ khoảng 12-14.000 loài, Canada có khoảng 4.500 loài kể cả loài du nhập, cả Bắc Mỹ có trên 14.000 loài, Malaysia và Indonesia có khoảng 25.000 loài.
Lê Trần Chấn và cs (1999), đưa ra con số về số lượng loài thực vật ở cácvùng như sau: vùng hàn đới (đất mới: 208 loài); vùng ôn đới (Litva: 1439 loài), Cận nhiệt đới (Palextin: 2334 loài); vùng nhiệt đới ẩm và nhiệt đới gió mùa (Philippin: 8099 loài, Bắc Việt Nam: 5609 loài.
Theo Maxwell and Elliott (2001) tại Vườn quốc gia Doi Suthep-Pui ở miền Bắc Thái Lan, với diện tích 261km2 có 2.220 loài. Trong đó, rừng thường xanh có độ phong phú về loài cây có mạch cao nhất (930 loài) so với các loại rừng khác: rừng rụng lá-tre nứa có 740 loài, rừng hỗn giao có 755 loài, rừng nửa rụng lá - Sồi, có 533 loài, rừng thường xanh – Thông có 540 loài.
Cho đến nay, chưa có đầy đủ các tài liệu nói về hệ thực vật của các nước Đông Dương. Ngoài bộ sách nổi tiếng Flore générale de l’Indochine của Lecomte xuất bản tại Pari (1907 - 1951). Một số công trình tổng quát ít nhiều nói về hệ thực vật Đông Dương như Vidal (1960). Những công trình lớn khác cần được kể đến là Bộ Thực vật chí Campuchia, Lào và Việt Nam viết bằng tiếng Pháp, do Aubreville (1960 – 1997) chủ biên, bộ sách gồm 29 tập bộ Flore du Cambodge, du Laos et du Vietnam từ bao gồm 74 họ cây có mạch (chưa đầy 20% tổng số các họ) do các nhà thực vật Pháp biên soạn.
Nghiên cứu về đa dạng thực vật thân gỗ
Ramin và cs. (2016), nghiên cứu đa dạng thực vật thân gỗ trong rừng tại khu vực Ghalagol thuộc Khorramabad, tỉnh Lorestan, Iran. Kết quả thống kê cho thấy có 11 loài thực vật thân gỗ: Acer cinerascens, Quercus brantii var. persica, Cotoneaster morulus, Pyrus syriaca, Amygdalus sp., Cerasus brachypetalus, Crataegus meyeri, Daphne mucronata, Salix sp., Fraxinus sp., và Lonicera nummulari.
Markos Kuma (2016) nghiên cứu đa dạng loài thực vật thân gỗ trong rừng ở Wolaita, Ethiopia. Kết quả cho thấy có tổng số 80 loài thân gỗ thuộc 43 họ đã được xác định. Trong số các họ trong khu vực, có 1 họ (Fabaceae) là họ chiếm ưu thế nhất và đóng góp 10 loài (12,5%). 26 họ (Acanthaceae, Aloaceae, Anacardiaceae, Annonaceae, Apiaceae, Araliaceae, Bignoniaceae, Dracaenaceae, Ebenaceae, Ericaceae, Flacourtiaceae, Guttiferae, Hypericaceae, Lamiaceae, Melianthaceae, Olacaceae, Oliniaceae, Podocarpaceae, Rubiacea, Santalaceae, Solanaceae,