Các Nghiên Cứu Về Tính Đa Dạng Thực Vật Trên Núi Đá Vôi


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng

Đề tài giới hạn đối tượng nghiên cứu về đa dạng thực vật thân gỗ là các loài cây gỗ, cây bụi thân gỗ, dây leo thân gỗ, cây ký sinh bì sinh thân gỗ trên núi đá vôi tại Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, tỉnh Thái Nguyên

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về thảm thực vật: Nghiên cứu các kiểu thảm thực vật tự nhiên trên toàn Khu bảo tồn.

- Về hệ thực vật: Đề tài chỉ nghiên cứu các loài thực vật thân gỗ trên núi đá vôi.

- Về những tác động của người dân địa phương tới tài nguyên rừng của Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng: Chỉ nghiên cứu những tác động trực tiếp.

3.3. Địa điểm nghiên cứu

Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên 6 xã và 1 thị trấn, nhưng do xã Phú Thượng và thị trấn Đình Cả, rừng đã bị tàn phá nhiều, tính đa dạng loài thấp. Vì vậy, đề tài sẽ tập trung nghiên cứu các kiểu thảm thực vật rừng trên núi đá vôi ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái nằm trên 5 xã phía Bắc Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng là: Xã Thần Sa, Thượng Nung, Nghinh Tường, Sảng Mộc và xã Vũ Chấn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

4.1. Ý nghĩa khoa học

Nghiên cứu tính đa dạng và đề xuất giải pháp bảo tồn thực vật thân gỗ trên núi đá vôi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tỉnh Thái Nguyên - 3

Bổ sung dẫn liệu về tính đa dạng của thực vật thân gỗ và thảm thực vật của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.

4.2. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài

Kết quả nghiên cứu là những dẫn liệu cập nhật và là cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp bảo tồn các loài thực vật thân gỗ trong hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tại Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng.

5. Đóng góp mới của luận án

- Đã nghiên cứu một cách có hệ thống về đa dạng thực vật thân gỗ trên núi đá vôi tại Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, tỉnh Thái Nguyên.

- Phân loại và đánh giá hiện trạng thảm thực vật tại Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng theo phương pháp của UNESCO, 1973.

- Xác định được vị trí phân bố của 30/49 loài thực vật thân gỗ quý hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa tại Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng, làm cơ sở để lập kế hoạch bảo tồn.


Chương 1

TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


1.1. Những nghiên cứu trên thế giới

1.1.1. Các nghiên cứu về thảm thực vật

Sự khác nhau về điều kiện khí hậu và đất đai tạo ra các kiểu rừng có thành phần, cấu trúc và giá trị kinh tế rất khác nhau. Các nhân tố quan trọng nhất trong việc phân hoá các kiểu thảm thực vật rừng nhiệt đới là lượng mưa, nhiệt độ gắn liền với đai độ cao.

Thảm thực vật rừng hay lớp phủ cây cỏ trên mặt trái đất, gồm các quần thể thực vật thân gỗ, không những cung cấp lâm sản phục vụ cho đời sống con người, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác hại của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão lốc,... (Thái Văn Trừng 1978, 1999)[157, 158]. Phân loại thảm thực vật là một nội dung quan trọng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Thảm thực vật được hình thành, tồn tại và phát triển trên nhiều điều kiện khác nhau. Vì vậy, sắp xếp và phân loại chúng là vấn đề rất khó và đã có nhiều hệ thống phân loại khác nhau.

Phân chia theo các điều kiện sinh thái: Sennhicop (1941, 1964) [109, 110] đưa ra quan điểm phân loại rừng theo nơi sống và quần xã thực vật, trên đó có các kiểu thảm thực vật đặc trưng. Kiểu phân loại này được dùng nhiều với loại đồng cỏ sử dụng làm cơ sở chăn nuôi và các quần xã cây trồng. Warming (1896) phân chia thảm thực vật thành kiểu thảm thực vật thủy sinh, hạn sinh, ẩm sinh, trung sinh. Đây là hệ thống phân loại lâu đời.

Phân loại theo cấu trúc ngoại mạo: Theo trường phái này quần hợp là đơn vị cơ bản của lớp phủ thực vật. Dấu hiệu được dùng làm cơ sở phân loại là hình thái ngoại mạo của thảm thực vật - đó là dạng sống ưu thế cùng điều kiện nơi sống. Tiêu biểu cho trường phái này có Rubel (1930)[219], Mausel (1954)[218], Ellenberg, Mueller và Dombois (1967)[217].

UNESCO (1973) [206] đưa ra một khung phân loại chung cho thảm thực vật thế giới mà có thể thể hiện trên bản đồ 1:1.000.000 và nhỏ hơn. Khung phân loại này không dựa hẳn vào một nguyên tắc hay hệ thống đã có mà nó kết hợp các nguyên tắc lại với nhau ở những mức độ khác nhau. Tiêu chuẩn cơ bản của hệ thống phân loại này là cấu trúc, ngoại mạo. Bậc phân loại cao nhất của hệ thống này là lớp quần hệ, bậc thấp nhất ở dưới phân quần hệ (dưới quần hệ phụ).


Phân loại thảm thực vật theo động thái và nguồn gốc phát sinh: Theo trường phái này, dựa vào các đặc điểm khác nhau của thảm thực vật ở các trạng thái. Đó là quần cao đỉnh, quần xã dẫn xuất, hay là quần xã ở các giai đoạn của quá trình hình thành quần xã cao đỉnh. Đại diện cho trường phái này là Ramenski (1938)[103], Gorotkop (1946), Sotrava (1972)[112], Clemets (1916), Whittaker (1953)[209]. Trường phái này khẳng định tính liên tục của thảm thực vật.

Phân loại thảm thực vật theo thành phần hệ thực vật: Đại diện là Braun - Blanquet (1928)[215] và các nhà nghiên cứu của nước Đức, Hung, Ba Lan, Rumani,… Nguyên tắc cơ bản của trường phái này là dựa vào loài đặc trưng để phân chia quần hợp thực vật. Yếu điểm của trường phái này là chỉ chú ý đến loài thực vật, ít chú ý đến các yếu tố khác, hơn nữa phương pháp này cần một số lượng rất lớn các bảng mô tả ô tiêu chuẩn nên rất tốn kém và khó làm.

Phân loại rừng phục vụ mục đích kinh doanh:

Phân loại rừng phục vụ mục đích kinh doanh đã hình thành và phát triển từ đầu thế kỷ XX với công trình tiêu biểu là “Học thuyết về các kiểu rừng” của Morodov G. F. [86]. Trong đó, Morodov G. F. đã trình bày những vấn đề cơ bản về sinh thái rừng và coi kiểu rừng là đơn vị phân loại cơ bản. Mặc dù còn những thiếu sót nhất định, học thuyết về kiểu rừng của Morodov đã được các nhà nghiên cứu ở Liên Xô (cũ) kế thừa và phát triển như: Pogrepnhiac, Sucasop, Alechxeep, Nesterov, Melekhov,...

Kế thừa học thuyết của Morodov G. F. và trên quan điểm coi rừng là một sinh địa quần lạc, Sucasop V. N. [115] đã xây dựng hệ thống phân loại với đơn vị cơ bản là kiểu rừng. Hệ thống phân loại kiểu rừng của Sucasop V. N. đã phục vụ thiết thực cho công tác kinh doanh rừng ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, và đã được một số nước Đông Âu như Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc áp dụng.

Ở vùng nhiệt đới có thể nêu một số công trình nghiên cứu của các tác giả như: Grisebach (1872), Drude (1890) và Warming (1896), Champion H.G. (1936)… Burt-Davy J. (1938), đã thực hiện một công trình tổng hợp tất cả các bảng phân loại đã có và đề nghị một khung phân loại thảm thực vật nhiệt đới áp dụng cho toàn thế giới. Đó là một công trình có giá trị, nhưng lại khó áp dụng vào việc phân loại thảm thực vật của từng vùng (Thái Văn Trừng, 1978) [157].

Beard J. S. (1946)[221], một nhà lâm học người Anh đã đề nghị một hệ thống phân loại quần thể thực vật ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, và sau đó đến năm 1955 dựa vào kết quả điều tra ông đã chỉnh lý và đưa ra một hệ thống 3 cấp gồm quần hợp,


quần hệ và loạt quần hệ. Hệ thống phân loại này được xem là một trong những hệ thống phân loại tốt nhất ở Châu Mỹ nhiệt đới được Richards P. W. đề nghị áp dụng cho các vùng nhiệt đới khác. Nhược điểm của hệ thống này là không lập được một khung phân loại tổng quát, trong đó những nhân tố sinh thái phát sinh phải được xếp theo một trật tự nào đó như Van Steenis đã đề nghị.

Một số nhận xét: Trên thế giới, các nghiên cứu về thảm thực vật đều hướng vào việc xây dựng khung phân loại để trên cơ sở đó xác định các kiểu thảm thực vật phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo: kinh doanh rừng, đánh giá hiện trạng, phân bố của thực vật. Đối với lĩnh vực nghiên cứu về đa dạng sinh học thì đây là một nội dung cần thiết nhằm xác định đối tượng, môi trường, cảnh quan và các yếu tố sinh thái liên quan đến nơi sống, điều kiện sinh trưởng phát triển của thực vật làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược bảo tồn loài, bảo tồn sinh cảnh.

1.1.2. Nghiên cứu về đa dạng hệ thực vật

- Nghiên cứu về tính đa dạng số lượng loài và số lượng taxon của hệ thực vật:

Engler (1882) đưa ra con số thống kê cho thấy số loài thực vật thế giới là

275.000 loài, trong đó thực vật có hoa có 155.000 - 160.000 loài, thực vật không có hoa

30.000 - 135.000 loài. Riêng thực vật có hoa trên thế giới, Van lop (1940) đưa ra con số 200.000 loài, Grosgayem (1949) là 300.000 loài. Hai vùng giàu có nhất thế giới là Brazil 40.000 loài và quần đảo Malaixia 45.000 loài. Hệ thực vật giàu loài liên quan không chỉ có điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi mà còn phụ thuộc vào các nhân tố lịch sử. Trung Âu có 3500 loài, 800 chi, 120 họ (1/6,6/29,2 tức là một họ có 6,6 chi và 29,2 loài) trong khi đó ở Trung Trung Hoa có 2900 loài 936 chi 155 họ (1/6/12,2) (Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008) [137].

Theo Phạm Hoàng Hộ (1999-2003)[57], hệ thực vật trên thế giới như sau: Pháp có khoảng 4.800 loài, châu Âu 11.000 loài, Ấn Độ khoảng 12-14.000 loài, Canada có khoảng 4.500 loài kể cả loài du nhập, cả Bắc Mỹ có trên 14.000 loài, Malaysia và Indonesia có khoảng 25.000 loài.

Lê Trần Chấn và cs (1999)[19], đưa ra con số về số lượng loài thực vật ở các vùng như sau: vùng hàn đới (đất mới: 208 loài); vùng ôn đới (Litva: 1439 loài), Cận nhiệt đới (Palextin: 2334 loài); vùng nhiệt đới ẩm và nhiệt đới gió mùa (Philippin: 8099 loài, Bắc Việt Nam: 5609 loài.

Vườn quốc gia Doi Suthep-Pui ở miền Bắc Thái Lan, với diện tích 261km2

có 2.220 loài. Trong đó, rừng thường xanh có độ phong phú về loài cây có mạch cao nhất (930 loài) so với các loại rừng khác: rừng rụng lá-tre nứa có 740 loài, rừng


hỗn giao có 755 loài, rừng nửa rụng lá - Sồi, có 533 loài, rừng thường xanh - Thông có 540 loài. (Maxwell and Elliott, 2001)[190]

Cho đến nay, chưa có đầy đủ các tài liệu nói về hệ thực vật của các nước Đông Dương. Ngoài bộ sách nổi tiếng Flore générale de l’Indochine của Lecomte xuất bản tại Pari (1907 - 1951)[223]. Một số công trình tổng quát ít nhiều nói về hệ thực vật Đông Dương như Vidal (1960)[229], Schimid (1989) đã cho con số tổng quát khoảng 10.000 loài và dự đoán có thể con số đó tăng lên 12.000 đến 15.000 loài. Những công trình lớn khác cần được kể đến là Bộ Thực vật chí Campuchia, Lào và Việt Nam viết bằng tiếng Pháp, do Aubreville chủ biên, bộ sách gồm 29 tập bộ Flore du Cambodge, du Laos et du Vietnam từ 1960 - 1997 [220] bao gồm 74 họ cây có mạch (chưa đầy 20% tổng số các họ) do các nhà thực vật Pháp biên soạn.

Vị trí của hệ thực vật Đông Dương trong tổng thể của hệ thực vật toàn thế giới đã được Takhtajan (1978)[204] và nhiều tác giả đề cập tới.

Theo Lê Trần Chấn và cs (1999)[19], trong phạm vi bắc bán cầu, tỷ lệ 10 họ giàu loài nhất của hệ thực vật giảm dần từ vùng bắc cực đến vùng xích đạo (từ gần 75% đến khoảng 40%). Trong khi đó số họ chiếm vị trí nổi bật trong 10 họ giàu loài nhất tăng dần từ vùng nhiệt đới (10%) đến vùng ôn đới, nhất là hàn đới.

Nghiên cứu về hệ thực vật Trung Quốc có thể kể một số tác giả như: Dunn S.

T. và Tutcher W. J. (1912)[173] về thực vật chí Quảng Đông và Hồng Kông; Chen Feng-hwai và Wu Te-lin (1987-2006)[172] về thực vật chí Quảng Đông; Hang Tseng-chieng (1994-2003)[180] đã cho ra đời bộ thực vật Đài Loan; Wu Zheng-yi và Raven P.H. (1994-2007)[213] với thực vật chí Trung Quốc, Wu Te-lin (2002)[214] với Danh lục các loài thực vật Hồng Kông. Mới đây nhất, năm 2008, Hu Shiu-ying [181] với cuốn Thực vật chí Hồng Kông.

Tính đa dạng về các yếu tố địa lý thực vật:

Cơ sở lý luận của địa lý thực vật được hình thành và phát triển chỉ sau khi học thuyết tiến hóa của S. Darwin ra đời. Sau đó, trong nửa sau thế kỷ XIX có nhiều công trình nghiên cứu địa lý thực vật ra đời. Như công trình “Lớp phủ thực vật của trái đất” của A. Grisebach, “Địa lý thực vật sinh thái học” của E. Warming (1896), “Cơ sở sinh lý của địa lý cây cỏ” của A. F. W. Schimper (1898). A. Engler người Đức (1879, 1882) đã nghiên cứu những nguyên lý lịch sử trong địa lý sinh vật. Ở Nga có các công trình như: “Những tài liệu về địa lý thực vật của vùng Aral Kaxpinxki” của I.G. Borsov (1865). Năm 1903, G.I.Tanfilev công bố công trình


nhìn chung về thảm thực vật ở Nga kem bản đồ tỷ lệ 1:25.000.000. Đây là tấm bản đồ địa lý thực vật đầu tiên của Nga.

Thế kỷ XX là thời kỳ phát triển nhanh chóng của khoa học địa lý thực vật. Có một số công trình đáng chú ý như: “Quần xã thực vật trên trái đất” của E. Riuben (1930), “Cơ sở địa lý thực vật” của C.A.Cain (1944), “Địa lý thực vật có hoa” của R.Gud (1953), “Lớp phủ thực vật của trái đất” của A.P.Ilinxki (1937), “Địa lý thực vật” của V.V.Aleokhin (1938), “Địa lý lịch sử về thực vật” của E.V.Vulf (1936) và nhiều công trình khác. Địa lý thực vật trong thời kỳ này phát triển theo các xu hướng chính sau: đánh giá số lượng thực vật, phân vùng địa lý thực vật. (Theo Lê Vũ Khôi và cs, 2001)[67].

Mỗi hệ thực vật bao gồm các loài giống nhau và khác nhau về nguồn gốc phân bố địa lý do sự phụ thuộc vào điều kiện môi trường và lịch sử phát sinh. Ý nghĩa chủ yếu của việc phân tích nguồn gốc phát sinh là để phân biệt hai nhóm thực vật: bản địa và di cư. Yếu tố bản địa của hệ thực vật được hiểu là các loài tham gia vào thành phần hệ thực vật xuất hiện trong ranh giới không gian của hệ thực vật được nghiên cứu. Trên thực tế, việc xác định loài (chi, họ,...) đặc hữu dựa trên khu phân bố hiện tại là hoàn toàn khả thi nhờ nguồn tư liệu thực vật chí đã công bố của nhiều nước. Nó không cần phải nghiên cứu đầy đủ về cổ thực vật và cổ địa lý, trong khi đó để khẳng định loài bản địa hoặc di cư thì tư liệu về cổ địa lý, cổ thực vật lại hết sức quan trọng.

Một vấn đề cũng rất quan trọng khi phân tích đặc trưng phân bố địa lý của hệ thực vật là xác định các loài đặc hữu. Theo T. Pócs [227], A.I.Tolmachop [205], J.Schmithusen [108]: “… đặc hữu là những loài chỉ phân bố ở một vùng (miền, địa phương…) duy nhất trên trái đất, không thể phát hiện được ở bất kỳ nơi nào khác”. Rõ ràng là với cách hiểu này thì khi xác định tính đặc hữu chỉ cần quan tâm đến không gian phân bố hiện tại của loài này hoặc loài kia, chứ không cần biết nguồn gốc phát sinh của chúng. Nó khác với việc phân tích hệ thực vật về mặt di truyền là để xác định nguồn gốc phát sinh, từ đó khẳng định đây là loài bản địa hoặc di cư.

Về phương diện phân tích và đánh giá hệ thực vật Đông Dương phải kể đến Gagnepain (1944), tác giả đã phân tích toàn bộ hệ thực vật của bán đảo Đông Dương và khẳng định hệ thực vật Đông Dương nghèo đặc hữu (12%) mà chủ yếu các yếu tố di cư.


Về xác định yếu tố địa lý của từng loài có các tác giả như: Aliochin (1961)[168], Schmidthusen (1964)[108], Pocs Tamas (1965) [227], Takhtajan

(1978)[204], K. et J. Mackinon (1986)[187], Wu (1991)[212].

Trong điều kiện hiện nay, việc nghiên cứu các yếu tố di truyền và lịch sử là hết sức khó khăn đòi hỏi phải có đủ các dẫn liệu về cổ thực vật trong khi các nghiên cứu về cổ thực vật còn quá ít. Do đó chúng ta chỉ có thể xem xét về mặt địa lý thực vật tức là xem xét sự phân bố biện tại để phân chia và sắp xếp thực vật thành các yếu tố địa lý thực vật.

Như vậy, từ các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, tính đa dạng về hệ thực vật đã được nghiên cứu từ thế kỷ XIX. Các nghiên cứu tính đa dạng của hệ thực vật thường tập trung vào việc điều tra thống kê số lượng loài ở vùng, khu vực, một quốc gia cụ thể. Trên cơ sở đó đánh giá độ phong phú về thành phần loài, sự phân bố của hệ thực vật theo các bậc taxon, theo các yếu tố địa lý, dạng sống… Đây là cơ sở dữ liệu để phân tích tính đa dạng thực vật ở một vùng nào đó và để đánh giá so sánh giữa các vùng, các quốc gia.

1.1.3. Nghiên cứu về đa dạng của thực vật thân gỗ

Kuznetsov A. N. và cs (2011) [69], đã nghiên cứu trong hầu hết các kiểu rừng nhiệt đới gió mùa điển hình. Kết quả đã thống kê được những cây gỗ thuộc 119 họ thực vật, trong đó có 8 họ hạt trần, 110 họ thực vật có hoa và 1 họ thực vật bào tử. Từ 119 họ, có tới 3140 loài cây gỗ, đặc biệt có 10 họ với số lượng loài rất lớn có tới 1720 loài cùng với 10 chi lớn nhất chứa 574 loài.

Năm 1999, nhóm chuyên gia Thông của IUCN/SSC đã công bố Hiện trạng và Kế hoạch bảo tồn của nhóm (Farjon & Page, 1999)[174]. Báo cáo này đánh giá tình hình của Thông trên thế giới, bao gồm cả Danh lục đỏ toàn cầu cũng như những gợi ý chung cho công tác bảo tồn loài. Trên thế giới có 630 loài Thông thuộc 69 chi, trong đó có 291 loài Thông trên thế giới được đánh giá bị đe dọa tuyệt chủng ở mức quốc tế.

1.1.4. Các nghiên cứu về tính đa dạng thực vật trên núi đá vôi

Khi nghiên cứu thảm thực vật trên núi đá, đặc biệt trên núi đá vôi ở nhiệt đới, nhiều chuyên gia về thực vật, địa lý thực vật, thổ nhưỡng đã rất ngạc nhiên trước hệ sinh thái hùng vĩ có vẻ đẹp kỳ diệu và lại cho nhiều sản phẩm quý giá. Đồng thời những nghiên cứu này cũng khuyến cáo rằng: Một khi rừng núi đá vôi bị tàn phá nặng nề thì rừng rất khó có thể tự phục hồi trở lại, đặc điểm này khác hẳn với vùng núi đất. Sau khi thảm thực vật núi đá vôi bị mất, dưới các trận mưa lớn và cường độ


mạnh ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm (như ở Việt Nam), đất đá lại ít và mỏng, vách núi gần như dựng đứng, sau thời gian không lâu phần lớn đất sẽ bị gột rửa xuống chân núi. Hơn nữa núi đá khi không có tán rừng che phủ, biên độ nhiệt cao, phong hoá sẽ rất mạnh, đá nứt thành từng tảng và sạt lở rơi xuống chân núi gây ra nhiều thiệt hại đe doạ đời sống và sản xuất của nhân dân (Hoàng Kim Ngũ và Phạm Văn Điển, 2000) [94].

Viện Lâm nghiệp Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc) đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của một số loài cây trên núi đá vôi như: Tông dù, Mắc rạc (Dầu choòng), Xoan nhừ, Lát hoa, Nghiến,... trong thời kỳ 1985-1998. Những nghiên cứu đó đã được tổng kết sơ bộ sau nhiều hội thảo khoa học ở Học viện Lâm nghiệp Bắc Kinh với sự tham gia của nhiều nhà khoa học Lâm nghiệp đầu ngành của nước này và những hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật phục hồi rừng trên núi đá vôi đã được xây dựng. Tuy nhiên, những nguyên lý về phục hồi và phát triển rừng trên núi đá vôi chưa được tổng kết một cách có hệ thống nên việc áp dụng những hướng dẫn này cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam còn khiêm tốn và đang trong giai đoạn thử nghiệm. (Hoàng Kim Ngũ và Phạm Văn Điển, 2000) [94].

Như vậy, có thể thấy rằng nghiên cứu về thực vật thân gỗ và thực vật trên núi đá vôi trên thế giới vẫn còn khá là khiêm tốn, thông thường các nghiên cứu về đa dạng sinh học được tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ hoặc ở một vùng và cho cả thảm thực vật rừng chứ không riêng với loài nào. Nhưng núi đá vôi là một hệ sinh thái đặc thù, trong những năm qua tình trạng phá rừng trên núi đá diễn ra khá phổ biến nên vấn đề phục hồi hệ sinh thái này ngày càng được quan tâm, chính vì vậy đã có một số loài thực vật đặc trưng cho vùng núi đá đã được nghiên cứu thử nghiệm gây trồng trên núi đá vôi, tuy nhiên việc phục hồi là rất khó khăn nên vấn đề bảo tồn hệ sinh thái núi đá càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

1.1.5. Ứng dụng các chỉ số đa dạng sinh học trong nghiên cứu thực vật

Whittaker (1975) [210] và Sharma (2003) [200] phân biệt 3 loại đa dạng sinh học loài khác nhau đó là đa dạng alpha (), đa dạng beta () và đa dạng gama ().

Hầu hết các nghiên cứu phân tích đánh giá về thảm thực vật đều áp dụng phương pháp Quadrat (Mishra, 1968; Rastogi, 1999 và Sharma, 2003)[62]. Quadrat là một ô mẫu hay đơn vị lấy mẫu có kích thước xác định và có thể có nhiều hình dạng khác nhau. Có 4 phương pháp Quadrat có thể được áp dụng đó là: phương pháp liệt kê, phương pháp đếm, phương pháp đếm và phân tích, và phương pháp ô cố định.

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 15/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí