năm 2016, chưa dựa trên dữ liệu thực của bệnh nhân khi mà dữ liệu này đang được khuyến cáo sử dụng trong các nghiên cứu kinh tế dược và do đó đôi khi không phản ánh đúng và đầy đủ thực tế điều trị của người bệnh. Mặt khác, nghiên cứu của tác giả không có phân nhóm thuốc điều trị khi ước tính, cũng như mô hình mô phỏng chỉ dừng ở một năm mà không đánh giá trạng thái bệnh nhân ổn định sau điều trị; do đó, không thể xác định được chi phí bệnh nhân BCMDT sử dụng IM hoặc NL chi trả cho điều trị.
Qua thu thập số liệu người bệnh BCMDT giai đoạn mạn sử dụng thuốc IM và người bệnh BCMDT kháng hoặc không dung nạp IM sử dụng thuốc NL, bệnh nhân có độ tuổi trung bình là khoảng 47, thấp hơn so với tuổi trung bình mắc bệnh ở các nước châu Âu và Mỹ; nhưng tương đồng với với các nghiên cứu khác ở Châu Á
[49] cũng như các nghiên cứu ở Việt Nam [2], [27], [36]. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận cho tỷ lệ nam: nữ, với tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn so với nữ giới [2], [27], [36], [42], [48]. Sự khác biệt về tỷ lệ mắc BCMDT theo giới đã được ghi nhận từ sớm trong nhiều nghiên cứu, không chỉ riêng bệnh BCMDT mà trong các bệnh ung thư khác với phần lớn tỷ lệ mắc bệnh của nam cao hơn nữ giới và tiên lượng sống/thời gian sống thêm trung bình của nam thấp hơn so với nữ giới [53]. Điều này ngụ ý rằng, mặc dù nam giới có ít các nguy cơ xấu hơn so với nữ giới nhưng lại có khả năng sống sót thấp hơn, do đó cần được lưu ý trong quá trình điều trị [53]. Các đặc điểm xã hội học khác có liên quan gồm trình độ học vấn, nơi ở và nghề nghiệp cũng được khảo sát trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy đa số bệnh nhân có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở xuống (trên 70%), sống ở tỉnh thành khác (trên 70%) và có khoảng 30% thuộc nhóm nghề nghiệp có thu nhập thấp (nông dân, nội trợ, thất nghiệp/không thể làm việc). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu dịch tễ học người bệnh BCMDT tại Indonesia (68% từ trung học phổ thông trở xuống, 27% thuộc nhóm nghề nghiệp có thu nhập thấp) [123] và Brazil (76% từ trung học phổ thông trở xuống, 28% có thu nhập thấp và phần lớn bệnh nhân sống xa Bệnh viện) [122]. Như vậy, dựa trên thu nhập của người bệnh, khi chương trình viện trợ thuốc kết thúc có thể dự đoán có ít nhất 30% bệnh nhân sẽ ngừng điều trị hoặc chuyển qua điều trị HU với hiệu quả điều trị thấp và tác dụng phụ cao. Ngoài
ra, trong nghiên cứu ở Brazil còn ghi nhận, trình độ học vấn là yếu tố nhân khẩu học có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị của thuốc và tỷ lệ tử vong của người bệnh [122]. Điều này được tác giả lý giải là giáo dục cao hơn giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bản chất bệnh, kiên trì và có động lực để tuân thủ các phương pháp điều trị lâu dài, thường xuyên và đến tái khám đúng hẹn [122]. Qua đó, có thể dự đoán rằng tỷ lệ bệnh nhân sẽ ngừng điều trị hoặc chuyển qua điều trị HU sẽ còn cao hơn. Điều này có thể không những làm gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, khi mà bệnh nhân có thể tiến triển sang giai đoạn nặng hơn với chi phí điều trị cao hơn.
So với nghiên cứu của tác giả Lưu Thị Phương Anh [2] thực hiện năm 2019 ước tính chi phí điều trị bệnh nhân BCMDT sử dụng TKI, kết quả ước tính chi phí của đề tài thấp hơn khoảng 3 lần. Điều này được lý giải là do sự thay đổi giá thuốc IM và NL sau Hội nghị Tổng kết Chương trình viện trợ thuốc GIPAP/VPAP và triển khai giải pháp sau khi chương trình viện trợ kết thúc vào tháng 02/2020 (giá thuốc IM giảm từ 404.250 VNĐ xuống còn 116.000 VNĐ, giảm 3,5 lần và giá thuốc NL giảm từ 707.435 VNĐ xuống còn 241.000 VNĐ, giảm 2,9 lần) [10].
Mặc dù giá thành thuốc IM và NL giảm đáng kể và được Quỹ BHYT thanh toán 80% thay vì 50% theo Thông tư số 01/2020/TT-BYT [6], chi phí điều trị vẫn là một gánh nặng kinh tế lớn không những đối với bệnh nhân BCMDT không tham gia bảo hiểm y tế và kể cả bệnh nhân có BHYT có tỷ lệ thanh toán BHYT thấp. Trong trường hợp giả định bệnh nhân BCMDT có mức thanh toán BHYT 80%, tổng chi phí 1 lần điều trị của bệnh nhân BCMDT sử dụng TKI khoảng 3,5 – 5,9 triệu VNĐ. Chi phí này cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2018 (3,8 triệu VNĐ hoặc 3,9 triệu VNĐ sau khi quy đổi về năm 2019 dựa trên chỉ số CPI) và cao hơn nhiều lần so với chi tiêu y tế bình quân một người có khám chữa bệnh ngoại trú trong 1 tháng năm 2016 (98.242 VNĐ hoặc 108.238 VNĐ sau khi quy đổi về năm 2019 dựa trên chỉ số CPI) [41].
Chi phí thuốc cao và mức thanh toán BHYT cho thuốc còn thấp là những rào cản lớn làm cho bệnh nhân không muốn tham gia điều trị, giảm tuân thủ điều trị từ đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây lãng phí thuốc và tốn kém cho bệnh nhân bao
gồm kháng thuốc, bệnh tiến triển, cần phải ghép tế bào gốc và có khả năng tử vong [67], [69], [71]. Điển hình như trong các nghiên cứu thực hiện ở Mỹ như của tác giả Dusetzina SB và cộng sự (2014) [69] cho thấy việc bệnh nhân phải đồng chi trả với hạn mức cao làm giảm 42% khả năng tuân thủ điều trị so với bệnh nhân có hạn mức đồng chi trả thấp; hoặc trong nghiên cứu của tác giả Doshi JA và cộng sự (2016)
[67] cho thấy nhóm bệnh nhân không thuộc đối tượng hỗ trợ chi trả phải chịu mức đồng chi trả từ 25% đến 33% cho thuốc TKI trong giai đoạn đầu và điều này làm cho bệnh nhân không muốn tham gia điều trị, từ đó làm giảm khả năng nhận lợi ích từ bảo hiểm ở các giai đoạn sau và giảm hiệu quả điều trị bệnh. Chính vì vậy, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, việc đa dạng hóa hình thức chi trả bên cạnh việc chi trả từ nguồn BHYT hoặc tăng mức thanh toán BHYT cho người bệnh, việc duy trì chương trình viện trợ thuốc hoặc tiến hành đàm phán giảm giá thuốc là cần thiết và nhân đạo. Ngoài ra, nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy BHYT quốc gia được bổ sung bởi BHYT tư nhân thành công trong việc bù đắp các khoản thanh toán lớn cho người bệnh [51].
Dựa trên kết quả tổng quan hệ thống cho thấy, có 2/10 nghiên cứu tương tự trên thế giới ước tính chi phí gián tiếp và trực tiếp ngoài y tế mà trong một số trường hợp, chi phí này có thể chiếm tỷ trọng cao, gây gánh nặng kinh tế lớn cho người bệnh. Kết quả phân tích đặc điểm người bệnh BCMDT giai đoạn mạn sử dụng TKI của đề tài cho thấy, trên 80% bệnh nhân sống ở tỉnh thành khác đến điều trị bệnh và có đến 20% bệnh nhân có người thân đi cùng khi tái khám, do đó việc ước tính các chi phí này trong đề tài là thiết thực và quan trọng, giúp cho nhà quản lý có cái nhìn rõ nét và bao quát hơn gánh nặng kinh tế không chỉ riêng điều trị bệnh mà những chi phí khác của bệnh nhân và gia đình. So sánh với các nghiên cứu phân tích chi phí điều trị bệnh BCMDT giai đoạn mạn có ước tính chi phí gián tiếp và trực tiếp ngoài y tế cho thấy, kết quả ước tính của đề tài thấp hơn nghiên cứu ở Thái Lan [98] khoảng 2 lần và thấp hơn rất nhiều lần so với nghiên cứu thực hiện ở Thụy Sĩ [77]. Sự khác biệt này có thể được giải thích bởi sự khác nhau trong cấu phần ước tính và sự khác biệt về đơn giá và mức thu nhập; cụ thể nghiên cứu tại Thái Lan có bao gồm ước tính chi phí gián tiếp do mất năng suất lao động của bệnh
Có thể bạn quan tâm!
- Cấu Phần Chi Phí Trực Tiếp Y Tế Bệnh Nhân Ghép Tủy
- Chi Phí Và Hiệu Quả Của Các Phác Đồ Điều Trị
- Phân Tích Độ Nhạy 2 Chiều Từ Quan Điểm Xã Hội
- Bàn Luận Về Kết Quả Phân Tích Chi Phí – Hiệu Quả Của Nl So Với Im Trong Điều Trị Bcmdt Tại Việt Nam
- Phân Tích Chi Phí-Hiệu Quả Của Nl So Với Im Trong Điều Trị Bcmdt Tại Việt Nam
- Nghiên cứu chi phí - hiệu quả của nilotinib so với imatinib trong điều trị bạch cầu mạn dòng tủy tại Việt Nam - 17
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
nhân, nhưng không ước tính chi phí gián tiếp của người đi cùng và người làm hộ công việc, nghiên cứu ở Thuỵ Sĩ có ước tính chi phí chi tiêu công cộng (public consumption cost) và Thụy Sĩ có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 10,5 lần của Việt Nam. Qua đó cho thấy, việc ước tính chi phí cần phải được tiến hành riêng rẽ ở từng quốc gia vì như vậy mới phản ánh chân thực gánh nặng kinh tế bệnh ở từng nước. Phân tích cấu phần chi phí cho thấy, nếu xét tổng chi phí điều trị của bệnh nhân, chi phí trực tiếp ngoài y tế và gián tiếp chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 5%), tuy nhiên nếu nhìn ở một khía cạnh khác, khi không xét chi phí thuốc TKI trong tổng chi phí điều trị, chi phí trực tiếp ngoài y tế và gián tiếp chiếm tỷ trọng lên đến 35-40% trong tổng chi phí điều trị. Những chi phí này chủ yếu là chi phí đi lại và ăn uống khi phải chờ đợi kết quả của người bệnh và sẽ là một rào cản lớn khi nó có thể vượt quá khả năng chi trả của nhiều người do phần lớn bệnh nhân là ở tỉnh thành khác và có thu nhập thấp. Chính vì vậy, việc phát triển các chương trình hỗ trợ chi phí ngoài y tế hoặc xây dựng chính sách phân bổ cấp phát thuốc đến các bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa tỉnh cho bệnh nhân ngoại trú khi đã đạt trạng thái bệnh ổn định nhằm giảm chi phí đi lại và thời gian chờ đợi là cần thiết để người bệnh có thể duy trì điều trị và đạt được thành công trong điều trị [117].
Các tác dụng phụ của thuốc TKI là vấn đề cần đáng lưu ý. Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm các độc tính về huyết học (giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu trung tính) và các độc tính không phải huyết học (phù, tăng cân, đau mỏi cơ xương khớp rối loạn tiêu hóa) [19], [23]. Mỗi bệnh nhân chịu ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ của thuốc TKI theo mức độ khác nhau, đa số ở mức độ có thể chấp nhận được và gần 95% các tác dụng phụ của thuốc xảy ra trong năm đầu tiên và tăng không quá 5% trong năm thứ hai [23], [127]. Mặc dù đề tài không ước tính riêng chi phí điều trị cho từng loại tác dụng phụ trong tổng chi phí điều trị, tuy nhiên theo các chuyên gia lâm sàng cũng như các nghiên cứu trước đó, các chi phí này chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng chi phí điều trị và do đó không ảnh hưởng đến kết luận của đề tài [101].
Ngoài chi phí điều trị bệnh nhân giai đoạn mạn, chi phí điều trị ghép tủy và chi phí điều trị bạch cầu cấp được ước tính đầy đủ và chi tiết trong đề tài. Mặc dù
kết quả ước tính của luận án chưa có sự phân biệt chi phí điều trị ghép tủy do nguyên nhân bệnh BCMDT hoặc chi phí điều trị bệnh BCMDT chuyển cấp, cũng như chưa xem xét ảnh hưởng bệnh kèm đến tổng chi phí điều trị bởi vì : (1) những khó khăn trong việc thu thập số liệu khi mà số lượng bệnh nhân tiến hành ghép tủy rất ít do chi phí ghép tủy cao và do dó tỷ lệ bệnh nhân BCMDT tiến hành ghép tủy càng cực kỳ thấp; điều này tương tự đối với bệnh nhân BCMDT chuyển cấp khi mà phần lớn bệnh nhân BCMDT ở giai đoạn mạn và khi bệnh nhân đã chuyển cấp thì tiên lượng sống của bệnh nhân rất ngắn; (2) theo ý kiến của các chuyên gia lâm sàng, việc điều trị ghép tủy hoặc điều trị chuyển cấp ở bệnh nhân BCMDT được thực hiện tương tự như ở các nhóm bệnh khác, điểm khác biệt duy nhất đó chính là hiệu quả điều trị của nhóm bệnh nhân chuyển cấp từ BCMDT thấp hơn so với nhóm bệnh nhân còn lại. Do đó, việc ước tính chi phí điều trị ghép tủy trên tất cả các nhóm bệnh và ước tính chi phí điều trị bạch cầu cấp thay vì bệnh nhân BCMDT chuyển cấp của đề tài sẽ không có sự khác biệt lớn; mặt khác, việc thực hiện phân tích độ nhạy một chiều và phân tích độ nhạy xác suất được thực hiện ở các phần sau đó đã củng cố tính tin cậy của kết quả nghiên cứu. Nhìn chung, đây là nghiên cứu kinh tế dược đầu tiên đánh giá chi phí điều trị ở 2 nhóm bệnh nhân này và đây có thể là nguồn tham khảo cho các nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế khác có sử dụng mô hình bao gồm trạng thái bệnh ghép tủy hoặc bạch cầu cấp.
Mặc dù chi phí dịch vụ y tế được được lấy từ bảng kê khai chi phí khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú của từng bệnh nhân, tuy nhiên, các chi phí này chỉ bao gồm 5/7 cấu phần của một chi phí đầy đủ, 2 cấu phần còn lại (chi phí khấu hao nhà cửa và chi phí đào tạo - nghiên cứu khoa học) sẽ được tính đúng và đủ theo lộ trình [16], [33]. Như vậy, kết quả chi phí điều trị trong luận án đang phản ánh thấp hơn chi phí thực tế, hay có thể nói kết quả phân tích chi phí – hiệu quả của đề tài thấp hơn so với thực tế. Tuy nhiên, đối với người bệnh giai đoạn mạn sử dụng TKI, chi phí thuốc điều trị chiếm tỷ trọng lên đến 95% trong tổng chi phí trực tiếp y tế, do đó kết quả sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn kể cả khi giá dịch vụ y tế thay đổi. Ngoài ra, bằng việc phân tích độ nhạy một chiều một lần nữa cho thấy, kể cả khi
biến đổi chi phí dịch vụ y tế trong khoảng dao dộng của giá trị, chỉ số ICER không chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự biến đổi của chi phí này.
Mặc dù bệnh BCMDT không phải là bệnh phổ biến cũng như số lượng bệnh nhân thực hiện ghép tủy và bệnh nhân bạch cầu cấp điều trị hóa chất còn hạn chế, cỡ mẫu nghiên cứu vẫn là một trong những điểm mạnh và thể hiện quy mô của đề tài cần được nói đến, với tổng số 440 bệnh nhân BCMDT giai đoạn mạn sử dụng thuốc TKI, 96 bệnh nhân ghép tủy và 145 bệnh nhân bạch cầu cấp được thu thập tại hai bệnh viện đầu ngành ở miền Bắc và miền Nam trong điều trị các bệnh về máu và ghép tủy với số lượng bệnh nhân lớn. Mặt khác, việc lấy số liệu bằng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên ở hai bệnh viện này cho thấy kết quả nghiên cứu của đề tài mang tính đại diện cao cho quần thể bệnh nhân nghiên cứu tại Việt Nam. Mặc dù có sự khác biệt về cỡ mẫu nghiên cứu giữa các nhóm trạng thái bệnh và điều này có thể gây khó hiểu hoặc không đồng thuận cho các nhà nghiên cứu lâm sàng khi mà cỡ mẫu trong các nghiên cứu RCT hoặc các nghiên cứu can thiệp cần thiết có sự đồng nhất giữa các nhóm bệnh. Tuy nhiên, đặc thù của nghiên cứu kinh tế dược là xây dựng mô hình mô phỏng các trạng thái bệnh khác nhau và các trạng thái bệnh trong mô hình là tách biệt; chính vì vậy, sẽ tùy thuộc vào đặc điểm dịch tễ học trạng thái bệnh đó mà có cỡ mẫu tương ứng.
Một trong những điểm mạnh khác và thể hiện sự chi tiết của đề tài là phân tích chi phí dưới quan điểm của cả cơ quan chi trả và quan điểm xã hội. Như vậy, kết quả của đề tài không những cho cái nhìn toàn diện và bao quát về gánh nặng kinh tế của bệnh mà còn cung cấp bằng chứng và dữ liệu cho cơ quan chi trả và nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng và ban hành các chính sách điều trị và chính sách chi trả liên quan đến thuốc.
4.1.2.4. Hiệu quả từng trạng thái bệnh
Đối với các liệu pháp điều trị ung thư, QALY là một chỉ số đánh giá hiệu quả quan trọng vì nó không chỉ đánh giá trên việc kéo dài tuổi thọ của người bệnh mà còn xem xét đến CLCS của những năm tăng thêm đó. Khi nhiều bệnh nhân được điều trị bằng thuốc TKI đồng nghĩa với việc cuộc sống của người bệnh dự kiến sẽ kéo dài hơn, chất lượng đạt được của những năm sống tăng thêm sẽ đóng vai trò
trung tâm trong việc đánh giá hiệu quả điều trị các liệu pháp [124]. Do đó, chỉ số QALY được lựa chọn làm kết quả đầu ra cho đề tài là một lợi thế, bởi vì chỉ số này giúp nghiên cứu xác định được các kết quả tương tự có được lặp lại, giảm tính thiên vị và sai số cho nghiên cứu [127].
Trong các chỉ số thỏa dụng ở các trạng thái bệnh, tổng cộng có 3/9 chỉ số thỏa dụng được ghi nhận từ người Việt Nam, trong đó có 2 chỉ số thỏa dụng quan trọng là chỉ số thỏa dụng của bệnh nhân BCMDT sử dụng IM và NL đã được thu thập và phân tích trong đề tài.
CLCS bệnh nhân BCMDT đã được thực hiện trước đó bởi tác giả Tran TA
[136] vào năm 2016. Mặc dù có sự giống nhau về mục tiêu nghiên cứu, nghiên cứu của tác giả Tran TA sử dụng bộ câu hỏi chuyên biệt EORTC-QLQ C30 thay vì bộ công cụ EQ-5D-5L như của đề tài. So sánh giữa 2 bộ công cụ, thì bộ công cụ EQ- 5D-5L có ưu điểm hơn trong các nghiên cứu phân tích chi phí – hiệu quả vì: (1) bảng câu hỏi có phiên bản Tiếng Việt đã được đánh giá về tính chính xác và tin cậy, số lượng câu hỏi ngắn (5 câu hỏi) và khá đơn giản do đó thuận tiện khi phỏng vấn;
(2) bộ câu hỏi sau thu thập có thể chuyển đổi dễ dàng sang chỉ số thỏa dụng dựa trên thang điểm quy đổi CLCS, do đó thường được sử dụng trong các nghiên cứu phân tích kinh tế dược trong khi đó công cụ EORTC-QLQ C30 chưa làm được điều này [106]; (3) bộ thang điểm quy đổi CLCS cho bảng câu hỏi EQ-5D-5L hiện tại đã được xây dựng riêng cho người Việt Nam vào năm 2017-2018 dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế [103]; do đó là lợi thế lớn trong nghiên cứu khi phản ánh thực tế hiệu quả điều trị tại địa phương cũng như có thể so sánh với các nghiên cứu khác trên thế giới; nhất là khi bệnh BCMDT là bệnh liên quan đến di truyền và hiệu quả điều trị của thuốc TKI có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm quần thể người khác nhau. Ngoài ra, nghiên cứu của tác giả Tran TA [136] không có sự phân loại CLCS theo các nhóm (bệnh nhân mới hoặc kháng thuốc; thuốc IM, NL hoặc điều trị hóa chất). Bên cạnh đó, kết quả của đề tài thực hiện khảo sát ở 2 bệnh viện đầu ngành trong điều trị với cỡ mẫu lên đến 460 người bệnh so với chỉ khảo sát ở một Bệnh viện như trong nghiên cứu của tác giả Tran TA [136], qua đó có thể giúp phản ánh đầy đủ và đại diện CLCS của người bệnh BCMDT.
Kết quả ước tính chỉ số thỏa dụng bệnh nhân BCMDT sử dụng TKI của đề tài so với kết quả của các nghiên cứu khác trên thế giới có sự tương đồng. Cụ thể, nghiên cứu đánh giá CLCS bằng công cụ EQ-5D trên bệnh nhân BCMDT sử dụng IM của tác giả O'Brien và cộng sự cho điểm CLCS sau 3, 6, 9, 12 tháng điều trị dao động từ 0,840-0,855 [115] hoặc của tác giả Teng-Chou Chen và cộng sự cho điểm CLCS trung bình 0,80 ± 0,08 [61]. So với kết quả nghiên cứu trên bệnh mạn tính khác, đánh giá CLCS của đề tài cho kết quả tương tự; cụ thể, điểm CLCS của bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải dao động từ 0,78-0,95, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dao động từ 0,43-0,62 và bệnh ung thư vú là 0,72-0,81 [65].
So sánh CLCS bệnh nhân sử dụng NL và IM cho thấy, bệnh nhân sử dụng NL có CLCS thấp hơn so với nhóm IM (0,875 so với 0,889), tuy nhiên sự khác biệt giữa hai nhóm là không có ý nghĩa thống kê (p=0,2837) kể cả khi NL chỉ được sử dụng sau khi bệnh nhân kháng hoặc không dung nạp IM. Qua đó gợi ý cho việc sử dụng sớm NL sẽ mang lại hiệu quả lớn cho người bệnh [128]. Tuy nhiên, điều này cần phải được kiểm chứng lại trên lâm sàng.
Việc không có chỉ số thỏa dụng NL bước 1 của bệnh nhân BCMDT và giả định chỉ số thỏa dụng này bằng với bệnh nhân sử dụng thuốc IM bước 1 là một nhược điểm lớn của nghiên cứu vì điều này có thể dẫn đến tổng hiệu quả trên toàn thời gian sống của người bệnh có thể thấp hơn, hay nói một cách khác có thể dẫn đến chỉ số ICER cao hơn so với thực tế và điều này có thể gây ra sai lệch kết luận nghiên cứu. Mặc dù giả định này được đặt ra dựa trên các nghiên cứu đánh giá CLCS trên thế giới cũng như các nghiên cứu tương tự khi phân tích chi phí – hiệu quả của NL trong điều bước 1 BCMDT, việc xây dựng hướng dẫn điều trị cho phép sử dụng thuốc NL trong điều trị bước 1 cho bệnh nhân BCMDT là cần thiết giúp cập nhật được kết quả của đề tài, mở ra nhiều hướng nghiên cứu trong tương lai và cung cấp nhiều lựa chọn điều trị.
Đối với các chỉ số thỏa dụng ở các trạng thái bệnh còn lại, bằng phương pháp tổng quan hệ thống dựa trên hướng dẫn của Cochrane và được thực hiện mới vào tháng 03/2020 với tiêu chí ưu tiên lựa chọn các nghiên cứu tổng quan hệ thống được cập nhật mới nhất hoặc các nghiên cứu thực hiện ở châu Á trên cỡ mẫu lớn và quy mô đa quốc gia, các chỉ số thỏa dụng trong đề tài được lựa chọn từ tổng số 1.248 bài