chênh lệch giữa giá bồi thường và giá nộp thuế tại thời điểm gần nhất sẽ điều tiết theo cơ chế điều tiết phần giá trị gia tăng do địa tô chênh lệch tạo ra.
Những người sử dụng cùng loại đất như nhau sẽ được hưởng cùng chế độ bồi thường như nhau không phân biệt thu hồi đất vào mục đích an ninh quốc phòng hay mục tiêu kinh doanh sinh lợi.
Đối với các chủ SDĐ đang SDĐ làm phương tiện kinh doanh, khi đất bị thu hồi thì phải được tạo điều kiện để tái lập lại các điều kiện kinh doanh bằng đất, mặt bằng kinh doanh hoặc các điều kiện đảm bảo sinh kế cho người có đất bị thu hồi. Trường hợp thuộc đối tượng được bồi thường về đất nhưng không có đất cùng mục đích sử dụng để bồi thường thì được bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng để tạo lập việc làm cho người có đất bị thu hồi. Chính sách này sẽ giúp cho các địa phương khai thác nguồn lực đất đai phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh cho người bị thu hồi có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm và sinh kế để ổn định cuộc sống.
Như vậy, chính sách bồi thường về đất khi nhà nước thực hiện thu hồi đất cần thực hiện theo hướng: “Xác định giá đất bồi thường cần tính theo giá đất cụ thể được sử dụng khi tính thuế và ghi trong cơ sở dữ liệu của thửa đất. Trong trường hợp tại thời điểm thu hồi, giá đất trên thị trường tăng cao đột biến thì bồi thường theo giá thị trường; phần chênh lệch giữa giá bồi thường và giá tính thuế của thửa đất sẽ được điều tiết theo nguyên tắc điều tiết giá trị gia tăng do địa tô chênh lệch tạo ra”.
5.2.3. Khuyến nghị nhằm tăng cường tác động của các yếu tố làm gia tăng giá trị đất đô thị
Đất đai tại khu vực đô thị luôn có sự vận động và chuyển dịch trong quá trình phát triển KT-XH. Trong tiến trình vận động, nhu cầu sử dụng đất đô thị cho các hoạt động có càng lớn, điều này khiến cho giá trị đất đô thị tự gia tăng. Bên cạnh đó, giá trị đất đô thị còn chịu tác động ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau như tác động của nhà nước, đầu tư của người SDĐ, doanh nghiệp phát triển BĐS. Trên cơ sở các kết quả rút ra từ nghiên cứu luận án, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường tác động của các yếu tố làm gia tăng giá trị đất đô thị như sau:
Thứ nhất: Đổi mới công tác lập quy hoạch và đảm bảo các quy hoạch tại đô thị mang tính liên kết thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Kết quả nghiên cứu luận án cho thấy, trong 03 cơ chế tác động khi nhà nước can thiệp bằng quy hoạch thì cơ chế “Mức độ thực thi” của can thiệp có tác động mạnh nhất đến sự gia tăng giá trị đất đô thị. Theo đó, để tăng cường mức độ gia tăng giá trị đất đai do quy hoạch mang lại cần thực hiện giải pháp hạn chế tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch thiếu tính khả thi. Có một số nguyên tắc và nội dung cần thực hiện như là:
Có thể bạn quan tâm!
- Kết Quả Ma Trận Sau Khi Xoay Nhân Tố Lần Cuối Các Biến Độc Lập
- Tổng Hợp Đánh Giá Các Chính Sách Điều Tiết Giá Trị Đất Gia Tăng Tại Việt Nam
- Chính Sách Tài Chính Đất Đai Khác Có Liên Quan
- Nghiên cứu các yếu tố tác động đến gia tăng giá trị đất đô thị tại Việt Nam - 24
- O'sullivan, A (2012), Urban Economics 8Th, Mcgraw-Hill/irwin, New York.
- Todaro, M. P., & Smith, S. C. (2015), Economic Development, 12Th Edition, Pearson, United States Of America.
Xem toàn bộ 301 trang tài liệu này.
- Nâng cao chất lượng lập quy hoạch, liên kết các loại quy hoạch với nhau và đảm bảo tính thống nhất giữa các loại và cấp quy hoạch. Trong đó, quy hoạch SDĐ phải phù hợp với các loại quy hoạch bao gồm: quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển đô thị; Đảm bảo thực hiện nguyên tắc các quy hoạch được thống nhất về một quy hoạch mang tính tích hợp;
- Đẩy nhanh quá trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch; đảm bảo tính định hướng của các quy hoạch; trong đó, quy hoạch SDĐ phải đi trước một bước nhằm bảo đảm sự phân bổ một cách hợp lý, có hiệu quả quỹ đất đô thị cho quá trình phát triển; hạn chế tình trạng điều chỉnh các quy hoạch tùy tiện, nhiều lần và phụ thuộc vào nhà đầu tư;
- Gắn kết công tác lập quy hoạch chi tiết với các giải pháp thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Cụ thể, cần xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch của các ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch; đồng thời, cần bố trí đủ các nguồn lực cho quá trình thực thi quy hoạch đô thị;
- Có những quy định về chế tài gắn liền với các quy hoạch để tránh tình trạng thực hiện không theo quy hoạch hoặc vi phạm quy hoạch, sau đó đề nghị sửa đổi bổ sung quy hoạch hoặc tự ý sửa đổi, bổ sung quy hoạch không đúng thẩm quyền;
- Cụ thể hóa và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về sự tham gia và cơ chế lấy ý kiến của người dân trong quá trình lập và điều chỉnh các loại quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch SDĐ. Thông qua quá trình lấy ý kiến của người dân, nội dung liên quan đến các quy hoạch phát triển tại đô thị được công bố công khai & giúp người SDĐ có đủ thông tin để ra quyết định về cách sử dụng đất hiệu quả và hợp lý.
Thứ hai: Thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển CSHT đô thị, bao gồm chú trọng nâng cấp hệ thống CSHT (kỹ thuật & xã hội) tại các đô thị hiện hữu, quản lý và phát triển mới có hiệu quả hạ tầng cơ sở tại các khu vực sẽ trở đô thị.
Qua phân tích có thể thấy rằng, đất đô thị tồn tại trong mối quan hệ gắn bó giữa các chức năng SDĐ khác nhau, có sự tương tác và tác động qua lại lẫn nhau dựa trên hệ thống CSHT kỹ thuật và xã hội. Khi đầu tư CSHT, hai cơ chế đó là “Tạo ra các cơ hội phát triển”, “Cải thiện các tiện ích và khả năng tiếp cận đất đai” có tác động mạnh làm gia tăng giá trị đất đô thị. Chính vì vậy, nhà nước cần chú ý một số nội dung có liên quan đến việc tăng cường thúc đẩy cơ chế tác động như sau:
- Ưu tiên vốn cho phát triển CSHT hạ tầng kỹ thuật đô thị, bố trí và tập trung vốn đầu tư cho các công trình CSHT kỹ thuật trọng điểm (đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông). Đây được coi là giải pháp căn bản đóng vai trò làm “đầu kéo” và động lực,
tạo ra những cơ hội phát triển cho các đô thị. Để huy động vốn đầu tư cần thực hiện giải pháp: (i) Sử dụng vốn ngân sách hiệu quả; (ii) Thu hút và khai thác nguồn vốn đầu tư CSHT đô thị của khu vực tư nhân thông qua hình thức đối tác công tư; (iii) Tăng cường khai thác quỹ đất và tài sản công là các công trình CSHT để tạo vốn cho quá trình đầu tư hạ tầng đô thị;
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa sự gia tăng của dân số và quá trình đầu tư CSHT tại các đô thị, góp phần cải thiện các tiện ích, khả năng tiếp cận của đất đai do các các công trình CSHT mang lại. Trong thực tế, sau khi các CSHT kỹ thuật tại đô thị được hoàn thiện, đi vào khai thác vận hành, đã góp phần tạo ra những cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, khi có các công trình CSHT mới được nâng cấp, đã kéo theo số lượng dân đô thị tăng quá nhanh – điều này lại gây ra những tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận đất đai tại đô thị do các hiện tượng quá tải, ùn tắc giao thông đô thị. Để giải quyết mối quan hệ này thực hiện một số giải pháp như: (i) Tính toán, dự báo và xác định tương đối chính xác tốc độ gia tăng dân số đô thị trong tương lai; (ii) Thực hiện các đánh giá hiệu quả dựa trên phân tích lợi ích - chi phí (Cost benefit analysis- CBA) đối với các dự án đầu tư CSHT tại đô thị; cần có thêm các đánh giá dự án CSHT đô thị sau đầu tư để có được bằng chứng khoa học, từ đó có tác động can thiệp chính sách điều chỉnh phù hợp; (iii) Có thể cân nhắc áp dụng một số biện pháp kiểm soát tỷ lệ gia tăng dân số tại khu vực đô thị nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận đất đai tại đô thị;
- Quan tâm đầu tư phát triển của hệ thống CSHT xã hội bên cạnh công trình hạ tầng kỹ thuật; tăng cường quản lý và giám sự chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng xã hội tại đô thị, nhất là tại các khu đô thị mới. Đây là hướng giải pháp nhằm giúp đạt được các mục tiêu cụ thể như là: tăng cường sự gia tăng giá trị phi kinh tế của đất đai, cải thiện các tiện ích của khu vực đất mới phát triển, bên cạnh các cơ hội kinh doanh được tạo ra và thay đổi trong khả năng tiếp cận đất đai. Đây chính là tổng thể các giải pháp mà nhà nước cần triển khai để đảm bảo cho các nhà đầu tư (doanh nghiệp BĐS) cam kết thực hiện đúng như quy hoạch được phê duyệt, khi phát triển hạ tầng kỹ thuật – xã hội trong quá trình phát triển đất đai theo các dự án tại đô thị. Cụ thể, có một số giải pháp cần thực hiện như sau: (i) Đảm bảo các các tiêu chí về hạ tầng xã hội theo hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn quy định trong quá trình phê duyệt các dự án phát triển CSHT và phát triển khu đô thị mới; (ii) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra quá trình đầu tư xây dựng và việc sử dụng đất tại các khu đô thị; (iii) Ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp gia tăng đầu tư phát triển CSHT xã hội; đồng thời, áp dụng chế tài và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm trong đầu tư CSHT đô thị và phát triển SDĐ tại các khu đô thị.
Thứ ba: Có các định hướng và giải pháp thực hiện hiệu quả những biến động trong quá trình chuyển mục đích SDĐ tại các khu vực ven đô và khu vực quy hoạch trở thành đô thị.
Trong thực tiễn, khi các quyết định liên quan đến chuyển đổi mục đích SDĐ được các cơ quan quản lý chấp thuận sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá đất trên thị trường tại khu vực được chuyển đổi. Nguyên nhân là do: (i) Các quyết định liên quan đến mục đích SDĐ thường tạo ra các cơ hội phát triển lớn về công năng, mục đích sử dụng của loại đất được chuyển đổi; (ii) Giá đất bị chi phối bởi yếu tố tâm lý trên thị trường – xuất hiện hiện tượng đầu cơ; điều này đã làm cho cơ chế giá đất không phản ánh đúng quan hệ thị trường. Theo kết quả nghiên cứu của luận án, cơ chế “Tạo ra cơ hội phát triển” và “Mức độ thực thi” có tác động mạnh đến sự gia tăng của giá trị đất đô thị. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần chú ý thực hiện một số nội dung trong quá trình quản lý để cải thiện tác động làm gia tăng giá trị đất đô thị trong quá trình chuyển mục đích SDĐ như sau:
- Công bố đầy đủ và minh bạch các thông tin về quy định chuyển mục đích SDĐ để định hướng người SDĐ trong khu vực và vùng lân cận khu vực chuyển đổi mục đích SDĐ có các định hướng và phương án SDĐ hợp lý; góp phần hạn chế hiện tượng thông tin bất đối xứng và giảm thiểu hoạt động đầu cơ trên thị trường đất đai & BĐS;
- Tăng cường mật độ SDĐ đô thị phù hợp theo định hướng bố trí SDĐ đa công năng; kết hợp các mục đích SDĐ và chuyển đổi đất đai thành những khu chức năng mới có hiệu quả hơn nhằm tối ưu diện tích đất đô thị được đưa vào SDĐ;
- Cần có các giải pháp và cơ chế giám sát hữu hiệu trong quá trình thực hiện quy hoạch, chuyển đổi mục đích SDĐ tại đô thị và quá trình biến động trong SDĐ tại các khu dân cư ven đô.
5.3. Hạn chế của luận án và gợi ý cho nghiên cứu tiếp theo
5.3.1. Hạn chế của nghiên cứu
Mặc dù Luận án đã đạt được một số kết quả cụ thể, nhưng Luận án cũng không tránh khỏi một số hạn chế nhất định đó là:
- Phương pháp nghiên cứu định tính sử dụng trong nghiên cứu này mới chỉ mang tính chất thăm dò, khám phá về gia tăng giá trị đất đô thị, biểu hiện và cơ chế tác động của phần gia tăng giá trị đất. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo để khẳng định, đo lường và lượng hóa cụ thể cơ chế tác động của các yếu tố làm gia tăng giá trị đất tại đô thị;
- Luận án mới chỉ thực hiện đánh giá và phân tích được một tình huống tác động gia tăng giá trị đất đô thị do can thiệp bởi quyết định đầu tư CSHT giao thông mang lại. Trong khi đó, các tình huống khác (có liên quan đến tác động do quyết định chuyển đổi
mục đích SDĐ và quy hoạch) không thực hiện được do khả năng tiếp cận các tình huống trong thực tế là không khả thi. Đây là một hạn chế của nghiên cứu này, do bởi, việc nghiên cứu đa tình huống (multi-cases) sẽ hứa hẹn mang lại những phát hiện thú vị và cung cấp được nhiều thông tin hơn;
- Đối tượng tham gia phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm và điều tra diện rộng mới chỉ giới hạn là nhóm chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn về đất đai và phát triển BĐS. Do đó, để có được góc nhìn toàn diện hơn về chủ đề nghiên cứu, cần thực hiện mở rộng việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá từ góc nhìn của các chủ thể khác hoặc/và đồng thời thực hiện phân tích đánh giá tác động đa chủ thể về gia tăng giá trị đất đai và điều tiết phần giá trị đất gia tăng;
- Luận án chưa phân tích được mối liên hệ tương quan giữa phần giá trị đất gia tăng và sự thay đổi đối với nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước. Nguyên nhân là do những hạn chế trong quá trình tiếp cận và thu thập dữ liệu có liên quan để phân tích và đánh giá;
- Trong phân tích thực nghiệm về tình huống tác động của đầu tư CSHT giao thông đường bộ đến sự thay đổi giá trị đất đô thị:
(i) Nguồn dữ liệu về giá đất được thu thập từ báo cáo định giá, thẩm định giá và thực hiện định giá thông qua giá đất rao bán, nên độ chính xác về giá trị đất đai có thể bị ảnh bởi yếu tố chủ quan cá nhân từ các cán bộ định giá/ thẩm định giá đất thực hiện. Ngoài ra, quy mô mẫu nghiên cứu còn khá hạn chế trong phân tích đánh giá. Đây là nguyên nhân chưa thể đo lường chi tiết mức độ gia tăng giá trị đất tại từng vị trí (ví trí 1, 2, 3 và 4) trong các giai đoạn khác nhau của dự án;
(ii) Đối với nguồn dữ liệu phân tích thu thập qua điều tra khảo sát người SDĐ: Các thước đo được dựa trên các gợi ý và thước đo của các nghiên cứu trước đây và được hiệu chỉnh, áp dụng bối cảnh một dự án cụ thể trên địa bàn đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, các thước đo này cần khẳng định lại trong các bối cảnh nghiên cứu tại khu vực đô thị khác ngoài Hà Nội. Theo đó, mô hình nghiên cứu này cần được thử nghiệm trong các bối cảnh nghiên cứu khác nữa để tìm hiểu thêm các nội dung có liên quan.
5.3.2. Gợi ý cho nghiên cứu tiếp theo
- Cần có nghiên cứu tiếp theo để mô hình hóa các cơ chế tác động và phân tích định lượng với mẫu nghiên cứu lớn là các giao dịch có liên quan đến đất đai (hoặc BĐS) khi có tác động tổng hợp chuỗi các yếu tố can thiệp do nhà nước thực hiện;
- Cần có thêm các nghiên cứu phân tích mức độ huy động tài chính đất đai của các công cụ điều tiết đối với phần giá trị đất gia tăng khi nhà nước can thiệp ở các dự án đầu tư CSHT giao thông;
- Cần có thêm các nghiên cứu về đo lường sự cải thiện về khả năng tiếp cận do tác động của đầu tư CSHT mang lại ảnh hưởng đến giá trị gia tăng đất đai trong bối cảnh Việt Nam. Trong đó, các nghiên cứu trong tương lai cần chú ý thu thập nguồn dữ liệu liên quan đến giá đất đủ lớn hoặc sử dụng giá bán lặp để thực hiện phân tích dữ liệu mảng (pannel data) sẽ có kết quả tốt hơn. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm các kỹ thuật có thể áp dụng trong phân tích hồi quy Hedonic tại Việt Nam như là áp dụng GIS để đo lường thay đổi về yếu tố khả năng tiếp cận không gian do các tác động can thiệp;
- Cần có thêm nghiên cứu so sánh và đánh giá đối với các đơn vị nghiên cứu khác để cung cấp bằng chứng về sự gia tăng giá trị đất đô khi có các yếu tố tác động can thiệp như là: (i) Khảo sát đánh giá tác động từ góc nhìn của nhóm đối tượng khác bao gồm: những nhà đầu tư đất phát triển và BĐS, nhà tư vấn môi giới, phát triển đất đai & BĐS;
(ii) Phân tích sự gia tăng giá trị của các loại đất có mục đích khác như: đất thương mại
– dịch vụ, đất công nghiệp;
- Cần có thêm các nghiên cứu trong tương lai với trọng tâm nghiên cứu xem xét vai trò của quyền tài sản liên quan đến đất đai trong bối cảnh chế độ sở hữu đất đai của Việt Nam. Đây là cơ sở khi nhà nước thực hiện chế định thu hồi đất và chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp thành đất đô thị và có tác động làm thay đổi gia tăng giá trị đất;
- Do các chính sách và công cụ điều tiết giá trị gia tăng đất đai phụ thuộc vào nền tảng của chế độ sở hữu và thể chế đất đai, chính vì vậy, cần có thêm các phân tích so sánh chuyên sâu về khác biệt này của Việt Nam với các quốc gia khác để có thể vận dụng các công cụ điều tiết và cơ chế huy động tài chính đất đai hiệu quả hơn.
KẾT LUẬN
Gia tăng giá trị đất đai và điều tiết phần gia tăng giá trị đất đai là nội dung quan trọng trong quản lý đất đai nói chung và quản lý kinh tế đất nói riêng. Đây là vần đề quan tâm phổ biến của các nhà quản lý và hoạch định chính sách đất đai. Do đó, nghiên cứu về gia tăng giá trị đất đã thu hút được nhiều sự chú ý của các học giả trên thế giới.
Luận án “Nghiên cứu các yếu tố tác động đến gia tăng giá trị đất đô thị tại Việt Nam” được thực hiện và đạt được một số kết quả nghiên cứu như sau:
Một là: Luận án nghiên cứu tổng quan các công trình nghiên cứu về yếu tố tác động giá trị gia tăng đất đai và điều tiết phần giá trị đất gia tăng. Đồng thời bổ sung và đóng góp thêm vào hệ thống cơ sở lý thuyết về giá trị đất gia tăng, trong đó, luận án làm rõ bản chất và biểu hiện gia tăng giá trị đất; một số cơ chế làm gia tăng giá trị đất khi có yếu tố can thiệp bởi nhà nước như quy hoạch, đầu tư CSHT và chính sách chuyển mục đích SDĐ;
Hai là: Luận án lấy Việt Nam làm bối cảnh nghiên cứu, đã phân tích rõ các biểu hiện chỉ dẫn về gia tăng giá trị đất đai, cơ chế tác động làm gia tăng giá trị đất đô thị và so sánh mức độ tác động gia tăng giá trị đất đai đô thị tại Việt Nam. Trong đó, luận án đã:
- Xác định biểu hiện chỉ dẫn chính về gia tăng giá trị đất đai tại đô thị Việt Nam qua các tiêu chí đó là: (1) Thay đổi tăng lên của mức giá đất sau khi loại bỏ yếu tố lạm phát; (2) Giá trị đất đai thay đổi gắn liền với nguồn gây ra tác động; (3) Tăng khả năng sản xuất kinh tế và sức sinh lợi của đất;
- Phân tích 03 cơ chế tác động – biểu hiện chính khi có các yếu tố do nhà nước can thiệp đối với sự gia tăng giá trị đất đô thị tại Việt Nam, bao gồm: “Cải thiện các tiện ích và khả năng tiếp cận đất đai”; “Tạo ra cơ hội phát triển”; “Mức độ thực thi của can thiệp”;
- Phân tích khẳng định sự tác động của 02 cơ chế là: Cơ chế “Cải thiện các tiện ích và khả năng tiếp cận đến trung tâm”; và “Tạo cơ hội phát triển” làm gia tăng giá trị đất ở tại đô thị, khi nghiên cứu tình huống nhà nước thực hiện đầu tư CSHT giao thông đô thị tại Thành phố Hà Nội.
Ba là: Luận án phân tích đánh giá về thực trạng các chính sách điều tiết phần gia tăng giá trị đất đai tại Việt Nam. Kết quả cho thấy: hiện nay nhà nước chưa điều tiết thỏa đáng được phần giá trị đất gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ bất cập của quy định chính sách và quá trình tổ chức thực thi triển khai chính sách điều tiết. Cụ thể, các bất cập chủ yếu liên quan đến chính sách về giá đất và thuế đất trong điều tiết giá trị đất gia tăng;
Cuối cùng: Luận án đề xuất các định hướng hoàn thiện về chính sách điều tiết phần gia tăng giá trị đất, bao gồm: Thực hiện cơ chế 01 giá đất theo giá trị đất thị trường; Cải cách chính sách thuế đất song song với chính sách giá đất theo hướng: bổ sung quy định về thuế điều tiết giá trị gia tăng giữa giá mua và giá bán trong các lần giao dịch đất đai, thay đổi cơ sở tính thuế SDĐ dựa trên giá trị thị trường của đất đai; Hoàn thiện một số chính sách tài chính đất đai khác có liên quan như: thu tiền SDĐ, chính sách về đấu giá và đấu thầu liên quan đến quyền SDĐ, chính sách bồi thường về đất để tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước thông qua điều tiết phần gia tăng giá trị đất đai. Ngoài ra, luận án cũng đề xuất một vài khuyến nghị nhằm tăng cường sự tác động của các yếu tố làm gia tăng giá trị đất đô thị tại Việt Nam.
Như vậy, với các kết quả nghiên cứu trên đây, về cơ bản luận án đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu đề ra. Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể là nguồn cung cấp thông tin giúp hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước, người làm chính sách trong việc thiết kế, xây dựng và quản lý đất đai tham khảo và điều chỉnh chính sách tài chính đất đai - điều tiết phần gia tăng giá trị đất đai do quá trình đô thị hóa mang lại. Đồng thời kết quả nghiên cứu giúp ích cung cấp thông tin cho người đầu tư, SDĐ đai và BĐS. Cụ thể:
Đối với người SDĐ: Xác định những vị trí, khu vực đô thị nơi có giá trị đất gia tăng tối đa – nơi có khả năng tiếp cận đất đai tốt nhất do sự tác động của các yếu tố, qua đó ra quyết định về SDĐ phù hợp; thông qua các cơ chế tác động gia tăng giá trị đất đai sẽ có thể lựa chọn phương án và loại sản phẩm đầu tư phù hợp;
Đối với các công ty, doanh nghiệp phát triển dự án BĐS, chủ đầu tư SDĐ: Quyết định địa điểm, lựa chọn vị trí xây dựng và phát triển BĐS, phương án đầu tư phát triển SDĐ, cách thức đầu tư cơ sở hạ tầng tại các dự án khu vực đô thị nhằm tạo ra giá trị mới (bao gồm giá trị kinh tế và phi kinh tế của sản phẩm/ dự án BĐS) và đóng góp vào phần gia tăng giá trị đất đai tại khu vực; qua đó các doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận và đẩy nhanh quá trình bán sản phẩm BĐS trên thị trường;
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách có thể xem xét, tham khảo trong quá trình thay đổi và điều chỉnh một số quy định chính sách điều tiết phần giá trị đất gia tăng. Đáng chú ý, các cơ quan quy hoạch đô thị có thể nghiên cứu, xem xét và thiết kế được các công cụ huy động tài chính đất đai cho phát triển các dự án CSHT giao thông tại đô thị.
Luận án chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót. Tác giả xin trân trọng tiếp nhận tất cả các ý kiến đóng góp để có thể tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện trong thời gian tới. Xin trân trọng cám ơn!