Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 22


chuẩn mực nghề nghiệp của kiểm toán viên. Mặt khác, chuẩn mực nên bổ sung yêu cầu các kiểm toán viên đưa ra các cam kết cụ thể về mức độ trung thực, khách quan khi thực hiện kiểm toán. Bên cạnh đó, các chuẩn mực kiểm toán cũng cần xem xét mở rộng trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến việc kiểm tra và công bố hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ hay gia tăng trách nhiệm của kiểm toán viên đối với các cổ đông hiện hành, các chủ nợ hiện hành… của các công ty phi tài chính đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan chuyên môn cần hiểu rõ hơn các nhu cầu thông tin hợp lý từ phía người sử dụng thông tin. Kết quả nghiên cứu cho thấy có một số thông tin mà người sử dụng cần biết rõ hơn và kiểm toán viên cũng sẵn lòng cung cấp các thông tin này tuy nhiên quy định hiện hành lại chưa đề cập tới như tình hình kinh doanh và triển vọng của khách hàng kiểm toán trong tương lai, các thông tin dự báo tài chính, hay một số sai sót trọng yếu đã được điều chỉnh cũng như chưa được điều chỉnh… Nếu các cơ quan chuyên môn nắm bắt và đáp ứng được các nhu cầu thông tin này, khoảng cách chuẩn mực sẽ được thu hẹp một cách đáng kể.

5.2.3. Các khuyến nghị về các giải pháp thu hẹp khoảng cách chất lượng kiểm toán‌

Khoảng cách chất lượng kiểm toán (DP) tồn tại khi người sử dụng thông tin cho rằng các kiểm toán viên đã thực hiện không đầy đủ hoặc không đạt yêu cầu các công việc kiểm toán trong các quy định hiện hành. Kết quả nghiên cứu của luận án đã chỉ ra rằng các nhân tố thuộc về kiểm toán viên bao gồm tính độc lập và năng lực của kiểm toán viên chính là các nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách này. Bên cạnh đó, người sử dụng thông tin càng đánh giá cao tính độc lập và năng lực của kiểm toán viên thì khoảng cách chất lượng càng được thu hẹp. Chính vì vậy, luận án đưa ra các khuyến nghị sau:

Thứ nhất, gia tăng tính độc lập của kiểm toán viên. Trước hết, trách nhiệm đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên thuộc về cá nhân kiểm toán viên và các công ty kiểm toán. Khi lựa chọn các thành viên của nhóm kiểm toán, các công ty kiểm toán cần kiểm tra các yếu tố đe dọa tới tính độc lập và yêu cầu kiểm toán viên ký cam kết và cung cấp các minh chứng rõ ràng liên quan tới tính độc lập. Mặt khác, cần thiết lập một cơ quan độc lập như Ủy ban đạo đức nghề nghiệp nhằm giám sát việc bổ nhiệm, luân chuyển kiểm toán viên và các công ty kiểm toán. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý cần gia tăng các hình thức kỷ luật với các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói chung và tính độc lập nói riêng


như rút giấy phép hành nghề đối với kiểm toán viên hay đình chỉ việc cung cấp dịch vụ kiểm toán có thời hạn hoặc vĩnh viễn với các công ty kiểm toán. Các văn bản pháp lý có liên quan tới khoảng thời gian luân chuyển kiểm toán viên cũng cần thống nhất. Hiện nay, Luật kiểm toán độc lập năm 2011 quy định các công ty kiểm toán không được bố trí kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán cho một đơn vị có lợi ích công chứng trong 5 năm tài chính liên tục nhưng nghị định số 17/2012/NĐ-CP lại cho rằng kiểm toán viên hành nghề không được ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị được kiểm toán quá 3 năm liên tục. Vậy cần xem xét để thống nhất về khoảng thời gian luân chuyển kiểm toán viên này giữa các văn bản pháp lý. Mặt khác cũng nên xem xét việc đưa ra thời gian luân chuyển công ty kiểm toán bên cạnh việc luân chuyển kiểm toán viên.

Thứ hai, nâng cao năng lực của kiểm toán viên. Để có được một đội ngũ kiểm toán viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp cần có sự tham gia đóng góp rất lớn từ phía các trường Đại học. Hiện nay, số lượng các trường Đại học có chuyên ngành kiểm toán riêng là không nhiều trong khi nhu cầu về kiểm toán viên của các công ty là rất lớn. Quá trình đào tạo của các trường cũng cần gắn liền giữa lý thuyết với thực tiễn và cung cấp cho người học bộ kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp sau này. Hơn nữa, đạo đức, tác phong và tư cách nghề nghiệp của kiểm toán viên cũng cần được đề cập và phổ biến trong quá trình đào tạo. Về phía các công ty kiểm toán, cần tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm cho các kiểm toán viên. Các công ty cũng cần tạo điều kiện cho các kiểm toán viên tham gia các lớp cập nhật kiến thức, lật và các quy định có liên quan do các cơ quan chuyển môn tổ chức. Mặt khác, các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay rất đa dạng về các nghành nghề như sản xuất, thương mại, dịch vụ, xây dựng… vì vậy khi xác định các kiểm toán viên tham gia cuộc kiểm toán, các công ty kiểm toán cũng nên xem xét về kinh nghiệm nghề nghiệp của các kiểm toán viên về các lĩnh vực có liên quan để sắp xếp nhân sự.

5.3. Điều kiện thực hiện các khuyến nghị‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

5.3.1. Về phía Bộ tài chính‌

Bộ tài chính cần sớm xem xét, đánh giá về các kỳ vọng hợp lý từ phía người sử dụng thông tin nhưng chưa có trong quy định hiện hành để bổ sung, hoàn thiện lại khung pháp lý về kiểm toán báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình cập nhật và sửa đổi hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hiện hành, đặc

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 22


biệt là các chuẩn mực liên quan đến báo cáo kiểm toán về các thuật ngữ được sử dụng cũng như các thông tin công bố liên quan đến khách hàng kiểm toán và cuộc kiểm toán nhằm làm giảm các hiểu nhầm từ phía người sử dụng thông tin.

Mặt khác, Bộ tài chính cần phối hợp với Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như hiệp hội nghề nghiệp VACPA kiểm tra, đánh giá kịp thời chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán đang được chấp thuận kiểm toán các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

5.3.2. Về phía Hội nghề nghiệp VACPA‌

Nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, hiệp hội nghề nghiệp VACPA cần thường xuyên tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức cho các kiểm toán viên. Hội nghề nghiệp cũng cần tiếp thu ý kiến của các kiểm toán viên và người sử dụng thông tin nhằm hỗ trợ cho Bộ tài chính trong quá trình sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực kiểm toán toán Việt Nam. Hiện nay các chế tài xử phạt của Ủy ban chứng khoán liên quan đến các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp là chưa rõ ràng và mức độ thực thi các chính sách này còn thấp. Vì vậy, Ủy ban cần tăng cường chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao tính răn đe.

5.3.3. Về phía Ủy ban chứng khoán Nhà nước‌

Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần có cơ chế quản lý chất lượng các báo cáo tài chính được kiểm toán và đưa ra các chế tài xử phạt đầy đủ, rõ ràng cho các sai phạm từ phía công ty phi tài chính niêm yết cũng như các công ty kiểm toán độc lập.

5.3.4. Về phía các công ty kiểm toán độc lập‌

Các công ty kiểm toán độc lập đủ điều kiện được kiểm toán báo cáo tài chính các công ty niêm yết cần có quy trình kiểm soát chất lượng đầy đủ và hiệu quả hơn. Mặc khác, các công ty nên đưa ra các cam kết về tính độc lập hay năng lực của kiểm toán viên trước khi thực hiện kiểm toán để nâng cao ý thức của các kiểm toán viên cũng như tạo được niềm tin của người sử dụng thông tin đối với kiểm toán. Bản thân các công ty kiểm toán cũng cần có chế tài xử phạt rõ ràng với các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và hỗ trợ kiểm toán viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công việc.


5.3.5. Về phía các cơ sở đào tạo‌

Đối với các cơ sở đào tạo như các trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo về kiểm toán cần xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, đảm bảo người học hiểu rõ và có thể vận dụng vào công việc kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo có thể xây dựng tích hợp và hỗ trợ cho người học có thể thi và lấy các chứng chỉ CPA trong nước cũng như quốc tế như chứng chỉ CPA, ACCCA, ICAEW.

5.4. Hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo‌

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiên cứu vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như:

Thứ nhất, phạm vi nghiên cứu là các công ty phi tài chính đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, khả năng khái quát hóa kết quả nghiên cứu có những giới hạn nhất định. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu vẫn có thể áp dụng cho một số loại hình doanh nghiệp khác đang đươc kiểm toán bởi các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam.

Thứ hai, vì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên về đo lường khoảng cách kỳ vọng đồng thời đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng và các thành phần của khoảng cách kỳ vọng nên luận án mới chỉ dừng lại ở kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá EFA. Ở các nghiên cứu tiếp theo, với điều kiện cho phép có thể phát triển thêm phân tích nhân tố khẳng định CFA.

Thứ ba, kết quả của phân tích hồi quy cho R2 = 0.579 có nghĩa các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu giải thích được đến 57.9% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Như vậy, 42.1% còn lại chưa được giải thích vì còn có các nhân tố khác mà nghiên cứu chưa phát hiện hết và các sai số phát sinh do rủi ro lấy mẫu của luận án. Vì vậy, các nghiên cứu kế tiếp có thể tiếp tục khám phá, bổ sung thêm các nhân tố mới cũng như mở rộng phạm vi nghiên cứu, gia tăng cỡ mẫu trong khảo sát.


Kết luận chương 5‌

Trong chương này, luận án đã trình bày các kết luận về khoảng cách kỳ vọng và ảnh hưởng của các nhân tố tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dựa trên các kết quả về đo lường các khoảng cách kỳ vọng và các thành phần của khoảng cách kỳ vọng cũng như kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng luận án đã đưa ra các khuyến nghị nhằm thu


hẹp khoảng cách hợp lý, khoảng cách chuẩn mực và khoảng cách chất lượng kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã chỉ ra những hạn chế của luận án và phương hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.


KẾT LUẬN‌


Sự tồn tại của khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán đã làm suy giảm uy tín nghề nghiệp kiểm toán, giảm niềm tin của người sử dụng thông tin và công chúng đối với vai trò của kiểm toán độc lập. Vì thế, vấn đề quan trọng là các bên có liên quan cần xác định và đánh giá được KCKV cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong thực tiễn hiện nay để có thể đưa ra các phương án hành động thích hợp nhằm đảm bảo uy tín của nghề nghiệp, duy trì hoặc khôi phục lòng tin của công chúng đối với kiểm toán. Đặc biệt, với bối cảnh Việt Nam, so với các quốc gia khác trên thế giới, thị trường chứng khoán cũng như thị trường dịch vụ kiểm toán còn khá non trẻ và còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.

Luận án “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” đã nghiên cứu không chỉ về mặt lý luận mà còn đưa ra các bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại, mức độ của khoảng cách kỳ vọng cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán tại Việt Nam nhằm đưa ra các khuyến nghị, hàm ý chính sách thu hẹp khoảng cách này trong thực tiễn.

Các kết quả nghiên cứu chính đã đạt được của Luận án bao gồm:

Thứ nhất, Luận án đã góp phần hoàn chỉnh, bổ sung và phát triển khung lý luận về khoảng cách kỳ vọng và các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.

Thứ hai, Luận án đã đề xuất phương pháp đo lường khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán từ góc độ của người sử dụng thông tin theo thang đo Likert 5 điểm. Trên cơ sở kế thừa khái niệm và cấu trúc khoảng cách kỳ vọng của Porter (1993), phương pháp đo lường khoảng cách kỳ vọng sử dụng trong luận án đã đảm bảo được tính khách quan, khoa học. Kết quả nghiên cứu không chỉ xác định được độ lớn của khoảng cách kỳ vọng mà còn xác định được mức độ của các thành phần khoảng cách bao gồm khoảng cách hợp lý, khoảng cách chuẩn mực và khoảng cách chất lượng kiểm toán.

Thứ ba, Luận án đã xây dựng khung lý thuyết và mô hình cho nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng tới các thành phần và khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.

Thứ tư, trên cơ sở kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, Luận án đã đánh giá một cách toàn diện và khoa học các vấn đề nghiên


cứu đã được xác lập. Luận án đã đưa ra kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy sự tồn tại của các thành phần và khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán từ phía người sử dụng thông tin. Bên cạnh đó, về các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng, 8/8 nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách kỳ vọng nói chung, trong đó 3/8 nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách hợp lý, 3/8 nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách chuẩn mực và 2/8 nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới khoảng cách chất lượng kiểm toán.

Thứ năm, kết quả của nghiên cứu là cơ sở thực tiễn cho các khuyến nghị nhằm thu hẹp khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán tại Việt Nam, góp phần gia tăng niềm tin của người sử dụng thông tin vào kết quả kiểm toán, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường dịch vụ kiểm toán và thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Thứ sáu, kết quả nghiên cứu và các hạn chế của đề tài cũng gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo về khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các loại hình doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luận án không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến góp ý quý báu từ các nhà khoa học để luận án được hoàn thiện hơn.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/10/2022