thể sống, nó có thể là cực thuận với quá trình này nhưng lại ít thuận lợi hay gây nguy hiểm cho quá trình khác. Mỗi loại cây trồng có những đòi hỏi riêng với từng thành phần khí hậu trong từng thời kỳ phát triển. Tác động của các yếu tố khí hậu đến năng suất thường là các tác động tổng hợp. Các nhân tố gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một tổ hợp sinh thái, mỗi nhân tố sinh thái chỉ có thể biểu hiện hoàn toàn tác động của nó khi các nhân tố khác đang hoạt động đầy đủ. Vì vậy, bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý là giải pháp quan trọng bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Ví dụ, nước là yếu tố rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và đặc biệt là sự vận chuyển các chất hữu cơ từ thân, lá về các cơ quan dự trữ (hạt, củ, quả, bắp...). Nếu gặp hạn sẽ làm ngừng sự vận chuyển chất hữu cơ cũng như có thể làm thay đổi chiều hướng dòng vận chuyển - Hiện tượng "chảy ngược dòng" các chất hữu cơ từ cơ quan dự trữ về các cơ quan dinh dưỡng thường xảy ra khi gặp hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến NSkt. Do đó, việc bảo đảm đủ nước nhất là trong thời gian hình thành cơ quan kinh tế có ý nghĩa quyết định trong việc tăng năng suất kinh tế của cây trồng [35], [59], [77].
1.3.3.4. Biện pháp bố trí mật độ cây trồng
Chúng ta có thể coi ruộng cây trồng như là một hệ quang hợp đồng nhất. Hệ quang hợp đó là một quần thể bao gồm nhiều cá thể cây trồng cấu tạo nên, vì vậy cấu trúc của hệ rất phức tạp. Có sự mâu thuẫn giữa quần thể và cá thể, giữa cá thể này với cá thể khác. Vì vậy các biện pháp kỹ thuật tác động vào quần thể, phải dẫn đến một quần thể tối ưu về mặt quang hợp. Đối với lạc, trồng dày hàm lượng protein và hàm lượng dầu trong hạt cũng giảm thấp [102]. Trồng quá dày vừa lãng phí giống, đồng thời sẽ dẫn tới giảm số quả/cây, giảm kích thước, khối lượng hạt, mật độ quá dày đồng nghĩa với việc sâu bệnh hại với mức độ lớn hơn [101], [131], [137]. Như vậy chúng ta phải tạo ra cấu trúc quần thể tốt, có lợi cho quang hợp. Muốn như vậy trong trồng trọt, mỗi loại cây trồng, giống cây trồng, chúng ta phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất đai, thời vụ và trình độ thâm canh để định ra mật độ trồng thích hợp nhất để điều khiển sinh trưởng và phát triển của quần thể theo hướng yêu cầu mục đích của người trồng trọt [35].
1.3.3.5. Biện pháp bảo vệ thực vật
Việc phòng trừ sâu bệnh kịp thời sẽ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt góp phần tăng năng suất kinh tế. Trên đồng ruộng sâu bệnh hại cây trồng thường tấn công gây hại trên lá, cành làm giảm diện tích lá, ảnh hưởng hoạt động quang hợp của cây trồng; gây hại trên thân, gốc rễ giảm mật độ quần thể cây trồng,
…đã làm kìm hãm trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây giảm năng suất và sản lượng nông sản. Theo ước tính hiện nay, sâu bệnh gây thiệt hại trung bình khoảng 11 – 12% về năng suất và sản lượng nông sản, còn thiệt hại do sâu bệnh gây mất trắng nhiều ruộng cây trồng hàng năm trên thế giới vẫn thường xảy ra. Để giảm thiệt hại do dịch hại gây ra, con người phải đầu tư thêm kinh phí để tiến hành các biện pháp phòng trừ, trong đó biện pháp phòng trừ hoá học được coi là quan trọng. Tuy nhiên, để công tác phòng trừ sâu bệnh kịp thời có hiệu quả chúng ta phải hiểu thấu đáo giữa thuốc bảo vệ thực vật, dịch hại và điều kiện ngoại cảnh; phải kết hợp hài hoà giữa biện pháp hoá học với các biện pháp bảo vệ thực vật khác trong hệ thống phòng trừ tổng hợp [69]. Theo nhóm chuyên gia của tổ chức nông lương thế giới (FAO) [90] “Quản lý dịch hại tổng hợp” là một hệ thống quản lý dịch hại mà trong khung cảnh cụ thể của môi trường và những biến động quần thể của các loài gây hại, sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được, nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế. Vì vậy, để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, bắt buộc phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống chủ yếu dựa và đất, sang một nền nông nghiệp thâm canh “dựa vào phân bón” với giống mới, năng suất và chất lượng cao kết hợp với phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng [7].
1.4. MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT TRONG SẢN XUẤT LẠC TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
1.4.1. Nghiên cứu chọn tạo giống lạc
Trên thế giới, công tác phát triển giống lạc trong những thập niên qua đã đạt nhiều thành tựu nổi bật như: ICRISAT đã chọn tạo thành công hàng ngàn giống lạc và đã giới thiệu để phát triển sản xuất ở các quốc gia khác nhau trên thế giới,
Trung Quốc chọn tạo được trên 200 giống lạc mới đã được giới thiệu và sử dụng trong sản xuất (như Xuzhou 68-4, Fuhuasheng, Shixuan64, Luhua9, Luhua14, Yuhua6, Tianfu9,…[100]), còn ở Mỹ đã giới thiệu được các giống lạc mới để phục vụ sản xuất (như: Dixie Runer, Floruner, NC Floria 14, Andru 93, SunOleic 97R, C-99R, GP-1, DP-1, Georgia 02C, AP-3, VA98R,…[115] [141]).
Các phương pháp chọn tạo được ứng dụng chủ yếu gồm:
+ Nhập nội và thu thập là hai phương pháp được sử dụng trong công tác chọn tạo giống lạc được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Ví dụ như: từ nguồn giống nhập nội của ICRISAT Trung Quốc đã chọn được các giống lạc Zhonghua6, Yuanza9102 và Yueyou200 có khả năng kháng với bệnh héo xanh [119]; Thái Lan đã chọn lọc hai giống lạc chịu hạn ICGV98348 và ICGV98353 [140]; East Timor đã chọn lọc được giống ICGV86590 đạt năng suất 3,92 tấn/ha và kháng cao với bệnh héo xanh, giống ICGV86564 đạt năng suất 3,8 tấn/ha và thuộc kiểu hình hạt lớn, giống ICGV88438 đạt năng suất 4,61 tấn/ha và có khả năng chịu mặn,
…[133]; Úc đã chọn được các giống giống ICGV93059, ICGV94049, ICGV96470 đạt năng suất từ 33,5 đến 4,64 tấn/ha và ICGV94341, ICGV94299 đạt năng suất từ 4,4 đến 5,9 tấn/ha thích hợp với khí hậu cao nguyên Papua New Guinea [121], [124]; Nam Phi đã chọn lọc được giống lạc ICGV 98369 và ICGV 96294 thích nghi với vùng canh tác nhờ nước trời, giống ICGV 98369 đạt năng suất 2,48 tấn/ha, cao hơn 27,8% so với giống đang sản xuất đại trà và kháng với bệnh đốm lá [126], [127].
+ Tạo giống bằng phương pháp lai hữu tính cũng được cũng được sử dụng phổ biến và hiệu quả. Ví dụ như: từ phương pháp lai đơn ICRISAT đã chọn tạo thành công các giống lạc mới TLG45 thuộc kiểu hình hạt lớn, năng suất vỏ là 3,14 tấn/ha, giống TG51 là giống ngắn ngày, chịu hạn [122], Trường Đại học Nông nghiệp Dharwad đã tạo ra giống R8808 năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, giống Dh40 ngắn ngày và thịt hạt đỏ [90]; từ phương pháp lai xa tạo ra giống R106 có khả năng kháng cao với bệnh héo xanh vi khuẩn [106], giống lạc GPBD4 năng
suất cao, kháng với bệnh đốm lá và hàm lượng dầu trên 45% [100], giống lạc TxAG-6 kháng tuyến trùng [116],….
+ Ngoài ra tạo giống lạc mới bằng phương pháp đột biến cũng được áp dụng như: giống lạc 96CG010 đạt năng suất từ 2,41 đến 4,1 tấn/ha, kháng với bệnh đốm lá và được mệnh danh là giống lạc vàng tại Pakistan [107]; giống lạc Mutants 28-2 có kiểu hình hạt lớn, kháng với sâu và bệnh đốm lá, hàm lượng dầu đạt 47% [100].
Ở Việt Nam, trước năm 1990, các giống lạc được sử dụng phổ biến trong sản xuất là Sen Nghệ An, Chùm Nghi Lộc, Cúc Nghệ An, Giấy Nam Định, Bạch Sa, Trạm Xuyên, Mỏ Két, Lỳ, Giấy Kim Long...Các giống trên tuy có ưu thế là mỏng vỏ, tỷ lệ nhân lớn, hàm lượng dầu cao và một số giống có khả năng chịu hạn, nhưng lại có nhược điểm là năng suất thấp và khả năng kháng sâu, bệnh hại kém. Riêng chỉ có giống lạc Sen Lai là có nhiều đặc điểm nổi trội nhất, giống có năng suất từ 1,6 đến 2,4 tấn/ha, thâm canh đạt 3,5 tấn/ha, tỷ lệ nhân/quả khoảng 72%, hàm lượng dầu 54%, vỏ quả dày trung bình và nhiễm với các bệnh hại lá [9]. Từ năm 1990 đến nay, hàng chục giống lạc mới đã được công nhận các cấp, bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực của các địa phương và góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lạc trong cả nước. Cũng như xu hướng chọn tạo giống của các nước trên thế giới, phần lớn các giống công nhận là giống được tuyển chọn từ nguồn giống nhập nội từ Trung Quốc, ICRISAT hoặc Úc như: giống có năng suất cao LVT [9], L14 [79], L18 [82], L23 [83]; giống có thời gian sinh trưởng ngắn HL25, L05, VD7 [9]; giống có chất lượng xuất khẩu cao L08 [53]; giống kháng bệnh héo xanh vi khuẩn MD7 [51], MD9 [52], giống kháng bệnh lá cao JL24, TL1, L02, L18 [9]. Một số giống nhập nội góp phần quan trọng trong công tác cải tiến giống trong nước. Một số giống khác đã được tuyển chọn trực tiếp và hiện nay đang phát triển rộng ngoài sản xuất trên quy mô hàng vạn ha như: L02, L14, LVT, L05, MD7,... Hiện nay các giống nhập từ Trung Quốc tỏ ra có nhiều ưu điểm nổi bật như: có tiềm năng năng suất cao, khả năng chịu thâm canh cao và chống chịu sâu bệnh khá. Trong đó, từ nguồn vật liệu nhập nội, nhiều giống mới đã được cải tiến thông qua việc lai tạo và đột biến L12, L16 [68], VD6, V79, 4329 [9].
1.4.2. Nghiên cứu kỹ thuật bón phân cho cây lạc
1.4.2.1. Nhu cầu dinh dưỡng khoáng của cây lạc
Cây lạc là một loại cây họ đậu, có nhu cầu dinh dưỡng không cao và lại có khả năng sử dụng được đạm từ không khí nhờ các vi khuẩn nốt sần. Ở Mỹ 1 tấn lạc củ (kèm với thân lá) cần 64 kg N, 16 kg P2O5 và 27 kg K2O. Như vậy cây lạc hút đạm cao hơn 5 - 6 lần lân và kali. Cây lạc cũng có nhu cầu khá cao về Ca và Mg.
Bảng 1.7. Chất đa lượng được cây lạc hấp thụ ở các giai đoạn tăng trưởng
Tỉ lệ tổng lượng chất bị hấp thụ (%) | |||||
N | P | K | Ca | Mg | |
Sinh dưỡng | 10 | 10 | 19 | 11 | 10 |
Sinh sản (ra củ) | 42 | 39 | 28 | 48 | 53 |
Chín muồi (già) | 48 | 51 | 53 | 41 | 37 |
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc Arachis hypogaea L. trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình - 2
- Tình Hình Sản Xuất Lạc Trên Thế Giới, Việt Nam Và Quảng Bình
- Một Số Nghiên Cứu Phát Triển Nông Nghiệp Trên Đất Cát Biển
- Nghiên Cứu Bón Phân Hữu Cơ Và Phân Vi Sinh Vật Cho Cây Lạc
- Những Vấn Đề Rút Ra Từ Tổng Quan Nghiên Cứu Tài Liệu
- Nghiên Cứu Xác Định Tổ Hợp Phân Bón Cân Đối Hợp Lý Cho Lạc Trên Đất Cát Biển Tỉnh Quảng Bình
Xem toàn bộ 196 trang tài liệu này.
(Nguồn: Longanathan & Krishnamoorthy, 1977)
Qua số liệu ở bảng 1.7 cho thấy, chỉ 10 - 20% tổng lượng dinh dưỡng được cây lạc hấp thụ trong quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, 80 - 90% còn lại được hấp thụ gần như đều nhau ở hai giai đoạn của quá trình sinh trưởng sinh thực là sinh sản (ra củ) và chín muồi (già).
Đối với các giống lạc truyền thống ở bắc Trung Quốc để có sản lượng quả đạt 3000 kg/ha cần: 22,5 tấn/ha phân hữu cơ cộng với loại phân chứa 20 kg/ha P2O5 bón vào luống rồi trộn lớp 10 cm đất trên mặt, sau đó bón thúc 30 kg/ha phân N [15]. Với giống lạc cải tiến ở đất trung bình trong tỉnh Sơn Đông, để có sản lượng quả đạt 4500 kg/ha: bón lót vào thời điểm gieo hạt 37,5 tấn/ha phân hữu cơ cộng với loại phân chứa 30 kg/ha P2O5 và 75 kg/ha K2O và chủng vi khuẩn tạo nốt sần vào, tiếp đó bón thúc một lần 30 kg N/ha vào thời điểm nảy mầm và một lần 10 kg N/ha nữa vào lúc bắt đầu ra hoa [108].
Khi nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng của cây lạc, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Dầu nam Xê-nê-gan cho thấy, để có năng suất 1000 kg/ha thì cây lạc đã cần một lượng nguyên tố khoáng như sau: 45 - 52 kg N; 2,2 - 3,8 kg P; 11,8
- 13,7 kg K; 5,9 - 8,3 kg Ca; 3,8 - 7,2 kg Mg. Như vậy cây lạc tích lũy đạm với lượng lớn nhất sau đó đến kali [4].
Kanwar (1983) tóm tắt những kết quả nghiên cứu về dinh dưỡng lạc ở Ấn Độ và hiệu quả phân bón từ năm 1958 - 1959 đến 1975 - 1976 đã kết luận: “chỉ cần bón cân đối thôi đã có thể tăng sản lượng lạc lên rất nhiều” [15]. Bón phân cân đối cho lạc dù trên loại đất nào cũng làm tăng năng suất đáng kể; Trên đất cát biển bón cân đối đạm lân cho bội thu 2,5 - 3,2 tấn/ha; Trên đất bazan bội thu 0,56 – 1,0 tấn/ha [14].
1.4.2.2. Nghiên cứu kỹ thuật bón phân vô cơ cho cây lạc
- Về phân đạm:
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu về hiệu lực của phân đạm đối với cây lạc tại Trung Quốc đã nhận định, đất có hàm lượng đạm tổng số nhỏ hơn 0,045% thì ngưỡng bón phân đạm để tăng năng suất lạc là 94,0 kg N/ha, đất có hàm lượng đạm tổng số từ 0,045 - 0,065% thì ngưỡng bón phân đạm để tăng năng suất lạc là 56,0 kg N/ha và đất có hàm lượng đạm tổng số lớn hơn 0,065% thì bón phân đạm sẽ không làm tăng năng suất lạc [22].
Tại Floria - Mỹ, với lượng phân đạm được bón cho cây lạc là 45 kg N/ha trong hệ thống luân canh cỏ lưu niên - lạc, năng suất lạc đạt bình quân 48,1 tạ/ha và không phụ thuộc vào các phương thức làm đất khác nhau [146].
Trên đất cát pha sét có hàm lượng đạm tổng số là 0,084% ở Iran, bón phân đạm với lượng 60 kg N/ha thì năng suất lạc vỏ đạt 2,31 tấn/ha, cao hơn 27,2% so với không bón đạm và từ 7,1 - 16,3% so với lượng bón 30 và 90 kg N/ha [113].
Theo đánh giá của Nguyễn Văn Bộ và cộng sự (1999) [5], bón tăng lượng phân đạm lên trên 40 kg N/ha sẽ làm giảm năng suất lạc vì sinh khối phát triển mạnh. Trên đất phù sa nghèo dinh dưỡng ở Thừa Thiên Huế, Trần Thị Thu Hà (2004) [40] đã xác định, bón 30 kg N/ha cho năng suất lạc cao nhất và cao hơn từ 8,4 đến 11,4% so với lượng bón 40 và 50 kg N/ha. Còn trên đất cát biển Thừa Thiên Huế, Lê Thanh Bồn (1997) [14] xác định bón 40 kg N/ha làm tăng năng suất so với đối chứng không bón 10,18% và Trần Thị Thu Hà (2006) [38] xác định bón 40 kg N/ha đạt hiệu quả cao nhất.
- Về phân lân:
Trên đất cát mới cải tạo có hàm lượng lân dễ tiêu là 1,8 ppm ở Cairo - Ai Cập, Migawer và cộng sự (2001) [128] đã tiến hành thăm dò hiệu lực của phân lân đối với cây lạc ở 3 mức bón là 20, 30 và 40 kg P2O5/fed. Kết quả đã xác định, ở lượng bón 30 P2O5/fed năng suất hạt của giống lạc Giza4 và Giza5 đạt 2,09 tấn/fed, cao hơn 7,7% so với lượng bón 40 kg P2O5/fed và 24,4% so với lượng bón 20 kg P2O5/fed. Còn tại Al-Behaira - Ai Cập, trên đất cát mới cải tạo có hàm lượng lân dễ tiêu là 18,0 ppm, M.E. Theo Gobarah và cộng sự (2006) [112], khi bón 30 kg P2O5/fed năng suất hạt giống lạc Giza 6 đạt 1,18 tấn/ha và tương đương với lượng bón 60 kg P2O5/fed. ( 1 fed = 3,8 ha)
Trên đất cát có hàm lượng lân dễ tiêu là 66,2 ppm và canh tác nhờ nước trời ở Ni-gê-ria, J.O. Shiyam (2010) [138] đã xác định, bón phân lân với lượng 30 kg P2O5/ha thì năng suất hạt của giống lạc Grafii đạt tương đương so với lượng bón 40 kg P2O5/ha, cao hơn 61,4% so với không bón và từ 33,1 - 35,7% so với các lượng bón 20 và 50 kg P2O5/ha.
Kết quả nghiên cứu năm 2003 trên đất đồi ở Jianghuai - Trung Quốc xác định lượng phân lân thích hợp là 75 kg P2O5/ha, khi đó năng suất lạc đạt từ 0,489 – 0,543 tấn/ha [148]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu những năm gần đây tại Trường Đại học Nông nghiệp Shandong lại cho thấy, hiệu lực của phân đạm, lân, kali và can xi đối với cây lạc, cũng nhận thấy lượng phân lân hợp lý đối với cây lạc là 150 kg P2O5/ha [149].
Nguyễn Thị Dần (1991) [27] kết luận: trên đất cát biển có hàm lượng hữu cơ
0,6 - 1,0% đạm tổng số 0,03 - 0,09%, hàm lượng kali tổng số thấp (0,75%), hàm lượng lân, kali dễ tiêu: 3 - 5 và 6 - 7 mg/100g, có độ chua trung bình, khả năng hấp thu kém dễ bị rửa trôi thì hiệu suất 1 kg P2O5 (dạng supe photphat) ở mức bón 60 P2O5 cho trung bình 4,5 - 5,0 kg lạc vỏ. Hiệu lực 1 kg P2O5 đầu tư là 3,0 - 4,5 kg lạc vỏ, cá biệt đạt 7 - 8 kg lạc vỏ. Để đạt hiệu quả kinh tế cao thì nên đầu tư ở mức 60 kg P2O5/ha và để đạt năng suất cao nên đầu tư ở mức 90 kg P2O5/ha.
Theo nghiên cứu của Bùi Huy Hiền (2000) [42], trên đất cát biển không chua (pH = 5,8 - 6,0) hiệu lực các loại phân lân (phân lân nung chảy và phân lân chậm tan) cao, chỉ thấp hơn superphotphat trên nền 8 tấn phân chuồng + 30 kg N + 30 kg K2O/ha. Bón supe lân năng suất lạc tăng so với đối chứng 115%, còn phân lân nung chảy là 112%.
Kết quả thử nghiệm một số mô hình bón phân hợp lý trên đất bạc màu của Đoàn Văn Điểm và cộng sự (1995) [33] cho biết: bón lân cho lạc tăng năng suất lạc từ 1,25 tấn/ha lên 1,57 tấn/ha, bội thu 0,32 tấn/ha. Hiệu suất phân bón của 1 kg P2O5 (dạng supe photphat) ở mức 60 kg P2O5/ha cho từ 4,5 - 5,0 kg lạc vỏ so với 3,6 - 4,0 kg lạc vỏ ở mức bón 90 kg P2O5/ha. Những kết quả tương tự cũng thu được khi tiến hành thí nghiệm với lạc trên đất bạc màu Bắc Giang [43].
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Đào về liều lượng phân bón cho lạc tại một số tỉnh miền Trung đã kết luận rằng: Khi bón supe photphat và phân lân nung chảy, liều lượng từ 30, 40, 60, 80, 90, 100, 120 kg P2O5/ha cho các giống Sen lai, sen Nghệ An, lạc giấy Thừa Thiên, lạc Kỳ Sơn đã làm tăng lượng nốt sần, tỷ lệ hoa hữu hiệu, tổng số quả và số quả chắc trên cây, P100 quả và P1000 hạt. Bón lân đã làm tăng năng suất của quả khô từ 12,9% đến 34,7%. Ngoài ra bón lân cho lạc không những làm tăng hiệu quả kinh tế sản xuất mà còn cải thiện tính chất đất [30].
Kết quả nghiên cứu của Lê Thanh Bồn, trên đất cát biển ở Thừa Thiên Huế đã xác định lân là yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất lạc nhất và lượng phân lân thích hợp bón cho cây lạc từ 60 - 90 kg P2O5/ha [10], [11], [12].
Trên đất đỏ vàng trên bazan, Nguyễn Tử Siêm và Thái Phiên (1999) [73] đã
nhận xét: bón lân cho lạc làm tăng năng suất lạc đáng kể mặc dù đất có hàm lượng lân tổng số rất cao. Bón lân cho lạc, năng suất lạc quả đạt 522 - 1337 kg/ha, năng suất lạc nhân (tăng 24%). Bón lân nung chảy tăng 140%. Phân chuồng kết hợp superphotphat tăng 145%, hiệu suất đạt 6,3 kg quả lạc/kg P2O5 với liều lượng 90 kg P2O5/ha. Trên đất xám đồi gò và đất phù sa canh tác nhờ nước trời ở Kon Tum, năng suất và hiệu quả kinh tế của giống lạc L14 đạt cao nhất ở lượng bón 120 kg P2O5/ha trên đất xám đồi gò và 90 kg P2O5/ha trên đất phù sa [21].