Ý Kiến Chuyên Gia Đánh Giá Những Khó Khăn Và Hạn Chế Trong Việc Nâng Cao Nlct Điểm Đến Du Lịch Bạc Liêu

Tuy nhiên, một điểm khác biệt, hấp dẫn nhất của điểm đến du lịch Bạc Liêu so với An Giang cũng như các điểm đến du lịch cạnh tranh khác, đó là có loại hình du lịch ngủ đêm nhà Công tử Bạc Liêu. Sản phẩm du lịch này đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại những trải nghiệm lý thú, riêng có của Bạc Liêu.

Đối với An Giang, bên cạnh sản phẩm du lịch núi Sam với các tour du lịch ấn tượng như “Đua bò Bảy núi”, “tham quan làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Chăm Châu Phong”, “làng nghề sản xuất đường Thốt Nốt”; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch sự kiện đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, gắn với thương hiệu điểm đến du lịch An Giang. Mỗi sự kiện du lịch là cơ hội để du khách trải nghiệm những điều thú vị về văn hóa và con người địa phương này.

Tóm lại, Bạc Liêu có thế mạnh về điểm tham quan Phật Bà Nam Hải, Nhà Thờ Tắc Sậy nhưng lại không mạnh về các sản phẩm du lịch gắn liền với các điểm đến như Núi Sam, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. Cho nên, trong thời gian tới, Bạc Liêu cần nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm du lịch, đa dạng, phong phú, trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch sự kiện nhằm thu hút nhiều nguồn khách du lịch có khả năng chi trả cao, giữ chân du khách ở lại lâu hơn điểm đến du lịch Bạc Liêu.

4.1.3 Nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Theo đánh giá, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của Bạc Liêu và An Giang đều có sự cải thiện đáng kể cả về số lượng và chất lượng trong thời gian gần đây.

Bảng 4.2 Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ du lịch của Bạc Liêu và An Giang

Chỉ tiêu

Bạc Liêu

An Giang

Số lượng nhân lực du lịch (ngàn người)

9.361

27.126

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (%)

64

69

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 311 trang tài liệu này.

Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch ở Bạc Liêu - 16

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, năm 2018


Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, số lượng nhân lực du lịch cũng như số lượng đã qua đào tạo của Bạc Liêu ít hơn so với nhân lực du lịch của An Giang (64% so với 69%). Tuy nhiên, nếu đem so sánh tỷ lệ số nhân lực đã

qua đào tạo với một số điểm đến du lịch cạnh tranh khác trong khu vực ĐBSCL thì tỷ lệ của Bạc Liêu thấp hơn nhiều so với Cần Thơ là 77% và Kiên Giang là 75%. Có thể lấy một ví dụ cụ thể về đội ngũ nhân lực du lịch của Cần Thơ họ được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp cả về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phong cách, đạo đức, tác phong,... Các chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Cần Thơ là gắn chặt lý thuyết với thực hành, liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các ngành nghề khác như khách sạn, hàng không, lữ hành, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, học tập kinh nghiệm với các doanh nghiệp,... để người học được tiếp xúc và làm nghề một cách thực tế nhất. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được yêu cầu rất cao đối với nhân viên ngành du lịch của Cần Thơ. Những nhân viên đảm nhận những vị trí quan trọng thì phải có chứng chỉ đào tạo trình độ ngoại ngữ một cách bài bản. Từ thực tế trên, đã phản ánh đúng tình trạng vừa “yếu” và “thiếu” của nguồn nhân lực du lịch của cả Bạc Liêu và An Giang.

Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Bạc Liêu không cao, yếu và thiếu cả về chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ ngoại ngữ. Vì vậy giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực du lịch cho Bạc Liêu đã trở thành vấn đề cần thiết, mà Bạc Liêu phải quan tâm và đi tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

4.1.4 Kết cấu hạ tầng

Có thể nói kết cấu hạ tầng của An Giang được đánh giá tốt hơn của Bạc Liêu đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú bảng 4.6.

Bảng 4.3 Cơ sở lưu trú của Bạc Liêu và An Giang


Tiêu chuẩn sao (*)

Bạc Liêu

An Giang

So sánh

Bạc Liêu / An Giang (%)

4*,5*

1

2

50

3*

4

7

57

2*

8

18

44

1* và các nhà nghỉ

82

152

54

Tổng số

95

181

52

Công suất phòng trung bình (%)

63

74

85

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, năm 2018

Số lượng và công suất sử dụng phòng trung bình của Bạc Liêu đều thấp hơn so với An Giang; Cụ thể là cơ sở lưu trú 4*,5* (Bạc Liêu chỉ bằng 50% của An Giang); hệ thống cơ sở lưu trú 1* và các nhà nghỉ (Bạc Liêu chỉ bằng 54% của An Giang). Trên thực tế thì An Giang có lợi thế cạnh tranh hơn Bạc Liêu khi sở hữu nhiều loại khách sạn, từ 4*, 5* đến 1* và các nhà nghỉ.

Đối với nhà hàng, quán ăn và sự đa dạng của các món ăn thì cả hai điểm đến du lịch Bạc Liêu, An Giang đều được đánh giá khá cao. Ngoài các món hải sản tươi ngon thì hai điểm đến du lịch trên đều thu hút du khách bởi các món ăn đặc sản quê hương, miền tây nam bộ. Bên cạnh đó, ẩm thực đường phố là một trong những điểm thú vị hấp dẫn du khách, đặc biệt ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm khiến du khách tương đối lo ngại khi thưởng thức các món ăn đường phố ở cả hai điểm đến du lịch Bạc Liêu, An Giang.

Đối với hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí, Bạc Liêu được đánh giá cao hơn so với An Giang, do Bạc Liêu có công viên nước Khu du lịch Nhà Mát, là khu vui chơi giải trí có quy mô lớn nhất tại Miền Tây; một trong những địa điểm vui chơi giải trí tại Bạc Liêu không thể bỏ qua. Đây là công viên giải trí ngoài trời, với các công trình kiến trúc mang nét hiện đại và truyền thống. Mục đích của Khu du lịch Nhà Mát là tạo nên địa điểm vui chơi cho người dân Bạc Liêu cũng như du khách trong và ngoài nước, với hệ thống trang thiết bị, trò chơi hiện đại. Thêm vào đó, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu là điểm du lịch đầy hấp dẫn của Bạc Liêu. Đối với An Giang, dịch vụ vui chơi giải trí tuy có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu du khách. An Giang vẫn còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí có tính đột phá, sáng tạo mang tầm quốc tế; các dịch vụ vui chơi giải trí chủ yếu là các hoạt động tham quan, thưởng ngoạn, ngắm cảnh. Số ngày lưu lại An Giang của khách du lịch dài hơn so với Bạc Liêu.

Đối với hệ thống giao thông thuận tiện và hệ thống vận chuyển an toàn, thì Bạc Liêu không được đánh giá cao so với An Giang. Một yếu điểm lớn nhất của điểm đến du lịch Bạc Liêu là cho tới hiện tại, chưa có đường cao tốc. Du khách đi từ sân bay Cần Thơ về Bạc Liêu mất nhiều thời gian hơn so với An Giang. Đoạn đường từ Cần Thơ về An Giang thuận tiện, giao thông thông thoáng hơn Bạc Liêu. Chính vì kết cấu hạ tầng đã giúp cho An Giang thu hút du khách mạnh mẽ hơn, cạnh tranh tốt hơn so với điểm đến du lịch Bạc Liêu.

Như vậy, kết cấu hạ tầng không phải là điểm mạnh trong cạnh tranh của điểm đến du lịch Bạc Liêu mà An Giang là điểm đến du lịch được đánh giá vượt trội hơn.

4.1.5 Quản lý điểm đến

Hoạt động quản lý điểm đến du lịch Bạc Liêu còn nhiều bất cập. Cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chưa nhất quán, sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa nhịp nhàng. Nhưng bên cạnh đó, Bạc Liêu có chương trình hành động bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư các công trình bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; có tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng tại điểm đến. Tiếp đến là thành công về việc chính quyền hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất thông qua các thủ tục hành chính, qua việc ban hành các cơ chế chính sách, qua việc tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng dân cư, những người ủng hộ chủ trương đầu tư, họ đã chung tay đóng góp, ủng hộ các chính sách phát triển du lịch của Bạc Liêu với ý thức và hành động rất tích cực.

Đối với quản lý điểm đến du lịch An Giang, công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên nên chất lượng môi trường tại các khu du lịch của An Giang khá sạch sẽ; cộng đồng tại các khu du lịch có ý thức tự bảo vệ môi trường như tự thu dọn vệ sinh, tự cảnh báo cho khách du lịch vào khu vực cấm; không có hiện tượng đeo bám du khách để chào bán hàng. Chính quyền An Giang đã chú trọng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường xây dựng các nhà máy chế biến rác, hệ thống lọc và xử lý nước thải,... Tất cả những nỗ lực của tỉnh An Giang qua hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp mà du khách đánh giá cao về điểm đến du lịch An Giang.

Tóm lại, điểm đến du lịch Bạc Liêu cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, đầu tư cho du lịch mạnh mẽ hơn nữa để thay đổi bộ mặt của tỉnh, đồng thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách,... học hỏi kinh nghiệm quản lý điểm đến từ du lịch An Giang và các điểm đến du lịch cạnh tranh khác để từ đó thu hút và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch; nâng cao NLCT của điểm đến du lịch trong thời gian tới.

4.1.6 Nhân tố thu hút khách du lịch

Nhìn chung trong thời gian qua, khi du khách đến tham quan Bạc Liêu đều có nhận định người dân Bạc Liêu thân thiện, hiền hòa, hiếu khách, sẵn sàng hướng dẫn, chỉ đường cho khách phương xa khi khách có yêu cầu. Nhân viên tại các khu du lịch, bảo tàng, các điểm đến sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ khách du lịch; những hình ảnh tích cực này, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách, làm cho du khách cảm nhận được sự thân thiện, khi du khách đi tham quan du lịch. Giá cả nhà hàng, khách sạn, tour du lịch khá hợp lý đem lại trải nghiệm lý thú khi đến du lịch Bạc Liêu.

Đối với nhân tố thu hút khách du lịch du lịch An Giang đã tạo nên ấn tượng khá sâu sắc, thông qua sự đón tiếp du khách ân cần, nồng hậu; luôn quan tâm chia sẽ thông tin về an toàn cho du khách, về an ninh trật tự, tình hình giao thông tại địa phương, giúp du khách cảm thấy thoải mái giống như ở nhà. Các điểm du lịch An Giang được đánh giá là điểm đến du lịch có lợi thế cạnh tranh về giá cả nhà hàng, khách sạn, chương trình du lịch. Giá cả khá rẻ so với chất lượng sản phẩm dịch vụ. Khi mua hàng, du khách được bảo hành cho mặt hàng mua sắm tại An Giang, được du khách đánh giá là rẻ hơn các tỉnh lân cận. Giúp An Giang nâng cao hình ảnh đồng thời khẳng định thương hiệu du lịch An Giang.

Như vậy, hình ảnh điểm đến du lịch Bạc Liêu và An Giang được xây dựng khá ấn tượng trong lòng du khách và người dân địa phương; khẳng định thế mạnh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, Bạc Liêu cần tiếp tục có các chiến lược và chính sách giá phù hợp để phát triển hình ảnh, khẳng định thương hiệu Bạc Liêu để nâng cao NLCT điểm đến du lịch Bạc Liêu.

4.1.7 Hoạt động kinh doanh du lịch

Trong thời gian qua, các công ty du lịch tại Bạc Liêu đã góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà một cách mạnh mẻ. Hệ thống du lịch lữ hành của Bạc Liêu đang trên đà tăng trưởng nhanh. Theo thống kê năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Còn đối với tỉnh An Giang có gần 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Như vậy, số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của An Giang nhiều hơn gấp hai lần so với số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành Bạc Liêu. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách du lịch ở Bạc Liêu đã tích cực tham gia các chương trình kích cầu, với các hình thức giảm giá tour, phòng khách sạn,... để thu hút mạnh mẽ nguồn khách du lịch đến Bạc Liêu. Đặc biệt, thời gian gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Bạc Liêu đã liên kết thành lập hiệp hội du lịch lữ hành đón khách tại Bạc Liêu; cam kết chống cạnh tranh phá giá và cạnh tranh giảm chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã kết hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến vào thị trường du lịch, nhằm khai thác tối đa nguồn khách miền bắc đến Bạc Liêu. Tuy nhiên dịch vụ cung cấp thông tin, trợ giúp du lịch của điểm đến du lịch Bạc Liêu còn thiếu và yếu, thông tin chưa được phong phú. Do đó, du khách còn gặp khó khăn tìm kiếm thông tin để đi tham quan du lịch.

Còn đối với các doanh nghiệp lữ hành An Giang đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, xây dựng nhiều khách sạn 3 sao

và 4 sao làm thay đổi diện mạo thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc ngày càng đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khác, hiện tượng tranh giành khách vẫn còn tồn tại, việc giảm giá tour, giảm giá các dịch vụ kéo theo chất lượng dịch vụ kém. Thêm vào đó, việc liên kết, phối hợp giữa lữ hành và khách sạn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tạo được mối quan hệ gắn kết khai thác có hiệu quả đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và NLCT của điểm đến du lịch An Giang.

Tóm lại: Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành An Giang được đánh giá năng động, có sự phối hợp, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các doanh nghiệp khách sạn của An Giang nhưng để cạnh tranh được mạnh mẽ hơn trên thị trường du lịch, thì đòi hỏi các các doanh nghiệp du lịch An Giang phải nâng cao đạo đức kinh doanh; cam kết và hỗ trợ tốt du khách trong suốt chuyến hành trình và có mối liên kết chặt chẽ hơn nữa với khách sạn của các điểm đến. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành Bạc Liêu cần quảng bá, cung cấp thông tin rộng rãi cho du khách để cho du khách dễ dàng tìm kiếm lựa chọn tour, tuyến du lịch. Bên cạnh đó, cần nhạy bén hơn trong kinh doanh lữ hành, để thu hút du khách đến Bạc Liêu, làm cho ngành du lịch Bạc Liêu ngày càng năng động, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

4.1.8 Xây dựng thương hiệu điểm đến

Người dân địa phương của Bạc Liêu và An Giang đều được đánh giá là gần gũi, cởi mở, nhiệt tình, tôn trọng du khách nhưng điểm yếu lớn nhất của họ là khả năng giao tiếp, truyền tải thông tin cho khách du lịch. Do đó, để xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, đòi hỏi chính quyền địa phương cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, để họ sẵn sàng chia sẽ, trợ giúp du khách trong các sự kiện du lịch, các lễ hội, để du khách hiểu hơn về địa danh, di tích lịch sử văn hóa, vùng đất, con người Bạc Liêu và An Giang.

Theo thống kê, mỗi năm, ngành du lịch Bạc Liêu đón gần 1,8 triệu lượt khách đến tham quan, nhưng ít du khách trực tiếp biết đến Bạc Liêu, mà chủ yếu thông qua các doanh nghiệp lữ hành, các nhà tổ chức du lịch. Mặc dù ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm đến công tác xúc tiến quảng bá du lịch, nhưng kết quả mang lại chưa cao. Chính điều này làm hạn chế khả năng thu hút khách du lịch.

Riêng đối với du lịch An Giang mỗi năm đón khoảng 8,5 triệu lượt khách, du khách biết đến các điểm tham quan của An Giang qua nhiều kênh thông tin khác nhau như báo, tạp chí, đài truyền hình, tin tức trên các phương tiện truyền thông, internet, thông qua các phóng sự, các sự kiện, phim ảnh...

Những hoạt động này đã xây dựng thương hiệu điểm đến cho An Giang rất lớn, trong đó phải nói đến vai trò tích cực, năng động, chung tay góp sức của các doanh nghiệp lữ hành đã đồng hành cùng với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu An Giang ngày một vươn xa hơn.

Tóm lại: Chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Bạc Liêu, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, nhưng thiếu vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch Bạc Liêu cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng thương hiệu, chung tay góp sức cùng với chính quyền, đưa thông tin quảng bá các điểm đến du lịch Bạc Liêu, để ngày càng có nhiều du khách biết đến các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội dân gian của Bạc Liêu. Thêm vào đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cần tổ chức tập huấn cho người dân địa phương biết giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, người dân vui vẻ, nhiệt tình, hiếu khách.

Nhận xét chung, qua phân tích dữ liệu thứ cấp, cho thấy NLCT của điểm đến du lịch Bạc Liêu thấp hơn so với điểm đến du lịch An Giang ở nhiều tiêu chí đánh giá như: Tài nguyên du lịch, Sản phẩm du lịch, Nguồn nhân lực phục vụ du lịch, Kết cấu hạ tầng, Quản lý điểm đến, Nhân tố thu hút khách du lịch, Hoạt động kinh doanh du lịch, Xây dựng thương hiệu điểm đến. Lợi thế lớn nhất trong cạnh tranh của điểm đến du lịch Bạc Liêu là sản phẩm du lịch Nhà công tử Bạc Liêu, Nghệ thuật đờn ca tài tử. Đây là những điểm thuận lợi nhưng cũng là thách thức đặt ra cho ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu.

4.2 Ý KIẾN CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ TRONG VIỆC NÂNG CAO NLCT ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH BẠC LIÊU

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Bạc Liêu vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát của du lịch Bạc Liêu thấp so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu chưa cao, do đó du lịch Bạc Liêu cần nghiên cứu các hạn chế mà các chuyên gia nhận xét đánh giá:

- Công tác quản lý điểm đến: Công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm do chất thải sinh hoạt ở các khu dân cư, các điểm tài nguyên du lịch còn phổ biến; công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn yếu và chưa được coi trọng; công tác bảo tồn và phát triển bền vững chưa thực sự được nhận thức đúng đắn từ cấp quản lý cho đến cộng đồng địa phương. Tình trạng

mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn xảy ra. Tại một số khu du lịch vấn đề nước thải, rác thải chưa được quan tâm xử lý triệt để. Khu vệ sinh tại các điểm du lịch còn thiếu. Tình trạng hàng rong chèo kéo gây phiền hà cho du khách vẫn chưa được xử lý triệt để, nhất là vào mùa cao điểm. Tại một số nơi vẫn còn tình trạng chưa công khai đầy đủ giá các dịch vụ gây khó chịu cho du khách. Công tác quản lý các điểm du lịch chưa cụ thể, rõ ràng; chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

- Nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh chưa được đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý, khai thác một cách bền vững, hiệu quả, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có, chưa phát huy giá trị của tài nguyên, hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích, tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai tuyến du lịch mới của tỉnh chỉ mới là định hướng phát triển trong các quy hoạch của tỉnh, chưa được địa phương thống nhất cao, nên gặp khó khăn trong việc triển khai tour du lịch.

- Kết cấu hạ tầng: Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tiếp cận điểm đến thiếu đồng bộ. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi… phục vụ cho du lịch tuy có đầu tư, nhưng còn thấp so với yêu cầu phát triển; cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch mang tầm quốc gia với thương hiệu nổi bật. Việc xây dựng đường giao thông chưa hoàn chỉnh, giao thông đi lại còn khó khăn; một số xã điện thắp sáng chưa đầy đủ, thiếu nguồn nước ngọt, điều này ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và triển vọng phát triển du lịch của tỉnh.

- Sản phẩm du lịch Bạc Liêu: Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch chưa sáng tạo, thiếu đặc sắc; Sản phẩm du lịch Bạc Liêu còn đơn điệu, chậm đổi mới, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Sản phẩm du lịch còn ít, chương trình du lịch của tỉnh chưa phong phú, chương trình du lịch kết nối tour với các tỉnh trong khu vực chưa được nhiều, làm hạn chế đến tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; một số doanh nghiệp chưa làm tốt việc cung cấp thông tin điểm đến cho du khách, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển du lịch của tỉnh. Hiện sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Bạc Liêu trong khu vực ĐBSCL không cao, sản phẩm dịch vụ du lịch của Bạc Liêu chưa tạo được điểm nhấn trong khu vực và thiếu sức hấp dẫn, đặc biệt do sản phẩm còn trùng lặp với các sản phẩm trong khu vực ĐBSCL.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/03/2023