Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hà Nội - 17


gửi tiền cũng như duy trì và củng cố lòng tin của người dân đối với ngân hàng. Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nói chung và nâng cao hiệu quả tín dụng nói riêng hoạt động thanh tra cần phải có sự đổi mới về chất và lượng với sự thanh tra giám sát thường xuyên dựa trên các quy định của pháp luật.

Công tác thanh tra, giám sát cần phải tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, vi phạm pháp luật như việc cho vay, quy trình cho vay, công tác quản trị rủi ro của ngân hàng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần phải thanh tra giám sát các Ngân hàng trong việc triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được chính phủ ban hành. Tăng cường công tác thanh tra việc trích dự phòng, phân loại nợ làm cho hiệu quả kinh doanh ngân hàng đi vào thực chất, thanh tra công tác xử lý nợ xấu; cơ cấu nợ theo quy định… Từ đó để phát huy công tác thanh tra giám sát trong hoạt động ngân hàng trong việc hỗ trợ tích cực trong việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, đánh giá nợ xấu một cách thực chất hơn, phát hiện thực chất chất lượng tín dụng của các ngân hàng.

Trong hoạt động thanh tra cần phải đưa ra các phương pháp thanh tra hiệu quả tránh trồng chéo, trang bị được cho cán bộ thanh tra đầy đủ các kiến thức kinh nghiệm cho mỗi nhiệm vụ thanh tra đặc thù. Nâng cao tính độc lập của công tác thanh tra giám sát ngân hàng, công tác thanh tra phải không có sự áp đặt và chi phối của các yếu tố khác để đưa ra các kết luận thanh tra có sự tin cậy cao.

Nâng cao việc giám sát sau thanh tra, giám sát việc bổ sung khắc phục theo các kết luận thanh tra. Hiện nay công tác thanh tra giám sát đang đặt nặng vào việc phát hiện sai phạm, phát hiện sai phạm thì nhiều, trong khi việc xử lý sai phạm diễn ra chậm trễ khiến cho các ngân hàng yếu kém phát sinh nhiều sai phạm không những khắc phục chậm mà còn tiếp tục làm cho sai phạm trầm trọng hơn. Sau thanh tra, các cơ quan thanh tra của NHNN cũng như chi nhánh các NHNN tại địa phương cần phải tích cực làm việc với các ngân hàng bị thanh tra để hoàn thiện và khắc phục các sai phạm theo kết luận thanh tra với hạn định thời gian cụ thể rõ ràng và phải có biện pháp xử lý kịp thời khi không khắc phục được.

Trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để đưa ra các kết luận thanh tra chính xác khách quan, không chồng chéo giữa nội dung thanh tra của các cơ quan khác nhau như thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước, thanh tra thuế. Công tác thanh tra cần có sự đào tạo bồi dưỡng thường xuyên trên cơ sở cập nhật các văn bản pháp luật liên quan và phối hợp hợp tác với các bộ ngành khác cũng như học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức tài chính thế giới áp dụng các nội dung thanh tra theo chuẩn mực quốc tế.


4.3.1.4. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng

Hiện nay, NHNN đã chủ trương sáp nhập hoặc mua lại phần lớn các ngân hàng yếu kém cho giai đoạn tái cơ cấu hệ thống (2011-2015) trong đó phải kể đến Ngân hàng SHB sáp nhập Habubank năm 2012, và gần đay nhất là Sacombank sáp nhập Ngân hàng Phương Nam hay Ngân hàng Hàng Hải sáp nhập với MekongBank… các thương vụ sáp nhập đã làm cho các ngân hàng tăng tổng tài sản, mở rộng mạng lưới tạo đà cho phát triển kinh doanh. Đối với các ngân hàng không tự tái cơ cấu hoặc có những sai phạm trong công tác quản lý dẫn đến âm vốn, NHNN đã vào cuộc mua lại với giá 0 đồng như trường hợp của Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng TMCP Xây dựng, có thể thấy quá trình tái cơ cấu ngân hàng qua biểu đồ sau:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 148 trang tài liệu này.

Sơ đồ 4 1 Quá trình tái cấu trúc ngân hàng Nguồn Báo an ninh tiền tệ đầu tư 1

Sơ đồ 4.1: Quá trình tái cấu trúc ngân hàng

Nguồn: Báo an ninh tiền tệ & đầu tư(2015),tái cấu trúc ngân hàng thế hệ 2.0

Có thể nói, bức tranh ngân hàng đang thay đổi đáng kể từ sau giai đoạn bùng nổ năm 2008 -2010 và dự kiến còn khác hơn rất nhiều sau khi những thương vụ tái cấu trúc sáp nhập ngân hàng có kết quả. Dưới sức ép giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, các ngân hàng Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn trong tương lai như MSB hay SHB là một ví dụ. MSB với vốn điều lệ tổng gộp là 11.750 tỉ đồng, ngân hàng này bước lên gần ngang hàng với các ngân hàng trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất, theo sát Ngân hàng TMCP Quân Đội. Ở trường hợp Sacombank, sự hợp nhất với Ngân hàng TMCP Phương Nam đã tạo ra một ngân hàng tư nhân có quy


mô vốn, chi nhánh vượt trội so với nhóm tư nhân còn lại, ngân hàng này đang là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong khối các ngân hàng TMCP không do nhà nước chi phối chỉ sau 04 ngân hàng lớn do nhà nước sở hữu và chi phối. Những ngân hàng lớn cũng có tham vọng tương tự, như trường hợp BIDV với Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Để tiếp tục quá trình tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động các ngân hàng trong thời gian tới, luận án đưa ra một số giải pháp cơ bản sau:

- Tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 của Chính phủ và NHNN, cần xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu thông qua các con đường sáp nhập. Khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các ngân hàng với nhau trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

- Việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém cần phải có lộ trình và các nguyên tắc pháp luật chặt chẽ theo đó giao nhiệm vụ cho các ngân hàng lớn tham gia trực tiếp vào việc tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ. Việc tự tái cơ cấu của các ngân hàng nhỏ phải hết sức thận trọng trên cơ sở năng lực của nhà đầu tư, các nhà đầu tư muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu phải có năng lực tài chính thực sự, tránh sở hữu chéo, tránh việc tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu bằng vốn vay…

- Cần có các biện pháp xử lý dứt điểm việc sở hữu chéo trong các ngân hàng TMCP hiện nay, thực hiện thoái vốn của các Tập doàn, Tổng công ty nhà nước tại các NHTM, tránh việc thất thoát vốn nhà nước. Triển khai quyết liệt việc áp dụng các chuẩn mực Basel II trong các NHTM.

- Trong thời gian tới để đáp ứng quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN thì các ngân hàng TMCP do nhà nước chi phối như VCB, BIDV,Vietinbank sẽ vẫn phải đóng vai trò trung tâm trong việc trực tiếp hỗ trợ quản trị điều hành cũng như tham gia quản trị điều hành củng cố năng lực tài chính cho các Ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu hoặc sáp nhập, phát huy vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, đặc biệt là xử lý các ngân hàng yếu kém mà vẫn bảo đảm được sự ổn định của hệ thống ngân hàng, cụ thể Ngân hàng nhà nước đã mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là Oceanbank, VNBC, GPB trong đó VCB tham gia điều hành tái cơ cấu VNBC. Vietinbank tham gia điều hành tái cơ cấu Oceanbank, GPB và nhận sáp nhập PGB.


4.3.2. Một số khuyến nghị đối với các Ngân hàng TMCP trên địa bàn thành phố Hà nội

4.3.2.1. Tăng cường tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng

Để hoạt động kinh doanh phát triển, nâng cao hiệu quả tín dụng các ngân hàng cần phải tự tái cơ cấu trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, nâng cao công tác quản trị điều hành, hoàn thiện các quy trình nội bộ, có chiến lược kinh doanh rõ ràng, HĐTD trên cơ sở là hoạt động cốt lõi của ngân hàng cần phải được đảm bảo an toàn lành mạnh, thực hiện các quy định của nhà nước về giới hạn cho vay đối với từng ngành từ lĩnh vực đặc biệt là giới hạn cho vay đối với nhóm khách hàng, người có liên quan đến tổ chức tín dụng. Cụ thể, các ngân hàng cần chủ động ban hành các quy định quản lý phù hợp đối với hoạt động kinh doanh của mình để tránh rủi ro, hạn chế các lĩnh vực cho vay chứa nhiều rủi ro khi chưa có các hướng dẫn đồng bộ của các cơ quan nhà nước như cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay tuần hoàn, cho vay các dự án BOT giao thông. Tăng cường công tác kiểm toán nội bộ thường xuyên đối với các chi nhánh, công ty trực thuộc nhằm phát hiện sai phạm và phòng ngừa rủi ro từ xa.

Để nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo các tỷ lệ an toàn cho vay theo thông lệ quốc tế các ngân hàng cần phải đẩy mạnh tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới phát triển kênh phân phối dịch vụ ngân hàng đa dạng. Cơ cấu bộ máy quản trị điều hành tinh giảm, nâng cao công tác tuyển dụng nhân sự, bố trí và sử dụng tốt nguồn nhân lực đặc biệt có cơ chế đãi ngộ tốt để chọn được người tài trong quá trình tái cơ cấu.

Đối với riêng các ngân hàng TMCP trên địa bàn cần phải tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả như MSB cần cơ cấu lại hoạt động kinh doanh không nên dùng vốn quá nhiều cho hoạt động đầu tư dễ phát sinh rủi ro trong khi nghiệp vụ truyền thống là cho vay lại không chú trọng. Đối với VPB cần nâng cao công tác thẩm định cho vay không nên tập trung quá nhiều vào mảng khách hàng cá nhân cho vay tín chấp dễ dẫn đến rủi ro cao sau này, đối với SHB cần thay đổi cơ cấu cho vay hạn chế tham gia vào các dự án BOT có thời gian cho vay dài dẽ gây mất cân đối nguồn…

4.3.2.2. Nâng cao vai trò quản lý của Cổ đông, Hội đồng quản trị ngân hàng

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan tối cao của ngân hàng, trong những năm vừa qua hội đồng quản trị của nhiều ngân hàng đã không khẳng định được vai trò của mình, chủ yếu là các thành viên kiêm nhiệm do vậy sao nhãng trong việc quản lý dẫn đến rủi ro hệ thống hoặc lợi dụng quyền lực thông qua việc sở hữu chéo gây ra rủi ro cho ngân hàng. Bên cạnh đó việc tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư trong ngân hàng cụ thể là các thành viên hội đồng quản trị đại diện cho các nhóm cổ đông không đủ quyền chi phối đã gây cho hoạt động ngân hàng kém hiệu quả như một số ngân


hàng trong thời gian vừa qua. Mặc dù quản trị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã được luật pháp hóa, đặc biệt trong thị trường tài chính ngân hàng, một thị trường bị tác động rất mạnh bởi những thay đổi trong khu vực và thị trường tài chính thế giới thì vấn đề này đóng vai trò hết sức quan trọng liên quan đến vấn đề sống còn của các ngân hàng. Tuy nhiên, đối với nhiều ngân hàng, vai trò của hội đồng quản trị vẫn chưa được đánh giá đúng mức và chưa được xem như là một mô hình thật sự cần thiết cho việc phát triển kinh doanh của họ, nhiều khi các thành viên trong hội đồng quản trị không am hiểu kiến thức về ngân hàng đứng lên điều hành ngân hàng đã xảy ra sai phạm gây tiền lệ xấu cho hoạt động của hệ thống, hoặc hoạt động vì lợi ích nhóm cho vay các công ty sân sau vượt quá quy định, vừa quản lý ngân hàng và vừa quản lý công ty là khách hàng của ngân hàng gây ra sự thiếu lành mạnh trong việc phê duyệt tín dụng gây rủi ro cho ngân hàng dẫn đến phá sản như trường hợp của Ngân hàng TMCP Xây dựng hay Sacombank gần đây. Như vậy, để nâng cao vai trò của cổ đông và hội đồng quản trị trong hoạt động, các ngân hàng cần phải:

- Các ngân hàng cần chủ động tăng năng lực tài chính và minh bạch trong hoạt động kinh doanh bằng biện pháp tìm kiếm các cổ đông nước ngoài, các cổ đông đó phải có năng lực thực sự giúp đỡ được ngân hàng về kinh nghiệm quản trị, về vốn, về nền tảng công nghệ và về mạng lưới hoạt động trên thế giới. Hiện nay các ngân hàng đã vận dụng tốt vai trò của cổ đông nước ngoài trong việc xây dựng ngân hàng lớn mạnh như tại VCB, Vietinbank, Eximbank có cổ đông chiến lược là các tập đoàn tài chính Nhật Bản có kinh nghiệm và truyền thống lâu năm trong hoạt động tài chính ngân hàng.

- Đối với các cổ đông trong nước cần phải xây dựng các cổ đông có tiềm lực tài chính thực sự, đa dạng hóa các cổ đông không nên tập trung quyền lực vào một nhóm chi phối hoạt động ngân hàng dễ phát sinh rủi ro.

- Trong quá trình điều hành, hội đồng quản trị phải hoạt động minh bạch lấy lợi ích của các cổ đông đặt lên hàng đầu, các cổ đông cần phải có sự lựa chọn trên cơ sở có cùng mục đích đầu tư kinh doanh có kiến thức về tài chính ngân hàng, có cam kết gắn bó lâu dài đối với ngân hàng.

4.3.2.3. Hoạt động ngân hàng gắn với hiệu quả kinh tế của địa phương, Thực hiện tốt các chính sách chủ trương, pháp luật của nhà nước

Đối với hoạt động của các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội phải gắn chặt với hiệu quả kinh tế của thành phố, đối với các chi nhánh tại các tỉnh thành khác cũng phải gắn chặt với hiệu quả kinh tế của từng địa phương.

Các ngân hàng cần thực hiện tốt các chính sách chủ trương pháp luật của nhà nước và của từng địa phương như: Tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, các chương trình bình ổn giá, tham gia các chương trình an sinh xã hội….


KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Nâng cao hiệu quả HĐTD là yêu cầu cấp thiết đối với ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Để hoàn thành tốt việc này đòi hỏi cần phải giải quyết nhiều nội dung và nhiều các giải pháp khác nhau. Dựa trên việc phân tích thực trạng về hiệu quả tín dụng của các Ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội, chương 4 đã đề xuất một số giải pháp như: Tăng trưởng tín dụng ổn định, tăng chênh lệch lãi suất cho vay và huy động vốn, Giảm nợ xấu, nâng cao công tác định giá tài sản đảm bảo, nâng cao công tác quản lý chi phí lương và một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng trên địa bàn. Đây là những giải pháp cơ bản đối với các NHTM đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ các tổ chức tín dụng. Từ việc đánh giá những giải pháp chương 4 cũng đưa ra một số kiến nghị để làm cơ sở cho việc thực hiện giải pháp được đưa ra một cách hiệu quả và mang tính thực tiễn cao.


KẾT LUẬN

Tín dụng là hoạt động chủ yếu quyết định đến hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng, Cho đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều đề tài, bài nghiên cứu, luận án nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau liên quan đến HĐTD, cũng đã có nhiều khung lý thuyết, lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này. Điều này cho thấy việc nghiên cứu về vấn đề hiệu quả HĐTD của ngân hàng đặc biệt là đối với các Ngân hàng TMCP không do nhà nước chi phối trên địa bàn Hà nội vẫn luôn là đề tài có ý nghĩa thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị ngân hàng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ trong ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Hiện nay với xu thế tái cơ cấu ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, bộc lộ nhiều rủi ro, việc cho vay đã được siết chặt, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bước đầu có dấu hiệu tốt, tín dụng cho nền kinh tế đang có triển vọng mới. Vì vậy để đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng vay vốn đồng thời nâng cao hiệu quả HĐTD, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp, đầu tư mạnh cho công nghệ, cơ sở vật chất, mạng lưới nâng cao khả năng quản trị rủi ro, đưa ra nhiều sản phẩm cho vay ưu việt, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng... Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua sau khi hệ thống ngân hàng trải qua thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng tại các NHTM nói chung và các ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội nói riêng cũng bộc lộ nhiều hạn chế như chưa chú trọng đến việc quản trị điều hành, công tác quản trị rủi ro, hiệu quả HĐTD, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, mạng lưới chi nhánh hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng kém nợ xấu phát sinh nhiều, phần lớn các Ngân hàng TMCP không do nhà nước chi phối có tỷ lệ chia cổ tức thấp hoặc không có. Với thực tại như vậy luận án đã nghiên cứu khá toàn diện với các nội dụng như làm rõ tổng quan nghiên cứu của đề tài, thu thập tham khảo các công trình nghiên cứu có liên quan trước đó từ đó thấy được khoảng trống cần nghiên cứu tiếp theo, luận án hệ thống hóa những lý luận cơ bản về hiệu quả tín dụng của các NHTM đặc biệt phân tích thực trạng hiệu quả HĐTD của các Ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà nội trong giai đoạn 2012-2016 đây là giai đoạn vừa chịu sự tăng trưởng nóng của tín dụng và cũng là giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ các ngân hàng sau khi nợ xấu phát sinh nhiều, từ đó phân tích chỉ tiêu về tỷ suất lợi nhuận thuần từ HĐTD và các nhân tố tác động đồng thời tìm ra những giải pháp tối ưu phù hợp với thời điểm hiện tại để nâng cao hiệu quả HĐTD. Luận án cũng đã nêu lên những thuận lợi khó khăn, đưa ra các giải pháp cũng như những kiến nghị đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao hiệu quả HĐTD đối với các ngân hàng TMCP trong giai đoạn hiện nay.


DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN CỦA TÁC GIẢ ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ


1. Vũ Anh Quân (2009), “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đối với các doanh nghiệp xây lắp tại ngân hàng thương mại hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, (10), Tr 15-16.

2. Vũ Anh Quân (2015), “Bàn thêm về xử lý tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng thương mại”, Tài liệu hội thảo khoa học, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tr 108-113.

3. Vũ Anh Quân (2015), “Nâng cao chất lượng tín dụng của các NHTM trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, (18), Tr 39-41.

4. Vũ Anh Quân (2015), “Để tăng trưởng tín dụng đạt hiệu quả và an toàn trong thời gian tới”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, (21), Tr 32-34.

Xem tất cả 148 trang.

Ngày đăng: 04/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí