PHẦN I: GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Hệ thống ngân hàng thương mại từ khi ra đời và phát triển luôn đóng vai trò quan trọng và là một trong những trung tâm của nền kinh tế. Mọi sự tác động từ kinh tế thế giới, mọi dấu hiện của khủng hoảng, lạm phát, suy thoái,… hầu hết đều có thể nhìn thấy qua hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời cũng có thể thông qua chính hệ thống ngân hàng này mà có những tác động tích cực ngược trở lại nhằm điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô. Trong đó Ngân hàng Nông nghiệp là một trong những Ngân hàng thương mại hàng đầu giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế Việt Nam (80% dân số Việt Nam làm trong nông nghiệp), đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên hoạt động kinh doanh ngân hàng là loại hình kinh doanh có rất nhiều rủi ro, dễ xảy ra gian lận và sai sót, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại không những được các nhà quản trị ngân hàng quan tâm mà còn là mối quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước và của toàn xã hội. Sự phá sản của một ngân hàng có thể gây nên sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính – ngân hàng, ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Để ngăn ngừa những tổn thất và các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh ngân hàng, ngoài các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết bản thân ngân hàng thương mại phải có những biện pháp hữu hiệu. Mà biện pháp quan trọng nhất là phải thiết lập được hệ thống kiểm soát nội bộ một cách đầy đủ và có hiệu quả.
Thực tế, hoạt động kiểm soát nội bộ ở các Ngân hàng thương mại mới được đề cập và áp dụng những năm gần đây nên phần lớn còn thiếu kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn. Qua khảo sát của ủy ban Basel về các thất bại lớn và những vụ sụp đổ của các ngân hàng trên thế giới đã kết luận, một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự thất bại của ban lãnh đạo các ngân hàng trong việc thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh, thường xuyên, hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, việc
nghiên cứu và xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn thiện ở các Ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và ở Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hướng Hóa (Agribank Hướng Hóa) nói riêng là việc rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm!
- Một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hướng Hóa - 1
- Mô Hình Tổ Chức Kiểm Soát Nội Bộ Tại Ngân Hàng Thương Mại.
- Các Yếu Tố Cơ Bản Cấu Thành Hệ Thống Kiểm Soát Nội Bộ
- Tổng Quan Một Số Công Trình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Đề Tài
Xem toàn bộ 91 trang tài liệu này.
Xuất phát từ lý luận và thực tiễn trên của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Agribank Hướng Hóa, em chọn đề tài : “Một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hướng Hóa” cho Khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu đề tài
Xuất phát từ sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các Ngân hàng Thương mại nói chung và Agribank Hướng Hóa nói riêng, trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học và có hệ thống, khóa luận hướng đến những mục tiêu cụ thể sau:
- Làm rõ những vấn đề lý luận về hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương Mại.
- Phân tích thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tại Agribank Hướng Hóa để từ đó thấy được những ưu điểm, những tồn tại và nguyên nhân.
- Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Agribank Hướng Hóa
3. Đối tượng nghiên cứu
Hệ thống kiểm soát nội bộ của Agribank Hướng Hóa, cụ thể bao gồm quy trình kiểm soát các hoạt động chính tại ngân hàng:
- Hoạt động tín dụng cho vay vốn
- Hoạt động kế toán - ngân quỹ
- Hoạt động nhân sự, tổ chức cán bộ
4. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài đi sâu nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Agribank Chi nhánh Hướng Hóa trên cơ sở nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tế tại bộ Phòng
kế hoạch kinh doanh, Phòng kế toán - ngân quỹ, Phòng hành chính nhân sự và Phòng kiểm tra kiểm soát nộ bộ của Ngân hàng Agribank Hướng Hóa trong quý I/2014.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, em đã tiến hành nghiên cứu theo các phương pháp sau:
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Mục đích của phương pháp này là để có được những kiến thức căn bản về hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngân hàng và hình thành hiểu biết về đơn vị thực tập cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ tại đây.
Trong quá trình thực hiện đề tài, em đã nghiên cứu và tham khảo những nguồn tài liệu có độ tin cậy cao liên quan đến nội dung đề tài như một số giáo trình về các nghiệp vụ ngân hàng thương mại của các tác giả trong nước, các tạp chí điện tử cũng như sách báo về ngân hàng, kiểm soát nội bộ. Bên cạnh đó, em đã nghiên cứu về những quy định, những văn bản pháp luật có liên quan do Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam và Agribank ban hành. Ngoài ra, em cũng tìm đọc một số đề tài của sinh viên và giảng viên khoa Kế toán – Tài chính về các vấn đề có liên quan tới đề tài của mình.
Phương pháp quan sát
Thực hiện phương pháp này nhằm thấy rõ các bước công việc cụ thể hằng ngày của các cán bộ, nhân viên Agribank Hướng Hóa.
Phương pháp xử lý, phân tích số liệu
Với những số liệu được đơn vị cung cấp, em đã tiến hành xử lý, dựa trên những kiến thức và hiểu biết của bản thân để thực hiện việc so sánh, đối chiếu số liệu giữa các năm, sự tăng giảm các chỉ tiêu qua các kỳ phân tích.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Trên phương diện lý luận: Đi sâu nghiên cứu và hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương mại.
- Trên phương diện thực tiễn: Phân tích và nghiên cứu một cách có hệ thống về thực trạng kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hướng Hóa, nêu những
kết quả đạt được, những tồn tại, những nguyên nhân trong hoạt động kiểm soát nội bộ của Agribank Hướng Hóa trong năm qua
Trên cơ sở nghiên cứu từ đó đưa ra một số giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Chi nhánh để kiểm soát nội bộ thực sự trở thành công cụ đắc lực của Chi nhánh nhằm đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro và đạt được các mục tiêu mà Ngân hàng Agribank chi nhánh Hướng Hóa đã đặt ra.
PHẦN II: NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Khái quát chung về hệ thống kiểm soát tại Ngân hàng Thương mại
1.1.1. Khái niệm, chức năng của Ngân hàng Thương mại.
Ngân hàng thương mại đã hình thành tồn tại và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Sự phát triển hệ thống NHTM đã có tác động rất lớn và quan trọng đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hoá, ngược lại kinh tế hàng hoá phát triển mạnh mẽ đến giai đoạn cao nhất là nền kinh tế thị trường thì NHTM cũng ngày càng được hoàn thiện và không thể thiếu được.
Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu là nhận tiền kí gửi từ khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán.
Từ nhận định trên có thể thấy NHTM là tổ chức tài chính mà đặc trưng là cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính với nghiệp vụ cơ bản là nhận tiền gửi, cho vay và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, NHTM còn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu về sản phẩm dịch vụ của xã hội.
Chức năng của ngân hàng thương mại
Chức năng trung gian tín dụng
Chức năng trung gian tín dụng được xem là chức năng quan trọng nhất của ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, NHTM đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn. Với chức năng này, ngân hàng thương mại vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay và hưởng lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa lãi suất nhận gửi và lãi suất cho vay và góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người gửi tiền và người đi vay.
Chức năng trung gian thanh toán
Ở đây NHTM đóng vai trò là thủ quỹ cho các doanh nghiệp và cá nhân, thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như trích tiền từ tài khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và các khoản thu khác theo lệnh của họ. Các NHTM cung cấp cho khách hàng nhiều phương tiện thanh toán tiện lợi như séc, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, thẻ rút tiền, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… Tuỳ theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn cho mình phương thức thanh toán phù hợp. Do vậy các chủ thể kinh tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, lại đảm bảo thanh toán an toàn. Chức năng này vô hình chung đã thúc đẩy lưu thông hàng hoá, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tốc độ lưu chuyển vốn, từ đó góp phần phát triển kinh tế.
Chức năng tạo tiền
Tạo tiền là một chức năng quan trọng, phản ánh rõ bản chất của ngân NHTM. Với mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận như là một yêu cầu chính cho sự tồn tại và phát triển của mình, các NHTM với nghiệp vụ kinh doanh mang tính đặc thù của mình đã vô hình chung thực hiện chức năng tạo tiền cho nền kinh tế. Chức năng tạo tiền được thực thi trên cơ sở hai chức năng khác của NHTM là chức năng tín dụng và chức năng thanh toán. Thông qua chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng sử dụng số vốn huy động được để cho vay, số tiền cho vay ra lại được khách hàng sử dụng để mua hàng hoá, thanh toán dịch vụ trong khi số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng vẫn được coi là một bộ phận của tiền giao dịch, được họ sử dụng để mua hàng hoá, thanh toán dịch vụ…
1.1.2. Khái niệm về kiểm soát nội bộ.
Trong mỗi doanh nghiệp, chức năng kiểm tra kiểm soát luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và được thực hiện chủ yếu bởi hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Đứng trên các góc độ khác nhau có các định nghĩa khác nhau về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), hệ thống kiểm soát nội bộ là một hệ thống chính sách và thủ tục được thiết lập nhằm đạt được bốn mục tiêu sau: bảo vệ tài
sản của đơn vị, bảo vệ độ tin cậy của các thông tin, bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý và bảo đảm hiệu quả của hoạt động.
Theo như Coso- Khung thống nhất về kiểm soát nội bộ được sử dụng phổ biến tại Hoa kỳ, kiếm soát nội bộ được định nghĩa là: “một hệ thống đặt ra nhằm đảm bảo:
a) Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đi đúng hướng b) Doanh nghiệp cung cấp các báo cáo tài chính đáng tin cậy và c) Doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định và luật pháp.”
Theo chuẩn mực kiểm toán 400 của Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam: Hệ thống kiểm soát nội bộ: Là các qui định và các thủ tục kiểm soát do đơn vị được kiểm toán xây dựng và áp dụng nhằm bảo đảm cho đơn vị tuân thủ pháp luật và các qui định, để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót; để lập báo cáo tài chính trung thực và hợp lý; nhằm bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản của đơn vị. Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán và các thủ tục kiểm soát.
Từ các định nghĩa về kiểm soát nội bộ đã nêu có thể khái quát khái niệm và mục tiêu của hệ thống kiểm soát nội bộ :
Hệ thống kiểm soát nội bộ là toàn bộ các qui định, chính sách, các bước kiểm soát và thủ tục kiểm soát được thiết kế và vận hành trong toàn bộ doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả tất cả các mục tiêu đặt ra của đơn vị:
+ Bảo vệ tài sản của đơn vị: Tài sản của đơn vị bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình, chúng có thể mất mát, có thể hư hại và không được sử dụng hợp lý. Vì thế, kiểm soát nội bộ giúp cho các nhà quản lý sử dụng hiệu quả tài sản của đơn vị mình.
+ Bảo đảm độ tin cậy của các thông tin: Thông tin kinh tế tài chính là căn cứ quan trọng cho việc hình thành các quyết định của nhà quản lý, từ đó ảnh hưởng to lớn tới hoạt động của công ty. Do đó, các thông tin cung cấp phải đảm bảo tính kịp thời về thời gian, tính chính xác và tin cậy về hoạt động kinh doanh và phản ánh đầy đủ khách quan về nội dung hoạt động kinh tế và tài chính.
+ Bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý: Bất kỳ một đơn vị nào ngoài điều lệ của công ty, cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, chính sách của Nhà nước đề ra. Các chế độ pháp lý thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và có ảnh hưởng vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp.
+ Bảo đảm hiệu quả của hoạt động và năng lực quản lý: Hiệu quả hoạt động và năng lực quản lý quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Các quá trình kiểm soát trong một đơn vị được thiết kế nhằm ngăn ngừa sự lặp lại không cần thiết các tác nghiệp, gây ra sự lãng phí trong hoạt động và sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực trong doanh nghiệp. Định kỳ, các nhà quản lý thường đánh giá kết quả hoạt động trong doanh nghiệp được thực hiện với cơ chế giám sát của hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng quản lý, điều hành của bộ máy quản lý doanh nghiệp.
Tuy nằm trong một thể thống nhất song bốn mục tiêu trên đôi khi cũng mâu thuẫn với nhau như giữa tính hiệu quả của hoạt động với mục tiêu bảo vệ tài sản, sổ sách hoặc cung cấp thông tin đầy đủ và tin cậy. Khi thực hiện mục tiêu bảo đảm độ tin cậy của các thông tin thì mục tiêu bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý phần nào cũng được thực hiện bởi vì khi đó thông tin thực hiện theo các quy định của Luật, chuẩn mực và chế độ kế toán…và các quyết định kinh tế tài chính được đưa ra trên cơ sở các thông tin trung thực, hợp lý đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của doanh nghiệp. Hoặc khi thực hiện mục tiêu bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý thì cũng có nghĩa là tính hiệu quả của hoạt động được đảm bảo. Nhưng khi thực hiện mục tiêu bảo vệ tài sản hoặc bảo đảm độ tin cậy của các thông tin thì mục tiêu hiệu quả hoạt động có thể không được đảm bảo hoàn toàn. Do vậy, nhiệm vụ của các nhà quản lý là xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu và kết hợp hài hoà bốn mục tiêu trên.
Như vậy thấy rằng hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ gắn liền với mọi bộ phận, mọi quy trình nghiệp vụ và mọi nhân viên trong doanh nghiệp ít nhiều sẽ tham gia vào việc kiểm soát nội bộ và kiểm soát lẫn nhau (chứ không đơn thuần là chỉ có cấp trên kiểm soát cấp dưới).