Đối Tượng Và Phạm Vi Nghiên Cứu 1.3.1.đối Tượng Nghiên Cứu


trống quan trọng cần có các nghiên cứu bổ sung. Hơn nữa, lược khảo cho thấy, các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, độ mở thương mại hay bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu có tác động đến tỷ giá và vốn ĐTNN. Tuy nhiên, các yếu tố này chưa được xem xét đồng thời trong các mô hình kiểm định mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN. Do đó, luận án nhận thấy rất cần thiết bổ sung các biến kiểm soát này vào các mô hình kiểm định mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN.

Bối cảnh thực tiễn Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam được các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia mới nổi có triển vọng phát triển cao. Việt Nam luôn có tốc độ phát triển khá cao, tỷ giá ổn định, độ mở thương mại ngày càng tăng. Những đặc điểm này đã góp phần củng cố hình ảnh Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà ĐTNN. Kết quả là dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam ngày càng gia tăng đáng kể (phụ lục 7).

Theo số liệu thu thập được từ quỹ tiền tệ quốc tế, trong hai thập niên gần đây, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Đánh dấu bằng mốc thời gian năm 2007, Việt Nam đã thu hút lượng vốn tương đương gấp ba lần lượng vốn FDI đã thu hút trong năm liền kề trước đó. Đặc biệt, vốn FDI vào Việt Nam năm 2018 đạt hơn 7 lần so với thời điểm năm 1996, và hiện tại, dòng vốn này vẫn giữ xu hướng gia tăng ổn định.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê (2018), khu vực FDI đóng góp xấp xỉ 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) với mức độ đóng góp tăng dần qua các năm, luôn là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế, là một bộ phận quan trọng của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, khu vực FDI đã góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam, trở thành cầu nối để Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và hợp tác với nhiều quốc gia, góp phần từng bước nâng cao thế và lực của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, dòng vốn FPI vào Việt Nam cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Năm 2005, vốn FPI vào Việt Nam gia tăng đáng kể đã thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển và nóng dần lên trong năm 2006. Từ cuối năm 2006, song song với xu hướng tăng trưởng kinh tế khá cao của Việt Nam là sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong nước cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FPI (1.313 triệu USD). Năm 2007, lượng vốn FPI đầu tư vào Việt Nam khoảng 6.243 triệu USD.

Tuy nhiên, do tính chất biến động của FPI, nên lượng vốn FPI vào Việt Nam chưa được duy trì ổn định trong thời gian qua. Vốn FPI vào Việt Nam có những thoái vốn nhanh chóng trước những biến động của kinh tế trong nước và thế giới. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn


cầu diễn ra, cùng với xu hướng chung của các quốc gia mới nổi khác, vốn FPI ở Việt Nam đã rút đi nhanh chóng. Những năm tiếp theo, dòng vốn FPI giảm nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong giai đoạn 2014-2016, dưới tác động của khủng hoảng giá dầu và biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn FPI vào Việt Nam tiếp tục biến động mạnh và có sự sụt giảm rõ rệt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.

Số liệu trên cho thấy, Việt Nam đang chú trọng thúc đẩy hội nhập quốc tế và thu hút ĐTNN, bao gồm cả FDI và FPI. Trong giai đoạn 2005 đến nay, vốn ĐTNN vào Việt nam có sự gia tăng đáng kể, trong đó vốn FDI có tính chất ổn định hơn trong khi vốn FPI có sự biến động mạnh. Tuy nhiên, diễn biến chung của dòng vốn vào Việt Nam vẫn cho thấy triển vọng lạc quan, phù hợp với xu hướng dòng vốn vào các quốc gia mới nổi. Đặc biệt, những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình cải cách, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khung pháp lý ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam. Do vậy, một trong những vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh lý thuyết và thực tiễn Việt Nam là cần nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam để có những chính sách phù hợp thúc đẩy dòng vốn.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, NCS lựa chọn đề tài: “Mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài: nghiên cứu trường hợp Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ. Luận án bổ sung bằng chứng thực nghiệm về quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN tại Việt Nam, trường hợp quốc gia đang phát triển. Đồng thời, luận án cũng xem xét tác động của các yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP, độ mở thương mại và khủng hoảng tài chính toàn cầu đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN tại Việt Nam.

Mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài - Nghiên cứu trường hợp Việt Nam - 3

1.2. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát của luận án là phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN tại Việt Nam và đề xuất những hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn ĐTTN vào Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tổng quát, luận án xác định các mục tiêu cụ thể là:

(1) Phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI tại Việt Nam

(2) Phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FPI tại Việt Nam

(3) Khuyến nghị hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn ĐTNN tại Việt Nam

Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu như trên, luận án sẽ tập trung trả lời các câu hỏi nghiên cứu như sau:


(1) Mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI ở Việt Nam diễn ra như thế nào? Các yếu tố vĩ mô và khủng hoảng tài chính ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI?

(2) Mối quan hệ tỷ giá và vốn FPI ở Việt Nam diễn ra như thế nào? Các yếu tố vĩ mô và khủng hoảng tài chính ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FPI?

(3) Những hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn ĐTNN áp dụng ở Việt Nam là gì?

1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 1.3.1.Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN ở Việt Nam cũng như các yếu tố khác có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN. Trong đó, vốn ĐTNN gồm có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI).

1.3.2.Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN cho trường hợp quốc gia Việt Nam.

Về thời gian: phân tích mối quan hệ tỷ giá và vốn ĐTNN trong giai đoạn từ quý 4/2005 đến quý 4/2019

Lý do lựa chọn mốc thời gian:

- Năm 2005, Quốc hội ban hành Luật đầu tư (còn gọi là Luật đầu tư chung) kết thúc sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, là bước ngoặt quan trọng trong quyết tâm cải cách đổi mới để hội nhập và thu hút đầu tư của Việt Nam. Dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam đã gia tăng đáng kể từ thời gian này.

- Bên cạnh đó, nhằm đạt được sự thống nhất về giai đoạn nghiên cứu của hai dòng vốn và phụ thuộc tính sẵn có của dữ liệu nên luận án thống nhất chọn giai đoạn nghiên cứu từ quý 4-2005 đến quý 4-2019.

1.4. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu

1.4.1. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu tổng quát, luận án thực hiện kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Cụ thể như sau:

Để đạt mục tiêu cụ thể 1 và 2 “Phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI (vốn FPI) tại Việt Nam” luận án sử dụng nghiên cứu định tính lược khảo các nghiên cứu trước nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu và sử dụng nghiên cứu định lượng kiểm định mô hình nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI (vốn FPI) tại Việt Nam.


Để đạt được mục tiêu cụ thể 3 là “Khuyến nghị hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn ĐTNN tại Việt Nam” luận án sử dụng nghiên cứu định tính nhằm thảo luận các kết quả nghiên cứu định lượng trong điều kiện thực tiễn Việt Nam. Từ đó, đề xuất các hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn ĐTTN vào Việt Nam.

1.4.2. Dữ liệu nghiên cứu

Luận án sử dụng số liệu thứ cấp (tần suất quý), được thu thập từ các nguồn sau đây: báo cáo thống kê tài chính quốc tế (IFS) của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); tổ chức BRUEGEL (Châu Âu); và Tổng cục thống kê Việt Nam. Ngoài ra còn có các biến số được tác giả tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các nguồn nêu trên gồm có: biến động tỷ giá thực đa phương theo quý đo lường theo phương pháp độ lệch chuẩn (Std_reer), biến động tỷ giá thực đa phương (V_reer) theo quý đo lường theo phương pháp GARCH(1,1), độ mở thương mại (OPEN).

1.5. Kết quả đạt được và đóng góp mới của luận án

1.5.1. Kết quả đạt được

Với mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu như trên, nghiên cứu về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN trong bối cảnh Việt Nam cho kết quả:

(i) Có tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa mức độ tỷ giá thực đa phương và vốn FDI vào Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô như độ mở thương mại, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng tài chính được tìm thấy có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mức độ tỷ giá thực đa phương và vốn FDI. Bên cạnh đó, tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa vốn FDI với biến động tỷ giá thực đa phương (đo bằng phương pháp độ lệch chuẩn).

(ii) Có tồn tại quan hệ nhân quả một chiều từ mức độ tỷ giá thực đa phương đến FPI ở Việt Nam. Nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng thống kê về tác động của vốn FPI đến tỷ giá thực đa phương. Các yếu tố vĩ mô như độ mở thương mại, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng tài chính được tìm thấy có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mức độ tỷ giá và vốn FPI. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa vốn FPI với biến động tỷ giá thực đa phương (ở cả hai phương pháp đo: đo bằng phương pháp độ lệch chuẩn và đo bằng phương pháp GARCH(1,1).

1.5.2. Đóng góp mới của luận án


Luận án có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể như sau:


Đóng góp về mặt lý luận: Luận án trình bày đầy đủ và hệ thống các nghiên cứu trước liên quan đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài. Luận án tìm ra các khoảng trống nghiên cứu, từ đó xác định mục tiêu nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đóng góp về mặt thực nghiệm:

Luận án đóng góp một nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam với những điểm mới:

- Phân tích mối quan hệ giữa tỷ giá với vốn ĐTNN kết hợp cả hai vốn FDI và FPI trong cùng một nghiên cứu. Các nghiên cứu trước chủ yếu phân tích riêng lẻ mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FDI hoặc mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn FPI. Điểm mới của luận án là so sánh và rút ra được những điểm giống và khác biệt về bản chất của mối quan hệ giữa tỷ giá với từng dòng vốn. Đây là đóng góp thực tiễn mới quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài.

- Sử dụng tỷ giá thực đa phương với số lượng đối tác thương mại lớn nhằm phản ánh chính xác hơn về tỷ giá. Thay vì sử dụng tỷ giá danh nghĩa (NER); tỷ giá thực song phương (RER); tỷ giá thực đa phương (REER) với số đối tác thương mại nhỏ, luận án này sử dụng tỷ giá thực đa phương của đồng tiền Việt nam với 143 đối tác thương mại.

- Sử dụng đồng thời hai phương pháp đo lường biến động tỷ giá. Các nghiên cứu trước thường sử dụng một trong hai thước đo biến động tỷ giá là thước đo độ lệch chuẩn và mô hình GARCH(1,1). Luận án này sử dụng cả hai thước đo biến động tỷ giá, từ đó so sánh những điểm khác biệt trong mối quan hệ giữa biến động tỷ giá (theo hai phương pháp đo lường khác nhau) với dòng vốn FDI và FPI.

- Phân tích tác động của các yếu tố vĩ mô như: độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế

đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN ở Việt Nam.

- Phân tích tác động của khủng hoảng tài chính đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN.

- Kết quả nghiên cứu: có tồn tại quan hệ nhân quả giữa tỷ giá thực đa phương với vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, trường hợp quốc gia đang phát triển. Mặt khác, các yếu tố vĩ mô như độ mở thương mại, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng tài chính được tìm thấy có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đóng góp về mặt thực tiễn: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực nghiệm, luận án đề xuất các hàm ý chính sách tỷ giá và chính sách thu hút vốn FDI, vốn FPI vào Việt Nam theo đặc điểm riêng của từng dòng vốn trong mối quan hệ với tỷ giá.


1.6. Cấu trúc của luận án

Luận án được cấu trúc thành 5 chương. Cụ thể như sau: Chương 1: Giới thiệu tổng quan về nghiên cứu

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn đầu tư nước ngoài

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận Chương 5: Kết luận và hàm ý chính sách


Tiểu kết Chương 1

Chương 1 đã giới thiệu tính cấp thiết về lý luận và thực tiễn của nghiên cứu về mối quan hệ giữa tỷ giá và vốn ĐTNN. Sau khi đã giới thiệu khái quát về tình hình các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, Chương 1 chỉ ra những khoảng trống nghiên cứu chủ yếu. Trên cơ sở đó, chương 1 xác định nội dung, mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Đồng thời, Chương 1 đã nêu khái quát những đóng góp của nghiên cứu về mặt khoa học và thực tiễn. Chương 1 là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu ở các chương tiếp theo.


CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

2.1. Tổng quan về tỷ giá

2.1.1. Khái niệm tỷ giá (Exchange Rate)

Theo Ball (2008), “tỷ giá của một đồng tiền là số lượng ngoại tệ có thể mua một đơn vị nội tệ”. Theo Mishkin (2018), “giá của một đồng tiền được biểu thị bằng một đồng tiền khác gọi là tỷ giá”.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu tỷ giá chính là giá của đồng tiền này được thể hiện bằng đồng tiền khác. Theo Ball (2008), mỗi ngày, các cá nhân và công ty cần nhiều ngoại tệ để thực hiện hai giao dịch: (1) thương mại, mua và bán hàng hoá với đối tác nước ngoài và (2) đầu tư, mua và bán các tài sản, bao gồm cả tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu,…). Tỷ giá thay đổi từng phút từng giờ và ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân.

Khi đồng tiền của một quốc gia tăng giá trị so với ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia đó. Hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên đắt hơn với người nước ngoài và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài trở nên rẻ hơn đối với người dân trong nước (với giả định giá hàng hóa niêm yết ở hai nước không đổi). Ngược lại, khi đồng nội tệ mất giá, tác động của tỷ giá đến hàng hóa xuất khẩu diễn biến theo chiều ngược lại.

Bên cạnh đó, khi đồng tiền của một quốc gia tăng giá trị so với ngoại tệ, tài sản của nhà ĐTNN ở quốc gia này sẽ trở nên có giá trị hơn, có lợi cho nhà ĐTNN và ngược lại, khi nội tệ giảm giá trị sẽ làm sụt giảm giá trị vốn đầu tư hiện có của nhà ĐTNN.

Sau đổ vỡ của chế độ tỷ giá cố định của hệ thống Bretton Woods năm 1971, thị trường ngoại hối đã phát triển nhanh chóng với các cơ chế tỷ giá đa dạng. Tỷ giá hối đoái được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ. Do đó, khái niệm tỷ giá có sự khác nhau tùy vào mục đích hoạt động của chủ thể tham gia vào thị trường.

Hiện nay, các nghiên cứu thường sử dụng các loại tỷ giá như sau:

2.1.1.1. Tỷ giá danh nghĩa (Nominal Exchange Rate)

Là tỷ giá được công bố, không xét đến tương quan giá cả (hay tương quan lạm phát) giữa các quốc gia. Tỷ giá danh nghĩa là tỷ giá được sử dụng hàng ngày trong giao dịch trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá danh nghĩa tăng hay giảm không nhất thiết đồng nghĩa với sự gia tăng hay giảm sức cạnh tranh thương mại quốc tế.

Các loại tỷ giá danh nghĩa:


Tỷ giá danh nghĩa song phương (Nominal Exchange Rate - NER)

Theo Ball (2008), tỷ giá danh nghĩa song phương là giá cả của một đồng tiền được biểu thị thông qua một đồng tiền khác mà chưa đề cập đến tương quan sức mua hàng hóa và dịch vụ giữa chúng. Tỷ giá danh nghĩa song phương phản ánh sự thay đổi giá trị của một đồng tiền so với đồng tiền của quốc gia khác.

Tỷ giá danh nghĩa đa phương (Nominal Effective Exchange Rate –NEER)

Tại cùng thời điểm, một đồng tiền có thể lên giá với đồng tiền này nhưng lại giảm giá với đồng tiền khác. Do đó, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp tính tỷ giá danh nghĩa trung bình (còn gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương).

Tỷ giá danh nghĩa đa phương là tỷ giá giữa đồng tiền của một quốc gia so với bình quân theo trọng số của nhiều ngoại tệ. NEER phản ánh sự thay đổi giá trị của một đồng tiền so với giá trị trung bình của các đồng tiền. Vì NEER là giá trị trung bình của các tỷ giá danh nghĩa song phương nên NEER cũng thuộc loại tỷ giá danh nghĩa, chưa đề cập đến tương quan sức mua hàng hóa giữa nội tệ và các đồng tiền còn lại.

2.1.1.2. Tỷ giá thực (Real Exchange Rate)

Tỷ giá thực là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh bởi tương quan sức mua (hay tương quan lạm phát) đồng tiền trong nước và nước ngoài. Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, tỷ giá danh nghĩa tăng dẫn đến tỷ giá thực tăng.

Thông thường, trong các bài phân tích, các nhà nghiên cứu thường sử dụng các loại tỷ giá thực như sau:

Tỷ giá thực song phương (Real Exchange Rate - RER)

Theo Ball (2008), tỷ giá thực song phương là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát trong nước và nước ngoài. Do vậy, tỷ giá thực song phương phản ánh tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ.

Tỷ giá thực đa phương, còn gọi là tỷ giá thực hiệu lực (Real Effective Exchange Rate

–REER)

Theo Ball (2008), tỷ giá thực đa phương là tỷ giá danh nghĩa đa phương được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát ở trong nước với nhiều quốc gia khác. Do vậy, REER phản ánh tương quan sức mua giữa nội tệ với các đồng tiền khác.

Ý nghĩa của tỷ giá thực đa phương:

+ Nếu REER >100 thì đồng nội tệ có giá trị thực thấp hơn giá trị trung bình của các ngoại tệ

+ Nếu REER <100 thì đồng nội tệ có giá trị thực cao hơn giá trị trung bình của các ngoại tệ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/01/2023