Độ Ẩm Tương Đối Thấp Hơn So Với Các Trạm Nghỉ Dưỡng Ở Ấn Độ;

ẩm quá cao, cao nguyên giữa thung lũng sông Hồng và sông Đà đường giao thông không thuận lợi. Ở Nam Kỳ, Vũng Tàu là bãi biển mát mẻ nằm gần Sài Gòn, nhưng vùng đầm lầy dài hàng chục cây số gần Vũng Tàu là môi trường truyền bệnh sốt rét [25; 110].

Ngày 19/7/1897, sau 4 năm khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, bác sĩ Yersin đã giới thiệu với Paul Doumer về cao nguyên này và đề nghị xây dựng tại đây thành một nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp. Tiếp nhận dàn thông tin của bác sĩ Yersin, Toàn quyền Paul Doumer đã cho lập các phái đoàn khảo sát lên cao nguyên Lâm Viên sau đó.

Cao nguyên Lâm Viên đã được xác định là nơi có khí hậu thích hợp cho việc xây dựng trạm điều dưỡng vì:

1. Khí hậu của cao nguyên có nét tương đồng với các nước ôn đới vào mùa xuân. Nhiệt độ hầu như không dưới 0OC và không vượt quá 29OC;

2. Độ ẩm tương đối thấp hơn so với các trạm nghỉ dưỡng ở Ấn Độ;

3. Sương mù khá nhiều, đặc biệt là vào buổi chiều, điều này sẽ có lợi cho việc làm dịu đi những tia nắng trong những giờ nóng trong ngày;

4. Lượng mưa không quá lớn và số ngày mưa nhiều… mưa dai dẳng là rất hiếm, ngoại trừ tháng 7 và tháng 8(6).

Từ tháng 10/1897, Toàn quyền Paul Doumer đã cử phái đoàn quân sự đầu tiên do đại úy pháo binh Thouard và trung úy thủy quân lục chiến Wolf dẫn đầu để đi khảo sát và nghiên cứu làm một con đường dễ dàng nhất để đi từ Nha Trang lên dãy Trường Sơn tiếp cận cao nguyên Lâm Viên. Phái đoàn đã đi từ Sài Gòn tới Nha Trang rồi tiến vào thung lũng sông Nha Trang, đến thung lũng sông Đa Nhim và Dran vào tháng 12/1897, rồi từ đây men theo hữu ngạn sông Đa Nhim đến Finom, vượt thác Prenn lên cao nguyên Lâm Viên. Sau một thời gian dựng lều bên bờ suối Cam Ly, họ di chuyển tiếp tới vùng Dankia, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 13km về phía Tây Bắc. Sau 11 tháng khảo sát nghiên cứu (12/1897 – 9/1898), phái đoàn đã trở về với kết quả của chuyến khảo sát, phái đoàn đã chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên cao nguyên Lâm Viên và phác thảo một con đường dẫn lên cao nguyên từ vùng duyên hải Phan Rang. Đồng thời nhận thấy ở độ cao 1.000m có nhiều nhánh của sông Đồng Nai nên phái đoàn gợi ý xây dựng một con đường trực tiếp từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua thung lũng sông Đồng Nai để tránh con đường đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) dựng đứng đột ngột cao hơn 805m [25; 111–112].

Sau đó lại có những phái đoàn khảo sát khác đã được Toàn quyền Paul Doumer cho thành lập để tiếp tục công việc khảo sát trong các năm 1899 – 1900 [14; 5].

Trong khi các phái đoàn đang tiến hành công việc, năm 1899, bác sĩ Tadiff đã trình lên Toàn quyền Paul Doumer bản đánh giá những ưu, khuyết điểm giữa Dankia

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 85 trang tài liệu này.



Lịch sử Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt 1898 – 1945 - 4

(6) “Le sanatorium du Lang-bian”, Bulletin Économique de l’Indochine, No 15, 1899, p.493.

và Đà Lạt để ông quyết định chọn địa điểm trên cao nguyên này làm nơi xây dựng viện điều dưỡng: Đà Lạt có địa thế cao hơn Dankia 100m; không khí thoáng đãng hơn Dankia và có nhiều rừng thông rải rác, ít sương mù, độ ẩm cũng thấp hơn; Đà Lạt có nguồn nước dồi dào và đường giao thông tiện lợi vì mặt đất ít mấp mô, hơn nữa ở Dankia có lớp đất sét quá dày việc trồng trọt không thuận lợi [25; 120–121].

Đầu năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer gửi điện tín cho bác sĩ Yersin báo tin rằng ông sẽ cùng Yersin khảo sát thiết lập nơi nghỉ mát trên cao nguyên Lâm Viên. Ngày 25/3/1900, phái đoàn của Toàn quyền Paul Doumer và bác sĩ Yersin đã qua ở tại Dankia và Đà Lạt. Sau khi quan sát tại chỗ, Paul Doumer đã quyết định thiết lập nơi nghỉ mát dưỡng sức tại Đà Lạt thay vì Dankia.

Như vậy, dự định đầu tiên về một trạm nghỉ dưỡng trên núi cao ở Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer đã bước đầu được thực hiện. Qua những chuyến khảo sát, đặc biệt là từ chuyến khảo sát của ông, cao nguyên Lâm Viên đã được chọn làm một vùng đất hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người Pháp.

* Quá trình thiết lập:

Ngày 01/11/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định tách khu vực thượng lưu sông Đồng Nai ra khỏi tỉnh Bình Thuận để thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut Donnai), đặt tỉnh lỵ ở Di Linh (Djiring). Đây chính là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành, tổ chức và hoạt động cho Đà Lạt về sau này. Nhưng sau đó, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, trở thành đại lý hành chính và lại sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận vào năm 1903.

Sau khi Toàn quyền Paul Doumer về nước vào năm 1902, những dự định dang dở của ông đối với Đà Lạt hầu như bị ngưng trệ, hoặc nếu có tiến hành thì cũng rất chậm chạp. Các viên Toàn quyền kế nhiệm Paul Doumer đã “không thiết tha, hay thiếu ngân khoản, trong khi công việc phát triển Đà Lạt có nhiều trở lực lớn lao tiếp tục thực hiện” [17; 54], Đà Lạt thời kỳ này gần như bị bỏ ngỏ và chìm vào trong giấc ngủ hơn 10 năm.

Phải tới năm 1914, khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, mối đe dọa từ những tàu ngầm Uboat của Đức dẫn tới sự gián đoạn của giao thông hàng hải, về cơ bản đã cắt đứt con đường từ Đông Dương trở về Pháp, những cuộc hồi hương cho người Pháp không còn thực hiện được nữa. Lúc này, nhu cầu thiết lập mạng lưới trạm nghỉ dưỡng trên núi cao ở Đông Dương trở nên cấp thiết, Đà Lạt được chọn xây dựng làm trạm nghỉ dưỡng chính ở Đông Dương kể từ đây [10; 76–77].

2.1.2.2. Thủ phủ của Liên bang Đông Dương‌

* Thời kỳ định hình (1900 – 1914):

Toàn quyền Paul Doumer đã tiên liệu từng chức năng thuộc địa tương lai của Đà Lạt là: “một vườn ươm “nòi giống” Pháp ở Đông Dương, một địa điểm hồi sức, và một chỗ sinh hoạt gia đình kiểu Âu châu nơi các phụ nữ và trẻ em Pháp rốt cuộc có thể góp

mặt trong bối cảnh chung” [10; 122]. Đà Lạt ngay từ thời kỳ của Toàn quyền Paul Doumer đã có một sự ưu tiên đặc biệt trong định hướng xây dựng và phát triển, là cơ sở nền móng về một thủ phủ tương lai của Đông Dương trên vùng đất mới có khí hậu ôn hòa như quê nhà Âu châu của ông.

Năm 1900, Paul Champoudry đã được bổ nhiệm làm thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt. Sau nhiều năm sinh sống tại đây, cùng với kinh nghiệm quy hoạch đô thị khi ông còn làm việc ở Tòa thị chính Paris, ông đã khởi xướng đồ án đầu tiên cho đô thị Đà Lạt. Đây là đồ án tổng quát, kèm theo dự án chỉnh trang, phân lô cho thành phố trong tương lai. Đồ án đã được Toàn quyền Jean Beau phê duyệt vào năm 1906. Champoudry dự định phần hữu ngạn được dùng cho các công trình quân sự, còn trung tâm thành phố sẽ nằm ở tả ngạn dòng suối Cam Ly, nơi có địa hình phù hợp để xây dựng các công trình đô thị: “một trung tâm thương mại bên cạnh chợ và ở khu trung tâm thành phố, khách sạn và giải trí thường. Nhà ga ở gần vị trí của nhà ga ngày nay và kế bên là nhà bưu điện. Đường sá tương đối rộng: đường chính rộng 20m, đường phụ rộng 16m và 12m” [25; 195]. Trong dự án này, Dinh Toàn quyền Đông Dương, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Khâm sứ Trung Kỳ, Dinh Khâm sứ Cambodge cũng được dự kiến xây dựng để trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương.

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và thiếu nhất quán trong chính sách của chính quyền thuộc địa, bản đồ án của Champoudry chỉ được thực thi một phần và Đà Lạt đứng trước nguy cơ bị chìm vào quên lãng. Mặc dù không thực hiện được, nhưng từ bản đồ án của Champoudry, công cuộc xây dựng những cơ sở hạ tầng ban đầu trên cao nguyên Lâm Viên bước đầu đã được triển khai. Cũng từ quy hoạch đầu tiên này, Đà Lạt ngay từ đầu đã được định hình như một thủ phủ thật sự.

Trong những năm tiếp theo sau khi Toàn quyền Paul Doumer về nước, vẫn có một số phái đoàn nghiên cứu và khảo sát xây dựng những con đường lên cao nguyên Lâm Viên, họ vẫn kiến nghị xin tiếp tục xây dựng Đà Lạt thành một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng và đặt nền móng ban đầu cho những bước phát triển tiếp theo của Đà Lạt. Năm 1907, khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt (Hôtel du Lac) được xây dựng. Năm 1909, trạm khí tượng được chuyển từ Dankia về Đà Lạt.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đường bộ và đường sắt dẫn lên cao nguyên vẫn tiếp tục được thi công nhưng với tiến độ hết sức chậm chạp, có khi bị ngưng trệ. Đặc biệt, năm 1914 đoạn đường sắt Phan Rang – Xóm Gòn đã hoàn thành, từ đây đã mở ra nền tảng cho sự kết nối đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên.

* Thời kỳ đánh thức tiềm năng và xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố của

người Âu (1914 – 1939):

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, con đường giao thông giữa Đông Dương với Pháp bị cắt đứt khiến việc hồi hương của người Pháp không thể thực hiện được, nhiều người Pháp đã quyết định ở lại Đông Dương. Khi đó, Toàn quyền

Đông Dương Albert Sarraut đã bày tỏ mong muốn biến Đà Lạt thành điểm nghỉ mát trên cao số một của Đông Dương “chúng ta có lý do để hy vọng rằng Đà Lạt chắc chắn sẽ trở thành địa điểm nghỉ dưỡng vùng cao cho toàn bộ Đông Dương và ngay cả một vài làng giềng của chúng ta ở vùng Viễn Đông” [10; 144].

Tháng 11/1915, Toàn quyền Roume quyết định đánh thức Đà Lạt dậy sau một giấc ngủ dài. “Chỉ trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Đà Lạt mới bật dậy và nổi lên như một địa điểm du lịch và giải trí thuộc địa quy mô lớn” [10; 143]. Cơ sở hạ tầng ở Đà Lạt được xây dựng với tốc độ nhanh chóng, hệ thống đường giao thông, các cơ sở văn hóa, giáo dục, hàng loạt khách sạn, cư xá, biệt thự bảo đảm nhu cầu của một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng. Đường bộ lên Đà Lạt thời kỳ này tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng và hoàn thành kết nối trực tiếp Đà Lạt với Sài Gòn, Phan Rang, Phan Thiết và Buôn Ma Thuột. Chính quyền thực dân Pháp cũng đã đặt tại Đà Lạt một Nha giám đốc các sở nghỉ mát Lâm Viên và du lịch Nam Trung Kỳ (Direction des Services de la Station d’Altitude du Langbian et du Tourisme dans le Sud-Annam) để biến Đà Lạt thành trung tâm nghỉ mát trên cao ở Đông Dương.

Năm 1916, Toàn quyền Roume quyết định xây dựng ở Đà Lạt một khách sạn lớn và các viên Toàn quyền kế tiếp cấp kinh phí mở mang đường xá. Nhu cầu về điện và nước cung cấp cho Đà Lạt đã được giải quyết khi năm 1918 xây dựng nhà máy điện và năm 1920 xây dựng nhà máy nước.

Những thay đổi hành chính cũng diễn ra rất nhanh chóng. Ngày 06/01/1916, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên (Province du Langbian), đặt tỉnh lỵ ở Đà Lạt. Ngày 30/5/1916, Khâm sứ Trung Kỳ ký Nghị định thành lập thị tứ Đà Lạt (Centre urbain de Dalat). Ngày 31/10/1920, tỉnh Đồng Nai Thượng (tỉnh lỵ Di Linh) được tái lập, tỉnh Lâm Viên bị xóa bỏ để thành lập thành phố Đà Lạt và đưa Đà Lạt trở thành một thành phố tự trị. Ngày 14/9/1928, tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng chuyển từ Di Linh về Đà Lạt. Hai cái tên tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng có thể là tiền đề cho tên tỉnh Lâm Đồng về sau này.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của du khách châu Âu tới Đà Lạt để nghỉ mát, Toàn quyền Đông Dương nhận thấy cần xây dựng một đồ án quy hoạch mới để thay thế cho bản phác thảo của Champoudry. Năm 1919, Kiến trúc sư O’Neill đã phác thảo một bản đồ án mới, nghiêng về hướng dân sự hóa đô thị và xây dựng thành phố thành nơi vui chơi, giải trí cho chính quyền thuộc địa Đông Dương.

Năm 1923, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã phác thảo ra một bản đồ án quy hoạch mới cho Đà Lạt. Ông đã từng quy hoạch thủ đô Athen của Hy Lạp và nhiều thành phố khác ở châu Âu, Toàn quyền Đông Dương đã giao cho ông quy hoạch một số thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Phnompenh. Đồ án của Hébrard đã thể hiện một tầm nhìn và tham vọng rất lớn, quy hoạch theo hai quan điểm quy hoạch “thành phố vườn” và quy hoạch thuộc địa, ông chia thành phố ra làm 3 khu vực: 1 dành cho người Âu, 1 dành

cho người bản xứ và khu vực còn lại là trung tâm hành chính với chức năng thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương, không gian dành cho quân sự cũng bị lượt bớt rất nhiều so với hai bản đồ án trước đó. Bản đồ án đã có một tầm nhìn rất lớn, dự kiến xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo bản đồ án quy hoạch của Hébrard, trên dòng suối Cam Ly có một chuỗi hồ và tư tưởng chủ đạo của ông là tập trung vùng dân cư xung quanh hồ. Các khu vực được phân bố rõ ràng bao gồm: Khu quân sự, Khu bệnh viện, Khu Toàn quyền, Khu hành chính, Khu vui chơi giải trí ở khu vực hồ Xuân Hương, Khu thể thao; … [25; 198]. Tuy nhiên, bản đồ án của Hébrard bị nhiều quan chức Pháp đương thời đánh giá là quá tham vọng và viễn vông.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 nổ ra đã buộc chính quyền thuộc địa phải cắt giảm ngân sách mạnh mẽ và khiến cho đồ án quy hoạch thất bại. Cuối cùng, chỉ có một phần việc phân lô và con đường quanh hồ được thực hiện. Thất bại của đồ án quy hoạch Hébrard, cùng với tình trạng trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 đã khiến cho việc quy hoạch và phát triển Đà Lạt trở thành thủ phủ của Đông Dương gần như đã bị đình trệ.

Năm 1933, kiến trúc sư Pineau đã đưa ra một đồ án mới về chỉnh trang Đà Lạt với quan niệm thực tế hơn Hébrard. Ông đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, đồng thời thiết lập các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh quan và khí hậu địa phương. Đồ án của ông có tính thực tiễn cao trong việc quy hoạch Đà Lạt, nhiều ý tưởng của đồ án vẫn tiếp tục được quan tâm nghiên cứu trong những dự án chỉnh trang đô thị Đà Lạt ở các giai đoạn sau này. Ông cố gắng duy trì vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, dành một khu vực rộng lớn hình cánh quạt mà tâm điểm là Đà Lạt và tỏa ra đến tận đỉnh núi Langbian đề nghị thành lập vườn quốc gia (ngày nay là vườn quốc gia Bidoup).

Từ bản đồ án của Pineau, thủ phủ Đà Lạt của Liên bang Đông Dương dần hiện phác thảo ra hoàn chỉnh. Pineau đã viết bài đăng trên báo L’Avenir du Tonkin ngày 25/5/1937 và đề xuất Đà Lạt trở thành “Thủ đô của Liên bang Đông Dương”. Trên tạp chí Vie Urbaine số 49 năm 1939, Pineau khẳng định: “Đà Lạt có thể trở thành một thủ đô còn an toàn và có tính trung tâm hơn cả Hà Nội(7).

Tầm nhìn xây dựng Đà Lạt trở thành thủ phủ của Đông Dương đã được định hình trong ý tưởng của Toàn quyền Paul Doumer và được chính thức đề nghị ở kiến trúc sư Pineau khi mà nền tảng xây dựng cơ bản đã hoàn thiện.

Từ khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Đà Lạt đã thật sự thức dậy sau giấc ngủ dài hơn 10 năm và có điều kiện để phát huy tiềm năng sẵn có của mình. Đường sắt và đường bộ trong thời kỳ này đã hoàn tất kết nối, cùng với sự tiếp vốn đầu tư mạnh mẽ từ Nam Kỳ đã tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn cho Đà Lạt.



(7) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4.

* Thời kỳ phát triển hoàng kim của Đà Lạt và trở thành thủ phủ của Liên bang

Đông Dương (1940 – 1945):

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939, lượng người tới Đà Lạt ngày một đông khiến cho thành phố trở nên chật hẹp, nhiều khu dân cư đã được hình thành một cách vội vã và không trật tự, mặc dù lúc này Đà Lạt đã trở thành một thành phố hài hòa và thoáng đãng với các khu vực được xây cất hoàn hảo. Trước tình hình đó, Toàn quyền Jean Decoux quyết định xây dựng một quy hoạch tổng thể, chỉnh trang Đà Lạt để điều chỉnh sự phát triển của thành phố theo một trật tự hợp lý, hài hòa hơn và Đà Lạt đã dần bước vào thời kỳ phát triển hoàng kim của mình.

Dân số Đà Lạt tăng mạnh trong chiến tranh thế giới thứ hai, từ 13.000 năm 1940 lên 20.000 năm 1942. Với sự phát triển ngày càng mạnh và dân số ngày càng gia tăng, ngày 08/01/1941, tỉnh Lâm Viên được tái lập, đặt tỉnh lỵ ở Đà Lạt. Tỉnh lỵ của Đồng Nai Thượng được dời về Di Linh. Ngày 04/7/1943, Đà Lạt lại được mở rộng bằng việc sáp nhập tỉnh Lâm Viên và thành lập thành phố Đà Lạt. Đặc biệt, trong thời gian này, một cư dân đặc biệt là vua Bảo Đại thường xuyên lưu lại Đà Lạt và xây dựng cho gia đình mình những dinh thự nghỉ dưỡng tại đây.

Ngày 03/9/1941, Toàn quyền Jean Decoux đã giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch đô thị và kiến trúc Đông Dương nghiên cứu và hoàn thành các đồ án quy hoạch mở rộng thành phố Đà Lạt. Ngày 27/4/1943, đồ án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Lagisquet đã được Toàn quyền Decoux chấp nhận và ban hành áp dụng. Đồ án của ông đã xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm hành chính của Đông Dương, thành phố nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục, văn hóa, du lịch và còn giải quyết nhu cầu nhà ở cho những di dân với những loại hình cư trú phù hợp với nghề nghiệp của họ.

Năm 1942, nhà máy thủy điện Ankroet (nhà máy thủy điện đầu tiên ở Đông Dương) được xây dựng. Năm 1943, Ngân hàng Đông Dương thành lập chi nhánh tại Đà Lạt. Năm 1944, Nha Địa dư Đông Dương được dời từ Gia Định lên Đà Lạt.

Đà Lạt thời kỳ 1940 – 1945 bước vào giai đoạn cực thịnh của thời Pháp thuộc, nhiều công trình công cộng và tôn giáo tiếp tục xuất hiện với lối kiến trúc Á Đông, làm phong phú thêm cảnh quan của thành phố. Và dưới thời của Toàn quyền Jean Decoux, Đà Lạt đã có thời gian trở thành thủ phủ thật sự của Liên bang Đông Dương khi ông thường xuyên ở Đà Lạt và chọn nơi này là nơi để làm việc. Vai trò thủ phủ Đông Dương của Đà Lạt kết thúc năm 1945, khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

2.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI THIẾT LẬP TUYẾN ĐƯỜNG SẮT LÊN ĐÀ LẠT‌

Có thể nói rằng, từ khi biết tới cao nguyên Lâm Viên như một nơi lý tưởng để thiết lập viện điều dưỡng dành cho người Pháp, Toàn quyền Paul Doumer đã dự tính về việc xây dựng đường sắt lên nơi đây từ năm 1898.

“Người châu Âu sau một vài giờ đi tàu từ Sài Gòn lên đây, khí hậu nơi này sẽ gợi nhớ cho họ lại khí hậu của nước Pháp. Họ sẽ rời khỏi cái nóng của vùng thấp để đi lên Langbian. Họ sẽ được nghỉ ngơi, xua đi cái mệt mỏi và trở lại công việc mà không mất nhiều thời gian và chi phí”(8).

Vai trò quan trọng của tuyến đường sắt này đã thể hiện ngay trong bản kế hoạch xây dựng đường sắt Đông Dương bằng đoạn Sài Gòn – Khánh Hòa – Langbian. Một khi đã kết nối được với Sài Gòn bằng đường sắt, Đà Lạt hoàn toàn có thể cho phép người Pháp suy trì sự hiện diện ở Đông Dương, vì vậy Paul Doumer cho rằng “cần phải thiết lập tuyến đường bộ và đường sắt trước khi có sự phát triển quan trọng nào trên trạm nghỉ dưỡng này” [10; 122].

Cũng ngay trong năm 1898, bác sĩ Yersin đã tiên liệu về vai trò của tuyến đường sắt rằng: “Trên Langbian, người Âu sẽ tìm thấy một khí hậu nhắc nhở họ về nước Pháp, chỉ cách Sài Gòn vài giờ tàu hỏa” [10; 138].

Như vậy, vai trò to lớn của tuyến đường sắt tương lai dẫn lên cao nguyên Lâm Viên đã được xác định từ rất sớm và đã thôi thúc nhà cầm quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ quyết tâm thực hiện. Tuyến đường sắt sau khi được xây dựng hoàn thành sẽ có thể phục vụ đắc lực mục đích giúp người Pháp tiếp cận với Đà Lạt một cách dễ dàng và nhanh chóng, tạo điều kiện giao thông thuận lợi để xây dựng nơi đây trở thành một “thiên đường trốn nóng” của người Pháp và là một “vườn ươm” nòi giống Pháp ngay tại thuộc địa Đông Dương.

Bên cạnh đó, cao nguyên Lâm Viên từ những ngày đầu thực hiện triển khai xây dựng là miền sơn cước hoang vu mới vừa được biết tới và là một “vùng đất hứa” cần được xây dựng từ đầu, nên việc tiếp cận nơi này không hề dễ. Mặc dù đường bộ là loại hình giao thông đầu tiên được xây dựng dẫn lên cao nguyên, nhưng với tính chất phức tạp của địa hình nên ban đầu chỉ mới làm được đường mòn và vận chuyển bằng la thồ hoặc bằng sức người. Về sau này, mặc dù đường bộ được phát triển hơn, kết nối Đà Lạt trực tiếp với nhiều nơi hơn, nhưng đường bộ lại có nhược điểm là phương tiện giao thông không thể để vận chuyển một lúc với khối lượng lớn và nhanh như đường sắt, trong bối cảnh Đà Lạt đang cần một nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ để xây dựng. Hơn nữa, đường sắt là phương tiện giao thông an toàn hơn so với đường bộ, vì tàu hỏa là phương tiện được thiết kế chỉ chạy trên một đường ray ấn định và được ưu tiên khi đi cắt ngang giao điểm với đường bộ.

Chính vì vậy, vai trò của đường sắt dẫn lên cao nguyên Lâm Viên một lần nữa cho người Pháp nhận thấy đây là sự lựa chọn tối ưu và cần thiết phải được xây dựng để thực hiện những tham vọng của mình đối với Đà Lạt.



(8) “Le sanatorium du Lang-bian”, Bulletin Économique de l’Indochine, No 15, 1899, p.494.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2


Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt là một công trình vô cùng tốn kém, khó khăn và phức tạp, do việc phải xây dựng trên địa hình không hề thuận lợi, kỹ thuật mới và tốn một nguồn kinh phí khổng lồ. Quyết tâm về việc xây dựng thành công tuyến đường này đã cho thấy tầm quan trọng vô cùng lớn lao của nó đối với người Pháp những ngày đầu xây dựng Đà Lạt trở thành viện điều dưỡng trên núi. Về sau, tuyến đường sắt này còn có vai trò vô cùng lớn, giúp vận chuyển nhân lực và vật lực từ miền xuôi lên để xây dựng và phát triển nơi này, để rồi ở thời kỳ hoàng kim phát triển 1940

– 1945, Đà Lạt đã thật sự trở thành thủ phủ của Đông Dương.

Có thể khẳng định rằng, trong thời kỳ lịch sử 1897 – 1945, sự phát triển nhảy vọt của Đà Lạt có mối quan hệ gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, kết nối, kéo dài Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt. Kể từ năm 1932, khi tuyến đường sắt đã hoàn tất xây dựng và đưa vào khai thác, nguồn đầu tư cho Đà Lạt từ Nam Kỳ ngày càng tăng do điều kiện giao thông đã trở nên thuận lợi. Đặc biệt, khi toàn tuyến Hà Nội

– Sài Gòn đã hoàn tất kết nối bằng đường sắt vào năm 1936, Đà Lạt lại có thêm một bước phát triển nhanh về mọi mặt, dân số tăng nhanh, nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng và nhiều cơ quan quan trọng của chính quyền thuộc địa Đông Dương cũng được chuyển về đây. Ở thời kỳ hoàng kim phát triển của mình, dù trong thời gian ngắn ngủi nhưng Đà Lạt đã hội tụ những yếu tố của một thủ phủ Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã gần như chuyển về nơi này để làm việc và sinh sống, người đứng đầu các xứ và vua Bảo Đại cũng thường xuất hiện ở đây.

Từ tầm nhìn ban đầu của Toàn quyền Paul Doumer, tuyến đường sắt này dù không dài nhưng là một tuyến đường vô cùng quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc cai trị và khai thác Đông Dương của thực dân Pháp, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của Đà Lạt đi tới biến nơi này trở thành thủ phủ Đông Dương.

Xem tất cả 85 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí