Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 2

cắt đứt. Tình trạng khan hiếm hàng hóa đã diễn ra trong một thời gian dài, để lại hậu quả nặng nề cho chính quyền và nhân dân ta sau cách mạng.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã thực hiện những chủ trương, chính sách để khôi phục lại các hoạt động công thương và giao thông vận tải. Để khuyến khích, vận động giới công thương tích cực hoạt động góp phần phục hồi nền kinh tế, trong thư gửi giới công thương, Hồ Chủ Tịch đã viết: "giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này" [Dẫn theo Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự, 2013, 516].

Công nghiệp

Chính phủ chủ trương kiên quyết giữ vững chủ quyền, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Pháp. Một số xí nghiệp của tư bản Pháp và tư bản nước ngoài được tiếp tục kinh doanh nhưng phải tuân theo luật lệ và chịu sự kiểm soát của ta. Đó là các xí nghiệp điện, nước (ở thành phố); khai thác than (Quảng Ninh), dệt (Nam Định), xí nghiệp gạch ngói (Đáp Cầu - Bắc Ninh), xi măng (Hải Phòng), xí nghiệp sửa chữa cơ khí (Hà Nội, Hải Phòng...). Chủ trương này nhằm ngăn chặn những xáo trộn trong sản xuất và đời sống công nhân. Ở Bắc Bộ hầu hết các nhà máy, xí nghiệp thuộc các ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu như điện, nước, vải sợi, sửa chữa cơ khí... vẫn được hoạt động.

Chính phủ áp dụng những biện pháp thủ tiêu đặc quyền của thực dân Pháp. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Chính phủ ta cho đóng cửa Sở Khoáng chất của tư bản Pháp ở Trung Bộ. Tiếp đến, ngày 30 tháng 5 năm 1946, xoá bỏ đặc quyền khai thác của Pháp và lập ra các khu mỏ của Nhà nước Việt Nam ở Thái Nguyên, Nông Sơn (Quảng Ngãi), Khe Bố (Nghệ An). Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh

tế tư nhân phát triển, theo điều kiện hợp lý1.


1 Ngày 30 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 91 cho phép ông Đỗ Long Giang là chủ mỏ được quyền khai thác than đá tại khu Giáp Khẩu rộng 900 ha ở Hòn Gai trong thời gian 30 năm. Ông Đỗ Long Giang phải nộp vào công quỹ 9.000 đồng Đông Dương. Ông còn phải đảm bảo sản lượng than hàng năm là 20.000 tấn và nộp cho Nhà nước 2 đồng/tấn...

Nhà nước ban hành dự thảo luật lao động, bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người công nhân như tiền lương, điều kiện làm việc... Kể từ ngày 2 tháng 10 năm 1945, Chính phủ cho phép tất cả các nhà kinh doanh đều được quyền khai trương, khuếch trương, nhượng lại hay di chuyển các cơ quan thương mại và kỹ nghệ hay tiểu công nghệ. Do đó, nhiều nhà công thương Việt Nam đã huy động vốn để thành lập các công ty kinh doanh. Một số công ty lớn đã ra đời như: Việt Thương công ty (có vốn 30 triệu đồng Đông Dương, chuyên kinh doanh hàng nông sản xuất nhập khẩu); Công ty Hương Việt, công ty Việt Bắc, v.v...

Thương nghiệp

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 7 thủ tiêu việc "ngăn sông cấm chợ", đảm bảo cho sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo được tự do trong toàn Bắc Bộ. Sau đó, từ ngày 2 tháng 10 năm 1945 thì Sắc lệnh này được áp dụng cho cả Trung Bộ. Ngày 22 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thủ tiêu các nghiệp đoàn độc quyền kinh doanh, đồng thời nắm độc quyền về ngoại thương. Ngày 6 tháng 10 năm 1945, Nha Thương vụ Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề thương nghiệp và đề đạt với Chính phủ những chính sách cần thiết. Chính phủ còn kêu gọi và khuyến khích thương nhân mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời quyết định thành lập Hội thương gia Việt Nam (ngày 13 tháng 10 năm 1945).

Căn cứ vào hoàn cảnh và nhu cầu của đất nước lúc bấy giờ, Chính phủ có Sắc lệnh cấm xuất khẩu thóc gạo, ngô, đỗ và các chế phẩm từ ngũ cốc (ngày 9 tháng 10 năm 1945). Ngày 21 tháng 8 năm 1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 160 về việc cấm xuất cảng các loại máy móc, hàng hóa sản xuất bằng kim khí, xe hơi và phụ tùng xe hơi. Nhà nước khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng khác với điều kiện nhà kinh doanh phải xin phép. Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về ngoại thương thời gian này thực hiện trên thực tế rất hạn chế bởi hầu hết các cửa khẩu quan trọng đều bị phong toả, hoặc nằm trong sự kiểm soát của quân đội nước ngoài [Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự, 2013, 518].

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 2

Giao thông vận tải, bưu điện

- Về giao thông vận tải

Chính phủ đã thủ tiêu quyền kinh doanh đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam, giao cho Bộ Giao thông công chính quản lý; đồng thời tiến hành khôi phục, sửa chữa những cơ sở giao thông vận tải bị tàn phá sau chiến tranh. Kết quả đã khôi phục được 50/60 chiếc cầu bị phá, sửa được 500 km đường bộ, tu sửa 32 km đường sắt; phục hồi 35 đầu máy, 206 toa hành khách, 134 toa hàng loại 20 tấn, 127 toa hàng loại 10 tấn.

Chỉ hơn một tháng sau Cách mạng tháng Tám, giao thông vận tải đường sắt đã được phục hồi và hoạt động thông suốt. Về đường thủy và đường hàng không: Từ tháng 9 năm 1945, Bộ Giao thông công chính đã tổ chức đường vận tải thủy - bộ liên hợp từ Bắc vào Nam. Tiếp đến, ngày 3 tháng 10 năm 1945, lập Nha Hàng hải thương thuyền Việt Nam, đặc trách quản lý giao thông đường thủy; đồng thời tổ chức Sở Hàng không, chuyên lo tu sửa mọi thiết bị kỹ thuật và chuẩn bị điều kiện để cho ngành Hàng không sau này ra đời.

- Về bưu điện

Sau cách mạng, hệ thống thông tin liên lạc có vai trò cực kỳ quan trọng, nên Chính phủ đã dành cho lĩnh vực bưu chính sự quan tâm cần thiết. Chỉ một tuần sau cách mạng, hệ thống điện tín và điện thoại nối giữa Hà Nội, Huế và Sài Gòn được phục hồi và hoạt động bình thường. Đến giữa năm 1946, 4.000 km đường điện thoại đường dài được sửa chữa xong. Trong bưu chính, người Việt Nam đã thay thế người Pháp đảm đương mọi việc của lĩnh vực này.

b. Chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến

Vào cuối năm 1946, khi đàm phán giữa Chính phủ ta và Pháp bế tắc, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh trên phạm vi toàn quốc là rất lớn. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến. Chính sách kinh tế khi chuyển sang thời chiến Chính phủ được xác định rõ: "Tài chính kinh tế phải tập trung. Mọi lực lượng của quốc dân được huy động để dùng trong việc kháng chiến, kiến quốc" [Đặng Phong, 2002, 214].

Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, ở những thành phố thực dân Pháp chiếm được, ta tiến hành triệt để bao vây và phá hoại kinh tế. Ở những vùng nông thôn nơi Pháp thực hiện đánh rộng ra thì ta thực hiện chính sách "vườn không nhà trống" để gây khó khăn cho họ. Đồng thời tổ chức phá đường để ngăn cản cuộc tiến công của địch. Cả nước thực hiện phong trào "Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ". Nhân dân miền Bắc và miền Trung dốc sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Các toa xe lửa chở đầy lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men, quần áo được đưa vào Nam và ra các mặt trận.

Chính phủ còn phải chuẩn bị để đối phó trước tình hình chiến tranh ngày càng lan rộng ra cả nước. Để phục vụ chiến tranh, việc tổ chức sản xuất và mua sắm vũ khí là một yêu cầu không thể thiếu. Ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành quân giới Việt Nam. Ngành này được xây dựng trên cơ sở các xưởng sửa chữa xe lửa và ô tô của Nhật và Pháp. Ở miền Nam, ngay khi kháng chiến bùng nổ, một số địa phương đã thành lập các công binh xưởng để chế tạo súng đạn. Tính đến cuối năm 1946, ngành quân giới đã có 20 cơ sở lớn nhỏ, với 2.500 công nhân. Bên cạnh đó, các xưởng may, xưởng đóng giày của Bộ Quốc phòng cũng được xây dựng từ cuối năm 1945. Phong trào "Mùa đông binh sĩ" đã góp phần tích cực trong việc trang bị áo ấm cho bộ đội. Chính phủ cũng tổ chức ra các cơ sở sản xuất thuốc men do Cục Quân y quản lý để sản xuất thuốc, bông, phục vụ cho kháng chiến.

Như vậy, chỉ trong vòng 16 tháng (từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946), những thành công nổi bật của Đảng và Chính phủ ta là đẩy lùi được nạn đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất; xây dựng được nền tài chính, tiền tệ độc lập; các lĩnh vực sản xuất và trao đổi buôn bán được hồi phục. Một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công đó chính là bản lĩnh và sự tài tình của Đảng, của Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ Tịch trong việc đề ra chủ trương, chính sách kinh tế khôn khéo, đúng đắn, phát huy được tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Thành công đó đã góp phần ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ chính quyền và những thành quả cách mạng; đồng thời tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến toàn quốc trong 8 năm tiếp theo.

4.2. KINH TẾ GIAI ĐOẠN 1947-1954

4.2.1. Kinh tế vùng tự do

a. Chính sách kinh tế kháng chiến

Tháng 11 năm 1946, quân Pháp mở các cuộc tấn công ở nhiều khu vực thuộc miền Bắc và miền Trung; đồng thời gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội và kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô. Trước tình hình đó, từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Hồ Chủ Tịch để có chủ trương đối phó. Hội nghị cho rằng khả năng hoà hoãn không còn, do đó Hội nghị đã quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và chủ động tiến công trước khi thực dân Pháp thực hiện màn kịch đảo chính quân sự ở Hà Nội. Vào lúc 20h00 ngày 19 tháng 12 năm 1946, đài phát thanh phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ!

Kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam là cuộc kháng chiến của một nước nông nghiệp lạc hậu chống lại một nước đế quốc có nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử và các điều kiện khách quan, chủ quan, Đảng và Chính phủ ta đã đề ra đường lối chung cho cuộc kháng chiến là: "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh". Tinh thần của đường lối chung này được quán triệt, vận dụng vào tất cả các lĩnh vực kháng chiến. Về kinh tế, Đảng và Chính phủ xác định rõ chính sách kinh tế kháng chiến có hai nội dung: Phá hoại kinh tế của địch xây dựng kinh tế của ta.

Do thực dân Pháp đánh ta trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đối với kinh tế, chúng chủ trương bao vây kinh tế kháng chiến hòng làm cho sản xuất bế tắc, thị trường rối loạn. Để chống lại, ta không chỉ đánh địch trên mặt trận quân sự mà còn đánh địch trên cả mặt trận kinh tế. Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 3 tháng 4 năm 1947 nêu rõ: Phá kinh tế địch bằng cách tẩy chay và phá hoại quân sự. Làm cho địch không kinh doanh, bóc lột gì được, không thực hiện được chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Tất cả những gì có lợi cho địch (lương

thực, quần áo, đạn dược, đầu máy, xe cộ...) thì phải đốt phá, nếu ta không chiếm được để dùng [Văn kiện Đảng, 2001, tập 8, 181].

Đồng thời với nhiệm vụ phá hoại kinh tế địch, Chính phủ triển khai xây dựng nền kinh tế kháng chiến theo 2 nguyên tắc: "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc" và "Tự cung, tự cấp về mọi mặt". Cụ thể:

Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc: Kháng chiến, kiến quốc được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Việc xây dựng kinh tế lúc này "về hình thức là kinh tế chiến tranh, về nội dung là dân chủ mới" [Trường Chinh, 1959, 35-36]. Trong đó tính chất kháng chiến được ưu tiên hàng đầu, tất cả cho kháng chiến thắng lợi; quá trình xây dựng và phát triển kinh tế cũng nằm trong mục tiêu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Đối với kinh tế, cần chú trọng phát triển nông nghiệp, tiếp đến là thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp. Trong công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp quốc phòng và khai thác nguyên liệu.

Tự cung, tự cấp về mọi mặt: Do bị bao vây phong toả với bên ngoài và giữa các vùng với nhau, nên phải tự cung, tự cấp về mọi mặt. Chúng ta phải tự mình giải quyết những nhu cầu cho kháng chiến, không phụ thuộc vào nước ngoài để có thể đảm bảo kháng chiến trường kỳ. Tập trung sản xuất những thứ cần thiết, đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh, không sản xuất những xa xỉ phẩm. Bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng phải dành một phần thời gian để sản xuất tự túc, giảm bớt gánh nặng đóng góp của nhân dân.

b. Đặc điểm tình hình kinh tế

Thực hiện chủ trương, chính sách kinh tế kháng chiến của Chính phủ, trước khi rút khỏi các thành phố, các vùng đồng bằng lên các chiến khu, ta đã thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", làm vườn không nhà trống, phá đường, cầu cống, công sở và các cơ sở kinh tế của Pháp1. Chúng ta còn thực hiện bao vây, phá hoại kinh tế địch. Tại các cơ sở công nghiệp

của Pháp vùng tạm chiếm, ta đã tháo gỡ máy móc và dụng cụ, làm cho


1 Trong những ngày đầu kháng chiến, ta đã phá hủy 1.060 km đường sắt, 5.640 km đường bộ, 30.500 chiếc cầu và cống, 59.100 nhà xưởng, 84 đầu máy và 868 toa xe lửa [Đặng Phong, 2002, tập 1, 240].

sản xuất công nghiệp của Pháp ở nhiều nơi gần như bị tê liệt. Nhìn chung, chúng ta đã thực hiện "tiêu thổ kháng chiến" tốt. Tuy nhiên, trong phá hoại kinh tế địch, chúng ta mắc một số sai lầm ở vài nơi như chậm trễ trong việc phá hoại làm cho địch kịp thời sử dụng đường sá để tấn công, một số nơi lại chủ trương phá ở cả những nơi không cần phải phá. Tuy vậy, việc phá hoại trên quy mô toàn quốc có ý nghĩa to lớn, làm cho quân đội Pháp bị vây hãm, khả năng tấn công bị giảm sút và chậm lại.

Bên cạnh "phá hoại kinh tế địch" thì "xây dựng kinh tế ta" là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của vùng tự do. Kinh tế kháng chiến vùng tự do được xây dựng, phát triển qua hai đoạn với những đặc điểm tình hình khác nhau, đó là giai đoạn 1947-1950 và giai đoạn 1951-1954.

Kinh tế giai đoạn 1947-1950

Tư tưởng chỉ đạo kinh tế giai đoạn này là xây dựng cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài, kinh tế phục vụ kháng chiến.

- Nông nghiệp

Trong giai đoạn này, nước ta vẫn là nước có nền kinh tế lạc hậu; trong đó, nông nghiệp là ngành chủ đạo. Chính vì thế chủ trương của Chính phủ là chú trọng phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho kháng chiến và đời sống người dân.

Để khuyến khích, phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Đó là, thực hiện giảm tô thuế, bước đầu thực hiện "người cày có ruộng". Ngày 14 tháng 7 năm 1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 78/SL nhắc lại giảm tô 25%, xóa địa tô phụ và chế độ "quá điền". Tiếp theo vào tháng 5 năm 1950, Chính phủ ban hành Quy chế về việc tạm cấp ruộng đất của Việt gian, thực dân Pháp cho nông dân, bộ đội, du kích và những người tá điền đã từng lĩnh canh trên mảnh đất đó. Chính phủ còn cho nông dân vay vốn để mua trâu bò, nông cụ, giống, phân bón, chi phí thủy lợi, khai hoang, mở rộng chăn nuôi, phát triển nông nghiệp. Từ năm 1947 đến 1951, Sở tín dụng sản xuất đã cho khu vực nông nghiệp vay 181 triệu đồng [Nguyễn Ngọc Minh, 1966, 166]. Năm 1947, Bộ Canh nông thực hiện vận động nông dân vào làm ăn tập thể. Lúc đầu phong trào tương đối rầm rộ; song vì tổ chức ào ạt, nhận

thức và quản lý chưa tốt, nên sau đó có nhiều hợp tác xã đã giải tán. Năm 1949, Chính phủ có chính sách rõ ràng hơn về hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ đó, các địa phương lại phát triển các hình thức hợp tác từ tổ đổi công, hợp công đến hợp tác xã. Những hình thức kinh tế tập thể thời này đã có tác dụng nhất định đối với sự phát triển và bảo vệ sản xuất.

Trong giai đoạn này, việc cải tiến kỹ thuật canh tác và tổ chức chống địch phá hoại sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ quan tâm. Đội ngũ chuyên gia nông nghiệp được cử xuống cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế, đưa ra những sáng kiến đổi mới kỹ thuật thích hợp để phát triển nông nghiệp như dùng phân xanh bón ruộng, gieo trồng các giống lúa ngắn ngày, đưa các giống rau mới lên gieo trồng ở vùng núi... Chính phủ còn chỉ đạo quân và dân ta chống địch càn quét, phá hoại để bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân vùng tự do.

Về thủy lợi, bộ đội, cơ quan đi đến đâu cũng tổ chức giúp dân xây dựng các cơ sở tiểu thủy nông để tăng vụ cho sản xuất, bảo vệ đê điều. Với sự giúp đỡ của cán bộ, bộ đội, rất nhiều nơi đã đẩy mạnh phong trào thủy lợi nhỏ, chuyển những ruộng một vụ thành ruộng hai vụ (thêm vụ chiêm). Từ năm 1946 đến năm 1950, hàng chục triệu ngày công lao động được huy động, đã đào được hàng chục triệu mét khối đất đá. Diện tích lúa được tưới tiêu tăng lên nhanh chóng, từ 22.500 héc ta (năm 1946) lên

134.000 héc ta (năm 1950). Trong suốt 8 năm kháng chiến, gần như không có vùng nào bị lụt, bị hạn, bị sâu bệnh phá hoại mùa màng.

Những biện pháp trên đây của Chính phủ đã có tác dụng lớn trong việc giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp làm cơ sở kinh tế cho kháng chiến. Trong giai đoạn 1947-1950, sản xuất được duy trì bình thường, sản lượng lúa tăng lên, hoa màu tăng mạnh. Năm 1950, sản lượng lúa từ Bắc Trung Bộ trở ra đạt hơn 2.414.830 tấn. Các loại hoa màu: Ngô, khoai, sắn, đỗ cũng tăng nhiều. Riêng sắn, năm 1950, ở Việt Bắc đã tăng hơn những năm trước đến 100%. Việc chăn nuôi gia súc ở một số địa phương cũng tăng hơn trước. Nhìn chung, nông nghiệp thời kỳ này ổn định, có bước phát triển nhất định, đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho kháng chiến và dân sinh.

Ngày đăng: 16/09/2023