Tình Hình Sở Hữu Ruộng Đất Tính Đến Năm 1953

Để thực hiện nhiệm vụ tăng thu, Chính phủ đã ban hành hệ thống thuế mới, gồm 7 loại: Thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế trước bạ và thuế tem. Trong đó thuế nông nghiệp quan trọng nhất vì nền kinh tế lúc này vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Thuế nông nghiệp có sự thay đổi về tên gọi, hình thức và chế độ thu. Thuế nông nghiệp trước được gọi là thuế điền thổ và thu bằng tiền, nay thu bằng hiện vật (thóc). Từ thời điểm này, thuế nông nghiệp thu theo chế độ lũy tiến, từ 6 đến 45%. Có thể nói, biểu thuế mới này có lợi cho nông dân, đồng thời có tác dụng điều tiết mạnh mẽ thu nhập của địa chủ, phú nông (họ phải nộp nhiều hơn). Tầng lớp bần nông chỉ phải đóng từ 5-10%, còn trung nông đóng 10-20%, địa chủ từ 30-50% sản lượng thu hoạch. Thuế nông nghiệp còn có sự phân biệt giữa các vùng khác nhau. Đối với những vùng có hoàn cảnh chiến tranh, vùng căn cứ du kích thì mức thuế nhẹ hơn so với vùng tự do; ở miền núi nhẹ hơn so với miền xuôi.

Từ khi áp dụng, thuế nông nghiệp đã phát huy tác dụng một cách rõ rệt. Ngay năm 1951, mức thu về thuế nông nghiệp đã vượt mức thu về thuế điền thổ tới 50%. Tổng cộng trong suốt 4 năm từ 1951-1954, từ liên khu V trở ra, thuế nông nghiệp đã thu được 1.575.000 tấn thóc; trong đó chỉ một phần nhỏ thu bằng tiền. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng đối với thu thuế nông nghiệp, đem lại lợi ích lớn cho tài chính quốc gia. Nhờ thuế nông nghiệp nhà nước đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho cán bộ, bộ đội, mà còn có một lượng đáng kể dành cho mậu dịch quốc doanh để bình ổn vật giá. Ngoài thuế nông nghiệp, các loại thuế khác cũng có sự điều chỉnh. Thuế công thương nghiệp được sửa đổi theo sắc lệnh số 44 ngày 22 tháng 7 năm 1951. Thuế công nghiệp thu thấp hơn thuế thương nghiệp nhằm khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp. Thuế công thương nghiệp chia ra ba loại: thuế doanh nghiệp, thuế bán hàng và thuế buôn chuyến. Mức thuế tương đối nhẹ để đảm bảo lưu thông hàng hóa, bình ổn vật giá, tránh chênh lệch giá quá lớn giữa các vùng. Thuế xuất nhập khẩu được ban hành vào ngày 13 tháng 8 năm 1951, chủ yếu đánh vào kinh doanh hàng hóa giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do; thuế suất được thay đổi theo từng loại hàng hoá. Thuế sát sinh, thuế trước bạ và thuế tem mang lại nguồn thu không đáng kể cho ngân sách.

Chính phủ thực hiện giảm chi với nhiều biện pháp như: tiết kiệm chi và giảm chi tới cấp huyện, chi chủ yếu phục vụ kháng chiến; giảm biên chế bộ máy nhà nước, tập trung cho lực lượng bộ đội. Trong đợt giảm biên chế đầu tiên (tháng 8 và 9 năm 1951) có 35.159 nhân viên hành chính được chuyển sang công việc khác, tiết kiệm được 40.000 tấn thóc trong một năm.

Từ năm 1951, do thu ngân sách tăng lên, chi hợp lý hơn, nên mức bội chi ngân sách đã giảm bớt, thu đáp ứng 30% chi (năm 1950 là 23%). Đến năm 1952, việc cân bằng thu chi tài chính đã tiến bộ đáng kể, thu đáp ứng được 78% chi, năm 1953 ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ thu đã vượt chi 16%; năm 1954 thu vượt chi 12%. Như vậy, từ bội chi ngân sách đến thu lớn hơn chi đã phản ánh kết quả tích cực của các biện pháp mà Chính phủ đã thực hiện.

+ Về ngân hàng, tiền tệ

Ngày 6 tháng 5 năm 1951, Ngân hàng quốc gia được thành lập có các nhiệm vụ phát hành tiền, quản lý lưu thông tiền tệ, huy động vốn, cho vay phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa; quản lý ngoại hối và tổ chức đấu tranh tiền tệ với địch. Ở miền Nam, do điều kiện chiến tranh, lại ở xa Trung ương, nên Chính phủ cho thành lập Ngân hàng nhân dân Nam bộ và phát hành tiền riêng.

Ngân hàng Quốc gia tiến hành cải cách tiền tệ vào tháng 5 năm 1951, đổi tiền theo tỷ lệ 1 đồng ngân hàng bằng 10 đồng tài chính. Từ chỗ phát hành tiền để giải quyết chi tiêu ngân sách thì nay ngân hàng chuyển sang chế độ phát hành tiền để phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa, góp phần ổn định tiền tệ, tạo điều kiện cải thiện đời sống nhân dân. Ngân hàng trung ương thông qua các chi nhánh ở địa phương thực hiện cho vay để phát triển sản xuất. Đối tượng cho vay là các hộ nông dân, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp quốc doanh và tư thương.

Trong giai đoạn này, ngân hàng còn có nhiệm vụ quan trọng khác là tổ chức đấu tranh về tiền tệ với địch. Hình thức đấu tranh thay đổi tùy theo từng vùng. Ở vùng mới giải phóng, Chính phủ quy định: thuế thu bằng tiền ngân hàng, các cơ quan thương nghiệp quốc doanh chỉ bán bằng tiền ngân hàng. Ở vùng tạm chiếm, lúc đầu lưu hành cả hai loại

tiền, tiền Đông Dương và tiền ngân hàng, số lượng tiền của hai loại tùy theo tương quan lực lượng giữa ta và địch. Nhưng đến năm 1953, khi đồng Đông Dương bị mất giá, nhân dân không tin tưởng vào đồng Đông Dương nên chỉ lưu hành tiền ngân hàng.

+ Mậu dịch quốc doanh

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Sở Mậu dịch quốc doanh được thành lập nằm trong Bộ Công Thương. "Cục tiếp tế vận tải", "Cục ngoại thương" và các "Phòng tiếp liệu" giải thể. Nhiệm vụ của Sở mậu dịch là cung cấp hàng hoá cho quân đội, điều hòa thị trường, ổn định giá cả, giúp đỡ sản xuất và hướng dẫn thương nhân đoàn kết, đấu tranh với địch về lưu thông hàng hóa. Mậu dịch quốc doanh đã nhanh chóng phát huy vai trò, tác dụng. Trong thời gian chưa đầy một năm, mạng lưới mậu dịch quốc doanh đã hình thành ở hầu khắp các vùng tự do trong cả nước1. Hoạt động của Mậu dịch quốc doanh nhanh chóng phát triển, năm 1954 so với năm 1951 giá trị hàng hóa thu mua tăng gấp 23 lần. Khi mới thành lập, Mậu dịch quốc doanh chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính có tác dụng quyết định đối với sản xuất, đời sống và giá cả thị trường. Đó là gạo, muối, vải, giấy viết, dầu hoả, xà phòng... Mậu dịch thực hiện bán buôn là chính, mục đích là để nắm những nguồn hàng quan trọng từ đó có điều kiện phân phối cho thương nghiệp bán lẻ và lãnh đạo, điều tiết thị thường.

Hoạt động của Mậu dịch quốc doanh những năm này khá hiệu quả, đã góp phần vào việc ổn định giá cả thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu. Ở nhiều nơi một số mặt hàng còn giảm giá bán (như gạo hạ giá 25-30%, muối hạ 30-40%, vải hạ 30%). Mậu dịch quốc doanh tập trung hoạt động ở những nơi có nguồn hàng quan trọng, nơi tiêu thụ tập trung và nơi có khối lượng hàng hoá lưu chuyển lớn mà ở đó giá cả thường hay biến động. Đó là thị trấn Kỳ Lừa (Lạng Sơn), các thị xã: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Tuy Hòa (Phú Yên) và các thị trấn: Đức Thắng (Bắc Giang), Nho Quan (Ninh Bình), Cầu Trâu (Thanh Hóa), chợ Tràng (Nghệ An), Đập Đá (Bình Định)...


1 Ở Nam Bộ, mậu dịch quốc doanh ra đời chậm hơn gần 2 năm so với Bắc và Trung bộ. Toàn miền Nam có Sở Mậu dịch Nam Bộ. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh ở Nam Bộ hẹp hơn và khối lượng hàng hóa kinh doanh cũng ít hơn.

Trong công tác đấu tranh mậu dịch với địch, Chính phủ ta coi phương châm đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và tranh thủ xuất siêu là điểm mấu chốt. Công tác đấu tranh mậu dịch với địch thu được kết quả đáng kể: hàng hóa xuất nhập khẩu tăng nhanh qua các năm, nhập khẩu được nhiều hàng thiết yếu; giá hàng ở vùng tự do ngày một giảm xuống và ổn định dần, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân vùng tự do. Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho thương nhân tự do buôn bán. Thương nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lưu chuyển hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, ổn định đời sống nhân dân và đấu tranh kinh tế với địch.

Trong giai đoạn này, quan hệ buôn bán với nước ngoài được mở rộng và phát triển hơn. Chính phủ ta đã ký với Chính phủ Trung Quốc hai hiệp định thương mại: Hiệp định thương mại Việt - Trung (1952) và Hiệp định buôn bán tiểu ngạch (1953). Sau đó, nước ta đặt quan hệ ngoại giao, phát triển thương mại với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Việc phát triển, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng. Từ đây, vùng tạm chiếm không còn là nguồn cung cấp độc quyền hàng hóa ngoại mà vùng kháng chiến cần. Điều này đã làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên mặt trận kinh tế theo hướng có lợi cho ta, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

- Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm; xây dựng, củng cố doanh nghiệp quốc doanh

Đầu năm 1952, Đảng và Chính phủ đã đề ra kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, xây dựng, củng cố các doanh nghiệp quốc doanh để đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc kháng chiến. Chính phủ xác định nhiệm vụ cấp bách của công tác kinh tế là tăng gia sản xuất, đảm bảo cung cấp lương thực; đi đôi với vận động tiết kiệm, hợp lý hóa việc tổng động viên nhân tài, vật lực cung cấp cho kháng chiến nhưng không làm thiệt hại đến tăng gia sản xuất địa phương1.


1 Về sau nhìn lại thì thấy kế hoạch này chưa được cụ thể hóa, mới mang tính chất phương hướng. Song, một số địa phương đã áp dụng kế hoạch hóa một cách cứng nhắc, đặt ra chỉ tiêu cụ thể: sản xuất lúa phải tăng 10% so với thu hoạch bình thường, tập trung vào ba loại cây: bông, lạc, đỗ; đặc biệt chú trọng sản xuất bông; trâu bò tăng từ 10-15%, mỗi nhà cấy 1 ha, nuôi 1 con lợn, 10 con gà... Trong điều kiện kháng chiến, kế hoạch hóa như vậy là không thích hợp.

+ Về công nghiệp

Công nghiệp quốc phòng được chú trọng phát triển do nhu cầu của cuộc kháng chiến. Từ năm 1951 đến 1953, từ Liên khu IV trở ra đã sản xuất được 1.310 tấn vũ khí, đạn dược. Phong trào phát minh sáng chế được đẩy mạnh, trong 8 năm kháng chiến (1947-1954), ngành quân giới đã có tới 45.456 sáng kiến, tiết kiệm được 2.954 triệu đồng cho Chính phủ. Công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được các loại vũ khí mới (súng SKZ, súng phóng bom, súng Badôka, súng cối) và có sự tăng trưởng mạnh mẽ1.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ năm 1951 trở đi đều có chuyển biến lớn. Công nghiệp dân dụng phục vụ kháng chiến được mở mang, đó là khai thác than, khai thác khoáng sản, ngành cơ khí, hóa chất, công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng (giấy, xà phòng, diêm, thuốc lá). Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, các địa phương trong cả nước đều đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho cán bộ, bộ đội và nhân dân. Các tỉnh Liên khu IV mở thêm nhiều xưởng sản xuất giấy, xà phòng, xưởng dệt, phát triển các khung dệt gia đình, khuyến khích nghề ươm tơ, dệt lụa. Liên khu V mở rộng diện tích trồng bông, phát triển mạnh nghề dệt lụa, dệt vải. Các tỉnh ở Nam bộ tiếp tục phát triển nghề dệt vải, chiếu, làm nước mắm, làm đường, xà phòng, sản xuất giấy gòn, giấy sáp và nhiều thứ thuốc chữa bệnh.

+ Về nông nghiệp

Từ năm 1952, Đảng và Chính phủ đã phát động cuộc vận động toàn dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Phong trào sản xuất và tiết kiệm được nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Cán bộ các cơ quan, xí nghiệp, học sinh và quân đội cũng tham gia sản xuất lương thực và thực phẩm.

Tháng 3 năm 1952, Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về sử dụng công điền công thổ, dựa trên nguyên tắc chia cấp công điền một cách công bằng, dân chủ và có lợi cho nông dân nghèo. Phong trào hợp tác xã


1 Nếu chỉ tính riêng từ liên khu IV trở ra, sản xuất vũ khí năm 1953 so với năm 1946 tăng lên hơn 35 lần [Nguyễn Ngọc Minh, 1966, 197].

được củng cố lại nhằm tạo điều kiện giúp đỡ nhau trong sản xuất và bảo vệ sản xuất. Để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, Nhà nước khuyến khích nhân dân xây dựng các công trình thủy lợi. Đến đầu năm 1953, Liên khu III có 30.000 công trình tiểu thủy nông tưới cho 10 vạn ha; Liên khu IV có hệ thống thủy nông tưới cho 18.800 vạn ha. Cải tiến kỹ thuật nông nghiệp cũng đã có tác dụng to lớn làm cho diện tích gieo trồng được giữ vững, sản lượng nông nghiệp được tăng lên rõ rệt. Năm 1953, ở vùng tự do từ Liên khu IV trở ra đã thu hoạch được 2.757.700 tấn thóc và 650.850 tấn hoa màu, tăng gấp 2 lần so với năm 1945.

+ Về giao thông vận tải và bưu điện

Vùng kháng chiến mở rộng hơn trước nhiều. Đặc biệt từ sau chiến dịch Biên giới (cuối 1950), việc kết nối với các nước xã hội chủ nghĩa đã đặt ra yêu cầu mở những tuyến đường lớn từ biên giới về và thông suốt vào khu IV để phục vụ cho các kháng chiến và hoạt động kinh tế... Lúc này, "Giao thông vận tải là một mặt trận"; ngành giao thông vận tải được chú ý xây dựng. Những con đường cũ được sửa và làm thêm một loạt đường mới trong các chiến khu. Tính từ năm 1950 đến 1953, đã huy động được 20,6 triệu ngày công để làm đường. Từ năm 1950 đến 1954, từ Hà Tĩnh trở ra đã sửa chữa, khôi phục lại 3.670 km đường cũ, làm 505 km đường mới, 1.210 km đường được cải tiến để có thể dùng tạm,

47.000 m cầu được bắc lại và làm thêm, sửa chữa 458 km đường sắt và đóng thêm được 203 chiếc phà.

Năm 1950, Chính phủ đã thành lập Cục Vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng và doanh nghiệp vận tải quốc gia thuộc Bộ Giao thông Công chính. Phương tiện vận tải được sử dụng vẫn theo chủ trương kết hợp giữa cơ giới và thô sơ. Từ sau chiến dịch Biên giới, vận tải ô tô ngày càng chiếm địa vị quan trọng, nhất là ở Việt Bắc. Vận tải thô sơ vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này để có thể vận chuyển hàng hóa ở những đoạn đường xung yếu mà ô tô không thể thực hiện được. Ngành giao thông vận tải đã đóng góp một phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ năm 1950, ngành bưu điện có bước phát triển mới. Nhờ tập hợp những máy móc thu được từ quân đội Pháp, lại được sự giúp đỡ của nước bạn, nên đã có thể cải tạo và xây dựng được bộ máy bưu điện - vô tuyến điện thống nhất trên cả nước. Ngày 12 tháng 6 năm 1951, Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam. Hệ thống tổ chức của ngành Bưu điện - Vô tuyến điện được chấn chỉnh lại trên tinh thần tinh giản biên chế, gọn nhẹ, hợp lý từng bộ phận, từng khâu quản lý, khai thác, vận chuyển bưu chính, điện chính và vô tuyến điện để phù hợp trong tình hình mới. Cho đến đầu năm 1953, ở vùng tự do, các tuyến đường đưa thư đã "thông suốt", từ biên giới Trung Quốc đến Trung ương và về các Liên Khu, cho đến tận Nam bộ. Trong vùng tạm chiếm, cũng mở được một số tuyến chuyển thư ở Bình - Trị - Thiên và Tây Nguyên.

Hệ thống vô tuyến điện đã hoạt động bình thường trong suốt những năm kháng chiến, đảm bảo được thông tin liên lạc quan trọng nhất từ trung ương tới các chiến khu và ra nước ngoài. Do quân đội Pháp thường tìm mọi cách phá hoại nên các cơ sở bưu điện và vô tuyến điện của ta luôn phải di chuyển. Nhưng ngay cả trong quá trình di chuyển, nó vẫn đảm đương được mọi nhiệm vụ liên lạc quan trọng nhất của Đảng và Chính phủ.

+ Triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất

Tháng 3 năm 1953, Chính phủ phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và thực hiện thoái tô. Chính sách giảm tô đã đạt được kết quả lớn. Tính từ Liên khu IV trở ra, đến năm 1953 đã có 397.000 ha ruộng đất được giảm tô 25%. Ở miền Tây Nam Bộ, có nơi mức tô được giảm cao hơn nhiều. Đó là một đòn đánh mạnh vào tiềm lực kinh tế của địa chủ, là một dịp nâng cao ý thức giai cấp của nông dân và tác động mạnh đến nông thôn trong vùng tạm chiếm.

Tháng 3 năm 1952, Chính phủ ban hành Điều lệ về việc sử dụng công điền đổi thổ, dựa trên nguyên tắc chia cấp một cách công bằng, dân chủ và có lợi cho dân nghèo. Quyền sở hữu ruộng đất của các giai cấp xã hội ở nông thôn đến năm 1953 như trong bảng 4.2.

Ngày 4 tháng 12 năm 1953, Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất. Từ đầu năm 1954 đến khi hòa bình lập lại, trong vùng tự do đã tiến hành 2 đợt cải cách ruộng đất ở 270 xã (thuộc Thái Nguyên, Thanh Hóa và Bắc Giang). Kết quả thu được 44.500 ha ruộng đất, 10.000 trâu bò chia cho nông dân. Thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất đã giải quyết vấn đề quan hệ sản xuất ở nông thôn, vấn đề lợi ích của nông dân lao động, kích thích sự phát triển sản xuất.

Bảng 4.2. Tình hình sở hữu ruộng đất tính đến năm 1953


Thành phần

Tỷ lệ dân số (%)

Tỷ lệ ruộng đất sở hữu (%)

Địa chủ

2,3

18

Phú nông

1,6

4,7

Trung nông

36,5

39

Bần nông

43

25,4

Cố nông

13

6,3

Các thành phần khác

6

1

Ruộng công và bán công


4,3

Ruộng nhà chung


1,3

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 4

Nguồn: [Tổng cục Thống kê, 1990, 63]


Trước năm 1945, địa chủ chiếm 3% dân số nhưng chiếm hữu 52,1% tổng số ruộng đất. Song đến năm 1953 địa chủ chiếm 2,3% dân số và ruộng đất chiếm hữu chỉ còn 18% tổng số ruộng đất. Nông dân lao động (trung nông, bần nông, cố nông) chiếm 92,5% dân số, đã làm chủ 70,7% tổng số ruộng đất.

Như vậy, việc thực hiện chủ trương chấn chỉnh toàn diện kinh tế - tài chính trong giai đoạn 1951-1954 đã có ý nghĩa quan trọng. Việc này đã làm cho kinh tế kháng chiến mạnh hơn; đồng thời làm suy yếu kinh tế của địch, góp phần tích cực vào thắng lợi của kháng chiến chống Pháp và tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.

Ngày đăng: 16/09/2023