- Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng. Để phục vụ kháng chiến, Đảng và Chính phủ có chủ trương phục hồi tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp quốc phòng.
+ Công nghiệp quốc phòng
Trong bối cảnh kháng chiến, Chính phủ chú trọng xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Hệ thống công nghiệp quốc phòng được tổ chức từ Trung ương đến các tỉnh, huyện và các khu với quy mô nhỏ, phân tán, bí mật, dễ di chuyển. Nhiều máy móc được vận chuyển từ Hà Nội lên chiến khu để xây dựng các công binh xưởng, chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến. Trong thời này, ngành công nghiệp quân giới đã có nỗ lực lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội. Sản xuất vũ khí tăng liên tục; nhiều loại vũ khí, đạn được chế tạo (súng mortier, súng SKZ không giật, các loại đạn lõm, mìn lõm, đạn đại bác...); chất lượng vũ khí được cải tiến. Đến năm 1949, vùng kháng chiến đã xây dựng được 130 xưởng sản xuất vũ khí, 21 xưởng quân dược, 20 cơ sở quân nhu. Trong bốn năm đầu kháng chiến, ngành quân giới sản xuất được 6.000 tấn vũ khí các loại. Ngành quân Y Dược sản xuất được các loại thuốc chữa bệnh sốt rét, penixilin dạng nước, chế được vỏ ống thuốc tiêm bằng thủy tinh, xi-lanh. Từ năm 1950, quân nhu đảm bảo đủ quân trang, quân phục cho bộ đội.
Trong điều kiện đặc biệt, nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những cơ sở công nghiệp đầu tiên hình thành không phải từ khu vực dân sự mà là từ quốc phòng. Những cơ sở này, trong kháng chiến thì đáp ứng cho nhu cầu quân sự; về sau thời hoà bình sẽ có bộ phận trở thành cơ sở phát triển công nghiệp quốc dân (dân sự). Đây là đặc điểm, cũng đồng thời là quy luật hình thành, phát triển của ngành công nghiệp ở nước ta từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945.
+ Công nghiệp dân dụng
Các doanh nghiệp dân dụng (hay doanh nghiệp quốc doanh) của Nhà nước cũng được quan tâm xây dựng. Các doanh nghiệp này sản xuất và
lưu thông theo kế hoạch của Nhà nước; được Nhà nước cấp vốn, trả lương, lãi nộp Nhà nước, lỗ Nhà nước bù. Công nghiệp quốc doanh được xây dựng, phát triển để đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh.
Trong công nghiệp quốc doanh, ngành khai thác than được ưu tiên phát triển. Một số xí nghiệp, nhà máy có từ thời Pháp như cơ khí, hóa chất, dệt... được khôi phục lại hoạt động. Các nhà máy cơ khí được xây dựng ở tất cả các chiến khu trong cả nước. Nhiệm vụ của các cơ sở này là sửa chữa máy móc, chế tạo các loại máy in, máy nổ, máy xát gạo, máy nghiền. Ngành luyện kim có bước tiến lớn với việc nấu gang bằng lò cao cỡ nhỏ (ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa) năm 1950. Các địa phương đều cố gắng tự sản xuất các hóa chất thông thường như axit, xút, cồn, ête, phân bón đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh.
+ Công nghiệp nhỏ và thủ công nghiệp
Chính phủ chủ trương phục hồi và phát triển những ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu của kháng chiến và dân sinh (dệt, giấy, xà phòng); tạm ngừng hoạt động những ngành có tính chất xa xỉ (mỹ nghệ, thêu ren, sơn mài). Hầu hết cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là của những tiểu chủ tản cư từ các thành phố đến vùng tự do. Chính phủ tạo điều kiện và giúp đỡ để họ duy trì, phát triển sản xuất. Nhà nước áp dụng các biện pháp khuyến khích thợ thủ công như cho vay vốn, cung ứng nguyên vật liệu, định mức thuế thích hợp hoặc không đánh thuế cho từng loại sản phẩm và phổ biến kinh nghiệm sản xuất. Tính từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 9 năm 1948, Nhà nước đã cung cấp tín dụng cho 775 nhà kinh doanh trong tiểu thủ công nghiệp, với tổng số tiền là 2.252.580 đồng.
Chính phủ còn chủ trương xây dựng cơ sở quốc doanh dân dụng để sản xuất công cụ lao động, hàng tiêu dùng cho bộ đội và nhân dân. Nhờ có sự khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ, các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Nghề sản xuất giấy từ chỗ chưa có cơ sở nào khi bắt đầu kháng chiến, đến năm 1950 đã tổ chức được hàng trăm cơ sở ở các liên khu, mỗi năm sản xuất được 1000-1500 tấn giấy. Nghề dệt được xây dựng ở tất cả các nơi trong vùng kháng chiến, ở Nam Bộ tự túc được
100% về nhu cầu ăn mặc (1949). Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) tự túc được toàn bộ vải mặc và còn cung cấp cho nơi khác. Liên khu II (Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), liên khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) đã sản xuất được 16 triệu mét vải (1948) và 23,2 triệu mét vải (1950), đáp ứng được 40% nhu cầu của địa phương.
- Thương nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện
+ Thương nghiệp
Hoạt động thương nghiệp vẫn chủ yếu nằm trong tay tư nhân. Nhà nước chỉ có cơ quan tiếp liệu để mua nhu yếu phẩm cho cơ quan và bộ đội. Đầu năm 1947, "Nha tiếp tế" được thành lập, đến tháng 2 năm 1948 thì đổi thành "Cục tiếp tế và vận tải". Cục tiếp tế và vận tải có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho kháng chiến và dân sinh. Nhưng do chưa đáp ứng được yêu cầu, nên sau đó, các "Phòng tiếp liệu", "Cục ngoại thương" được Chính phủ lập ra để cùng với Cục vận tải và tiếp tế đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu vùng kháng chiến.
Giá cả hàng hóa ở vùng kháng chiến có nhiều biến động theo thị trường và cũng chịu tác động rất lớn của chiến tranh. Trong hoàn cảnh các vùng bị chia cắt, việc giao thương gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng trở nên khan hiếm, ngược lại một số mặt hàng khác không tiêu thụ được. Giá cả trong điều kiện đó phụ thuộc nhiều vào cung cầu, ít phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa. Hai mặt hàng khan hiếm vào thời đó là muối và gạo, giá bị đẩy lên cao. Ngược lại, có một số mặt hàng nông thổ sản của vùng rừng núi hoặc do địch bao vây, hoặc do chính sách ngăn cấm giao lưu, bị ứ đọng quá nhiều, giảm giá một cách nghiêm trọng. Sự biến động về giá cả cũng thể hiện rõ trong quan hệ tiền - hàng. Vào thời kỳ vùng tự do bị thu hẹp, lượng tiền lưu hành lớn bị dồn vào một khu vực nhỏ, sự mất cân đối tiền - hàng dẫn đến giá cả tăng lên. Ngược lại, khi giải phóng được các vùng Pháp tạm chiếm, thị trường được mở rộng, phạm vi lưu hành tiền cũng mở rộng, số lượng tiền và khối lượng hàng hóa được cân đối hơn, giá giảm xuống.
Ngoại thương thời kỳ này là có sự buôn bán giữa vùng tự do với vùng Pháp tạm chiếm. Trong những năm đầu, Nhà nước áp dụng chính sách "bao vây kinh tế địch", ngăn cấm buôn bán giữa vùng tự do với vùng tạm chiếm để cô lập địch, đấu tranh kinh tế với địch. Tuy nhiên, tư thương vẫn mang hàng hóa ở vùng tự do sang vùng tạm chiếm và ngược lại. Chính sách ngăn cấm giữa hai vùng đã tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất. Vì thế từ năm 1950, Nhà nước áp dụng chính sách thương nghiệp mới "tự do nội thương, quản lý ngoại thương", chuyển từ chủ trương triệt để bao vây sang chủ trương vừa bao vây, vừa lợi dụng kinh tế địch. Chính sách kinh tế đúng đắn này đã tạo điều kiện khôi phục và phát triển sản xuất ở vùng tự do như dệt vải, làm giấy, sản xuất mực in, v.v...
+ Giao thông vận tải
Giao thông vận tải có vai trò quan trọng trong kháng chiến, hoạt động kinh tế và dân sinh. Bước vào cuộc kháng chiến, công việc đầu tiên của giao thông vận tải là phá hoại đường sá, cầu cống và phương tiện vận tải để Pháp không thể tấn công vào các vùng kháng chiến. Chính phủ thành lập một hội đồng chuyên trách điều hòa đảm bảo vừa phá hoại, ngăn cản bước tiến quân của địch, vừa đảm bảo giao thông vận tải phục vụ cho kháng chiến, thực hiện phương châm "ta đi được mà địch không đi được" [Đặng Phong, 2002, T1, 316]. Từ năm 1948, các khu căn cứ địa đã được củng cố tương đối vững chắc, việc phá hoại đường sá để ngăn bước tiến của quân thù đã đạt yêu cầu. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới, Chính phủ chỉ đạo sửa lại và làm thêm đường mới ở những nơi ta kiểm soát để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ cho kháng chiến. Năm 1949 sửa được hơn 400 km đường bộ, hàng nghìn mét cầu cống qua sông, qua lạch được bắc lại. Đến năm 1950, do nhu cầu vận chuyển hàng quân sự bằng cơ giới, nhiều đường cũ đã được mở rộng cùng với việc xây dựng một số đường mới như Bắc Sơn, Đình Cả - Thái Nguyên. Khu IV đã nạo vét thêm nhiều con kênh để vận chuyển những loại hàng hóa nặng cho các công binh xưởng trong rừng núi.
Trong giai đoạn này phương tiện vận tải chủ yếu vẫn là phương tiện thô sơ. Cán bộ đi công tác dùng xe đạp hoặc đi bộ. Hàng hóa vận chuyển
bằng cách gồng gánh hoặc dùng các loại xe (cút kít, xe ngựa, xe bò, xe trâu, xe ba gác, xe đạp thồ). Riêng xe đạp là phương tiện chuyên chở hàng hoá rất hiệu quả, bình quân một xe chở được 2,5-3 tạ hàng. Một số phương tiện cơ giới đã được đưa vào sử dụng như ô tô vận tải, xe lửa, xe goòng. Giao thông đường thủy, do bị Pháp phong tỏa, nên ta chỉ có thể tổ chức các chuyến đi bí mật để nối Nam Bộ với Trung Bộ và Bắc Bộ, chủ yếu là sử dụng thuyền buồm, thuyền nan. Việc sử dụng kết hợp các loại phương tiện giao thông thời này đã góp phần chuyên chở hàng chục vạn tấn hàng hoá, đạn dược cho các cơ quan, bộ đội, xí nghiệp.
+ Bưu điện (bưu chính)
Bưu điện được quan tâm đúng mức trong giai đoạn này. Ngày 15 tháng 10 năm 1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị: Phải củng cố giao thông liên lạc theo một hệ thống bán công khai hay bí mật, đặt địa điểm liên lạc dự bị, đặt giao thông song hành, thay luôn mật mã và giờ làm việc của cáp điện đài, quân sự hoá cơ quan mật mã. Ba phương thức thông tin: điện thoại, vô tuyến điện, đường thư được triển khai và củng cố vững chắc. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống bưu điện. Ngày 28 tháng 6 năm 1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện, hình thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước: ở Trung ương có Nha Tổng Giám Đốc, dưới Nha Tổng Giám đốc có 3 Nha Giám đốc ở 3 miền: Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ, Nha Giám đốc Bưu điện Trung Bộ (Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) và Nha Bưu điện miền Nam. Trong những năm đầu kháng chiến, ngành bưu điện gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng cán bộ nhân viên trong ngành này đã tận dụng mạng thông tin sẵn có; đồng thời nghiên cứu, vận dụng phù hợp với mỗi tình thế, mỗi bối cảnh để đảm bảo thông tin tối ưu phục vụ kháng chiến, dân sinh.
- Về tài chính, tiền tệ
Trong giai đoạn này, Chính phủ ta chủ trương thực hiện chính sách tài chính phân tán. Về cơ bản giao cho các địa phương phải tự cấp, tự túc mọi mặt, tự lo lấy các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào dân địa phương, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, Chính phủ chỉ cấp một phần. Tài
chính dựa vào ba nguồn: sự đóng góp của dân, hệ thống thuế và phát hành tiền.
Cách huy động dựa trên sự ủng hộ tự nguyện của nhân dân có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là chỗ dựa cơ bản để giải quyết những nhu cầu cấp bách trong khi chưa có khả năng hình thành hệ thống thuế ổn định. Khắp các địa phương (cả vùng tự do lẫn vùng tạm chiếm), các đoàn thể và nhiều cá nhân đã chủ động gây các loại quỹ khác nhau để giúp đỡ kháng chiến. Hầu hết các nơi đều có Hũ gạo kháng chiến, Quỹ nuôi quân, Quỹ binh sĩ bị nạn, Quỹ huấn luyện dân quân, Quỹ bình dân học vụ. Năm 1950, Chính phủ lập "Quỹ công lương" (thu 10 kg thóc/người) và "Quỹ kháng chiến" (thu 60 đồng/người, tương đương với 10 kg thóc lúc đó). Nhà nước phát hành công trái (1950) nhưng không hiệu quả vì vùng ta kiểm soát là vùng nghèo, dân không có tiền mua công trái.
Bảng 4.1. Cân đối thu - chi tài chính (1946-1950)
Thu (Tấn thóc) | Chi (Tấn thóc) | Tỷ lệ thu so với chi (%) | |
1946 | 67.000 | 230.000 | 28 |
1947 | 132.700 | 482.000 | 27 |
1948 | 105.760 | 500.000 | 20 |
1949 | 71.250 | 383.750 | 18 |
1950 | 61.587 | 262.641 | 23 |
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 1
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 2
- Tình Hình Sở Hữu Ruộng Đất Tính Đến Năm 1953
- Tình Hình Sản Xuất Công Nghiệp Vùng Tạm Chiếm Năm 1953
- Bình Quân Ruộng Đất Ở Miền Bắc Trước Và Sau Cải Cách Ruộng Đất
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
Nguồn: [Viện kinh tế, Kinh tế Việt Nam 1945-1960, 1960, 19]
Chính phủ đã thực hiện từng bước những hình thức đóng góp ổn định theo nghĩa vụ bằng cách củng cố lại chế độ thuế, hình thành chế độ thuế mới cho phù hợp với tình hình kháng chiến. Cụ thể là bỏ thuế ở thành thị và chuyển sang thu thuế bằng tiền, gồm: thuế điền thổ, môn bài, sát sinh, thuế quan và thuế trước bạ. Trong giai đoạn từ 1946 đến 1950, hai khoản phát hành tiền và đóng góp tự nguyện của nhân dân là hai nguồn thu ngân sách lớn. Trong đó nguồn thu chủ yếu vẫn là phát hành giấy bạc, chiếm 70-80% tổng số thu. Trong giai đoạn
này, đặc điểm của tài chính vùng tự do là bội chi ngân sách và thu không đủ chi. Thu năm 1946 chỉ đảm bảo được 28% số chi, năm 1947 chỉ đạt 27%, năm 1948 là 20%, năm 1949 là 18%, năm 1950 thu chỉ đảm bảo được 23% số chi (Bảng 4.1).
Do hoàn cảnh chiến tranh, Chính phủ chủ trương xây dựng ba khu vực tiền tệ riêng: Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ, Liên khu V và Nam Bộ. Trong đó, từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ: dùng đồng tiền do Bộ Tài chính phát hành năm 1946. Trong các năm 1946 đến 1950, Bộ tài chính đã phát hành 606 triệu đồng (1946), sau đó năm 1950, phát hành 11.600 triệu đồng (tăng 19 lần so với năm 1946). Việc làm này đã dẫn đến lạm phát tiền tệ. Các tỉnh Liên khu V, lúc đầu dùng tiền năm 1946. Nhưng sau do khó khăn trong việc vận chuyển tiền từ Bắc vào Nam, tiền Tài chính không đủ đáp ứng nhu cầu, nên ngày 18 tháng 1 năm 1947, Chính phủ cho phép Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ phát hành một loại tiền riêng, gọi là "tín phiếu". Ở Nam Bộ, do vùng này kinh tế hàng hoá phát triển, để đáp ứng tình hình, Chính phủ chủ trương sử dụng tất cả các loại tiền trong lưu thông.
Do việc vận chuyển tiền tài chính vào miền Nam hết sức khó khăn, vùng tự do lại bị chia cắt, liên lạc không thuận lợi nên chính quyền và nhân dân miền Nam có sáng kiến: dùng tiền Đông Dương có đóng dấu nổi của chính quyền cách mạng để tiêu dùng tạm thời. Trong trường hợp không có tiền lẻ thì dùng một nửa tờ Đông Dương để tiêu. Ở những nơi quá khó khăn thì các Ủy ban hành chính kháng chiến cắt tờ Đông Dương thành 4 phần, đóng dấu của Uỷ ban tỉnh vào mỗi phần rồi dùng như tiền để tiêu dùng... Do tình hình tiền tệ như vậy, vào cuối năm 1947, Chính phủ quyết định phát hành tiền riêng cho Nam Bộ.
Việc hình thành các khu vực tiền riêng có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội. Việc làm này đã góp phần giúp cho hoạt động lưu thông tiền tệ phù hợp với lưu thông hàng hóa của từng vùng, đáp ứng yêu cầu kháng chiến từng khu vực, chống lại âm mưu phá hoại tiền tệ của địch; đồng thời ngăn chặn hành động lợi dụng chênh lệch giá cả giữa các vùng để trục lợi của tư nhân.
• Kinh tế giai đoạn 1951-1954
Bước sang giai đoạn này, Đảng và Chính phủ ta quyết định chấn chỉnh toàn bộ công tác kinh tế - tài chính; đồng thời thực hiện các kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, xây dựng, củng cố các doanh nghiệp quốc doanh. Chủ trương này xuất phát từ hai lý do: 1) Cuộc kháng chiến đã chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phản công giành thắng lợi cuối cùng; 2) Kinh tế - tài chính giai đoạn trước gặp khó khăn, thu không đủ chi.
Tình hình mới đòi hỏi phải thay đổi chủ trương kinh tế cho phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu mới. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ ta về các nhiệm vụ kinh tế trong giai đoạn này là: "Muốn kháng chiến trường kỳ phải luôn luôn bồi dưỡng kinh tế tài chính, phải coi nhiệm vụ kinh tế tài chính là nhiệm vụ rất quan trọng. Trung ương cũng như các cấp phải gia cường việc lãnh đạo kinh tế tài chính, nắm vững chính sách kinh tế là tăng gia sản xuất, đảm bảo cung cấp; nắm vững chính sách tài chính là tăng thu giảm chi; thi hành đúng mức việc đấu tranh kinh tế tài chính với địch; mở mang mậu dịch với nước bạn. Thực hiện việc khuyến khích, giúp đỡ tư sản dân tộc kinh doanh và gọi vốn của tư nhân để phát triển công thương nghiệp, vận động nhân dân thi đua canh tác để bảo đảm "vụ mùa thắng lợi" [Văn kiện Đảng, 2001, tập 2, 508-509].
- Chấn chỉnh công tác kinh tế - tài chính
+ Về tài chính
Năm 1950 là năm khó khăn nhất về tài chính, đòi hỏi phải có chuyển biến quan trọng, tiến tới có một hệ thống tài chính khoa học và hợp lý hơn. Hội nghị Trung ương Đảng lần I (tháng 3 năm 1951) đã quyết định thay đổi căn bản hệ thống tài chính, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phương châm chỉ đạo hoạt động tài chính lúc này là tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi từ trên xuống dưới nhằm tránh thu chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Thực hiện chế độ đóng góp thống nhất trên cả nước, công bằng, hợp lý; ai có khả năng nhiều phải đóng góp nhiều, ai không có khả năng thì được miễn.