Chương 4
KINH TẾ THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 ‐ 1954)
4.1. KINH TẾ TỪ THÁNG 9/1945 ĐẾN 12/1946
4.1.1. Bối cảnh lịch sử
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Trên thế giới hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành, đứng đầu là Liên Xô. Cách mạng giải phóng dân tộc phát triển, làm lay chuyển mạnh mẽ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống diễn ra sôi nổi. Hệ thống các nước đế quốc bị chấn động. Sau chiến tranh thế giới II, nhiều nước tư bản suy yếu, riêng Mỹ vươn lên trở thành nước giàu mạnh nhất. Mỹ ra sức lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại phong trào cách mạng thế giới.
Các lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ trên thế giới đang trên đà tiến công vào chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng. Song, các lực lượng phản cách mạng cũng đang tìm mọi cách phục hồi, phát triển lực lượng để phản kích mạnh mẽ các lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tình hình có những diễn biến phức tạp, xuất hiện những mâu thuẫn giữa lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội với các nước đế quốc, tư bản. Cuộc đối đầu của hai lực lượng này ngày càng căng thẳng, gay gắt, tạo nên cục diện "chiến tranh lạnh", cuốn hút các quốc gia trên thế giới vào ảnh hưởng của cuộc chiến mới.
Việt Nam là một bộ phận của thế giới nên chịu tác động lớn của cuộc đối đầu lịch sử giữa hai lực lượng. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã bị các nước đế quốc và các thế lực phản động khác liên kết với nhau, bao vây và chống phá quyết liệt. Với danh nghĩa quân Đồng minh, ở miền Bắc gần 20 vạn quân Tưởng từ cuối tháng Tám 1945
đã tràn vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật. Khi vào nước ta lực lượng này mang theo dã tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan mặt trận Việt Minh và giúp lực lượng phản động đánh đổ chính quyền cách mạng để lập một chính phủ làm tay sai cho chúng. Ở miền Nam, quân đội Anh cũng với danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật đã giúp thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai.
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 2
- Cân Đối Thu - Chi Tài Chính (1946-1950)
- Tình Hình Sở Hữu Ruộng Đất Tính Đến Năm 1953
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
Trong khi đó, chính quyền cách mạng chưa được củng cố vững chắc và chưa được nước nào trên thế giới công nhận. Văn hoá, xã hội còn rất nhiều bất cập do hậu quả của chế độ cũ để lại. Đặc biệt về kinh tế, nước ta vốn nghèo nàn lạc hậu, lại bị kiệt quệ bởi sự vơ vét của Pháp - Nhật. Công nghiệp đình đốn, nông nghiệp tiêu điều với hơn 50% ruộng đất ở Bắc Bộ bị bỏ hoang do hạn hán, lụt lội gây nên. Thương nghiệp ngưng trệ, bế tắc, hàng hoá khan hiếm, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh. Tài chính cạn kiệt, kho bạc hầu như trống rỗng; ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Lợi dụng quyền nắm việc phát hành tiền bọn tư bản ngân hàng Pháp gây rối loạn tiền tệ. Cùng lúc quân Tưởng còn tung ra thị trường đồng "quan kim" và "quốc tệ" đang mất giá, làm kinh tế tài chính nước ta càng thêm rối ren. Nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào miền Bắc mới chấm dứt thì lại có nguy cơ hình thành nạn đói mới đe dọa đến cuộc sống người dân. Trước tình hình hết sức khó khăn đó, Chính phủ ta đã có những quyết sách và hành động đúng đắn giúp đất nước vượt qua khó khăn, giữ được thành quả cách mạng và tạo ra điều kiện để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.
4.1.2. Đặc điểm tình hình kinh tế
4.1.2.1. Giải quyết nạn đói
a. Nguyên nhân của nạn đói
Trong và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ở miền Bắc nước ta xuất hiện một nạn đói mới. Nạn đói hình thành do các nguyên nhân:
1) Chính sách vơ vét thóc gạo và phá lúa trồng đay của Nhật - Pháp
trong những năm 1939-1945. Để đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh, Nhật đã buộc Pháp kí kết nhiều hiệp ước cung cấp lương thực thực phẩm cho họ hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc; bắt người dân nhổ lúa trồng đay... Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng Minh chưa tới, phải đánh Nhật hoặc dùng cho các cuộc tái xâm lược Việt Nam. 2) Trong thời gian tháng 8 đến tháng 9 năm 1945, ở miền Bắc xảy ra thiên tai, lũ lụt; 9 tỉnh ở Bắc bộ vỡ đê làm vụ lúa mùa bị thất thu tới 50% sản lượng. Cùng trong thời gian này, ba tỉnh vùng Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng bị mất mùa trên một nửa diện tích gieo trồng của địa phương. 3) Trong lúc tình hình khó khăn về lương thực như vậy thì nhiều tư thương thực hiện việc đầu cơ tích trữ lương thực (lúa gạo) để kiếm lời. Việc làm của tư thương cũng gây thêm khó khăn cho đời sống người dân miền Bắc sau cách mạng tháng Tám 1945, khiến nạn đói càng thêm trầm trọng.
b. Giải quyết nạn đói
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3 tháng 9 năm 1945), Hồ Chủ Tịch đã nêu 6 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, trong đó 3 nhiệm vụ "diệt giặc đói", "diệt giặc dốt" và "diệt giặc ngoại xâm" được ưu tiên hàng đầu. Để giải quyết nạn đói, Chính phủ đã triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, trước mắt và các giải pháp căn bản, lâu dài.
Việc làm đầu tiên thuộc về giải pháp cấp bách, trước mắt là Hồ Chủ Tịch và Chính phủ đã phát động các phong trào tương trợ, cứu tế kêu gọi toàn dân quyên góp lương thực cứu đói. Để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào này, Hồ Chủ Tịch đã viết thư gửi đồng bào cả nước (ngày 28 tháng 9 năm 1945): "Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo" [Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, 601].
Dân ta vốn có truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" trong lúc khó khăn, hoạn nạn nên đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Các hoạt động quyên góp, "ngày đồng tâm", phong trào "nhường cơm sẻ áo", "hũ gạo cứu đói" diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Bên
cạnh kêu gọi, vận động Chính phủ còn thực hiện các biện pháp hành chính như cấm dùng gạo nấu rượu, xoá bỏ mọi hạn chế trong lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm tích trữ gạo, lập tổ chức "Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế" để giải quyết nạn đói.
Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ ra Bắc Bộ được thực hiện khẩn trương. Chỉ tính 3 tháng cuối năm 1945, đã có 700 tấn gạo được chuyển ra Bắc Bộ và trước khi chiến sự ở Nam Bộ diễn biến ác liệt, đã có gần 30 nghìn tấn gạo được chuyển ra Bắc theo đường sắt. Sau đó vận chuyển gạo được tiến hành bằng đường thủy ra Hải Phòng nhưng một phần khá lớn đã bị quân đội của Tướng Lư Hán trưng dụng mất. Số gạo còn lại được phân phối cho các địa phương bị đói trầm trọng nhất.
Các hoạt động trên chỉ có tính chất "cấp cứu". Để xóa bỏ hẳn nạn đói cần thực hiện các giải pháp căn bản lâu dài là phát triển sản xuất. Tăng gia sản xuất không chỉ để giải quyết nạn đói, mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ cách mạng Việt Nam. Để động viên, khuyến khích tăng gia sản xuất nông nghiệp, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi nông dân: "Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập" [Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, 609].
Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất: Bộ Canh nông xuất bản tờ báo "Tấc đất" để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn tăng gia sản xuất; Chính phủ cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất; chi ngân sách sửa chữa những quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới1. Đầu năm 1946, việc tu bổ đê điều cơ bản hoàn thành. Để đẩy mạnh
việc tăng gia sản xuất, Chính phủ cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm; chủ trương miễn thuế cho dân vùng bị lụt; giảm thuế ruộng 20%, buộc địa chủ giảm tô 25%; đất công được chia lại cho hợp lý
1 Tuy gặp khó khăn về tài chính nhưng Chính phủ vẫn cố gắng chi khoảng 8 triệu đồng để lo việc sửa chữa, tu bổ đê điều.
hơn; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian đem chia cho nông dân thiếu đất.
Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ Tịch, sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động tăng gia sản xuất (gồm trồng hoa màu và lúa) đã đạt được kết quả quan trọng. Trong 5 tháng từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 5 năm 1946, sản lượng lương thực (chủ yếu là hoa màu), đạt 614.000 tấn, tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Năm 1946 ở Bắc Bộ, vụ lúa chiêm đã tăng hơn vụ chiêm năm 1945 khoảng 100.000 tấn; vụ lúa mùa gieo trồng trên diện tích
890.000 ha, đạt sản lượng 1.155.000 tấn lúa.
Nhờ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong các phong trào quyên góp, tổ chức điều tiết lương thực cả nước và trong cuộc vận động tăng gia sản xuất, kết quả thu được tốt đẹp. Nạn đói đã từng bước được chặn đứng và đẩy lùi. Đây "thực sự là một kỳ công của chế độ dân chủ nhân dân" [Võ Nguyên Giáp, 1946. Dẫn theo Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, 36].
4.1.2.2. Xây dựng nền tài chính, tiền tệ độc lập
a. Xây dựng tài chính
Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, kho bạc hoàn toàn trống rỗng. Nền tài chính quốc gia mới có thể coi là khánh kiệt vì chúng ta chỉ chiếm giữ được Sở Ngân Khố và cố gắng kiểm soát một phần Ngân hàng Đông Dương. Ngân khố của chính quyền cũ để lại chỉ còn
1.250.000 đồng Đông Dương, trong đó 580.000 đồng là bị rách nát phải tiêu hủy [Đinh Thị Thu Cúc, 2017, 30]. Điều này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận định: Chính phủ cách mạng lúc đó là một chính phủ "không tiền".
Để giải quyết tình hình khó khăn và bước đầu xây dựng nền tài chính độc lập, Chính phủ đã triển khai các giải pháp cấp bách, trước mắt và các giải pháp căn bản lâu dài. Những việc làm thuộc giải pháp cấp bách bao gồm: phát động các phong trào quyên góp như phong trào "Quỹ độc lập", "Tuần lễ vàng"; phong trào "đón thương binh về làng", nuôi
dưỡng cán bộ... Phong trào "Quỹ độc lập" được phát động dựa vào Sắc lệnh số 4/SL ngày 4 tháng 9 năm 1945 của Chính phủ. Mục đích của phong trào là để "thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia" [Đinh Thị Thu Cúc, 2017, 56]. Còn "Tuần lễ vàng" thì được tổ chức từ ngày 16 tháng 9 năm 1945 nhằm kêu gọi các nhà giàu đóng góp một phần tài sản cho đất nước vừa giành được độc lập còn nhiều khó khăn. Các phong trào phát động được đông đảo dân chúng hưởng ứng. Kết quả Chính phủ đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Hai khoản thu được này giá trị tương tương với hai khoản thuế đinh và thuế điền mà
chính quyền thuộc địa thu được một năm ở Đông Dương trước đó1.
Ngoài tiền và vàng, nhiều người còn hiến cả nhà cửa, ruộng vườn cho Chính phủ. Dù chưa phải là lớn, nhưng với hai khoản thu này cũng phần nào giúp Chính phủ bớt khó khăn trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp sau cách mạng.
Bên cạnh giải pháp cấp bách, Chính phủ cũng triển khai các giải pháp mang tính căn bản, lâu dài để xây dựng nền tài chính độc lập của quốc gia. Đối với thuế, Chính phủ chủ trương cải cách dần chế độ thuế, trong đó sửa ngay những thứ thuế quá vô lý, tạm giữ nguyên những gì không quá sai trái với tinh thần của chế độ dân chủ, bổ sung dần những quy chế mới. Theo đó, ngày 7 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 11, trong đó quyết định bãi bỏ thuế thân (thứ thuế vô lý, trái với tinh thần của chính thể cộng hòa dân chủ). Bãi bỏ một số thuế đối với những thành phần kinh doanh nhỏ, mà chủ yếu là những người lao động nghèo. Đồng thời Chính phủ cũng cấm buôn bán thuốc phiện, rượu cồn; xoá các loại thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và quyết định thu các loại thuế: thuế quan (thuế xuất nhập khẩu), thuế điền thổ, thuế thương mại, thuế kỹ nghệ canh nông; trong đó thuế điền thổ giảm 20% trên toàn quốc. Chính phủ dành ba nguồn thu phục vụ quốc phòng: 1) Đảm phụ đặc biệt đánh vào các ngành vận tải, bưu điện; 2) Phụ thu thêm vào tem bưu điện; 3) Đảm phụ quốc phòng, quy định mỗi người dân, trừ người
1 Nếu quy đổi thành vàng và tính theo thời giá tháng 8 năm 2008, giá trị tương đương hơn
6.100 tỷ đồng Việt Nam [Phạm Minh Chính &Vương Quân Hoàng, 2009, 55-56].
già yếu và tàn tật, đều đóng 5 đồng Đông Dương (Sắc lệnh số 48, ngày 10/4/1946). Chính phủ đặt thêm một số thuế mới có tính chất gián thu đánh vào các mặt hàng xa xỉ như rượu ngoại. Ngoài ra Chính phủ còn ban hành một số quy định về các chế độ trưng thu, trưng dụng, trưng tập tài sản và nhân lực phục vụ cho quốc gia1. Ba biện pháp này được áp
dụng trong trường hợp cần thiết, phục vụ những yêu cầu cấp bách của đất nước là quốc phòng, chống lụt, chống hạn, tổ chức sản xuất phục vụ nhu cầu nhà nước và nhân dân.
Về chi tiêu tài chính, do nền tài chính còn khó khăn, các nguồn thu ít ỏi và không ổn định, Chính phủ đã đề ra nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi. Theo nguyên tắc này, trừ các công việc liên quan đến quốc phòng, ngoại giao, sửa chữa đê điều ra thì những việc khác phải hết sức tiết kiệm chi.
b. Xây dựng tiền tệ
Sau cách mạng tiền tệ nước ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Song, Chính phủ ta đã có những quyết sách và hành động phù hợp để giải quyết khó khăn và từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập. Cuối năm 1945, Chính phủ Việt Nam quyết định phát hành tiền vì các lý do: 1) Thiếu tiền trầm trọng (do không kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương, số tiền thu được hơn một nửa rách nát phải tiêu huỷ) và bị lạm phát tiền tệ nghiêm trọng. 2) Tiền là một trong những dấu hiệu thể hiện độc lập của quốc gia. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một quốc gia, một chính phủ độc lập không thể không có đồng tiền riêng của mình. 3) Bị phá rối về tiền tệ. Quân đội Tưởng ép Chính phủ ta cho lưu thông hai đồng tiền đang mất giá của Trung Quốc trên thị trường thế giới
là Quan kim và Quốc tệ theo tỷ giá bất lợi cho nền tiền tệ Việt Nam2.
1 Trong đó: trưng thu là Nhà nước lấy hẳn; trưng dụng là sử dụng có thời hạn đối với những phương tiện, tài sản và các cơ sở sản xuất của tư nhân; trưng tập là huy động những nhân lực và chuyên gia quan trọng...
2 Quân Tưởng quy định: cứ 1 đồng Quan kim giá trị bằng 1,5 đồng Đông Dương và 13,3 đồng Quốc tệ thì bằng 1 đồng Đông Dương [Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng, 2009, 58].
Trong bối cảnh phức tạp, nhiều khó khăn của năm đầu sau cách mạng, công tác in, phát hành tiền được chuẩn bị tích cực và bí mật. Đây cũng là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. "Trận chiến tiền tệ không có tiếng súng, nhưng máu đã đổ" [Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng, 2009, 57]. Trong tình hình như vậy, Chính phủ ta không thể phát hành toàn bộ tiền tệ trong một thời điểm chung cho cả nước mà phải tiến hành theo từng bước, qua ba đợt. Đợt 1, vào tháng 12 năm 1945, Chính phủ cho lưu hành đồng 2 hào và 5 hào. Phát hành hai đồng tiền có giá trị nhỏ này là để đáp ứng nhu cầu thiếu tiền lẻ, đồng thời để người dân làm quen với tiền Cụ Hồ. Sau đó vào ngày 31 tháng 1 năm 1946, Chính phủ cho phát hành tiền từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) vào đến Nam Trung Bộ. Do vùng này không có quân đội nước ngoài, hệ thống chính quyền vững là điều kiện thuận lợi cho phát hành, lưu thông tiền tệ. Đợt hai, từ tháng 8 năm 1946, Chính phủ quyết định phát hành tiền từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Đợt ba, vào tháng 11 năm 1946, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I quyết định phát hành tiền trong cả nước.
Như vậy, sau cách mạng, Chính phủ ta đã có những chủ trương và hành động sáng tạo, linh hoạt, phù hợp để giải quyết những khó khăn về tiền tệ. Nền tiền tệ mới đã từng bước hình thành, đáp ứng tối thiểu cho nhu cầu chính trị, kinh tế, quân sự của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
4.1.2.3. Khôi phục hoạt động công thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện và chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến
a. Khôi phục công thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện
Sau cách mạng tháng Tám 1945, công thương nghiệp bị đình trệ, sa sút nghiêm trọng. Công nghiệp bị giảm sút, tê liệt là do những xí nghiệp quan trọng đã bị quân đội Nhật chiếm giữ, khai thác phục vụ chiến tranh nên bị quân Đồng Minh phá hoại. Mặt khác do các chủ người Pháp ngừng đầu tư, sa thải công nhân, rút vốn về nước. Còn thương nghiệp bị tê liệt là do từ năm 1943, quân Đồng Minh chủ trương phong tỏa toàn bộ vùng trời và vùng biển của Đông Dương để chống lại phát xít Nhật nên xuất nhập khẩu đình trệ. Giao lưu buôn bán giữa hai miền Nam Bắc bị