Nghề gốm có nhiều tiến bộ, kỹ thuật sản xuất được nâng lên do tích lũy kinh nghiệm và có sự tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm từ người Hán. Nhiều đồ gốm thời này cho thấy có sự kết hợp giữa thợ thủ công người Hán và người Việt cùng chế tác (trên đồ gốm có trang trí cả hoa văn Đông Sơn và hoa văn Trung Hoa). Các lò gốm xuất hiện ở nhiều nơi (Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang...). Sản phẩm là các loại vò, bình, chén, bát đĩa và một số vật dùng là đồ sành tráng men, hoặc nửa sành, nửa sứ. Nghề làm gạch ngói phục vụ việc xây dựng thành quách, chùa tháp, mộ táng cũng khá phát triển. Một số loại gạch được trang trí hoa văn và có loại tráng men màu vàng hay xanh nhạt. Để xây các vòm cuốn, người ta còn sản xuất cả loại gạch một bên dày, một bên mỏng, gọi là gạch múi bưởi. Đầu ngói ống thường được trang trí hình mây, hình mặt người hoặc hình hoa sen.
Nghề dệt có vị trí quan trọng và có những tiến bộ đáng kể. Các loại nguyên liệu dùng để dệt vải là bông, gai, bẹ chuối, tơ tằm. Vải Tiêu cát được dệt từ tơ chuối trắng mịn được người Hán ưa thích và trở thành cống phẩm đặc biệt của Giao Châu cho triều đình phương Bắc. Theo sách An Nam chí ở Giao Châu có các loại vải quý như sa cát liễu, sa bình văn tảo tân, hợp sa, láng, bông, tơ đay, tơ chuối... Đặc biệt tơ chuối có thể kéo sợi làm vải mỏng như the, lượt rất hợp với mùa nóng bức... [Dẫn theo Vũ Duy Mền, 2017, 243]. Phụ nữ nước ta thời này còn dệt được khăn bông thêu chữ và hoa lá rất khéo (gọi là "bạch diệp"). Vải lụa của nước ta được người Hán gọi là "vải Giao Chỉ". Sách Nam phương thảo mộc trạng còn cho biết ở Cửu Chân người ta lấy cây non của loại tre lớn (gọi là Đan trúc) đập dập rồi đem ngâm, lấy sợi dệt thành loại vải gọi là vải xơ tre...
Thời này, bên cạnh các sản phẩm dệt của người Việt còn có các sản phẩm do người Hán làm ra. Trong một số di chỉ khảo cổ ở Đông Sơn, Thiệu Xương, Xuân La người ta phát hiện thấy dấu vết vải, lụa kiểu mới của người Hán in trên đồ đồng. Như vậy, kỹ thuật dệt vải, dệt lụa của Trung Quốc đã được du nhập vào nước ta. Từ thế kỷ thứ III, người Việt tiếp thu nghề làm giấy của người Trung Quốc, đã làm được nhiều loại giấy từ các nguyên liệu là vỏ cây dó, rong rêu biển, vỏ và lá cây mật
hương (trầm hương). Trong đó, giấy làm từ cây mật hương có mùi rất thơm, bền, bỏ xuống nước không nát, là loại giấy quý. Theo thư tịch cổ Trung Quốc cho biết, vào năm 284, lái buôn La Mã đã mua 3 vạn tờ giấy (mật hương) ở Giao Chỉ để dâng lên vua Tấn [Hà Văn Tấn, 2017, 70].
Các nghề thủ công khác thời kỳ này như mộc, đan lát, nấu rượu (rượu cẩm, rượu nếp), sơn, khảm, làm đồ mĩ nghệ (gồm vàng bạc, đồ khảm xà cừ), làm đường, v.v... cũng đều có tiến bộ, trong đó đáng lưu ý nhất là nghề làm đường. Sách Di vật chí của Trung Quốc cho biết người Việt làm đường theo cách ép mía lấy nước, rồi đem đun và phơi, để ngưng lại như băng. Khi ăn bỏ vào miệng thì tan ra, gọi là "thạch mật". Bấy giờ Trung Quốc chưa biết làm đường mía. Sản phẩm này của nước ta đã trở thành đồ cống quý cho triều đình Hán, Ngô. Cũng trong thời Bắc thuộc, dân ta đã biết làm đồ thủy tinh (do tiếp thu kỹ thuật làm thủy tinh của người Ấn Độ). Từ thế kỷ thứ III, họ đã làm được những chiếc bình, bát bằng thủy tinh có màu xanh, màu tía rất đẹp. Trong nhiều ngôi mộ cổ, người ta đã tìm thấy nhiều chuỗi hạt thủy tinh mà thành phần hoá học khác với thủy tinh của Trung Quốc. Nghề làm đồ mỹ nghệ bằng vàng bạc, ngọc cũng phát triển, phục vụ nhu cầu của bọn thống trị. Theo sách Nam tề thư, cứ vài năm một lần, Giao Châu phải cống cho nước Tề (475-502) một chiếc mũ bằng bạc. Người Giao Chỉ, Cửu Chân còn lấy vỏ trai khảm mâm, khay, chén... Người Trung Quốc coi những sản phẩm mỹ nghệ này là những báu vật của phương Nam.
Tóm lại: Mặc dù bị kìm hãm, bóc lột và các thợ giỏi bị trưng tập1; nhưng thủ công nghiệp Giao Châu không bị mai một. Có kết quả này là do ông cha ta giữ được nghề truyền thống, đồng thời còn biết học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật của các nước khác (Trung Quốc, Ấn Độ...). Sự phong phú, đa dạng của các ngành nghề thủ công thời kỳ này cho thấy người Việt vừa cần cù, vừa khéo tay. Nhiều sản phẩm họ làm ra được người Trung Quốc coi là những báu vật của phương Nam. Có không ít sản phẩm thủ công do những nghệ nhân, người thợ nước ta tiếp
1 Theo sử sách cho biết: Thời Tam Quốc, khi nhà Ngô cát cứ ở Giang Đông, Thái thú Giao Chỉ là Tôn Tư đã bắt hơn 1.000 thợ thủ công Giao Chỉ về dâng cho vua Ngô để xây dựng kinh đô Kiến nghiệp [Dẫn theo Phan Huy Lê, 2018, 329].
thu kỹ thuật, kinh nghiệm từ bên ngoài làm ra đạt trình độ cao, tinh xảo song vẫn mang bản sắc văn hoá Việt. Điều đó thể hiện rõ trong các nghề thủ công làm đồ trang sức bằng đá, gốm, mỹ nghệ vàng bạc, khảm xà cừ, mộc, sơn, thêu ren, dệt, thuộc da, nấu rượu, v.v.... Những ngành nghề thủ công nước ta ngày càng phát triển và có sự phân hoá theo nghề nghiệp để trở thành các làng nghề, phường hội trên khắp nước ta về sau. Từ góc độ này mà đánh giá, có thể nói, sự phát triển của các ngành nghề thủ công thời Bắc thuộc đã phần nào khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn của kinh tế, văn hoá dân tộc Việt Nam.
c. Giao thông và thương nghiệp
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh Tế "tiền Phong Kiến" (30 Vạn Năm Tcn - 938)
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 4
- Kinh Tế Thời Bắc Thuộc (179 Tcn - 938)
- Kinh Tế Giai Đoạn Chế Độ Phong Kiến Xây Dựng Và Phát Triển Thịnh Đạt (Thế Kỷ X Đến Cuối Xv)
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 8
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 9
Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.
• Giao thông vận tải
Để thực hiện mục đích khai thác, bóc lột, phong kiến phương Bắc đã ít nhiều quan tâm đến mở mang mạng lưới giao thông thủy bộ, gián tiếp tạo điều kiện cho kinh tế nước ta phát triển, dù chậm chạp. Do nhu cầu vận chuyển của cải vơ vét được và các đồ cống nạp về nước, chính quyền đô hộ đã sửa sang đường sá, giao thông. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trung tâm cai trị là các huyện trị, quận trị, châu trị cũng tạo điều kiện cho sự hình thành một mạng lưới giao thông thủy bộ nối Long Biên, Phủ thành Tống Bình với các địa phương trong nước. Mạng lưới giao thông thủy bộ trên lãnh thổ nước ta đã từng bước hình thành.
- Về đường bộ
Hệ thống đường bộ hình thành từ xưa vẫn được sử dụng để liên hệ và vận chuyển hàng hoá giữa các vùng. Đến thế kỷ thứ II-III, từ đồng bằng sông Hồng lên Tây Bắc có con đường dọc lưu vực sông Hồng. Nhưng vì phía trên con đường này có nhiều đèo dốc gập ghềnh nguy hiểm, nên người ta thường dùng đường thủy đi ngược theo sông Hồng là chủ yếu. Một con đường khác hình thành là đường đi từ vùng Kinh Bắc đến Phả Lại (Chí Linh, Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh). Đây là con đường mà các đội quân xâm lược phương Bắc thường đi để đánh chiếm nước ta trong thời Bắc thuộc. Bên cạnh còn có đường xuôi về phía Nam, tới Từ Hồ (Thuận Thành), Yên Vĩ (gần Khoái Châu), rồi ngược lên sông Đuống nối với Long Biên, Cổ Loa, Mê Linh. Một con đường khác
đi men theo sông Đáy, nối miền thượng châu thổ (Mê Linh) và miền trung châu thổ (Chu Diên) với miền hạ châu thổ (Vô Công).
Khu vực phía Nam cũng đã hình thành đường bộ đi từ Long Biên, Tống Bình vào Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh). Sau đó, từ Hoan Châu lại mở ra hai đường: hướng Nam có đường vượt Hoành Sơn (Đèo Ngang) vào đất Champa; hướng Tây có đường vượt đèo Vụ Ôn (Hương Sơn) sang đất Lào, đến tận Viêng Chăn. Đây là những trục đường chính nhưng bấy giờ còn nhỏ hẹp, phải trèo dốc qua đèo nhiều, lại hay bị đứt quãng vì có nhiều sông suối. Trước đây, việc giao thông giữa nước ta với Trung Quốc được thực hiện chủ yếu bằng đường biển. Nhưng từ năm 83, một con đường bộ được mở nối qua Hồ Nam. Từ đây giao lưu giữa Việt Nam với Trung Quốc ngoài đường biển có con đường bộ mới mở này.
- Về đường thủy
Nước ta có hệ thống sông biển tự nhiên, người dân có thể đi đến nhiều nơi một cách dễ dàng hơn đường bộ. Điều này cũng phần nào cắt nghĩa vì sao các trung tâm đô thị ngày xưa thường hay đóng cạnh bờ sông. Từ sau khi Mã Viện cho đào sông vùng Tạc Khẩu (Ninh Bình) thì việc đi lại giữa hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thuận lợi hơn trước. Phương tiện đi lại trên sông biển, ngoài bè mảng, đò thuyền đã có từ xưa, đến cuối thời kỳ Bắc thuộc, dân ta đã chế tạo được những thuyền lớn, thuyền lầu, thuyền có vài chục mái chèo. Nước ta có vị trí nằm trên con đường hàng hải quốc tế ở phương Đông nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đó, các nước phương Nam và phương Tây giao lưu buôn bán với Trung Quốc đều phải đi qua Giao Chỉ. Thuyền buôn và sứ giả các nước vùng Nam Á đều đi qua Giao Châu để sang Trung Quốc. Họ ghé vào nước ta vừa là tìm chỗ trú ngụ tránh bão, lấy nước ngọt đồng thời trao đổi, buôn bán với nước ta.
Như vậy, giao thông vận tải thời Bắc thuộc đã được mở mang, phát triển hơn trước. Trong nước đã hình thành mạng lưới giao thông thủy bộ nối các địa phương với trung tâm đất nước là phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Đồng thời, với khu vực, do nằm trên con đường hàng hải quốc tế nên có nhiều nước khi đi qua thường ghé vào buôn bán, trao đổi... Đây là
điều kiện thuận lợi giúp buôn bán trao đổi trong nước và với các nước khác tiến triển hơn.
• Thương nghiệp
Do nông nghiệp, thủ công nghiệp và giao thông có những tiến bộ đã thúc đẩy thương nghiệp phát triển hơn. Các trung tâm chính trị, quân sự ở Giao Châu cũng dần trở thành các trung tâm kinh tế; ngoài thành là chợ. Trong nước, các hoạt động trao đổi, buôn bán giữa các vùng được đẩy mạnh. Hệ thống chợ địa phương khá phát triển. Các chợ phiên hoạt động theo định kỳ đã giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn. Thương nhân, chủ yếu là người Trung Quốc, đã len lỏi đến tận các chợ nông thôn để gom hàng. Do giao thông mở mang, sự kết nối giữa các vùng miền trong nước với Đại La (Hà Nội) và sự kết nối giữa Giao Châu với Chiêm Thành, Chân Lạp... thuận lợi hơn trước nhiều.
Vào thời nhà Đường, chính quyền trung ương phong kiến có chủ trương, từ vùng Giang Hoài (miền nam Trung Quốc) xuống tới Giao Châu, quan lại lấy lúa tô đem bán rồi đổi, mua các hàng nhẹ, quý là đồ đồng, áo vóc, lụa là, đồi mồi, trân châu, trầm hương, mật trăn, lông chim trả, ngà voi... sau đó chuyển về kinh đô. Mặc dù đây là chủ trương vơ vét tài nguyên của cải đối với nước ta; nhưng chủ trương này cũng ít nhiều góp phần thúc đẩy hoạt động thương nghiệp ở Giao Châu phát triển. Thời này đồng tiền được sử dụng phổ biến trong buôn bán. Nhà Đường cho đúc và lưu thông các đồng tiền: "Khai Nguyên thông bảo" (713-741), "Càn Nguyên trọng bảo" (758-760) để đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội.
Trong thời kỳ này các quan hệ trao đổi buôn bán giữa nước ta với Trung Quốc và các nước láng giềng phát triển. Sông Hồng là đường giao thông nối liền nước ta với vùng Tây Nam (Trung Quốc), miền thảo nguyên và kinh đô Tràng An của nhà Hán. Bọn đô hộ Hán đã sớm nắm độc quyền mua bán muối, sắt và rượu; đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc buôn bán các loại lâm thổ sản quý và nô tỳ. Mục đích là nhằm tăng cường sự bóc lột kinh tế, kìm hãm sản xuất và khống chế thương mại - chính trị nước ta.
Hoạt động thương mại trên biển với trung tâm Quảng Châu và các nước trong khu vực biển Đông khá phát đạt. Có nhiều lái buôn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, phương Tây đã ghé vào nước ta buôn bán, trao đổi hàng hoá. Đã có những thương nhân nước ngoài ở lại buôn bán lâu dài tại các vùng phố xá, thị trấn sầm uất ven biển nước ta. Sách Tiền Hán thư cho biết: "Đất Việt ở gần biển, có nhiều tê, voi, đồi mồi, ngọc châu, ngọc ky, vàng, đồng, hoa quả, vải. Người Trung Quốc và các nước láng giềng đi lại buôn bán, phần nhiều trở nên giàu có".
Do vị trí địa lý thuận lợi, đồng thời còn có các sản phẩm nhiệt đới phong phú nên nước ta đã trở thành một trạm quan trọng trên con đường hàng hải giữa Trung Quốc với các nước nam Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương. Có thể hình dung những nét chính về hoạt động ngoại thương của các nước trong khu vực có liên quan đến nước ta thời này như sau:
+ Những thương nhân người Hán xuất phát từ đất Từ Văn, Hợp Phố (Trung Quốc) đi xuống phía Nam buôn bán. Khi đi và về, các thuyền buôn của họ đều ghé qua Nhật Nam, Tượng Lâm nước ta để mua bán thổ sản vùng này. Khởi hành họ đi bằng thuyền Trung Quốc, nhưng đến những nơi xa thì họ chuyển sang đi thuyền buôn của các nước phương Nam, đặc biệt là thuyền của Ấn Độ. Ấn Độ thời này là một cường quốc trên đường thương mại quốc tế phương Đông, có ảnh hưởng lớn đến các nước phương Nam châu Á.
+ Hàng hoá thương nhân Trung Quốc đem đi đổi là vàng và các đồ tơ lụa. Còn thứ họ tìm mua về là ngọc trai, đồ thủy tinh pha lê, sản vật lạ... Phương thức trao đổi là dùng vàng, tơ lụa đổi lấy các loại hàng hoá khác.
+ Thương mại quốc tế trên biển lúc đó (và cả về sau) gắn liền với nghề cướp biển. Thuyền của một số nước phương Nam bên cạnh việc chở thương nhân và hàng hoá còn có cả thuyền dùng vào việc cướp bóc trên biển.
Trong các thế kỷ VII-IX, bên cạnh thương nhân Trung Quốc, còn có thương nhân của nhiều nước khác (Chân Lạp, Chiêm Thành, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập, v.v...) đến Giao Châu cư trú, buôn bán. Thương nhân
Trung Quốc thường đem đồ sứ, chè Tàu, thuốc Bắc sang bán cho An Nam. Còn thuyền buôn Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập... thì mang hương liệu, thuốc men, châu báu, ngà voi, sừng tê giác, đồ thủy tinh, đồ sắt, thiếc, gia vị đến Quảng Châu và Giao Châu để bán. Hàng hóa của Giao Châu được thương nhân ngoại quốc mua bao gồm: tơ lụa, cùng các lâm thổ sản quý như hương liệu, lông chim trả, mật trăn, ngọc châu...
Dưới thời phong kiến Tuỳ-Đường (581-907), nhà nước có chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngoại thương. Các thuyền buôn nước ngoài bị ngăn cản, cấm đoán, bị đánh thuế nặng. Chính sách này đã làm việc trao đổi, buôn bán với bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế theo đó cũng bị ảnh hưởng nhất định.
2.2. KINH TẾ PHONG KIẾN (938 - 1858)
2.2.1. Bối cảnh lịch sử và tư tưởng, chính sách kinh tế
2.2.1.1. Khái quát bối cảnh lịch sử
Sau chiến thắng Bạch Đằng (938), năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Từ đây nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Các triều đại phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn thay nhau lãnh đạo, quản lý xây dựng, phát triển đất nước. Sau triều Ngô (939-965), nước ta bị các thế lực địa phương nổi lên cát cứ, gây ra loạn 12 sứ quân (965-967). Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân, lập ra triều Đinh (968-979) và lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Tiếp đến triều Tiền Lê (980-1009) đã đánh bại quân xâm lược Tống (980-981). Thành tựu lớn nhất thời Ngô, Đinh, Tiền Lê là đã giữ vững nền độc lập, thống nhất, tạo điều kiện để đưa nước ta bước vào thời kỳ phục hưng dưới các triều đại phong kiến Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Hồ (1400-1407) và Lê Sơ (1428-1527).
Năm 1010, nhà Lý đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và đặt tên nước là Đại Việt. Công cuộc xây dựng đất nước được đẩy mạnh, nước ta trở thành quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á. Trong thời kỳ này, nhân dân Đại Việt phải chống nhiều cuộc chiến tranh
xâm lược ở cả phía Bắc và phía Nam. Nước Đại Việt đã giành thắng lợi trong kháng chiến chống Tống lần hai (1075-1077) và trong ba lần chống quân xâm lược Mông - Nguyên (1258, 1285 và 1288). Nhưng vào cuối thế kỷ XV, nhà Hồ đã thất bại trước cuộc xâm lược của quân Minh (1406-1407), đất nước ta lần thứ hai bị mất độc lập, tự chủ. Trong 20 năm nhà Minh đô hộ (1407-1427), có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng đều thất bại. Chỉ cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo mới giành lại được độc lập, tự chủ cho dân tộc. Trong giai đoạn Lê sơ nước Đại Việt đã phát triển đạt đỉnh cao vào cuối thế kỷ XV dưới triều đại vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Trong lịch sử Việt Nam, thời Lý - Trần - Hậu Lê được xem là kỷ nguyên của Văn minh Đại Việt với những thành công to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Cùng thời kỳ này, văn hoá Champa cũng bước vào thời kỳ thịnh đạt với trung tâm Đồng Dương - Mỹ Sơn thế kỷ VII-X, sau đó là Vijaya thế kỷ X-XV. Có thể khẳng định đây là "một trong những thời kỳ văn hoá Việt Nam thịnh đạt nhất trong lịch sử" dân tộc [Phan Huy Lê, 2007, 29].
Sau thời đỉnh cao (cuối thế kỷ XV), từ đầu thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Đại Việt bước sang giai đoạn suy tàn, khủng hoảng. Mốc phân định giữa giai đoạn thịnh đạt với giai đoạn suy tàn, khủng hoảng là khi Lê Thánh Tông (1460-1497) và Lê Hiến Tông (1497-1504) chết. Xã hội Đại Việt lúc đó từ trung ương xuống đến làng xã rơi vào cảnh loạn lạc, bất ổn - đúng như nhận định của một số nhà sử học hiện đại - đây là "một trong những thời kỳ nhộn nhạo, đẫm máu và rối ren nhất của lịch sử
Việt Nam"1. Trong các thế kỷ XVI-XVII-XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX
trên đất nước ta xẩy ra tình trạng tranh giành quyền lực giữa các thế lực phong kiến là vua Lê, chúa Trịnh với nhà Mạc. Tiếp đến là cát cứ, phân tranh Trịnh - Nguyễn (Đàng Trong và Đàng Ngoài), khởi nghĩa nông dân (Tây Sơn); chiến tranh chống xâm lược (Mãn Thanh và quân Xiêm)... Bên cạnh những yếu tố bên trong, thời kỳ này còn có những tác động khá mạnh mẽ từ bên ngoài. Đó là hoạt động thương mại sôi động trên thế giới
1 Xem [Trần Quốc Vượng & cộng sự, 2015, 1166]; [Nguyễn Thanh Nhã, 2013, 13].