Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 4

của hai bộ lạc Lạc Việt với Âu Việt. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 TCN); nhưng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đều tiến bộ hơn thời Văn Lang. Tuy vậy, nền tảng chung cho sự tồn tại, phát triển của cả nước Văn Lang và Âu Lạc là nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng.

2.1.2.2. Đặc điểm tình hình kinh tế

Nhìn chung nền kinh tế Việt Nam thời Dựng nước có sự tiến bộ vượt bậc. Các ngành nghề đều có thành tựu đáng ghi nhận. Tình hình cụ thể như sau:

a. Thủ công nghiệp

Nghề chế tác đá tiếp tục được duy trì, đạt đỉnh cao về kỹ thuật và mỹ thuật vào giai đoạn Phùng Nguyên nhưng sau đó nhường chỗ dần cho nghề luyện kim. Vào cuối thời Hùng Vương, những người thợ đá chủ yếu tập trung vào làm một số đồ trang sức từ các loại đá quý.

Thành tựu nổi bật nhất về thủ công nghiệp thời này là sự xuất hiện và phát triển đạt đỉnh cao của luyện kim, chế tác kim loại. Ngay từ đầu thời Hùng Vương (giai đoạn Phùng Nguyên), nghề đúc đồng đã xuất hiện, được duy trì, phát triển qua giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, đạt đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật ở giai đoạn Đông Sơn. Việc tạo ra đồng thau là một kỳ tích của con người. Quá trình luyện kim đồng phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc tìm quặng, khai mỏ đến việc xây lò, nấu quặng, pha chế hợp kim, làm khuôn, rót đồng, tạo ra những vật dùng cần thiết. Bí quyết pha chế tỷ lệ đồng thiếc để chế tác ra các sản phẩm như trống đồng, thạp đồng đến nay vẫn chưa được khám phá đầy đủ.

Từ kỹ thuật luyện kim, chế tác kim loại, người Việt cổ đã tạo ra nhiều sản phẩm từ đồng, sắt phục vụ cho cuộc sống như các công cụ sản xuất, vật dùng, vũ khí, đồ trang sức... Tiêu biểu cho kỹ thuật luyện kim, chế tác kim loại thời này là trống đồng. Có nhiều loại trống đồng được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam; trong đó nổi tiếng và tiêu biểu nhất là trống đồng Đông Sơn. Cho đến nay, nước ta đã tìm được 117 trống đồng Đông Sơn. Trong số trống đồng tìm được có những trống lớn, đẹp là trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ và Cổ Loa. Trống đồng Ngọc Lũ tìm

được ở Hà Nam có chiều cao 63 cm, đường kính mặt trống 79 cm; trống đồng Hoàng Hạ (Hoà Bình) có đường kính 79 cm, cao 61,5 cm và trống Cổ Loa cao 53 cm, đường kính 74 cm. Trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ được trang trí nhiều họa tiết đặc biệt1, phản ánh về mỹ thuật, kỹ thuật và chứa đựng nhiều thông tin về đời sống cư dân Việt cổ thời dựng nước. Riêng trống Cổ Loa (phát hiện 1982) bên trong có 200 hiện vật đồng

thau, trong đó có 96 lưỡi cày đồng, trên mặt trống được trang trí gần giống với trống đồng Hoàng Hạ [Hà Văn Tấn, 2017, 41-42]. Có thể nói, đồ đồng Đông Sơn đánh dấu một bước chuyển cách mạng trong kỹ thuật luyện kim và trình độ văn minh nước ta thời cổ. Trống đồng Đông Sơn mãi là niềm tự hào của người Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trên nền tảng của nghề đúc đồng phát triển cao, nghề luyện sắt đã xuất hiện. Chứng tích của nghề này tìm thấy ở các di chỉ: Vinh Quang, Đường Mây, Chiềng Vậy (Hà Nội), Đông Sơn (Thanh Hoá). Các công cụ sản xuất, vật dùng, vũ khí bằng sắt được chế tạo từ quặng và rèn. Bên cạnh phương pháp rèn, người thời Đông Sơn đã biết đến kỹ thuật đúc gang để chế ra rìu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

Qua các hiện vật kim loại thời kỳ này cho thấy, những người thợ lành nghề đã tách ra khỏi nghề nông. Sản phẩm mà họ làm ra có giá trị cao về kinh tế, văn hoá, xã hội. Chúng chính là những minh chứng về sự phát triển cao của thủ công nghiệp luyện kim, đúc đồng, chế tác kim loại của người Việt cổ. Những công cụ kim loại tạo ra hiệu suất lao động cao hơn hẳn so với các công cụ đá. Kết quả là chúng đã tạo nên sự biến đổi to lớn, căn bản đối với kinh tế - xã hội nước ta sau đó. Vì thế, có thể nói, sự ra đời của nghề luyện kim, chế tác kim loại có ý nghĩa như một cuộc cách mạng kỹ thuật ở nước ta thời dựng nước.

Các nghề mộc, đan lát, kéo tơ, dệt vải, đóng thuyền, nghề sơn đều có tiến bộ. Nghề mộc đã tham gia tích cực vào việc xây dựng nhà ở, sản

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 4


1 Trên mặt trống xung quanh có hình mặt trời, ở giữa là vòng tròn hình những nhóm người đội mũ cắm lông chim đang múa, thổi kèn hay rung chuông, những người giã gạo, những ngôi nhà sàn với dàn trống đồng, những đàn chim bay hay đậu. Mặt trống Ngọc Lũ còn có thêm một vành tròn hình hai bầy hươu xen giữa hai đàn chim bay. Ở tang những trống này có hình 6 chiếc thuyền, đầu và đuôi hình đầu chim. Trên thuyền có nhiều người cầm vũ khí như giáo, cung...

xuất ra những đồ dùng sinh hoạt thông thường cho con người là các công cụ sản xuất, phương tiện đi lại và vũ khí. Bên cạnh đó, nghề đan lát tre, nứa, lá cũng tạo ra các đồ dùng sinh hoạt cho con người. Đặc biệt, nghề sơn đã đạt tới trình độ kỹ thuật tương đối cao. Một số di vật trong các ngôi mộ cổ (Việt Khê) là đồ gỗ, đồ da, đồ đan được quyét sơn màu đỏ, màu nâu và trang trí khá đẹp cho thấy rõ về điều đó. Nghề dệt phát triển rõ rệt, phương thức dệt thủ công với các nguyên liệu là lanh, gai, tơ tằm. Thời Âu lạc, người ta đã dùng khung cửi để dệt vải.

Nghề gốm có nhiều tiến bộ hơn trước. Gốm thời này được làm bằng bàn xoay; xương gốm chủ yếu là đất sét pha cát trộn với ít bã động thực vật. Gốm được nung trong lò có nhiệt độ cao (800-9000C). Kỹ thuật tạo dáng và trang trí trên đồ gốm có tiến bộ vượt bậc. Loại hình gốm khá phong phú, hoa văn trang trí đa dạng, sinh động; các sản phẩm bền và đẹp hơn trước nhiều. Nhưng đến cuối thời Hùng Vương, nghề gốm có biểu hiện suy thoái.

Bên cạnh sự phát triển nổi bật của luyện kim, chế tác kim loại thì xây dựng cũng có thành tựu nổi bật. Di tích thành Cổ Loa là minh chứng cho thấy rõ sự phát triển cao của xây dựng thời dựng nước. Thành Cổ Loa là công trình quân sự được xem là vượt tầm thời đại về quy mô to lớn cũng như về kỹ thuật tinh xảo1. Thành Cổ Loa phản ánh sự phát triển nhiều mặt của nước Âu Lạc, trong đó nổi bật là sự tiến bộ vượt bậc về

xây dựng, kiến trúc thời dựng nước.

b. Nông nghiệp

Sự phát triển của thủ công nghiệp đã có tác dụng hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp thời dựng nước có những tiến bộ mới.


1 Thành Cổ Loa nằm ở phía Bắc sông Hoàng Giang (nay đã bị lấp), xưa là một dòng sông lớn, nối liền sông Hồng với sông Cầu. Nhờ sông Hoàng Giang, thành Cổ Loa thời đó trở thành đầu mối của hệ thống giao thông đường thủy trong một vùng rộng lớn ở Bắc Bộ. Thành Cổ Loa có ba vòng thành khép kín bằng đất, bao gồm từ trong ra ngoài: Thành Trong (thành nội), thành Trung (giữa) và thành Ngoại (ngoài). Trong đó, thành Trong hình chữ nhật, chu vi 1.650m. Thành cao trung bình khoảng 5m, mặt thành rộng 6-12m, chân rộng 20-30m. Thành Trung không có hình dáng cân xứng, dài 6.500; thành Ngoại dài khoảng 8.000m, chân thành rộng 12-20m. Ngoài các tường thành đều có hào sâu; ba lớp hào thành Cổ Loa nối liền với nhau và thông với sông Hoàng Giang. Ngoài ba vòng thành khép kín, giữa thành và bên ngoài thành Ngoại còn có nhiều đoạn lũy ngắn...

Trong hoạt động nông nghiệp, các công cụ kim loại (đồng, sắt) được sử dụng phổ biến trong trồng trọt và thu hoạch sản phẩm. Ngoài rìu đồng được sử dụng để khai phá đất đai, lưỡi dao gặt đồng dùng để thu hoạch, khảo cổ học còn tìm thấy hàng loạt công cụ làm đất như lưỡi cày, cuốc, xẻng, thuổng (mai) làm bằng đồng bên cạnh một số công cụ làm bằng sắt như lưỡi cuốc, thuổng, mai, rìu, liềm sắt. Trong các công cụ sản xuất thì lưỡi cày đồng đóng vai trò quan trọng trong làm đất. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy khoảng 200 lưỡi cày đồng ở các di chỉ Bắc Bộ. Riêng tại di chỉ Cổ Loa, các nhà khảo cổ đã tìm được 88 lưỡi cày đồng cùng một số hiện vật ở trong một trống đồng được chôn ở độ sâu 30cm. Lưỡi cày gồm nhiều loại với những kích thước, kiểu dáng khác nhau (hình cánh bướm, hình tam giác, hình tim, hình bầu dục). Trong các loại trên thì lưỡi cày hình tam giác có dáng chắc khỏe, mũi nhọn khá giống với các loại lưỡi cày sắt sau này. Lưỡi cày ở Cổ Loa thuộc loại hình tim, có kích thước khá lớn.

Trong nông nghiệp, cư dân Đông Sơn đã dùng cày thay dần cho cuốc, kết hợp với sức người để làm đất. Sử dụng lưỡi cày đã đem lại hiệu suất cao hơn các công cụ làm đất khác. Nhờ những công cụ kim loại, cư dân thời này đã mở rộng địa bàn cư trú, đẩy mạnh công cuộc chinh phục các vùng đồng bằng châu thổ. Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dần dần được hình thành nhưng còn hoang dại, nhiều vùng trũng, đầm lầy, rừng rậm và nhiều vùng biển còn ăn sâu vào đất liền. Dọc theo các con sông lúc đó chưa có đê, nên vào mùa nước lũ, nước tràn ngập và phủ lên đồng bằng những lớp phù sa màu mỡ. Đất đai phì nhiêu, thích hợp cho canh tác lúa nước. Từ những tụ điểm trên các gò đồi, chân núi, trên các doi đất ven sông, con người tiến hành khai phá đất đai, mở rộng diện tích trồng lúa bằng nhiều hình thức canh tác phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng của từng vùng với hai hình thức canh tác chính là làm rẫy và làm ruộng. Làm rẫy (làm nương) là hình thức canh tác được áp dụng ở miền đồi núi, không có điều kiện làm thủy lợi và thâm canh. Để làm rẫy, người ta phát cây cối, dùng lửa đốt cháy cây cỏ thành tro bụi, dùng gậy chọc lỗ và tra hạt. Sử sách gọi đây là phương thức canh tác "đao canh, hỏa chủng". Điều này được nói tới trong sách Lĩnh Nam chích quái và sách

Hậu Hán thư: "Cửu Chân (Bắc Trung Bộ) có tục đốt cỏ mà trồng trọt". Hình thức làm nương rẫy này vẫn được bảo tồn lâu dài ở một số nơi thuộc miền núi nước ta.

Ruộng thời này có nhiều loại, nhưng phổ biến và chủ yếu là loại ruộng nước (ruộng phù sa ven sông, ruộng trũng ở vùng thấp và quanh các ao, đầm, hồ), được gọi là "Lạc điền". Trong thư tịch cổ Trung Quốc chép: "Ngày xưa, Giao Chỉ khi chưa thành huyện, ruộng đất có ruộng Lạc, ruộng đó theo nước triều lên xuống, dân khẩn ruộng đó mà ăn nên gọi là dân Lạc". Để canh tác ruộng nước, người ta dùng cày có lưỡi bằng đồng và sức kéo của trâu bò, hoặc áp dụng lối canh tác "đao canh, thủy nậu", "hoả canh, thủy nậu" là phát cây, đốt cỏ rồi chờ nước hay tháo nước vào ruộng, giẫm cho xục bùn để gieo trồng lúa. Ruộng nước là loại ruộng cố định, được trồng trọt thường xuyên, mặt ruộng được cải tạo, có bờ giữ nước nên có điều kiện để thâm canh, tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Công cuộc chinh phục vùng đồng bằng để phát triển nông nghiệp lúa nước đã nảy sinh nhu cầu trị thủy và làm thủy lợi. Điều kiện tự nhiên nước ta có mặt thuận lợi cho nghề trồng lúa nước nhưng cũng có mặt khắc nghiệt, đó là mối đe dọa của lũ lụt, hạn hán. Vì thế, việc làm thủy lợi, đắp đê được quan tâm. Nhưng trong điều kiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp kém, việc đắp đê, làm thủy lợi mới chỉ sơ khai, bước đầu. Vào cuối thời Hùng Vương, dân cư ở vùng đồng bằng đã đắp những đoạn đê quai để khai phá đất đai và chống ngập lụt cho từng vùng. Ở Cổ Loa đã phát hiện được một bờ đất cao, có nhiều khả năng đây là dấu tích của một đoạn đê cổ, có trước thời Bắc thuộc.

Làm rẫy, làm ruộng và làm vườn là ba hình thức canh tác cơ bản của nông nghiệp thời đại Hùng Vương. Những phát hiện khảo cổ cho biết nghề trồng lúa nước đã có sự phát triển trong thời đại này. Lúa gạo cháy có niên đại 3.500 đến 3.200 năm trước đã được tìm thấy trong nhiều di chỉ khảo cổ ở lưu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cả (sông Lam) và sông Mã. Lễ hội mùa lúa với cảnh người giã gạo được mô tả trên mặt trống đồng (Ngọc Lũ, Cổ Loa, Sông Đà), trên thân thạp đồng

Hợp Minh (Yên Bái) hay thóc gạo trong các đồ dùng chôn theo mộ cổ ở Đông Sơn (Thanh Hoá) đã cho thấy "lúa là nguồn lương thực chính của cư dân Việt thời Đông Sơn" [Vũ Duy Mền & cộng sự, 2017, 169].

Cây trồng chính trong nông nghiệp là lúa nước (lúa tẻ, lúa nếp). Lúa nếp được trồng khá phổ biến và có vai trò quan trọng đối với người dân. Điều này được phản ánh trong sách Lĩnh Nam chích quái và được một số di tích khảo cổ xác nhận1. Bên cạnh lúa, các cây rau củ, cây ăn quả được trồng trọt. Hạt na, hạt trám đã được tìm thấy ở di chỉ Đồng Đậu; hạt đậu

tìm được ở di chỉ Hoàng Ngô. Kết quả phân tích khoa học một số di vật ở Tràng Kênh (Hải Phòng) cũng cho biết có những cây thuộc về họ đậu, họ bầu bí, họ dâu tằm. Trong truyền thuyết dân gian nói đến việc trồng dưa hấu (truyện Mai An Tiêm), trồng cau, trầu (truyện Trầu cau). Người thời Âu Lạc sử dụng các công cụ kim loại (đồng, sắt) kết hợp với sức kéo của trâu bò để canh tác nông nghiệp trên một diện tích rộng lớn vùng châu thổ Bắc Bộ và đạt được năng suất cao rõ rệt. Sử cũ cho biết, dân Giao Chỉ một năm cấy hai vụ lúa vào mùa hè và mùa đông, thu hoạch vào tháng 10 và tháng 4 âm lịch. Số lượng lương thực dư thừa hàng năm tăng đáng kể, dự trữ lương thực của nhà nước cũng dư dật. Sản xuất lúa thời này không chỉ đáp ứng lương thực cho người dân Giao Chỉ mà còn cung

cấp gạo ăn cho cả Cửu Chân (Bắc Trung Bộ)2.

Chăn nuôi được duy trì, phát triển theo hướng gắn với trồng trọt, không tách thành ngành kinh tế độc lập. Cư dân thời này nuôi các loại gia súc, gia cầm: chó, lợn, trâu bò, ngựa, gà; trong đó, nuôi trâu bò có xu hướng tăng lên. Trâu bò được nuôi một mặt để cung cấp thực phẩm cho đời sống, mặt khác đáp ứng nhu cầu sức kéo cho nông nghiệp. Trong các vật nuôi, chó và trâu được các nghệ nhân Đông Sơn thể hiện trên tang, thân trống và rìu đồng bên cạnh các loại chim, thú rừng khác là tê giác, công, hươu nai, cá voi, hổ, cá sấu... Nuôi tằm được người dân quan tâm phát triển vì nó cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt thủ công và đem đến


1 Khi phân tích 4 mẫu thóc cháy và trấu lấy từ các di tích khảo cổ Đồng Đậu, Đông Tiến và Làng Cả có niên đại trước CN thì thấy đều có dạng hạt tròn - dạng phổ biến của lúa nếp.

2 Trồng lúa thời nước Âu Lạc đảm bảo nuôi sống 750 ngàn dân quận Giao Chỉ và hỗ trợ cho 170 ngàn nhân khẩu của quận Cửu Chân.

thêm nguồn thu nhập cho họ. Ở cả hai vùng Giao Chỉ và Cửu Chân, nuôi tằm một năm thu hoạch được tám lứa kén.

Trong thời dựng nước, các hoạt động kinh tế khai thác (hái lượm, săn bắn) tuy vẫn tồn tại nhưng đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. So với hái lượm, săn bắn có vai trò quan trọng hơn do nó bổ sung thêm phần thức ăn thịt, đồng thời cung cấp da, xương, sừng cho các nghề thủ công chế tạo đồ trang sức, đồ dùng và vũ khí. Săn bắn còn có ý nghĩa chống thú dữ, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cư dân. Đối tượng săn bắn là các loại thú như lợn rừng, hươu nai, khỉ, nhím, chuột, voi, hổ, tê giác... Người thời này đã biết sử dụng chó phục vụ săn bắn.

Đánh bắt cá xuất hiện từ giai đoạn Đồng Đậu đến giai đoạn Đông Sơn phát triển hơn. Do nước ta có bờ biển dài, nhiều sông, ngòi, ao, đầm, hồ nên đánh bắt cá có điều kiện phát triển mạnh. Người thời này đã sử dụng các công cụ là lưỡi câu, lưới, lao, thuyền... trong đánh bắt cá. Hoạt động này cung cấp thêm nguồn thực phẩm quan trọng cho cư dân Việt cổ. Cá kết hợp với rau, cơm tạo thành mô thức bữa ăn truyền thống của người Việt.

c. Trao đổi sản phẩm

Hoạt động trao đổi sản phẩm đã xuất hiện từ thời nguyên thủy giữa các thị tộc, bộ lạc. Các vật được trao đổi bao gồm đồ trang sức làm bằng vỏ ốc, đốt xương cá, đồ gốm, rìu đá... Hoạt động trao đổi diễn ra giữa các bộ lạc vùng biển với vùng rừng núi. Sự trao đổi không chỉ phát triển trong nội bộ bộ lạc mà còn mở rộng ra ngoài biên giới các bộ lạc [Lê Quốc Sử, 1998, 429].

Đến thời dựng nước, do sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt là thủ công nghiệp đã tạo điều kiện cho trao đổi, lưu thông sản phẩm tiến bộ hơn trước. Quan hệ trao đổi, mua bán ngày càng phổ biến và lan rộng không chỉ giữa các vùng trong nước với nhau mà còn lan sang nhiều nước khác trong khu vực. Đồ đồng Đông Sơn có mặt ở khắp miền núi, miền xuôi trong cả nước và mở rộng lên cả phía Bắc đến tận đất Điền (Vân Nam), đất Thục (Tứ Xuyên) của Trung Quốc. Không chỉ thế, người

ta còn tìm thấy trống đồng Đông Sơn ở cả miền Tây vực (Trung Á), ở nước Thiện (Miến Điện), nước Thân Độc (Ấn Độ), v.v... Còn về phía Nam, đồ đồng Đông Sơn đã tìm thấy ở Malaysia, Indonesia1... Giới khảo cổ học quốc tế thừa nhận việc phát hiện trống đồng Ngọc Lũ ở Malaysia,

Indonesia và những nơi khác trong khu vực cho thấy rõ ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn cũng như hoạt động ngoại thương của Âu Lạc thời kỳ này đã khá phát triển.

Nhìn chung, vào cuối thời Hùng Vương trên đất nước ta đã manh nha sản xuất hàng hoá và sự trao đổi hàng hoá, nghĩa là đã xuất hiện quan hệ hàng hoá - tiền tệ - thương mại sơ khai. Hình thức trao đổi chủ yếu lúc bấy giờ là vật đổi vật hoặc thông qua một vật ngang giá trung gian nào đó... [Đặng Phong, 1970, 412, 419]. Theo nhà nghiên cứu Lê Quốc Sử, trước khi Triệu Đà chinh phục Âu Lạc, đã có buôn bán, trao đổi giữa miền nội địa Trung Quốc với nước Văn Lang - Âu Lạc. Ở nhiều nơi trên đất nước ta đã tìm thấy tiền đồng cổ của Trung Quốc đời Tần, đời Cao Hậu và đời Hán Vũ Đế... [Lê Quốc Sử, 1998, 432].

Tóm lại: Kinh tế thời dựng nước có sự phát triển cao, tương đương với nhiều quốc gia đương thời. Trong đó, trồng lúa nước đóng vai trò chủ đạo, có sự kết hợp với chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc... Thủ công nghiệp thời kỳ này có bước tiến quan trọng; trong đó nghề luyện kim, đúc đồng, chế tạo kim loại, xây dựng đạt thành tựu rực rỡ. Luyện kim, chế tác kim loại đã sản xuất được nhiều công cụ sản xuất, vật dùng, vũ khí, đồ trang sức và đặc biệt là trống đồng. Trống đồng Đông Sơn là biểu tượng cho văn minh, văn hóa nước ta thời này. Hoạt động trao đổi trong nước được mở rộng hơn, bên cạnh giao lưu trao đổi với bên ngoài bước đầu hình thành, phát triển. Sự phát triển mạnh về kinh tế dẫn đến phân hoá xã hội, tạo tiền đề cho sự ra đời nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc và sự xuất hiện nền văn minh sông Hồng nổi tiếng thời cổ đại ở Bắc Bộ.


1 Theo truyền thuyết Mường cho biết "Những trống đồng đầu tiên được đúc dưới thời vua Dịt Dàng. Dịt Dàng sai đúc hàng trăm trống đồng. Trống đồng nào đẹp thì để lại kho. Trống nào xấu thì sai "chú Khoá, Thằng Lồi" mang đi bán..." [Dẫn theo Lê Quốc Sử, 1998, 430].

Ngày đăng: 16/09/2023