Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 9

và công chúa Tiểu Quân lại cúng hơn 100 mẫu ruộng cho chùa. Nhà chùa đã trở thành một địa chủ lớn của đất nước. Một số chùa sở hữu ruộng đất lớn, tiêu biểu có thể kể đến là chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Dưới thời Trần, chùa này được vua quan cúng tặng nhiều ruộng đất và nô tỳ. Theo bia Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích ký thì chùa Quỳnh Lâm có khoảng 2.760 mẫu ruộng và hàng ngàn nô tỳ. Số ruộng đất của nhà chùa hầu như được giữ nguyên vẹn qua các triều đại và trở thành một thứ ruộng đất tư hữu thực sự của nhà chùa [Trương Hữu Quýnh, 2009, 135-136]. Thời Lý - Trần, nhà nước phong kiến đã tham gia vào việc giúp nhà chùa quản lý ruộng đất và của cải. Sự kiện quan hành khiển Trương Hán Siêu được vua Trần cử làm quan coi chùa Quỳnh Lâm cho thấy rõ điều đó.

Như vậy, vào thời Phật giáo cực thịnh (Lý - Trần) nhà chùa có nhiều ruộng đất riêng do nhiều thiện nam tín nữ cúng tiến. Ruộng đất của nhà chùa chiếm một diện tích đáng kể trong cơ cấu đất đai quốc gia. Bộ phận này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất nói chung, đồng thời góp phần vào việc phân hoá nông dân. Nhà chùa đã trở thành đại địa chủ của nước ta thời Lý - Trần. Nhưng có điều đáng lưu ý, do các chùa ít quan tâm đến hoạt động sản xuất, nên tác động của loại ruộng đất này đối với nông nghiệp cũng không nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển chùa chiền còn thu hút nhiều dân đinh "trốn việc quan đi ở chùa", đã làm giảm số thần dân thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước. Từ góc nhìn này mà nói, sự phát triển của chùa chiền đã có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sự phát triển kinh tế nước ta thời phong kiến.

• Tình hình nông nghiệp

* Biện pháp phát triển nông nghiệp

Do nông nghiệp là ngành kinh tế đem lại thu nhập chủ yếu cho nhà nước nên các triều đại đều quan tâm phát triển ngành này. Có nhiều biện pháp đã được thực hiện để thúc đẩy nông nghiệp phát triển:

- Mở rộng diện tích canh tác

Hầu như các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc mở mang thêm diện tích canh tác. Ở tầm vĩ mô, nhà nước tiến hành mở rộng lãnh thổ chủ yếu về phía Nam thông qua chiến tranh; đồng thời tổ chức tù

nhân, binh lính, nô tỳ khai khẩn đất đai biến thành ruộng đất canh tác ở những vùng hoang hoá. Trong hai hoạt động này, nhà nước thời Lý-Trần- Hậu Lê đã có nhiều cố gắng và thành tích đối với sự phát triển nông nghiệp nước ta. Trong khai khẩn đất hoang, các quý tộc nhà Trần rất tích cực, từ đó nhiều điền trang đã hình thành bên cạnh các thái ấp được triều đình ban cấp cho họ. Thời Hậu Lê, chính sách đồn điền của nhà nước cũng góp phần tích cực vào việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp, góp phần phục hưng nền nông nghiệp sau kháng chiến chống Minh.

- Xây dựng hệ thống thủy lợi và đắp đê

Lúa nước là cây trồng chủ đạo trong nền nông nghiệp nước ta. Để loại cây này sinh trưởng đem lại thu hoạch thì yếu tố quan trọng số một là nước ("nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống"). Chính vì thế, trong quá trình lịch sử người Việt đã từng bước hình thành một hệ thống thủy lợi (mương máng, hồ ao) để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu nước cho lúa không chỉ ở vùng đồng bằng châu thổ mà còn ở cả vùng đồi, núi, trung du.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

Bên cạnh hệ thống thủy lợi, tưới tiêu nước việc đắp đê ngăn lũ lụt bảo vệ mùa màng rất được coi trọng. Dưới thời Lý, vào năm 1077, nhà nước phong kiến đã cho đắp đê sông Như Nguyệt (sông Cầu) dài 67.380 bộ. Đến năm 1103 vua có chiếu cho trong ngoài kinh thành Thăng Long đều đắp đê ngăn nước; sau đó đến năm 1108, lại cho đắp đê Cơ Xá1.

Về sau việc đê điều được nhà nước quan tâm nhiều hơn, nhất là dưới thời Hậu Lê. Theo sử cũ thì vào năm 1438, vua Lê Thái Tông đã "sai dân chúng bốn đạo đào các kênh ở Trường Yên, Thanh Hoá, Nghệ An". Năm 1449, Lê Nhân Tông lệnh cho cục Bách tác đào sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh đến cầu Phù Lỗ dài 25.000 trượng (khoảng 10 km). Năm 1467, vua Lê Thánh Tông lệnh cho Bộ Hộ khai hoặc lấp các đường nước ở ruộng, không để ruộng bị úng hoặc hạn; lệnh cho Bộ Hộ gửi công văn cho các thừa tuyên xem xét có ty Khuyến nông và Hà đê sứ nào để lúa bị úng ngập hoặc còn bỏ ruộng hoang thì tâu lên. Cũng trong năm này, vua sai mở rộng kênh Sen ở Thuận Hoá và các kênh ở Thanh Hoá, Nghệ An.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 9



1 Đoạn đê sông Hồng ở phường Cơ Xá, nay ở khoảng gần cầu Long Biên, chạy dọc theo ven sông Hồng từ Yên Phụ đến Lương Yên, Hà Nội.

Trong thời Lê Thánh Tông, việc đắp đê sông và đê biển được chú trọng hơn trước. Tại Ninh Bình, năm 1472 vua cho đắp đê bằng đá ở huyện Yên Mô từ Bắc cửa Thần Phù đến bờ phía Nam cửa Cờn và con đê đắp bằng đất từ xã Côi Trì huyện Yên Mô tới bờ Nam xã Bồng Hải, huyện Yên Khánh. Đê chống mặn đắp trong thời Hồng Đức dài gần 25 km, hiện vẫn còn dấu tích tại phía Bắc huyện Hải Hậu. Ngoài ra, việc tu sửa đê và làm thủy lợi được đưa vào quy định của triều đình. Vào năm 1475, vua Lê Thánh Tông có sắc lệnh về sửa, đắp đê điều, đường sá và đặt các chức quan Khuyến nông và Hà đê [Dẫn theo Võ Văn Sen, 2017, 33]. Qua thời gian nhiều thế kỷ, trên đất nước ta đã dần hình thành một hệ thống đê từ đầu nguồn dọc theo hai bờ sông Hồng xuôi ra biển và hệ thống đê quai ngăn thủy triều ở vùng biển. Hai hệ thống đê này cùng với hệ thống mương máng tưới tiêu nước được xây dựng rộng khắp ở mọi nơi đã có tác dụng to lớn đối với nông nghiệp và đời sống dân ta trong suốt triều dài lịch sử.

- Đảm bảo nhân lực cho sản xuất nông nghiệp

Việt Nam là nước có vị trí quan trọng ở châu Á, lại là nước giàu tài nguyên nên thường bị các thế lực bên ngoài xâm lược. Để vừa có nhân lực bảo vệ đất nước, nhưng vẫn đảm bảo lao động sản xuất nông nghiệp, nhà Lý đã thực hiện chính sách "Ngụ binh ư nông". Đây là chính sách hay giải quyết tốt vấn đề nhân lực trong mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng. Chính sách này được duy trì trong suốt chiều dài lịch sử nước ta.

Các triều đại phong kiến còn thực hiện các biện pháp buộc dân phiêu tán (sau các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa, biến động) trở về quê quán làm ăn sinh sống. Vào năm 1010 vua Lý Thái Tổ xuống chiếu buộc "những kẻ trốn tránh phải trở về quê cũ". Dưới thời nhà Hậu Lê, quốc sách của nhà nước là "Trọng nông ức thương". Theo đó, nhà nước thời Lê sơ đã ban hành đạo luật buộc chặt người nông dân vào ruộng đất, cấm nông dân không được bỏ nghề gốc (làm ruộng), theo nghề ngọn (buôn bán). Lệnh của triều đình buộc dân siêu tán và những người buôn bán gốc không phải người kinh thành phải trở về quê quán làm ruộng. Nhà nước

còn lên án mạnh mẽ đối với thương nhân, coi thương nhân là "tầng lớp bôn ba không có ích" [Trần Thị Vinh, 2016, 191].

- Bảo vệ, chăm sóc, phát triển trâu bò

Trâu bò có vai trò quan trọng khi nông nghiệp chưa có máy móc cơ khí. Đây là loại vật nuôi cung cấp sức kéo chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" là những thành ngữ phản ánh tầm quan trọng của trâu bò đối với nền kinh tế dựa vào nông nghiệp.

Để đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp, nhà nước phong kiến đã đề ra các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trâu bò. Thời Lý có những điều luật cấm trộm và giết trâu. Người nào trộm hay giết trâu bị trừng trị rất nặng (nếu trộm trâu bị xử phạt 100 trượng; mổ trộm trâu phạt 80 trượng và bắt làm người phục dịch trong quân. Hàng xóm láng giềng biết không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng...). Mùa xuân năm 1143, triều đình còn bổ sung thêm điều luật liên quan đến trâu bò: "Thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng trâu bò, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội" [Trần Thị Vinh, 2017, 246].

- Một số biện pháp khác

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhà vua còn ban chiếu khuyến nông, tự mình đi cày tịch điền và lập đàn cúng tế, cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt. Từ thời Tiền Lê trở đi, vua đi cày tịch điền vào đầu mùa xuân. Đặc biệt, trong thời nhà Lý, vua không những đi cày tịch điền mà còn đi xem nông dân gặt lúa ở các thửa ruộng gần kinh đô. Những việc làm này ít nhiều đều có tác dụng tích cực đối với sản xuất nông nghiệp thời phong kiến.

Do hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh gây bất lợi cho sản xuất và đời sống, các triều đại phong kiến thường lập đàn cầu cúng. Nhà vua hoặc các nhà sư là người thực hiện nghi lễ này. Dù đây chỉ là việc làm mang nặng tính tín ngưỡng - tâm linh nhưng nó cũng có ý nghĩa tích cực nào đó đối với cư dân trong xã hội truyền thống, khi khoa học - kỹ thuật chưa phát triển.

* Kết quả sản xuất nông nghiệp

Do có sự coi trọng đối với sản xuất nông nghiệp, lại có nhiều chính sách, biện pháp phù hợp, nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp nước ta thời kỳ này có điều kiện thuận lợi để phát triển. Dưới thời Nhà Lý, theo sử cũ cho biết, sản xuất nông nghiệp nhiều năm được mùa. Đó là vào các năm: 1030, 1044, 1079, 1092, 1111, 1123, 1131, 1139, 1140, v.v... Đặc

biệt vào thời Lê Sơ, do ban hành và thực hiện chính sách quân điền, lộc điền, đồn điền... cùng với việc thi hành nhiều biện pháp khuyến nông tích cực, nền nông nghiệp nước ta từ chỗ bị tiêu điều, đình trệ thời chống Minh, đã từng bước được phục hồi và có bước phát triển. Tuy không có số liệu cụ thể về thành tựu nông nghiệp giai đoạn này; nhưng nhìn vào sự phát triển đạt đỉnh cao của chế độ phong kiến cuối thế kỷ XV, chúng ta có thể suy ra nông nghiệp phải rất phồn thịnh.

Tuy vậy, trong 5 thế kỷ này, có khoảng thời gian từ cuối triều Trần và thời nhà Minh xâm lược, đô hộ, kinh tế nông nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu là do từ giữa thế kỷ XIV, quý tộc, quan lại nhà Trần ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến đê điều, thủy lợi. Kinh tế điền trang, thái ấp và chế độ nô tỳ cũng tỏ ra lỗi thời, lạc hậu. Mâu thuẫn giữa nông dân, nô tỳ với quý tộc Trần ngày càng trở nên gay gắt, dẫn đến kinh tế điền trang, thái ấp suy sụp. Tác động thêm vào là các cuộc chiến tranh giữa Đại Việt với Chiêm Thành, khởi nghĩa của nô tỳ và nông dân đã ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp. Thời Minh đô hộ

(1407-1427), với chính sách cướp bóc, tàn phá1 của quân Minh đã làm

cho sản xuất nông nghiệp nước ta thêm khó khăn, đình đốn...

b. Công thương nghiệp

* Thủ công nghiệp

Trong các thế kỷ X đến XV, thủ công nghiệp nước ta có tiến bộ vượt bậc. Sự phát triển của thủ công nghiệp biểu hiện trên các khía cạnh từ hình thức tổ chức đến kỹ thuật sản xuất và các sản phẩm làm ra.


1 Quân Minh đã cướp nhiều voi ngựa, trâu bò, thóc lúa, thuyền bè, vũ khí, vàng bạc châu báu, trong đó có 235.900 súc vật và 13.600.000 thăng thóc; bắt nhiều phụ nữ, trẻ em đem về Trung Quốc; tăng thuế ruộng lên 3 lần và bắt cống nạp các phẩm vật quý... [Nguyễn Quang Ngọc & cộng sự, 2000, 109].

Từ thời Lý đã hình thành bộ phận thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp dân gian. Khu vực nhà nước là các quan xưởng, quan doanh, nơi tập hợp thợ thủ công lành nghề do nhà nước quản lý (gọi là thợ bách tác). Bộ phận này có nhiệm vụ đúc tiền, chế tạo vũ khí, xây dựng các công trình công cộng như cung điện, lăng tẩm, chùa tháp..., dệt vải và làm những phẩm phục triều nghi đáp ứng cho các nhu cầu của triều đình phong kiến.

Bộ phận thủ công nghiệp dân gian tập trung ở cả nông thôn và thành thị. Tại các làng nghề có các gia đình làm thủ công và có nhiều hộ chỉ hoạt động thủ công với tư cách làm thêm, kiêm nhiệm hay nghề phụ. Bộ phận thủ công chuyên nghiệp mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ; nhưng có vai trò quan trọng; bởi đây là bộ phận tạo cơ sở cho việc hình thành phường thủ công (ở thành thị) và các làng nghề (ở nông thôn). Bộ phận thủ công nghiệp kiêm nhiệm (nghề phụ của nông dân) luôn chiếm tỷ trọng lớn ở làng xã. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong đời sống kinh tế nước ta và ở nhiều nước phương Đông khác. Dưới thời nhà Trần thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ. Ở nông thôn, thủ công nghiệp chủ yếu vẫn gắn với nông nghiệp; nhưng đã xuất hiện các làng thủ công chuyên sản xuất một loại sản phẩm nào đó. Chẳng hạn như làng Ma Lôi (Hải Dương) chuyên sản xuất nón đan bằng tre (gọi là "nón Ma Lôi"), làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nổi tiếng về đồ gốm sứ. Thời Trần đã có nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ. Sản phẩm gốm độc đáo thời này là loại vẽ hoa nâu. Vua Nguyên đã bắt nước ta nộp cống cả chén, bát. Nghề dệt thời Trần cũng khá phát triển. Sản phẩm dệt làm ra nhiều loại vải lụa đẹp. Những sản phẩm dệt cũng là loại vật cống phẩm cho vua Nguyên thời này.

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1435) cho biết đã có nhiều làng thủ công nghiệp ở các địa phương. Tại Hải Dương có ấp Mao Điền, ấp Bất Bế, ấp Hội An dệt vải nhỏ; ở Sơn Tây có làng Nguyên Thán có vải nhỏ, huyện Sơn Vi có sơn, tơ; ở Sơn Nam huyện Thanh Oai có lụa là, huyện Kim Bảng có the và ở Kinh Bắc có làng Bát Tràng làm bát chén... Ở vùng đồng bằng, nghề dệt và nghề gốm phát triển mạnh. Gốm hoa lam đã phổ biến và đạt đến trình độ tinh mỹ với các hoa văn hình hoa cỏ,

chim, cá... Các lò gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) đã tạo ra các sản phẩm gốm đẹp không những được người trong nước ưa chuộng mà còn được người nước ngoài hâm mộ. Chiếc bình gốm Việt Nam thời này được lưu giữ ở bảo tàng Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ) có niên đại năm 1450 là một ví dụ [Hà Văn Tấn, 2017, 266]. Ở khu vực thành thị nhiều phường thủ công nghiệp hình thành; trong đó đáng lưu ý nhất là ở kinh thành Thăng Long. Sách Dư địa chí cho biết, tại Thăng Long có 36 phường thủ công. Đây là nơi buôn bán hoặc sản xuất các hàng thủ công: phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, võng gấm, ô lọng; Yên Thái làm giấy; phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa; phường Hà Tân nung đá vôi; phường Hàng Đào nhuộm điều...

Các ngành nghề thủ công đều có tiến bộ về kỹ thuật. Nổi bật nhất phải kể đến là các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, mộc, luyện kim, đúc đồng... Trong đó, xây dựng kinh đô, cung điện, nhà cửa và các chùa tháp được các vương triều phong kiến đặc biệt quan tâm. Ngay từ thời Đinh - Lê, kinh đô Hoa Lư đã được xây dựng nguy nga, tráng lệ. Cung điện, nhà cửa được trạm trổ công phu, cột được dát vàng dát bạc, mái lợp bằng ngói bạc. Đến thời nhà Lý (1009-1226), khi kinh đô được chuyển ra Thăng Long, các cung điện, lầu gác và các vòng thành xung quanh kinh đô được kiến tạo, xây dựng hoành tráng. Cấu trúc kinh thành Thăng Long thời nhà Lý có ba vòng thành. Trong đó, vòng ngoài cùng là thành Đại La hay La Thành, vòng thành giữa thời Lý - Trần được gọi là Long Thành, Phượng Thành hay Long Phượng thành, còn vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành hay Cung thành. Có thể nói rằng, thành tựu nổi bật nhất của thời Lý về thủ công nghiệp thể hiện qua xây kinh đô mới và hàng vạn chùa tháp ở nhiều nơi. Thời này, thủ công nghiệp còn tạo ra bốn vật quý cho quốc gia là "Tứ đại khí", gồm: pho tượng khổng lồ (Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh); tháp Báo Thiên; chuông Quy Điền (ở Hà Nội); vạc cực lớn ở chùa Phổ Minh (Nam Định). Trong thời nhà Trần, nhà nước phong kiến còn xây dựng được một đội thuyền có đến hơn 4.000 chiếc.

Dưới thời Đinh - Tiền Lê, hai ngành khai khoáng, luyện kim được nhà nước quan tâm phát triển để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho việc chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí, vật dùng và đúc tiền. Đến thời Lý, khai khoáng các mỏ vàng, bạc, đồng, chì, sắt, thiếc... được đẩy mạnh. Nghề đúc đồng thời này gắn liền với việc đúc chuông, tượng cho các chùa Phật giáo. Năm 1256, vua Trần Thái Tông cho đúc 350 quả chuông để ban cho các chùa. Nghề làm đồ mỹ nghệ bằng vàng bạc cũng đạt đến trình độ tinh xảo; nghề khắc ván in tiếp tục phát triển với sự phổ biến của kinh Phật...

Ngay từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Phật giáo đã trở thành quốc đạo ở nước ta; các chùa tháp mọc lên ngày càng nhiều. Các ngành nghề thủ công liên quan đến xây dựng các công trình Phật giáo có điều kiện phát triển nhanh, đạt trình độ cao về cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Đó là các nghề thủ công: mộc, nề, làm đá, gạch ngói, khắc, chạm trổ, đúc chuông, đúc tượng... Riêng ở kinh đô Hoa Lư, vào năm 973, Đinh Liễn (con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng) đã cho dựng 100 bia đá và cột đá trong các chùa tháp để khắc kinh Phật rất công phu, tinh xảo. Việc khắc chữ nhỏ của kinh Phật rất khó khăn, công việc này đòi hỏi thợ khắc vừa phải giỏi tay nghề, vừa phải thông thạo chữ nghĩa kinh Phật. Nghề khắc bản in gỗ cũng xuất hiện và chủ yếu phục vụ in ấn kinh cho nhà chùa.

Như vậy, những thành tựu của các ngành nghề xây dựng, khai mỏ, đúc đồng, luyện kim, mộc... đã phản ánh sự tiến bộ rõ rệt về kỹ thuật của thủ công nghiệp nước ta. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý trong các thế kỷ này, nhiều người Việt đi sang Trung Quốc (đi sứ, buôn bán) đã tiếp thu được một số nghề thủ công hay kinh nghiệm, kỹ thuật mới đem về truyền bá lại cho dân ta, từ đó hình thành những nghề mới hoặc trình độ kỹ thuật của một số nghề cũ được nâng lên khi áp dụng những kỹ thuật này. Đó là Phạm Đôn dạy dân ta nghề làm chiếu hoa thảm đẹp; nhà sư Không Lộ cải tiến nghề nấu đồng hợp kim với kỹ thuật cao, sản phẩm cứng bền hơn trước; Lương Như Học truyền bá nghề in thạch bản; Lương Xuân Tín phát triển nghề đúc vàng thoi và đồ trang sức bằng vàng tinh xảo, v.v...

Ngày đăng: 16/09/2023