Về kinh tế: Ta đã xóa bỏ được quan hệ sản xuất phong kiến thực hiện “ người cày có ruộng”, xóa bỏ về căn bản chế độ người bóc lột người ở nông thôn, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân.
Về chính trị : Cuộc cách mạng phản phong đã hoàn thành, kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc, uy thế chính trị của địa chủ đã bị đánh đổ, khối liên minh công nông được củng cố
Nói chung, thắng lợi của cải cách ruộng đất có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, những thắng lợi ấy có bị hạn chế một phần vì đợt 4 và đợt 5 ta có phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Hội nghị lần thứ X (khóa II) của Đảng (họp vào tháng 9 năm 1956) đã đánh giá thành tích và sai lầm của cải cách ruộng đất và đề ra chủ trương sửa sai. Đến cuối năm 1957 công tác sửa sai đã được hoàn thành và thắng lợi của cách mạng ruộng đất đã được phát huy.
Đồng thời với việc tiến hành cải cách ruộng đất và sửa sai, đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, Nhà nước chủ trương sử dụng, hạn chế và bước đầu cải tạo: dùng những hình thức thấp của chủ nghĩa tư bản Nhà nước như gia công, đặt hang, kinh tiêu, đại lý, ủy thác mua bán và còn dùng những chính sách thuế, giá cả để hướng việc kinh doanh của họ phục vụ cho quốc kế dân sinh.
- Khôi phục sản xuất đạt và vượt mức trước chiến tranh (năm 1939):
Nghị quyết của Bộ chính trị tháng 9 năm 1954 đã đề ra chủ trương về khôi phục công nông nghiệp như sau: “ Trước hết cần nắm việc khôi phục công nông nghiệp. Đó là vấn đề then chốt, là cơ sở của việc cải thiện đời sống nhân dân. Khôi phục và phát triển công nghiệp nhẹ trước, công nghiệp nặng sau, công nghiệp nhẹ là chính, đồng thời cũng khôi phục một phần công nghiệp nặng”.
Để thực hiện chủ trương đó, nhà nước đã thực hiện một số biện pháp chủ yếu như sau: giải quyết một số vấn đề khó khăn trước mắt về đời sống (vì vừa ra khỏi chiến tranh), giúp các cơ sở sản xuất về vốn (tổ chức hợp tác xã tín dụng ở nông thôn vào ngày 17 tháng 4 năm1956; tăng vốn đầu tư cho công nghiệp: từ 6,9% - năm 1955 lên 41,8% - năm 1957), đẩy mạnh phong trào đổi công và phong trào làm thủy lợi để khôi phục và phát triển nông nghiệp.
Do vậy, sản lượng lúa năm 1957 so với năm 1939 đạt 162%, sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp bằng 299,8%. Trong thời gian đó đã xây dựng được một số xí nghiệp mới - chủ yếu là các xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Giao thông vận tải cũng được khôi phục và phát triển nhanh chóng: các đường sắt Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Lào Cai,…được khôi phục. Đường ô tô đã vượt hơn năm 1939 là 38% và thành một hệ thống thông suốt. Điều đó đã góp phần tích cực vào việc khôi phục kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
- Chấn chỉnh thương nghiệp, tài chính, tiền tệ: Trong giai đoạn này nhiệm vụ quan trọng của thương nghiệp là thống nhất thị trường, bình ổn vật giá, nắm độc quyền ngoại thương và mở rộng việc buôn bán với nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm!
- Xuất - Nhập Khẩu Các Nước Asean (Từ 1975 Đến 1980)
- Tỷ Trọng Các Ngành Kinh Tế Trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội Một Số Nước Asean
- Kinh Tế Việt Nam Thời Kỳ Thực Dân Pháp Thống Trị
- Kinh Tế Miền Nam Trong Vùng Mỹ – Ngụy Kiểm Soát
- Lịch sử kinh tế quốc dân - 19
- Lịch sử kinh tế quốc dân - 20
Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.
Đến tháng 7 năm 1955 ta đã hoàn thành việc điều chỉnh giá, thị trường đi vào một hệ thống. Sau khi thống nhất giá cả một số mặt hàng (gạo, muối, vải,…) lên một cách đột biến Nhà nước đã quan tâm bình ổn giá bằng các biện pháp kinh tế; phát triển mậu dịch quốc doanh, lập lại hợp tác xã mua bán (ngày 15 tháng 3 năm 1955). Độc quyền ngoại thương (năm 1955 – Nhà nước nắm 77%, năm 1957 nắm được 95% kim ngạch ngoại thương). Việc buôn bán với nước ngoài được mở rộng hơn.
Để hỗ trợ cho việc thống nhất thị trường, bình ổn vật giá, Nhà nước đã ban hành thuế tồn kho (vào tháng 1 năm 1955), vì sau khi hòa bình lập lại nhà nước đã ban hành điều lệ tạm thời về thuế hàng hóa, quy định các hàng mới sản xuất hay nhập khẩu đều phải chịu thuế hàng hóa và có sự điều chỉnh giá lên ở vùng mới giải phóng.
Việc thu thuế hàng tồn kho đã có tác dụng to lớn điều tiết lợi nhuận của tư sản, tăng tích lũy cho nhà nước, bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, Nhà nước còn thực hiện thống nhất và ổn định tiền tệ, thu hồi các loại tiền: tiền Đông Dương, tiền tín phiếu, tiền ngân hàng nhân dân Nam Bộ; lưu hành giấy bạc ngân hàng Trung ương (phát hành năm 1951). Nhà nước còn tăng cường quản lý tiền mặt và mở rộng quan hệ tín dụng.
* Cải tạo và phát triển kinh tế (1958 - 1960)
- Nhiệm vụ của kế hoạch 3 năm(1958 -1960)
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính, chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời rất chú trọng sản xuất công nghiệp, hết sức tăng thêm các tư liệu sản xuất và phần lớn hàng tiêu dùng.
Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh.
Trên cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao thêm một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động và tăng cường củng cố quốc phòng.
Trong các nhiệm vụ đó thì nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ yếu là trọng tâm; đồng thời bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Cải tạo xã hội chủ nghĩa
Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm mục đích cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, mở đường cho sức sản xuất phát triển.
Ở miền Bắc nước ta, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa bao gồm cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo nông nghiệp, cải tạo thủ công nghiệp và cải tạo tiểu thương, trong đó cải tạo nông nghiệp là khâu chính vì nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng, nông dân lao động là một lực lượng sản xuất to lớn.
Đến cuối năm 1960, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã căn bản được hoàn thành: 85,5% số hộ nông dân đã vào hợp tác xã nông nghiệp - theo hình thức thấp và quy mô nhỏ (33,0 ha ruộng đất và 68 hộ một hợp tác xã), gần 100% số hộ tư sản thuộc diện cải tạo đã được cải tạo, 87,9% số thợ thủ công đi vào con đường làm ăn tập thể, 45,6% số tiểu thương vào hợp tác xã, chuyển được 11.000 người sang sản xuất và một số ít người được tuyển vào làm nhân viên cho mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán.
Thắng lợi cho cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có ý nghĩa lịch sử to lớn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập một cách phổ biến (nhưng chủ yếu mới thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất); chế độ người bóc lột người đã căn bản bị xóa bỏ; lực lượng sản xuất đã được giải phóng và đang trên đà phát triển.
Tuy nhiên, trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã có những biểu hiện chủ quan nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh; một số nơi gần như cưỡng bức nông dân đi vào hợp tác xã, khi mà họ chưa có thời gian suy nghĩ trên mảnh đất vừa được chia.
- Phát triển sản xuất
Trong giai đoạn này sản xuất nông, công nghiệp được phát triển mạnh mẽ. So với năm 1957, năm 1960 giá trị tổng sản lượng nông nghiệp bằng 113,7%, trong đó thắng lợi nhất là về sản xuất lương thực - sản lượng hàng năm đạt 5 triệu 15 vạn tấn, nông nghiệp đã phát triển toàn diện hơn so với trước chiến tranh.
Trong công nghiệp, chủ trương của Đảng ta lúc này: “…phải ra sức phát triển công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Công nghiệp đã có thay đổi một bước về tỷ trọng: từ chỗ chiếm 31,4% năm 1957 lên 42,6% năm 1960 (trong giá trị sản lượng công nghiệp). Trong công nghiệp nhóm A từ chỗ chiếm 23,5% năm 1958 lên 89,9% năm 1960.
Có một số mặt hàng công nghiệp mới được ra đời như: máy công cụ đạt trình độ chính xác cấp II, tức 1/1000 li, gang lò cao nhỏ, gạch chịu lửa, axit sun-phu-ric, thuốc trừ sâu, gỗ, dán, xà phòng, đồ sắt tráng men, văn phòng phẩm, len, hàng dệt, kim, đường kính…Một số trung tâm công nghiệp xuất hiện như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,…
- Tăng cường thương nghiệp, tài chính, tiền tệ
Thương nghiệp quốc doanh đã được phát triển mạnh theo hướng tăng cường trình độ chuyên nghiệp hóa: từ 10 công ty – năm 1957 lên 14 tổng công ty liên doanh; mở rộng kinh doanh cả ăn uống, phục vụ, sửa chữa, may mặc. Mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán được phát triển về cả nông thôn, miền núi và miền biển. Nhà nước đã nắm được gần 100% về ngoại thương.
Công tác tài chính giai đoạn này đã có những chuyển biến mới: Từ tài chính cung cấp sang tài chính xây dựng, chấm dứt việc phát hành cho chi tiêu tài chính và chỉ được phát hành qua con đường cho vay ngắn hạn, đã có chính sách, đã có chính sách thuế phục vụ cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Về tiền tệ, cuộc cải cách tiền tệ lần thứ 2 đã được đề ra (vào ngày 27 tháng 2 năm 1959: Chính phủ cho phép thay đổi đơn vị tiền tệ: 1000đ ngân hàng cũ ăn 1đồng ngân hàng mới. Ngày 28 tháng 2 năm 1959 cuộc thu đổi tiền được tiến hành). Cuộc cải cách tiền tệ này đã có ý nghĩa to lớn nâng cao sức mua của đồng tiền; Nhà nước đã rút bớt được một số tiền mặt trong lưu thông làm cho quan hệ hàng tiền được cân đối hơn; Nhà nước nắm được sự phân bố tiền tệ trong nhân dân để điều hòa lưu thông tiền tệ; đồng thời nhà nước nắm được nguồn tiền trong tay giai cấp tư sản - lúc đó đang được cải tạo.
* Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965):
- Nhiệm vụ của kế hoạch này:
Sau khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã giành thắng lợi có tính chất quyết định, chúng ta đã chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất như sau:
+ Ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, tích cực phát triển giao thông vận tải, tăng cương thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã.
+ Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh.
+ Tiến hành cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác khoa học và kỹ thuật, đẩy mạnh thăm dò tài nguyên thiên nhiên và điều tra cơ bản.
+ Cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.
+ Kết hợp phát triển kinh tế với việc củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự an ninh.
- Thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa
+ Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mà kế hoạch 5 năm này chỉ thực hiện một bước, nhằm xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
+ Chủ trương công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta đã được Đại hội Đảng lần thứ III đề ra như: “Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và
hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta thành một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại”.
Để thực hiện chủ trương trên, Nhà nước đã dành 48% số vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng công nhiệp, trong đó tới 78% dành cho công nghiệp nặng. Nguồn vốn để thực hiện công nghiệp hóa trong kế hoạch này chủ yếu dựa vào phần thu ở trong nước (chiếm tỷ trọng 80 - 82,5% tổng số doanh thu của ngân sách). Trong đó có số thu của kinh tế quốc doanh lại là chủ yếu và bằng 2,2 lần thời kỳ cải tạo. Một phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng (với khẩu hiệu “thắt lung buộc bụng” để xây dựng chủ nghĩa xã hội) đã được phát động mạnh mẽ.
Do đó, đến cuối năm 1964, giá trị sản lượng công nghiệp đã đạt 172% so với năm 1960, bình quân hàng năm tăng 14,6%.
Về công nghiệp nặng so với năm 1960, năm 1964 đạt 198,4% (bình quân hàng năm tăng 23%). Về công nghiệp nhẹ, cũng năm 1964 so với năm 1960 đạt 158,5%, nên đã giải quyết được 90% nhu cầu của nhân dân về hàng tiêu dụng thông thường. Đồng thời, ta còn dành một phần để xuất khẩu.
+ Đối với nông nghiệp cũng có bước phát triển khá: giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1964 đạt 119% so với năm 1960 (chăn nuôi tăng 22%, trồng trọt tăng 16,7%). Phong trào trồng cây gây rừng và phong trào “Tết trồng cây” cũng được thực hiện tốt.
+ Mạng lưới giao thông vận tải từ trung ương đến địa phương, từ miền xuôi lên miền ngược đã được phát triển mạnh. Trong 4 năm nhà nước dành 11,7% số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho nhiệm vụ đó.
Về đường sắt, Nhà nước kéo dài quãng đường về phía Nam (Hàm Rồng, Vinh), làm thêm những quãng đường quan trọng (Thái Nguyên - Bắc Giang, Uông Bí - Hải Dương).
Về đường bộ, các con đường liên tỷnh, liên huyện, nhất là ở miền núi đã được xây dựng thêm và thực hiện phương châm tăng cầu, giảm phà.
Về đường thủy, Nhà nước đã tiến hành nạo vét các lòng sông, nối liền các thành phố quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Bắc Giang,…và củng cố thêm các cảng sông, cảng biển.
Do vậy, năm 1964 so với năm 1960 khối lượng vận tải hàng hóa tăng 48,4%, vận chuyển hành khách tăng 49%.
- Thương nghiệp - tài chính - tiền tệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN:
Ngành nội thương tiếp tục mở rộng mạng lưới của ngành, hợp lý hóa tổ chức: đưa cửa hàng HTX mua bán về xã - là một chuyển biến mới về sự phân công và phân phối giữa mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Trong các thành phố và thị xã, ngành kinh doanh ăn uống, phục vụ, rau quả được tăng cường hơn. Do đó, năm 1964
so với năm 1960 mậu dịch thu mua thóc tăng 21%, lạc tăng 2 lần, thuốc lá tăng 3,6 lần, bán lẻ tăng 36,8% - bình quân mỗi năm tăng 8,1%(vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm).
Công tác ngoại thương được đẩy mạnh để phục vụ quá trình công nghiệp hóa: năm 1964 so với năm 1960 xuất khẩu tăng lên 135,7%, nhập khẩu tăng 116,4%. Nước ta đã có quan hệ buôn bán với 44 nước trên thế giới, nhưng chủ yếu là quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian này cán cân thanh toán chưa thăng bằng còn bị nhập siêu và ta còn phải đi vay để thanh toán.
Cùng với thương nghiệp, tài chính, Nhà nước đã có vai trò cực kỳ quan trọng với sự nghiệp công nghiệp hóa: nguồn thu từ trong nước chiếm đại bộ phận (80 - 82,5%) trong tổng số thu của ngân sách; trong đó thu quốc doanh chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, cơ cấu chi của ngân sách chủ yếu để phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và phục vụ sản xuất.
Đồng thời, trong 4 năm này, ngân hàng Nhà nước cũng được phát triển mạnh, đến năm 1964 hệ thống ngân hàng chia thành 3 loại: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Kiến Thiết và ngân hàng Ngoại Thương. Ngân hàng đã tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân: năm 1964 bằng 1,5 lần năm 1960, cho vay ngắn hạn từ 5.601,7 triệu lên 7.489,5% triệu đồng 1 năm, còn cho vay dài hạn từ 24 triệu đồng năm 1960 lên 45,1 triệu đồng( năm 1962)
- Củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa:
Ngày 23 tháng 11 năm 1962 Bộ Chính Trị trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc”.
Khu vực kinh tế quốc doanh đã đóng góp 45,5% tổng sản phẩm xã hội. Trong khu vực này Nhà nước đã mở rộng cuộc vận động “3 xây 3 chống” để đẩy mạnh phong trào cải tiến quản lý, tăng năng suất, hạ giá thành (nâng cao ý thức trách nhiệm, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu).
* Chuyển hướng kinh tế để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1965 – 1975):
- Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I (1965-1968) và khôi phục kinh tế (1969 -1971)
Tháng 2 năm 1965 đế quốc Mỹ mở rộng cuộc đấu tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước đã có chủ trương chuyển hướng kinh tế sang thời chiến với nội dung: Ra sức phát triển kinh tế địa phương bao gồm nông nghiệp và công nghiệp điạ phương. Đối với các xí nghiệp lớn thì chủ yếu là duy trì năng lực sản xuất bằng cách tích cực bảo vệ, phân tán và sơ tán; Tích cực chi viện cho tiền tuyến, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đồng thời cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân; Tranh thủ tới mức độ cao nhất sự viện trợ quốc tế, chủ yếu là sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa;
Tăng cường tiềm lực kinh tế, tích cực đào tạo cán bộ và công nhân, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng kinh tế sau này.
Nông nghiệp một ngành trọng tâm của kinh tế địa phương lúc này có 3 mục tiêu phấn đấu: “5 tấn thóc, 1 lao động làm 1 ha và 2 con lợn trên 1 ha gieo trồng”. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, không phải chỉ riêng đối với nông nghiệp mà cả các ngành khác cũng hướng vào đó mà phục vụ.
Mặc dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh rất ác liệt, nhưng ngay trong lúc chiến tranh, nông dân tập thể đã giữ vững sản lượng lúa và lương thực, đẩy mạnh sản lượng rau mầu, mở rộng diện tích nhiều loại cây công nghiệp quan trọng, tiếp tục phát triển trồng cây gây rừng và tăng thêm đầu gia súc…
Đặc biệt giao thông vận tải - một công tác trung tâm đột xuất trong thời kỳ này đã được phát triển rất mạnh mẽ ở hầu khắp các nơi nhất là ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến cuối năm 1967 miền Bắc đã làm được 340km đường vòng, đường tránh, 250 bến phà và cầu, nâng cấp và làm thêm khoảng 13.000km đường liên tỷnh, 25.700 km đường giao thông nông thôn kết hợp với thủy lợi. Số phương tiện cũng được trang bị nhiều gấp 3,5 lần so với trước chiến tranh. Do đó, địch đã tiêu hao hàng triệu tấn bom đạn mà không thể nào làm tê liệt được mạch máu giao thông vận tải của miền Bắc.
Ngành thương nghiệp đã cố gắng trong việc phục vụ sản xuất, nắm nguồn hàng trong nước, tranh thủ tiếp nhận hàng viện trợ. Từ năm 1965 - 1967 tổng số hàng nhập khẩu bằng 2,5 lần so với 3 năm trước chiến tranh, nên tổng mức bán lẻ của thị trường xã hội chủ nghĩa tăng bình quân hàng năm 8%; phương thức phân phối được cải tiến, mạng lưới phân phối được mở rộng. Nguyên tắc phân phối: “Bảo đảm nhu cầu cơ bản kết hợp với phân phối theo lao động” được thực hiện. Do đó, những nhu cầu thiết yếu của nhân dân về ăn mặc, học tập và bảo vệ sức khỏe được bảo đảm.
Ngày 28 tháng 4 năm 1969, nhà nước ban hành Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Đầu năm 1970, Đảng và Nhà nước đã phát động một phong trào lao động sản xuất sôi nổi ở các ngành, các cấp. Đây là một trong ba cuộc vận động lớn mà Đảng ta chủ trương mở ra trong thời gian đó. Và đầu năm 1971 Ban chấp hành trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 19 giải quyết một số vấn đề về đường lối, chính sách, tổ chức để khôi phục và phát triển một bước nền kinh tế nông nghiệp theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Đến cuối năm 1971, công cuộc khôi phục và phát triển một bước nền kinh tế miền Bắc đã thu được một số kết quả quan trọng. Trong thông báo ngày 20 tháng 12 năm 1971 của Hội đồng chính phủ đã nêu rò: “Tình hình kinh tế năm 1971 đã có chuyển biến tốt, nhiều ngành đã đi vào khôi phục và phát triển sản xuất, các ngành và các địa phương đã cố gắng khắc phục hậu quả của nạn lụt, đời sống được ổn định,
công tác kinh tế có những tiến bộ bước đầu. Những kết quả tốt đẹp kể trên có ý nghĩa quan trọng vì nó là cái xu thế, cái đà để đưa đến những kết quả to lớn trong thời gian tới, nhằm đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
- Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ II (năm 1972) và cuộc khôi phục kinh tế (1973-1975):
Đầu năm 1972 đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với cường độ và quy mô ác liệt hơn nhiều so với lần trước. Miền Bắc lại phải chuyển hướng kinh tế sang thời chiến.
Trong cuộc chiến tranh này, hầu hết các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, nông nghiệp, bệnh viện, trường học,… đều bị đánh phá. Do đó, sau khi hiệp định Pari được kí kết nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh rất nặng nề. Nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế đã được đề ra trong Nghị quyết 22 của Trung ương Đảng.
Lần này miền Bắc lại chuyển hướng kinh tế thời chiến sang thời bình: kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 2 năm (1974 -1975) đã được đề ra, với nhiệm vụ chủ yếu là nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, ra sức làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.
Đến cuối năm 1975 miền Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, cụ thể:
Trong công nghiệp: Hầu hết các các cơ sở công trường bị chiến tranh tàn phá đã được khôi phục (trừ một số ít còn kết hợp khôi phục với mở rộng).
Trong nông nghiệp: Công tác thủy lợi và trang bị cơ khí nhỏ được tăng cường. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 bằng 111,4% năm 1965, trong đó trồng trọt đạt 105,5% và chăn nuôi đạt 121,4%.
Về giao thông, vận tải: Các tuyến đường sắt, bộ, sông, biển đã được khôi phục. Đường bộ rải nhựa tăng 2 lần so với trước chiến tranh. Năng lực thông qua cảng biển, cảng sông tăng 30%. Các phương tiện vận tải tăng đáng kể so với năm 1965.
Về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả 2 khu vực: Quốc doanh và tập thể được củng cố thêm một bước: tỷ lệ số hộ nông dân vào HTX nông nghiệp từ 90,1% năm 1965 lên 95,2% năm 1975. Quy mô hợp tác xã đã được mở rộng hơn trước, có tới
1.500 trong số 17.900 hợp tác xã có quy mô toàn xã…
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chủ yếu bình quân đầu người trong thời gian này chưa bằng mức trước chiến tranh.