Khác với nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp là những nền kinh tế chủ yếu dựa vào các nguồn vốn hữu hình, nền kinh tế tri thức chủ yếu dựa vào tri thức, trong đó thông tin là tài nguyên quan trọng nhất. Vai trò của tri thức, của thông tin ngày càng to lớn trong việc tạo ra của cải vật chất cũng như tinh thần và là yếu tố quyết định tạo nên sức cạnh tranh. Theo P.Drucker (1994): “Các nước đang phát triển không còn có thể mong chờ đặt sự phát triển của mình dựa trên lợi thế so sánh về lao động - tức lao động công nghiệp rẻ - được nữa. Lợi thế so sánh có hiệu quả bây giờ phải là ứng dụng tri thức”. Cũng từ đó cuộc cạnh tranh chủ yếu sẽ hướng vào việc giành ưu thế về tri thức, thông tin, nắm bắt bí quyết công nghệ cao để tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm thoả mãn tối đa những yêu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của khách hàng. Từ đặc điểm này đặt ra một số vấn đề là:
Thứ nhất, sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia chủ yếu tùy thuộc vào nguồn vốn tri thức của quốc gia đó, tức là tùy thuộc vào nguồn lao động tri thức và việc khai thác, sử dụng cũng như phương pháp nhân nguồn tri thức đó lên nhiều hơn sự phụ thuộc vào đất đai, tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, trọng tâm của mối quan hệ kinh tế quốc tế sẽ chuyển sang lĩnh vực quan hệ về khoa học công nghệ và những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới khoa học công nghệ. Do đặc tính của nền kinh tế tri thức là tri thức có vai trò quyết định, nên các quốc gia một mặt tăng cường đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển , mặt khác tìm cách thu hút tri thức bằng nhiều con đường khác nhau. Ngoài ra, vì tri thức mang một đặc điểm vốn có là tính chất xã hội hóa cao nên muốn có được tri thức phải phát triển hợp tác rộng lớn trên các lĩnh vực đào tạo, giáo dục, trao đổi chuyên gia, thông tin.
Thứ ba, trong nền kinh tế tri thức nhân tố thông tin có vai trò quan trọng và có điều kiện phổ cập, công khai do đó đã tạo cơ sở cho việc thực
hiện dân chủ hóa rộng rãi. Vì vậy muốn phát triển, mọi quốc gia phải theo h- ướng dân chủ hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mới thu hút được sự quan tâm của dân chúng và các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó đòi hỏi một Chính phủ có năng lực, đội ngũ công chức nhà nước trong sạch không tham nhũng và có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu quản lý một xã hội dân trí cao.
1.2.2. Tốc độ biến đổi cao
Đặc điểm quan trọng bậc nhất của kinh tế tri thức là tốc độ biến đổi cực kỳ cao. Đặc điểm này thể hiện ở các khía cạnh:
Thứ nhất, tốc độ sản sinh tri thức tăng theo cấp số nhân. Theo một số tính toán, hiện nay lượng tri thức của loài người được nhân đôi sau mỗi một 15 năm và với cấp độ chất lượng khác hẳn.
Thứ hai, cùng với sự tăng lên của tốc độ sản sinh tri thức, chi phí trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ giảm rất nhanh.
Bảng so sánh dưới đây cho thấy sự giảm giá của máy tính hay chi phí tính toán là nhanh nhất và cũng quan trọng nhất bởi vì công nghệ thông tin giúp rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí, tăng hiệu quả, dẫn dắt quá trình sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng.
Bảng 2. Chi phí giao thông, truyền thông và máy tính (USD, 1990)
Cước vận tải biển vượt đại dương và phí cảng/tấn | Cước hàng không (doanh thu 1 dặm/hành khách) | Cuộc điện thoại (3 phút từ New York tới Luân đôn) | Máy tính (chỉ số 1990=100) | |
1930 | 60 | 0,68 | 245 | |
1940 | 63 | 0,46 | 189 | |
1950 | 34 | 0,30 | 53 | |
1960 | 27 | 0,24 | 46 | 12.500 |
1970 | 27 | 0,16 | 32 | 1.947 |
1980 | 24 | 0,10 | 5 | 362 |
1990 | 29 | 0,11 | 3 | 100 |
So sánh giá 1990 và 1930 | giảm hơn 1/2 | giảm 6 lần | giảm 82 lần | giảm 125 lần |
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 1
- Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 2
- Một Số Đặc Điểm Nổi Bật Của Kinh Tế Tri Thức
- Hệ Thống Chỉ Tiêu Đo Lường Kinh Tế Tri Thức Của Các Nước Oecd ( Hệ Thống Chỉ Tiêu Phân Thành 4 Nhóm )
- Thích Ứng Với Xu Hướng Phát Triển Kinh Tế Tri Thức Qua Các Chiến Lược Phát Triển Ở Một Số Quốc Gia
- Chiến Lược Hướng Tới Kinh Tế Tri Thức Của Mỹ
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
Nguồn: UNDP , Báo cáo phát triển con người 1999.
Thứ ba, tốc độ ứng dụng của phát minh khoa học vào thực tiễn. Từ phát hiện khoa học đến phát minh kỹ thuật trước đầu thế kỷ 20 mất khoảng 30 năm. Trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 20 đến giữa thế kỷ là 10 năm và đến cuối thế kỷ rút lại còn khoảng 5 năm. Kết quả này làm cho khoảng cách giữa phát hiện khoa học và phát minh kỹ thuật ngày càng thu hẹp hơn, nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tế.
Đặc điểm biến đổi cao đặt ra các vấn đề. Thứ nhất, sự phát triển diễn ra với độ bất định cao và việc dự đoán khả năng xảy ra các biến cố trong tương lai trở nên cực kỳ khó khăn. Thứ hai, khả năng bắt kịp các nước đi trước cũng lớn như khả năng bị tụt hậu xa hơn. Mức độ hiện thực hoá mỗi một khả năng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, trong đó trước hết phải kể đến tính hợp lý của mô hình và chiến lược "đi tắt" được lựa chọn cũng như quyết tâm theo
đuổi nó. Thứ ba, khả năng phát triển "rút ngắn" để chuyển sang kinh tế tri thức là rất cao. Điều này thể hiện trong bản thân logic của quy trình hiện thực hoá tri thức gồm năm công đoạn là tạo ra, thu nhận, đồng hóa, sử dụng, truyền bá [1, 101] và khả năng "nhảy vọt cơ cấu" theo nguyên lý chu kỳ sản phẩm của kinh tế học.
Bảng 3. Thời gian từ phát hiện khoa học đến phát minh kỹ thuật
Năm | Phát minh kỹ thuật | Năm | Khoảng thời gian | |
Nguyên lý chụp ảnh | 1782 | Máy ảnh | 1838 | 56 năm |
Nguyên lý máy điện | 1831 | Máy phát điện | 1872 | 41 năm |
Nguyên lý máy đốt trong | 1862 | Máy diezen | 1883 | 21 năm |
Nguyên lý thông tin sóng điện từ | 1895 | Đài phát thanh công cộng thứ nhất | 1921 | 26 năm |
Nguyên lý máy tuabin | 1906 | Máy phát động tuabin | 1935 | 29 năm |
Phát hiện chất kháng sinh | 1910 | Chế tạo chất kháng sinh | 1940 | 30 năm |
Nguyên lý radar | 1925 | Chế tạo radar | 1935 | 10 năm |
Phát hiện phân chia hạt Uranium | 1938 | Chế ra bom nguyên tử | 1945 | 7 năm |
Phát hiện chất bán dẫn | 1948 | Sản xuất đài bán dẫn | 1954 | 6 năm |
Nêu ra ý tưởng thiết kế mạch IC | 1952 | Sản xuất mạch IC | 1959 | 7 năm |
Nguyên lý thông tin cáp quang | 1966 | Chế tạo ra cáp quang | 1970 | 4 năm |
Nêu ra ý tưởng thông tin di động vô tuyến | 1974 | Hệ thống điện thoại di động | 1978 | 4 năm |
Nguồn: Ngô Quý Tùng, Kinh tế tri thức – Xu thế mới của thế kỷ 21, Nxb CTQG, 2000.
1.2.3. Cấu trúc mạng
Với xu hướng phát triển kinh tế tri thức, các quan hệ kinh tế thị trường truyền thống vốn được cấu trúc theo chiều ngang đang dần dần được tái tổ chức lại theo kiểu cấu trúc mạng, phức tạp. Cấu trúc mạng này được hình thành bởi: (i)sự tiến bộ của lực lượng sản xuất đặc biệt là khoa học công nghệ; (ii)sự phát triển của các chủ thể, thể chế khu vực và toàn cầu;(iii) quá trình phi tập trung hóa cấu trúc kinh tế xã hội. Trong cấu trúc mạng, cơ cấu quyền lực trong nền kinh tế có sự thay đổi. Hình thái phát triển dựa trên quan hệ lệ thuộc, cai trị của các nền kinh tế dựa vào sức người, tài nguyên (theo cách phân chia của Ngô Quý Tùng, [32,34-44]) được thay thế bằng quan hệ tham dự, bình đẳng về chức năng trong cơ cấu của các thành tố. Tuy nhiên sự bình đẳng về nguyên tắc của các bộ phận cấu trúc mạng không có nghĩa là bình đẳng trên thực tế giữa chúng tại từng thời điểm nhất định trong những quan hệ xác định do nguyên nhân chênh lệch trình độ phát triển giữa các ngành, quốc gia và khu vực.
Gắn liền với cấu trúc mạng là sự xuất hiện của phương thức tổ chức quản lý mới trong nội bộ nền kinh tế, các tổ chức và doanh nghiệp. Mô hình tổ chức hình tháp, thứ bậc phân cấp rõ rệt về chức năng với một hệ thống chỉ huy từ trên xuống theo kiểu “dây chuyền Taylor” hiện nay được thay thế bởi các loại hình tổ chức mới theo kiểu mạng lưới trong đó con người được đặt vào vị trí trung tâm để phát huy vai trò sáng tạo của từng cá thể. Kiểu tổ chức quản lý mới này đang được các nước công nghiệp phát triển coi là hết sức phù hợp đối với việc tự quản của các công ty, tập đoàn, các cơ quan và tổ chức nghiên cứu, cũng như để cạnh tranh có hiệu quả cao thông qua đổi mới công
nghệ. Trong lĩnh vực lập pháp môi trường "nối mạng" cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để thực thi dân chủ trực tiếp.
1.2.4. Kinh tế tri thức về bản chất là nền kinh tế toàn cầu
Về bản chất, kinh tế tự nhiên là nền kinh tế mà các quan hệ kinh tế bị giới hạn trong phạm vi địa phương. Kinh tế thị trường truyền thống dựa trên nền tảng công nghiệp “ống khói” là nền kinh tế quốc gia. Kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu vì nó dựa chủ yếu trên việc tạo ra và sử dụng tri thức vốn mang bản chất năng động, lan toả không biên giới nên các hoạt động kinh tế ngày càng được quốc tế hoá và đa phương hoá. Mặt khác, xuất phát từ các đặc điểm riêng, hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức phải được tiến hành trên phạm vi toàn cầu thì mới đem lại kết quả. Các hoạt động này được hỗ trợ và thúc đẩy bởi tiến bộ của công nghệ thông tin, nhất là mạng Internet.
Đặc điểm này đặt ra cho các quốc gia yêu cầu phát huy năng lực nội sinh, tạo lập các điều kiện cần thiết như thể chế, nhân lực, hạ tầng thông tin... để khai thác và sử dụng hữu hiệu khối tri thức toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Các đặc điểm nêu trên là những thuộc tính chủ yếu của kinh tế tri thức. Dựa trên những đặc điểm này mà người ta cho rằng kinh tế tri thức là một vận hội đối với các nước đang phát triển cũng như đặt ra nhiều thách thức mà nghiêm trọng nhất là nguy cơ tụt hậu. Khái niệm nền kinh tế tri thức phản ánh một quan điểm phát triển mới về chất của nền kinh tế thế giới khi mà tri thức vừa trở thành nội dung, vừa là động lực của sản xuất. Xưa nay, về cơ bản tri thức được coi là của cải tinh thần, tức là một thứ sản phẩm. Nhưng tri thức còn tồn tại như một nguồn lực vật chất, nằm trong con người, được vật chất hoá trong các phương tiện công nghệ - kỹ thuật. Nó được tạo ra do con người,
thông qua con người và các nguồn lực khác để can dự trực tiếp vào quá trình tạo ra của cải vật chất và tinh thần. Do trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò là lực lượng sản xuất quyết định nhất nên quy trình hiện thực hoá tri thức với năm công đoạn ( tạo ra, thu nhận, đồng hóa, sử dụng, truyền bá) cũng là quy trình sản xuất chủ yếu quyết định sự phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nhận xét trên gợi ý hướng lựa chọn trọng tâm của chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với những nước nghèo có trình độ phát triển thấp, để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu phát triển thì không nhất thiết phải trải đều nguồn lực ít ỏi mà có thể tập trung nỗ lực vào bốn khâu cuối là thu nhận, đồng hóa, sử dụng và truyền bá tri thức. Tuy nhiên để hấp thụ và sử dụng tri thức có hiệu quả các nước đang phát triển cần phải chú trọng một số vấn đề:
Thứ nhất, tăng cường phát triển năng lực nội sinh làm cơ sở chọn lọc, thu nhận, đồng hóa, sử dụng và truyền bá tri thức trong phạm vi quốc gia. Ví dụ Trung Quốc nhập một nhà máy lọc dầu, trong quá trình vận hành nhờ nắm vững nguyên lý và có nghiên cứu cơ bản nên đã tiến hành cải tiến, làm tăng công suất nhà máy, sau đó tự chế tạo, lắp đặt nhà máy lọc dầu khác có công suất lớn hơn với chi phí thấp 2-3 lần. Ngoài ra tri thức tại chỗ đôi khi tỏ ra hữu hiệu hơn trong giải quyết các vấn đề đặt ra tại địa phương. Đây là những tri thức truyền thống có ích cần được phát huy như việc chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, các giống cây trồng vật nuôi bản địa...
Thứ hai, phát triển dựa trên tri thức đòi hỏi và cho phép việc học tập được tiến hành liên tục. Thích ứng với điều kiện đó, hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển cần phải được đổi mới theo hướng: giáo dục cơ bản tập trung phát triển những năng lực làm nền tảng cho việc học tập suốt đời; giáo dục đại học tập trung xây dựng tri thức cho một xã hội dựa vào thông tin; mở
rộng các hình thức đào tạo, coi trọng đào tạo hướng nghiệp và học hỏi thông qua việc làm.
Thứ ba, ứng dụng các thể chế mới đảm bảo độ tin cậy của thông tin sẽ vừa có tác dụng khắc phục các hạn chế cản trở giao dịch trong nước vừa tạo sự khuyến khích giao lưu thông tin với quốc tế. Công việc cụ thể là phát triển hệ thống tiêu chuẩn - đo lường – chất lượng, xây dựng những chuẩn mực về kế toán – kiểm toán, dảm bảo các luồng thông tin hai chiều, tăng cường năng lực của hệ thống pháp lý cũng như các quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế khẳng định khả năng ứng dụng các thể chế tiên tiến đảm bảo độ tin cậy của thông tin ngay tại các nền kinh tế kém phát triển. Khảo sát của Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) cho thấy trong số 53 doanh nghiệp chủ yếu được xem xét ở Braxin có 55% đã tăng năng suất do kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO9000, 35% đã cải tiến việc tiêu chuẩn hóa các qui trình sản xuất, 31% đã tăng cường sự tham gia của nhân viên trong kiểm soát chất lượng và hơn 20% đã báo cáo là làm tăng sự thỏa mãn của khách hàng [17,47].
1.3. ĐO LƯỜNG TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC CỦA MỘT QUỐC GIA
Giống như tri thức, đo lường trình độ phát triển kinh tế tri thức của một quốc gia là một trong những khó khăn lớn nhất của kinh tế học tri thức. Những chỉ số kinh tế truyền thống không thể nắm bắt và phản ánh đầy đủ tầm quan trọng ngày càng tăng của tri thức trong những hoạt động kinh tế ở nhiều nước. Do vậy cần phải phát triển một “chỉ số tổng hợp” về trình độ phát triển chung của một nền kinh tế tri thức, tương tự như chỉ số GDP truyền thống. Hiện nay chưa có bất kỳ chỉ tiêu nào như vậy ngoài một chỉ tiêu tương đối bao trùm là Chỉ tiêu Xã hội Thông tin (ISI), do World Times Inc. và Tập đoàn