Một Số Đặc Điểm Nổi Bật Của Kinh Tế Tri Thức


- Thông qua mậu dịch quốc tế để thu nhận tri thức hàm chứa trong hàng hóa và dịch vụ.

- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tiếp thu tri thức công nghệ, quản lý từ các công ty đa quốc gia.

- Thông qua giấy phép công nghệ, các nước đang phát triển thâm nhập công nghệ độc quyền mới có hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc tự phát triển.

- Tận dụng dòng di chuyển và di cư để thu nhận tri thức như đưa người đi học, tham quan trao đổi

Thứ hai, các nước đang phát triển có thể tận dụng lợi thế “của người đi sau” đi thẳng vào một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến hiện đại. Ví dụ như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng tiến bộ của công nghệ sinh học thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp...

1.1.2. Khái niệm kinh tế tri thức

Sự xuất hiện những mầm mống của nền kinh tế tri thức trong thời gian gần đây được xem như một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc khung cảnh kinh tế - xã hội thế giới.

1.1.2.1. Kinh tế tri thức và những thuật ngữ có liên quan

Ở khía cạnh từ vựng, knowledge economy có thể được dịch thành hai thuật ngữ trong tiếng Việt, đó là “kinh tế tri thức” hoặc “nền kinh tế tri thức”. ( Từ economy trong tiếng Anh vừa có nghĩa là nền kinh tế, vừa có nghĩa là khu vực hay thành phần kinh tế ví dụ như individual economy – kinh tế cá thể

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.

). Mặc dù chỉ có rất ít khác biệt về hình thức, hai cách dịch này thể hiện hai quan điểm khác nhau về xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới. Tuỳ theo từng ngữ cảnh riêng, trong luận văn này sử dụng không phân biệt cả hai cách


Kinh tế tri thức và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 3

dịch trên, xem “kinh tế tri thức” và “nền kinh tế tri thức” là hoàn toàn tương đồng cùng đại diện cho thuật ngữ knowledge economy.

Gắn liền với kinh tế tri thức là thuật ngữ “đổi mới”, được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh innovation xuất phát từ khái niệm ban đầu của nhà kinh tế J.Schumpeter. Theo đó, đổi mới là những quá trình và những hoạt động nhằm chuyển hoá các tri thức, kiến thức đã được phát minh ra thành một “sức sản xuất” cụ thể, được chấp nhận trong một hệ thống xã hội (một hãng, một nền kinh tế v.v). Một đổi mới có thể là một quá trình sản xuất mới, một cách sử dụng nguyên liệu mới hoặc một hình thức tổ chức mới. Như P. Drucker (1995) đã nói: “ Đổi mới là nghệ thuật cung cấp cho những nguồn tài nguyên một năng lực mới để tạo ra của cải”. Nói đơn giản, không chỉ giới hạn trong công nghệ, đổi mới là quá trình biến tri thức thành sự tăng trưởng kinh tế thực sự. Theo cách này, mối quan hệ giữa kinh tế tri thức với đổi mới được thể hiện thông qua đẳng thức: kinh tế tri thức = “tri thức” +“đổi mới”.

Để nói về sự nổi lên của nền kinh tế này còn có một số thuật ngữ khác như nền kinh tế dựa trên tri thức (knowledge-based economy), nền kinh tế được dẫn dắt bởi tri thức (knowledge-driven economy), nền kinh tế dựa trên ý tưởng (idea-based economy), xã hội thông tin (information society), nền kinh tế công nghệ cao (high-technology economy), nền kinh tế thông tin (information economy), nền kinh tế mạng (network economy), nền kinh tế số hoá (digital economy), kinh tế không gian điều khiển học (cyber economy), nền kinh tế sinh học-số hoá (bio-digital economy), nền kinh tế mới (new economy)... Mỗi thuật ngữ trên thể hiện cách hiểu và góc độ xem xét khác nhau:

Thứ nhất, cách hiểu kinh tế tri thức với quan niệm hẹp về tri thức.

Trong cách hiểu này có hai góc độ tiếp cận phổ biến :


- Tri thức đồng nghĩa với khoa học công nghệ: Những người theo cách tiếp cận này hiểu “tri thức” với nghĩa hẹp, tức là đồng nghĩa với khoa học và công nghệ hoặc hẹp hơn nữa là đồng nghĩa với cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, bao gồm bốn công nghệ cột trụ là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp không gian vũ trụ và công nghệ vật liệu mới. Cách hiểu này có thể được đại diện bởi thuật ngữ “nền kinh tế công nghệ cao”. Hoặc hẹp hơn nữa, nhấn mạnh vào vai trò to lớn và độc nhất của công nghệ thông tin, người ta có thể sử dụng các thuật ngữ “kinh tế thông tin”, “kinh tế mạng”, “kinh tế số hóa” và “kinh tế không gian điều khiển học”.

- Phân biệt nền kinh tế quốc dân thành hai bộ phận là khu vực kinh tế tri thức và khu vực kinh tế cũ: Khu vực kinh tế tri thức bao gồm các được gọi là dựa trên tri thức, phần còn lại là khu vực kinh tế cũ với các ngành truyền thống. Hai khu vực kinh tế này hoạt động với những cơ chế, quy luật, và kết quả khác hẳn nhau. Nền kinh tế tri thức phát triển tới trình độ càng cao nếu các ngành dựa trên tri thức chiếm phần càng lớn trong nền kinh tế. Theo quan niệm của OECD, có hai cột mốc cho thấy một nền kinh tế quốc gia đã chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức: (i) Tỷ trọng của khu vực công nghiệp và nông nghiệp lên tới điểm cực đại và càng ngày càng giảm đi. Điểm mốc này đã xuất hiện ở các nước tiên tiến nhất từ cách đây khoảng 30 năm; (ii) Tỷ trọng của các ngành tri thức theo phân loại của OECD chiếm trên 70% GDP quốc gia.

Thứ hai, cách hiểu kinh tế tri thức với quan niệm về tri thức theo định nghĩa của OECD như đã trình bày ở trên, tức là mọi hiểu biết của con người đối với bản thân và thế giới. Cách hiểu này có hai góc độ tiếp cận:

- Từ khía cạnh lực lượng sản xuất: Kinh tế tri thức là trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất. Trong đó có một số quan điểm nhấn


mạnh kinh tế tri thức chỉ là một nấc thang phát triển của lực lượng sản xuất, tuyệt nhiên không liên quan tới một hình thái kinh tế- xã hội mới. Muốn xem xét về hình thái kinh tế- xã hội thì còn phải đề cập tới nhiều mặt khác, đặc biệt là mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và phương cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai mặt đó.

- Từ khía cạnh sự đóng góp của tri thức vào phát triển kinh tế: Cách quan niệm này diễn giải định nghĩa của OECD đã nêu ở trên theo đúng nghĩa đen của nó. Tri thức hay cụ thể hơn là những hoạt động sản xuất, truyền bá và sử dụng tri thức, đã vượt quá vốn và lao động để trở thành nguồn lực chi phối mọi hoạt động tạo ra của cải trong nền kinh tế. Trong đó, tri thức là một khái niệm rất rộng, bao trùm mọi hiểu biết của con người.

Thứ ba, cách hiểu kinh tế tri thức là một môi trường hay hình thái kinh tế- văn hoá- xã hội mới với những đặc tính phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường đó, tri thức tất yếu sẽ trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Do vậy, cốt lõi của việc phát triển một nền kinh tế tri thức không phải đơn thuần là phát triển khoa học công nghệ mà là phát triển một nền văn hoá đổi mới, sáng tạo để tạo thuận lợi nhất cho việc sản xuất, khai thác và sử dụng mọi loại tri thức, hiểu biết của nhân loại. Xét theo nghĩa này, kinh tế tri thức có thể được hiểu như một giai đoạn phát triển mới của toàn bộ nền kinh tế, hoặc nói rộng hơn điều này sẽ dẫn tới một giai đoạn phát triển mới của xã hội nói chung. Hiện nay ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu, quốc gia, tổ chức quan niệm về kinh tế tri thức từ góc độ tiếp cận này.

Trong nhiều tài liệu nghiên cứu, góc độ tiếp cận của các tác giả thường theo một trong ba cách trên hoặc có sự dao động giữa các cách. Khó có thể nói cách hiểu nào đúng, cách hiểu nào sai bởi vì chưa có một mốc chuẩn trên


thực tế cho khái niệm kinh tế tri thức. Cách hiểu kinh tế tri thức với quan niệm hẹp về tri thức nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng nền móng của khoa học công nghệ và “tăng trưởng năng suất” đối với mọi sự tăng trưởng kinh tế. Nó tách rời tri thức về khoa học công nghệ ra khỏi nguồn tri thức rộng lớn hơn nhiều của con người cũng như tách rời khoa học công nghệ ra khỏi môi trường kinh tế-xã hội-văn hoá nói chung. Cách hiểu kinh tế tri thức với quan niệm về tri thức theo định nghĩa của OECD có hạn chế là không rõ ràng. Tiếp cận từ góc độ lực lượng sản xuất thì vào bất kỳ giai đoạn lịch sử nào lực lượng sản xuất cũng ở trình độ phát triển cao so với những giai đoạn trước đó. Nói rằng hiện nay tri thức là nguồn lực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế nhưng người ta lại chưa có phương pháp được thừa nhận chung để đo lường [36, 29-31]. Cách hiểu kinh tế tri thức là một môi trường kinh tế- văn hoá- xã hội mới với những đặc tính phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo có nhiều khía cạnh bao gồm cả hai cách quan niệm đầu. Cách hiểu này hữu ích cho phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển nơi mà việc hấp thụ, phổ biến và sử dụng tri thức có một vai trò đặc biệt quan trọng.

Với mục đích chính là nhận diện “kinh tế tri thức”, đề tài này khởi đầu bằng việc thừa nhận định nghĩa của OECD: kinh tế tri thức là một nền kinh tế trực tiếp dựa vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức với cách hiểu đây là một giai đoạn phát triển mới của toàn bộ lịch sử phát triển kinh tế của loài người.

1.1.2.2. Sản xuất tri thức

Sản xuất tri thức được hiểu một cách đơn giản là tạo ra hoặc rộng hơn là để có được tri thức. Đối với mỗi tổ chức kinh tế, quyết định tạo ra hay thu


nhận và sử dụng tri thức bên ngoài bị chi phối bởi khả năng tài chính, trình độ phát triển khoa học – kỹ thuật trong đó có nhân lực.

Tri thức được tạo ra thông qua R&D và trong một chừng mực nào đó có thể là một sản phẩm phụ của quá trình hoạt động với các mục đích khác nhau, khi con người rút ra kinh nghiệm từ phương pháp sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa, hay khi họ lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm của người khác. Đối với mỗi quốc gia sản xuất tri thức có vai trò quan trọng bởi vì sẽ không tận dụng khối tri thức toàn cầu trừ phi xây dựng được năng lực tìm kiếm công nghệ thích hợp, chọn lựa và hấp thụ, thích nghi những gì đã tìm ra.

Giữa sản xuất tri thức và sản xuất tư liệu sản xuất có nhiều khác biệt:

(i) Sản xuất tri thức có tính không chắc chắn cao và rủi ro rất lớn; (ii) Tri thức được biểu hiện bởi vốn nhân lực và tổ chức; (iii) Nhiều phương pháp sản xuất tri thức sử dụng tri thức đã có như là các đầu vào và đây chính là điểm khác biệt quan trọng nhất.

Hệ quả của những vấn đề trên là các hoạt động tạo ra tri thức rất khó được đo lường, đánh giá, thể hiện ở bốn khó khăn. Đó là đo lường đầu vào của tri thức, đầu tư vào tri thức, cải tiến chất lượng và sự lỗi thời. Những khó khăn trên làm cho kết quả đo lường tăng trưởng GDP và năng suất thường thấp hơn so với thực tế.

Để kiến lập cơ sở tri thức, thu nhận được lợi thế tốt nhất từ công nghệ nhập vào, các nước đang phát triển phải khai phá tất cả các phương tiện nhằm khai thác khối tri thức toàn cầu thông qua những phương thức đã trình bày ở phần trước cũng như thích nghi nó với điều kiện địa phương. Vai trò của Nhà nước là tạo lập cơ chế khuyến khích các tổ chức tìm kiếm những kỹ thuật tốt nhất, đầu tư vào đào tạo và đổi mới. Ngoài ra cũng phải giải quyết hài hòa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ để phổ biến nó với chi phí thấp nhất có thể được. Theo


WB 1999 , những vấn đề của Nhà nước là tạo lập một thị trường cạnh tranh, mở cửa và xóa bỏ mọi trợ cấp; tiến hành nghiên cứu triển khai trước hết trong nông nghiệp rồi tăng dần trong công nghiệp khi công nghiệp chế tạo phát triển và sau đó khuyến khích tư nhân thực hiện.

1.1.2.3. Phân phối tri thức

Trong kinh tế tri thức, tài nguyên trí lực mà biểu hiện của nó là vốn nhân lực và tổ chức trở thành quan trọng nhất, xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua tri thức việc khai thác, phân phối nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm được thực hiện một cách hữu hiệu, có lợi cho môi trường. Vì vậy việc chiếm hữu nhân tài, tri thức khoa học và công nghệ quan trọng hơn nhiều so với chiếm hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Phân phối tri thức có thể diễn ra mạnh mẽ dưới nhiều hình thức như phổ biến, mua bán, trao đổi thông tin, bản quyền, cấp giấy phép công nghệ...trong môi trường thể chế, pháp lý chặt chẽ. Sự phát triển của công nghệ thông tin mà đặc biệt là quá trình hội tụ trong công nghiệp vô tuyến viễn thông tạo điều kiện thuận lợi cho phổ biến, trao đổi tri thức. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ tiên tiến bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự khác biệt về văn hóa – xã hội, thu nhập thấp, nguồn vốn con người không thỏa đáng, những môi trường cạnh tranh và điều tiết yếu kém làm chậm việc sử dụng chúng. Mặc dù có một số trở ngại nhưng người ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của cách mạng công nghệ thông tin trong kinh tế tri thức.

1.1.2.4. Sử dụng tri thức

Tri thức có thể được sử dụng như hàng hóa thông thường cho nhiều mục đích. Con người có thể dùng tri thức như một hàng hóa tiêu dùng hoặc để tạo ra các hàng hóa khác, các cơ hội thị trường hoặc là tri thức mới. Tuy nhiên việc sử dụng tri thức như một tư liệu sản xuất có một số đặc điểm khác biệt.


Thứ nhất, việc sử dụng tri thức dẫn đến hiệu ứng lợi nhuận tăng dần theo qui mô. Các tri thức mới được áp dụng trong quá trình sản xuất giúp làm tăng sản lượng đầu ra trong khi không tăng chi phí đầu vào. Điều này không phù hợp với khuôn khổ cân bằng tổng quát trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo. Thứ hai, việc sử dụng tri thức tự động tạo ra sự lỗi thời của các tri thức cũng như tư liệu sản xuất khác- tạo ra các ngoại ứng. Chẳng hạn tìm ra vật liệu mới composit có độ bền và nhẹ hơn dần được thay thế thép cũng như thay đổi các qui trình chế tạo trong công nghiệp sản xuất ô tô. Thứ ba, việc sử dụng tri thức sẽ không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm với phí tổn ít hơn mà còn tạo ra các sản phẩm chưa từng tồn tại.

Tri thức không phải là thứ cho không, việc sử dụng nó hoàn toàn phải trả giá. Mọi người đều phải học tập để có tri thức, hấp thụ và chuyển hóa nó thành kỹ năng để sử dụng. Trong kinh tế tri thức, tri thức hàng hóa ngày càng tăng nhưng việc sử dụng tài sản tri thức phải được bảo vệ một cách hữu hiệu bởi quyền sở hữu là một trong những yêu cầu đầu tiên bảo đảm động lực sáng tạo và bảo vệ khai thác nguồn tài nguyên trí lực.‌


1.2. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA KINH TẾ TRI THỨC

Từ nhiều góc độ tiếp cận, các tài liệu phổ biến hiện nay nêu ra các đặc điểm khác nhau. Trong đó một số đặc điểm được gán cho kinh tế tri thức là chưa thực sự có sức thuyết phục. Ví dụ như dịch chuyển cơ cấu kinh tế, “mờ nhạt” chu kỳ kinh tế, cạnh tranh cao độ... Tuy nhiên có bốn đặc trưng nổi bật và khác biệt so với các nền kinh tế trước.

1.2.1. Tri thức khoa học và công nghệ cùng với lao động kỹ năng cao là lực lượng sản xuất thứ nhất, là lợi thế phát triển quyết định.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/01/2023