Những Kết Quả Nghiên Cứu Được Luận Án Kế Thừa‌


danh, lịch sử, văn hóa, xã hội... Trong nội dung cuốn sách, tác giả trình bày theo từng mục từ (gồm phần tên gọi, giải thích tên gọi), chứa đựng một dung lượng khá lớn về lịch sử, văn hóa, xã hội của các làng xã, khu vực trong tỉnh, đặc biệt trong đó có nhiều nội dung liên quan hoặc trực tiếp đề cập đến huyện Nam Đàn và được xem là một cuốn từ điển về địa danh lịch sử, văn hóa địa phương.

Công trình Lịch sử Nghệ An[201] gồm 2 tập do Trần Văn Thức (Cb, 2012) là bộ sách đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Nghệ An từ nguồn gốc đến năm 2005. Trong tập 1, Lịch sử Nghệ An (từ nguyên thủy đến năm 1945), ở Chương VI: Nghệ An thời Nguyễn - Giai đoạn độc lập (1802 - 1884), các tác giả đã trình bày một cách khái quát về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở Nghệ An trong suốt 82 năm (1802 - 1884) trong đó có đề cập đôi nét về tình hình kinh tế, văn hóa giáo dục ở Nam Đàn… Tuy nhiên, xét trên khía cạnh cụ thể liên quan đến địa phương là huyện Nam Đàn thì những nội dung được đề cập đến còn mang tính chất sơ lược, khái quát trên tổng thể về các vấn đề của lịch sử tỉnh Nghệ An.

Năm 1997, Tạp chí Thông tin Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nghệ An đăng tải bài viết của hai tác giả Hoàng Văn Lân, Nguyễn Quang Hồng Nguyên liệu xây thành Nghệ An dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840) [97]. Bài viết cung cấp về cách thức khai thác đá ong, dụng cụ để khai thác đá ong, phương thức vận chuyển đá ong từ làng Kiền, thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Nam Đàn ra bến đò Sa Nam để đưa về cầu Cửa Tiền phục vụ cho công cuộc xây dựng thành Nghệ An. Các thông tin trong nội dung bài viết là tài liệu tham khảo quý để chúng tôi tìm hiểu thêm về một nghề thủ công truyền thống ở huyện Nam Đàn trong thời kỳ 1802 - 1884.

Trong bài viết: Thêm một số ý kiến về nội dung, tính chất và diễn biến của khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) [98] của các tác giả PGS Hoàng Văn Lân, Nguyễn Quang Hồng (1998) đã cung cấp thêm những tư liệu về căn cứ làng Thành, đình làng Thanh Thuỷ, từng là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn và Đặng Như Mai tổ chức, lãnh đạo. Bài viết cũng lý giải thêm nguyên nhân khiến đông đảo nhân dân làng xã ở Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên ủng hộ cuộc khởi nghĩa này và những hậu quả mà cư dân làng xã Nam Đàn phải hứng chịu trước cuộc đàn áp thảm khốc từ phía triều đình Tự Đức và cả người Pháp. Đây là một trong những tài liệu hữu ích để chúng tôi phân tích ảnh hưởng của những chính sách mà vương triều nhà Nguyễn thực


thi, cụ thể là chính sách cấm đạo, sát đạo, đàn áp thẳng tay những cuộc nổi dậy của nông dân làng xã trên phạm vi vương quốc Đại Nam nói chung, Nghệ An và Nam Đàn nói riêng ở nửa sau thế kỷ XIX.

Chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt đối với bài viết: Hệ thống chợ Nghệ An thế kỷ XIX [85] của tác giả Nguyễn Quang Hồng (2004). Trong bài viết tác giả đã trình bày hệ thống chợ ở các huyện đồng bằng miền núi trung du Nghệ An bao gồm cả chợ làng xã, phủ huyện, trấn tỉnh… Bước đầu trình bày quy mô trao đổi buôn bán các loại hàng hóa tại các chợ ở Nghệ An trong suốt thế kỷ XIX. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung thêm một số chợ làng xã trên địa bàn huyện Nam Đàn mà Quốc sử quán triều Nguyễn chưa đề cập tới như: chợ Chùa (làng Xuân Hồ), chợ Giếng (làng Thanh Thuỷ), chợ Sáo (làng Hữu Biệt), chợ Rồng (làng Trung Cần), chợ Cần Bụt (làng Hùng Nhẫn)... Những tư liệu này giúp chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về hệ thống chợ làng xã ở 6 tổng, 65 làng xã trong không gian địa giới hành chính đề tài xác định, nhằm làm rõ thêm về hoạt động buôn bán trao đổi hàng hoá của các thế hệ cư dân làng xã ở Nam Đàn trong thời kỳ 1802 - 1884.

Dưới góc độ chuyên sâu nghiên cứu về tỉnh Nghệ An, luận văn Thạc sĩ của Trần Thị Thanh Hà (2008) về Chợ ở Nghệ An từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1945 [79] đã có những khảo cứu khá công phu về hệ thống chợ làng xã đến chợ phủ, huyện, chợ trấn/tỉnh Nghệ An, đưa ra cách phân chia hệ thống chợ ở Nghệ An từ thế kỷ XIX đến năm 1945 theo quy mô: chợ làng xã, chợ phủ, huyện và bước đầu cho biết thời gian họp chợ, hàng hoá trao đổi ở các chợ. Tuy nhiên, do khuôn khổ của một luận văn Thạc sĩ, tác giả chưa có điều kiện để khảo cứu hệ thống chợ ở một số địa phương thuộc huyện Thanh Chương, huyện Nam Đàn, cũng như chưa có được những phân tích, đánh giá về ảnh hưởng của chợ đối với đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng. Luận văn Thạc sĩ của Trần Anh Đức (2011) về Kinh tế ở Nghệ An từ năm 1802 đến năm 1884 [52] mặc dầu chỉ trình bày những nét khái quát về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp ở Nghệ An từ năm 1802 đến năm 1884, song những kết quả nghiên cứu của tác giả cũng là một tài liệu tham khảo, giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế Nghệ An trong cùng một thời gian mà đề tài nghiên cứu.

Dưới góc độ nghiên cứu chuyên sâu về tình hình kinh tế, xã hội của một huyện, trấn sở ở tỉnh Nghệ An, chúng tôi quan tâm tới luận án Tiến sĩ lịch sử của Nguyễn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.


Quang Hồng (2000), Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển (từ năm 1804 đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 [86]. Trong nội dung luận án, tác giả công trình ngoài việc làm rõ quá trình chuyển dời lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên và Yên Trường (thành phố Vinh ngày nay) vào tháng 5 năm 1804, còn cho biết rõ việc vua Minh Mệnh huy động cư dân ở xã Thanh Thủy và một số làng xã lân cận khai thác, vận chuyển đá ong tại mỏ đá ong làng Kiền để xây dựng thành Nghệ An. Điều này giúp chúng tôi đối sánh các nguồn tư liệu khác để tìm hiểu về nghề khai thác đá ong, cách thức vận chuyển đá ong của cư dân làng xã trên địa bàn huyện Nam Đàn trong thời kỳ 1802 - 1884.

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 4

Bên cạnh đó, trong Chương 1, tiểu mục 1.2. Tình hình kinh tế ở trấn thành Nghệ An từ năm 1804 đến năm 1830, tỉnh thành Nghệ An từ năm 1832 đến trước năm 1899 từ trang 28 đến trang 40, tác giả luận án trên cơ sở khai thác nguồn tư liệu địa bạ, hương ước, văn bia ở làng Vĩnh Yên, Yên Trường, Yên Lưu, Yên Giang thuộc tổng Ngô Trường huyện Chân Lộc, đã làm rõ quá trình ẩn lậu, bao chiếm, mua bán ruộng đất của bộ máy chức dịch ở làng xã. Tác giả cũng chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bấp bênh của kinh tế nông nghiệp ở huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn thuộc trấn/tỉnh thành Nghệ An (1804 - 1884). Đây là một trong những tài liệu giúp chúng tôi so sánh, đối chiếu trong quá trình nghiên cứu về kinh tế huyện Nam Đàn với một số huyện lân cận như: Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc.

Luận án Tiến sĩ của Đặng Như Thường (2013) về Kinh tế, xã hội huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thời Nguyễn (1802 - 1884) [202] đã trình bày một cách có hệ thống kinh tế, xã hội ở huyện Nghi Lộc trong bối cảnh chung của kinh tế, xã hội ở Nghệ An thời Nguyễn (1802 - 1884). Dựa trên nguồn tư liệu lưu trữ đáng tin cậy, tác giả đã đi sâu phân tích các vấn đề liên quan đến kết cấu kinh tế huyện Nghi Lộc như: Tình hình ruộng đất; Kinh tế nông nghiệp; Các ngành kinh tế khác. Ngoài ra, luận án còn mô tả một cách rõ nét xã hội huyện Nghi Lộc thời Nguyễn trên các phương diện: Tổ chức hành chính; Bộ máy quản lý xã thôn; Kết cấu xã hội và đời sống nhân dân… Qua đó phân tích, lý giải ảnh hưởng của kinh tế đối với đời sống xã hội của các giai tầng trong phạm vi không gian địa giới hành chính huyện Nghi Lộc. Kết quả nghiên cứu trong luận án là sản phẩm của việc sử dụng logic các phương pháp nghiên cứu mang tính


khoa học, thực tiễn, trong đó đáng chú ý là cách thức tiếp cận, xử lý nguồn tư liệu thư tịch cổ gồm địa bạ, gia phả, văn bia, sắc phong, thần tích, thần sắc liên quan đến huyện Nghi Lộc, một huyện có địa giới gần kề với huyện Nam Đàn.

Đề cập đến lịch sử - văn hoá của một số làng, xã nổi tiếng trên địa bàn huyện Nam Đàn, ở những góc độ nghiên cứu là các luận văn Thạc sĩ chúng tôi quan tâm tới luận văn: Lịch sử - văn hóa làng Trung Cần (xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, nghệ An) từ thế kỷ XIX đến năm 1945 [72] của Nguyễn Thị Giang (2009); Lịch sử - văn hóa làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An từ 1802 - 1945 [80] của Nguyễn Thị Hằng (2010); Lịch sử - văn hóa làng Xuân Hồ (xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) từ thế kỷ XIX đến năm 1945 [112] của Lương Thị Thanh Mai (2011)… Các công trình trên đã trình bày khá chi tiết về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân các làng gồm: Trung Cần, Hoành Sơn, Xuân Hồ trên địa bàn huyện Nam Đàn từ đầu thế kỷ XIX đến khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công.

Tuy không phải là những công trình nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884, song từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, việc biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn, lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hay một số công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hoá Nam Đàn được xuất bản cũng là nguồn tài liệu chúng tôi quan tâm. Chẳng hạn cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam huyện Nam Đàn [6] do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đàn biên soạn (1990). Cuốn sách đã trình bày khái quát về đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa xã hội ở huyện Nam Đàn, đồng thời điểm qua về một số cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật trong thời gian hoạt động trên vùng đất Nam Đàn vào cuối thế kỷ XVIII; Khởi nghĩa của Nguyễn Tuân năm 1811; Khởi nghĩa của Lê Quang Chấn năm 1823; Khởi nghĩa Giáp Tuất năm 1874 của Trần Tấn và một số cuộc khởi nghĩa khác trên vùng đất Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884.

Tác giả Nguyễn Văn Trương (Cb, 2000) cùng các cộng sự khi biên soạn cuốn sách Nam Đàn xưa và nay [206] dựa trên nguồn tư liệu đa dạng gồm thư tịch cổ, tư liệu truyền miệng, khảo sát, điều tra điền dã đã mô tả lịch sử hình thành và phát triển của huyện Nam Đàn trên các phương diện địa lý, lịch sử, truyền thống văn hóa và những thành tựu của người dân Nam Đàn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong công trình này, một số nội dung có đề cập đến tình hình kinh tế huyện


Nam Đàn trên các mặt nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp gắn với các địa danh như: Làng Hoành Sơn, xã Non Liễu, chợ Sa Nam, chợ Chùa, chợ Vạc... Tuy nhiên, những nội dung trên chỉ mang tính khái quát, sơ lược mà chưa đi sâu nghiên cứu cụ thể về các lĩnh vực trong cơ cấu kinh tế của huyện Nam Đàn.

Liên quan đến vấn đề trên, nhưng trình bày khái quát mang tính đa chiều liên quan đến huyện Nam Đàn được đề cập trong cuốn sách Nam Đàn Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh [78] của tác giả Ninh Viết Giao (Cb, 2013). Công trình nghiên cứu khá công phu, đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến huyện Nam Đàn trong lịch sử như: Diên cách địa lý hành chính qua các đời, phong cảnh, hình thế đất đai, khí hậu, núi sông, dấu vết lịch sử, nghề nghiệp cư dân, truyền thống hiếu học, văn học dân gian, nghệ thuật, kiến trúc... Cuốn sách có trình bày một số nội dung liên quan đến kinh tế Nam Đàn ở thế kỷ XIX, đề cập đến một số nghề thủ công truyền thống trong các làng xã như: nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải ở làng Khoa Trường, làng Tàm Tang, làng Hoành Sơn; nghề ép mía làm mật ở làng Phú Thọ, làng Khoa Trường; nghề khai thác đá ong ở làng Kiền (Thanh Thuỷ). Một số hoạt động thương nghiệp nội vùng cụ thể là trao đổi, mua bán giao thương diễn ra tại chợ Sa Nam, chợ Rồng, chợ Hữu Biệt cũng được tác giả nhắc đến.

Để hiểu rõ hơn về địa giới hành chính, dân cư, kinh tế, xã hội ở một số làng, xã trên địa bàn huyện Nam Đàn, chúng tôi còn tiếp cận một số công trình lịch sử xã, lịch sử Đảng bộ xã như: Lịch sử Đảng bộ xã Kim Liên (1930 - 2000) [32] của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Kim Liên (2000); Lịch sử Đảng bộ xã Nam Thanh [38] của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Nam Thanh (2003); Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Nam Đàn (1930 - 2005) [40] của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thị trấn Nam Đàn (2005); Lịch sử Đảng bộ xã Nam Lĩnh (1930 - 2005) [35] của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Nam Lĩnh (2006); Lịch sử xã Nam Cát [34] của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Nam Cát (2008); Lịch sử Đảng bộ xã Nam Thái [37] của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Nam Thái (2011)… Các công trình lịch sử Đảng bộ hay lịch sử xã mà chúng tôi tiếp cận đã cung cấp thêm một số tư liệu về thay đổi địa giới, địa danh, tên gọi, dân cư ở địa phương.


Như vậy, về cơ bản các công trình cứu kể trên đã cung cấp những thông tin tương đối chi tiết liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nông thôn, làng xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An qua các giai đoạn lịch sử. Trong đó, một số công trình nghiên cứu đã ít nhiều đề cập đến các lĩnh vực về kinh tế của huyện Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884. Những kết quả nghiên cứu đó là cơ sở khoa học có giá trị để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới góc độ sử học, làm tiền đề giải quyết các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra.

1.3. Những kết quả nghiên cứu được luận án kế thừa‌

Các công trình đã đề cập trên đây cùng với nguồn tài liệu lưu trữ, tài liệu thu thập trong quá trình điều tra điền dã là những tư liệu quý, giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án.

Trước hết, lịch sử của vùng đất Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng qua các thời kỳ đã được trình bày có hệ thống. Cùng với đó, các điều kiện về tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội được đề cập khá đầy đủ và chi tiết. Đây là những tư liệu quan trọng giúp chúng tôi trong quá trình thực hiện một số nội dung của luận án.

Các công trình nghiên cứu về kinh tế Việt Nam đã phản ánh bức tranh kinh tế nước ta dưới triều Nguyễn trên nhiều phương diện. Đây là nền tảng giúp chúng tôi có được góc nhìn tổng quan về kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế Nghệ An nói riêng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Từ đó, đối sánh với kinh tế huyện Nam Đàn trong phạm vi thời gian nghiên cứu của đề tài.

Những công trình nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp dưới triều Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ 1802 - 1884 đã đi sâu phản ánh đặc điểm của các ngành, nghề trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Thông qua hệ thống tư liệu gồm các ấn phẩm là sách, bài viết trên các tạp chí, niên giám thống kê, đã tập trung phân tích được những nhân tố tác động đến sự chuyển biến về kinh tế và một số thành tựu, hạn chế chủ yếu trong giai đoạn lịch sử này. Những kết quả nghiên cứu trên giúp chúng tôi có được những tư liệu tổng quan, từ đó so sánh, đối chiếu, rút ra những đặc điểm của kinh tế huyện Nam Đàn trong mối tương quan với kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ. Quan trọng hơn, một số tác phẩm đã đề cập trực tiếp đến các phương diện cụ thể của kinh tế tỉnh Nghệ An trong thế kỷ XIX như: Tình hình nông nghiệp với các đặc trưng về mùa vụ, giống, cây trồng, vật nuôi; Chính sách nông nghiệp của nhà


nước; Phương thức, dụng cụ, công cụ canh tác; Thủ công nghiệp với các nghề, làng nghề thủ công truyền thống; Thương nghiệp với hoạt động mua bán, trao đổi ở trấn/tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn, đã giúp cho chúng tôi có được những tư liệu quý giá khi nghiên cứu.

Các công trình nghiên cứu về huyện Nam Đàn đã tập trung nghiên cứu lịch sử vùng đất, điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị - xã hội, văn hóa và nghề nghiệp của cư dân ở vùng đất thuộc hạ lưu sông Lam. Kinh tế huyện Nam Đàn với một số nghề nghiệp của cư dân trong làng xã đã được đề cập đến nhưng còn mang tính sơ lược. Đây là nền tảng cơ bản để nghiên cứu về kinh tế huyện Nam Đàn trong giai đoạn tiếp theo từ năm 1802 đến năm 1884 mà luận án tập trung giải quyết.

Các công trình nghiên cứu liên quan đến tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn là những tư liệu làm nền tảng để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới góc độ sử học, làm tiền đề giải quyết những mục tiêu nghiên cứu mà đề tài đã đề ra.

1.4. Những vấn đề cần giải quyết của luận án‌

Trong nội dung luận án, chúng tôi tập trung đi sâu nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề sau:

- Những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884. Khái quát về tình hình kinh tế Nam Đàn trước năm 1802 để có cái nhìn hệ thống, toàn diện theo lịch đại thực trạng kinh tế Nam Đàn.

- Phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về kinh tế huyện Nam Đàn Đàn thời kỳ 1802 - 1884, trên các phương diện: Nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp trong mối tương quan so sánh, đối chiếu với tình hình kinh tế của các địa phương thuộc trấn/tỉnh Nghệ An và một số tỉnh ở Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ ở thế kỷ XIX.

- Nhận xét và đánh giá kinh tế Nam Đàn, làm rõ những ảnh hưởng của kinh tế đối với đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của các tầng lớp, giai cấp trong làng xã ở vùng hạ lưu sông Lam mà phạm vi nghiên cứu đã xác định.


Chương 2‌

NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ HUYỆN NAM ĐÀN


2.1. Quá trình hình thành‌

Huyện Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam, xưa là trung tâm của bộ Việt Thường thuộc nước Văn Lang. Trong suốt chiều dài lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, huyện Nam Đàn có nhiều sự thay đổi về diên cách địa lý, địa danh các đơn vị hành chính cho phù hợp với quản lý hành chính của nhà nước. Nhà Nguyễn trong thời kỳ độc lập (1802 - 1884) từng bước xác lập vai trò quản lý của vương triều về mặt hành chính đối với cư dân nước Việt Nam bằng việc tiến hành các cuộc cải cách lớn, trong bối cảnh đó tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng có những thay đổi quan trọng về mặt địa lý.

Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) [215] của Viện Nghiên cứu Hàn Nôm (1981), đầu thế kỷ XIX huyện Nam Đường gồm: 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn. Trong đó, tổng Non Liễu có 20 xã, thôn, giáp; tổng Lâm Thịnh có 15 xã, thôn, phường, giáp; tổng Đại Đồng có 6 xã, thôn, giáp; Tổng Hoa Lâm có 5 xã, thôn; Tổng Đô Lương có 24 xã, thôn, giáp; Tổng Thuần Trung có 6 xã, thôn; Tổng Bạch hà có 5 xã; Tổng Lãng Điền có 9 xã, vạn, sách, thôn [215, Tr.134 ].

Căn cứ vào sách Thanh Chương huyện chí, do dịch giả Nguyễn Thị Thảo dịch, Nguyễn Phương Thoan hiệu đính, từ nguyên bản viết tay bằng chữ Hán gồm 38 trang khổ 29 x 16 lưu trữ ở Thư viện Viện Hán Nôm - Ký hiệu A97 BIS, in trong sách: Thanh Chương đất và người, trang 38 cho biết: “Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), vâng lệnh triều đình đã tách tổng Đặng Sơn gồm 23 xã, thôn, phường để hợp với các tổng Lãng Điền, Đô Lương, Thuần Trung, Bạch Hà của huyện Nam Đường để lập huyện Lương Sơn như hiện nay, gồm 5 tổng” [131, tr.38 - 42].

Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XIX, không gian địa giới hành chính của huyện Nam Đường chạy dọc theo bờ tả sông Lam, suốt từ làng Hữu Biệt (Nam Giang ngày nay), lên tận Đô Lương và một phần đất huyện Anh Sơn ngày nay. Đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), toàn bộ 44 xã, thôn, trang, phường, giáp,

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí