Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 6


mưa dầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Mưa dầm trong mùa đông kèm gió mùa Đông Bắc khiến cho nền nhiệt càng hạ thấp giá rét bao phủ toàn vùng [78, tr.27].

Về chế độ mưa: Theo thống kê, lượng mưa bình quân ở xứ Nghệ thay đổi theo từng tiểu vùng khí hậu, lượng mưa trung bình ở Nghệ An khoảng 1.800mm, mùa nóng chiếm khoảng 70%, mùa lạnh chiếm 30%, trong đó ở huyện Nam Đàn đo được:

Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.900 mm. Năm mưa ít nhất: 1.100 mm.

Năm mưa nhiều nhất: 2.600 mm. Độ ẩm trung bình: 86% [78, tr.28].

Khí hậu, thời tiết nắng lắm mưa nhiều tập trung theo mùa, lại thêm gió phơn Tây Nam, gây không ít khó khăn cho việc duy trì và phát triển kinh tế ở lưu vực sông Lam nói chung, Nam Đàn nói riêng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp và chính sách không đắp đê được Gia Long đến Tự Đức duy trì suốt hơn tám thập kỷ.

2.2.4. Đồi núi, sông ngòi‌

2.4.1.1. Đồi núi

Hệ thống đồi núi ở Nam Đàn được biết đến rõ nhất với ba dãy núi lớn là núi Đại Huệ (Rú Nậy), núi Hùng Sơn hay Độn Sơn (rú Đụn) nằm toàn bộ trong phạm vi huyện và núi Thiên Nhẫn nằm một phần trong huyện. Ngoài ra còn có hàng chục ngọn núi nhỏ khác phân bố rải rác xen lẫn ở vùng đồng bằng.

Núi Đại Huệ nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn thuộc địa phận hai xã Nộn Liễu và Thanh Tuyền cũ, nay là các xã Nam Thanh, Nam Anh và Nam Xuân. Phía Đông, Đại Huệ gắn với các ngọn Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Hải; phía Bắc liền với ngọn Đại Quắc (núi Vạc), phía Tây nối liền với ngọn Hải Thủy và Hồ Cương… tạo nên một dãy kéo dài chạy dọc theo phía Tây Bắc huyện từ Đông sang Tây, ngăn cách huyện Nam Đàn với huyện Đô Lương, có truông Băng đi từ xã Thanh Thủy đến miền Trù Ú của huyện Nghi Lộc, có truông Hến đi từ xã Xuân Liễu đến vùng xã Đoài huyện Nghi Lộc và Truông Bồn đi qua Tràng Đen lên huyện Đô Lương. Hình núi Đại Huệ tựa quả chuông úp với đỉnh cao nhất là 454m. Đứng dưới trông lên, thế núi làn làn, đá nằm tựa như xếp, các ngọn núi kế tiếp nhau cao thấp trùng trùng, cây cỏ chen chúc xanh tươi, sườn núi phía Tây Bắc và Đông Bắc là một vườn chè lớn, mầm tươi non trải rộng [78, tr.32].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.


Núi Hùng Sơn (rú Đụn) nằm trong phạm vi ba xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái) và Khả Lãm (nay là xã Nam Thượng) xã Diên Lãm ở phía Tây - Bắc huyện, cạnh đường quốc lộ 46 Vinh - Đô Lương và cách thị trấn Sa Nam chừng 3km, thế núi dốc thoai thoải với đỉnh cao nhất khoảng 300m. Núi có rào Gang vòng ở phía Bắc và sông Lam vòng ở phía Nam. Bao quanh rú Đụn, khe suối nước chảy róc rách, cách ngày nay vài trăm năm núi bỗng dưng nứt làm đôi, vết nứt dài mấy trăm mét, sâu dăm, bảy chục mét. Hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên này gắn với lời sấm truyền lưu hành trong dân gian Nghệ - Tĩnh từ thời Hậu Lê: “Đụn Sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Thủy đáo Lam thành, Nam Đàn sinh thánh” [106, tr.119 - 120].

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 6

Núi Thiên Nhẫn bắt đầu từ huyện Tương Dương của tỉnh Nghệ An kéo dài đến tận Ngạn Sơn (rú Nghèn) huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, phần núi nằm trên địa bàn huyện Nam Đàn chạy từ phía Tây sang phía Nam, nằm trong vùng giáp giới với huyện Thanh Chương và hai huyện Đức Thọ, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh. Đỉnh cao nhất của núi là Hòn Tây (cột đá do Pháp xây dựng vào đầu thế kỉ XX để làm mốc ngắm vẽ bản đồ) cao 287m, ngoài ra còn vô số những ngọn núi đất với những đỉnh tròn, nối nhau như muôn ngàn con ngựa nối nhau, khí thế rất hùng vĩ. Trong dãy núi Thiên Nhẫn chạy qua địa phận xã Nam Kim còn có dấu tích thành Lục Niên do Bình Định Vương Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn xây dựng (1424 - 1426) ở núi Động Chủ và ngọn núi Hoàng Tâm [106, tr.107 - 109].

Ngoài ba dãy núi lớn bao quanh huyện là núi Đại Huệ ở phía Đông - Bắc, núi Đụn ở phía Tây - Bắc, núi Thiên Nhẫn ở phía Nam, trong địa bàn huyện còn có nhiều ngọn đồi, núi lớn, lớn, nhỏ, cao thấp khác nhau nổi lên giữa các vùng đồng bằng phì nhiêu. Trong đó có thể kể đến như:

Núi Hồ (Hồ Cương) ở xã Thanh Thủy được bao quanh bởi một vùng nhiều đồi núi như: Ngũ Liên Châu, rú Nghè, rú Họ, rú Co, rú Đồng Nhôn, rú làng Kiền…; rú Đai (tên chữ Hán là Ngọc Đái sơn - rú Đai Ngọc) là một ngọn núi thấp thuộc địa phận xã Vân Diên ngày nay; rú Voi (tên chữ Hán là Ngọc Tượng sơn - rú Voi Ngọc) ở xã Lương Trường nay thuộc xã Nam Tân; rú Tán, rú Nhuệ Sơn, rú Trăn, rú Chung Sơn, nằm trong tổng Xuân Hồ, Lâm Thịnh mà Bùi Dương Lịch ví như tán, như lọng hay như các quân cờ trong bức tranh sơn thuỷ mà tạo hoá đã ban tặng cho các thế hệ cư dân Nam Đường - Nam Đàn từ nhiều thế kỷ trước [106, tr.121 - 122].


Huyện Nam Đàn, phía Đông Bắc, Tây Bắc và phía Nam được bao bọc bởi các dãy đồi, núi lớn, nhỏ nối tiếp nhau cũng là nơi phân định địa giới với các huyện: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An) và Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đồi, núi chiếm một phần diện tích lớn gắn liền với việc khai thác nguồn lợi đất đai để phát triển nông nghiệp, khai thác lâm sản, đá ong... hay là địa bàn của những phường săn trong những ngày nông nhàn. Bên cạnh đó, núi Thiên Nhẫn, núi Đại Huệ, núi Hùng Lĩnh( Hùng Sơn, núi Đụn), Ngũ Liên Châu... còn góp phần che chắn gió bão, đặc biệt là có vị thế địa chiến lược quân sự - chính trị đối với toàn bộ lưu vực sông Lam nói riêng, cả nước nói chung. Đại bản doanh Vạn An - kinh đô Vạn An, xây dựng dưới chân núi Đụn, chân núi Ngọc Đái Sơn (713 - 723); thành Hồ Vương do cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương xây dựng vào cuối năm 1406 dưới chân núi Đại Huệ; thành Lục Niên nơi Bình Định Vương Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đóng (1424 - 1426) dưới chân núi Động Chủ và núi Hoàng Tâm thuộc dãy Thiên Nhẫn; đại bản doanh làng Thành (Thanh Thuỷ, Nam Thanh ngày nay) do Trần Tấn, Đặng Như Mai xây dựng trong cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất 1874; hay căn cứ của nghĩa quân Cần Vương dưới cờ của Cử nhân Vương Thúc Quý, Vương Thúc Mậu được xây dựng trên núi Chung Sơn, thuộc làng Kim Liên (1886 - 1887)...

2.4.1.2. Sông ngòi

Hệ thống sông ngòi với lưu lượng nước lớn nhất (không kể đến các bàu, hồ nằm rải rác trên địa phận huyện Nam Đàn) phải kể đến là sông Lam và sông Gang.

Sông Lam (còn có tên gọi là sông Cả, sông Rum) ở giữa hai phủ Đức Quang và Anh Đô, là một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Khởi nguồn từ núi Puloi cao 2.060m ở Thượng Lào chảy qua một vùng gọi là thung lũng sông Lam ở huyện Kỳ Sơn, qua các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, phía Bắc huyện Nam Đàn, rồi theo hướng chung là Tây Bắc - Đông Nam trong địa phận huyện Nam Đàn xuống đến phía Nam huyện trên một chiều dài khoảng 16km, rồi tiếp tục chảy qua địa phận huyện Hưng Nguyên ngoặt lên hướng Bắc chảy qua huyện Nghi Lộc và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) rồi đổ ra biển Đông ở cửa Hội Thống (gọi tắt là Cửa Hội

- Nghi Xuân) [106, tr.163]. Tên gọi sông Lam mang vẻ yên bình xanh biếc vào mùa khô, sang mùa mưa lũ thì cuồn cuộn đục ngầu bởi phù sa từ thượng nguồn đổ về, hai


bên bờ thuộc tả ngạn và hữu ngạn chứng kiến sự bồi đắp, cũng như khoét sâu bởi sự thay đổi dòng chảy ở phía hạ nguồn của lưu vực. Trong thế kỷ XIX nói chung, dưới đời Tự Đức (1847 - 1883) nói riêng, cư dân Nam Đàn đã chứng kiến những trận lũ lụt khiến cho làng Dương Liễu bị chia cắt làm đôi rồi tàn phá hoàn toàn làng đó, cũng chính sông Lam đã bồi đắp ở phía dưới bên hữu ngạn, một dải phù sa mà trên đất này cư dân làng Dương Liễu cũ đã dời đến ở hình thành nên làng Dương Liễu mới.

Sông Cương Giang (rào Gang), từ huyện Đô Lương chảy về qua địa phận Thanh Chương, nhập vào sông Lam ở địa phận xã Đông Liệt cũ (nay là xã Nam Thái) cắt đường quốc lộ 46 ở cầu Rào Gang rồi rào Băng (Băng Giang), phát nguyên từ dãy Đại Huệ chảy xuống xã Thanh Thủy, chảy ra xã Xuân Liễu đổ vào rào Nón (Nộn Giang) rồi chảy xuống phía Đông đến xã Hưng Chính (Hưng Nguyên) chuyển sang phía Nam rồi hòa vào sông Lam trên địa phận huyện Hưng Nguyên ở gần núi Dũng Quyết.

Sông suối, khe cừ trên địa bàn huyện Nam Đàn, ngoài vị trí là ranh giới tự nhiên giữa các làng xã, tổng huyện còn có tác dụng bồi đắp phù sa, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đem lại nguồn thủy sản tự nhiên phong phú cho cư dân địa phương. Đây còn là tuyến giao thông thuỷ nối liền các địa phương trong huyện, phủ, trấn/tỉnh. Tuy vậy, do nằm ở vùng hạ lưu sông Lam cùng với đặc điểm địa hình nhiều sông suối, khe cừ, ao hồ nên tình trạng lũ lụt, ngập úng hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất nói riêng và toàn bộ đời sống xã hội của cư dân trong vùng nói chung.

Hồ (Bàu): Trên địa bàn huyện Nam Đàn ở thế kỷ XIX, ngoài hệ thống sông ngòi, khe suối còn có những hồ (tiếng địa phương gọi là Bàu - chỉ vùng đất thường xuyên ngập nước) như: bàu Ngan (Ngọc Trừng), bàu Lầm (Diên Lãm), bàu Sen (Diên Lãm), bàu Nón (Hồ Nón) thuộc xã Nộn Liễu, bàu Láng (thuộc các làng Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ, Khoa Trường), bàu Sen (Kim Liên)... Trong đó, nổi tiếng có bàu (hồ Nón). Bùi Dương Lịch trong sách Nghệ An ký, chép về Hồ Nón như sau: “Hồ Nón ở xã Nộn Liễu, huyện Nam Đường. Các dòng khe (suối) của núi Thanh Thuỷ hợp lưu đến đây làm thành hồ lớn chừng vài ngàn mẫu. Mùa xuân, mùa hạ nước cạn có thể làm ruộng cấy lúa rất tốt; mùa thu, mùa đông nước lên to, sóng dữ dội, chẳng khác gì biển


cả. Cửa hồ có cầu Đại Đồng. Nước hồ đổ vào kênh Chân Đích, huyện Hưng Nguyên chảy vào sông Lam, việc vận tải thông suốt. Tương truyền, xưa kia có hồ nước rất sâu, làm sao huyệt cho thuồng luồng, thời Lê khoảng niên hiệu Dương Hoà (1635 - 1643) Thần Tông Uyên hoàng đế, có người xã Hương Lãm là Thị lang Hương Lâm hầu Nguyễn Văn Mệnh mới đào [cửa hồ], sau đấy mới thành ruộng” [106, tr.225].

Từ những trình bày trên cho thấy, cư dân 6 tổng 65 làng xã ở Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884, vừa được sử dụng tuyến đường giao thông theo dọc đôi bờ tả hữu sông Lam để mở rộng giao thương buôn bán hàng hoá với các huyện phủ trong trấn/tỉnh Nghệ An; vừa có cả một vùng đất đai rộng lớn do sông Lam bồi đắp phù sa dọc hai bên bờ tả/hữu. Bên cạnh đó, còn có các hồ (bàu) để khai hoang mở rộng diện tích canh tác, khai thác nguồn lợi thuỷ sản hay sử dụng nguồn nước để tưới tiêu.

Tuy nhiên, cư dân làng xã ở Nam Đàn cũng phải đối mặt với mưa lũ, ngập lụt do chính sông Lam, sông Rào Gang (Cương Gang), cả hồ Nón, bàu Lầm, bàu Ngan, bàu Láng... gây nên trong suốt các thời kỳ lịch sử.

2.2.5. Đường giao thông‌

Trong thế kỷ XIX, theo Đại Nam nhất thống chí, huyện Nam Đàn: ở cách phủ Anh Sơn 8 dặm về phía Đông; Đông Tây cách nhau 85 dặm, Nam Bắc cách nhau 28 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Hưng Nguyên 65 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Lương Sơn 20 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Thanh Chương 13 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện huyện Lương Sơn 15 dặm [154, tr.139].

Huyện Nam Đàn thuộc vùng hạ lưu sông Lam, có vị trí tiếp giáp với nhiều địa phương phía Tây Nam của trấn/tỉnh Nghệ An, dưới triều Nguyễn nơi đây có hệ thống đường giao thông khá phong phú với cả hệ thống đường bộ và đường thủy.

Căn cứ theo Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ (hiện lưu ở văn khố Shido (Tư Đạo văn khố, 斯 道 文 庫 ), Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản) do tác giả Lê Văn Ất dịch và nghiên cứu, cho biết: Trong bản đồ nhật trình vẽ đường đi từ Kinh đô (Thăng Long) đến khu vực Chiêm Thành xưa theo đường bộ (60 ngày), có mô tả lộ trình ngày nghỉ

thứ 14 tại La Sơn (Hà Tĩnh) có tuyến đường bộ đi qua khu vực huyện Nam Đường (Nam Đàn). Bản đồ có chú thích rõ đường đi, gắn với các địa danh như: Cầu Đức, núi


Đao, Quán. Dựa trên bản đồ có thể thấy, con đường bộ đoạn đi qua địa bàn huyện Nam Đàn là một phần của tuyến đường giao thông huyết mạch trong hành trình từ Thăng Long vào đến Chiêm Thành [5].

Sách Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (do Lê Quang Định biên soạn xong năm 1806) cho biết có tuyến đường thủy: Từ bến Lương Trường (nơi thu nộp thuế lương thực) ở cửa Nam trấn thành Nghệ An theo đường thủy đến rạch Hoang Hùy thuộc huyện Nam Đường [49].

Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi rõ: Về đường bộ thuộc phủ Anh Sơn từ huyện Nam Đường đến các xã, huyện, phủ khác có các tuyến đường chủ yếu như sau:

- Một con đường quan báo từ phủ lỵ đi về phía Đông, qua Lương Sơn, Nam Đường, đến cầu Đích huyện Hưng Nguyên rồi đến tỉnh lỵ, dài 86 dặm 51 trượng, rộng 6 thước.

- Một con đường quan báo từ phủ lỵ đi về phía Tây, đến địa giới phủ Tương Dương, dài 51 dặm 13 trượng, rộng 6 thước.

- Một con đường nhỏ từ phủ lỵ đi về phía Nam, đến địa giới huyện Thanh Chương, dài 120 trượng, rộng 4 thước.

- Một đường nhỏ từ phủ lỵ đi về phía Bắc, đến địa giới phủ Diễn Châu, dài 1 dặm 115 trượng, rộng 4 thước [165, tr.1237].

Các tuyến đường bộ lớn nhỏ có chiều rộng 4 - 6 thước, tính theo phép đo chiều dài thời Nguyễn 1 thước = 0,425 m, thì các tuyến đường có chiều rộng từ 1,7 - 2,55 m, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân và các loại hình phương tiện nông nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đàn.

Các tuyến đường quan báo nối liền từ trấn/thành Nghệ An lên huyện lỵ Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Lương Sơn... đây là huyết mạch giao thông đường bộ quan trọng nhất đối với cư dân Nam Đàn ở thế kỷ XIX. Ngoài ra, còn có tuyến đường bộ đi từ xã Thanh Thuỷ (Nam Thanh) qua truông Băng (núi Đại Huệ) đến vùng Trù Ú, Đại Sơn (Đô Lương ngày nay). Từ Xuân Hồ, Xuân Liễu, cư dân Nam Đàn còn vượt truông Hến (thuộc xã Nam Xuân ngày nay) đến vùng Nghi Công, Nghi Kiều (Nghi Lộc). Trong cuộc hành binh thần tốc cuối năm 1788 Hoàng đế Quang Trung và ba quân tướng sĩ đã đi từ Lam Thành, qua Nam Đường vượt truông Hến và truông Băng thẳng tiến ra Bắc [206].


Vùng Đông Liệt, Ngọc Trừng, Trang Ri, Trang Đen... cư dân làng xã còn theo tuyến đường bộ vượt qua dốc Kỳ Lợn đến truông Bồn (xã Nam Hưng ngày nay), đến xã Minh Sơn, Đại Sơn (Đô Lương ngày nay). Riêng cư dân các làng xã ở tổng Bích Triều và tổng Nam Kim có thể đi theo tuyến đường bộ thuộc làng Hoành Sơn, Vạn Lộc qua khe Su đến xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) hoặc tuyến đường bộ từ xã Nam Kim vượt qua thung lũng hẹp thuộc dãy Thiên Nhẫn để đến xã Sơn Hoà, Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) hay con đường bộ nối liền với xã Đức Trường (Đức Thọ) đi lên bến đò Linh Cảm.

Với mật độ phân bố, kích thước độ rộng của các tuyến đường, đường bộ đóng vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển giao thông nội vùng. Liên quan đến giao lưu thương mại, đường bộ giữ vị trí khá khiêm tốn trong vận chuyển hàng hóa bởi sự thô sơ về công cụ chuyên chở, các tiểu thương chủ yếu là gồng gánh, hoặc sử dụng xe thồ đưa hàng hóa ra chợ làng, chợ tổng, huyện trao đổi, mua bán. Trong thời kỳ này, xe ngựa chủ yếu được sử dụng vào chức năng hành chính, quân sự, thông tin liên lạc hơn là kinh tế.

Với điều kiện địa hình độ dốc khá lớn, nhiều sông suối, khe cừ chia cắt ngang dọc, đường bộ không thể tiến hành dài ngày bằng phương tiện vận chuyển thô sơ vì cầu cống hiếm nơi có được, chủ yếu là đò ngang, đò dọc trên sông. Ngoài ra, việc vận chuyển, giao thương hàng hóa trên các tuyến đường bộ còn nhiều nguy cơ bị ách tắc do lũ lụt làm sụt lở đường sá, sự đe dọa của thú dữ hay trộm cướp do sơn tặc thường xuyên xảy ra. Đó là thực tế không chỉ ở Nam Đàn mà còn là tình trạng chung của giao thông đường bộ trên khắp cả nước trong thế kỷ XIX.

Dưới triều Nguyễn, Nhà nước rất quan tâm đến việc đào sông vừa tiện đường thông thương vừa phát triển thủy lợi. Việc tu bổ ghe thuyền trở thành phép nước, được quy định trong Hội điển: “Hàng năm thuyền nào cần đại tu, tiểu tu và quang xãm thì cứ theo Thánh dụ, thượng ty ấy khám cho thực tại thế nào, nói đủ nguyên do tâu lên xin làm”. Dưới thời Tự Đức (1848), để khuyến khích vận tải hàng hóa cho Nhà nước, nhà vua kêu gọi các thuyền buôn chuyển vào ngạch vận tải sẽ được miễn binh dịch, tạp dịch, cấp lương thực cho chủ và các tay chèo [8; tr.18 - 21].

Từ nhiều thế kỷ trước, cư dân ở lưu vực sông Lam đã khai thác triệt để hệ thống sông nhánh, sông phụ của sông Lam như: sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La (Hà


Tĩnh), sông Giăng, sông Cương Gang, sông Hiếu, sông Con... (Nghệ An) để phát triển mạng lưới giao thông đường sông nhằm vận chuyển các loại lâm đặc sản, nông phẩm từ miền ngược đến miền xuôi. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, trấn thành Nghệ An nằm ở Lam Thành - Phù Thạch, do đó cư dân huyện Hưng Nguyên, Nam Đường, Thanh Chương, Đức Thọ, Hương Sơn có nhiều thuận lợi khi khai thác tuyến đường thuỷ dọc sông Lam. Đầu thế kỷ XIX, lỵ sở Nghệ An chuyển về Vĩnh Yên và Yên Trường (Vinh ngày nay), cảng sông Bến Thuỷ, sông Vinh, sông Cửa Tiền, kênh nhà Lê trở thành mạng lưới đường sông phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, giao thương buôn bán, giao lưu văn hoá của cư dân ở trấn/tỉnh Nghệ An. Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn các tổng của huyện Nam Đàn dọc hai bờ tả/hữu sông Lam có các bến đò dọc và đò ngang sau đây: bến đò chợ Liễu nối Tuần La sang Hoành Sơn - Trung Cần, Dương Liễu; bến đò Vạn rú và bến đò rú Gềnh nối liền cư dân các làng, xã ở tổng Lâm Thịnh, tổng Non Liễu với cư dân ở tổng Nam Kim. Bến đò Sa Nam bao gồm đò dọc và đò ngang nối liền huyện lỵ Nam Đàn với các làng xã thuộc tổng Bích Triều (Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ, Vũ Nguyên). Bên cạnh đó, từ bến đò Sa Nam cư dân Nam Đàn còn có thể lên đò Phuống, đò Rộ, đò Giăng ở huyện Thanh Chương, thậm chí lên tận đò Lường ở huyện Lương Sơn. Việc vận chuyển gỗ, tranh, tre, nứa mét và các loại lâm sản, nông sản khác từ Lương Sơn, Thanh Chương về Nam Đàn hết sức thuận lợi. Cư dân các huyện, Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) còn có thể theo dòng sông La sau đó ngược dòng sông Lam đến tất cả các bến đò và chợ trên địa bàn huyện Nam Đàn để buôn bán, trao đổi các loại hàng hoá.

Thậm chí, cư dân các làng xã ven biển từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc còn có thể chở các thuỷ hải sản, muối, nước mắm, sản phẩm nghề gốm, rèn... theo kênh nhà Lê, hoặc men theo dọc bờ biển vào cửa Hội Thống sau đó đi lên cảng sông Bến Thuỷ ngược dòng sông Lam lên tận bến đò Sa Nam để mua bán, trao đổi. Sông Lam trở thành một trong những tuyến đường giao thông thuỷ nối liền cư dân Nam Đàn với cư dân nhiều huyện ở hạ lưu sông Lam.

Lưu thông bằng đường thủy, đặc biệt là việc chuyên chở hàng hóa vào thế kỷ XIX cũng luôn bị đe dọa và thiếu an toàn về nạn cướp biển, bão tố, đá ngầm… Ở Nghệ An, năm 1846 xảy ra vụ đắm thuyền đã nhấn chìm 290 chiếc thuyền là một trong những tổn thất rất lớn [8, tr.21].

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí