thuộc 4 tổng: Lãng Điền, Đô Lương, Thuần Trung, Bạch Hà của huyện Nam Đường đã cắt nhập về huyện Lương Sơn. Sau đợt chia cắt sáp nhập này, huyện Nam Đường chỉ còn lại 4 tổng với 45 làng, xã, thôn, trang, phường, giáp, sở, vạn gồm: Tổng Non Liễu có 20 xã, thôn, giáp; Tổng Lâm Thịnh có 15 xã, thôn, phường, giáp; Tổng Đại Đồng có 6 xã, thôn, giáp; Tổng Hoa Lâm có 5 xã, thôn.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí, có ghi “Huyện Nam Đường: đời Đông Ngô là huyện Đô Giao; đời Đường là đất Hoan Châu; đời Tiền Lê là châu Hoan Đường; thời thuộc Minh là châu Thạch Đường, các huyện Kệ Giang và Sa Nam đều là đất này; đầu đời Lê đổi tên hiện nay; bản triều vẫn theo như thế, năm Gia Long thứ 12 đổi do phủ kiêm lý. Nay lãnh 4 tổng, 45 xã thôn” [154, tr.139].
Đối chiếu với một số nguồn tư liệu khác, số tổng và các đơn vị hành chính làng, xã, thôn, trang, phường, vạn, trang, sách ở huyện Nam Đường từ năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) đến năm 1886, không có nhiều thay đổi. Như vậy, không gian địa giới hành chính của huyện Nam Đường từ năm 1839 đến trước khi đổi tên thành huyện Nam Đàn vì kỵ huý tên vua Đồng Khánh (1886) hoàn toàn nằm dọc theo bờ Tả ngạn sông Lam, tương ứng với các xã, thị hiện tại của huyện Nam Đàn ngày nay.
Căn cứ theo phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài, vị trí huyện Nam Đàn mà chúng tôi khảo sát, nghiên cứu còn có tổng Nam Hoa (Nam Kim) và một số làng xã thuộc tổng Bích Triều thuộc huyện Thanh Chương. Để làm sáng rõ, chúng tôi lấy hai tài liệu dưới đây để so sánh, đối chiếu về các làng xã, thôn, trang, phường, giáp sở thuộc tổng Bích Triều và tổng Nam Hoa (Nam Kim) vốn thuộc huyện Thanh Chương, chuyển về huyện Nam Đàn. Cụ thể:
Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) [215] đầu thế kỷ XIX, huyện Thanh Chương thuộc phủ Đức Quang. Huyện Thanh Chương có 6 tổng, 105 xã, thôn, trang, sách, giáp, sở, vạn, nậu. Trong 19 xã, thôn, vạn, sở thuộc tổng Bích Triều có xã Bích Triều (thôn Triều, thôn Bàng Thị, thôn Cẩm Nang), xã Lâm Triều (thôn Phù Lập, giáp Hà Xá, giáp Phi Nha, giáp Thái Bình), xã Văn Điền (thôn Điền Lao, thôn Thu Cẩm), các làng, xã, giáp này, ngày nay thuộc các xã Thanh Giang, Thanh Xuân, Thanh Lâm... thuộc huyện Thanh Chương, không nằm trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Các xã, thôn, sở, vạn, thuộc tổng Bích Triều gồm: Vũ Nguyên, Chi Cơ, Lương Trường (thôn Trường, thôn Phú Thọ, thôn Vạn Lộc, thôn Đặng Xá, thôn Ngũ Nhược, vạn Võng Nhi Cây Trà, thôn Cây Trà, thôn Lương Giai, sở Lương Trường, Tàm Tang), nằm trong giới hạn không gian nghiên cứu của đề tài. Các xã, thôn, sở, vạn này sau khi cắt chuyển về Nam Đàn (1911) thuộc địa bàn các xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc, đến tháng 6 năm 2020, nhập thành xã Thượng Tân Lộc, nằm ở hữu ngạn sông Lam, dưới chân núi Thiên Nhẫn [215, tr.99 - 100], [78, tr.485 - 487].
Tổng Nam Hoa có 21 xã, thôn, sở: Nam Hoa Thượng (thôn Hoành Sơn, thôn Dương Liễu), Nam Hoa Tứ, Xuân Hoa (thôn Đông Đồn, thôn Trung Hội, thôn Tứ Trành), Tiên Hoa (thôn Xuân Mĩ, thôn Thiên Lộc, thôn Khánh Lộc, thôn Bạch Sơn), Xuân Phúc, Trung Cần, Nam Hoa Đông (thôn Đông Viên, thôn Hoàng Cung, thôn Dương Phổ Đông, thôn Vạn Thọ, thôn Quần Xá, thôn Dương Phố Tứ), sở Nam Hoa, sở Hạ Phú, sở Xuân Lôi [213], [78]. Toàn bộ các thôn, làng, xã, sở, thuộc tổng Nam Hoa (huyện Thanh Chương) ở thế kỷ XIX đều nằm ở phía hữu ngạn sông Lam, dưới chân núi Thiên Nhẫn, chúng tôi xác định trong phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài.
Trong Thanh Chương huyện chí, cho biết thêm: “Trú sở (huyện lỵ) huyện ở phía trên bến đò, xứ đất công (công thổ), thuộc địa phận xã Lương Trường, tổng Bích Triều... Nay phía sau bên trái là núi Thiên Nhẫn, phía trước bên phải là sông Lam, gần đó có chợ Lương Trường và xa ra phía ngoài là trường huyện, bao quanh là dân cư Thanh Trai thưa thớt” [131, tr.37]. Ngoài ra, Thanh Chương huyện chí, còn cho biết cụ thể: đến cuối đời vua Thiệu Trị, đầu đời vua Tự Đức, huyện Thanh Chương có 5 tổng là: Bích Triều, Nam Kim (còn gọi là Nam Hoa), Cát Ngạn, Võ Liệt, Thổ Hào. Toàn huyện có 86 xã, thôn, phường trại. Tổng Bích Triều gồm có 19 xã thôn, trong đó: Xã Lương Trường (thôn Khoa Trường, thôn Phú Thọ, thôn Đặng Xá, thôn Vạn Lộc), thôn Vũ Nguyên, thôn Chi Cơ, thôn Tàm Tang, thôn Ngũ Phúc, Vạn chài Thanh Trai (xưa gọi là vạn Cây Trai, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) đổi thành Vạn Thanh Trai, gồm: thôn Thanh Trai, thôn Lương Giai). Các thôn này chuyển về Nam Đàn, thuộc giới hạn nghiên cứu của đề tài (tương ứng với phần đất xã Nam Tân, Nam Lộc, Nam Thượng, từ tháng 6/2020 nhập thành xã Thượng Tân Lộc).
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 2
- Những Nghiên Cứu Về Kinh Tế Nghệ An Và Huyện Nam Đàn
- Những Kết Quả Nghiên Cứu Được Luận Án Kế Thừa
- Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 6
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Tình Hình Kinh Tế Ở Huyện Nam Đàn Trước Năm 1802
- Tình Hình Sở Hữu, Sử Dụng Ruộng Đất
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
Tổng Nam Kim (nguyên gọi là tổng Nam Hoa, năm đầu Thiệu Trị (1841) vâng mệnh đổi thành Nam Kim), tổng này gồm 22 xã thôn khi chuyển về huyện Nam Đàn tương ứng với phần địa giới hành chính các xã: Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Phúc, Nam Cường, Nam Trung của huyện Nam Đàn. Đến tháng 6 năm 2020, sáp nhập 3 xã Nam Phúc, Nam Trung, Nam Cường thành lập xã Trung Phúc Cường [78, tr.282 - 283].
Theo Danh sách xã thôn Trung Kỳ tài liệu lưu ở thư viện Huế được hai nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao và Trần Thanh Tâm xác định được soạn vào cuối đời vua Duy Tân sang đời vua Đồng Khánh, theo danh sách này địa giới Nam Đàn gồm 4 tổng: Tổng Xuân Liễu: 15 xã thôn; tổng Lâm Thịnh: 30 xã thôn; tổng Xuân Khoa: 16 xã thôn và tổng Nam Kim: 16 xã thôn.
Căn cứ phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đi đến xác định các đơn vị hành chính ở địa phương thuộc huyện Nam Đàn làm đối tượng nghiên cứu gồm các tổng, xã, thôn, phường, giáp, vạn như sau:
Tổng Hoa Lâm gồm 2 xã, thôn: xã Đông Liệt, thôn Đồng Điên.
Tổng Non Liễu gồm 20 xã, thôn, giáp: xã Nghĩa Động, xã Thanh Tuyền, xã Vân Đồn, xã Hương Lãm (thôn Khả Lãm, thôn Đông, thôn Nam, thôn Tạo Lễ), xã Hồng Nhiễm, xã Thịnh Lạc (thôn Trung Lâm, thôn Nhân Hậu, giáp Đồng Nhân, thôn Xuân Lâm, Giáp Hạ), thôn An Lạc, thôn Thượng Hồng, xã Chung Tháp, xã Gia Lạc, xã Yên Lạc, xã Nộn Hồ, xã Nộn Liễu.
Tổng Lâm Thịnh gồm 15 xã, thôn, giáp, vạn: xã Lâm Thịnh, xã Chung Mỹ, xã Chung Cự (giáp Kính Kị, giáp Khoa Cử, thôn Hoàng Trù, thôn Vân Hội, phường Tiểu Ca, thôn Kim Liên, giáp Tính, thôn Ngọc Đình), xã Duyên La, xã Tràng Cát, xã Hữu Biệt, xã Gia Lạc, vạn thủy cơ Duyên La (làng vạn chài trên sông).
Tổng Bích Triều gồm 11 xã, thôn, vạn, sở: thôn Chi Cơ, xã Võ Nguyên, vạn Võng Nhi Cây Trà, thôn Cây Trà, thôn Lương Giai, sở Lương Trường Tàm Tang, xã Lương Trường (thôn Trường, thôn Phú Thọ, thôn Vạn Lộc, thôn Đặng Xá), thôn Ngũ Nhược.
Tổng Nam Kim gồm 16 xã, thôn: xã Tiên Hoa (thôn Khánh Lộc, thôn Xuân Mỹ, thôn Thiên Lộc), xã Xuân Hoa (thôn Đông Đồn, thôn Trung Hội, thôn Tứ Trành), xã Nam Hoa Thượng (thôn Hoành Sơn, thôn Dương Liễu), xã Trung Cần, xã Nam Hoa
Tứ, xã Xuân Phúc, xã Nam Hoa Đông (thôn Đông Viên, thôn Quần Xá, thôn Vạn Thọ, thôn Dương Phổ Tứ, thôn Dương Phổ Đông).
Tổng Phù Long huyện Hưng Nguyên gồm 1 thôn: Thôn Đông Châu (nay thuộc xã Nam Cường).
Từ những trình bày trên cho thấy, phạm vi không gian địa giới hành chính mà đề tài nghiên cứu xác định thuộc địa bàn huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương trong thế kỷ XIX (1802 - 1884) gồm 6 tổng, 65 xã, thôn, làng, trang, phường, vạn, sách, thuộc địa giới hành chính huyện Nam Đàn từ năm 1911. Dĩ nhiên, từ năm 1911 đến năm 2020, tên gọi, địa giới hành chính các làng xã, thuộc huyện Nam Đàn có nhiều lần thay đổi, nhưng ranh giới tự nhiên giữa huyện Nam Đàn với huyện Thanh Chương ở phía Tây và Tây Nam, huyện Đô Lương ở phía Tây Bắc, huyện Nghi Lộc ở phía Bắc, huyện Hưng Nguyên ở phía Đông và Đông Nam, huyện Đức Thọ ở phía Nam đều ổn định. Địa giới hành chính đó tương xứng với vị trị địa lý huyện Nam Đàn mà chúng tôi trình bày ở trên [78].
2.2. Điều kiện tự nhiên
2.2.1. Vị trí địa lý
Huyện Nam Đàn ngày nay nằm ở hạ lưu sông Lam, có vị trí địa lý kéo dài từ 18034′ đến 18047′ vĩ độ Bắc và trải rộng từ 105024′ đến 1050 37′ kinh độ Đông. Phía Đông giáp huyện Hưng Nguyên, phía Đông Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Thanh Chương, phía Tây Bắc giáp huyện Đô Lương, phía Nam giáp huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích tự nhiên 294,3 km², phần lớn nằm ở tả ngạn sông Lam và một phần ở hữu ngạn sông Lam, trong đó 48% đất nông nghiệp, còn lại là đất lâm nghiệp và đồi núi [206, tr.6].
2.2.2. Địa hình, đất đai
Huyện Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam, có địa hình nửa đồng bằng nửa đồi núi, diện tích đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố rải rác hầu khắp các làng xã, thường bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông ngòi, ao hồ. Các kiến trúc tân kiến tạo trong quá trình phát triển địa chất lâu dài đã tạo nên lãnh thổ của huyện có hướng nghiêng từ phương Tây Bắc xuống Đông Nam với dạng địa hình có hình thái thay đổi từ Tây sang Đông, trong đó: trung du đồi núi tập trung ở phía Tây, phía Tây Bắc còn đồng bằng chủ yếu ở phía Đông và phía Nam. Tuy nhiên, ở một số làng như: Kim Liên, Chung
Cự, Hữu Biệt, Yên Lạc, Đa Lạc, Hùng Nhẫn... vẫn có nhiều đồi núi xen lẫn giữa vùng đồng bằng như Chung sơn, Tán sơn, Nhuệ sơn... và cả một phần dãy Đại Huệ.
Theo nghiên cứu của Hippolyte Le Breton trong sách An Tĩnh Cổ Lục ghi rằng: Lịch sử cấu tạo về địa chất, mặt địa chất gần đây của “thung lũng sông Lam” lại càng làm cho chúng ta hiểu thêm về thời kỳ xa xưa của thung lũng này. Vào thời đệ tứ kỷ, biển ăn sâu vào tận chân các ngọn núi cuối cùng của dãy núi lớn lúc đó nước sông Lam bao phủ mênh mông cả bốn “xứ”. Tiếp đến một thời kỳ lục địa nổi lên. Sau lúc xảy ra hiện tượng đó, xuất hiện các bãi bồi, dấu vết của “lòng sông đầy”, ngày nay đã biến thành ruộng lúa, và sông Lam đã đổi dòng về phía dưới. Hệ thống thủy đạo bị giải thể, nhưng các dấu tích của lòng sông cạn cũ của sông Lam ngày nay còn biểu hiện bởi các “lòng sông chết” đã biến thành ao hồ. Trong tất cả các lòng sông chết ấy, đáng chú ý hơn cả là “Xuân Hồ” (hồ của mùa xuân” (Hình CXXII ở trên), một trong những làng ven sông ngày nay vẫn còn mang tên ấy: Xuân Liễu [99, tr.152 - 153].
Vùng phía Tây và Tây Bắc, chủ yếu là địa hình bán sơn địa, rừng núi xen lẫn với các thung lũng đồng bằng. Núi đồi ở vùng này hầu hết có độ dốc lớn, từ 350 - 400 và bị xói mòn nặng, nền đất bị rửa trôi chỉ còn lại sỏi đá nên thảm thực vật ở đây chỉ có loại cây bụi nhỏ và rất ít động vật. Khoáng sản tuy có các loại như: sắt, đồng, măng gan... song trữ lượng và chất lượng thấp, giá trị công nghiệp không cao. Trong diện tích bán sơn địa, phần đất chiếm tỷ lệ không nhiều, bị phủ dày sỏi đá, nghèo chất mùn và chất hữu cơ, thung lũng đồng bằng vì gián tiếp với đồi núi nên bị chia cắt nhỏ, tỷ lệ đất sét cao. Quá trình đá ong hoá diễn ra từ hàng vạn năm trước tạo nên những mỏ đá ong thuộc địa bàn các làng xã như: Đông Liệt, Ngọc Trừng, Trang Đen, Trang Ri, Thanh Thuỷ... Nổi tiếng nhất là mỏ đá ong làng Kiền (Thanh Thuỷ nay thuộc xã Nam Thanh, dưới triều Minh Mệnh từ năm 1830 - 1832, đã cung cấp hàng vạn tảng đá ong làm nguyên liệu chủ yếu để xây dựng thành Nghệ An [97].
Vùng phía Đông và Đông Nam, nằm ở hạ lưu sông Lam nên đất đai khá màu mỡ. Phía tả ngạn và hữu ngạn sông Lam chủ yếu là đất bãi bồi, hình thành bởi phù sa sông Lam, nên thổ nhưỡng ở đây chủ yếu là cát pha đất sét, hàm lượng mùn khá cao, thích nghi với nhiều loại cây trồng, nhất là lúa, ngô, lạc, đậu... So với vùng tả ngạn, phía hữu ngạn sông Lam có địa hình thấp hơn nên khu vực này thường xuyên bị ngập úng về mùa mưa lũ khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đặc thù về địa hình đất đai huyện Nam Đàn được chia thành 2 nhóm: đất phù sa do sông Lam bồi đắp, đất sét và đất Feralit.
Nhóm đất do phù sa bồi đắp và đất sét: Đây là nhóm đất có ý nghĩa quan trọng chiếm khoảng 40% diện tích trong thổ nhưỡng ở Nam Đàn, gồm có ba nhóm nhỏ là: đất phù sa, đất nâu vàng và đất lúa ở vùng đồi núi, trong đó đáng kể nhất là đất phù sa. Các cánh đồng ở Xuân Hồ, Xuân Liễu, Chung Tháp, Đa Lạc, Yên Lạc, Hữu Biệt, Kim Liên, Hồng Nhiễm, Tự Trì… thuộc nhóm đất phù sa bồi đắp, đất sét, rất thích hợp cho việc canh tác lúa mùa và màu.
Nhóm đất Feralit: chiếm khoảng 60% trong diện tích thổ nhưỡng, đất này tập trung ở các làng, xã như: Ngọc Trừng, Đông Liệt, Trang Đen, Trang Ri, Diên Lãm, Khả Lãm, Xuân Hồ, Xuân Liễu, Thanh Thuỷ, Diên Lãm… tóm lại là các xã có diện tích đất phân bố dọc các sườn đồi núi. Nó có các nhóm nhỏ: như đất feralit đỏ vàng, đất xói mòn trơ sỏi đá, đất màu vàng trên núi… những loại đất này thích hợp với trồng cây ăn quả, cây chè, cây sắn [78, tr.28].
Với địa hình, đất đai gồm hai nhóm đất để trồng lúa, các loại cây lương thực, khai thác thủy sản, trồng cây ăn quả, sắn, chè... cư dân Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884, nối đời kế tục trong lao động sản xuất, phát huy các giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại từ ngàn xưa.
Liên quan đến địa hình đất đai ở một số làng xã thuộc tổng Bích Triều và toàn bộ các thôn, trang, phường, giáp, vạn thuộc tổng Nam Kim nằm dưới chân núi phía Bắc dãy Thiên Nhẫn ngoảnh mặt ra sông Lam. Đất đai ở đây bao gồm đất phù sa do sông Lam bồi tụ, những hồ (bàu) ngập nước quanh năm và phần đất đai feralit phân bố dọc theo dãy Thiên Nhẫn. Có thể nói các cánh đồng ở Phúc Trung Cường, Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn, Nam Kim (ngày nay) phần lớn là đất phù sa của sông Lam. Từ nhiều thế kỷ trước, các thế hệ cư dân ở Nam Đường đã khai thác vùng đất phù sa dọc bờ hữu sông Lam (từ làng Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ đến làng Hoành Sơn, Trung Cần...) để trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, hay trồng lúa và các loại hoa màu khác. Tuy nhiên, thành quả lao động mà cư dân làng xã ở bờ hữu sông Lam thuộc địa giới hành chính huyện Nam Đàn mà chúng tôi nghiên cứu có thể bị lũ lụt cuốn trôi bất cứ lúc nào vì chính sách không đắp đê ngăn lũ từ thời Lê sơ đến thời nhà Nguyễn.
Riêng phần đất dọc theo sườn dãy Thiên Nhẫn được cư dân làng xã Nam Kim, Hoành Sơn, Vạn Lộc, Khoa Trường, Chi Cơ… cư dân dùng đá núi chèn ghép thành các bậc theo hình vòng cung để trồng chè, chanh, cam, ngô, khoai, kê...
Do ảnh hưởng của yếu tố địa hình, sự thay đổi dòng chảy liên tục của sông Lam trong nhiều thế kỷ trước, các biến cố về địa chất, cùng quá trình khai hoang, đắp đê của cư dân bản địa, tạo nên đặc điểm dễ nhận thấy của đồng ruộng Nam Đàn là: ruộng đồng canh tác chỗ thấp, chỗ cao; có nơi đất đai bằng phẳng màu mỡ, cũng có nơi chật hẹp bị chia cắt bởi các gò, đồi. Khắp vùng đồng bằng thuộc địa bàn huyện Nam Đàn không có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, trên cùng một cánh đồng cư dân làng xã có thể canh tác nhiều loại hoa màu khác nhau, có rất ít diện tích ruộng chuyên canh trồng duy nhất một loại hoa màu, cho nên nông sản thu hoạch được của nông dân trong làng xã dù không đạt năng suất cao, nhưng sản phẩm rất đa dạng, phong phú đáp ứng các nhu cầu trong đời sống của cư dân trong địa bàn.
Như vậy, khác với các huyện giáp ranh như Hưng Nguyên ở phía Đông, Đức Thọ ở phía Nam, Nghi Lộc, Diễn Châu ở phía Bắc là những vùng có diện tích đồng bằng với xứ đồng rộng lớn, ruộng đất của đồng bằng ở huyện Nam Đàn ngoài diện tích của các xứ đồng canh tác lúa nước còn xen lẫn nhiều đầm, đìa, ao, hồ, các vùng gò đồi, bán sơn địa... với các đặc điểm khác nhau về độ cao, khả năng canh tác, chất đất.
Khái quát về địa hình, đất đai ở huyện Nam Đàn Lịch triều hiến chương loại chí, phần Dư địa chí (Quyển 2 nói về sự khác nhau về phong thổ các đạo), sử gia Phan Huy Chú nhắc đến địa danh huyện Nam Đường (Nam Đàn) thuộc phủ Anh Đô ở về miền thượng du, tiếp giáp với huyện Thanh Chương. Huyện Hưng Nguyên đất ở miền dưới, phía Nam giáp huyện Thiên Lộc [20, tr.82]. Huyện Nam Đường (Nam Đàn) được ông ca ngợi là đất “Cổ tích, thần thiêng” với Miếu Tam Tòa, đền Hắc Đế, cửa ải Khả Lưu, núi Hồ Cương đều là di tích của các triều đại trước đó, về phong cảnh có núi Hải Thủy, Sài Sơn, Am Sơn, Viện Sơn... cảnh trí thanh u tao nhã, là đất đáng xem thời bấy giờ. Đặc biệt, ở cụm Nam Kim (Nam Hoa) bên hữu ngạn sông Lam và dưới chân núi Thiên Nhẫn, bốn làng gồm Đông Sơn, Hoành Sơn, Dương Liễu, Trung Cần đều có đình làng được ghi vào thư tịch cổ, đây là những công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tinh xảo, chứng minh cho bề dày phát triển về văn hóa, thẩm mỹ, vật chất và tinh thần của cư dân vùng lưu vực sông Lam nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng.
2.2.3. Khí hậu
Là một huyện của tỉnh Nghệ An, Nam Đàn nằm chung trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống thời tiết. Theo thống kê hàng năm,
tổng bức xạ nhiệt ở Nam Đàn là 138,4 kcal/cm²/năm, cán cân bức xạ là 87,3 kcal/cm²/năm, số giờ nắng trung bình năm là 1637 giờ, chế độ nhiệt trung bình năm là 23,9°C. Khí hậu huyện Nam Đàn được chia thành hai mùa rõ rệt:
Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10 dương lịch, mùa này nhiệt độ trung bình là 25°C, thời điểm nóng nhất là tháng 7. Đây cũng là thời gian gió phơn Tây Nam (còn gọi là gió Lào) từ vịnh Băng Gan vượt Trường Sơn mang theo khí nóng, khô làm cho nhiệt độ nắng nóng lên tới hơn 40°C. Mùa nóng thường có hạn hán, có những năm hạn hán kéo dài ba tháng, thậm chí có năm kéo dài sáu đến bảy tháng liền. Trong những ngày hè, gió Lào thổi mạnh cả ngày lẫn đêm khiến cho cỏ cây khô héo, ruộng đồng nứt nẻ, sau mỗi đợt như vậy thường 5 đến 10 ngày… lại có những trận giông đột ngột làm hạ nền nhiệt, dịu sức nóng, nước chảy lênh láng lại làm bào mòn đi mùn đất, mùn lá do sức gió trước đó cày lên khiến cho đất đai thêm cằn cỗi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp [78, tr.25 - 26].
Hàng năm, thường từ tháng 7 đến tháng 9 ở Nghệ An hay có bão, với vị trí được xem là đất trung tâm xứ Nghệ, Nam Đàn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão. Bão thường có cường độ mạnh, một năm có một đến hai cơn, có những năm ba đến bốn cơn nối tiếp nhau, kèm với bão là lũ lụt làm cho nước sông Lam dâng tràn mênh mông, làm ngập úng hoa màu, vỡ đê kè cuốn phăng nhiều xóm làng, nhà cửa. Một số làng xã ở vùng hữu ngạn thuộc tổng Nam Hoa (Nam Kim) cũ như làng: Dương Liễu, Hoành Sơn, Trung Cần… hay ở Thịnh Lạc (xã Hùng Tiến), Xuân La (xã Xuân Lâm) ở vùng tả ngạn sông Lam thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ của lũ lụt bất thường. Vào mùa hè, nhiều khi đang giữa tiết khí khô hạn, lốc xoáy kèm theo mưa đá lại đột ngột nổi lên làm tung bay nhà cửa, tan nát cả vật dụng và hoa màu gây nhiều khó khăn cho cư dân bản địa [78, tr.26].
Mùa lạnh ở Nam Đàn nói riêng, toàn xứ Nghệ nói chung, thường đến muộn hơn so với vùng khác với thời gian kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau. Vào giữa chu kỳ của mùa lạnh, nhiệt độ trung bình từ 18 - 20°C, ngày thấp nhất khoảng 6°C. Trong những tháng mùa đông, trời thường nhiều mây và sương mù bởi gió mùa Đông Bắc (do áp suất thấp ở vùng Xi-bê-ri) tràn qua Thái Bình Dương mang theo nhiều hơi nước khi vào địa phận huyện Nam Đàn bị chặn bởi các đỉnh núi thuộc dãy Đại Huệ, Hùng Sơn, Thiên Nhẫn, điều này làm xuất hiện thêm hiện tượng