Bối Cảnh Lịch Sử Và Tình Hình Kinh Tế Ở Huyện Nam Đàn Trước Năm 1802‌


Tóm lại, trong thế kỷ XIX hệ thống giao thông ở nước ta nói chung, Nghệ An, Nam Đàn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo mối liên kết hạ tầng Nông - Công - Thương. Đường thủy đóng vai trò chủ lực trong vận tải dân dụng, đường bộ đóng vai trò quan trọng liên kết giao thông phục vụ chức năng hành chính, quân sự, thông tin liên lạc vùng miền và nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân.

2.3. Bối cảnh lịch sử và tình hình kinh tế ở huyện Nam Đàn trước năm 1802‌

Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra ở thế kỷ XVI đã đẩy đại bộ phận cư dân làng xã ở Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng vào vòng xoáy của cuộc nội chiến. Nghệ An, Nam Đàn nhiều lần trở thành bãi chiến trường trong các cuộc giao tranh khốc liệt kéo dài. Trong sách Thanh Chương huyện chí, Bùi Dương Lịch có ghi rằng: Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (còn có tên gọi khác là Nguyễn Cảnh Mô), Lai quận công Phan Công Tích, cùng nhiều tướng lĩnh khác chiêu tập dân binh ở Nghệ An, trong cuộc chiến với Mạc tướng Thạch quận công Nguyễn Quyện (1575) đã lấy vùng đất ở Thanh Thủy, Nam Đường làm nơi đồn trú, vùng tả ngạn sông Lam đi qua huyện Nam Đường cùng với các địa điểm rào Gang, rú Nguộc là nơi giao tranh của các tập đoàn phong kiến [118, tr.109]. Cuộc chiến giữa lực lượng thân nhà Mạc với lực lượng trung thành với vua Lê - chúa Trịnh trên đất Nghệ An kết thúc, nhưng hậu quả do cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ấy để lại cho cư dân làng xã ở Nghệ An hết sức nặng nề. Khắp nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, làng mạc điêu tàn, ruộng đất bị bỏ hoang, dân cư làng xã buộc phải bỏ nhà cửa phiêu tán khắp nơi để tránh nạn binh đao khói lửa, nền kinh tế rơi vào tình trạng đình đốn. Theo Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký toàn thư: “Các huyện, đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch tễ lại phát sinh, người chết đói đến gần nửa. Dân phiêu tán hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu, vắng tanh” [109, tr.262].

Từ thế kỷ XVII, cuộc nội chiến giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của toàn bộ cư dân Đàng trong và Đàng ngoài. Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành bãi chiến trường trong bảy lần giao tranh khốc liệt giữa quân đội của các chúa Nguyễn và quân đội của chính quyền Lê - Trịnh. Cư dân làng xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh phiêu tán hoặc bị bắt đưa vào Đàng trong (trường


hợp gia tộc của anh em Tây Sơn ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên) đã minh chứng cho điều đó). Trong bối cảnh đó, kinh tế ở Nghệ An, Nam Đàn sa sút. Việc quản lý đất đai vượt ra ngoài khả năng của chính quyền Lê - Trịnh. Tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang hoặc ngập lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra. Bộ máy quan lại địa phương cấu kết với nhau chiếm đoạt mua bán ruộng đất công của làng xã. Nông dân ở Nghệ An, Nam Đàn bị đẩy vào tình cảnh điêu đứng, liên tục vùng dậy khởi nghĩa hoặc ủng hộ Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật... chống lại chính quyền Lê - Trịnh. Theo Đại Việt sử ký tục biên cho biết: Tháng 6 năm 1705, bấy giờ Thanh, Nghệ luôn năm mất mùa đói kém, lính phần nhiều trốn và thiếu không bổ sung được. Chúa Trịnh Căn sai phụ thần họp bàn về việc nên đối xử khoan hòa hay cứng rắn. Bọn Tham tụng Nguyễn Quán Nho cho rằng dân tình ai cũng tránh nặng cầu nhẹ, nơi phiêu tán thì ương bướng, nơi giàu có thì che giấu. Nếu thảy đều giảm ngạch thì chỉ làm lợi rộng rãi cho hương thôn, nếu thảy đều cho hoãn kỳ hạn thì họ sẽ đua nhau kêu là nghèo khổ. Nay xin ra lệnh cho những nơi có lính trốn, đặt trách nhiệm cho các viên thổ mục cùng lĩnh ở Kinh phải dẫn người đến thế (những lính trốn), nếu không thay thế được thì ủy cho trấn quan đòi bắt. Xin đình chỉ ngay cái lệ cho binh phiên bắt bớ để giảm phiền phí [29, tr.57].

Sách Lịch triều tạp kỷ có ghi rằng: Tháng 3 năm Ất Mùi, năm (Vĩnh Thịnh) thứ 11 (1715), Phủ liêu bàn rằng: xứ Nghệ An có dịch bệnh lưu hành, nhân dân phần nhiều bị đau khổ. Chính là lúc nên thăm viếng, lo lắng, cầu đảo cho dân. (Chúa Trịnh) bèn truyền các quan hai ty Thừa chính và Hiến sát chọn lấy chỗ đất sạch, lập đàn thờ, trích tiền công, mua sắm lễ vật... tế chung các thần linh thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng ở xứ Nghệ An để cầu thần phù hộ cho dân [94, tr.199 - 200].

Chính sự sa sút về kinh tế, khủng hoảng về chính trị - xã hội đã tạo điều kiện cho quan lại, cường hào ra sức cướp đoạt ruộng đất, bóc lột dân nghèo. Ruộng đất tư trên đà phát triển mạnh. Nhiều chủ sở hữu có đến hàng chục héc ta ruộng đất. Trong khi đó, đa phần nông dân mất ruộng, rơi vào cảnh đói kém liên miên, phải bán vợ, bán con hoặc đem thân đi ở đợ để sống qua ngày. Bên cạnh đó, sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, còn cho biết thêm: Thôn có 9 mẫu đất thì 7 mẫu bỏ hóa, có 118 mẫu ruộng thì 112 mẫu ruộng bỏ hóa và ruộng mạ. Tình trạng ruộng đất hoang hóa, xóm làng tiêu điều, nông dân đói khổ, phải bỏ làng đi phiêu tán khắp nơi ngày càng phổ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

biến. “Chỉ có các huyện Nam Đường, Thanh Chương và Hưng Nguyên ở vùng bãi ven sông thường trồng ngô để bổ cứu sự thiếu hụt đó. Những huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Chân Lộc, nhiều đất xốp, thường dành một nửa đất để trồng khoai ăn độn…” [106, tr.220].

Cuối thế kỷ XVIII, khủng hoảng kinh tế, chính trị - xã hội ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đến đỉnh điểm. Năm 1771, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, nhanh chóng lật đổ nền thống trị của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc, lật đổ nền thống trị của họ Trịnh, kết tình thông gia với nhà Lê. Năm 1788 - 1789, cả dân tộc phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Mãn Thanh. Từ năm 1789 đến năm 1792, Hoàng đế Quang Trung thực thi nhiều chính sách nhằm phục dựng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội từ Phú Xuân trở ra Bắc. Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế Quang Trung mất (1792) vương triều Tây Sơn lún sâu vào khủng hoảng và sụp đổ (1801). Trong bối cảnh đó, kinh tế ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng không có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng bao chiếm, mua bán ruộng đất công của làng xã hay tình trạng cư dân làng xã đói kém phiêu tán trở nên phổ biến. Quan lại, địa chủ và những người giàu có ở làng xã câu kết với nhau chiếm hữu đất đai, đẩy nông dân Nghệ An, Nam Đàn vào tình cảnh khốn cùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn.

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 7

Như vậy, đến trước năm 1802, kinh tế nông nghiệp lỗi thời và lạc hậu vẫn bao trùm lên toàn bộ làng xã ở Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng. Quan lại địa phương và những người có thế lực ở làng xã nắm quyền sở hữu đất đai. Tiểu thủ công nghiệp vẫn chỉ có quy mô nhỏ trong làng xã, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân trong vùng. Hoạt động buôn bán trao đổi hàng hoá chủ yếu diễn ra ở hệ thống các chợ từ làng xã đến phủ, huyện.

2.4. Những chính sách, biện pháp của nhà Nguyễn thực thi ảnh hưởng đến kinh tế Nghệ An, huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884‌

2.4.1. Đối với nông nghiệp‌

Năm 1802, sau khi giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lập đàn hợp tế trời đất cáo việc đặt niên hiệu Gia Long (tháng 5 năm 1802), đại xá thiên hạ, xác lập vai trò của vương triều Nguyễn đối với lịch sử dân tộc


[135; tr.491]. Nhà Nguyễn lên nắm quyền trong điều kiện đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng kinh tế nước ta bị giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là nông nghiệp.

Nông nghiệp rơi vào tình trạng đất đai hoang hoá nhiều, thuỷ lợi không được củng cố, từ làng xã đến trấn/tỉnh dân tình bỏ quê phiêu tán, tha phương cầu thực khắp nơi. Ở Bắc thành, theo lời tâu của quan lại cho hay: “Bắc hà trải qua loạn lạc, dân nhiều người phiêu tán. Binh có thiếu ngạch thì quan thường bắt làng lân cận cấp thế. Vì thế ruộng đất của dân phiêu tán bị làng lân cận chiếm lấy để bù lại” [170, tr.81]. Tình trạng kiện tụng về sở hữu ruộng đất nổi lên, xã hội bất ổn. Năm 1809, quan Bắc thành tâu: “Gần đây, kiện tụng ngày càng nhiều, tài lực ngày càng hao, trăm họ nhôn nhao không được yên nghiệp… tệ hại trăm mối, dân không chịu nổi, kẻ giàu không giữ được của, kẻ nghèo phần nhiều lưu vong, khiến những lũ bất bình mà phiến loạn” [170, tr.81].

Năm 1802, Gia Long lệnh cho Bắc thành đến Nghệ An làm lại sổ ruộng, sau đó quy định: “Phàm ruộng đất của dân phiêu tán, quan sở tại phải lập ranh giới rõ ràng, chia cấp cho quan quân cày cấy mà được thu thuế, làng lân cận không được cày cấy. Ai đã trót cày cấy rồi thì tạm thời chiếu theo hạng ruộng công tư mà thu thuế trước… Khi dân phiêu tán trở về thì đem những ruộng đất ấy cấp trả, thu thuế như lệ”. Năm 1805, vua xuống chiếu: Từ Nghệ An ra Bắc, ruộng đất của lưu dân từ năm Nhâm Tuất (1802) về trước đã cho quan quân cày cấy rồi thì nay đình bãi, để đợi dân lưu trở về lại cho quản nhận làm ăn, tha thuế, tha lính 3 năm” [156, tr.631].

Năm 1807, Gia Long dụ rằng: “Gần đây, nghe thấy các nhà và những ấp xung quanh còn kẻ chiếm canh đất của dân xiêu dạt, che dấu lẫn nhau, khiến dân xiêu dạt sinh lòng lo sợ, nhiều người chưa dám về”. Trong bối cảnh đó, trấn/tỉnh Nghệ An nơi chịu nhiều tổn thất sau cuộc nội, nơi đây đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra thì tình trạng dân cư phiêu tán, đất đai bị bỏ hoang càng nghiêm trọng. Năm 1819, Lê Văn Duyệt dâng sớ: “Dân Nghệ An điêu hao quá lắm… Một cõi Nghệ An, thổ phỉ tuy đã quét sách, mà dân cũng còn nhiều người xiêu tán” [135, tr.984]. Năm 1820, đốc trấn Nghệ An tâu: “Dân trong hạt xiêu tán cộng 63 thôn, gần đây có người đã trở về, mười phần được một, hai phần”. Đến cuối những năm 1830 thời Minh Mệnh, ruộng đất bỏ hoang lên tới 1.314.927 mẫu [171, tr.445].


Bên cạnh việc khuyến khích nhân dân tự phục hoá ruộng đất bỏ hoang trong làng xã, triều Nguyễn còn thi hành nhiều chính sách khuyến khích nhân dân tự động tổ chức khai hoang theo nhiều phương thức khác nhau nhằm mở rộng thêm diện tích canh tác. Theo quy định năm 1830, “ruộng công bị bỏ hoang thì cho dân xã cùng khai khẩn, ruộng tư bỏ hoang thì chủ ruộng tự khai lấy”. Cho phép người có khả năng trưng ruộng hoang. Triều đình còn qui định rõ hơn: “Nếu có ruộng mà ẩn lậu không khai, người khác khẩn trưng thì người khẩn trưng sẽ được ruộng” hoặc “ruộng bỏ hoang tất phải do dân xã không có sức khai khẩn được mới cho người xã khác khẩn canh, nếu dân này lưu tán mà dân khác cày cấy để nộp thuế thì cho các tổng làm sổ thay” [158]. Ngoài ra còn sử dụng các lực lượng như tù phạm vào mục đích khai hoang, tổ chức các hình thức như đồn điền, doanh điền nhằm khai hoang những vùng đất mới. Tuy nhiên, ở Nghệ An các đồn điền chỉ mang tính chất như các đồn sơn phòng, chủ yếu là để đảm bảo an ninh.

Dưới triều Nguyễn, để tiện cho việc quản lý đất đai, thu thuế, nhà Nguyễn đã tiến hành hành khám đạc, phân loại ruộng đất, định mức thuế các loại trên phạm vi cả nước từ năm 1802 dưới thời vua Gia Long. Đối với Nghệ An và một số tỉnh Bắc Trung Bộ, năm 1830, vua Minh Mệnh dụ rằng: “Đất lấy sổ làm căn cứ, là để tỏ tình thực mà trừ gian dối” rồi theo lời bàn của bộ Hộ cho ba trấn Thanh, Nghệ và Ninh Bình làm địa bạ, để sang năm thi hành ở Nghệ An nói riêng [158, tr.74 - 75]. Riêng huyện Nam Đàn, chúng tôi đã tập hợp được 40 địa bạ thuộc 6 tổng, 65 làng xã, trang, phường, giáp, vạn, sở trong không gian địa giới hành chính mà đề tài xác định. Các địa bạ này chủ yếu được lập dưới thời Minh Mệnh giai đoạn từ năm 1832 đến năm 1836 sau dụ vua ban (1830).

Đối với nông nghiệp, việc trị thủy và thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chống lũ lụt triều cường đóng vai trò rất quan trọng. Ở Nghệ An, theo Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký, đầu triều Nguyễn không thực hiện chính sách đắp đê, ngăn lũ lụt ở đôi bờ sông Lam, sông La các làng xã ven biển để ngăn nạn triều dâng. “Xứ Nghệ An, gần núi, giáp biển, đất đai sỏi sạn, cằn cỗi lại không có mấy nơi bằng phẳng, rộng rãi nên từ xưa không có chính sách đắp đê” [106, tr.129]. Cho đến thời Tự Đức, vì nhiều nguyên nhân khác nhau chính sách không đắp đê vẫn được duy trì. Do đó, ở Nghệ An suốt thế kỷ XIX ghi nhận rất nhiều trận lũ lụt, không ít làng mạc, ruộng đất, lúa, hoa màu... dọc đôi bờ tả hữu sông Lam thường xuyên bị nước lũ cuốn trôi, cư dân làng xã Nam Đàn cũng nằm trong bối cảnh chung đó.


2.4.2. Đối với thủ công nghiêp, thương nghiệp‌

Dưới triều Nguyễn, chính sách đối với thủ công nghiệp chủ yếu tập trung ở chế độ công tượng và chế độ biệt nạp. Đây là một loại hình có tổ chức quy mô lớn cùng một chế độ quản lý chặt chẽ nhất nhằm tái thiết đất nước sau những năm tháng chiến tranh. Các tượng cục có quy mô lớn với các công xưởng quan trọng như đúc tiền, đúc súng và đóng tàu chủ yếu tập trung nơi trung tâm do triều đình dành quyền quản lý. Ban đầu các công xưởng của nhà nước được giao cho vũ khố (cơ quan quản lý kho tàng của nhà nước) trông coi. Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829) Bộ Công trực tiếp quản lý. Để có nguồn lao động trong các công xưởng, nhà Nguyễn đã tiến hành trưng dụng thợ thủ công có tay nghề từ các địa phương trên khắp cả nước, tập trung về các công trường ở kinh đô, chịu sự quản lý của các đơn vị quản lý gọi là Tượng cục, thợ làm việc trong tượng cục gọi là công tượng. Thợ được triệu tập về kinh được cấp phát lương, miễn giảm các loại thuế. Tùy vào công việc trong công xưởng mà hàng năm cứ tháng Chạp, được ước lượng số thợ cần dùng, để những người này đến tháng Giêng được triệu tập, kể từ tháng 7 trở đi, tùy công việc còn nhiều hay ít mà các ty tượng (người quản lý thợ) giảm bớt số thợ cho về nguyên quán [2, tr.171].

Trong thế kỷ XIX, nhà nước thông qua các tượng cục ở địa phương gián tiếp khai thác sức lao động của thợ thủ công tự do và nửa tự do ở các tỉnh thành, làng xã bằng chế độ biệt nạp. Đây là loại thuế đánh vào các thợ thủ công chuyên nghiệp ở địa phương và ngày càng trở thành nguồn thu lớn của nhà nước. Mỗi năm, người thợ phải nộp cho nhà nước một số sản phẩm nhất định (có khi thay bằng tiền). Các tượng cục ở địa phương là tổ chức của những người thợ thủ công chuyên nghiệp ở tỉnh, thành hay các làng nghề. Nó hoàn toàn khác với các tượng cục được thành lập trong các công xưởng nhà nước. Chế độ biệt nạp chủ yếu là đặt lệ thuế sản phẩm, hình thức thu tùy theo từng địa phương nhưng nhìn chung khá nặng nề, tùy tiện. Ngoài ra, các thợ thủ công còn phải chịu gánh nặng lệ tiến cống và việc thu mua của nhà nước đối với các sản phẩm do thợ làm ra với giá rẻ hơn so với thị trường. Chính điều này đã gây nên những tác động tiêu cực đến sự phát triển của thủ công nghiệp ở các địa phương trong thế kỷ XIX.

Theo ghi chép của Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký, Nghi Xuân phong thổ ký; Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam nhất thống chí; Nguyễn Điển trong Thanh Chương huyện chí... suốt thế kỷ XIX ở Nghệ An và Hà Tĩnh các nghề thủ công truyền


thống chỉ có quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, công nhân sử dụng không phải là thuê mướn, mà là nhân công của gia đình [2, tr.159]. Mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất, các sản phẩm làm ra như: vải, chiếu, nông cụ, dụng cụ, gạch ngói, gốm, đồ đan lát mây, tre... chủ yếu được trao đổi ở chợ làng, xã, phủ, huyện; không có sản phẩm có giá trị để trao đổi với bên ngoài. Thực tiễn đó cho thấy, trong nền kinh tế tự nhiên ở nửa đầu thế kỷ XIX, đại bộ phận nông dân làng xã nói chung, ở Nghệ An nói riêng vẫn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động thủ công nghiệp là hoạt động phụ, bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp.

Nhà Nguyễn thực thi chính sách trọng nông, không chú trọng phát triển thương nghiệp buôn bán nhất là hoạt động buôn bán với thương nhân đến từ các nước phương Tây. Ức chế thương nghiệp không chỉ là quan niệm thông thường, mà là một chủ trương nhất quán của Nhà nước. Minh Mệnh cho là “việc đặt thuế quan tân là để trọng nông ức thương, không thể bỏ được”. Còn Thiệu Trị phân tích: “Những việc thuần ty hay bến đò, sở dĩ đặt ra là nguyên nhân vì tiểu dân hay bỏ việc gốc theo việc ngọn, cho nên định ra phép thuế quan để bảo cho dân phải hạn chế việc buôn bán mà trọng việc làm ruộng” [8, tr.54]. Do đó, ở Nghệ An tuy có cảng Hội Thống (Cửa Hội), các cửa sông, cửa biển như: Lạch Quèn (Cờn), cửa Hiền, cửa Sót, cửa Nhượng, nhưng suốt thế kỷ XIX hoạt động giao thương buôn bán không mấy phát triển. Hệ thống chợ trấn/tỉnh, các phủ, huyện, làng, xã chỉ là nơi trao đổi buôn bán các loại hàng hoá nông sản, lâm đặc sản, một số sản phẩm của các nghề thủ công truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của cư dân làng xã. Hoạt động thương nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đàn cũng nằm trong bối cảnh chung đó.

2.4.3. Một số chính sách khác‌

Năm 1803, Gia Long thực hiện chuyến Bắc tuần lần thứ nhất để nhận sắc phong của nhà Thanh và ổn định tình hình Bắc Hà, trong chuyến đi này nhà vua có nghỉ lại ở hành dinh trấn Nghệ An. Đến tháng 5 năm 1804, Gia Long xuống chiếu dời trấn thành Nghệ An đi nơi khác (lỵ sở Nghệ An cũ ở xã Dũng Quyết huyện Chân Lộc), bèn trải xem địa thế, định lấy An Trường (tên xã, thuộc huyện Chân Lộc) làm trấn lỵ Nghệ An, bắt dân xây đắp [156, tr.601].

Ngay trong tháng 5 năm 1804, công cuộc chuyển dời lỵ sở Nghệ An được thực thi. Trấn thành Nghệ An được xây dựng bằng đất đá, nhà cửa trong thành dựng tạm


bằng tranh, tre, nứa lá và được bao quanh bằng một vòng hào. Gia Long đã cho tháo dỡ các công trình đang xây dựng dang dở ở Trung Đô phượng hoàng thành để lấy nguyên liệu xây thành Nghệ An. Công cuộc chuyển dời lỵ sở, xây dựng trấn thành Nghệ An khiến cho nhân dân Nghệ An rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Bên cạnh đó, Gia Long còn ra lệnh tìm kiếm những người Nghệ An, Hà Tĩnh từng tham gia, ủng hộ vương triều Tây Sơn (1786 - 1801) để loại bỏ. Sùng chính thư viện được lập dưới thời Tây Sơn do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng cũng bị phá huỷ. Đến cuối đời vua Gia Long, mọi thành quả của vương triều Tây Sơn trên đất Nghệ An đã không còn. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa lý giải vì sao trong ba khoa thi Hương được tổ chức dưới thời Gia Long (1807, 1813, 1819) số học trò dự thi ít và chỉ có 34 sĩ tử đỗ Hương cống [204, tr.95]

Đến năm 1830 - 1832, để phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính của mình, hoàng đế Minh Mệnh (1820 - 1840) đã huy động biền binh cùng hàng vạn dân phu ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hoá xây dựng thành Nghệ An có chu vi 630 trượng bằng đá ong (Nam Đàn), đá sò (Phủ Diễn) và gạch ngói sản xuất tại Nghệ An. Nhà cửa dinh thự trong thành được xây dựng kiên cố dùng làm nơi để bộ máy quan lại do triều đình nhà Nguyễn cử ra thực thi vương pháp, vương quyền ở tỉnh Nghệ An (gồm cả Hà Tĩnh) [85, tr.22 - 25].

Cùng với việc xây thành đắp luỹ chuyển dời lỵ sở, Minh Mệnh cắt cử những vị quan lại tin cậy ra làm tổng đốc An Tĩnh, có Bố chánh và Án sát, Lãnh binh, phó Lãnh binh, Đốc học. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) Lãnh binh Nghệ An nắm quyền chỉ huy 19 vệ, đội biền binh gồm 8.179 người [85, tr.45]. Có thể nêu một số công thần bậc nhất được triều đình nhà Nguyễn điều ra Nghệ An để lãnh trọng trách dưới đây:

- Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh, làm Hiệp trấn Nghệ An năm Gia Long thứ 10 (1811).

- Nguyễn Văn Soạn, Trấn thủ Nghệ An năm Minh Mệnh thứ 5 (1824).

- Tạ Quang Cự, tổng đốc An Tĩnh năm Minh Mệnh thứ 14 (1833).

- Nguyễn Tri Phương, tổng đốc An Tĩnh năm Minh Mệnh thứ 16 (1835).

- Hoàng Kế Viêm (Hoàng Tá Viêm) tổng đốc An Tĩnh năm Tự Đức thứ 16 (1863)...

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí