nhưng chủ yếu là với tư cách giúp các công việc mà Đoàn phân công cho đại biểu, chứ không đảm nhiệm các công việc như văn phòng giúp việc riêng cho từng cá nhân đại biểu. Khi các đại biểu chưa thể hoạt động chuyên nghiệp như hiện nay thì vai trò của hệ thống bộ máy hỗ trợ (chuyên gia, cán bộ giúp việc, thông tin…) là cực kỳ quan trọng. Nếu được cung cấp thông tin đã được cung cấp chắc chắn các đại biểu không còn ngậm ngùi nhìn các bộ trưởng múa con số hay phân vân khi bấm nút biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là đại biểu Quốc hội đang thừa thông tin nhưng cũng đang thiếu thông tin - thông tin đã được xử lý. Các đại biểu khi tham gia vào hoạt động chất vấn cần thiết phải có thông tin liên quan đến những vấn đề mà đại biểu cần chất vấn, những thông tin đó phải kịp thời, mới, chính xác. Chất vấn thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm và năng lực tổng hợp của đại biểu Quốc hội. Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội phụ thuộc lớn vào các thông tin mà đại biểu thu nhận. Đại biểu Quốc hội phải được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện và kịp thời về những vấn đề mà đại biểu quan tâm chất vấn… để chất vấn phải thật đắt, làm rõ được trách nhiệm của đối tượng bị chất vấn, tạo cơ sở buộc họ nhận thức ra và sửa chữa những khuyết điểm yếu kém.
Chế độ đảm bảo cung cấp thông tin, tài liệu, điện thoại cho đại biểu Quốc hội hiện nay được thực hiện như sau:
Điểu 37: Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội quy định "đại biểu Quốc hội được cung cấp các tài liệu của kỳ họp, Quốc hội, Công báo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo nhân dân, báo địa phương, báo người đại biểu nhân dân, tạp chí Nghiên cứu lập pháp và các tài liệu, văn bản liên quan đến hoạt động Quốc hội, dịch vụ thông tin, nghiên cứu, thư viện và internet khi có yêu cầu".
Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đại biểu Quốc hội được bầu hoặc nơi đại biểu Quốc hội chuyển đến sinh hoạt cung cấp các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cho đại biểu Quốc hội.
Về việc cung cấp dịch vụ internet, Nghị quyết số 773/2009/ NQ- UBTVQH12 ngày 31-3-2009 đã quy định đại biểu Quốc hội được khai thác internet theo mức khoán 700.000 đồng/người/tháng.
Nghị quyết này cũng quy định hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động của đại biểu Quốc hội bao gồm hỗ trợ tiền điện thoại theo mức khoán từng kỳ họp; hỗ trợ để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu hoặc thuê chuyên gia
Tuy nhiên, với hoạt động và chế độ cung cấp thông tin như trên thì đại biểu Quốc hội chưa có đủ thông tin để thực hiện tốt hoạt động chất vấn.
Chế độ cung cấp thông tin cho đại biểu phải đảm vào các tiêu chí cập nhật, phân tích sâu sắc, khách quan, thông tin rộng, chính thống và phi chính thống
Có thể bạn quan tâm!
- Mức Độ Nghiêm Chỉnh Thực Thi Các Giải Pháp Khắc Phục Của Đối Tượng Bị Chất Vấn
- Nâng Cao Hiệu Lực, Hiệu Quả Kiểm Soát Quyền Lực Nhà Nước Thông Qua Hoạt Động Chất Vấn Của Đại Biểu Quốc Hội Cả Về Mặt Pháp Lý Cũng Như Năng
- Hoàn Thiện Hệ Thống Pháp Luật Về Chất Vấn Của Đại Biểu Quốc Hội
- Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay - 21
- Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay - 22
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
Vì vậy để đảm bảo đại biểu Quốc hội có đủ thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động chất vấn thì cần phải chú ý đến một số giải pháp sau:
+ Nên quy định mỗi đại biểu phải có thư ký và bộ máy giúp việc để rà soát thông tin. Luật tiếp cận thông tin cũng phải đi đến các quy định về cung cấp thông tin cho đại biểu. Đại biểu phải có quyền truy cập bất cứ mạng thông tin nào họ muốn. Chỉ như vậy họ mới đại diện được cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, có đầy đủ thông tin để chất vấn. Thông tin như thế mới trở thành quyền lực.
Quốc hội cần thành lập một đơn vị chuyên phụ trách việc thu thập và cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến các nội dung chất vấn, hoặc thu thập những thông tin được yêu cầu trực tiếp từ phía đại biểu. Đơn vị này có trách nhiệm cập nhật, cung cấp và chịu trách nhiệm với những thông tin đại biểu yêu cầu và thông tin đơn vị mình cung cấp. Quốc hội phải có một hệ thống thông tin độc lập và thường xuyên mới làm cơ sở để thấy được công việc và hoạt động của cơ quan hành pháp bởi các bộ ngành có thể cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu nhưng liệu thông tin ấy có ích cho đại biểu, vì vậy nó cần được kiểm tra, chắt lọc. Ngoài ra, cũng cần cải thiện kinh phí và cơ chế thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện công việc thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn của mình.
Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội của tổ chức, đơn vị, cơ quan hữu quan; xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin của quốc hội, xây dựng kho tra cứu thông tin tư liệu tại văn phòng hoặc tại "Thư viện Quốc hội" phục vụ đại biểu Quốc hội từ các địa phương và kết nối với Văn phòng Quốc hội; Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực xử lý thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội; đầu tư kinh phí cho hoạt động thông tin và cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội
4.2.5. Kết hợp chặt chẽ giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và giám sát của nhân dân trong hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội
- Kết hợp với kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng.
Chất vấn là một hình thức giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội đối với bộ máy nhà nước. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội cần nắm rõ những vấn đề tồn tại trong cách thức tổ chức, quản lý của bộ máy nhà nước, của người đứng đầu các ngành để truy trách nhiệm và yêu cầu đưa ra các giải pháp khắc phục. Trong khi đó, trong từng bộ phận của bộ máy nhà nước đều có các tổ chức đảng. Việc đại biểu nắm rõ các kết quả kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng sẽ giúp họ có thêm một kênh thông tin hữu ích cho hoạt động chất vấn của mình. Vì vậy, cần tạo cơ chế thuận lợi để đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận với kết quả kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng. Muốn vậy, cần xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Quốc hội với uỷ ban kiểm tra các cấp của Đảng, xác lập quyền của đại biểu Quốc hội trong việc tiếp cận với các kết quả kiểm tra, giám sát của uỷ ban kiểm tra Đảng.
- Kết hợp với giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng giám sát và phản biện xã hội, giám sát hoạt động của các cá nhân, của các tổ chức bộ máy trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, Mặt trận tổ quốc Việt Nam còn có chức năng phản biện xã hội đối với mọi đường lối, chính sách, chương trình, kế hoạch dự án… của
nhà nước, làm rõ những điểm tích cực và những bất cập cần phải khắc phục, điều chỉnh trong các chính sách đó. Chính vì vậy, những kết quả giám sát, phản biện xã hội của mặt trận rất hữu ích cho hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Vì chất vấn thực chất là phát hiện những điểm bất cập trong hoạt động, chính sách của các ngành để chỉ rõ và yêu cầu những tổng tư lệnh ngành tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phối hợp giữa đại biểu Quốc hội và Mặt trận tổ quốc chỉ trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội cũng như khi đại biểu Quốc hội thực hiện tiếp xúc cử tri. Chính vì vậy, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và các đại biểu Quốc hội như xây dựng quy chế chung để đại biểu Quốc hội cũng có quyền tiếp cận với các kết quả giám sát, với hoạt động phản biện xã hội của mặt trận.
- Kết hợp với giám sát của nhân dân.
Chất vấn là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội (kiểm soát bên trong nội bộ nhà nước) nhưng nếu có sự kết hợp với kiểm soát quyền lực ngoài nhà nước (đặc biệt là giám sát của nhân dân) thì sẽ tăng hiệu quả của hoạt động chất vấn. Kết hợp chất vấn với sự giám sát của nhân dân sẽ tăng áp lực về mặt công luận buộc những người đứng đầu các ngành phải có những thay đổi thích hợp. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đã góp phần làm cho các phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, chất lượng hơn, nâng cao trách nhiệm của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn là một minh chứng cho sự cần thiết phải kết hợp chất vấn với giám sát của nhân dân. Sự kết hợp chất vấn với giám sát của nhân dân có thể diễn ra trong tất cả các giai đoạn chuẩn bị chất vấn, chất vấn và hậu chất vấn. Những khiếu nại, tố cáo của nhân dân về hoạt động của cán bộ, công chức, về các chính sách… ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân là một kênh thông tin cần thiết để giúp đại biểu Quốc hội hình thành nên các vấn đề chất vấn. Trong quá trình chất vấn, nhân dân theo dõi và có những phản hồi về việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ sẽ tạo áp lực buộc
họ phải trả lời có chất lượng và trách nhiệm hơn ở những lần sau. Đặc biệt nhân dân còn tham gia giám sát việc thực hiện lời hứa của những người trả lời chất vấn, sẽ giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động kiểm tra, theo dõi sau chất vấn. Để tăng cường việc kết hợp giữa chất vấn và giám sát của nhân dân có thể chú ý các hình thức sau đây
Mở rộng các diễn đàn để nhân dân phản ánh những bức xúc của mình đối với các cơ quan nhà nước, như với các vụ việc đã được xử lý, báo chí có quyền tiếp cận để phản ánh, đại biểu Quốc hội có quyền tiếp cận để nắm bắt.
Sau mỗi phiên chất vấn của Quốc hội, báo chí cũng cần có những chuyên trang phản ánh những ý kiến của cử tri đánh giá về hoạt động chất vấn, cả những ưu và nhược điểm của người chất vấn và trả lời chất vấn.
Những lời hứa của bộ trưởng, thành viên Chính phủ về vấn đề cần phải khắc phục, thời gian khắc phục cần đăng tải công khai trên các trang báo chí để nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Đồng thời, khi hết thời gian quy định, nếu vấn đề chưa có biến chuyển, nhân dân và báo chí có quyền được phản ánh, cung cấp các chứng cứ giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn.
Tóm lại, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ trong đó vấn đề cốt yếu là năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và các môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Môi trường, điều kiện đó chính là hệ thống pháp luật về chất vấn, và công tác tham mưu, hỗ trợ, là việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, là sự kết hợp giữa chất vấn và các hình thức giám sát, kiểm soát quyền lực ngoài nhà nước… Chính vì vậy, chúng ta cần phải chú ý tới tất cả các giải pháp trên mới có thể nâng cao hiệu quả thực sự của phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước này.
Tiểu kết chương 4
Trong chương này, tác giả đề xuất 3 phương hướng cơ bản để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội bao gồm nâng cao nhận thức của đại biểu Quốc hội về vai trò, tác dụng của hoạt động chất vấn trong kiểm soát quyền lực nhà nước; Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội cần có sự kết hợp với các hình thức giám sát khác của Quốc hội; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội cả về mặt pháp lý cũng như năng lực thực tiễn.
Ở chương này, tác giả cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội bao gồm nâng cao năng lực chất vấn cho đại biểu Quốc hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hỗ trợ cho hoạt động chất vấn, chất lượng công tác cung cấp thông tin cho hoạt động chất vấn, tăng cường kết hợp hoạt động chất vấn với các hình thức giám sát khác...
KẾT LUẬN
Kiểm soát quyền lực nhà nước là một yếu tố không thể thiếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội - một phương thức kiểm soát hữu hiệu, sinh động, trực tiếp được cử tri cả nước quan tâm. Chính vì vậy, nghiên cứu việc kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội là hết sức quan trọng và có ý nghĩa hiện nay.
Luận án đã trình bày một cách hệ thống và cơ bản những vấn đề lý luận liên quan đến kiểm soát quyền lực nhà nước, đến hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đặt trong tổng thể cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam, chất vấn là một phương thức kiểm soát quyền lực của lập pháp đối với tư pháp và hành pháp, thuộc cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong.
Luận án đã phân tích làm rõ tính chất kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn được thể hiện như thế nào, từ đó đánh giá thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội ở nhiều góc độ khác nhau từ nội dung của hoạt động chất vấn đền năng lực thực hiện hoạt động chất vấn, hiệu lực hiệu quả của hoạt động chất vấn... Việc đánh giá thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng rất toàn diện, cả những thành tựu và hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn tới hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội còn có những hạn chế, bất cập.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, luận án đề xuất các phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Những phương hướng và giải pháp
này có tính đồng bộ, hệ thống bao quát tất cả những mặt, những yếu tố tác động đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn như hệ thống pháp luật, năng lực của đại biểu Quốc hội, công tác tham mưu, hỗ trợ, cung cấp thông tin...Việc thực hiện tốt các giải pháp này sẽ thực sự tạo ra sức mạnh kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn, góp phần làm cho bộ máy nhà nước hoạt động đúng thẩm quyền, chức năng, bảo vệ lợi ích của nhân dân, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của bộ máy nhà nước.