Văn Thể Và Biểu Hiện Của “Tính Tuồng” Trong Ngôn Ngữ Thể Hiện


bản của Đào Tấn, qua ngôn ngữ nhân vật, ngòi bút điêu luyện của tác giả đã khắc họa hình ảnh từng nhân vật rất sinh động và rõ nét.

Đối với nhân vật phản diện, “Trạng nguyên văn tuồng” sử dụng ngôn ngữ để trực tiếp lột trần bản chất của nhân vật. Thông qua ngôn ngữ chúng ta có thể thấy rõ sự tráo trở, bất nhân, bất nghĩa của Tiết Nghĩa (Hộ sinh đàn), sự thâm độc, nham hiểm của Hồ Ly (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), sự dâm dục, bạo tàn của Trụ Vương (Trầm Hương các).

Như nhân vật Tiết Nghĩa, ngay trong lời tự bạch đã “hé mở” bản chất ti tiện, hèn hạ của mình. Hắn rất “tự hào” vì hiện là Tổng đốc của thành Đăng Châu. Trước đây vợ chồng Tiết Nghĩa mang trọng tội bị xử trảm. Tiết Cương đã cứu hai vợ chồng hắn. Sau này hắn bán ruộng hương hỏa “lo” được chức Tổng đốc và sống an nhàn sung sướng. Hắn cũng tự nhận “tao ít học mà có tài” và hắn có quan niệm sống hưởng thụ và ích kỷ “...vợ chồng ta quyền cao, chức lớn, ăn chơi cho sướng cái đời, việc nhà việc cửa đứa nào có phần đứa nấy”.

Khi nhận được thư của Tiết Cương, hắn tỏ ra hết sức khinh miệt và lộ rõ bản chất của một kẻ vong ân, phụ nghĩa: “A, cái thằng mới dại cho chứ, lại còn dám xưng tiện hữu mới gớm chứ. Bạn tao là võng điều, ngán ngà, quạt lông, khăn chữ nhất chứ tao làm bạn chi với cái thằng chân không, áo hạn mà cũng xưng là bạn”. Đào Tấn không ngại ngùng mà để Tiết Nghĩa tự lột mặt lạ của kẻ bất nghĩa, bản chất vụ lợi của con buôn qua lời đối thoại với vợ, hắn toan tính kế bắt chàng đem nạp thưởng kiếm hời: Tính chi, nó đã dại tới đó, gông cổ nó lại, đem nạp, kiếm ít trật chơi còn tính chi...”. Khi bị Tú Hà ngăn cản và phân tích lý lẽ, kể ơn đức của Tiết Cương với hai vợ chồng nàng, Tiết Nghĩa dửng dưng và coi đó là hành động do Tiết Cương tự nguyện, không việc gì phải mang ơn, đó là hành động của kẻ ngu muội và đáng đời. Hãy nghe lời lẽ biện minh của kẻ giả trá, bất nghĩa, phản bội Tiết Nghĩa: Đức chi mà kể đức, số mình sống, không có thằng Cương này cứu thì có thằng Cương khác cứu, nó với mình không bà con hơi hám chi, nó làm tài nó tới nó cứu, chớ mình có mời nó đi cứu đâu mà kể đức...”. Thấy Tú Hà vẫn kiên quyết, hắn đổi giọng lừa nàng đi nghỉ để lập mưu bắt sống Tiết Cương. Lời trước hắn nói với vợ còn đong đầy đạo lý, thắm thiết nghĩa tình, lời sau đã lật mặt trơ tráo và khốn nạn: Hứ, đàn bà, biết một không biết mười, đái không qua khỏi ngọn cỏ, nói lép xép hoài. Quân bay, nay thằng Tiết Cương nó tới đây là miếng thịt chín của tao đó quân bay à... Chừ tao ra tao rước nó vào, tao nói ngon nói ngọt, rồi tao phục rượu cho nó say, hễ tao ra dấu thì bay trói quách nó lại cho tao nghe...”. Thực hiện đúng kế hoạch, Tiết Nghĩa chuốc say và bắt được Tiết Cương. Vẫn sử dụng ngôn ngữ đối thoại trần trụi nhất và lối khắc họa tương phản hai mặt của nhân vật, Đào Tấn đã khắc họa một Tiết Nghĩa không chỉ đại diện cho những kẻ bất nghĩa, bất nhân, tráo trở, lật lọng trong xã hội mà còn tiêu biểu cho những kẻ phản bội của muôn đời. Hội tụ ở hắn tất cả những sự xấu xa, ti tiện nhất của con người: đối với ân nhân thì vong ân bất nghĩa, với vợ con thì bội bạc, đối với danh lợi thì tham lam, đầy mưu mô xảo quyệt nhưng hèn nhát đến đê tiện. Khi đối mặt với tình huống nguy nan bị


Ngũ Hùng, Tần Hán bắt, giọng điệu của hắn thay đổi hoàn toàn, không còn hống hách, ngang ngược mà xu nịnh đớn hèn, ham sống, sợ chết. Hắn luôn miệng dùng vật chất để đổi lấy cái mạng hèn của mình: Dạ, thôi tôi lỡ dại, xin các quan tha tôi, tôi xin dâng cái lư vàng... Thưa các quan, ở trên phủ tôi còn mấy con bò, họ đi tết, béo lắm, cho tôi về tôi dắt lên cho các quan xơi cho vui, rồi cấp lại tiền cho tôi cũng được”. Khi nghe mình bị thịt làm đồ nhắm rượu, hắn hoảng hốt hạ thấp bản thân nâng giá chuộc mạng:“Dạ, trăm lạy các quan, thịt tôi y như thịt quạ nó khét lắm, các quan để nuôi mà chơi, rồi tôi về đem dâng các quan cái tráp vàng”. Và ngay cả khi bị đưa đi giết thịt, hắn vẫn không thôi mặc cả: “Cha ơi, mẹ ơi, hèn chi ông thầy tướng ổng nói, cái mặt tôi trên to dưới nhỏ, hậu vận cực lắm thì phải, các thầy lâu la ơi! Bay có làm lông tao thì trụng nước lạnh chứ đừng trụng nước sôi mà nóng lắm cũng đừng thọc huyết tao gớm lắm bay ơi”. Đó là lời trăng trối cuối cùng của kẻ phản bội. Bằng bút pháp châm biếm, hài hước, chỉ qua một đoạn hội thoại nhỏ, Tiết Nghĩa đã chuyển nhiều sắc thái, giọng điệu khác nhau và tự lột trần bản chất bất nhân, bất nghĩa, tráo trở và cơ hội của mình. Ngôn ngữ của Tiết Nghĩa rất sinh động và mang nhiều sắc thái khác nhau nhưng trước sau đều thống nhất với bản chất nhân vật. Có một điều lạ là tuồng Đào Tấn rất chuộng thơ, hầu hết các nhân vật chính diện và phản diện đều ít nhiều dùng thơ trong hội thoại. Duy chỉ có Tiết Nghĩa là nhân vật gần như chỉ dùng văn xuôi để đối thoại. Có lẽ, Đào Tấn muốn Tiết Nghĩa dùng thứ ngôn ngữ đời thường trần trụi nhất để bộc lộ bản chất của mình. Đối với một kẻ không có trái tim, vong ân bội nghĩa như hắn làm gì có cảm xúc mà phải dùng thơ. Ngay cách xây dựng hình tượng nhân vật phản diện của cụ Đào cũng đầy thâm thúy và ý nhị. Kết cục cho kẻ “lừa thầy phản bạn, vong ân bội nghĩa” là bị làm thịt, bị nuốt gan uống máu. Đó là một cái kết đầy hả hê và tâm đắc cho người xem tuồng khi cái ác bị trừng trị, cái thiện thắng lợi tuyệt đối. Cái kết này khiến ta liên tưởng đến cái kết trong truyện cổ tích Tấm Cám Thạch Sanh. Tấm có trở về làm Hoàng hậu được hưởng hạnh phúc cũng chưa thỏa mãn ước mơ của nhân dân. Việc để cho Tấm giết Cám, làm mắm gửi cho dì ghẻ khiến mụ uất mà chết, hay mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết hóa thành con bọ hung là sự trừng phạt đích đáng cho tội ác. Những nguy cơ đe dọa cái thiện, cái đẹp phải bị diệt trừ. Chính vì vậy, kết cục của Tiết Nghĩa thỏa mãn sự mong mỏi của nhân dân và tạo nên niềm tin mãnh liệt vào cái thiện sẽ thắng cái ác.

Nếu đối với kẻ phản bội như Tiết Nghĩa, Đào công chủ yếu dùng văn xuôi trong ngôn ngữ đối thoại, thì với nhân vật phản diện có tính chất âm trầm, thâm hiểm như Hồ Ly, ông lại thiên về dùng thơ để khắc họa ngôn ngữ nội tâm của nhân vật này:

Thống tai hồng kiểm lụy lâm ly Ẩn hận Thành vương bất chí di Sơn băng thủy kiệt vô cùng hận

Khắc cốt minh tâm nguyện tố thi

(Đau đớn thay má hồng, nước mắt đầm đìa Căm giận tên Thành vương chí không đổi Dẫu cho núi mòn sông cạn vẫn cứ giận

Tạc dạ ghi xương nguyện báo thù)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.

Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 17


Ôm hận vì Hoàng Phi Hổ đã tiêu diệt đồng loại của mình, Hồ Ly quyết báo thù khiến gia đình chàng phải ly tán, thân bại, danh liệt. Chỉ với bốn câu thơ tự thán, Hồ Ly đã bày ra hết tâm cơ của mình. Bên ngoài thì vẫn là đấng mẫu nghi vạn người trọng vọng, bên trong tâm hồn thì chứa đầy rắn rết. Ả đã lập mưu để Trụ vương cưỡng hiếp Giả Thị, đá chết Giả Thị cùng Thứ phi, ly gián quần thần trong triều nhằm phá hoại triều cương. Qua đó, có thể thấy Đào Tấn rất am hiểu tâm lý “nhỏ mọn”, “chấp vặt” của đàn bà. Bất hạnh lớn nhất trên đời là để một người phụ nữ thù hận mình.

Đối với nhân vật chính diện, tùy vào xuất thân, hoàn cảnh, tính cách và đối tượng giao tiếp mà các nhân vật có đặc điểm ngôn ngữ khác nhau. Thái sư Văn Trọng là một người cương nghị, thẳng thắn, tận trung báo quốc. Khi từ biên ải trở về, thấy “cương thường vặn loạn”, vua Trụ u mê, ông vô cùng đau lòng. Đối với các quan, Văn Trọng nặng lời quở trách: “Thương quân Người có quá thất, sao các quan không can gián?”. Nghe các quan kể về việc vua Trụ giết Tỷ Can, Khương Thị, xây Bá Lộc đài, dùng hình Bào lạc để giết hại trung thần, ông bàng hoàng, tức giận và muốn thượng triều chất vấn vua Ân:

Nghe thưa vỡ mật Nghĩ thiệt sôi gan Sao tướng sĩ tọa quan Để nhân quân tác tệ?

Là người chính trực, đứng trước Trụ vương Văn Trọng cũng không cúi đầu xu nịnh. Ông thẳng thắn chất vấn vua từng việc một cho đến khi có câu trả lời thỏa đáng. Ông đưa ra Gián thập điều và quyết liệt yêu cầu nhà vua phê chuẩn. Đối thoại giữa Văn Trọng và Trụ vương không còn là đối thoại của một kẻ bề tôi với vua nữa là mà một cuộc tranh đấu giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Chỉ có Văn Trọng mới dám chất vấn, tranh luận, phản biện và uy hiếp vua như vậy: “Lão nói thiệt... Gián một phen nếu mà chẳng thỏa lòng già thì... Gươm ba thước lão nguyện theo đời trước”. Đối với bọn Vưu Hồn, Phí Trọng, giọng điệu của ông lộ rõ sự khinh thường và chán ghét: “Còn bọn Vưu Hồn, Phí Trọng, hai thằng đấy có công tích chi mà để nó?”. Trong cách xưng hô, ông gọi chúng là “mày”, “thằng”, “gã” và lột trần bản chất của chúng ngay giữa triều đình: “Phí cùng Vưu hai gã hung đồ/ Hồn với Trọng một loài độc thủ”, chỉ cần nghe giọng nói của hai tên đó thôi cũng làm ông tức giận, căm thù và sai đao phủ chém chết hai tên nịnh thần. Đối với bậc trung thần nghĩa sĩ như Hoàng Phi Hổ, lời đối thoại của Văn Trọng lại hết sức khiêm nhường, tôn kính. Ông gọi chàng là “Hoàng nguyên nhung”, “Hoàng tướng quân” và tự xưng là “lão phu”. Ông tâm sự, dặn dò chàng những lời gan ruột nhất của mình: “Này, Hoàng nguyên nhung! “Quân hữu quá, thần tắc gián, gián nhi bất thính, dĩ tử gián chi”. Qua ngôn ngữ đối thoại, có thể thấy rõ phẩm chất và cá tính của Thái sư Văn Trọng. Đối với mỗi đối tượng, ông sử dụng một thứ ngôn ngữ khác nhau. Với chúng quan thì răn dạy, với vua Trụ thì


cương quyết, với lũ nịnh thần thì coi thường, khinh miệt còn với trung thần nghĩa sĩ thì tôn trọng, khiêm nhã. Lời nói của ông thường vận dụng những câu nói trích từ sách Nho giáo làm tiền đề tranh biện như “thị phụ tất hữu thị tử”, “Nghiêu, Thuấn trị đạo cư ư mao gia”... Bằng ngôn ngữ đối thoại, Đào Tấn đã khắc họa thành công một Thái sư Văn Trọng kiên trung, cương nghị, thấu lý, đạt tình, một bậc trung thần tiêu biểu trong tuồng.

Trong tuồng Đào Tấn, các nhân vật chính diện được xây dựng thiên về ngôn ngữ nội tâm hơn là ngôn ngữ đối thoại. Trong hầu hết các tác phẩm do ông sáng tác, ta thấy nhiều trường đoạn nhân vật bộc lộ những cảm xúc riêng tư của mình. Tâm trạng nổi bật và xuyên suốt các vở tuồng của ông là nỗi ám ảnh về sự cô độc, bế tắc, tuyệt vọng và phẫn uất. Trên cái nền trầm lắng của hành trình tha hương - lưu lạc, ứng với mỗi nhân vật, ở mỗi hoàn cảnh, thế giới nội tâm các nhân vật chính diện có sắc thái biểu hiện khác nhau qua lời đối thoại, độc thoại nội tâm; qua các chi tiết, hình ảnh, điển cố, thi liệu trong văn học cổ. Nói chung, tất cả các phương tiện nghệ thuật đều được “Trạng nguyên văn tuồng” sử dụng linh hoạt để khắc họa thế giới bên trong đa dạng, phức tạp của con người.

Để miêu tả tâm trạng cô đơn, lẻ loi trên hành trình tha hương, luân lạc, Đào Tấn thường sử dụng các hình ảnh “nước chảy hoa trôi”, “chim nhạn lạc loài” nhằm tạo hiệu quả so sánh về thân phận nổi nênh, yếu đuối của người phụ nữ giữa phong ba cuộc đời. Trong Khuê các anh hùng, sau khi từ giã Bích Hà ở lại chịu chết thay cho Chánh cung, Xuân Hương đưa Chánh cung về quê lánh nạn. Trên đường đi, phần vì đau xót cho Bích Hà, phần vì thương cho thân phận của chính mình, Xuân Hương và Chánh Cung đều nảy sinh tâm trạng buồn thương, bi lụy. Đoạn đối thoại của hai nhân vật bộc lộ rõ nỗi ngậm ngùi, bi đát khi bị thất thế phải lưu vong của Chánh Cung và cảm giác cô độc, bất an của Xuân Hương:

Xuân Hương: Hạt sầu lợt đợt cành mai

Bơ vơ chiếc nhạn lạc loài kêu sương


Chánh Cung: Thủy khứ hoa lưu trường ảo não

Sinh ly tử biệt trọng quan hoài Thông thông thượng mã biệt quân khứ

Cô nhạn nhất thanh thiên ngoại lai

(Nước chảy hoa trôi, ảo não triền miên Nặng nỗi lòng sống lìa chết biệt

Mau mau lên ngựa từ giã ra đi

Tiếng nhạn lẻ loi từ phương trời vọng lại.)

Đứng trước nỗi đau sinh ly tử biệt, cảm thức về sự nhỏ bé hữu hạn của con người trỗi dậy trong lòng hai người phụ nữ. Nỗi buồn như dòng sông chảy xiết vô tận nuốt chửng hai người phụ nữ yếu đuối. Và trong khung cảnh đó, họ cảm thấy mình “bơ vơ”, lẻ loi như cánh nhạn lạc loài, cô độc giữa trùng không. Hình ảnh “cô nhạn” được lặp đi lặp lại trên suốt nhiều chặng đường tha hương, luân lạc của những người phụ nữ trong tuồng Đào Tấn. Ở Trầm Hương các, Đát Kỷ trên hành trình về triều Ca cũng đắm mình trong nỗi sầu thảm, cô đơn như thế:


Đạm đạm trường giang thủy Du du viễn khách tình

Nữ tử hành, oán biệt, hốt kinh, thiên lý ngoại Hương quan hà xứ, dạ chung, tàn nguyệt, nhạn quy thanh

(Nước Trường Giang lờ lợt Lòng viễn khách ủ ê

Phận gái phải ra đi, nuốt sợ, ngậm hờn, thân xứ lạ;

Quê hương đâu đó tá? Chuông khuya,

trăng xế, tiếng nhạn bay.)

“Mượn cảnh ngụ tình” vốn là thi pháp quen thuộc của thơ Đường nhằm lột tả chiều sâu, chiều rộng khi biểu hiện tâm trạng của con người. Ở đây, Đào Tấn vừa kết hợp “mượn cảnh ngụ tình” và “mượn thơ diễn ý” khiến mỗi câu thơ tuồng của ông sâu sắc thêm hai tầng ý nghĩa. Mượn hai câu thơ trong bài Nam hành biệt đệ của Vi Thừa Khánh khi tiễn em trai đi làm quan xa, Mộng Mai đã khái quát lại hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng bi thương của Đát Kỷ khi phải rời xa quê hương, gia đình, những người thân yêu để dấn thân vào một cuộc sống xa lạ. Sự tủi hờn của người con gái bị gả chồng xa khiến nàng vừa ngậm ngùi vừa lo sợ. Trong hoàn cảnh đó, bao trùm lên tất cả là cảm giác cô độc, lẻ loi của người con gái giữa biển trời không biết nơi đâu là nhà. Câu hỏi “Hương quan hà xứ?” mượn từ tứ thơ của Thôi Hiệu như một nỗi đau xoáy sâu vào tâm khảm người lữ khách. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê ùa về trong dòng hoài niệm triền miên của con người trên đường luân lạc:

Cố viên hồi thủ bất thăng bi Lữ điếm tiêu sơ, cổ giác trì

Sầu khách chánh thâm hương tứ khố

Xuân phong hà sự nhập la vi

(Ngoảnh về quê cũ dạ bùi ngùi Rời rạc trống canh quán tả tơi Nỗi khổ chia lìa lòng khách bận

Vào màn chi đó, gió xuân ơi!)

Đọc những câu tuồng của Đào Tấn khiến ta liên tưởng tới cảm thức hoài cổ và ly biệt trong bài Qua Đèo Ngang Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Các hình ảnh “cố viên”, “lữ điếm tiêu sơ”, “cổ giác trì” của cảnh vật đối diện với hoàn cảnh, tâm trạng cô đơn, lẻ loi của “sầu khách” tha hương. Mượn ý thơ trong bài Xuân tứ của Lý Bạch “Xuân phong bất tương thức/ Hà sự nhập la vi”, Đào Tấn đã diễn tả một cách tinh tế tâm trạng của người con gái xa quê đi lấy chồng. Trong nỗi buồn cô độc nơi xứ người, có chút gì đó e ấp, thẹn thùng của người con gái chìm trong dòng cảm xúc, một bên là hoài niệm quê hương, một bên là tò mò với cuộc sống mới đang đợi mình phía trước.

Để khắc họa nội tâm nhân vật, “Trạng nguyên văn tuồng” còn sử dụng nhiều trường đoạn độc thoại nội tâm. Trong những trường đoạn này, Đào Tấn kết hợp thủ pháp biểu hiện dòng ý thức để đối sánh, “đồng hiện” các dạng thức không gian, thời gian nhằm tạo chiều sâu cho tâm trạng và tính chân thật cho cảm xúc của con người:

Tha hương thác lạc sơn trình dị

Thất mã huy trì lý lộ nan

(Khúc quê đường núi lạ lùng lẫn lộn

Một ngựa ruổi rong thật khó đi


Long sơn thử dạ sơn trung nguyệt

Duy hữu thâm khuê độc tự khan

Vầng trăng trong núi Long San đêm nay

Riêng có người ở phòng khuê ngắm một mình)

Không giống với cảm thức cô độc gắn với sự nhỏ bé hữu hạn của con người ở các nhân vật nữ, tâm trạng cô đơn của đấng nam nhi trên đường tha hương được đặt song hành với nỗi nhớ người thương. Theo dòng cảm xúc, Tiết Cương nhớ lại chặng hành trình gian khó đã qua, chàng cảm thấy cô đơn và nhớ vợ con. Đặc biệt nhìn vầng trăng trên cao, chàng chạnh lòng nghĩ đến người phụ nữ ở núi Long Sơn cũng lẻ loi một mình ngắm trăng nơi khuê phòng. Mượn ý thơ từ bài Nguyệt dạ của Đỗ Phủ cùng hoàn cảnh tương đồng khi ông thất lạc vợ con trong loạn An Lộc Sơn, Đào Tấn đã khắc họa thành công cả hoàn cảnh lẫn tâm cảnh của Tiết Cương trên đường chạy giặc. Những khó khăn, vất vả của ngoại cảnh không thấm tháp gì so với sự mất mát trong tâm hồn người tráng sĩ. Chàng lo cho người vợ trẻ một mình ở nhà, tuổi xuân bị chôn vùi bởi những ngày tháng xa chồng đằng đẵng. Chàng lo mình luôn phải đối mặt với những hiểm nguy khiến người vợ ở chốn khuê phòng cũng thấp thỏm không yên. Chỉ một vầng trăng, hai người ở hai nơi đều cùng ngắm nhưng lại không thể trông thấy nhau.

Cũng với tâm trạng cô đơn, bế tắc và tuyệt vọng như vậy, người lữ khách Triệu Khánh Sanh (Diễn võ đình) được Đào Tấn khắc họa qua lời độc thoại nội tâm với câu hỏi ám ảnh không lời đáp: đâu là sẽ là nhà, đâu sẽ là quê hương của mình:

Thê thê thu sắc mộ Lạc lạc lữ hoài cô

Chinh chiến kỷ nhân hồi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu Hương quan hà xứ thị?

Yên ba giai thượng sử nhân sầu

(Trời thu chiều ảm đạm Đất lạ khách bơ vơ Chinh chiến mấy ai về

Ra trận dẫu say xin chớ trách Quê hương đâu đó tá

Trên sông khói sóng giục cơn sầu)

Mùa thu thường gợi buồn trong văn học cổ, hình ảnh “lữ hoài cô” trong bức tranh chiều thu ảm đạm ấy càng trở nên cô độc, não nùng hơn. Mượn tứ thơ trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn và Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Triệu Khánh Sanh đã khái quát lại toàn bộ bi kịch của cuộc đời mình. Đó là cuộc đời với những cuộc hành trình dài không nghỉ; quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ một chiều sâu hun hút với những ngày rong ruổi tha hương; tương lai phía trước mịt mùng không biết đi đâu, về đâu, sự sống chết cũng chỉ như quy luật “chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chàng ngậm cười châm biếm đau xót cho cuộc đời mình để rồi lại tiếp tục một hành trình tha hương đơn độc mới:

Chút thân liều gửi cung dâu Đố con lương mã biết đâu là nhà

Khép lại vở tuồng vẫn là sự ám ảnh của câu hỏi “đâu là nhà”, “đâu là quê hương” và hành trình cô độc kiếm tìm điểm dừng trong vô vọng của Triệu Khánh Sanh. Đó phải chăng là cuộc đời suốt 30 năm tha hương luân lạc giữa “chốn bụi lầm” của Đào Tấn mà


như Nguyễn Thế Khoa nhận xét “Suốt 30 năm làm quan, ông thượng quan Mộng Mai luôn cảm thấy cô đơn lạc loài vô hạn, luôn ôm một “hương mộng” và khắc khoải ngày đêm về một ước mơ “hoài hương” [32, tr.60]. Những năm cuối cùng của cuộc đời mình, Đào Tấn đã thực hiện được ước mơ đó nhưng những nhân vật của ông thì mãi sống bế tắc, cô độc trong hành trình tha hương vạn thế trong những trang tuồng.

Một điểm đáng chú ý nữa trong ngôn ngữ nhân vật chính là lời xưng danh khi xuất hiện. Thông thường, chỉ qua lời xưng danh này, có thể biết được lai lịch, tính cách và một phần dự đoán cho những hành động tiếp theo của nhân vật. Như Võ Tam Tư khi xuất hiện đã xưng danh như sau:

Võ Tam Tư biểu tự

Châu nguyên soái chức phong

Phụng minh đình thống lãnh binh nhung Đáo biên thùy truy cầm Tiết thị

Chỉ bằng bốn câu xưng danh, ngoài việc tự xưng tên Võ Tam Tư, được phong là Châu nguyên soái thống lãnh quân đội chúng ta còn biết được hành trạng tiếp theo của nhân vật là sẽ khởi binh đến biên thùy truy bắt Tiết gia. Dự đoán sau đó là một chuỗi sự kiện về sự đuổi bắt này.

Do đặc điểm của loại hình văn bản là kịch bản tuồng không có nhiều đất cho lối văn tường thuật, miêu tả, tự sự, việc xây dựng hình tượng nhân vật chủ yếu dựa vào chính những phát ngôn của nhân vật đó. Đây cũng là điểm nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật tuồng của Đào Tấn. Cùng là nhân vật chính diện nhưng mỗi nhân vật có một cá tính riêng, cùng là nhân vật phản diện nhưng mỗi nhân vật có một bản sắc riêng, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Cùng là nữ nhưng Phương Cơ thì thông minh, cơ trí, Lan Anh thì dũng cảm, kiên cường, Giả Thị thì thủy chung son sắc, Tú Hà thì trung nghĩa... Hoặc giả cùng là nhân vật phản diện nhưng Võ Tam Tư thì ngông cuồng, hống hách nhưng vô mưu còn Bàng Hồng thì xảo quyệt và thâm hiểm khôn lường... Ngôn ngữ sống động của các nhân vật trong tuồng Đào Tấn góp phần tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho các tuồng bản của ông.

Có thể thấy, bên cạnh diễn biến tâm trạng và hành động thì ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất trong việc thể hiện tính cách nhân vật. Nói cách khác, nhân vật dùng ngôn ngữ để tự kể, tự khắc họa về bản thân mình. Chính vì vậy, ngôn ngữ là chìa khóa để mở ra những “bí ẩn” của nhân vật trong tuồng.

Như vậy, qua ngôn ngữ, diễn biến tâm trạng và hành động, “Trạng nguyên văn tuồng” đã tạo nên những nhân vật chân thực và sống động trong kịch bản tuồng. Mặc dù hầu hết các nhân vật đều được lấy từ các nguyên mẫu trong tiểu thuyết chương hồi, nhưng bằng cách riêng của mình, Đào Tấn đã tái tạo lại sinh khí cho các nhân vật và lý giải chúng theo quan điểm của mình. Chính điều đó khiến ta xem tuồng dù “tích cũ” nhưng vẫn thấy nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ và gần gũi với cuộc đời.


4.3. Văn thể và biểu hiện của “tính tuồng” trong ngôn ngữ thể hiện

4.3.1. Văn thể

Như đã đề cập đến ở phần cơ sở lý thuyết, nếu xét về nguồn gốc, kịch bản tuồng được hợp thành từ hai bộ phận Hán văn thể và Việt văn thể. Hán văn thể, gồm có vận văn, biền văn và văn xuôi chữ Hán. Việt văn thể, gồm có lục bát, song thất lục bát, thơ bốn từ và văn xuôi Nôm. Nếu xét theo hình thức, kết cấu hình thức văn thể, kịch bản tuồng bao gồm biền văn (các câu song quan, thể phú, từ), thơ (lục bát, song thất lục bát, thơ bốn chứ), vận văn (thất ngôn đường luật, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt) và văn xuôi (chữ Hán và chữ Nôm). Ở đây, chúng tôi nghiên cứu văn thể trong các tuồng bản của Đào Tấn trên phương diện hình thức và kết cấu.

4.3.1.1. Văn xuôi

Như ta đã biết, tuồng không chỉ sử dụng các thể văn vần, thơ mà còn sử dụng cả văn xuôi xen lẫn trong kịch bản văn học dưới dạng lời tán (lời văn xuôi hoàn toàn), lời hường (lời văn xuôi ở đầu và cuối câu văn vần), lời kẻ (văn xuôi chen vào giữa câu văn biền hoặc thơ). Các dạng văn xuôi thường dùng trong kịch bản tuồng có mấy kiểu sau:

Kiểu thứ nhất: Đoạn thán của Hoàng Phi Hổ (lớp Gián thập điều) Khan thán Thành Thanh chi tôn xã

Nan mai Thương Trụ chi tiết danh

Màn đây, chiếu đây, nơi ăn chốn nằm đây mà em bỏ đi đâu em ơi!

Liệt phụ hữu ân hà nhân phế Trung quân chi chí cánh nan thành

Kiểu thứ hai: Đoạn nói lối của Triệu Khánh Sanh (Diễn võ Đình)

Ai đi! Đứt dây cửi để buộc chân chí khí

Xách khuôn thêu đề một hùng anh. Đi cho đành Ớ! Bàng Hồng! Ta nói thiệt!

Cánh hộc hồng gặp gió liệng mây xanh

Thì xương ưng khuyển, tao nghiền tro quăng bể bạc đó bay à!

Kiểu thứ ba: Đoạn nói lối của Lan Anh (Lớp Lan Anh lạc đẻ)

Hồn như mộng mị

Nhãn thậm mồ hồ. Ối chao ôi! Hồ Nô

Đỡ nâng bà con hỡi Hồ Nô

Chao ôi!... Nông nỗi thiếp biết chăng phu tướng. Ái! (Đẻ rồi)

Này, con trai đây mà! Hồ Nô! Răng mà bà sinh đẻ rồi trong mình bà thanh sảng lắm con ơi.

Đoái thấy tường quang sáng lạn

Ủa, đây là đền thờ đức chúa thai sinh, chao ôi là may… Thiệt nhờ tiên thánh hộ trì

Ờ, ờ… lôi công chủy hoàng mao đầu cha chả là in. Té ra tôi đẻ dưới bụi quỳ hoa đây mà. Ớ con ơi, chừ cha con còn thất lạc chỉ có một mình mẹ đây, để mẹ…

Mượn tên cây mẹ đặt chữ Tiết Quỳ

Xem tất cả 263 trang.

Ngày đăng: 20/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí