Đối với tầng lớp quan lại đương thời, cảm quan chung của Đào Tấn là sự bất lực trước hiện thực. Trong Khuê các anh hùng, mượn lời của cô gái giả điên Phương cơ, Đào Tấn bày tỏ nỗi đau của người làm quan mà không gánh nổi trọng trách với non sông, đất nước:
Tu mi nam tử là ai?
Để cho khăn yếm nghiên vai đỡ nghèo!
“Tu mi nam tử” ở đây, Đào Tấn không nói cụ thể hạng mày râu chung chung nào mà ngầm ám chỉ bọn quan lại nhu nhược của triều đình Tự Đức khi đất nước bị xâm lăng. Ông trách mắng sự vô dụng của quan lại đương thời:
Thị đi thây chạy tơi bời
Lộc vua ăn uống, cột trời để xiêu
Ông tự cho mình cũng là một kẻ “vô dụng” và bất lực trong đám quan lại ấy. Qua lời tâm sự của Lý Khắc Minh khi nghe lời hát của Phương Cơ, có thể thấy nỗi đau xót của Đào Tấn cho đất nước, dân tộc, cho những con người phải gánh trọng trách non sông mà nhắm mắt làm ngơ:
Nghe tiếng ca cuồng nữ Dường lời nói hữu tình
Xét tình riêng mình hổ mình Ngẫm việc nước âu yếm thế
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Chuyển Biến Về Đề Tài, Chủ Đề, Cảm Hứng Chủ Đạo
- Từ Quan Niệm Về Con Người Đạo Lý Đến Hình Tượng Người Anh Hùng Trọng Nghĩa
- Quan Điểm Phát Triển Và Cái Nhìn Hiện Thực Về Con Người
- Mô Típ – Phương Thức Tổ Chức Xung Đột Kịch
- Chúng Tôi Khái Quát Phương Thức Tổ Chức Xung Đột Kịch Qua Mô Típ Trong Sơ Đồ 4.1
- Diễn Biến Tâm Trạng Và Hành Động Của Nhân Vật
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
Chính vì vậy, ông vô cùng khâm phục những trang anh hùng hảo hán dám vượt khỏi giới hạn tư tưởng bản thân để “làm phản”. Hình tượng người anh hùng phản loạn như Tiết Cương, Triệu Khánh Sanh, Hoàng Phi Hổ thỏa mãn sự bế tắc, bất lực trong hiện thực cuộc đời làm quan của Đào Tấn.
Đối với thái độ của nhân dân, Đào Tấn cảm nhận được sự trỗi dậy những tư tưởng mới không thuộc về xã hội phong kiến. Đó là sự phản kháng, sự tự chủ trỗi dậy mạnh mẽ. Hành động khuyên Hoàng Phi Hổ làm phản của bốn vị tướng hay tâm sự của Hồ Nô, Tiết An cho ta thấy chính sách “mị dân” của triều đình phong kiến đã không còn tác dụng như giai đoạn trước. Trước sự tác động của nhiều luồng tư tưởng văn hóa mới, sự rạn nứt của ý thức hệ Nho giáo, sự thay đổi của hệ thống giáo dục, nhận thức của người dân được nâng cao và ngày càng có tiếng nói riêng trong đời sống chính trị, xã hội.
Qua sân khấu, ta thấy Đào Tấn đã vẽ lên một bức tranh bao quát hiện thực thời đại một cách vô cùng sống động... Tất cả các lực lượng trong xã hội từ tầng lớp chóp bu vua chúa, quan lại, bọn Việt gian tay sai bán nước, bọn quỷ Tây,... đến các tầng lớp trí sĩ và mọi tầng lớp nhân dân đều được phản ảnh một cách rõ nét. Mỗi tác phẩm phản ánh một khía cạnh khác nhau của xã hội : Trầm Hương các là cái mô hình dâm loạn của bọn Tây Dương từ thời Tự Đức đến Đồng Khánh, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan là bước ngoặt tư tưởng của sĩ phu thời Nguyễn,
Cổ Thành là tiếng nói nhân đạo, Hộ sinh đàn là bản án kết tội bọn Việt gian bán nước, bọn phản bội đầu hàng. Diễn võ đình, thể hiện tư tưởng phản kháng mạnh mẽ của lực lượng tiến bộ trong triều Nguyễn chống bọn gian thần bán nước. Những tác phẩm do Đào Tấn nhuận sắc như Sơn Hậu thì phản ánh mâu thuẫn sâu sắc của triều đình Lê – Trịnh và Nam – Bắc phân tranh, Khuê các anh hùng, Diễn võ đình, Hộ sinh đàn... phản ánh thân phận và tình cảm của những người phụ nữ trong xã hội xưa đồng thời ca ngợi những tấm gương phụ nữ Việt Nam anh hùng, dũng cảm, trung hiếu, nghĩa tình... Hầu hết các tác phẩm của Đào Tấn đều kết thúc bỏ lửng, không có hậu để cho người xem suy ngẫm. Chính vì vậy mà “Người Việt Nam xem tuồng Đào Tấn bao giờ cũng thương cảm, đồng tình, khâm phục trước những hành động cao cả của những nhân vật tích cực; ngược lại họ cũng vô cùng căm ghét những nhân vật phản động, nịnh thần, xem chúng như những con người đang tồn tại trong xã hội mình đang sống vậy” [32, tr.22].
Có thể nói, hiện thực xã hội Việt Nam trong cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được Đào Tấn thu nhỏ lại trong các tác phẩm của ông bằng bút pháp tài tình. Mịch Quang gọi phương pháp phản ánh hiện thực của ông là “phương pháp hiện thực ngụ ngôn”. Đây là một sáng tạo của “Hậu tổ tuồng”. Khi so sánh những kịch bản của Đào Tấn với các tác phẩm tuồng trước và sau đó thì càng thấy rõ cái sâu sắc của Đào Tấn về mọi mặt nội dung và thi pháp.
Như vậy, với 9 kịch bản tuồng, Đào Tấn đã vẽ lại một bức tranh hoàn chỉnh về xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, từ các diễn biến lịch sử đến đời sống cung đình và sự phân hóa tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội. Qua việc nghiên cứu các tác phẩm tuồng của ông, chúng ta có thêm cái nhìn sâu sắc về lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam thời cận đại.
3.3.2. Giá trị nhân đạo
“Văn học là nhân học” (M. Gorki), văn học luôn hướng tới những vấn đề nhân sinh của con người vì vậy bản thân văn học đã hàm chứa trong nó giá trị nhân văn sâu sắc. Văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX phát triển theo nhiều khuynh hướng: đạo lý, yêu nước, hiện thực, nhân đạo... Trong đó độc đáo và mới mẻ nhất là khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa. Theo Vũ Thanh thì “Khuynh hướng này góp phần quan trọng làm nên diện mạo và giá trị riêng biệt của giai đoạn này, thể hiện sự phát triển vượt bậc của lịch sử văn học dân tộc” [241, tr.26]. Mặc dù sống và sáng tác trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, nhưng các tuồng bản của Đào Tấn lại chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các trào lưu, tư tưởng của giai đoạn trước. Đặc biệt là dấu ấn của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Nội dung trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong tuồng Đào Tấn được thể hiện trên hai phương diện cơ bản:
Thứ nhất, Đào Tấn lên án tố cáo chế độ phong kiến, giai cấp thống trị và chiến tranh phong kiến trên lập trường nhân bản vì quyền sống của con người, thể hiện tình yêu thương đối với những số phận khổ đau và bất hạnh.
Cảm hứng phê phán chế độ phong kiến, giai cấp thống trị và chiến tranh phong kiến đã có từ những thế kỉ trước và đặc biệt nổi bật vào thế kỷ XVI trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và chủ yếu trên lập trường đạo đức. Là một trong những nhà Nho cuối cùng ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX không bị ảnh hưởng với văn hóa phương Tây, Đào Tấn một mặt vẫn tố cáo sự rối loạn của xã hội với các giá trị đạo đức truyền thống bị tan rã, mặt khác khẳng định đạo đức chính thống. Ông kịch liệt lên án những kẻ vô ơn bội nghĩa, tráo trở phản bội như Tiết Nghĩa (Hộ sinh đàn), hoang dâm như vua Trụ (Trầm Hương các), giảo hoạt như Tào Tháo (Tân Dã đồn), độc ác như Hồ Ly (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), ngỗ ngược, bất hiếu như Tạ Kim Hùng (Khuê các anh hùng)... Ông đã vẽ lên một xã hội “vặn loạn cương thường” với nhan nhản những loại người bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, bất tín... Nịnh thần hoành hành tác yêu tác quái, hầu hết trung thần thì xa lánh, cam chịu giữ yên thân. Những con người dám đứng thẳng, nói thẳng thì trở thành kẻ cướp, kẻ làm phản, kẻ bị truy nã... Đào Tấn đã đứng trên lập trường nhân bản vì quyền lợi con người để phê phán xã hội. Có thể thấy, trên mỗi trang tuồng là những dằn vặt, trăn trở, suy tư của ông về thời đại và con người. Ở mỗi tác phẩm, ông không ngừng tìm hướng đi và sự giải thoát cho mỗi số phận. Nhưng kết thúc vẫn là bế tắc. Chính vì vậy, tuồng Đào Tấn mang âm hưởng bi kịch rõ nét.
Với lòng yêu thương con người sâu sắc, Đào Tấn hướng ngòi bút của mình đến mọi số phận và bi kịch của con người. Nếu tuồng cổ chỉ cho ta thấy số phận và bi kịch của những người anh hùng thì trong tuồng Đào Tấn ta thấy số phận và bi kịch của cả kiếp nhân sinh. Mỗi nhân vật của Đào Tấn có một số phận và phải chịu những bi kịch khác nhau. Chính vì vậy bi kịch trong mỗi tuồng bản của Đào Tấn là duy nhất không có sự trùng lặp. Tiết Cương - Lan Anh với bi kịch không thể sống một cuộc đời bình thường mà phải làm thảo khấu. Họ cũng mong muốn có một gia đình bình thường, sống cuộc sống yên ấm, hạnh phúc nhưng những thế lực đen tối luôn tước đoạt và vùi dập ước mơ của họ, muốn tồn tại, họ buộc phải làm “kẻ phản nghịch”, làm “thảo khấu. Khánh Sanh - Kiều Quang với bi kịch tình yêu chia ly. Vừa bái đường hợp hôn, Kiều Quang đã phải tiễn chồng trốn khỏi sự truy bắt của Bàng Hồng. Kiều Quang ở lại Vương phủ sống trong nỗi nhớ mong và thấp thỏm lo lắng còn Khánh Sanh mệt mỏi trên chặng hành trình trốn chạy vô tận không biết điểm dừng. Hoàng Phi Hổ - Giả thị với nỗi đau sinh ly tử biệt, gia đình tan vỡ. Đang sống hạnh phúc, vì lọt vào cái nhìn của quân vương mà Giả thị oan uổng vong mạng. Hoàng Phi Hổ mất vợ và trở thành kẻ phản nghịch, một gia đình yên ấm hạnh phúc bỗng tan vỡ... Có thể thấy, con người trong tuồng của Đào Tấn đều mong ước được sống bình yên và mưu cầu hạnh phúc nhưng luôn phải đối mặt với hiện thực phũ phàng. Ta thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhân vật của Đào Tấn cũng luôn vươn lên kiếm tìm ánh sáng. Ở họ dầu có lúc sờn lòng nhụt chí nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Trong Hộ sinh đàn, Lan Anh hai lần lạc chồng trong rừng sâu
nhưng chưa bao giờ nàng ngừng kiếm tìm, ngừng hy vọng có ngày đoàn tụ, hạnh phúc. Từ Thứ mặc dù quy Tào nhưng vẫn luôn mong những điều tốt đẹp cho những người anh em của mình (Tân Dã đồn), Khánh Sanh phải chia tay Kiều Quang để trốn chạy sự truy sát của Bàng Hồng nhưng tâm hồn họ như chưa bao giờ xa nhau (Diễn võ đình). Trương Phi dù có nghi ngờ Quan công nhưng cũng chưa bao giờ hết niềm tin vào người anh em của mình mà luôn tìm mọi lý do biện minh cho hành động hàng Tào của Quan Vũ (Cổ Thành)...
Thứ hai, Đào Tấn khẳng định và đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người.
Từ thế kỉ XVI trở về sau, viết về người phụ nữ đã trở thành một trong những đề tài lớn của văn học. Các thể loại văn học dường như đều xoay quanh việc phản ánh số phận người phụ nữ. Vì vậy, trong văn học giai đoạn này, hình tượng người phụ nữ hiện lên một cách khá đầy đủ và toàn diện trên nhiều bình diện. Về văn xuôi, các tác phẩm nổi tiếng viết về đề tài người phụ nữ có Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), Lan trì kiến văn lục (Vũ Trinh)… Truyện Nôm cũng có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài này, nhưng tiêu biểu hơn cả là các truyện Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Quan Âm Thị Kính…và các truyện Song tinh bất dạ (Nguyễn Hữu Hào), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Sơ kính tân trang (Phạm Thái)… Thơ ca viết về phụ nữ, nổi bật là thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Chinh phụ ngân khúc (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm diễn Nôm), Cung oán ngân khúc (Nguyễn Gia Thiều)… Nói tóm lại, từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX, trong các thể loại văn học, thơ ca cũng như văn xuôi tự sự, tác phẩm viết bằng chữ Hán cũng như chữ Nôm dường như nở rộ về đề tài người phụ nữ và hình tượng người phụ nữ nổi bật lên với hai nét cơ bản: phụ nữ là hiện thân của cái đẹp và phụ nữ là hiện thân của số phận bi thương.
Kế thừa truyền thống của văn học dân tộc, chịu ảnh hưởng của khuynh hướng văn học nữ quyền nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, trong các sáng tác của mình, Đào Tấn dành những tình cảm ưu ái đặc biệt khi xây dựng hình tượng người phụ nữ. Hầu hết các nhân vật nữ trong kịch bản tuồng Đào Tấn đều có ý thức sâu sắc về tài năng và nhân phẩm của mình. Đó là những người phụ nữ tự tin, tự chủ và chính họ đứng lên đấu tranh làm chủ cuộc đời và đi tìm hạnh phúc cho mình. Đó là một Phương Cơ gan dạ, mưu trí, một Xuân Hương khôn ngoan, khéo léo, một Bích Hà dũng cảm, kiên cường (Khuê các anh hùng). Đó là một Lan Anh mạnh mẽ, quyết đoán, một Tú Hà trọng nghĩa tình, một Hồ Nô chân thật, trung thành (Hộ sinh đàn). Đó còn là những người phụ nữ thủy chung son sắc như Kiều Quang (Diễn võ đình), Giả thị (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan)...
Mặt khác, người phụ nữ trong tuồng Đào Tấn chính là hiện thân của sự hy sinh.Trong các tuồng bản được Đào Tấn nhuận sắc, sự hy sinh của các nhân vật nữ không thuần túy chỉ vì đạo “trung quân” mà còn vì đạo lý làm người. Tuồng bản Khuê các anh hùng (được Đào
Tấn viết lại từ tuồng Tam nữ đồ vương) nói về ba người phụ nữ anh hùng tham gia sự nghiệp “phò vua diệt nịnh”. Để cứu Chánh hậu cùng Hoàng tử, Xuân Hương cùng Bích Hà quyết xin đổi áo, giả làm Chánh hậu để chết thay cho bà. Đứng trước cái chết, cả Xuân Hương và Bích Hà đều tự nguyện hy sinh thân mình. Điều khiến chúng ta cảm động là bên cạnh nghĩa vụ với đất nước, tình nghĩa con người cũng được đề cao. Đối với Đào Tấn, phàm là con người khi đứng trước cái chết thì đều bình đẳng, không phân biệt thân phận. Cuối cùng, Bích Hà được nhận trọng trách vinh quang này, còn Xuân Hương thì được giao nhiệm vụ đưa Chánh hậu đi lánh nạn. Trong tuồng Sơn Hậu còn có một nhân vật nữ khiến cho ta kính phục vì tấm lòng trung nghĩa hiếm có, đó là Tạ Nguyệt Hạo luôn hết lòng vì sự nghiệp Tề triều cho dù đó là kẻ thù “bất cộng đới thiên” của anh em họ Tạ nhà bà. Điều đó được minh chứng qua những hành động như giả vờ đau ốm, dùng tình cảm ruột thịt để cản đường em trai mình (Tạ Ôn Đình) trên đường truy đuổi Thứ hậu, sẵn sàng làm con tin để Đổng Kim Lân thực hiện kế “bắt chị, đổi mẹ” cứu Đổng mẫu do em trai mình bắt, tạo cơ hội cho quan Phàn Diệm đánh tan đội quân phản loạn, khôi phục lại cơ nghiệp nhà Tề. Đó cũng là một tấm gương hy sinh tình thân vì nghiệp lớn. Ngoài ra còn có hình ảnh người mẹ vĩ đại như Đổng mẫu (mẹ Đổng Kim Lân), sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vương giả để về quê nương náu nhằm giúp con mình làm tròn nhiệm vụ bảo vệ ấu chúa, đưa mẹ con Thứ phi đi lánh nạn. Khi bị quân phản loạn (Tạ Ôn Đình) bắt, treo bà lên trên cổng thành và dùng lửa đốt để buộc Đổng Kim Lân mềm lòng mà đầu hàng chúng, bà đã khẳng khái khuyên con:
Thẳng hai tay nâng đỡ âu vàng
Mài ba tấc mà băm vầm loài bạc.
Đó quả là khí chất của “bà mẹ anh hùng” ngấm trong huyết quản của mỗi người mẹ Việt Nam. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ khi vận mệnh đất nước lâm nguy phải lựa chọn giữa “nước” và “nhà”, giữa nghĩa vụ với đất nước và tình thân. Chính vì có những người phụ nữ hy sinh thầm lặng như thế, dân tộc Việt Nam có thể đánh bại những đế quốc sừng sỏ trong lịch sử như nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh và sau này là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân Tưởng, quân Tàu... Trong bất kỳ thời đại nào, người phụ nữ cũng luôn là hiện thân của sự hy sinh.
Nếu sự hy sinh của các nhân vật nữ trong những tuồng bản do Đào Tấn nhuận sắc thường gắn với đạo đức Nho giáo thì ở những tuồng bản do ông sáng tác, vấn đề “trung quân ái quốc” nhường chỗ cho tình cảm cá nhân, gia đình, cụ thể là tình yêu đôi lứa. Người phụ nữ dường như dồn hết sự quan tâm cho chồng, con và những người thân yêu của họ. Họ “sống” trong tác phẩm rất chân thực như giữa đời thường, nội tâm của họ được miêu tả tinh tế và phong phú ở mọi phương diện cảm xúc. Đó là nỗi đau vô tận của Giả thị (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan)
khi bất ngờ phải sinh ly tử biệt với chồng con. Vào cung thăm Thứ phi (em gái Hoàng Phi Hổ), Giả thị bị vua Trụ cưỡng bức, nàng kiên quyết chống cự và bị hắn đá chết. Yêu và chung thủy với chồng, nàng thà hy sinh bản thân để giữ tiết hạnh chứ nhất định không chịu bị làm nhục. Linh hồn Giả thị vẫn vương vấn trần gian, đau đáu lo cho chồng, cho con. Khi Hoàng Phi Hổ bị Trần Ngô lập mưu thiêu chết ở miếu thần, Giả thị đã hiện hồn báo mộng cứu chồng. Nếu hình tượng nhân vật Giả thị gắn liền với sự cam chịu và bi kịch gia đình tan vỡ, với nỗi đau sinh ly tử biệt thì Trần Thị Lan Anh (Hộ sinh đàn) và Vương Kiều Quang (Diễn võ đình) lại đại diện cho những người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh chống lại số phận, vượt lên hoàn cảnh để kiếm tìm hạnh phúc. Là chủ Long Sơn trại, Lan Anh lấy Tiết Cương và lui về làm phu nhân trại chủ, nhường hết quyền lực cho chồng. Đó là một sự hy sinh lớn khi nàng tình nguyện từ bỏ sự nghiệp gây dựng bao lâu về đứng sau Tiết Cương chăm lo gia đình. Nàng chăm sóc Tiết Giao (cháu Tiết Cương), lo chu toàn bổn phận làm dâu họ Tiết. Khi chồng bị truy đuổi, nàng không màng tính mạng xuất binh đi cứu chồng, vượt qua muôn ngàn khó khăn khi bụng mang dạ chửa lạc giữa núi rừng, một mình sinh nở, nàng kiên cường vượt qua để đem sự sống đến cho đứa con của mình. Ở Lan Anh, ta thấy một sức mạnh phi thường mà mỗi khi nàng bị vùi dập lại khiến nàng trở lên mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, nàng vượt qua tất cả các thử thách để đến được với hạnh phúc viên mãn, được đoàn tụ với chồng, con của mình.
Không chỉ khẳng định và đề cao nhân phẩm của con người, Đào Tấn còn thể hiện khát vọng tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc gia đình, khát vọng ái ân... Ông đã thể hiện khéo léo những khát vọng này qua hành động phản kháng quyết liệt của các nhân vật trong tuồng. Không giống với số phận bi thương bị vùi dập của người phụ nữ trong văn học thế kỷ XVII – XVIII, người phụ nữ trong tuồng của Đào Tấn là những số phận “không chấp nhận bị vùi dập”. Đó là nữ tướng cướp Lan Anh, tiểu thư khuê các Kiều Quang, phu nhân Giả thị... Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, một tính cách nhưng có một điểm chung là không chịu khuất phục số phận. Cái xã hội đảo điên nhơ nhớp ấy có buộc Lan Anh phải làm thảo khấu thì nàng vẫn kiên quyết không chịu khuất phục, nàng tìm được hạnh phúc ở chốn đào nguyên cùng Tiết Cương. Nàng cùng những người anh em của mình chiến đấu chống lại triều đình bảo vệ chính nghĩa, giúp đỡ mọi người. Mặc dù trải qua nhiều thử thách, có mất mát hy sinh nhưng Lan Anh được sống cuộc sống mà nàng mong muốn, được ở bên những người mà nàng yêu thương. Giả thị không khuất phục trước sự cường bạo của Trụ vương. Nàng chết đi nhưng linh hồn nàng cũng không buông xuôi mà luôn theo bảo vệ những người thân yêu. Kiều Quang không chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Khi không biết sẽ được gả cho ai thì nàng kiên quyết không chấp nhận, nàng đấu tranh để được tự do yêu đương, được sống thật với tình cảm của mình. Nhưng khi đã yêu thì nàng sống
chết bảo vệ tình yêu và đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Ở những người phụ nữ ấy, ta luôn thấy có sự vươn lên để làm chủ hoàn cảnh và số phận. Có thể thấy, hình ảnh người phụ nữ trong tuồng Đào Tấn kế thừa ý thức “nữ quyền” trong văn học nửa cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ trong các truyện thơ Nôm.
Khác với cuộc sống cung đình mô thức, ước lệ trong tuồng cổ, Đào Tấn hướng con người tới cuộc sống trần tục và hưởng thụ niềm vui hạnh phúc của con người với tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình... Đó là cuộc sống phu thê viên mãn hạnh phúc của Lan Anh
-Tiết Cương ở Long Sơn trại, tình yêu mặn nồng của Khánh Sanh - Kiều Quang, sự thủy son sắc trong tình yêu của Hoàng Phi Hổ - Giả thị...
Giá trị nhân đạo là dòng chảy bất tận xuyên xuốt văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học trung đại và hiện đại. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi tác giả giá trị nhân đạo có những biểu hiện khác nhau. Với sự trân trọng, yêu thương cùng niềm tin tuyệt đối vào con người, Đào Tấn chọn cách trao cuộc đời và số phận cho nhân vật của mình tự định đoạt. Chính vì vậy, các nhân vật trong tuồng Đào Tấn rất hiện thực và gần gũi với cuộc đời.
Tiểu kết Chương 3
Có thể thấy, nội dung kịch bản tuồng Đào Tấn phản ánh phần nào sự chuyển biến tư tưởng của thời đại, dân tộc qua những rạn nứt của ý thức hệ Nho giáo, sự thay đổi đề tài, chủ đề, nhân vật trung tâm trong tuồng. Trên nền tảng tư tưởng Nho – Phật – Đạo và truyền thống yêu nước của dân tộc, “Hậu tổ tuồng” đã kế thừa và kiến tạo nên một thế giới tuồng mang bản sắc riêng biệt. Đó là hình ảnh những người anh hùng trọng nghĩa mang vẻ đẹp “quật khởi”của thời đại “khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc. Đó là những người phụ nữ, nông dân, binh lính, nô tì... bắt đầu có vị thế và tiếng nói riêng của mình. Con người được nhìn trong sự vận động, biến đổi theo môi trường, hoàn cảnh. Kịch bản tuồng của Đào Tấn cũng mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Mỗi tác phẩm là một bức tranh thu nhỏ về hiện thực xã hội đương thời. Mỗi mảnh đời, số phận và bi kịch nhân sinh được hiện hình trong tác phẩm là khái quát tiêu biểu nhất cho cuộc sống của con người trong thời kỳ đen tối và sóng gió của đất nước. Đào Tấn đã thực sự tạo nên cả một thế giới tuồng phong phú, đa dạng và đầy sức sống.
Để có thể biểu đạt được những tầng bậc nội dung, tư tưởng đó, “Trạng nguyên văn tuồng” đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật biên kịch độc đáo với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn học và nghệ thuật, giữa vẻ đẹp ngôn từ và kỹ năng biểu diễn sân khấu. Chính nó góp phần quan trọng đưa các tuồng bản của ông lên tầm “tác phẩm kinh điển” của nghệ thuật tuồng. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn nghệ thuật viết tuồng của Đào Tấn trong Chương 4 của Luận án.
Chương 4
MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN
Tuồng là một thể loại kịch tự sự - trữ tình phương Đông, do vậy phương thức biểu hiện của tuồng vừa mang tính tự sự lại giàu chất trữ tình. Cũng như các thể loại tự sự khác của văn học trung đại, nhân vật trong tuồng được phân thành hai kiểu loại có tính chất đối lập nhau. Dựa trên những đặc trưng cơ bản của thể loại tuồng, khi nghiên cứu những vấn đề nghệ thuật tuồng Đào Tấn, chúng tôi tiếp cận trên các phương diện: kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, văn thể và ngôn ngữ nghệ thuật.
4.1. Kết cấu
Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận. Những yếu tố, bộ phận đó được tác giả sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định gọi là kết cấu. Như vậy, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. Nếu cốt truyện để chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố... trong tác phẩm tự sự và kịch thì kết cấu mang nội hàm rộng hơn nhiều. Nói cách khác, cốt truyện là một thành tố của kết cấu. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu kết cấu kịch bản tuồng Đào Tấn trên một số phương diện chính là: cốt truyện, phương thức tổ chức xung đột kịch bằng mô típ, kết cấu không gian – thời gian nghệ thuật.
4.1.1. Cốt truyện
Đa phần các tuồng bản do Đào Tấn sáng tác thuộc loại tuồng cải biên, được soạn dựa theo các tích truyện lịch sử của Trung Quốc, nhiều nhất là từ tiểu thuyết chương hồi. Về cơ bản ông xây dựng dựa theo nguyên tác cốt truyện. Trong quá trình triển khai tình tiết kịch, ông lược mờ đi một số chi tiết ít liên quan và tô đậm, sáng tạo thêm các chi tiết mới để nhấn mạnh chủ đề của tác phẩm. Trong tuồng Tân Dã đồn, theo nguyên tác Tam Quốc diễn nghĩa truyện, chỉ có Lưu Huyền Đức tiễn Từ Thứ quy Tào và được miêu tả bằng một câu trần thuật: “Nói rồi Từ Thứ ra đi, Huyền Đức khóc trông theo mãi”. Khi sang tuồng Tân Dã đồn, cảnh chia tay được tổ chức thành hai lớp: lớp Từ giã (gồm 71 câu tuồng nói về đêm uống rượu chia tay Từ Thứ, tâm sự của vị quân sư và nỗi lòng Lưu, Quan, Trương); lớp Tiễn biệt (gồm 110 câu tuồng miêu tả nội tâm Lưu, Quan, Trương khi tiễn Từ Thứ và Từ Thứ quay lại tiến cử Khổng Minh). Mặc dù chỉ tô đậm và phóng tác một chi tiết nhỏ của nguyên tác nhưng tác giả cũng thành công khi hướng người đọc đến tình nghĩa sâu sắc của anh em Lưu, Quan, Trương với vị quân sư của mình. Nếu trong nguyên tác chỉ có Lưu Bị tiễn Từ Thứ nhằm đề