nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới - dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường Cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở, như trong cổ tích, làm cho ước mơ, công lý được thực hiện dễ dàng” [7, tr.160]. Không gian nghệ thuật đa số gắn với một môi trường cụ thể, với trường nhìn nhất định.
Không gian nghệ thuật bên cạnh khả năng phơi trải kết cấu bên trong của văn bản mà nó còn nói lên cảm nhận về thế giới, tầng sâu nhận thức của tác giả. Nó đem đến cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Không gian cũng mang ý nghĩa làm nên viễn cảnh cho nhân vật. Thông qua không gian nghệ thuật, người đọc có thể khám phá rò hơn hình tượng, thấy được mọi hành động, những rung động tâm lý thoáng qua trong tâm hồn nhân vật, góp phần định hướng hành động nhân vật. Trong cuốn Lý luận văn học tập 2, Trần Đình Sử đã nhận xét “phân tích không gian nghệ thuật là cơ sở để đọc hiểu thế giới tác phẩm và nhân vật” [24, tr.85]. Nhà văn khi sáng tác bao giờ cũng dựa trên yếu tố nền là bối cảnh hiện thực, từ đó thi vị hóa nên những hình tượng không gian và phản ánh nó theo một lối đi riêng.
Tóm lại, nghiên cứu không gian nghệ thuật là khâu không thể thiếu khi nghiên cứu vẻ đẹp của một tác phẩm ẩn sau từng lớp câu chữ. Độc giả có thể nhận thức về bối cảnh, các hình thái xã hội giai đoạn thời bấy giờ đồng thời thêm trân trọng tinh thần vì nghệ thuật của người làm nên những áng văn chương ấy.
1.2. Những vấn đề lý luận về thời gian và thời gian nghệ thuật
1.2.1. Khái niệm thời gian và thời gian nghệ thuật
1.2.1.1. Khái niệm thời gian
Thời gian được coi như một phạm trù của triết học. Như không gian, thời gian là phương thức tồn tại của vật chất. Thế giới vật chất được xác định khi có thời gian là hệ quy chiếu.
Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học cho rằng thời gian là “hình thức tồn tại có tính liên tục, độ dài, hướng, nhịp độ, có ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và có tính chất không thể đảo ngược” [23, tr.77]. Mỗi dạng tồn tại của vật chất đều có một thời gian riêng đại diện và thể hiện cho chúng. Thời gian là đối tượng chính trong nhận thức của con người.
1.2.1.2. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù, nó cũng có thời gian riêng. Con người hầu hết muốn cảm nhận thực tại qua thời gian và trong thời gian. Tác phẩm cần một lượng thời gian để có thể truyền tải thông điệp đến người đọc.
Có thể bạn quan tâm!
- Không gian và thời gian nghệ thuật trong Bướm trắng của Nhất Linh - 1
- Không gian và thời gian nghệ thuật trong Bướm trắng của Nhất Linh - 2
- Biểu Hiện Của Không Gian Và Thời Gian Nghệ Thuật Trong Bướm Trắng
- Không Gian Khắc Họa Tâm Lí Đối Lập Giữa Cái Chết Và Tình Yêu
- Biểu Hiện Của Thời Gian Nghệ Thuật Trong Bướm Trắng
Xem toàn bộ 71 trang tài liệu này.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật” [7, tr.322].
Thời gian nghệ thuật không trùng khớp với thời gian vật chất. Thời gian trong thế giới nghệ thuật có độ dài, tần suất, nhịp độ, có ba chiều với quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhà văn có thể lựa chọn hình thức thể hiện cũng như độ dài cho thời gian phù hợp với dụng ý sáng tác và thể hiện được tài năng mới lạ. Trần Đình Sử cho thấy “thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai” [23, tr.77].
Tựu chung lại, thời gian nghệ thuật là sản phẩm của tác giả thông qua các phương tiện nghệ thuật làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc lo âu, hoặc an nhiên... Nếu không có sự tiếp nhận của người đọc thì không
xuất hiện thời gian nghệ thuật. Khi tiếp nhận thời gian nghệ thuật người đọc nên tiếp nhận một cách có ý thức, không phải muốn cảm thụ nó như thế nào cũng được. Tuy nhiên nếu một tác phẩm thực sự là những phát hiện và kiến tạo mới mẻ về thời gian nghệ thuật thì đối với bất kì ai, tiếp nhận vào lúc nào đều có thể nhận thấy được thời gian nghệ thuật trong tác phẩm.
1.2.2. Cấu trúc và biểu hiện của thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật xuất hiện trong tác phẩm tựa như một hệ quy chiếu. Do miêu tả thời gian trong sự cảm thụ của con người nên thời gian nghệ thuật có cấu trúc khá đa dạng. Trong văn học, yếu tố nào cũng có biểu hiện thời gian đặc trưng. Cơ bản, thời gian nghệ thuật có hai lớp thời gian chính sau đây:
1.2.2.1. Thời gian trần thuật
Thời gian trần thuật được sử dụng với mật độ liên tục trong văn học. Thời gian trần thuật là thời gian vận động theo dòng vận động một chiều, tuyến tính. Mỗi tác phẩm văn chương đều diễn đạt hình tượng theo trật tự thời gian của lời nói liên tục, không ngắt quãng. Khái niệm “trần thuật” không chỉ dành riêng cho thể loại tự sự mà trong thơ trữ tình cũng có bóng dáng của yếu tố trần thuật.
Thời gian trần thuật có nội hàm phong phú. Là đơn vị thời gian hữu hạn nên kiểu thời gian ấy có sự mở đầu và kết thúc hoàn chỉnh. Do có nhịp độ riêng biệt nên người kể có thể kể lướt qua hay chi tiết, chậm hay nhanh... Thời gian trần thuật giúp người sáng tác có thể linh hoạt theo ý muốn trong khi tường thuật.
Thời gian trần thuật được nhận biết thông qua một vài căn cứ. Cơ sở quan trọng nhất đó là yếu tố hình thức. Thời gian trần thuật có bốn tiểu loại: “tỉnh lược”, “lược thuật”, “cảnh tượng”, “dừng lại”. Với “tỉnh lược” thời gian trần thuật hầu như bằng không. Nhờ có “lược thuật”, một khoảng thời gian
dài vô tận có thể được tóm tắt lại bằng một vài câu văn ngắn mà không làm mất đi bản chất sự việc. “Cảnh tượng” thì khác, đây là hình thức nói lại các cuộc giao tiếp mà thời gian trần thuật kể những cuộc giao tiếp đó gần như bằng thời gian thực khi con người tương tác với nhau. Cuối cùng nhà văn có thể dùng hình thức “dừng lại” khi thực hiện giai đoạn miêu tả ngoại hình hay môi trường xung quanh trong tác phẩm.
Cuối cùng, thời gian trần thuật là yếu tố căn bản trong sáng tác nghệ thuật. Việc tổ chức thời gian trần thuật hợp lý sẽ phản ánh trình độ sáng tác của người nghệ sĩ trong quá trình sử dụng và phân bố quỹ thời gian.
1.2.2.2. Thời gian được trần thuật
Cấu thành nên một lời nói bao giờ cũng gồm hai thành phần: sự kiện nói và sự kiện được nói tới. Bên cạnh thời gian trần thuật là sự hiện diện của thời gian được trần thuật. Thời gian được trần thuật là thời gian của những sự kiện được nhắc đến. Thời gian được trần thuật bao gồm: “thời gian sự kiện”, “thời gian nhân vật”, “thời gian thiên nhiên”, “thời gian sinh hoạt”, “thời gian phong tục” và “thời gian xã hội, lịch sử”.
“Thời gian sự kiện” là một vòng tuần hoàn của mọi biến cố theo thứ tự trước - sau, nguyên nhân - kết quả. “Thời gian sự kiện” được tính bởi độ dài thời gian khi nó xảy ra. Trong “thời gian sự kiện”, người ta chia ra hai tiểu loại thời gian: thời gian tích truyện và thời gian truyện.
“Thời gian nhân vật” chứa đựng thời gian gắn với mọi sự kiện trong cuộc đời nhân vật và thời gian tiểu sử. Chỉ riêng nhân vật chính mới có thời gian xuất hiện tương đương thời gian tích truyện và thời gian truyện, còn các nhân vật khác thì chỉ xuất hiện từng lúc, từng thời điểm nhất định trong truyện.
“Thời gian thiên nhiên” chính là vòng tuần hoàn của vũ trụ với mười hai tháng và các buổi sớm, trưa, chiều, tối. “Thời gian thiên nhiên” có vị trí quan trọng trong đời sống tâm hồn con người.
“Thời gian sinh hoạt” là khoảng thời gian mà mỗi cá nhân vận hành quá trình sống của mình. Con người làm việc, vui chơi, nghỉ ngơi... theo lịch sinh hoạt riêng của bản thân. Thông qua “thời gian sinh hoạt”, người đọc sẽ nắm bắt được tình trạng sống của nhân vật.
“Thời gian phong tục” là thời gian đại diện cho các ngày cúng, giỗ, lễ, Tết trong năm, các phiên chợ. Nó tạo thành nếp sinh hoạt của từng vùng, từng dân tộc, dòng họ, gia đình... Không có bất cứ một cá nhân nào lại sống xa rời với phong tục của quê hương mình.
“Thời gian xã hội, lịch sử” là kiểu thời gian đo bằng sự đổi thay của đất nước, quá trình phát triển hay sự suy tàn của một quốc gia. Kiểu thời gian này được xác định bằng các sự kiện như lên ngôi cai trị, nội chiến, ngày giải phóng, ngày độc lập, những đổi thay trong chính sách của một quốc gia.
Các dạng thức thời gian trong thời gian được trần thuật cho thấy thời gian trong cuộc sống con người là một phức hợp gồm nhiều yếu tố. Sự phối hợp các yếu tố có nhịp độ và độ dài khác nhau ấy sẽ tạo nên nét độc đáo của thời gian nghệ thuật trong xuyên suốt lịch sử văn học.
1.2.3. Vai trò của thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật vừa là phương diện của đề tài vừa là một trong những nguyên tắc cốt yếu để xây dựng nên một văn bản nghệ thuật. Thời gian góp phần bộc lộ nhân cách, phẩm chất của nhân vật. Thông qua thời gian nghệ thuật, nhân vật được thoải mái bày tỏ suy nghĩ, tâm tư trước hoàn cảnh do thời gian đã được khúc xạ qua tâm lí con người. Thời gian nghệ thuật tạo ra con đường để độc giả bước vào thế giới văn học. Thời gian nghệ thuật thể hiện mạch vận động của cuộc sống đang ngấm ngầm diễn ra trong tác phẩm.
Thời gian nghệ thuật cũng thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời, về sự sắp xếp trật tự của tác giả,... Cuộc sống và cách đón nhận thời gian của mỗi tác giả biểu đạt trong sáng tác là hoàn toàn khác nhau. Cuộc đời có thể là
chuỗi ngày đau khổ triền miên, cuộc đời có thể là sống chỉ để tồn tại, là hành trình gian nan để vươn tới ước mơ... Có thể thấy thời gian nghệ thuật là phạm trù có nội hàm triết lý. Thời gian nghệ thuật thể hiện thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ có thể chọn lựa cho mình điểm bắt đầu hay kết thúc, có thể kể theo mức độ nhanh hay chậm, yêu thích một khoảnh khắc hay là cả một cuộc đời... nhằm biểu đạt thời gian nghệ thuật. Ấy là tinh thần sáng tạo chủ động trong văn chương.
Thời gian nghệ thuật là phạm trù đặc trưng của văn học. Phạm trù ấy là cơ sở để khám phá các loại hình, các hiện tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là đối tượng, là chủ đề, là công cụ để miêu tả xuyên suốt toàn bộ văn học. Thời gian trong văn học không còn giản đơn là cái dung chứa các sự kiện của đời sống mà là yếu tố nội dung tích cực, là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của văn bản nghệ thuật.
1.3. Nhất Linh và tác phẩm Bướm trắng
1.3.1. Cuộc đời và sự nghiệp văn học
1.3.1.1. Cuộc đời
Nhất Linh sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906, tên khai sinh là Nguyễn Tường Tam. Ông sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Gia đình Nhất Linh có truyền thống khoa bảng. Ông nội Nguyễn Tường Tam tên Nguyễn Tường Tiếp từng giữ chức tri huyện Cẩm Giàng. Cha ruột Nhất Linh là Nguyễn Tường Chiếu làm Thông phán. Từ nhỏ, bảy anh em nhà Nguyễn Tường đã có dịp tiếp xúc với tầng lớp nông dân nghèo khổ. Điều ấy lí giải vì sao hình ảnh của họ cứ luôn trở đi trở lại trong các sáng tác của Nhất Linh và Thạch Lam sau này.
Cuộc đời Nhất Linh trải qua nhiều biến động phức tạp. Thuở nhỏ, Nguyễn Tường Tam theo học tiểu học ở Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi ở Hà Nội. Vốn yêu thích văn chương và say mê nghiên cứu nên năm 16
tuổi ông đã có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn. Cuối năm 1923, ông thi đỗ bậc Thành Chung nhưng vì chưa đến tuổi vào trường Cao đẳng nên ông làm thư ký ở sở tài chính Hà Nội. Tại đây ông kết duyên văn chương với Tú Mỡ và kết hôn với bà Phạm Thị Nguyên.
Năm 1927, Nguyễn Tường Tam quyết định sang Pháp du học. Nhờ trí thông minh và tài năng thiên bẩm nên năm 1930 ông đậu bằng Cử nhân Khoa học Giáo khoa và trở về nước trong năm đó. Trở về nước, Nguyễn Tường Tam dạy học tại trường tư thục Thăng Long. Ở đó ông quen biết với thầy giáo dạy Việt văn là Trần Khánh Dư (tức Khái Hưng).
Đầu năm 1932, Nhất Linh và các cộng sự như Khái Hưng và Hoàng Đạo quyết định thành lập tổ chức Tự lực văn đoàn. Tự lực văn đoàn đã có ảnh hưởng nhất định đến sự mở đầu cho một giai đoạn văn học. Cũng trong năm 1932, Nhất Linh nhận trọng trách quan trọng khi đứng ra làm chủ bút tờ Phong hóa.
Năm 1938, Nguyễn Tường Tam thành lập Đảng Hưng Việt, sau đổi tên là Đại Việt Dân chính Đảng. Song song với việc hoạt động văn nghệ thì Tự lực văn đoàn cũng góp sức cho công cuộc chống Pháp xâm lược. Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh, Đại Việt Dân chính Đảng sáp nhập với Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Tường Tam làm Bí thư của Việt Nam Quốc dân Đảng. Tháng 3 năm 1946, sau khi đàm phán với chính phủ, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Năm 1951, Nhất Linh về nước mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự lực văn đoàn, và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị. Năm 1958, ông về Sài Gòn cho ra mắt tờ báo Văn hóa ngày nay, tuy nhiên phát hành được 11 số thì bị đình bản. Năm 1960 ông về Sài Gòn thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Không may mắn cuộc đảo chính thất bại, ông bị
chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng. Đêm ngày mùng 7 tháng 7 khi nghe tin sẽ bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Tường Tam đã dùng thuốc độc quyên sinh để phản đối chính quyền độc tài của Ngô Đình Diệm.
Cuộc đời của Nhất Linh là minh chứng cao đẹp cho tinh thần yêu nước, cho tấm lòng nhiệt thành với Cách mạng, cho sự cống hiến đối với văn học nước nhà. Ông đã dùng cái chết của mình để cảnh cáo những người cầm quyền bạo ngược, ngang nhiên chà đạp lên tự do và nhân phẩm con người. Lịch sử Việt Nam đẹp hơn khi có Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam.
1.3.1.2. Sự nghiệp văn học
Nhất Linh không chỉ là nhà hoạt động chính trị tích cực mà ông còn được coi là ngôi sao sáng trên văn đàn giai đoạn 1930 - 1945. Ông và những văn nghệ sĩ đương thời cùng chí hướng luôn cố gắng nhằm đem đến cho văn học một diện mạo phong phú, mới mẻ. Nhất Linh không hoàn toàn là nhà văn lãng mạn, những tác phẩm của ông luôn phản ánh nhiều mặt của đời sống hiện thực nóng bỏng. Có như thế mới hiểu tại sao những sáng tác của ông đã hấp dẫn được người đọc trong một thời gian khá dài và sau bao biến chuyển họ vẫn giữ được một cảm tưởng tốt về những tác phẩm đó.
Nhất Linh là người có công trong việc khởi xướng và nâng đỡ tổ chức Tự lực văn đoàn trở thành nhóm cải cách đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Người nghệ sĩ tài năng này đã làm tròn vai trò chủ soái, nói như nhà nghiên cứu Bạch Năng Thi: “Các nhà văn nhóm này học hỏi nhiều ở phương Tây, họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nhất Linh - người đứng đầu nhóm cho nên có thể nói những ưu điểm của Tự lực văn đoàn về cách xây dựng tác phẩm, sáng tạo nhân vật, hành văn... đấy cũng là ưu điểm của Nhất Linh” [20, tr.505]. Có thể nói, trước Cách mạng chưa có một tổ chức văn học nào có sự hoạt động chặt chẽ, có tôn chỉ sáng tác khoa học, chuyên nghiệp như Tự lực văn đoàn.