Khai thác titanium và du lịch: lựa chọn nào là ưu tiên cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Bình Thuận - 11


được sự đồng tình của nhân dân, thường xảy ra khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, hoa màu, đường sá, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của công nhân khai thác titan chưa cao, thường chú trọng lợi nhuận, ít quan tâm tới môi trường. Môt số doanh nghiệp không trực tiếp khai thác mà khoán cho các tổ, các xí nghiệp khác làm, ăn chia theo sản phẩm nên dễ làm, khó bỏ, né tránh trách nhiệm BVMT. Hiện chưa có công trình nghiên cứu đánh giá nguy cơ, mức độ nguy hại của việc khai thác titan tới môi trường.Cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thiếu và yếu, chưa đủ năng lực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy tuyển tinh đang hoạt động, 2 phân xưởng nghiền zircon siêu mịn, 2 nhà máy tuyển tinh thuộc Công ty CP Sài gòn - Hàm Tân, Công ty CP Thương mại & Đầu tư Hợp Long.

* Nói rằng, thế mạnh về titan đang là thách thức lớn của Bình Thuận có đúng không? Tỉnh đề xuất hướng xử lý ra sao để việc quy hoạch, phát triển ngành CN titan hài hòa với công cuộc phát triển KT- XH của địa phương?

Đề án điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ hiện chiếm một diện tích lớn của tỉnh, tập trung tại các khu vực có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, làm cho nhiều dự án KT-XH của tỉnh như du lịch, điện gió không triển khai được.Công tác đầu tư chế biến sâu là vấn đề được tỉnh quan tâm nhưng hiện tại, vẫn chưa có Nhà máy chế biến sâu do việc chuyển giao công nghệ khó khăn; quy hoạch chế biến chưa hợp lý.

Từ những khó khăn, trở ngại vừa nêu, chúng tôi cho rằng: Đối với diện tích nằm ngoài ranh giới điều tra khoáng sản titan trong tầng cát đỏ cần tổ chức thăm dò ngay nhằm xác định các diện tích khai thác hoặc không để tỉnh triển khai các dự án KT-XH khác. Đối với diện tích nằm trong ranh giới điều tra sa khoáng titan trong tầng cát đỏ đề nghị Bộ TN & MT chỉ đạo đấy nhanh tiến độ, sớm có kết luận cụ thể ở từng khu vực; nếu trữ lượng titan tại một số nơi có trữ lượng cần khai thác lâu dài đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có chủ trương và cơ chế đầu tư, đồng thời hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư phát triển các dự án KT-XH tại khu vực khác. Nơi nào trữ lượng thấp, khai thác không hiệu quả đề nghị sớm khoanh định cụ thể, bàn giao lại cho tỉnh để triển khai các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn.

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường31

Hộp C. 4. Một số ý kiến về tiềm năng titanium của Việt Nam và Bình Thuận.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.

Dựa trên số liệu mới nhất của Sở Địa chất Mỹ, tháng 1/2009 (Mineral Commodity Summaries,USA), trên thế giới có 11 nước (trong đó có Việt Nam) với tổng tài nguyên trữ lượng 1.217 triệu tấn titan chiếm xấp xỉ 87% tổng trữ lượng toàn cầu.

Theo giá FOB Australia, ilmenit (54% TiO2) trong các năm 2004 - 2006 là 80 USD/tấn và 2007-2008 là 100 USD/tấn; giá rutil (95% TiO2) là 500 USD/tấn. Giá TiO2 bình quân trong 5 năm qua là 167 USD/tấn và giá titan kim loại là 15.800 USD/tấn. Theo kết quả điều tra, đánh giá ban đầu của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng titan - zircon tại vùng cát đỏ ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và phía Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo lên đến khoảng 400-500 triệu tấn. Với giá 100 USD/tấn, thì tổng trị giá vào khoảng 40-50 tỷ USD. Nếu mỗi năm khai thác được khoảng 2,0 triệu tấn (tương đương với sản lượng khai thác của nước Úc hiện nay), thì doanh thu đạt được hàng năm vào khoảng 200 triệu USD. Do tập trung ở vùng ven biển, nên việc khai thác titan sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường sinh thái và có những tác động không có lợi đến ngành du lịch.

Khai thác titanium và du lịch: lựa chọn nào là ưu tiên cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Bình Thuận - 11

Theo báo cáo của Tổng cụ du lịch, doanh thu của ngành du lịch cả nước năm 2009 đạt khoảng 68.000-70.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,6-3,8 tỷ USD), gấp 18-19 lần doanh thu nếu khai thác và bán được 2,0 triệu tấn quặng titan. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiếp tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu tinh quặng ilmenit (titan) đến hết năm 2010. Sau đó, chỉ cấp phép cho các dự án có chế biến sâu.

Theo Chương trình thăm dò tài nguyên khoáng của Mỹ, tổng sản lượng quặng titan (ilmenit) được khai thác trên toàn thế giới năm 2003 là 5,910 triệu tấn, trong đó Úc 2,06 triệu tấn, Trung Quốc 800 ngàn tấn, Na Uy 800 ngàn tấn, Ucraina 670 ngàn tấn Mỹ và Ấn Độ mỗi nước 500 ngàn tấn, tiếp đến là Việt Nam và Braxin mỗi nước 180 ngàn tấn.

Hàng năm, nhu cầu thế giới cần khoảng 6,250 triệu tấn, với trữ lượng titan đó thấy đủ thỏa nhu cầu tiêu dùng của nhiều loại trong vài trăm năm nữa. Rõ ràng ilmenit, rutil không phải là khoáng sản nóng, hiếm của thế giới. Thị trường ilmenit trong nhiều năm qua khá bình ổn cả về cung và cầu trên toàn thế giới.


31 Tham khảo tại http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/moi-truong-va-cuoc-song/binh-thuan-thach-thuc-truoc-sa-khoang-titan


Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Vinh, TS. Bùi Đức Thắng, Tổng hội Địa chất Việt Nam và các nguồn tin khác.

Hộp C. 5. Vấn đề quản lý khoáng sản theo nhận định của Sở Công thương Bình Định.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Văn Thắng cho hay với quản lý tài nguyên rời rạc như hiện nay nhiều lúc cơ quan quản lý nhà nước phải chạy theo doanh nghiệp để quản lý. Ông Thắng nói thêm, có nắm được trữ lượng của mỏ, địa phương mới quản lý được. Thế nhưng ở Bình Định, doanh nghiệp báo cáo tới đâu thì chính quyền hay tới đó, không thể kiểm tra. Tiếng là giám sát, quản lý, nhưng sở không biết họ khai thác bao nhiêu và trữ lượng mỏ có bao nhiêu. Chúng ta quy định không xuất khoáng sản thô ra bên ngoài, song không biết bằng cách nào, đi đường nào và vào lúc nào, mà khoáng sản Việt Nam khai thác xong cứ "chạy" hết sang Trung Quốc. Ông Thắng đặt vấn đề: "Khai thác khoáng sản nhà nước lợi gì, dân lợi gì, hay chỉ doanh nghiệp là có lợi?". Tài nguyên thiên nhiên theo luật định là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, việc khai thác phải đem lại lợi ích cho đa số nhân dân. Thế nhưng, không những không đem lợi, "Doanh nghiệp khai thác khoáng sản có khi còn phá đường của dân", TS. Vinh nói. "Chỉ đóng vài đồng thuế tài nguyên, cộng thêm "nháy nháy" cho vài quan chức, thế là họ nghiễm nhiên tận thu tài nguyên đất nước". "Doanh nghiệp khai thác xong rồi đi, hệ quả xã hội - môi trường còn lại, đã có nhà nước lo", ông Thắng nói.

Đồng tình, ông Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học - công nghệ VN) nêu quan ngại về cách quản lý tài nguyên theo lãnh thổ, theo ngành hiện nay. Tập đoàn Than - khoáng sản (TKV) được nhà nước cấp phép, khai thác trong phần lãnh thổ của mình, còn địa phương phải lo dọn hậu quả. Ông Hưng dẫn lời một chủ tịch phường ở Quảng Ninh, "mọi hậu quả thì gọi đến phường, còn tàu than ở đâu, phường không được biết".

Nguồn: Theo Vietnamnet32

Hộp C. 6. Trả lời chất vấn cử tri về khai thác titanium tại Bình Thuận.

Hỏi: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết tiến độ khảo sát, đánh giá trữ lượng cát đen trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào? Hiện có bao nhiêu dự án được cấp phép thăm dò, khảo sát? Bao nhiêu dự án được cấp phép khai thác? Việc khai thác của các chủ dự án này có gì sai phạm không? (nhất là việc sử dụng nước biển trong quá trình sàng tuyển cát đen? Ảnh hưởng môi trường như thế nào?). Nếu có sai phạm thì Ủy ban nhân dân tỉnh đã xử lý như thế nào (nhất là đối với một số chủ dự án không thực hiện đúng theo đề án đánh giá tác động và bảo vệ môi trường đã được cho phép). Chủ trương sắp đến của tỉnh về vấn đề khai thác cát đen ra sao? Dự án Khu đô thị Long Sơn - Suối Nước có triển khai không? Nếu có thì khi nào triển khai? Quỹ đất hai bên đường 706B có vướng gì cát đen không? Khi nào có thể khai thác được?

Trả lời:

Đối với Đề án điều tra đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ trên địa bàn tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 864/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng 5 năm 2009, đơn vị chủ trì thực hiện Cục Địa chất và Khoáng sản việt Nam, thời gian thực hiện 2009- 2011. Đề án đã được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện từ tháng 5/2009, hiện nay đang thực hiện công tác ngoài thực địa với khối lượng khoảng 90%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 7 Giấy phép thăm dò cho 6 đơn vị với tổng diện tích gần 1.900 ha.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 khu vực đang khai thác titan, cụ thể:

- Khai thác công nghiệp có 02 đơn vị với diện tích 212,2 ha:

+ Khu vực Gò Đình, xã Tân Hải, La Gi và xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, có diện tích 30,2 ha.

+ Khu vực Suối Nhum, xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, Phan Thiết, có diện tích 182 ha.

- Khai thác thu hồi trên các dự án du lịch có 9 đơn vị với diện tích 374,97 ha:

+ Khu vực xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, diện tích 116 ha, nằm trong Dự án Khu du lịch Cảnh Viên.

+ Khu vực Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, diện tích 36 ha.

+ Khu vực Thiện Ái, thuộc xã Hồng Phong và Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tổng diện tích tại khu vực này khoảng 78 ha, được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác cho 05 đơn vị.

+ Khu vực Dự án Khu du lịch South Fork, xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, có diện tích 121,97 ha.


32 Theo Vietnamnet. http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Moi-anh-om-mot-it-910005/


+ Khu vực Dự án Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân, thị xã La Gi, diện tích 23 ha.

Trong quá trình hoạt động khai thác titan của các đơn vị, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh và các ngành của địa phương kiểm tra hoạt động khai thác của các đơn vị, đối với những khu vực khai thác ảnh hưởng đến môi trường như khu vực Gò Đình, xã Tân Hải, thị xã La Gi và xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam; khu vực Thiện Ái, thuộc xã Hồng Phong và Hoà Thắng, huyện Bắc Bình và khu vực Dự án du lịch South Fork, xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình đã được Sở Tài nguyên và Môi trường và địa phương lập biên bản xử phạt hành chính 19 trường hợp với tổng số tiền 239 triệu (trong năm 2008 và 2009 và đến tháng 5/2010), trong đó đơn vị có nhiều sai phạm nhất là Công ty Cổ phần Khoáng sản Đô Thành và Công ty Liên doanh khoáng sản quốc tế Hải Tinh; đồng thời, yêu cầu thực hiện đầy đủ các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt và khắc phục các sai phạm trong thời gian theo quy định của pháp luật, nếu không thực hiện đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép đã được cấp theo quy định, hiện nay tình hình này có chuyển biến tích cực hơn.

Việc khai thác titan trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường trong khu vực, kết hợp hài hòa các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quyết định của pháp luật, lựa chọn các đơn vị có năng lực tài chính và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, sản phẩm sau khai thác phải chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nghiêm cấm việc vận chuyển quặng thô ra ngoài tỉnh.

Dự án Khu đô thị Long Sơn - Suối Nước. Từ năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hợp đồng với các đơn vị tư vấn để tiến hành khảo sát, quy hoạch Dự án Khu đô thị Long Sơn - Suối Nước. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng titan để xem xét có hay không khai thác titan tại khu vực này trước khi triển khai Dự án Khu đô thị Long Sơn - Suối Nước. Đến nay, Công ty TNHH Phú Hiệp đã thăm dò theo Giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản là 2.906.836 tấn, trong tháng 7 năm 2010 Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc khai thác hay không khai thác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quỹ đất 2 bên đường 706B, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường không xem xét điều tra, thăm dò, khai thác titan tại khu vực này (khoảng cách mỗi bên 500 m).

Nguồn: Công văn số 2957/UBND-TH ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận


Hộp C. 7. Tình huống tận thu titanium trên các dự án du lịch tại Bình Thuận.


Theo quan sát của phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cuối tuần qua, tại bãi biển thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, bên trong diện tích đất rộng mênh mông chạy dọc bãi biển La Gi của dự án du lịch Sài Gòn – Hàm Tân xuất hiện những chiếc máy đãi titan lớn, nằm lọt thỏm giữa những ao nước.

Trên bãi cát trắng lưa thưa vào ngọn cỏ dại, rất khó nhận ra đây là khuôn viên của một dự án resort 200 héc- ta với tổng vốn đầu tư lên đến 150 triệu đô la Mỹ do Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn – Hàm Tân làm chủ đầu tư. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay 7-7, ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thừa nhận, có 2 dự án resort qui mô lớn là resort Sài Gòn – Hàm Tân (thị xã La Gi) và dự án resort Cảnh Viên (huyện Hàm Tân) đã tận thu titan trên diện tích đất dự án được hơn một năm nay.

Ông Giác cho biết, một số dự án resort lớn như Sài Gòn – Hàm Tân hay Cảnh Viên, trong quá trình triển khai xây dựng resort, phát hiện thấy có titan nên tỉnh đã đồng ý cho phép chủ đầu tư khai thác tận thu titan bên trong đất dự án để sớm triển khai dự án du lịch. “Nếu so với dự án được phê duyệt ban đầu, công trình resort Sài Gòn – Hàm Tân đã bị chậm tiến độ khoảng 2 năm”, ông Giác nói.

Chủ đầu tư dự án resort Cảnh Viên trên diện tích 200 héc ta tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân cũng đã xin tỉnh cho phép khai thác titan trước khi triển khai xây dựng khu nghĩ dưỡng cao cấp, biệt thự có cả sân golf.

Theo đánh giá của ông Giác, tình hình khó khăn về vốn những năm gần đây đã khiến nhiều dự án du lịch bị chậm triển khai. Ngoài ra, có một số dự án resort lớn nhỏ chậm triển khai nhiều năm do nhà đầu tư lấy cớ tận thu titan để kéo dài thêm thời gian, đào bới đất đai, gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Bình Thuận đang rà soát lại, nếu thấy dự án nào quá chậm sẽ thu hồi đất. Đối với tình trạng khai thác titan tại các dự án du lịch, ông Giác cho hay từ đầu tháng 7 năm nay trở đi, tỉnh sẽ không cho tận thu nữa, hối


thúc các chủ đầu tư sớm triển khai dự án du lịch.

Mặc dù cho chủ đầu tư resort tận thu titan, nhưng theo ông Giác, lợi ích mang lại cho ngân sách địa phương không lớn bởi lượng titan khai thác được chủ yếu là xuất thô sang Trung Quốc chứ không chế biến sâu theo đúng như chủ trương đề ra của Chính phủ. Hiện giá một tấn titan xuất thô sang Trung Quốc chỉ dao độngtrong khoảng 50-70 đô la Mỹ.

Ông Trần Thế Hùng, Phó Văn phòng UBND thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn bộ lượng titan khai thác được tại thị xã La Gi đều được xuất thô sang Trung Quốc. Có hai công ty đứng ra chuyên đứng ra khai thác titan cho các dự án du lịch tại thị xã là Công ty Tân Quang Cường và Công ty quốc tế Hải Tinh.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online33.


Hộp C. 8. Tình huống xuất khẩu titanium ở tỉnh Bình Định.

Có khoảng 10.000 tấn xỉ titan trị giá 5,8 triệu đô la Mỹ nằm chất đống trong kho ở Bình Định không xuất khẩu được bởi mức thuế áp cho sản phẩm này quá cao, đã đẩy giá thành vượt giá bán trên thị trường thế giới. Đây là thực trạng được ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định phản ánh tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương diễn ra mới đây. Theo ông Phương, việc xuất khẩu xỉ tian đã bắt đầu ách tắc từ tháng 11 năm ngoái. Nguyên nhân là do mức thuế suất đối với sản phẩm này được Bộ Tài chính áp quá cao, ở mức 15%, khiến giá thành sản phẩm bị đội thêm, khó có thể xuất khẩu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phương cho biết, giá thành 1 tấn xỉ titan có hàm lượng 85% đến 90% TiO2 được các doanh nghiệp tính toán là 550 đô la Mỹ. Trong khi đó, giá bán hiện nay trên thị trường thế giới vào khoảng 580 đô la/tấn. Với thuế suất 15%, giá thành mỗi tấn xỉ titan đội thêm 87 đô la nên nếu xuất hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu lỗ 57 đô la/tấn.

Do không xuất hàng, 10.000 tấn xỉ titan có trị giá khoảng 5,8 triệu đô la Mỹ của các doanh nghiệp đang nằm đắp chiếu trong các kho, bãi. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗ nặng do vốn ứ đọng trong khi vẫn phải lo trả lãi tiền vốn vay đầu tư sản xuất. Hiện đã có 3 nhà máy tại đây đồng loạt ngưng hoạt động để cắt lỗ. Đại diện Sở Công Thương Bình Định cho rằng, biểu thuế suất hiện đang được Bộ Tài chính áp cho xỉ titan là bất hợp lý, đánh đồng với quặng titan và tinh quặng titan, xuất phát từ việc hiểu không chuẩn xác về sản phẩm.

Theo ông Phương, những khoáng vật từ các mỏ sa khoáng hoặc mỏ quặng gốc sau khi khai thác, tuyển tách để loại bỏ tạp chất theo các phương pháp khác nhau mới gọi là quặng titan và tinh quặng titan và có hàm lượng tối đa từ 52% - 54% TiO2. Trong khi đó, để có xỉ titan hàm lượng TiO2 từ 85% trở lên phải thông qua công nghệ luyện kim ở từng mức độ khác nhau, tốn kém chi phí vật liệu phụ, năng lượng… “Vì thế, Bộ Tài chính “đánh đồng” quặng titan - tinh quặng titan với sản phẩm đã qua chế biến có chung một mức thuế suất thì quả thật quá bất hợp lý” - ông Phương nói.

Sở Công Thương Bình Định và các doanh nghiệp sản xuất xỉ titan trên địa bàn tỉnh này đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, đề nghị được áp mức thuế suất xuất khẩu xỉ titan từ 0% đến 3%. Bộ Công Thương đề nghị mức 5% . Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh mức thuế suất từ 18% xuống 15%.

Cũng theo ông Phương, thêm một điều bất hợp lý nữa là trong khi sản phẩm xỉ titan là mặt hàng ít có nhu cầu sử dụng trong nước (sử dụng sản xuất que hàn, sản lượng 300 tấn/năm), không ưu tiên nhập khẩu thì lại được Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu 0%.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online34


33 Tham khảo bài viết tại website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/56766/

34 Tham khảo bài viết tại website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/37378/

Xem tất cả 93 trang.

Ngày đăng: 22/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí