Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 10

lưu giữ trong lòng khán giả một điều gì đó. Chính vì thế bên cạnh việc đưa tin, chương trình thời sự ngày 2/4/2007 còn có thêm một phóng sự. Phóng sự cung cấp cho công chúng những hình ảnh xúc động của giờ phút chia tay, những tâm sự của đại biểu còn muốn gửi gắm, những việc làm được và chưa làm được của đại biểu…Trong trường hợp này nếu không sử dụng phóng sự ngắn thì chắc chắn không thể chuyển tải hết yêu cầu của bản thân sự kiện (xem phụ lục).

Trong quá trình phản ánh sự kiện thời sự, ranh giới giữa phóng sự ngắn với một số thể loại khác như tin, tường thuật, ghi nhanh là rất gần nhau. Bởi các thể loại này đều lấy sự kiện thời sự làm đối tượng phản ánh. Thêm vào đó là trong tin cũng có thể có phỏng vấn, có các yếu tố bình luận như phóng sự. trong tường thuật ghi nhanh có điểm tương đồng với phóng sự về mặt thời lượng, phỏng vấn, quan điểm tư tưởng… Mỗi thể loại sẽ mang đến một sắc thái biểu cảm khác nhau tuy nhiên việc xử lý sự kiện như thế nào là tuỳ thuộc vào khả năng nhạy cảm và bản lĩnh nghề nghiệp của người tiếp cận sự kiện. Yếu tố sự kiện thời sự cũng là tiêu chí để phân biệt phóng sự ngắn về chân dung nhân vật với phóng sự chân dung hay gương người tốt việc tốt. Nhân vật chỉ có thể trở thành đối tượng khai thác của phóng sự ngắn khi gắn liền với sự kiện. Chẳng hạn để nói về đạo diễn Daniel Roussel, người có những thước phim đắt giá về chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chương trình Thời sự ngày 7/5/2007 đã xây dựng một phóng sự phản ánh cuộc gặp gỡ giữa Daniel Roussel với đại tướng Vò Nguyên Giáp. Sự kiện gặp gỡ của hai con người “nhiều duyên nợ” càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 53 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hay như phóng sự về nhà thơ Phạm Tiến Duật được thực hiện gắn liền với sự kiện nhà thơ qua đời ( chương trình thời sự 19h ngày 5/12/2007- xem phụ lục)…

Bên cạnh sự kiện thời sự, phóng sự ngắn truyền hình còn khai thác khá hiệu quả các sự kiện vấn đề. Đây là cách để phóng sự ngắn đi sâu phân tích mổ xẻ giải đáp những vấn đề đặt ra từ chính bản thân sự kiện và hiện tượng đời sống. Nói cách khác sự kiện chỉ là cái cớ để tác giả phóng sự tìm thấy những mối liên hệ mang tính bản chất. Điều này hết sức có ý nghĩa bởi nói như nhà báo Bulgari Ivan Ganep thì: “nhà báo không chỉ là người phản ánh sự kiện mà quan trọng hơn còn phải là người khám phá ra hình thể và linh hồn của sự kiện” [ 11, tr.44 ]. Sức nặng cũng như khả năng thuyết phục của phóng sự ngắn được khẳng định nhờ một phần quan trọng trong việc khai thác vấn đề. Cùng một sự kiện nhưng người làm phóng sự hoàn toàn có thể khai thác theo nhiều vấn đề khác nhau. Mức độ sâu sắc của vấn đề mà phóng sự đề cập tuỳ thuộc vào góc nhìn, vào khả năng phân tích mổ xẻ của tác giả. Chẳng hạn trước sự kiện cơ quan điều tra khởi tố vụ án bắt giữ người trái phép ở Công ty cổ phần thu nợ Phương Đông vào ngày 25/5/2007, nhóm phóng viên Trường Sơn, Bùi Tuấn đã khai thác một vấn đề nảy sinh từ sự kiện đó là tính đầy đủ của hành lang pháp lý đối với các loại hình dịch vụ thu nợ. Bằng khả năng phân tích chủ quan, trên cơ sở lập luận của các chuyên gia, của người trong cuộc, phóng sự đã mang tới cho công chúng một cái nhìn khái quát hơn đó là: cần phải ban hành những quy định chặt chẽ theo hướng kinh doanh có điều kiện đối với loại hình doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thu nợ. Bởi theo cách lập luận của phóng sự thì công việc thu nợ luôn đụng chạm đến pháp luật, do vậy nếu người kinh doanh dịch vụ thu nợ không được đặt trong khuôn khổ những điều kiện cần tất yếu sẽ bị lợi dụng hành xử theo kiểu xã hội đen ( xem phụ lục). Trong trường hợp này, nếu chỉ dừng lại với thông tin sự kiện thì công chúng chỉ có thể nhận biết được thông tin về một công ty mang tên Phương Đông sử dụng nhân viên có tiền án tiền sự bắt giữ người trái phép để ép nhận nợ. Nhưng với cách khai

thác vấn đề phía sau sự kiện, phóng sự giúp công chúng hiểu rằng sự việc của công ty Phương Đông chỉ là câu chuyện cụ thể trong khi bản chất của vấn đề nằm ở chỗ hành lang pháp lý đặt ra cho hoạt động kinh doanh đặc thù này còn nhiều kẽ hở.

Trong hoạt động thực tiễn dạng phóng sự khai thác sự kiện vấn đề chiếm số lượng khá lớn so với sự kiện thời sự. Điều này xuất phát từ một thực tế đó là: “không phải ngày nào cũng có những sự kiện lớn xảy ra và không phải sự kiện nào cũng có thể trở thành đề tài cho phóng sự, nhưng các vấn đề cần phân tích giải đáp thì luôn thường trực ở mọi nơi, mọi lúc trong đời sống” [ 12, tr.41]. Khác với thể loại phóng sự nói chung, trong cách khai thác vấn đề, phóng sự ngắn chỉ có thể xử lý và giải quyết một vấn đề. Thời lượng ngắn cộng với đặc thù tiếp nhận của khán giả không cho phép phóng sự ngắn đề cập cùng lúc nhiều vần đề. Nếu sự kiện có nhiều vấn đề cần phải giải đáp thì bắt buộc người làm phóng sự phải lựa chọn một vấn đề tiêu biểu, hi sinh những vấn đề còn lại hoặc phân chia vấn đề qua nhiều kỳ liên tục.

Sự kiện trong phóng sự ngắn dù là sự kiện thời sự hay sự kiện vấn đề đều phải thoả mãn được yêu cầu về tính thời sự, phải được nhiều người quan tâm. Muốn vậy sự kiện của phóng sự ngắn phải đáp ứng được một trong các tiêu chí hấp dẫn của thông tin như mới, nóng, bất thường, gần gũi với công chúng về địa lý, gần gũi với công chúng về tâm lý, liên quan đến người nổi tiếng... Thật khó để một sự kiện hội tụ đầy đủ các tiêu chí nói trên nhưng phải khẳng định rằng đã là sự kiện của phóng sự ngắn thì ít nhất cũng phải có một tiêu chí. Trong đó tiêu chí mới và nóng được xác định là những tiêu chí hàng đầu. “Nóng” là cách gọi của báo chí để nói về những sự kiện vừa xảy ra được nhiều người quan tâm. Còn khái niệm mới vừa bao hàm sự kiện mới xảy ra vừa bao hàm cả những sự kiện cũ nhưng được tái hiện lại dưới góc nhìn mới. Ví dụ: chiến thắng 30/4 không phải là sự kiện mới nhưng bài

học về tạo cơ hội và tận dụng cơ hội trong chiến thắng 30/4 đối với công cuộc xây dựng đất nước hôm nay mà các tác giả Cẩm Nhung, Tô Dũng đề cập trong chương trình thời sự ngày 29/4/2007 lại là một góc nhìn mới (xem phụ lục).


2.2.3. Chi tiết

Theo từ điển Tiếng Việt “chi tiết là phần rất nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng” [ 50, tr.147 ]. Còn trong lĩnh vực báo chí, TS Tạ Ngọc Tấn định nghĩa: “chi tiết là những bộ phận rất nhỏ của sự kiện. Chi tiết có thể là một hành vi, một lời nói, một cử chỉ của con người, một sự vật hay một trạng thái cụ thể của hoàn cảnh diễn ra sự kiện” [ 45, tr.52]. Chi tiết có mặt trong mọi loại hình báo chí (báo viết, báo hình, báo ảnh, báo điện tử); có mặt trong mọi thể loại báo chí (từ bản tin ngắn, bài phản ánh đến những bài bình luận hay phóng sự điều tra dài kỳ…). Có thể nói chi tiết là đơn vị hạt nhân cấu thành tác phẩm báo chí.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Cuộc sống vốn tràn ngập sự kiện và mỗi sự kiện lại tràn ngập chi tiết nhưng không phải chi tiết nào cũng trở thành chi tiết báo chí. Các tác giả Peter Eng, Jeff Hodson đã rất có lý khi đưa ra ví dụ: “Bạn có thể thấy một thương gia bạn phỏng vấn đeo một chiếc cà vạt vẽ hình con voi. Nếu chiếc cà vạt đó không cho thấy một điểm đáng nói nào về thương gia đó thì đừng viết chi tiết đó vào bài. Nhưng nếu thương gia này là người bảo vệ thú hoang dã và đeo cà vạt vẽ hình con voi thì đó là một chi tiết đáng nói” [ 16, tr.72 ]. “Chi tiết đáng nói” hay chi tiết báo chí phải là những chi tiết điển hình, chi tiết có khả năng chuyển tải được thông điệp mà tác phẩm báo chí hướng tới. Theo cách giải thích của TS Đức Dũng thì đấy là chi tiết “chỉ ra được khía cạnh căn bản nhất của sự vật, hiện tượng, phải ở vị trí có tính chất then chốt trong toàn bộ những chi tiết, dữ kiện của sự vật hiện tượng đó” [ 11, tr 85 ].

Nghĩa là thông qua chi tiết, công chúng phải nắm bắt được một điều gì đó đối với sự kiện hoặc vấn đề mà tác phẩm báo chí đề cập. Chính vì vậy một trong những yêu cầu đặt ra cho người làm báo chuyên nghiệp là không chỉ trau dồi năng lực quan sát phát hiện chi tiết mà còn phải biết lựa chọn chi tiết, thậm chí phải biết “hi sinh” chi tiết. Điều này tưởng là đơn giản nhưng trong thực tế lại không hề đơn giản chút nào.

Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 10

Cũng như các thể loại báo chí nói chung, phóng sự ngắn truyền hình được cấu thành từ các đơn vị hạt nhân là chi tiết báo chí. Với đặc trưng thời lượng ngắn, đi thẳng vào sự kiện hoặc vấn đề, phóng sự ngắn được xem là dạng thể loại khá “kỹ tính” trong lựa chọn và sử dụng chi tiết. Sẽ không có chỗ để tồn tại cùng lúc nhiều chi tiết trong khuôn khổ của dạng phóng sự mà thời lượng chỉ cho phép vài ba phút nhưng nếu không có chi tiết thì phóng sự ngắn không bao giờ trở thành phóng sự. Vì vậy chi tiết được lựa chọn trong phóng sự ngắn phải là chi tiết thoả mãn được hai yếu tố: điển hình và độc đáo.

Khái niệm điển hình như cách nói của nhà phê bình văn học Xô Viết Bi-ê- lin-xki là “ giọt nước nhỏ nhưng có thể soi được cả bầu trời”. Thông qua chi tiết điển hình, công chúng có thể hiểu được phần nào bản chất của sự kiện, của vấn đề. Ví dụ trong chương trình thời sự ngày 6/1/2008, nhóm tác giả Việt Hùng - Bùi Tuấn có phóng sự phản ánh thói quen buôn bán vỉa hè gây nên tình trạng lộn xộn trên lòng lề đường ở thành phố Hà Nội. Để minh hoạ cho vấn đề này, tác giả đã lia ống kính máy quay vào hình ảnh một người dân đang mua rau, một người dân đang ngồi ăn trên vỉa hè kèm theo lời bình: “Những hình ảnh như thế này có lẽ đã trở thành quen thuộc đối với nhiều người dân Hà Nội. Một chị viên chức nhà nước trên đường trở về nhà vì ngại vào chợ đã tạt vào lề đường mua mớ rau chuẩn bị cho buổi cơm chiều gây nên ùn tắc giao thông. Một anh công nhân tan ca tranh thủ ghé vào hàng bánh mì vỉa hè để làm một cái chống đói”. Chi tiết chị viên chức

tranh thủ tạt vào lề đường mua rau chuẩn bị buổi cơm chiều hay anh công nhân tranh thủ ăn chiếc bánh mì trên vỉa hè lúc tan ca là những chi tiết khá điển hình cho thói quen mua bán tuỳ tiện của một bộ phận người dân thành thị hiện nay. Tác giả không cần phải nói nhiều về sự tuỳ tiện bởi chỉ cần hai chi tiết nêu trên đã đủ để nói lên tất cả hiện tượng. Tiếp tục phân tích căn nguyên, tác giả đã tìm đến chuyên gia và một chi tiết khá bất ngờ được nêu ra đó là: “người dân thành thị Việt Nam có đặc điểm điển hình của người nông dân”. Những lập luận cụ thể mà phóng sự đưa ra ngay sau đó là một sự xác nhận thuyết phục: “phần lớn dân cư sống tại Hà Nội nói riêng cũng như các thành phố khác đều là nông dân di cư trong vòng mươi mười lăm năm lại nay... Vì thế mọi người đối xử với Hà Nội như cái làng cái chợ quê họ đã sống hàng chục năm về trước là điều dễ hiểu”. Chi tiết khá bất ngờ nhưng lại hết sức điển hình bởi thông qua chi tiết này người xem hoàn toàn có thể giải thích được vì sao tình trạng mua bán lộn xộn trên vỉa hè lòng lề đường từ lâu đã tồn tại như một thói quen, một thói quen chỉ có thể bắt gặp ở các thành thị Việt Nam. Và cũng do vậy buôn bán trên lòng đường vỉa hè nhiều lúc được nhìn nhận như là một nét đặc trưng của văn hoá thành thị, việc nghiêm cấm dẹp bỏ cần đến không chỉ những biện pháp hành chính (xem phụ lục). Chính nội dung thông tin gợi mở phía sau chi tiết đã làm nên giá trị điển hình của chi tiết. Nhìn vào chi tiết điển hình người ta có thể thấy được nhiều hơn là một cái gì đó cụ thể, như cách nói của Eric Fikhtellius là “phải nhìn thấy cái lớn trong cái nhỏ” [ 18, tr.87].

Có thể khẳng định: bất cứ một phóng sự ngắn nào được đánh giá tốt đều phải dựa trên những chi tiết điển hình. Nếu không lựa chọn được chi tiết điển hình thì có thể xem là phóng sự ngắn đã thất bại. Tất nhiên điển hình ra sao và điển hình đến mức nào lại tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khách quan, năng lực cảm nhận và phát hiện của người làm phóng sự…Hầu

hết phóng sự ngắn sử dụng trong chương trình thời sự trên VTV1 đều biết cách lựa chọn, khai thác khá hiệu quả các chi tiết điển hình.

Bên cạnh giá trị điển hình, chi tiết trong phóng sự ngắn còn đòi hỏi tính độc đáo. Độc đáo đồng nghĩa với sự riêng biệt mới lạ, thậm chí bất thường hay như cách nói của nhà nghiên cứu M.I. Sostak đó là những chi tiết thể hiện “sự đỏng đảnh của cuộc sống”. Trong tác phẩm “Phóng sự – tính chuyên nghiệp và đạo đức” (NXB Thông tấn 2003), Sostak giải thích chi tiết đỏng đảnh là những chi tiết “ chớp loé, bất ngờ, không lường trước” [40, tr.29]. Nếu như chi tiết điển hình là điều kiện cần để có một tác phẩm tốt thì chi tiết “đỏng đảnh” là điều kiện cần để có một tác phẩm thú vị. Trong một phóng sự truyền hình, cái có thể gieo vào tâm lý của người xem một cách mạnh nhất, ấn tượng nhất chính là chi tiết “đỏng đảnh”. Người xem sẽ cảm thấy bất ngờ, xen lẫn thú vị để rồi từ đó có thể mở ra dòng suy nghĩ mới. Lấy ví dụ: chương trình thời sự VTV1 ngày 7/3/2007, nhóm tác giả Gia Hiền – Tuấn Bình thực hiện một phóng sự bàn về thỏi son làm đẹp phụ nữ (nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3), trong bối cảnh dư luận đang ồn ào về việc phát hiện chất Xu-đăng độc hại có chứa trong son môi. Phóng sự đã liên tục dẫn dắt người xem thông qua những chi tiết hết sức bất ngờ, thú vị và trong chừng mực cụ thể có thể xem đấy là “chi tiết đỏng đảnh”. Để bàn về thỏi son lẽ ra phải thăm dò ý kiến từ những cô gái trẻ, những người phụ nữ hiện đại nhưng đằng này các tác giả lại quyết định tìm đến một bà cụ già để đặt câu hỏi. Đây thực sự là chi tiết bất ngờ khiến người xem không thể không để ý vì “sự bất thường”. Hỏi xong người già, nhóm tác giả lại tìm đến một cháu bé với lời biện hộ : “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” và câu trả lời nhận được là: “ cháu không thích son môi vì nó hại da lắm”. Lại thêm một chi tiết bất ngờ nhưng bất ngờ hơn là từ chỗ tìm hiểu về thói quen sử dụng son môi, tác giả đột ngột mượn lời cô bé để chuyển sang một hướng thông tin khác: “ Có lẽ

vì Phương Anh còn nhỏ tuổi thôi chứ vài năm nữa lớn lên rồi em cũng thích thú với những cây son xinh xinh cho mà xem. Nhưng câu trả lời của em cũng phản ánh một điều: dường như sự lo ngại về chất lượng một số loại son môi chứa chất độc hại có thể gây ung thư đã tác động không chỉ đến đối tượng sử dụng chính”. Cứ với cách phát triển câu chuyện tưng tửng như thế, phóng sự chuyển sang nói về nỗi lo chất Xu-đăng độc hại có chứa trong son môi. Điều thú vị ở đây là người lo về chất Xu-đăng độc hại lại không phải chị em mà chính là “anh em” khi tác giả phỏng vấn hai người đàn ông. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ để rồi phóng sự kết thúc bằng chi tiết hết sức dí dỏm kèm theo lời bình cũng dí dỏm không kém: “Trên đường phố những pa nô biển báo quảng cáo son môi mỹ phẩm mọc lên như nấm. Cũng hoành tráng không kém gì những tấm panô quảng cáo bia nhắm vào phái mạnh. Vậy thì xét theo khía cạnh nào đó những thỏi son cũng đóng góp vào công cuộc bình đẳng giới đấy chứ. Và như thế chẳng nên bài xích nó chút nào. Nên chăng lời chúc dành cho chị em nhân ngày 8/3 của năm nay sẽ là chúc chị em có làn môi đẹp và an toàn.” Với những chi tiết kiểu như thế này, phóng sự đã kết thúc trong cảm giác bất ngờ của công chúng, một sự bất ngờ dễ chịu giữa bối cảnh ngày quốc tế phụ nữ 8-3. Thật khó để nói rằng đó là những chi tiết điển hình vì nó chẳng điển hình cho một điều gì cả nhưng trong cảm nhận chung đó là chi tiết thú vị, thú vị bởi hàm chứa rất nhiều sự “đỏng đảnh” (xem phụ lục).

Như vậy chi tiết trong phóng sự ngắn được sử dụng khá chọn lọc. Bởi chi tiết chính là điểm nhấn của phóng sự ngắn. Theo phóng viên Văn Thành (Ban Thời sự – VTV1) thì một phóng sự ngắn chỉ cần tạo được dấu ấn thông qua một vài chi tiết đã có thể xem là thành công. Điều này khác với các thể loại dài hơi như phóng sự chuyên đề, phóng sự tài liệu bởi độ dài tác phẩm không cho phép dừng lại với một vài chi tiết cụ thể. Nói cách khác phóng sự

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022