dài đòi hỏi khá nhiều chi tiết và khả năng tạo ám ảnh không chỉ phụ thuộc vào chi tiết.
Cũng cần phải nói thêm do tính chọn lọc cao nên cách thể hiện chi tiết trong phóng sự ngắn là hết sức dụng công. Có rất nhiều cách sáng tạo trong việc thể hiện chi tiết. Có khi chi tiết là một hình ảnh độc đáo, có khi là một lời bình sâu sắc, có khi lại là âm thanh hiện trường sinh động… Nói như các tác giả V.Cudơnhetxốp, X.L Xvích, A.la.Iurôpxki thì “ một câu nói sắc sảo độc đáo có ý nghĩa không thua kém một hình ảnh độc đáo” [ 9, tr.15]. Một phóng sự hay là phóng sự hội tụ được cả chi tiết điển hình, chi tiết độc đáo và bao hàm được nhiều hình thức thể hiện chi tiết khác nhau. Việc lựa chọn chi tiết, sáng tạo hình thức thể hiện chi tiết còn tuỳ thuộc vào bản thân sự kiện, các yếu tố ngoại cảnh nhưng phải khẳng định rằng khả năng quan sát nắm bắt cuộc sống của người làm phóng sự là rất lớn.
2.2.4. Quan điểm tư tưởng
Quan điểm tư tưởng là một vấn đề lớn của báo chí nói chung. Thể hiện quan điểm tư tưởng nghĩa là báo chí công khai bày tỏ thái độ, lập trường, chính kiến của mình trước sự kiện hiện tượng. Việc vận dụng quan điểm tư tưởng như thế nào trong hoạt động sáng tạo thực tiễn lại đang còn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên bộc lộ quan điểm tư tưởng trong tác phẩm báo chí bởi đây là cách để báo chí khẳng định tiếng nói khách quan đồng thời tôn trọng vai trò tích cực chủ động của công chúng. Theo Claudia Mast thì “ “lý thuyết về sự mâu thuẫn trong nhận thức” không thừa nhận một công chúng thụ động có thể chịu ảnh hưởng của những thông tin truyền thông. Theo lý thuyết này thì mỗi người đều thiên về tiếp thu những quan điểm và tin tức không trái ngược với những định kiến của mình. Anh ta nhận thức thế giới xung quanh một cách có chọn lọc”[ 32,
tr.41 ]. Điều này có thể diễn đạt theo một cách khác đó là: trước một sự kiện mỗi cá nhân có một cách cảm nhận đánh giá riêng, vì thế báo chí không có lý do gì lại đi làm hộ phần việc của từng cá nhân công chúng. Line Ross cho rằng: “người đưa tin không phải xác định lập trường, ủng hộ hay đã kích bất cứ ai hoặc cái gì hoặc “tư duy thay cho công chúng của mình”, anh ta chỉ bám lấy sự kiện và thuật lại một cách hoàn toàn khách quan và vô tư.” [39, tr.106 ]. Còn theo các tác giả G.V.Cudơnhetxốp, X.L Xvích, A.Ia.Iurôpxki thì: “sẽ là tai hoạ nếu nhà báo tự coi mình là “ nhà sư phạm xã hội” và sẽ dạy dỗ mọi người trên màn hình về cách sống của mọi người” [ 8, tr.64 ]. Trên thực tế việc cố gắng khách quan đến mức tối đa trong quá trình đưa tin đang là nguyên tắc của nhiều tờ báo lớn trên thế giới. Richard S.Salant, chủ tịch Hãng truyền hình CBS News (Mỹ) tuyên bố: “Các phóng viên của chúng tôi không đưa tin theo quan điểm riêng của họ. Họ trình bày tin tức không theo quan điểm của ai cả” [ 39, tr.105 ]
Lại có ý kiến cho rằng báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị xã hội và do vậy biểu thị quan điểm tư tưởng là vấn đề không thể tách rời. Nhà văn Xô Viết Mác-xim Goóc-ky lập luận: “ một nhà báo khẳng định “tôi nói sự thật” thì phải hỏi thêm: “sự thật nào và để làm gì” [40, tr.28]. Tác giả M.I.Sostak khi bàn về tính chuyên nghiệp và đạo đức của phóng sự đã công khai tuyên bố: “khi làm rò sự thật về sự kiện, tốt hơn là nên dựa vào các “ý kiến” mà không nên chỉ dựa vào sự việc trần trụi của phóng sự”. [40, tr.40]
Cho dù còn nhiều tranh luận khác nhau nhưng vẫn phải khẳng định nguyên tắc khách quan là nguyên tắc không thể thay thế của báo chí. Tuy nhiên khách quan đến mức nào lại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố bởi trong thực tế có quá nhiều lý do để báo chí không thể khách quan. Ngay đến các nhà lý luận phương Tây cũng phải thừa nhận: “ dù có từng trải đến đâu thì hành động của nhà báo vẫn mang dấu ấn chủ quan của mình, ngay cả khi họ cố
gắng để hành động có giữ khoảng cách và khách quan” [ 32, tr.84 ]. Do vậy thật khó để có cái gọi là “khách quan tuyệt đối” trong sáng tạo báo chí. Điều này đồng nghĩa: dù muốn hay không thì trong từng chừng mực cụ thể báo chí vẫn cứ phải bộc lộ quan điểm tư tưởng.
Phóng sự ngắn truyền hình là một phần của báo chí nói chung đồng thời là dạng thể loại thường xuyên xuất hiện ở trung tâm dư luận nên không thể không bộc lộ quan điểm tư tưởng. Bộc lộ quan điểm tư tưởng là cách để phóng sự ngắn bày tỏ thái độ dứt khoát trước sự kiện hiện tượng và xa hơn là góp phần định hướng dư luận. So với các thể loại khác, phóng sự ngắn có nhiều ưu thế trong việc định hướng dư luận. Ưu thế lớn nhất của phóng sự ngắn chính là khả năng tác động nhanh, mạnh, khả năng chuyển tải thông tin tối đa trong một khuôn khổ thời lượng tối thiểu. Ưu thế này rất phù hợp với tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng, đặc biệt là những công chúng quan tâm đến thời cuộc, quan tâm đến đời sống chính trị xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 8
- Kết Cấu Nội Dung Của Phóng Sự Ngắn Truyền Hình
- Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 10
- Ứng Dụng Phóng Sự Ngắn Trong Chương Trình Thời Sự Trên Vtv1
- Xu Hướng Báo Chí Tác Động Tới Chất Lượng Phóng Sự Ngắn Truyền Hình
- Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình - 14
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
Một đặc điểm khá nổi bật trong việc thể hiện quan điểm tư tưởng của phóng sự ngắn đó là thông qua ý kiến của các chuyên gia, chính trị gia và người liên quan; thông qua lựa chọn đối tượng phỏng vấn cũng như sử dụng trích đoạn phỏng vấn. Điều này nói lên rằng phóng sự ngắn luôn cần đến một quan điểm thái độ dứt khoát rò ràng. Người xem phải được phân biệt đúng sai, trắng đen qua từng sự kiện hay vấn đề mà phóng sự ngắn đề cập. Đặc điểm này phản ánh tính thông tấn rò nét của phóng sự ngắn. Bên cạnh đó yếu tố thời lượng ngắn và sự phụ thuộc vào tổng thể chương trình cũng đòi hỏi một sự rò ràng rành mạch về mặt ý nghĩa thông tin. Bởi ngay sau khi xem xong phóng sự này người xem sẽ được dẫn dắt để xem tiếp những tin tức hay phóng sự khác, do vậy không có nhiều thời gian cho phép họ suy nghĩ về ý tứ sâu xa của phóng sự vừa đề cập.
Thể hiện quan điểm tư tưởng là điều không thể tách rời trong phóng sự ngắn nhưng hình thức thể hiện lại phải hết sức nhuần nhị. Nhuần nhị nghĩa là tác giả phóng sự không được để lộ thiên kiến cá nhân, không được áp đặt quan điểm lên sự kiện nhưng vẫn phải làm thế nào để giúp người xem phân biệt được tính đúng sai của sự kiện. Đúng như phát biểu của nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp Michel Voirol: “Một nguyên tắc vàng đối với nhà báo vẫn phải là sự nghiêm túc trong thông tin. Khi viết phóng sự nhà báo chỉ được phép truyền cảm xúc của mình qua các sự việc được lựa chọn và chỉ qua các sự việc mà thôi, không bình luận lộ liễu” [ 52, tr.57]. Đây tưởng chừng như là một mâu thuẫn nhưng mâu thuẫn sẽ được giải quyết nếu người làm phóng sự có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có vốn sống vốn hiểu biết xã hội sâu sắc, khả năng ứng xử linh hoạt... Chỉ có thể như vậy mới tạo cho người xem tâm lý không phải chịu sự áp đặt nhưng lại bị thuyết phục bởi những cảm nhận vô hình. Ví dụ để tuyên truyền cho việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, chương trình thời sự 19h ngày 17/9/2007 đưa ra vấn đề “tai nạn giao thông từ góc nhìn chấn thương sọ não” của tác giả Kim Hải. Phóng sự không hề đưa ra bất cứ lời khuyến cáo nào cho người tham gia giao thông rằng nên hay không nên đội mũ bảo hiểm nhưng thông qua những hình ảnh, những chi tiết hãi hùng về chấn thương sọ não khi bị tai nạn giao thông người xem sẽ tự rút ra kết luận: hãy đội mũ bảo hiểm. Điều này được thể hiện rất rò qua lời dẫn của phóng sự: “Xung quanh quy định về đội mũ bảo hiểm bắt buộc khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, có người đồng tình, có người không đồng tình. Đồng tình hay không đồng tình là tuỳ quan điểm của từng cá nhân, chúng tôi xin không bình luận. Phóng sự mà chúng tôi đề cập dưới đây sẽ đưa ra một góc nhìn, hi vọng sau khi xem xong mỗi người có thể tự rút ra cho bản thân một điều gì đó” (xem phụ lục). Một ví dụ khác: nhân kỷ niệm ngày
thương binh liệt sỹ 27/7, nhóm phóng viên Trần Uy- Tô Dũng đã thực hiện một phóng sự phản ánh về những bất cập trong chính sách đầu tư cho các vùng đất chịu nhiều tàn phá trong chiến tranh, (chương trình Thời sự 19h ngày 24/7/2007). Nhóm tác giả đã chọn xã Cam Chính huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị để triển khai phóng sự. Phóng sự bắt đầu bằng một hình ảnh nói về sự thiệt thòi trong điều kiện sản xuất: “Vào những ngày này, những người dân ở đây chỉ còn biết khoanh tay ngồi nhìn những cây lúa chết vì hạn hán. ở phía đằng kia có nguồn nước nhưng lại thuộc địa phận xã khác mà ở đó người ta lại không mở cửa cống để nước chảy qua bên này…”. Tiếp đó tác giả đã đi vào phân tích hoàn cảnh khó khăn của các gia đình trên vùng đất không chỉ bị tàn phá trong chiến tranh mà đến nay nồng độ đi-ô-xin trong lòng đất vẫn còn cao gấp 13 lần cho phép. Cuối cùng phóng sự chốt lại vấn đề: “Thông thường đối với những vùng đất như thế này người ta thường nói đến 3 cấp độ đầu tư: đầu tư bù đắp để đền đáp những thiệt thòi do chiến tranh gây ra, rồi đến đầu tư tạo sức bật để theo kịp những vùng đất khác, cuối cùng mới là đầu tư bình đẳng. Nhưng ở đây xã Cam Chính đang được đầu tư ngay ở mức bình đẳng” (xem phụ lục). Phóng sự không hề lên giọng “đao to búa lớn” theo kiểu các nhà hoạch định chính sách cần phải thế này, cần phải thế kia đối với những vùng đất từng chịu nhiều đau thương như xã Cam Chính nhưng không vì thế mà mất đi tiếng nói phản biện, tiếng nói đấu tranh. Điểm mấu chốt ở đây chính là các tác giả đã xử lý khá nhuần nhị trong việc biểu thị quan điểm tư tưởng. Thay vì biểu thị công khai, quan điểm của phóng sự được lồng ghép vào các chi tiết, các lập luận và người xem hoàn toàn có thể tự rút ra điều mà phóng sự muốn nói.
Việc thể hiện quan điểm một cách nhuần nhị không chỉ tôn trọng nguyên tắc trung thực khách quan của báo chí mà còn tôn trọng tâm lý tiếp nhận của công chúng. Điều này hết sức có ý nghĩa trong điều kiện trình độ dân trí
ngày càng nâng cao, tiến trình dân chủ hoá xã hội được mở rộng hơn, trách nhiệm công dân, trách nhiệm cá nhân được khẳng định…Tuy nhiên ranh giới giữa sự nhuần nhị và không nhuần nhị là hết sức mong manh. Nếu xử lý không thực sự khéo léo trong cách thể hiện quan điểm tư tưởng thì rất có thể sẽ làm cho phóng sự trở nên sống sượng, tạo cảm giác tuyên truyền áp đặt một chiều, thậm chí như cách nói của một nhà lý luận phương Tây rằng đó “chỉ là cái “đài truyền” không công cho các quyền lực kinh tế hay chính trị muốn lợi dụng phương tiện truyền thông để xúc tiến lợi ích riêng của họ”[39, tr.32].
****
Bất cứ nội dung tác phẩm báo chí nào cũng đều được cấu thành trên cơ sở các yếu tố đề tài, sự kiện, chi tiết, quan điểm tư tưởng và mỗi một thể loại tác phẩm báo chí lại có cách lựa chọn, tổ chức đề tài, sự kiện, chi tiết, quan điểm theo những tiêu chí khác nhau. Các yếu tố cấu thành nội dung trong phóng sự ngắn truyền hình chịu sự chi phối của những dấu hiệu đặc trưng riêng có về mặt thể loại.
Đề tài, sự kiện, chi tiết, quan điểm tư tưởng trong phóng sự ngắn truyền hình là một chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt bởi một trật tự lôgíc nhất định. Trật tự đấy được xác định trên cơ sở: một sự kiện, một quan điểm và một giá trị thông tin cốt lòi. Đấy có thể xem là tinh thần chung về mặt nội dung của phóng sự ngắn truyền hình. Kết cấu nội dung của phóng sự ngắn vừa được nhìn nhận trên cơ sở đặc điểm và cách thức tổ chức từng yếu tố thuộc về nội dung vừa được nhìn nhận trên nền tảng của mối liên hệ xuyên suốt giữa các yếu tố thuộc về nội dung. Tất cả hợp thành chỉnh thể nội dung của phóng sự ngắn mà trong một chừng mực tương đối người xem hoàn toàn có thể phân biệt được với chỉnh thể nội dung của các thể loại khác.
* Bumerang là dụng cụ câu nhử con mồi của thổ dân Austraylia dùng trong hoạt động săn bắt (Đặc điểm của dụng cụ bumerang là sau khi tung ra câu nhử con mồi chúng lại tự động quay trở về điểm xuất phát)
TIỂU KẾT
1. Sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung và sáng tạo phóng sự ngắn truyền hình nói riêng là hoạt động mang đậm dấu ấn chủ quan. Năng lực chủ quan là nhân tố quyết định chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên sự sáng tạo bao giờ cũng phải dựa trên một nền tảng lý luận nhất định, lý luận càng vững vàng thì năng lực sáng tạo càng dồi dào. Lý luận mang đến những tiêu chí về mặt khoa học định hướng cho hoạt động sáng tạo. Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình là một phần của lý luận chung về phóng sự ngắn. Người làm phóng sự ngắn có thể không ý thức rằng cần phải sáng tạo dựa trên các nguyên tắc kết cấu mỗi lần thực hiện phóng sự nhưng các nguyên tắc kết cấu sẽ chi phối phương pháp của người làm phóng sự một cách tự nhiên nhất. Nói cách khác dù muốn hay không muốn, dù ý thức hay không ý thức, người làm phóng sự ngắn đều phải tuân thủ theo một số dạng kết cấu nhất định. Đấy là những dạng kết cấu được hình thành từ các yếu tố lý luận và thực tiễn mà tiêu chí của chúng được lặp đi lặp lại một cách có quy luật.
2. Phóng sự ngắn truyền hình là một chỉnh thể về nội dung và hình thức, do vậy kết cấu phóng sự ngắn truyền hình chính là kết cấu về nội dung và hình thức. Kết cấu nội dung của phóng sự ngắn truyền hình được xác định dựa trên các yếu tố cấu thành nội dung là đề tài, sự kiện, chi tiết và quan điểm tư tưởng. Các yếu tố cấu thành nội dung phóng sự ngắn truyền hình phải được lựa chọn tổ chức sắp xếp theo những tiêu chí và trật tự đặc thù. Không
những thế giữa chúng còn được xâu nối bởi một lôgíc mang tính xuyên suốt đó là giá trị thông tin cốt lòi hay là thông điệp mà phóng sự gửi gắm.
Kết cấu hình thức của phóng sự ngắn truyền hình là sự sắp xếp tổ chức các yếu tố thuộc về mối liên hệ bên ngoài tác phẩm. Theo đó kết cấu hình thức phóng sự ngắn truyền hình tồn tại phổ biến ở các dạng: kết cấu tuyến tính, kết cấu theo kiểu lấy điểm để nói diện, kết cấu theo kiểu diễn giải vấn đề và kết cấu song hành. Mỗi một dạng kết cấu có một số tiêu chí sáng tạo mang tính đặc thù tạo nên sự khác biệt trong từng dạng thức kết cấu.
3. Kết cấu về mặt hình thức lẫn nội dung của phóng sự ngắn truyền hình được trình bày trong luận văn dựa trên cơ sở vận dụng lý luận chung về sáng tạo tác phẩm báo chí cũng như khảo sát thực tiễn hoạt động sáng tạo của các phóng viên thời sự VTV1. Đây là những dạng kết cấu tồn tại phổ biến và những tiêu chí của nó xuất hiện một cách thường xuyên, mang tính quy luật. Tuy nhiên xét một cách toàn diện thì đấy cũng chỉ là sự phân tích và đúc kết dựa trên một số kết quả khảo sát cụ thể. Trong thực tế chắc chắn còn tồn tại nhiều dạng kết cấu sinh động và hiệu quả khác mà luận văn chưa thể đề cập và phân tích đầy đủ. Thêm vào đó sự phân biệt giữa các dạng kết cấu không phải bao giờ cũng rò ràng khúc chiết. Điều này phù hợp với thực tiễn hoạt động sáng tạo phong phú của đội ngũ làm phóng sự ngắn truyền hình cũng như xu thế vận động biến đổi giao thoa không ngừng giữa các thể loại báo chí và giữa các tiêu chí sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung.
4. Kết cấu phóng sự ngắn truyền hình là cơ sở cho việc sáng tạo của người làm phóng sự ngắn truyền hình. Người làm phóng sự sẽ phát huy tối đa năng lực sáng tạo khi đã có một nền tảng vững vàng về lý luận kết cấu. Do vậy lý luận về kết cấu không chỉ đưa ra những định dạng về mặt khoa học, giúp người làm phóng sự ngắn không bị “lệch đường” mà còn tạo ra tiền đề cho việc tiếp cận những cách làm mới sinh động, hiệu quả.